© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
10.5.2004
Phùng Hà Phủ
Nhà thơ Phùng Cung
 
Bố tôi, nhà thơ Phùng Cung, sinh ngày 18 tháng 7. 1928 (Mậu Thìn) tại Kim Lân, Hồng Châu, Yên Lạc, Vĩnh Yên. Là con trưởng của một gia đình đông con và giàu có, ngay từ lúc nhỏ, bố tôi đã được cha mẹ gửi trọ học ở Sơn Tây. Ðến khi Nhật đảo chính Pháp mới trở lại quê nhà. Khi cách mạng nổi dậy cướp chính quyền (9-1945), vốn trẻ tuổi, năng nổ lại là người có văn hóa, bố tôi được dân bầu làm chủ tịch liên xã Hồng Châu - Liên Châu năm mới 17 tuổi. Và tên của địa phương do bố tôi đặt vẫn giữ cho đến tận bây giờ. Làm chủ tịch được vài năm thì "phá tề", thực dân Pháp quay trở lại càn quét tái chiếm, bố tôi phải trốn lên chiến khu Việt Bắc và kéo theo mấy em trai còn ít tuổi theo cùng. Tại quê nhà, gia đình họ hàng bố tôi gồm bố, mẹ và các anh chị em khác đều bị liên lụy vì có con trốn đi làm cách mạng.

Khi lên chiến khu, bố tôi làm công tác thông tin ở liên khu 10 Việt Bắc, cơ quan thông tin của ông Nguyễn Tấn Gi Trọng (bác sĩ Trọng sau này làm công tác chuyên môn tại trường Ðại học Y Dược Hà Nội và là người giúp mẹ tôi theo học lớp dược tá khi hòa bình lập lại). Sau một thời gian làm tại liên khu 10, bố tôi mới chuyển sang an toàn khu và làm công tác văn nghệ, cùng sống và làm việc với các ông Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài,... cho đến khi hòa bình lập lại (1954) thì cùng với cơ quan Hội văn nghệ về tiếp quản thủ đô Hà Nội.

Trong suốt thời gian tham gia cách mạng, bố tôi ít có điều kiện trở lại quê nhà. Khi chính phủ phát động phong trào "cải cách ruộng đất", bố tôi cũng như bao anh em khác cùng cơ quan phải về các địa phương khác nhau để tham gia phong trào. Một lần nhân dịp Tết Nguyên đán về thăm gia đình, thấy cảnh tượng cửa nhà, ruộng đất bị chia cướp, phá phách. Ông nội tôi rất lo lắng vì gia đình sợ đang bị quy là thành phần địa chủ cường hào. Bố tôi có an ủi động viên ông: "Con đi làm cách mạng, thoát ly đã lâu thì thế nào gia đình mình cũng được chiếu cố. Cùng lắm là nhà nước lấy lại hết ruộng đất chia cho người nghèo hơn, bố cứ an tâm, đừng lo lắng gì, vả lại bố cũng nhiều tuổi rồi". Nhưng thật không ngờ, sau đợt về thăm nhà và trở lại cơ quan được ít lâu, thì bố tôi được tin gia đình mình bị quy là địa chủ cường hào ngay trong đợt phát động tiếp theo. Thực ra ông nội tôi là người sống rất phân minh và tốt bụng, rất quý người làm và không ai trong số họ đứng ra tố cáo ông cụ. Sau khi bị tổ chức đấu tố tại địa phương mất mấy ngày, ông cụ lại tiếp tục bị bắt đưa đi giam ở trại Cò Nỉ - Thái Nguyên. Khi bố tôi hay tin, bố rất nóng lòng chuyện nhà và muốn quay về xem sự thể ra sao. Những bạn bè thân trong cơ quan biết chuyện như ông Tô Hoài (lúc này đang phụ trách công tác Ðảng - Ðoàn của Cơ quan văn nghệ) đều khuyên nên thật bình tĩnh, chờ Ðảng sẽ sửa sai. Trong một lần kết hợp đi công tác, bố tôi có tìm lên thăm và những mong gặp mặt để tiếp tế cho cụ. Nhưng tới nơi thì được một người bạn tù già cùng lán với cụ, chưa kịp nói câu nào vội vã dẫn bố lên khu đồi trọc phía sau trại giam và chỉ cho bố lùm đất mà ngọn sắn làm dấu mới héo lá. Quá bất ngờ trước cái chết của cụ, bố tôi quay ngay về Hà Nội, bố rất buồn, suy nghĩ nhiều và tránh mọi sự tiếp xúc với bên ngoài.

