© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
18.10.2008
Nguyễn Chí Hoan
Phê phán về “Gió lẻ” của Nguyễn Ngọc Tư
 
Từ bỏ việc kể chuyện kiểu “Cánh đồng bất tận”, trong cơn “Gió lẻ” này Nguyễn Ngọc Tư đi xa hơn trên chính cái cánh đồng đã có mùi vị hư vô yếm thế đó, tìm kiếm cái phi lí manh nha trong cái hiện sinh mà cô phát hiện lại với một chữ tình.

Bởi thế, đây là một truyện dựng nên để đuổi bắt ý tưởng, không phải là một chuyện kể theo đúng nghĩa; và theo đó, sự phi lí ở đây là điều không cần khám phá hay lý giải, vì nó biểu hiện ra như đã phi lý lồ lộ cả rồi.

Gió lẻ kể về những sự kiện gắn với một hình ảnh một cô gái không có tên tuổi, gọi là “em”.

Cô gái nhỏ là“em” đó mắc phải chứng “buồn nôn” mỗi khi nghe đàn ông tán tỉnh nói chuyện đực cái; rộng ra “em” buồn nôn khi phải chịu đựng những đám đông; và cuối cùng, thực ra là “em” không chịu được tiếng người.

Ðiều đó được kể như cái giả định xuất phát, xuất thân, tạo nên một hình ảnh mơ hồ gọi là nhân vật. Kể rằng “em” “hồi sáu tuổi” lấy dao cạo râu của cha để tỉa lông chó, khiến cha mắng mẹ “cô lấy thằng nào mà đẻ ra cái thứ này?” và mẹ“em” liền vào buồng đóng cửa treo cổ tự sát. Kể rằng, sau đám tang, chứng kiến cái chết này và thấy cha nói dối mọi người về nguyên nhân vụ tự tử, “em” bỗng không nói năng gì nữa; rồi sau bỏ nhà ra đi.

Những trần thuật rời rạc đó dù sao cũng đủ cho hình dung một logic hiện thực, mang tính giai thoại: đứa trẻ với một bi kịch gia đình, một sang chấn tâm lý quá nặng nề và tai biến trở thành một chấn thương thực thể - mất tiếng nói, mất cân bằng tri giác. [Cái nền tảng hiện thực này còn được gia cố đáng kể: cũng bằng trần thuật rời rạc mô phỏng giọng nội tâm, kể rằng “em” trong khi đi “bụi” ngủ chợ được một ông già chăm nom, cho ăn, rồi “em” theo về, ở ngoài chòi, giúp việc, và rốt cục một buổi nọ “em” bị ông cưỡng hiếp, chính là cái ông gọi là “ông Tám Nhơn đạo” đó - bạn đừng cười! Bởi vì cái tên đó không đặt ra để gây cười đâu, mà là một phép đề dụ tiêu cực về “cái ấy” của từ tâm, và nó có ý kêu lên một câu kiểu như: “Hỡi con người, hãy cảnh giác!”]

Nếu coi “em” là nhân vật chính (có cách gọi nào khác không?) thì các giai thoại nói trên chính là tiền đề và cốt lõi hiện thực của một hình ảnh con người trong văn chương.

Cái tính hiện thực đó, với logic mà hiển nhiên luôn đi cùng với nó, giống như lực trọng trường đối với hư cấu văn chương như là dự định về một chuyến bay lên mặt trăng.

Ðể thoát khỏi sự ràng buộc (hay là: sự bảo đảm) của tính hiện thực đó, nhằm đạt đến một cảnh giới tinh thần cao hơn, truyện Gió lẻ cho thấy tác giả đã sử dụng cả hai phương pháp quen thuộc: một mặt thì tạo ra tình huống và mặt kia tạo ra nhận thức. Tình huống ở đây là chiếc xe tải đi chở thuê theo lối “du mục” cho các mối hàng ở những chợ tỉnh chợ huyện xa cách thành phố, với một “gã” lái độc thân chối bỏ mọi cảnh đoàn tụ và một lơ xe trẻ tên Dự theo xe chỉ để tìm “bà nội” của y đã bỏ nhà đi lang thang; về nhận thức thì hình ảnh “gió lẻ” chính là tượng trưng cho toàn bộ những gì là “em” - với đầy những cảm nhận bơ vơ, lạc lõng, xa lạ với con người, chối bỏ tiếng nói (vì tiếng nói chỉ là những lời dối trá và làm tổn thương người khác) để chỉ còn “nghe” những tiếng thiên nhiên, v.v…

“Em” có lẽ chưa hay một tấm lòng với tự nhiên mang tính luận đề như thế sẽ dẫn thằng vào hư vô, không cần đến những tình tiết phi lý làm gì.]

