© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
25.5.2004
Anatoli A. Sokolov
Văn hóa và văn học Việt Nam trong những năm đổi mới (1986-1996)
Vân Trang dịch
 
Lời người dịch: Bài này được viết cách đây 8 năm, tác giả tặng một số bạn bè người Việt trước khi đưa in trong một cuốn sách của Viện Đông phương thuộc Viện HLKH Nga, nơi ông làm việc. Tôi thấy bài này tuy hơi cũ nhưng còn có ích, nhất là khi giới nghiên cứu Việt Nam còn chưa đủ sự nghiêm túc cần thiết trong tiếp cận đề tài này. Vì vậy, xin chuyển bài này tới những ai có quan tâm.
I.

Tháng 12.1986 tại Hà Nội, Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra chương trình đổi mới: cải cách rộng rãi kinh tế xã hội của đất nước. Cái khí hậu tinh thần được biến đổi ấy động chạm đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội Việt Nam. Những thay đổi ấy biểu hiện trước hết ở đời sống tinh thần trong nước, và những sự kiện tiếp theo chứng tỏ những nỗ lực đáng kể của giới trí thức đất nước nhằm thoát khỏi những khuôn khổ cứng nhắc của một nền nghệ thuật và văn hóa đã bị ý thức hệ hóa.

Một cột mốc quan trọng trong quá trình những cải cách đang mở màn đó là cuộc gặp gỡ của Tổng bí thư đương nhiệm lúc đó của Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh với các nhà hoạt động văn học nghệ thuật Việt Nam vào các ngày 6 và 7.10.1987 ở Hà Nội. Tại cuộc gặp mặt này có rất nhiều đại diện của giới trí thức sáng tác trong nước: nhà văn, nhà điện ảnh, nhà hoạt động sân khấu, nhà kiến trúc, nhạc sĩ, nhà hoạt động nghệ thuật tạo hình.

Cuộc gặp bắt đầu bằng việc trình chiếu cuốn phim tài liệu Hà Nội trong mắt ai của đạo diễn Trần Văn Thủy, nói về lịch sử nhiều thế kỷ của Hà Nội, về nhân dân Việt Nam, người sáng tạo ra nền văn hóa dân tộc. Trong phim tác giả diễn tả một nỗi đau chung cho số phận của những giá trị văn hóa dân tộc, những di tích lịch sử ở thủ đô Việt Nam bị tàn phá bởi thời gian, bởi thiên tai, bởi binh lửa chiến tranh, và ngày nay chúng còn bị hủy hoại bởi sự vô trách nhiệm của các quan chức nhà nước. Bằng việc nói về quá khứ nước mình, Trần Văn Thủy buộc người xem phải suy nghĩ xem vì sao có sự băng hoại những nền tảng đạo đức tinh thần của dân tộc, kêu gọi những nỗ lực chung nhằm giải quyết vấn đề gìn giữ di sản văn hóa dân tộc cho các thế hệ tương lai.

Phim Hà Nội trong mắt ai hoàn thành từ năm 1983 nhưng lần đầu tiên được trình chiếu chính thức tại cuộc gặp gỡ này của Nguyễn Văn Linh với các nhà hoạt động văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Sự đánh giá tích cực của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam về bộ phim này đã tạo ra không khí cởi mở, tin cậy. Các phát biểu của các nhà văn, nghệ sĩ, đạo diễn, nhà báo nói rõ các vấn đề đã dồn tích lại: sự không tương ứng giữa lao động nghệ thuật và việc trả thù lao, về quan hệ giữa các tổ chức đảng ở các địa phương với những người làm văn hóa nghệ thuật, về tính phiến diện một chiều của sự thông tin mà những người sáng tác được biết, v.v. [1]

Chính Nguyễn Văn Linh cũng phát biểu tại cuộc gặp này. Bài nói của ông trình bày cả một loạt luận điểm mang tính nguyên tắc cho thấy những đặc điểm của hiện trạng văn hóa nghệ thuật đất nước. Nói chung, bài nói ấy được giới trí thức Việt Nam tiếp nhận như lời kêu gọi cộng tác tích cực nhằm xây dựng lại đời sống tinh thần của đất nước; chính bài nói ấy quyết định những ý đồ dân chủ hóa xã hội Việt Nam sẽ diễn ra sau đó, bởi vậy dưới đây cần dừng lại tỉ mỷ hơn. [2]

Trước hết Nguyễn Văn Linh nêu ra ba "điểm nhức nhối" gắn với trạng thái đã định hình trong văn hóa nghệ thuật đất nước:

Một là, trong vấn đề vai trò của văn hóa và nghệ thuật, trong suốt nhiều năm qua, lãnh đạo đảng đã hạ thấp và coi thường vai trò của văn hóa và nghệ thuật, vai trò của các nhà văn, nhà hoạt động văn hóa và nghệ thuật trong đời sống xã hội"...

Hai là, lãnh đạo đảng có sự không dân chủ, sự ngạo mạn, sự áp đặt trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật.

Ba là, đã có sự sai lầm, sự bất công trong chính cơ chế quản lý và tổ chức, trong chủ trương và chính sách mà đảng và chính phủ thực hiện đối với các nhà hoạt động văn hóa và nghệ thuật". [3]

Chính những khuyết điểm nhược điểm ấy, - Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh, - là nguyên nhân những khó khăn trong đời sống của các nhà hoạt động văn học và nghệ thuật "vốn là những người sản xuất thứ hàng hóa cao cấp cho xã hội". Thêm nữa, ông còn nhận xét rằng so với thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và xâm lược Mỹ, "thành tựu văn học và nghệ thuật thập niên gần đây... nghèo nàn", mặc dù "thời gian gần đây xuất hiện một loạt tác phẩm tốt, được khen ngợi, nhưng vẫn còn ít", v.v...

Lần đầu tiên một nhà lãnh đạo cấp cao của đảng có sự đánh giá như vậy đối với đời sống văn học và nghệ thuật của đất nước. Và rất gây hy vọng cho những người dự họp là những lời của Nguyễn Văn Linh nói rằng "Ban chấp hành trung ương đảng hiện này đang nỗ lực sửa chữa các khuyết điểm, và việc đó mở ra con đường đổi mới. Cuộc đổi mới của chúng ta sẽ trở thành cuộc cách mạng toàn diện và triệt để, đó sẽ là đổi mới tư duy, đổi mới chính trị, đổi mới cán bộ..."

Cũng rất được quan tâm là vấn đề "tháo gỡ" mà nhiều người tham dự cuộc gặp nói đến. Bản thân Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh rằng "việc tháo gỡ trước hết là từ phía đảng. Chính đảng phải "cởi trói và gỡ mối" trong công tác tổ chức, trong chính sách, trong các quy chế, v.v." .Phát biểu của ông cũng chứa đựng sự hô hào thủ tiêu những biểu hiện của chủ nghĩa quan liêu trong lĩnh vực văn học và nghệ thuật, việc này được gọi là "công tác cấp bách đối với đảng và chính phủ". Với mục tiêu ấy, một hệ thống các quy chế và quy tắc cần thiết đảm bảo cho sự phát triển đời sống tinh thần trong nước đã được dự trù khởi thảo.