Năm 1956, một nhóm văn nghệ sỹ gồm những người tham gia kháng chiến cũ tập họp nhau đứng ra thành lập báo Nhân VănGiai Phẩm. Ông Nguyễn Hữu Ðang đến gặp và bảo bố tôi tham gia viết bài. Truyện Con ngựa già của Chúa Trịnh đăng trên báo Nhân Văn ngay sau đó. Thời gian này mẹ tôi thấy mọi người xung quanh bàn tán với nhau rằng tờ báo Nhân Văn "có vấn đề". Và chỉ một thời gian ngắn sau khi có bài viết của bố tôi thì tờ báo bị cấm xuất bản và lưu hành.

Cũng khoảng thời gian này, bố tôi bị đình chỉ công tác để làm kiểm thảo. Bố tôi ít đến cơ quan và chỉ viết ở nhà, một số bạn thân của bố tôi thường lui tới như Trần Dần, Hoàng Cầm, Ðặng Ðình Hưng...

Một buổi sáng như thường lệ, khi mẹ tôi đi làm (lúc đó hai anh em tôi còn nhỏ, chưa đến tuổi đi học), thì ở nhà, căn hộ mà gia đình tôi ở bị công an mang xe ô tô đến vây bắt khám xét. Sau khi khám nhà và tịch thu toàn bộ sách vở, tài liệu, bố tôi bị đưa ngay vào giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Ðó là tháng 5. 1961. Kể từ ngày đó mãi cho đến thời gian chuẩn bị ký hiệp định Paris (1973), tức là 12 năm sau, bố tôi mới được tha về nhà. Thời gian đầu bố tôi bị giam ở Hỏa Lò (Hà Nội), sau đó đưa lên Bất Bạt (Sơn Tây), rồi Yên Bình (Yên Bái), Phong Quang (Lào Cai).

Bố tôi bị bắt và giam giữ nhưng không có án mà gọi là đi tập trung cải tạo. Thời gian đầu, mẹ tôi vô cùng hoang mang, chạy khắp nơi từ Bộ công an, sang Viện Kiểm sát tối cao rồi Tòa án để hỏi xem bố tôi bị bắt vì tội gì. Tới nơi nào cũng chỉ nghe trả lời là bố tôi có tội với Ðảng, tội phản động... là phần tử chống đối lãnh đạo, cần phải tập trung để cải tạo tư tưởng. Khi bố tôi mới bị giam giữ thì nghe nói thời hạn tập trung là 3 năm, sau đó là 6 năm rồi 9 năm hơn cũng chẳng thấy được tha về. Mỗi lần mẹ lên thăm bố, gặp nhau khoảng nửa tiếng đồng hồ, chưa kịp nói chuyện gì thì đã hết giờ quy định. Và lần nào mẹ tôi cũng được nghe các giám thị trại giam nói rằng bố cải tạo chưa tiến bộ, ngoan cố, không gương mẫu... Sau này lúc mãn hạn tù, mẹ tôi mới biết bố tôi luôn là đối tượng bị giam cấm cố trong xà lim, bị hạn chế tối đa tiếp xúc với thân nhân.

