talawas:
Thưa chị Lê Minh Hà, gần đây một số tác phẩm đã xuất bản ở bên ngoài của chị được in lại ở trong nước và tác phẩm sắp tới của chị sẽ in ở trong nước mà không in ở bên ngoài. Có thể coi chị là một sự hoà hợp may mắn giữa văn học Việt trong nước và văn học Việt ngoài nước không?
Lê Minh Hà (LMH): Tôi mới có một tập và một số bài báo in ở nhà. Còn tất cả chỉ là dự định. Mới thế mà đã may mắn trở thành một sự hòa hợp may mắn trong văn học Việt đương thời??? Tên tôi, tôi không nghĩ đã là quen thuộc trong sinh hoạt chữ nghĩa đối với đông đảo người đọc tại Việt Nam.
Không, viết ở nơi này được đọc ở nơi kia phải coi là sự thường và đã là sự thường trong sinh hoạt văn chương của chúng ta, nhất là trong điều kiện thông tin hiện nay. Dốt lâu khó đào tạo kĩ thuật như tôi mà còn nghiền đọc qua mạng đủ thứ cơ mà. Trước Lê Minh Hà đã có một Ðỗ Kh. với
Kí sự đi Tây, một Nguyễn Mộng Giác với bộ tiểu thuyết đồ sộ
Sông Côn mùa lũ, gần đây là Phạm Hải Anh được tìm đọc từ trong ra ngoài rồi lại từ ngoài vào trong, là Mai Ninh. Chưa có thống kê đầy đủ và đây là một danh sách mở. Khi những trường hợp này không được coi như hiện tượng thì mới có thể coi đó là may mắn cho sự phát triển của văn học Việt, không chia tách trong ngoài. Chung một ý nghĩa đó là việc tác giả trong nước được người Việt sinh sống bên ngoài quê hương đón nhận nồng nhiệt trong tinh thần lụy tiếng Việt, như Nguyễn Huy Thiệp của một thời, của
Những ngọn gió Hua Tát,
Những người thợ xẻ, Bài học nông thôn, Thương nhớ đồng quê... như Phạm Thị Hoài thời
Thiên sứ, Mê lộ, như Nhật Tuấn với
Ði về nơi hoang dã, như Bảo Ninh với
Nỗi buồn chiến tranh, Phan Thị Vàng Anh và vân vân. Ðây cũng là một danh sách mở.
Ðã viết, đã cho in, không ai không mong có nhiều người tìm đọc. Việc có thể in ở đâu cũng được, và quan trọng hơn: việc được đọc, như một hình thức đối thoại ngầm của nghệ thuật chữ, ở cả trong lẫn ngoài nước sẽ là chuyện hiển nhiên của một nền văn học mà chúng ta mong muốn, phải không, và vào lúc này, có thể nói là may mắn của những người viết chăng?
talawas: Cái "sự thường" ấy đang là một thực tế phổ biến hay còn là ngoại lệ ít ỏi? Ðộ mở của cái "danh sách mở" ấy rộng đến đâu?
LMH:
Bắt đầu là ngoại lệ.
Sau đó là thực tế.
Tiếp diễn là hiển nhiên.
Ðường xa.
Có đường nào không xa trong sự trở lại với chính mình, càng không dễ nói trước điều gì khi minh là người Việt, của Việt Nam hiện nay. Nhưng có thể nói ngay rằng điều kiện mở của danh sách tác giả và tác phẩm trong nước được in và đọc ở ngoài nước dễ dàng hơn so với chiều ngược lại.
talawas: Vậy vì sao chị chọn cuộc sống ở ngoài nước, ở Ðức? LMH: Sống ở đâu và viết ở đâu cũng nhất thiết phải là một câu hỏi ư? Một không gian địa lí để sống có lẽ không phải là một chọn lựa quan trọng lắm cho sự động đậy của một ngòi bút. Nhà tôi có những lí do riêng để chọn Ðức làm nơi cư trú cho cả gia đình, trong đó có một lí do liên quan đến vợ ông ấy: Khí hậu châu Âu thích hợp với sức khoẻ vốn cực kì ọp ẹp của tôi trong điều kiện mưa nắng quê nhà.