Trong khi kêu gọi các nhà hoạt động văn học và nghệ thuật bộc lộ rộng rãi hơn nữa những sáng kiến trong công tác sáng tạo, Nguyễn Văn Linh đồng thời nhận xét: "Nhiều nhà văn và nhà hoạt động nghệ thuật trong các phát biểu của mình đã nói rằng họ sợ sự cấm đoán và sự trừng phạt... Sợ một cái gì đó treo lơ lửng trên không, nó còn đáng sợ hơn cả kiểm duyệt. Đó là nỗi sợ những "ý kiến" của một ai đó mà theo đó họ sẽ bị kết án rằng sáng tác của họ không hợp với quan điểm lập trường của đảng, rằng sáng tác của họ đối lập với đường lối chính sách của đảng..."

Phát biểu của Tổng bí thư đặc biệt nhấn mạnh vai trò và tầm hệ trọng của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa [4] , nó "cần phải củng cố ở con người mới một niềm tin lớn vào tương lai và giúp họ vượt qua khó khăn. Bạn đọc của chúng ta cần thấy ở các tác phẩm nghệ thuật ánh sáng chứ không phải bóng tối". Ông nhắc nhở rằng văn học và nghệ thuật có thể thực hiện sứ mệnh của mình là đi đầu xã hội về đời sống tinh thần nếu bản thân những người sáng tác học được cách nhận biết những mầm mống của cái mới và cái tiên tiến, do vậy "không nên miêu tả con người mới như một cái gì hoàn hảo, thánh thiện, không có nhược điểm."

Lời kết thúc của Nguyễn Văn Linh được các nhà hoạt động văn hóa và văn học Việt Nam cảm nhận như một chương trình hành động tích cực: "Cùng với sự đổi mới đã bắt đầu từ sau đại hội VI của Đảng, các nghị quyết của đại hội đã mở rộng cửa cho các bạn. Mặc dù cửa đã được mở, nhưng không có nghĩa là từ lúc ấy mọi sự đều tốt đẹp, dễ dàng. Con đường chúng ta đi không phải đường trải nhựa bằng phẳng mà là con đường quanh co, nhiều ổ gà... Những người tốt, những việc tốt sẽ sinh sôi nảy nở nếu những người xấu, những hiện tượng tiêu cực bị thanh toán. Khó khăn hiện nay là dám gạt bỏ lề thói khoe khoang..."

Cuộc gặp này của thủ lĩnh đảng Việt Nam với các đại diện của giới trí thức sáng tác, và sau đó, bản nghị quyết của Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Việt Nam ("Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và văn hóa, mở rộng khả năng sáng tạo, đẩy văn học và nghệ thuật lên trình độ phát triển mới") đã có được sự cộng hưởng xã hội rộng lớn, có sự tác động mạnh mẽ đến quá trình đổi mới trong nước; điều này được tỏ rõ bằng vô số sự kiện của một đời sống văn hóa đã trở nên rất năng động ở Việt Nam. Đời sống đất nước bước vào một thời kỳ mà ta có thể mệnh danh là "mùa xuân Hà Nội", thời kỳ mà văn học và nghệ thuật Việt Nam dường như bừng tỉnh khỏi kiểu tồn tại nhiều năm trong những khuôn khổ hệ tư tưởng đã được ấn định. Hoạt động của các hội sáng tác trở nên sống động, vai trò của báo chí tăng lên. Những tên tuổi và những tác phẩm trước đây bị cấm đoán nay được trở lại với nghệ thuật dân tộc; trên các ấn phẩm định kỳ người ta thảo luận các vấn đề cốt thiết của tồn tại xã hội Việt Nam.

Trong nền điện ảnh của đất nước diễn ra những biến cố rất hệ trọng: đại hội thường kỳ thứ ba Hội điện ảnh Việt Nam mà tại đó những nhân sự mới được bầu vào ban lãnh đạo; xuất hiện những phim truyện như Bao giờ cho đến tháng MườiCô gái trên sông của đạo diễn Đặng Nhật Minh, người từng giành được vinh quang một nghệ sĩ của tấn kịch tâm lý; các phim hài kịch châm biếm sắc sảo Thị trấn yên tĩnh Quả bom câm của đạo diễn trẻ Lê Đức Tiến, người đã sử dụng thành công truyền thống văn hóa cười dân gian và các nguyên tắc ngôn ngữ xi-nê hiện đại.

Sân khấu có những vở diễn đáng chú ý mà sự thành công được xác định bởi chính chất liệu kịch nghệ, bởi sự sắc sảo và chất sống thường nhật của các vấn đề được đưa lên sàn diễn. Các vở được công chúng và các nhà phê bình chú ý là Mùa hè ở biển Lập xuân của Xuân Trình, Lịch sử và nhân chứng của Hoài Giao.

Nhiều thành tựu của sân khấu Việt Nam hiện đại là gắn với hoạt động của Nhà hát Tuổi trẻ ở Hà Nội, trên sàn diễn này đã dàn dựng những vở nổi tiếng nhất của nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ, tử nạn bi đát năm 1988 trong một tai nạn ô tô. Chưa đầy bốn mươi tuổi, ông đã công bố một tập thơ, hai tập truyện ngắn, một số khá lớn bài phê bình và trở thành một hiện tượng thực sự của sân khấu Việt Nam hiện đại: trong khoảng 10 năm ông đã sáng tác hơn 30 tác phẩm kịch cho sân khấu truyền thống và sân khấu hiện đại. Kịch của ông thường được dàn dựng bởi các đạo diễn sân khấu hàng đầu: Dương Ngọc Đức, Nguyễn Đình Nghi, Phạm Thị Thành. Các vở Tôi và chúng ta, Mãi mãi tuổi 17, Nguồn sáng trong đời và nhất là Hồn Trương Ba da hàng thịt đã đạt tất cả mọi kỷ lục về khán giả. Vở kịch này, theo ý kiến của giới phê bình Việt Nam, là tác phẩm xuất sắc nhất trong di sản sáng tác của nhà viết kịch này. Truyền thuyết (dân gian) làm cơ sở cho vở kịch này với chất phúng dụ (allegorie) của mình vốn dĩ gây được sự đồng cảm của những người Việt ngay ở thời nay.

Tuy nhiên phải thừa nhận rằng vai trò lớn nhất trong sự hình thành bầu không khí xã hội mới ở trong nước là thuộc về những người viết văn. Ai cũng rõ là nhiều biến chuyển trong xã hội thường bắt đầu từ giới trí thức. Mà ở các xã hội phương Đông (khác với phương Tây) tiếng nói nhà văn thường vang lên như alternative duy nhất của chính quyền.