Nhớ lại theo bố tôi kể "khi xảy ra chuyện", buổi sáng đó bố tôi được triệu tập tới cơ quan để họp. Ðến nơi thấy mọi người xung quanh đều có ý lảng tránh mình, thậm chí không dám mời nhau uống chén nước. Ngay cả những bạn rất thân và thường lui tới nhà cũng tìm cách lánh mặt. Ngay sau đó bố tôi bị đem ra kiểm điểm trước cuộc họp, mà thực chất gần như một buổi đấu tố thời "cải cách" của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật (gồm cả đại diện bên Văn nghệ quân đội). Chủ trì cuộc đấu tố gồm các ông Võ Hồng Cương, Nguyễn Ðình Thi, Chế Lan Viên, Hoài Thanh... Cảm tưởng đau xót và ngỡ ngàng nhất đối với bố tôi là những bạn thường ngày chơi thân với bố tôi như vậy đều tham gia vào việc "đấu tố". Ngày hôm đó, ông Trần Dần là người đứng lên "tố" để hai ông Lê Ðạt và Hoàng Cầm làm chứng dối. Tội chính mà bố tôi bị "tố" là mang lòng hận thù cách mạng sau cái chết của bố mình. Lôi kéo người khác cùng về hùa để lăng mạ lãnh đạo và còn viết nhiều chuyện chưa in khác - Tất cả nội dung đều tập trung vào lãnh tụ và Ðảng cộng sản như: Dạ ký, Chiếc mũ lông, Quản thổi, Kép Nghế... Việc bố tôi bị bắt sau đó là do tham gia làm báo Nhân Văn nhưng theo mẹ tôi còn nhiều lý do khác nữa.

Hồi thanh niên và đang còn công tác, bố tôi là người nhanh nhẹn, tốt bụng và hay giúp đỡ mọi người. Trước khi bị bắt và khai trừ khỏi Ðảng, bố tôi làm thư ký công đoàn của Hội, là đối tượng được cơ quan đề nghị sang học tại Liên Xô. Tuy nhiên, bố tôi là người trực tính, không ưa sự giả dối. Vì vậy bố tôi thường châm chọc, đả kích những người xu nịnh, luồn cúi cấp trên cầu lợi. Thời gian trước khi bố mẹ tôi lấy nhau, bố tôi có báo cáo việc này với cơ quan. Hội cử các ông Kim Lân, Hoàng Thượng Khanh, Lều Thọ Hợp... về quê mẹ tôi để thẩm tra lý lịch gia đình (mẹ tôi và bố tôi cùng quê hương nhưng khác xã). Khi về đến nơi điều tra, họ cho rằng nhà của mẹ tôi tuy không là địa chủ nhưng cũng thuộc thành phần của giai cấp phong kiến, không tiến bộ nên không đồng ý. Riêng việc này bố tôi không chấp hành ý kiến trên và đám cưới vẫn được tổ chức sau đó ở Hà Nội (đám cưới do bác Phan Khôi làm chủ hôn).

Nghe bố tôi kể lại, khi mới vào trại, mặc dù là đối tượng bị kiên giam biệt lập, nhưng khi biết bố tôi là tác giả của Con ngựa già... thì rất nhiều trại viên tìm đến thăm hỏi, xem mặt, động viên, giúp đỡ. Nhất là thời gian đau ốm, bố tôi được các bạn tù chăm sóc rất tận tình, vì thế mà bố tôi mới còn sống trở về. Bởi trong tù bố tôi bị mắc nhiều chứng bịnh hiểm nghèo như lao phổi, viêm loét dạ dày mãn tính...

Suốt thời gian bố tôi bị giam giữ, mẹ tôi đã phải sống những năm tháng vô cùng căng thẳng về tinh thần và khốn đốn về vật chất. Một mình phải nuôi hai con còn nhỏ dại (đứa lớn mới 4 tuổi) với đồng lương ít ỏi. Thêm vào đó là từng ngày ngóng đợi tin của chồng và cố gắng làm sao để chi tiêu thật dè xẻn. Tích cóp mọi thứ, từ cái kim sợi chỉ đến từng hộp lương khô để chờ dịp lên tiếp tế cho bố tôi. Cũng rất may, trong thời gian này, các anh chị em cùng bộ môn với mẹ tôi (Trường Ðại học Dược khoa) họ đều thông cảm cho hoàn cảnh của mẹ tôi và giúp đỡ mẹ tôi nhiều để mẹ tôi vượt qua được.

