© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
Loạt bài: Phỏng vấn của talawas
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19 
26.5.2004
Đỗ Minh Tuấn
Không phải tôi, chẳng ai làm được phim “Kí ức Điện Biên” đúng hạn và có quy mô lớn như thế được
Patrick Raszelenberg thực hiện
 
talawas: Thưa anh Đỗ Minh Tuấn, bộ phim Kí ức Điện Biên do anh đạo diễn vừa được công chiếu đúng dịp kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhưng không đầy một tuần sau đó, hầu hết các rạp ở Hà Nội đã ngừng chiếu phim này. Vì quá vắng khách?

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn (ĐMT): Phim Kí ức Điện Biên đã được công chiếu ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác từ 3-5 đến 10-5-2004. Đó là tuần lễ phim chào mừng 50 năm chiến thắng Điện Biên. Hết tuần lễ đó, các rạp được giải phóng khỏi phim nội địa để trở về kinh doanh phim ngoại kiếm lời, mặc dù, chính lúc ấy bộ phim mới bắt đầu có khách. Một số cơ quan ở Hà Nội đến hợp đồng cho cán bộ xem nhưng các rạp đã trả phim về cho FAFILM để cơ quan này đưa đến cho các tỉnh thành phố nào chưa có phim chiếu trong dịp lễ . Như vậy là hiện nay phim vẫn tiếp tục chiếu luân phiên trong các địa bàn cả nước. Theo Cục điện ảnh cho biết, sau một tuần lễ công chiếu ở 11 tỉnh thành có 32.672 lượt người xem Kí ức Điện Biên trong đó rạp Tháng 8 Hà Nội có 4257 lượt, rạp Đống Đa TP Hồ Chí Minh 448 lượt, Thanh Hoá 6600 lượt, Điện Biên Phủ 6.200 lượt, Đắc Lắc 4500 lượt…Việc TP Hồ Chí Minh vắng khách xem phim này có thể là do một trong các nguyên nhân: 1) Họ đưa phim vào rạp Đống Đa, một rạp hẻo lánh ở quận 5 đa số dân Tàu, 2) Trên Đài truyền hình thành phố đã chiếu 10 tập phim tài liệu Kí ức Điện Biên trong tháng kỉ niệm này, mọi người tưởng phim chiếu ở rạp Đống Đa cũng là phim ấy. Nghĩa là việc các lãnh đạo bắt đổi tên thành Kí ức Điện Biên đã là một nguyên nhân chính làm bộ phim vắng khách. Nhưng Kí ức Điện Biên dù ra mắt đúng dịp kỉ niệm để làm tròn nhiệm vụ chính trị, nó vẫn là một bộ phim nghệ thuật có đời sống riêng của nó, nó sẽ còn tiếp tục được chiếu sau lễ kỉ niệm vì hiện nay rất nhiều người muốn tìm xem. Các đại biểu quốc hội đã xem Kí ức Điện Biên vào tối 17-5 tại Trung tâm chiếu phim quốc gia, phản ứng rất tốt. Có đại biểu đã bức xúc đặt vấn đề trước quốc hội rằng một bộ phim tốt như thế cần phải được chiếu rộng rãi cho lớp trẻ xem.

talawas: Trong nhiều phỏng vấn trên báo chí trước khi phim ra mắt, anh tỏ ra tin tưởng rằng bộ phim này sẽ thu hút được khán giả bằng chất thơ, bằng một cách tiếp cận mới mẻ với quá khứ, bằng kĩ xảo nghệ thật tân tiến, có thể tạo ra những cú sốc thẩm mĩ, v.v. Nhưng hình như khán giả Việt Nam cũng vẫn thờ ơ với bộ phim này? Cú sốc thẩm mĩ của anh có xảy ra không?