Ngay từ sau các biến cố quan trọng nhất, - văn học và nghệ thuật Việt Nam đã cảm thấy sự tất yếu của những thay đổi. Dấu hiệu căn bản nhất của quá trình phức tạp này là việc từng bước thoát ra khỏi các khuôn (stereotypes) tư tưởng trước đây. Thực tế mới đòi hỏi nhà văn phải có một thái độ khác, mới về chất đối với con người, với tư cách một cá nhân, một cá thể, chứ không chỉ với tư cách một đơn vị của một tập thể xã hội này hay khác, vốn là nét đặc trưng cho văn học thời gian trước.

Đến giữa những năm 80, văn học Việt Nam ngày càng tích cực khai thác những đề tài mới, vì vậy điều hợp lý là những thành tựu đáng kể nhất của thơ ca và văn xuôi hiện đại nước này chính là gắn với những tác phẩm như vậy. Có kết quả nhất và đáng hứa hẹn nhất, trước tiên ở bình diện nghệ thuật, là hướng được gọi là văn xuôi tâm lý xã hội. ở đây trước hết phải kể các tiểu thuyết của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Khải nhan đề Thời gian của người trong đó hành động của các nhân vật gắn bó hữu cơ với sự vận động của dân tộc trong tiến trình lịch sử chung; của Ma Văn Kháng nhan đề Mùa lá rụng trong vườn, thể hiện một cách thuyết phục quan điểm của tác giả: đồng nhất một gia đình với cả một nước, hòa khí và sự hài hòa bên trong gia đình với sự thống nhất của toàn dân.

Xét ở văn cảnh của những tìm tòi về phong cách và thể loại thì hiển nhiên đáng chú ý là những truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu (tập Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành và tập Bến quê) và của Dương Thu Hương (tập Chân dung người hàng xóm), thơ của Thanh Thảo (tập Khối vuông rubic) và Ý Nhi (tập Người đàn bà ngồi đan), văn chính luận nghệ thuật mà các bút ký thường dùng trên báo chí định kỳ. Nhưng tác phẩm chỉ rõ sự chuyển hướng sang thời kỳ phát triển mới của văn chương Việt Nam, lại là tiểu thuyết Thời xa vắng, nó thuộc về ngòi bút một nhà văn thế hệ giữa là Lê Lựu. Tiếng vang rộng rãi và sự hưởng ứng tích cực của người đọc đối với cuốn sách này và nhiều cuốn sách khác chẳng những cho thấy những tìm tòi về tư tưởng và nghệ thuật của các nhà văn, mà còn xác nhận rằng giới trí thức Việt Nam đã sẵn sàng bắt tay vào quá trình xây dựng lại đời sống tinh thần của đất nước.

Một dấu hiệu quan trọng nữa của cuộc đổi mới đang bắt đầu, đó có thể là những bước đi đầu tiên nhằm xóa đi "những vệt trắng" trong lịch sử văn học đất nước. Đó trước hết là việc đưa trở về cho bạn đọc và cho văn hóa đất nước những tên tuổi và tác phẩm đã bị bỏ quên hoặc bị mất mát một cách không xứng đáng (chủ yếu do những nguyên nhân có tính cách hệ tư tưởng) khỏi tiến trình văn học.

Chẳng hạn, ngày 31.12.1987 tại thành phố Hồ Chí Minh có hội thảo khoa học nhân 75 năm ngày sinh nhà văn Việt Nam danh tiếng Vũ Trọng Phụng (1912-1939), người mà sáng tác từng là một hiện tượng nổi bật của văn học Việt Nam những năm 30. Một thời gian dài, các tác phẩm của ông không được in lại, tên tuổi nhà văn chỉ còn được nhắc đến trong văn cảnh phê phán. Trong một bài báo đăng ngày 17.1.1988 trên một nhật báo cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Việt Nam, tờ Nhân dân, ông được mệnh danh là "nhà văn hiện thực xuất sắc". Bản thân sự kiện cuộc hội thảo này, do Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, Viện nghiên cứu văn hóa và khoa ngữ văn trường sư phạm địa phương đồng tổ chức [5] , đã tỏ rõ một thái độ đã thay đổi đối với con người và sáng tác của Vũ Trọng Phụng. Thời gian gần đây ở Việt Nam, nhiều tác phẩm của ông được in lại.

Cũng một sự trở về sáng giá như thế đối với văn chương nước này là việc in các tập thơ của Nguyễn Bính (1918-1966), và Hàn Mặc Tử (1912-1940); thơ trữ tình của hai người này nhiều năm dài đã bị triệt bỏ khỏi đời sống tinh thần của người Việt. Lần sinh hạ thứ hai của thơ ca họ thật sự trở thành sự kiện trong đời sống văn hóa đất nước, nhiều tờ báo đăng những bài viết riêng về cuộc đời và sáng tác của hai nhà thơ này. Một điều rất nên kể nữa là số phận Nguyễn Bính, người mà các nhà nghiên cứu là đồng bào với ông thường mệnh danh là "Essenin Việt Nam" do sự tương đồng đến mức đáng ngạc nhiên về cảm quan thi ca, do chất gia trưởng thôn quê trong cách nhìn cuộc sống con người.

Ngày 1.2.1988 tại Hà Nội có phiên họp Ban thư ký Hội nhà văn Việt Nam, tại đó đã thông qua quyết định khôi phục hội tịch (khôi phục quy chế hội viên hội sáng tác này) cho các nhà văn Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Hoàng Tích Linh. Tên tuổi những người này gắn với hoạt động hồi nửa sau những năm 50 của nhóm văn học Nhân Văn - Giai phẩm, nhóm mà thời gian ấy đã bị phê phán kịch liệt do vi phạm nguyên tắc tính đảng của văn học nghệ thuật. Tất cả những sự kiện này cho thấy những biến đổi quan trọng trong đời sống tinh thần đất nước.

Cũng cần ghi nhận vai trò gia tăng của báo chí: sự phát ngôn của báo chí mang tính nguyên tắc, tính phê phán nhiều hơn. Về mặt này cần kể tên những ấn phẩm đều kỳ như Văn nghệ, Tuổi trẻ, Đại đoàn kết, Lao động, và các báo, tạp chí khác, phần lớn đều hỗ trợ cho những biến đổi tích cực trong xã hội Việt Nam. Một ví dụ hiển nhiên về uy tín gia tăng của các phương tiện truyền thông đại chúng là "vụ Thanh Hóa" khá chấn động, khi mà những trường hợp tùy tiện của nhà cầm quyền ở tỉnh Thanh Hóa, những trường hợp xâm hại quyền dân chủ của con người đã bị phanh phui và công khai hóa, nhờ sự can thiệp của các nhà báo. Do việc thanh tra các sự việc mà báo chí đăng tải, viên bí thư thứ nhất đảng bộ tỉnh đã bị cách chức.