Tháng 11. 1972, vẫn đang chiến tranh, mẹ tôi theo cơ quan sơ tán về Hà Bắc thì hay tin bố tôi đã được tha về. Mẹ tôi không thể nào tin nổi vì nghĩ rằng bố tôi là đối tượng biệt giam, sao lại được tha về trong lúc chiến tranh ác liệt như vậy. Mẹ tôi vội xin phép cơ quan để về gặp bố tôi, khi nhìn thấy bố tôi gầy yếu, mẹ tôi xúc động rơi nước mắt. Bố tôi được tha về cùng với hai người khác, họ đều là đối tượng đặc biệt như bác Vũ Thế Hùng bên công giáo và ông Doãn tỉnh trưởng Vĩnh Yên cũ.

Sau những mừng vui sum họp của bao nhiêu năm cách biệt là những nỗi lo toan vất vả mới của chuyện cơm áo đời thường đè nặng lên gia đình chúng tôi. Bố tôi được tha về nhưng không có công ăn việc làm gì, hơn nữa bố tôi cũng còn rất yếu. Ðang lúc túng quẫn, bố tôi có gặp lại người bạn cũ đang mở một xưởng cơ khí nhỏ. Bác ấy tới thăm và mời bố tôi đến làm cùng. Nhưng thời gian làm ở đó cũng chẳng được bao lâu vì bố tôi từ khi ở trại về mang theo nhiều thứ bệnh, nhất là bệnh dạ dày liên tục hành hạ bố tôi. Gia đình trở nên túng thiếu vô cùng. Những thiếu thốn về vật chất đã đành nhưng khổ tâm nhất là từ khi bố tôi được tha về, chẳng có quan hệ với ai cũng như chẳng ai dám quan hệ với bố tôi. Thế mà không tuần nào, tháng nào là không có cán bộ của công an đến nhà thẩm vấn: hôm nay đi những đâu? gặp những ai?... đến mức nhiều khi mẹ tôi nói với bố tôi: "Thà họ cứ bắt quách anh trở lại còn hơn, chứ thế này em thấy căng thẳng quá, không sống nổi." Thậm chí có lần họ chỉ ngồi với bố tôi hàng giờ, thỉnh thoảng mới hỏi dăm ba câu, ngồi chán thì họ về.

Mẹ tôi nhớ có nhiều hôm, họ đến nhà và sau khi quay ra còn đưa cho bố tôi mảnh giấy hẹn, buộc bố tôi buổi tối phải đến gặp lãnh đạo của họ đặt tại các trụ sở khác nhau ở Hà Nội. Những lần như vậy mẹ tôi rất lo và sợ, có lần phải cho cả tôi đi theo cùng với bố tôi. Ðến nơi mẹ tôi và tôi đứng đợi ngoài cổng để một mình bố tôi vào. Chờ lâu quá, trời lại khuya mà vẫn không thấy bố tôi ra, mẹ tôi bảo tôi chạy vào gọi bố. Hai ba lần như vậy cho đến khuya bố tôi mới được ra về. Mẹ tôi lo lắng hỏi lại bố tôi xem họ hỏi những gì thì chỉ thấy bố tôi nói: "Họ hỏi đủ thứ chuyện, nhưng anh chẳng ngại. Anh có đủ kinh nghiệm khi phải đối đầu với bọn họ".

Từ ngày ra tù, bố tôi sống như người bị câm, hầu như không quan hệ với ai ngay trong các bạn văn quen biết cũ. Những người trực tiếp "tố" bố tôi ngày xưa đều cảm thấy hối hận về việc làm của mình và xin lỗi bố tôi. Có một lần nhân dịp bố tôi và bác Phùng Quán đứng ra tổ chức lễ mừng "sống dai" cho ông Nguyễn Hữu Ðang (ông Ðang là cán bộ văn nghệ, ông cũng bị giam giữ 18 năm - Lúc này ông đã 81 tuổi), bạn bè văn nghệ đến rất đông. Nhiều người quen biết cũ nghe tiếng tìm đến tham dự, ông Lê Ðạt cũng đến đứng cạnh và nói với bố tôi: "Cung ơi, dù có thế nào tao vẫn là bạn mày, tao có lỗi với mày. Có gì, mày cứ gọi tao ra mà mắng". Từ đó về sau, mối quan hệ của bố tôi với các bạn cũ có phần cởi mở hơn. Và mãi sau nầy, ông Hoàng Cầm cũng tìm trở lại nhà và muốn nối lại thân thiết với bố tôi như xưa. Còn ông Nguyễn Hữu Ðang, với gia đình bố tôi là chỗ để cho ông lui tới thường xuyên, ông không có gia đình và ông coi bố mẹ tôi như anh em ruột thịt trong nhà.