talawas:
Chị không cho rằng môi trường sống có tác động đáng kể đến sáng tác ư? LMH: À, nếu hiểu môi trường sống rộng hơn những điều kiện địa lí thì dĩ nhiên nó phải có tác động đến người viết. Một cách nào đó, thế nào điều kiện sống cũng sẽ để lại những vết cào trong cảm thức của người viết. Nhưng lực tác động của môi trường xúc cảm mạnh nhẹ thế nào lại phụ thuộc khá nhiều vào kinh nghiệm sống, học vấn cũng như kinh nghiệm nghệ thuật của chủ thể tiếp nhận. Sự hiểu của tôi cho thấy ở một số người viết, điều kiện sáng tác trên quê hương hay bên ngoài quê hương không để lại một dấu ấn nào trong trang viết ngoại trừ đề tài.
talawas:
Trong bài viết gần đây về người Việt và văn học Việt ở Ðức, anh Nguyễn Văn Thọ-một tác giả cũng sống tại Ðức- thấy trong sáng tác của chị một "cuộc sống tha hương với nỗi đau nhức nhìn ngược về quê hương" và sự "chín dần sau những mùa đông dài lê thê ở xứ người"...
LMH: Tác phẩm văn học là một chỉnh thể, sẽ biến đổi khi được tiếp nhận từ những cấp độ đọc khác nhau của nhiều người đọc khác nhau. Trong điều kiện thông tin hiện nay, nếu một người Việt có định cưu mang một
nỗi đau nhức nhìn ngược về quê hương thì không nhất thiết phải chuẩn bị cho mình một
cuộc sống tha hương với
những mùa đông dài lê thê ở xứ người. Với những điều kiện thể chất riêng, chính mùa đông đất Bắc với tôi mới gọi là dài. Sống bên ngoài quê hương, chúng ta có thêm điều kiện để thiết tha với quê hương mình trong những chiều kích mới. Hiểu chữ tha hương như là sự dịch chuyển kinh tuyến vĩ tuyến liệu có là đơn giản quá không nhỉ? Anh Nguyễn Văn Thọ là một người viết, sống trong những điều kiện địa lí như tôi hiện nay, nhưng tôi không nghĩ tôi chung với anh Thọ kinh nghiệm yêu thương cũng như kinh nghiệm nghệ thuật.
talawas:
Việt Nam và Ðức tuy không có chung một chương sử thuộc địa hay chiến tranh, nhưng lại có những tương đồng đặc biệt: Ðều bị chia thành hai quốc gia theo thể chế chính trị khác nhau trong thời chiến tranh lạnh, và ngày nay đều đã thống nhất. Tại Việt Nam, Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) chấm dứt năm 1975. Tại Ðức, Cộng Hoà Dân Chủ Ðức (CHDCD) chấm dứt năm 1989/1990. Nhưng trong cộng đồng Việt tại Ðức, dường như có một bộ phận không nhỏ vẫn tiếp tục sống trong VNCH và một bộ phận không nhỏ khác tiếp tục sống trong CHDCÐ. Chị quan hệ thế nào với cái di sản đó của lịch sử?
LMH: Chưa bao giờ tôi có mặt trong một đại nhạc hội, nơi mà nhiều đồng hương của chúng ta vẫn tìm được niềm vui chung dù ra đi từ Nam hay Bắc sau 1975 và khác nhau nhiều hơn nữa ngoài cái sự khác nhau về thời điểm đến Ðức này. Nhưng tôi từng rất vui ở những đêm nhạc đêm thơ, ở nhiều cuộc giao tình mà nhìn quanh chẳng mói thêm được một gương mặt nào sinh ra và lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa như mình. Và ngược lại, như cá lội được về ao giữa những người có chung vui buồn tuổi nhỏ tuổi lớn, nơi này. Bè bạn của chúng tôi có người cho đến bây giờ vẫn còn nguyên đau khổ vì
tháng tư đen, vì mất nước (Việt Nam Cộng Hoà) và khi làm khách ở nhà tôi, họ đã được mời thưởng thức giọng hát Quý Dương, Trung Kiên với những
Ca ngợi Hồ Chủ Tịch,
Bài ca Trường Sơn. Và ngược lại, tôi khuân sang tận Berlin tùy bút Võ Phiến cho bạn học cũ chưa có cơ hội đọc và cũng chả có ý định tìm đọc, bắt đọc và bắt nghe