Một trong những thủ lĩnh đổi mới về tinh thần ở Việt Nam là tuần báo Văn nghệ-ấn phẩm về văn học nghệ thuật hàng đầu trong nước, đặc biệt là vào thời kỳ 1987 - 1988, khi người đứng đầu cơ quan ngôn luận này là nhà văn, nhà chính luận nổi tiếng Nguyên Ngọc. Xung quanh tờ tuần báo này đã tập hợp những nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động văn hóa cảm nhận tích cực nhất những tư tưởng về cải tổ đất nước mình.

Trên tờ Văn nghệ công bố những tư liệu lý thú liên quan đến lịch sử và hiện trạng văn học đất nước, khơi lên những thảo luận rộng rãi về vai trò, nhiệm vụ của văn học trong văn cảnh các quá trình đang diễn ra trong xã hội Việt Nam. Rất nhiều bài vở từ báo chí nước ngoài (trước hết là Liên Xô) đã giới thiệu với bạn đọc Việt Nam những sự kiện văn học quan trọng nhất trên thế giới, điều này hiển nhiên hỗ trợ tích cực cho sự hình thành những nguyên tắc thẩm mỹ mới và một phê bình văn học mới.

Trong sự khẳng định những tư tưởng nghệ thuật - thẩm mỹ mới, môn phê bình của Việt Nam đóng vai trò lớn, uy tín của phê bình tăng trưởng rõ rệt. Trên các Tạp chí Văn học, Văn nghệ quân đội, trên tuần báo Văn nghệ và các ấn phẩm đại chúng khác thường xuyên có những bài viết phân tích nghiêm túc quá trình văn học ở Việt Nam và ở nước ngoài, thường xuyên đăng những tư liệu lược thuật. Các thông tin từ nước ngoài được dành cho khá nhiều chỗ, các tư liệu bài vở từ báo chí Xô Viết (Literaturnaya gazeta, Voprosy literatury) v.v., được đăng tải khá thường xuyên. Trên thực tế, mọi sự kiện quan trọng của đời sống văn học Liên Xô đều được phản ánh trên báo chí Việt Nam. Được đặc biệt chú ý là những bài vở gắn với những tên tuổi như Boris Pasternak, Andrei Platonov, Anna Akhmatova và các nhà văn Xô Viết khác.

Vào thời kỳ này trên báo chí Việt Nam có sự bút chiến về viễn cảnh phát triển của nền văn học của đất nước. Có thể đoán nhận các hướng tranh cãi qua nhan đề các bài vở được đăng tải: Vì một hội đoàn nghề nghiệp đích thực (Nguyễn Mạnh Lân, Văn nghệ, 3.3.1988), Về quan hệ giữa sự quản lý và tự do sáng tác trong văn học và nghệ thuật (Trần Độ, Nhân dân 19.3.1988), Đổi mới trong văn học và phẩm chất đạo đức của người hoạt động văn nghệ (Hồ Sĩ Vịnh, Nhân dân 20.3.1988), Năm mới nói chuyện cũ: tự do sáng tác trong văn học nghệ thuật (Phong Lê, Văn nghệ quân đội, 1988, số 2), v.v.

Một sự kiện đáng kể trong đời sống phê bình văn học là tập sách Một thời đại văn học mới (Hà Nội, Nxb. Văn học, 1987) trong đó bao gồm bài viết của những nhà nghiên cứu hàng đầu: Nguyễn Đăng Mạnh (Một cuộc cách mạng sâu sắc trong lịch sử văn học dân tộc; Điểm qua bốn mươi năm phê bình văn học Việt Nam hiện đại); Trần Đình Sử (Con người trong văn học Việt Nam hiện đại); Lại Nguyên Ân (Sự phát triển các thể loại trong văn học Việt Nam mới), Vương Trí Nhàn (Bốn mươi năm phát triển ngôn ngữ văn học), Ngô Thảo (Sự hình thành nhà văn kiểu mới). Công trình này nổi bật trước hết ở tinh thần sáng tạo mới, từ lập trường nguyên tắc tính của nghệ thuật chủ nghĩa hiện thực mà phân tích và lý giải các phương diện khác nhau của sự phát triển nền văn học dân tộc qua lát cắt thời gian lịch sử 1945-1985.

Một nhân tố được gọi là ngoại lai đã có ảnh hưởng tích cực hiển nhiên đến quá trình văn học ở Việt Nam thời kỳ này: đó là văn học dịch. "Địa dư" và phạm vi đề tài - thể loại được mở rộng đáng kể; các tác phẩm của những tác giả nước ngoài được xuất bản bởi các nhà xuất bản ở trung ương cũng như ở các địa phương. Khối lượng văn học dịch tăng trưởng rõ rệt; văn học các nước tư bản chủ nghĩa và các nước "thế giới thứ ba" ngày càng được chú ý nhiều hơn. Ví dụ cuối những năm 80 - đầu những năm 90 đã in tác phẩm của nhiều nhà văn xuất sắc phương Tây: Heimingway, M. Frisch, R. Durrenmatt, A. Moravia, v.v... Trên thị trường sách Việt Nam, văn học các nước xã hội chủ nghĩa vẫn có vị trí chủ chốt như trước, và vai trò của văn học Xô Viết vẫn có ảnh hưởng chủ đạo đến tiến trình văn học ở Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các nhà xuất bản Việt Nam giới thiệu cho bạn đọc của mình những tác phẩm đáng kể nhất của các tác giả Xô Viết, nhất là những tác giả đang thu hút chú ý, - như Đoạn đầu đài của Tch. Aitmatov, Trinh thám buồn của V. Astafiev, Áo choàng trắng của M. Dudintzev, Tất cả ở phía trước của V. Belov, Những đứa con của phố Arbat của A. Rybakov, Chức vụ mới của A. Bek, Đám mây vàng đậu lại... của A. Pristavkin, v.v... Những tác phẩm này được đưa tin rộng rãi trên báo chí, các đoạn trích của chúng được đăng tải trên báo chí, và một số tác phẩm về sau được xuất bản thành sách riêng.

Cần phải kể sự đóng góp của tuần báo Văn nghệ trong việc phát hiện các tên tuổi mới trong văn học Việt Nam, điều này trước hết gắn với việc công bố tác phẩm của nhà văn trẻ Nguyễn Huy Thiệp mà văn xuôi của anh trở thành một sự kiện thực sự trong văn học cả nước những năm 80.

Truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn Huy Thiệp Tướng về hưu được đăng ngày 20.7.1987 đã thực sự làm rung động xã hội Việt Nam, chia nó thành hai phe chống đối nhau. Nguyên nhân có lẽ là do tác giả đưa ra câu chuyện một viên cựu chỉ huy quân sự rất khó hòa nhập vào cuộc sống thời bình vốn xa lạ với ông ta, cho thấy ông nhìn như thế nào về cái thực tế thường ngày: hóa ra đối với ông nó còn nặng nề hơn cả những trận chiến. Truyện ngắn ấy và các truyện ngắn khác của Nguyễn Huy Thiệp (Phẩm tiết, Con gái thủy thần, Vàng lửa) là những tác phẩm có tính chất bước ngoặt đối với một nền văn học dân tộc mà cho đến cuối những năm 80 vẫn ở trạng thái chờ đợi sự sáng tạo.