Cái tình huống tạo dựng của truyện này mang một vẻ đặc trưng không giấu diếm: ba kẻ cô độc tình cờ chấp nhận nhau trên một chiếc ô tô, lấy “những con đường” và việc đi vô định làm cứu cánh, đều “đi tìm” một điều gì không chắc đã thấy và nếu có thấy thì rồi cũng không biết sẽ ra sao, sẽ để làm gì.

Tôi xin nhấn mạnh tính chất lựa chọn cá nhân của tình huống này. Và sự nửa vời mơ hồ của nó.

Kể rằng “em” kiên quyết ở lì trên chiếc xe tải, không nói năng, không chịu xuống; vậy là em lựa chọn việc đi; cũng như kể rằng “em” đã kiên quyết không nói năng kể từ sau đám tang nguời mẹ, rồi sau đó rời bỏ ngôi nhà người cha…, tất cả những tình tiết đó đều có vẻ như những khởi đầu hứa hẹn cho một “cú nhảy” vào hiện sinh.

Với những cơn buồn nôn vì tiếng-ồn-người và với đầy những đoạn văn mô tả sự lắng nghe tỉ mỉ, “nghe” đến mức như một biệt tài biệt lệ (và đến mức gò bó đáng tiếc!) đối với cảnh vật thiên nhiên (mà thực ra rất cỏ vẻ chỉ “nghe” bằng các chi tiết tu từ; về sự đa dạng thiên nhiên đó, bạn sẽ nghe rõ hơn ở Đất rừng phương Nam)…, “em” cho thấy cả ý thức và thực thể của “em” đã trở nên trống rỗng, một sự trống rỗng của tự do, thoát tung ràng buộc.

Nhưng “em” lại buộc vào ràng buộc.

Bởi vì “em” cần chiếc xe, mà là xe tải, để thực hiện cuộc đi rõ ràng mang bóng dáng lưu đày… Và vương quốc là “chiếc Landu LT 1257” đó sao? “Em” ngự trị chiếc xe tải đó và ràng buộc “gã” lái xe cùng “anh tìm nội” – tức lơ xe tên Dự. “Em” lựa chọn hiện sinh trên xe tải, nên vô hình chung buộc phải có “gã” đã lựa chọn như vậy trước em và lơ xe tên Dự đang lựa chọn theo em.

Sự trùng hợp ngẫu nhiên như thế, xét theo logic hiện thực như đã nói ở trên, là rất hiếm về xác suất.

Xét về mặt hư cấu, sự trùng hợp ngẫu nhiên đó đã hợp thức hoá một bản sao về cái phi lý; đơn giản là biến nó thành một cái hợp lý “rành sáu câu vọng cổ”.

Dù Albert Camus đã chết trong một tai nạn ôtô thì cũng chẳng có lý do gì cho một kẻ lưu đày… hậu sinh như “em” cũng giật lấy vô-lăng cho “chiếc Landu” lao xuống cái vực phi lý.

Lựa chọn chết của “em” được hàm ngụ lý giải bằng tình yêu đối với “gã” lái xe, người đàn ông duy nhất trong truyện có một dáng vẻ hiện sinh” giống như “em”; và phải ngầm hiểu rằng “gã” yêu thương, chia sẻ phù hợp với mong muốn của “em”,… Và như vậy, đó là cái “em” đi tìm; mà để tìm điều ấy, cái tình người thật là người ấy, thì những cơn buồn nôn, kịch câm và chiếc xe tải v.v… có phải đã là quá nhiều không?

Mặc dù cái kết thức mơ hồ dở dang về ý tưởng đó, trên bình diện hiển ngôn, truyện Gió lẻ có hơi hướng hiện sinh rõ rệt, chỉ có điều nó tiêu dao về nơi ảm đạm.

Và đó là một sự lầm lẫn. Ðã từng có những phiên bản lầm lẫn và giải thích sai lệch như vậy, trong khi chủ nghĩa hiện sinh vốn là một tư tưởng mang tính tích cực và đấu tranh, một nỗ lực chống lại tha hoá; tư tưởng dấn thân thoát thai từ đó là một thí dụ.

Việc tìm kiếm những ý nghĩa có vẻ siêu hình thông qua một hư cấu có vẻ phi lí như Gió lẻ vẫn chỉ là chơi trò chơi ngôn từ khá phù phiếm vậy thôi.

© 2008 talawas