Ta làm gì cho hết nửa đời sau, Nghĩ đắt vô cùng giá tự do, Khi tôi chết hãy đưa tôi ra biển của Cao Tần, Thanh Nam, Du Tử Lê. Tại sao không? Khi đó là điều kiện để hiểu nhau! Cái gọi là di sản của lịch sử đó nó vẫn từng ngày tự biến qua từng cá nhân có khả năng phê phán khách quan. Anh Nguyễn Văn Thọ tác giả của bài viết về người Việt tại Ðức và vân vân vừa rồi đã từng qua điện thoại hỏi tôi địa chỉ các tạp chí văn hóa văn chương của người Việt ở ngoài nước và đề nghị tôi giới thiệu. Nói chung, tôi thoải mái là tôi giữa những cộng đồng nhỏ của người Việt nơi này, một khi có quan hệ. Và tôi nghĩ ai cũng thế thôi, nếu biết trọng mình và trọng nhau, thương mình và thương nhau. Khi làm quen rồi thân thiết với ai ở bên ngoài quê hương, chúng tôi không đặt trước cho mình điều kiện người đó từ miền đất Việt nào tới đây, với kinh nghiệm lịch sử nào. Nhưng dĩ nhiên, mọi mối giao tình đều có những điều kiện riêng mới trở thành thân thiết. Tôi đã học được nhiều điều từ trong quan hệ với nhiều người khác tôi về quan niệm, cá tính, kinh nghiệm sống trong quá khứ. Thu nhập lớn nhất từ đó là tập/ biết cảm thông và chấp nhận khác biệt ở nhau. Thế cho nên bây giờ, đôi khi, tôi đã thoáng nghĩ là trong thời mình, có lẽ chúng ta rồi cũng không cần chung sống mãi với di sản lịch sử này nữa. Nó sẽ trở thành đồ cổ, một thứ đồ cổ quý không phải vì là bằng chứng lịch sử một thời, mà vì hàm chứa bài học lịch sử với khả năng lay tỉnh không bao giờ cũ với người Việt.
talawas:
Chị muốn nói đến bài học lịch sử nào?
LMH: Mỗi người sẽ rút ra bài học đó theo cách của mình, tiêu pha nó bằng vốn sống, bằng trí tuệ riêng. Mới đây, tôi có dịp xem hàng loạt phim phóng sự do nhà báo nước ngoài thực hiện về Việt Nam, Việt Nam của bốn mươi năm trước khi chiến tranh lan rộng, Việt Nam của thời hậu chiến. Những cuộc họp tổ ba người. Ca mổ dưới ánh đèn tạo bằng chuyển động của xe đạp. Sài Gòn váy ngắn áo dây và những bài đồng ca giữa vùng giải phóng. Những chiếc tàu đưa người vượt biển trông như thể được đóng bằng tôn nát. Hà Nội Sài Gòn chật ních người trang phục như sắp lên vũ trụ bây giờ. Phát khóc, tự hào và cay đắng. Là người Việt lụy tiếng Việt, lụy dưa cà mắm muối kiểu Việt, tôi vẫn muốn nhắc với mình rằng phải học trọng mình và thương mình, trọng nhau và thương nhau, như một cách thế tránh làm lại một lịch sử cũ. Thương nhau, nhưng đừng chỉ trên tinh thần
bầu bí. Mà thôi, ở mỗi người viết, có ngẫm nghĩ gì thì thấu đáo chăng phải tìm trên trang viết. Tôi có đả động đến điều này ở một loạt truyện cổ viết lại, xin xem một đôi truyện như
Tấm Cám,
Gióng, hay
An Dương Vương.
talawas:
Làm lại một lịch sử nào đó bằng tình thương và trọng lẫn nhau, như thế liệu có phần hơi ngây thơ không?
LMH: Có thể lắm, nếu như sự biết - tôi nhấn mạnh chữ
biết, nghĩa là phải học - thương và trọng mình, thương và trọng nhau không dẫn tới một sự biết mới: chấp nhận (và khoái chí vì) khác biệt. Nhưng ngay cả không như thế, tôi vẫn muốn giữ cho mình khả năng ngớ ngẩn này. Rõ là phải đặt tên mới cho sự ngây thơ trong trường hợp này phải không ạ?
talawas:
Cuốn tiểu thuyết mà chị sắp xuất bản trong nước có tiếp tục mạch "truyện cổ viết lại" không? Có nguy cơ gì nếu đi tiếp mạch ấy?