Một dấu hiệu hiển nhiên của các quá trình mới trong văn học đất nước là sự mở rộng tầm thẩm mỹ của nó. Ví dụ rõ nhất là sáng tác của nữ nhà văn trẻ Phạm Thị Hoài. Sự nổi tiếng về văn học của bà bắt đầu từ tiểu thuyết Thiên sứ mà các đoạn trích được đăng năm 1988 trên tạp chí Tác phẩm văn học rồi sau đó được công bố toàn văn bởi nhà xuất bản Trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1989, nhà xuất bản tỉnh Phú Khánh xuất bản tập truyện ngắn của bà nhan đề Mê lộ. Thứ văn xuôi khác thường, mang tính xấc xược xét về hình tượng và phong cách của Phạm Thị Hoài gây ra ở bạn đọc người Việt những dư luận trái ngược nhau: từ sự ca tụng tâng bốc quá đáng đến hoàn toàn không chấp nhận và bác bỏ quyền tồn tại. Trên thực tế, tiểu thuyết Thiên sứ (mà ở mức nào đó là những truyện ngắn) là rất khác thường và không đặt vừa được vào truyền thống tự sự của văn xuôi Việt Nam nửa sau thế kỷ 20. Ở tác phẩm này người ta cảm thấy rõ rệt sự ảnh hưởng của văn học và triết học Tây Âu. Nữ nhà văn này dám đưa vào thiên truyện của mình những hình tượng và nhân vật của một nền văn hóa, một mỹ học khác. Cuốn tiểu thuyết chất chứa những nét phảng phất, và thậm chí nhân vật chính, - một cô bé, như một tương đồng Việt Nam của Hoàng tử Nhỏ (Petit Prince) trong tác phẩm danh tiếng của Saint Exupéry.

Khó mà nói một cách thật xác định rằng thứ văn xuôi của Phạm Thị Hoài là thực nghiệm văn học, là văn học đặc tuyển (elite) hoặc cái gọi là văn học đi trước. Vì vậy những tranh cãi trong giới bạn đọc và nhà phê bình vẫn chưa dịu đi, số lượng những bài viết về sáng tác của nữ nhà văn này vẫn tăng thêm. Nhưng vẫn phải nhắc lại rằng trong văn hóa thì yếu tố thứ nhất là sản phẩm, rồi thứ đến mới là tạo ra một công chúng độc giả.

Như vậy là, vào cuối những năm 80 đầu những năm 90 trong văn học Việt Nam đã hình thành một tình thế độc đáo, gắn với sự định hướng và sự hình thành những thị hiếu thẩm mỹ mới của một bộ phận công chúng nhất định. Ở mức không nhỏ, điều này bị định đoạt bởi những hiện tượng như: sự từ bỏ dần dần những khuôn tư tưởng và sự xu phụ đối với chính trị theo kiểu cũ; sự phục sinh lập trường chủ nghĩa hiện thực phê phán; sự khẳng định của cá nhân tác giả trong văn học; sự hình thành nền phê bình văn học thực thụ, v.v... [6]



II.

Tuy nhiên, giới lãnh đạo Đảng của Việt Nam, rất mau chóng, đã cảm thấy rằng cái mức tự do và công khai vừa xuất hiện trong xã hội Việt Nam trong quá trình dân chủ hóa, sẽ vượt ra ngoài sự kiểm soát và tình thế ấy là nguy hiểm cho tính ổn định của đất nước. Nước Việt Nam, đã tuyên bố tự do hoàn toàn về kinh tế trong khi vẫn bảo lưu sự bất biến về phương hướng chính trị, sẽ đụng phải những vấn đề mà nước Trung Hoa đụng phải, khi mà, theo với mức phát triển của những cải cách kinh tế, nhu cầu cải cách chính trị cũng tăng lên. Giới lãnh đạo hai nước này đứng trước sự lựa chọn giữa quyền lợi của bộ máy quan liêu của đảng và quyền lợi của những xã hội vốn đã nảy sinh yếu tố dân chủ. Việt Nam có trước mặt mình hai phương án: phương án Xô Viết, khi những cải cách bắt đầu từ tính công khai và sự tự do hóa trong chính trị, điều này rốt cuộc dẫn đến tiến trình bất ổn định trong nước và sự suy sụp của đời sống kinh tế; và phương án Trung Quốc, khi mà những cải cách bắt đầu từ kinh tế, sau khi đạt đến một trình độ nhất định, lại đòi hỏi những thay đổi trong chính trị, rốt cuộc được kết thúc bằng sự kiện nổi tiếng ở quảng trường Thiên An Môn. Những mong tìm ra được một phương án nào đó tối ưu, giới lãnh đạo Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nỗ lực cân bằng giữa hai hướng phát triển khả thi ấy, tuy dẫu sao cũng nghiêng về phương án Trung Quốc. Toàn bộ sự phát triển của các sự kiện sau này ở Việt Nam chỉ xác nhận điều đó. Người ta quyết định lập lại "trật tự hệ tư tưởng" trong văn hóa và văn học quốc nội. Người ta tiếp tục thi hành những phương sách tàn khốc "trừ diệt những sai lầm về tư tưởng" và "những ảnh hưởng phản cách mạng": cách chức những người lãnh đạo cơ quan xuất bản có xu hướng dân chủ, ban hành Luật báo chí với những chế định ngặt nghèo về hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng, v.v... [7]

Giới lãnh đạo Việt Nam cũng công nhiên tỏ rõ tính cương quyết tiếp tục cải cách kinh tế đất nước nhưng không chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên và nền chính trị đa đảng. [8]

Trước hết các nhà cầm quyền quyết định "lập lại trật tự" làm việc của các cơ quan thông tin đại chúng; chế định tính công khai trong khuôn khổ được đảng cho phép. Chứng tỏ điều này là phát biểu của Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh tại các buổi gặp các nhà báo, bài nói của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Đỗ Mười tại đại hội V Hội nhà báo Việt Nam, v.v...