Từ khi bị kỷ luật, bị đình chỉ công tác rồi bị bắt đi tù cho đến lúc được tha về, bố tôi không hề được nhận bất cứ trợ cấp nào. Mãi đến năm 1990 tức là 30 năm sau, bố tôi mới có quyết định phục hồi của Ban tổ chức Trung ương Ðảng để làm lại sổ lương (hai người chung một quyết định là bố tôi và ông Ðang). Lúc đầu, bố tôi cương quyết không nhận chế độ lương bổng này, nhưng rồi có sự động viên của bác Phùng Quán và một số cán bộ khác của Hội, bố tôi mới chịu nhận. Mức lương trợ cấp cố định hàng tháng là 35.000 đồng, với số tiền ấy đủ để đong thêm vài chục cân gạo. Và đúng sau thời kỳ "đổi mới" này, công an Hà Nội mặc dù vẫn thường xuyên đến thăm hỏi nhưng với tinh thần và thái độ thì cởi mở, xem ra thân thiện hơn trước.

Vẫn theo bố tôi thì tập thơ Xem đêm là tuyển chọn những bài được sáng tác vào các thời điểm khác nhau, trong đó có cả thời gian bố tôi ở trong tù.

Bố tôi là người rất có nghị lực. Bố tôi thường nói với mẹ tôi: "Nếu Giời cho sống thì còn phải làm việc nhiều hơn nữa và còn rất nhiều việc phải làm". Bố tôi luôn luôn chỉ sợ phải bỏ dở công việc của mình. Ngoài mấy trăm bài thơ và tập truyện viết lại, mẹ tôi thấy bố tôi nung nấu và đang bắt tay vào viết tập hồi ký. Tập thơ Xem đêm được in ra có phần cổ vũ, trợ giúp không nhỏ về tài chính của ông Ðang và sự nhiệt tình của ông Quán. Ngoài ra cũng phải kể đến sự quý trọng và can thiệp trong khâu kiểm duyệt bài của nhà thơ Quang Huy, giám đốc nhà xuất bản đồng thời là người viết tựa cho cuốn sách này.

Bố tôi là người trực tính và luôn làm việc vì cái tâm. Có lần bố tôi đã từng trực tiếp nói với ông Phạm Chuyên, giám đốc công an Hà Nội khi hai người gặp nhau: "Ông là cán bộ lãnh đạo của ngành công an, nên mỗi khi quyết định làm việc gì, ông hãy hỏi lương tâm mình trước rồi hãy làm...". Ðôi lúc nghĩ về thời cuộc, bố tôi cho rằng còn quá nhiều điều không bằng lòng. Bố tôi tin rằng sẽ vẫn còn tiếp diễn nhiều sự bất công, không phải chỉ một mình bố tôi hứng chịu mà nhiều người khác còn đau thương và oan khuất hơn nhiều.

Suốt cuộc đời, bố tôi phải trải qua nhiều nỗi truân chuyên lao khổ, nhưng bằng nghị lực, bố tôi vẫn sống để đi tìm cái đẹp. Cho đến khi từ giã cõi đời, mặc dù số phận đã không mang đến cho bố tôi nhiều may mắn nhưng bố tôi luôn tự hào rằng đã không làm điều gì phải hổ thẹn với lương tâm của mình.

(Nhân ngày giỗ đầu nhà thơ Phùng Cung)
Hà Nội, ngày 9 tháng 5, 1998

Bài về Phùng Cung trên talawas:

Lê Minh Hà, Phùng Cung, đời người đời chữ, talawas, 23.7.2003
Phùng Quán, Hằng Nga thức dậy, talawas, 18.8.2003
Nguồn: Trích "Phùng Cung-Truyện và thÆ¡ (chÆ°a hề xuất bản)", Văn Nghệ xuất bản lần thứ nhất, California 2003, tr. XV- XXIV