LMH: Rồi có thể lại thấy phải cãi vã với mình trước một huyền thoại Việt nào đó trong một điều kiện cụ thể nào đó chăng? Ví như vừa rồi viết
Gióng là nhân thư của cậu cháu ruột sinh viên, kể rằng một giảng viên trẻ ở trường Tổng hợp đã đoan chắc tôi sẽ viết lại câu chuyện này, vì đó là một câu chuyện đặt lại nhiều vấn đề trong thời ta đang sống. Cách suy luận huyền thoại của anh ấy - Nguyễn Xuân Thạch - rất thú vị. Tuy nhiên, tôi đã viết lại câu chuyện này theo cách cảm của tôi, khác hẳn. Cũng vì thế mà tôi chưa đóng mạch, nhưng cũng không định cắm cổ viết tiếp. Bản thảo mới cuả tôi không phải là
giã sử.
Là bởi vì câu hỏi
Có nguy cơ gì nếu đi tiếp mạch ấy cũng là câu tôi hỏi mình. Chẳng cứ mạch ấy mà mạch nào cũng đặt trước ta một nguy cơ. Tôi đã học được qua nghề giáo một điều: nói và viết hay mấy mà dai quá cũng thành lảm nhảm, và cần tập đổi chỗ với người nghe người đọc. Là người đọc của mình, tôi ngấy tôi rồi.
talawas:
Trước khi viết văn chị là giáo viên Văn tại một trong những trường PTTH danh tiếng ở Hà Nội. Vì sao chỉ một việc bình thường như viết đúng ngữ pháp cũng là khó khăn, ngay cả với nhiều người đang hoạt động trong khu vực báo chí truyền thông và thậm chí với không ít nhà văn Việt Nam? Chương trình dạy Văn trong trường phổ thông đã thất bại chăng?
LMH: Phải nói lại: trước khi hiện diện như một người viết, chứ không phải là trước khi viết. Có thể có người rất thành công ở nhiều phương diện và đột nhiên lại nhận ra mình sẽ thành công tiếp trong nghệ thuật chữ. Tôi không có cái may mắn ấy bởi thực ra hì hục với văn chương từ bé. Mười mấy năm đi học, mỗi năm đến trường nhiều lắm được ba tháng, đọc liên miên rồi tập tễnh viết, chẳng sướng sao. Ra đời với nghề giáo, dạy chuyên văn Hà Nội Amsterdam, tôi phải kể thế để nói ngay rằng học trò trường tôi rất giỏi, giỏi trước khi là học trò của chúng tôi. Cho nên chưa bao giờ tôi phải băn khoăn về kết quả lao động của giới mình nếu không có hai năm dạy ở một trường trung học bình thường và không có những mùa chấm thi. Dĩ nhiên, ngành giáo dục đang có rất nhiều vấn đề, nói như cô bạn thân là quan chức của tôi mới gọi điện cho từ Thụy Sĩ,
vấn đề có nghĩa là vấn đề, là khó khăn ấy mà. Nhưng vấn đề đó đâu phải mới phát sinh, tôi coi đó là hậu quả của một cách định hướng, yêu cầu, thẩm định mấy chục năm rồi ở Việt Nam, chẳng cứ trong một ngành, càng chẳng cứ trong phạm vi hẹp là dạy và học văn. Chúng ta hay thở dài nói tới chuyện dạy và học văn, khi đặt nó trong tương quan chất lượng với dạy và học toán học lí học hoá, những mũi nhọn trong công nghệ tuyển thi đại học. Thế nhưng nếu rà xét lại toàn bộ việc xây dựng và thực hiện chương trình của các bộ môn, như sử địa, như tin học, như kĩ thuật, nữ công, thể dục, đặc biệt là tin học, nữ công, thể dục thì... Có thể hình dung thế này không nhỉ: giáo dục quyết định tương lai xa và động chạm hiện tại gần của hầu hết mọi gia đình ở Việt Nam mình, lúc này giống như bộ phận đầu tiên văng ra khỏi một cỗ máy. Tuy nhiên, tôi không tuyệt vọng, khi nhớ rằng chúng ta đã toàn từ mái trường xã hội chủ nghĩa mà đi, khi nhận được thư của, ví dụ như con gái bạn tôi. Viết hay đến thế ở tuổi ấy thì xứng đáng là nỗi kinh hoàng của giáo viên văn. Nếu có điều gì làm tôi sợ, là áp lực dạy và học ở nhà mình hiện nay, là việc học trò bây giờ không còn một không gian thời gian nào ngẫm nghĩ hoặc để làm rỗng đầu một cách cần thiết bằng việc chơi, chơi thật sự. Nếu có điều gì làm tôi mong, là được đọc trên báo chí trong nước không phải chỉ những suy nghĩ tâm huyết và đầy trí tuệ mà là những quyết định đầu tư cải cách giáo dục một cách cụ thể như là bấy lâu nay tôi đọc được từng ngày trên báo chí Ðức bên này. Nói thật, tôi chán ngấy việc ở nhà mình người trí tuệ tâm huyết cứ phải
nên chăng, còn người chịu trách nhiệm thì chỉ thấy
phải, cần toàn việc trên trời.