Có lẽ ví dụ tỏ rõ nhất về mặt này là phát biểu của Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh tại cuộc gặp với lãnh đạo các phương tiện thông tin đại chúng ở thành phố Hồ Chí Minh, tháng 2.1989, - cuộc gặp này là tín hiệu đã được báo trước của sự cáo chung "mùa xuân Hà Nội". Ông phát biểu một loạt nhận định, và hiển nhiên chúng mang tính chất mệnh lệnh. [9]

Sự phê phán gay gắt trong lời phát biểu của ông trước hết nhắm vào những cơ quan báo chí "trong hoàn cảnh những khó khăn to lớn, những vấn đề do nhiều nguyên nhân khác nhau,... lại hướng dư luận xã hội theo chiều bi quan hoặc tiêu cực, theo tinh thần không tin tưởng ở sự lãnh đạo của đảng, làm yếu nhiệt tình cách mạng và không giúp gì cho việc động viên lực lượng để khắc phục những khó khăn". Khi Nguyễn Văn Linh tuyên bố rằng "những cơ quan báo chí làm xói mòn lòng tin vào đảng là những cơ quan nguy hại" thì điều đó vang lên như một tín hiệu đặc thù. Ông cắt nghĩa thái độ của mình đối với những tờ báo đó như sau: "... cần phải tích cực đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, nhưng đừng để xảy ra cái trạng huống là người ta nghe radio hay đọc báo thì chỗ nào cũng chỉ thấy những hiện tượng tiêu cực". Và thêm: "Khi nghe thấy chuyện gì đó xấu thì đừng nên chỉ trút mọi tội lỗi cho đảng và nhà nước".

Một điểm quan trọng khác trong phát biểu của Nguyễn Văn Linh là giải thích lập trường của ban lãnh đạo đất nước đối với dân chủ và đa nguyên. Theo ý ông, "dân chủ phải có lãnh đạo", bởi vì "khi mở rộng dân chủ trong nước mà lại thiếu sự lãnh đạo đúng đắn thì đó là nói theo quan điểm dân chủ tư sản. Lại có những người nói đến đa nguyên, trước sau sẽ có lúc họ đặt vấn đề về chế độ đa đảng, về các đảng đối lập trong chế độ xã hội chủ nghĩa".

Một thời gian sau, vào tháng 7.1990, Ban bí thư trung ương đảng Cộng sản Việt Nam thông qua chỉ thị "Về một số vấn đề trong công tác quản lý văn học, nghệ thuật hiện nay", đây là văn kiện ấn định toàn bộ đời sống văn học ở Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam [10] . Trong bản chỉ thị này, nói riêng, có mấy điểm như sau:

"Những tác phẩm được sáng tác từ trước Cách mạng tháng Tám 1945, hoặc ở trong vùng địch tạm chiếm thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và xâm lược Mỹ, cũng như những tác phẩm được sáng tác ở nước ngoài, cần phải được thẩm định và phải được những cơ quan có đủ thẩm quyền cho phép mới được phổ biến rộng rãi". Nhằm mục đích ấy, ở trung ương và các địa phương lập ra những hội đồng văn học nghệ thuật "sẽ là những cơ quan cố vấn trong việc thẩm định các tác phẩm, cho phép phổ biến, lưu hành". Trong văn kiện có tính chất mệnh lệnh này cũng nói riêng về những đảng viên sáng tác ra những tác phẩm bị cấm: đối với họ cần áp dụng các hình phạt theo kỷ luật đảng. Cả luật pháp lẫn kỷ luật đảng "cần phải giúp đỡ những tác giả ban đầu còn chưa có các yếu tố phản cách mạng, tiêu cực, giúp họ rút ra bài học cho công việc sáng tác sau này".

Người ta cũng chủ trương trì hoãn cho công bố hoặc chỉ cho xuất bản với số lượng hạn chế đối với những tác phẩm "tuy không mang nội dung phản động đồi trụy, nhưng việc phổ biến rộng có thể gây phương hại cho việc thực hiện chủ trương chính sách và luật pháp của nhà nước, có hại cho khối thống nhất toàn dân, gây phức tạp trong công việc quốc tế, v.v..." ở trường hợp này, trước khi ra quyết định cuối cùng, cần tính đến ý kiến của hội đồng văn học nghệ thuật cũng như cần "làm rõ quan điểm của tác giả". Những phương cách như vậy cũng được thực thi đối với những tác phẩm "có giá trị sáng tạo to lớn" và do vậy "bản thảo của tác giả được thu mua theo mức thù lao thực tế để đảm bảo các quyền tác giả về tinh thần và vật chất".

Với sự xuất hiện văn kiện này, trong văn học Việt Nam trên thực tế đã kết liễu giai đoạn mà nhà văn nổi tiếng Nguyễn Đình Thi gọi là giai đoạn "khủng hoảng" [11] . Bắt đầu chuyển sang thời "dân chủ hóa một cách có lãnh đạo" xã hội Việt Nam, sự dân chủ hóa mà theo lời Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, nó cần được phát triển trong những khuôn khổ nhất định và không biến thành vô chính phủ, khi mà mỗi người đều làm và nói những gì mình muốn. Bởi vì "chủ nghĩa cực đoan và vô chính phủ làm hại cho dân chủ. Nó làm xói mòn sự ổn định xã hội. Mà không có ổn định xã hội và chính trị thì không thể thực hiện được việc đổi mới kinh tế". [12]


III.

Tình trạng ngày nay ở văn học và văn hóa Việt Nam phần nhiều gắn với việc thực hiện cái mô hình đã từng được chuẩn y ở Trung Quốc: đảng-nhà nước-thị trường. Điều kiện kinh tế mới đặt nhiều ngành văn hóa của Việt Nam vào hoàn cảnh bất thường. Điều này trước hết gắn với việc thu hẹp các nguồn trợ cấp của nhà nước cho các nhu cầu văn hóa tối thiểu, nhiều lĩnh vực (ví dụ sân khấu, điện ảnh) trên thực tế phải hạch toán hoàn toàn, phải tự chủ về kinh tế. Điều này có nghĩa là nhiều tập thể sáng tác không còn khả năng tồn tại, không thể đảm bảo trả thù lao cho các nghệ sĩ, cho nhân viên kỹ thuật. Cho đến đầu những năm 90 trong số gần 150 đơn vị sân khấu cả nước trước đây, chỉ có non nửa là còn hoạt động; số sản phẩm điện ảnh ra đời tụt giảm hẳn. Hiện giờ tình cảnh nặng nề trong điện ảnh và sân khấu còn trầm trọng hơn nữa. Văn hóa dân tộc đang vất vả chịu đựng sự tấn công từ phía văn hóa đại chúng, trước hết là điện ảnh và các sản phẩm băng đĩa hình. Rạp diễn với kịch mục Việt Nam, rạp chiếu các phim Việt Nam - đều trống rỗng. Dạng thức chủ yếu của thức ăn tinh thần và tri thức cho người Việt là truyền hình, karaoke, phim video, hơn nữa băng video ở Việt Nam đã trở nên quen thuộc trong các quán bar, hàng ăn, thậm chí nhà riêng. Thể loại băng hình video là rất dễ dãi: các bộ phim cốt truyện giả lịch sử, những cuộc đọ sức tay đôi, những tác phẩm sướt mướt được sản xuất tại Hồng Kông, Singapore, Đài Loan, Hoa Kỳ, Thái Lan.

Văn học hiện thời của Việt Nam đang ở trong quá trình xây dựng lại. Quá trình này không đơn giản, đôi khi đầy mâu thuẫn. Chẳng hạn, một mặt có thể nói một cách chắc chắn về sự ra đời một văn xuôi mới của Việt Nam với nét đặc thù là một thái độ cách tân đối với việc lý giải thực tại về tư tưởng và nghệ thuật. Ở đây cần nêu tên các nhà văn Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Nguyễn Quang Lập, Phạm Thị Hoài, v.v... Văn học mới này dù chưa tỏ hết sức lực, nhưng nó đã là một bộ phận cốt yếu của cuộc đổi mới đang diễn ra trong nước.

Rõ ràng là những tìm tòi sáng tạo của các nhà văn trên thực tế bao giờ cũng đi kèm với việc chuẩn thuận những phương pháp nghệ thuật khác nhau để miêu tả thực tại, điều này cho phép nói một cách sơ bộ đến những cách thức biến điệu chủ nghĩa hiện thực (ngoại trừ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa) trong các tác phẩm của các tác giả Việt Nam: chủ nghĩa hiện thực lịch sử hoặc chủ nghĩa hiện thực truyền kỳ vốn có gốc rễ trong truyền thống lịch sử Việt Nam; chủ nghĩa hiện thực xã hội học, khi mà sự kiện của thực tại và xã hội có ưu thế hơn so với sự khái quát nghệ thuật, v.v. Văn xuôi Phạm Thị Hoài như đã nói đến ở trên, đặc trưng ở cách chiếm lĩnh văn hóa học đối với thực tại, v.v. Tất nhiên những nhận định này là ước lệ và rất chủ quan.

Trong văn cảnh này lại nảy sinh một vấn đề khác: một cái nhìn mới vào các sự vật và ý niệm đã định hình. Rất tiêu biểu về mặt này là các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, nơi mà quá khứ đất nước được lý giải một cách phi truyền thống, hoặc cuốn tiểu thuyết của nhà văn trẻ Bảo Ninh Nỗi buồn chiến tranh (lần in đầu mang tên Thân phận của tình yêu), cuốn sách gây ra ở Việt Nam cả một cuộc bút chiến. Năm 1990 tác phẩm này được trao giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam, và hiện nay tác giả trở nên quen thuộc ở Việt Nam gần như Nguyễn Huy Thiệp. Sống và chết, chiến tranh và hòa bình, nghĩa vụ và sự lựa chọn, - tác giả động đến tất cả những vấn đề đó trong tác phẩm của mình, tác phẩm chứa đựng kinh nghiệm chiến tranh của bản thân tác giả. Cuốn tiểu thuyết này được dịch ra nhiều thứ tiếng châu Âu và được xuất bản ở Đức, Pháp, Mỹ và nhiều nước khác. Năm 1994, nó được trao giải thưởng văn học của nhật báo Anh Independent. Cuộc bút chiến ở Việt Nam gắn với vấn đề mà đối với văn học nước này thì rất quan trọng: cuộc chiến tranh giải phóng của toàn dân có thể và cần phải được miêu tả như thế nào? Không ít nhà phê bình ở Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho rằng tác giả đã vi phạm truyền thống ái quốc trong khi miêu tả đề tài này vốn là thiêng liêng đối với toàn dân. Vị tất đã là như vậy. Bản thân nhà văn cho rằng với tư cách người trực tiếp tham dự cuộc chiến tranh giải phóng này, ông hiểu rõ tất cả cái lớn lao của chiến công nhân dân. Kinh nghiệm cá nhân của Bảo Ninh, sự cảm nhận các biến cố chiến tranh của ông trong tiểu thuyết này đã được khúc xạ hơi khác so với các tác phẩm khác viết về đề tài chiến tranh. Thực ra, Bảo Ninh viết khác hơn so với các nhà văn Việt Nam thuộc thế hệ lớn tuổi hơn, nhưng việc đó không có nghĩa là ông muốn giảm thiểu chủ nghĩa anh hùng và sự quả cảm của nhân dân mình. Trong cuốn sách của mình, Bảo Ninh cũng tố cáo chiến tranh, chỉ ra tính chất phản tự nhiên, tính chất thù địch của nó đối với cuộc sống con người. Nhưng cũng phải nhận rằng các tác phẩm xuất sắc về chiến tranh không bắt buộc phải là tác phẩm ca ngợi mà thường là tác phẩm miêu tả. Chúng ta nhớ, mặc dù đã thành tác phẩm kinh điển của văn học Xô Viết, các tiểu thuyết Những người sống và những người chết của K. Simonov và Trong chiến hào Stalingrad của Victor Nekrasov, tuy rất giống với sự tái hiện chiến tranh một cách hiện thực chủ nghĩa, nhưng chúng vẫn giữ lấy những đặc điểm phong cách nghệ thuật riêng, chúng tỏ rõ rằng sự thật cần phải là sự thật bất kỳ chứ không có sự thật cao và sự thật thấp. [13] Có lẽ ở văn học Việt Nam hiện nay đang diễn ra cái tiến trình khiến cho nó dần dà thôi không còn chỉ là nền văn học chiến tranh. Quá trình này đang bao trùm toàn bộ văn hóa và nghệ thuật Việt Nam. Những tâm thế tư tưởng nhiều năm đã qua thường gắn với trạng thái của nghĩa vụ và của cuộc đấu tranh anh hùng. Hiện tại trong đời sống Việt Nam đang diễn ra những cải cách quan trọng về kinh tế xã hội, gắn với lao động sáng tạo của toàn dân. Cố nhiên những điều này ảnh hưởng đến đời sống tinh thần đất nước, đến văn học. Hiện tại trong văn học đang diễn ra sự vận động từ phong cách sử thi, mà nguyên tắc thẩm mỹ nghệ thuật cơ bản của nó phần nhiều dựa vào đề tài chiến tranh, sang việc tìm kiếm phong cách mới, thể hiện được rõ nhất thái độ của nhà văn đối với những gì đang diễn ra. Chính Bảo Ninh và cuốn tiểu thuyết của ông cho thấy rõ điều đó.

Một điểm này nữa cũng gắn với tình thế mới nhưng đã thấy rõ của trật tự xã hội: nhà văn, nhà thơ, văn nghệ sĩ nói chung đã và sẽ không còn là những lãnh chúa tinh thần của quảng đại quần chúng nhân dân. Hoàn cảnh kinh tế đem lại những sửa đổi căn bản vào đời sống tinh thần của người Việt, đôi khi làm biến đổi hẳn hệ thống tọa độ và thang bậc giá trị.

Dù sao, văn hóa Việt Nam, trong hoàn cảnh khó khăn (nhất là về tài chính) vẫn tiếp tục phát triển. Cái đảm bảo cho điều đó là tài năng và sự kế tục của các thế hệ. Vẫn như trước đây, gây chú ý lớn là những tác phẩm văn học của Ma Văn Kháng (Trăng soi sân nhỏ), là những vở diễn được dàn dựng bởi các đạo diễn Nguyễn Đình Nghi (Giông tố, Hermanie) và Phạm Thị Thành (Người thợ tài ba Vũ Như Tô), phim của các đạo diễn Đặng Nhật Minh (Thương nhớ đồng quê), Lưu Trọng Ninh (Ngã ba Đồng Lộc).