Còn chuyện
chỉ một việc bình thường như viết đúng ngữ pháp cũng là khó khăn, ngay cả với nhiều người đang hoạt động trong khu vực báo chí truyền thông và thậm chí với không ít nhà văn Việt Nam, tôi chỉ có một câu trả lời: tại sao những người
chỉ một việc bình thường như viết đúng ngữ pháp cũng là khó khăn lại được thừa nhận là nhà văn hay nhà báo? Trả lời câu trả lời này của tôi e chúng ta lại phải vùng ra khỏi cái khuôn văn chương ta đang cố ép mình vào.
talawas: Từ hơn một tuần nay, độc giả tại Việt Nam không còn truy cập được trang talawas nữa và dư luận cho rằng talawas đã bị tường lửa...
LMH: Nghe kinh nhỉ, hai chữ tường lửa. Ai cũng biết rằng những hoạt động chính trị thì chưa chắc có văn hoá. Nhưng hoạt động văn hoá văn nghệ thì bao giờ cũng là biểu hiện của một thái độ chính trị, đi theo hay vỗ vai nhau cùng tiến thì tùy vị thế mà nghĩ. Mấy hôm nay theo dõi talawas, đọc được suy nghĩ nhiều chiều, tôi thích sự thẳng thừng của nhà văn Châu Diên khi bình về
hạ sách này (chữ dùng của nhà thơ Dương Tường). Tôi cũng thú vị với phỏng đoán rằng có thể đây chỉ là đòn hạ độc của một ai đó khi thấy tên mình hiện diện trên talawas không gây ấn tượng như mình muốn. Chứ không à? Nếu chỉ một cán bút của một ai đó không thích thấy tên mình trên talawas nữa đủ làm xoay cả cái đầu văn hóa tư tưởng của chế độ nhà mình!
Thế talawas đã định vị lại mình chưa mà hỏi tôi câu này? talawas là báo trong luồng hay ngoài luồng? Các tác giả trong nước xét về mặt hành chính thì là người ngoài luồng hay trong luồng? Ta là ai? Thời nào con người công nhiên hỏi mình câu đó nếu xét lịch sử Việt Nam hiện đại? ta-là-was, ta là cái gì? Ngoài luồng trong luồng cùng thống nhất đặt mình trước câu hỏi này, xác lập mình trước câu hỏi này, điều ấy đã bao giờ được coi là chỉ dấu dương trong sự vận động của tâm trạng xã hội ở Việt Nam mình?
Bão xa thì chưa thật đáng ngại. Tôi là ngưòi rất quan tâm tới tin thời tiết, vì lí do sức khỏe.
talawas:
Xin cảm ơn chị Lê Minh Hà.
Lê Minh Hà sinh năm 1962 tại Hà Nội, tốt nghiệp khoa Ngữ Văn trường Đại học sư phạm 1 Hà Nội 1983, dạy học tại Hà Nội 1984-1994, hiện sống tại Limburg (Đức).
Tác phẩm:
Trăng goá (Thanh Văn, California),
Gió biếc (Văn Mới, California),
Thương thế...ngày xưa (Văn Mới, California),
Những giọt trầm (Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội).
Cộng tác với các tạp chí Văn Học, Hợp Lưu, Văn (California), Diễn Đàn (Paris), Tia Sáng (Hà Nội)...
© 2004 talawas