Văn xuôi nữ dám trình diện mình, thực sự gây niềm lạc quan, trở thành một hiện tượng thực thụ của văn học Việt Nam hiện thời. Đó là những tác phẩm của Nguyễn Thị Thu Huệ (Phù thủy, Cát đợi, Tiếng chuông cuối ngày), Phan Thị Vàng Anh (Khi người ta trẻ, Hội chợ), Võ Thị Hảo (Biển cứu rỗi). Văn xuôi nữ này tiếp tục một cách hữu cơ những truyền thống tốt đẹp nhất của văn học hiện thực chủ nghĩa Việt Nam, chú ý đến con người bình thường nhỏ bé, cuộc sống, nỗi đau, niềm vui, hy vọng của nó. ở các tác phẩm của mình, chủ yếu là truyện ngắn, các nhà văn nữ trẻ tạo ra "lãnh thổ con người, lãnh thổ tình yêu" trên đó diễn ra cuộc đời con người ấy, trên đó có ngôi nhà của nó, gia đình của nó. Chính các tác giả này, khuynh hướng văn học "hiện thực mới" này sẽ quy định tương lai văn học Việt Nam, và sự phát triển sau này của nó.

Bởi vậy, có thể dự đoán rằng, dù còn nhiều khó khăn, tiến trình đổi mới ở Việt Nam, sự chuyển sang những giá trị toàn nhân loại sẽ còn tiếp tục phát triển. Cái đảm bảo cho điều đó, ta có thể thấy ở nỗ lực của chính người Việt Nam nhằm biến đổi về chất các điều kiện sống của mình, nỗ lực đưa nước mình chóng trở nên thịnh vượng, nỗ lực hội nhập vào cộng đồng thế giới trong mọi lĩnh vực, kể cả văn hóa.

Moskva, 1996

© 2004 talawas


[1]Chi tiết hơn về các phát biểu của các đại diện giới trí thức sáng tác Việt Nam tại cuộc gặp này, xem bài: Hai ngày đáng ghi nhớ mãi / Văn nghệ, 17.10.1987; Nguyễn Quang Sáng - Những điều cần có cho văn học / Văn nghệ; 24.10.1987.
[2]Đồng chí Nguyễn Văn Linh nói chuyện với văn nghệ sĩ / Văn nghệ, 17.10.1987. Các trích dẫn đều lấy theo ấn phẩm này.
[3]Ở đây người dịch dịch lại những đoạn trích mà tác giả bài viết đã dịch văn bản tiếng Việt ra tiếng Nga. Bạn nào cần trích dẫn chính xác xin xem lại nguyên văn tiếng Việt. (N.D.)
[4]Trong nguyên văn tiếng Việt, ông Nguyễn Văn Linh dùng chữ "chủ nghĩa tả chân xã hội" thông dụng hồi 1930 - 45. (N.D.)
[5]Chỗ này có lẽ tác giả A.A. Sokolov lầm chút ít về sự kiện. Chính ra, hội thảo về Vũ Trọng Phụng 31.12.1987 ở thành phố Hồ Chí Minh chỉ do khoa văn Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Hội thảo tháng 10.1989 ở Hà Nội về Vũ Trọng Phụng mới do Viện Văn học tổ chức. (N.D.)
[6]Xin được nhận xét rằng những quá trình tương tự cũng đã diễn ra trong văn học Trung Quốc; điều này được thông tin trong báo cáo của học giả danh tiếng Nga N.T. Fedorenko tại gặp gỡ quốc tế các nhà Trung Hoa học ở Thượng Hải (xem: Literaturnoe obozrenie, 1987, No 9). Sự tương đồng như vậy trong quá trình phát triển của các nền văn học Trung Quốc và Việt Nam là hợp quy luật, có thể là do tính chất chung về sự phát triển lịch sử, văn hóa, xã hội, chính trị của các nước vùng Viễn Đông.
[7]Về vấn đề này, cũng xem: A.A. Sokolov - Về những sự kiện gần đây trong đời sống văn học Việt Nam / Specialny bulleten. IV. AN SSSR, Moskva, 1991, str. 78-97, No1.
[8]Theo một số dữ kiện đầu năm 1991 do các nhà khoa học Mỹ tiến hành tại thành phố Hồ Chí Minh nhằm điều tra xã hội học về thái độ đối với vấn đề đa đảng. Theo kết quả thu được, 73% ủng hộ hệ thống một đảng bởi vì nó đảm bảo sự ổn định trong xã hội, trước nhất là trong đời sống kinh tế, còn chế độ nhiều đảng như ở Liên Xô lúc ấy thì sẽ dẫn đến sự đổ vỡ kinh tế. Thật ra trước đó Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nói: đầu tiên là củng cố kinh tế, dù phải dùng đến chuyên chính, còn về sau này mới đa đảng.
[9]Đồng chí Nguyễn Văn Linh nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo các cơ quan báo chí thành phố Hồ Chí Minh // Nhân dân, 14.02.1989. Các đoạn trích đều dẫn theo ấn phẩm này.
[10]Ban Bí thư trung ương Đảng ra chỉ thị "Về một số vấn đề trong công tác quản lý văn học nghệ thuật hiện nay" / Nhân dân, 28.07.1990. Các đoạn trích đều lấy theo ấn phẩm này.
[11]Nguyễn Đình Thi -- Văn học Việt Nam, trăn trở người trong nghề // Tin tức buổi chiều, 31.8.1996.
[12]Dẫn theo bài báo tiếng Nga của Hồ Bất Khuất: Verim v uspek obnovlenija [Chúng tôi tin vào thắng lợi của đổi mới] / Pravda , 30.5.1990.
[13]Trong văn cảnh vấn đề đang xem xét, sẽ là đúng chỗ để dẫn ra đây ý kiến của nhà văn nữ Bélorussia Svetlana Alexievich trong bài Thời rút khỏi chiến lũy ("Obshchaya gazeta", 1990, No 50): "Mỗi thế hệ đều có thời của mình. Nó đòi hỏi những ý tưởng mới, một ngữ vựng mới, cùng những dạng thức mới của sự liên hệ giữa các hiện tượng trên đời. Nó đòi hỏi, nếu muốn, cả những figure mang tính ký hiệu mới. Con người trên chiến lũy, trên diễn đàn, trên quảng trường, - là những con người thân thuộc với tôi. Nhưng cách nghĩ, lời nói của họ ngày nay lại làm lộ sự yếu ớt, bất lực của họ trước thời buổi mới. Tôi ít hiểu họ nói tới những gì, cái hệ trọng với tôi vẫn là họ nói thế nào. Văn phong, giọng điệu, hàm nghĩa vẫn là quan trọng. Mà những con người từ chiến lũy về thì không đủ sức làm điều đó".