ĐMT: Trên thực tế các buổi chiếu "Kí ức Điện Biên" mà tôi và các đồng nghiệp đã tham dự ở các tỉnh thành khán giả xem rất nồng nhiệt, chẳng thấy ai bỏ về giữa chừng, trái lại, có nơi như ở Điện Biên càng về cuối càng đông người xem, ngồi chật cả lối đi. Cú sốc thẩm mĩ đã xảy ra. Người ta khóc, cười, vỗ tay giữa chừng, phát biểu rất giống nhau rằng phim "rất hay", "hấp dẫn lắm", "rất thực" và "rất xúc động". Ông Đặng Quốc Bảo, cựu chiến binh Điện Biên Phủ nói rằng ngày xưa chúng tôi chiến đấu y như thế. Ông Vũ Tú Nam nguyên Tổng thư kí Hội nhà văn đi xem hai lần và nói: "Giỏi lắm.Chẳng thua gì Holywood." Truyền hình Việt Nam đã làm một phóng sự về Kí ức Điện Biên ở rạp, phỏng vấn một số khán giả, tất cả đều khen phim hay, một khán giả người Đức còn nói: "Nếu tôi là người Việt Nam tôi sẽ rất tự hào với cha ông mình khi xem phim này". Sau hai buổi chiếu đầu tiên ở Điện Biên Phủ, khán giả đồn nhau đi cả ô tô chở đầy người đến xem, nhưng vì hôm đó là ngày 7-5 có Đêm Hội Xoè Hoa nên rạp không chiếu phim, khán giả bị hẫng cãi nhau ầm ĩ với nhân viên rạp chiếu. Vừa qua, hàng loạt cơ quan như Bảo Việt, Đại học Sân khấu Điện ảnh, Tổng cục An ninh, Hàng không Việt Nam… đã liên hệ với các rạp ở Hà Nội để hợp đồng chiếu cho cơ quan họ. Nhưng các rạp đã chuyển sang chiếu phim ngoại nên các cơ quan muốn tổ chức cho cán bộ xem phim phải liên hệ mượn bản phim lưu của Hãng phim truyện Việt Nam và thuê rạp chiếu hoặc đem về chiếu tại hội trường cơ quan họ. Nhưng khách xem trong các buổi chiếu này không được tính vào tổng lượng khách xem phim.Cũng như trước đây phim Vua bãi rác của tôi được Phát hành phim quân đội mua 8 copies để chiếu ở Hà Nội và các địa bàn khác cho hàng trăm ngàn lượt người xem, nhưng người ta vẫn cho là phim kén khách vì các rạp lớn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không chiếu.

Hiện nay, trong công luận, khái niệm "khán giả" có xu hướng bị co rút vào chỉ bộ phận khán giả thị dân, thậm chí chỉ là khán giả của vài rạp lớn ở thành phố HCM. Hệ thống chiếu bóng của các thành phố lớn cũng chỉ lo chiếu các phim phù hợp với thị hiếu của bộ phận khán giả này. Nhưng với các nghệ sĩ điện ảnh như chúng tôi thì khán giả bao gồm cả khán giả nông thôn, miền núi và hải đảo, khán giả trí thức sinh viên ở các thành phố, khán giả Việt kiều, khán giả người nước ngoài v.v., nên sáng tác hướng đến họ, ấp ủ những cái gọi là "chất thơ", "quá khứ", "thẩm mĩ" - toàn những thứ không ăn khách - cũng chỉ vì có họ. Có người cho rằng nhiều khán giả thị dân thờ ơ với phim nội, nhất là phim lịch sử, phim nghệ thuật vì bản thân nghệ thuật, dân tộc và cách mạng không hấp dẫn họ nữa chứ không phải là do nghệ sĩ không biết cách làm phim hấp dẫn. Thực ra thì vấn đề chẳng đến nỗi đáng bi quan như thế. Phim Việt Nam không đến được với người xem là do cấu trúc vĩ mô của sản xuất, phát hành và chiếu bóng có vấn đề. Chủ trương xây dựng cấp huyện làm pháo đài từ thời ông Lê Duẩn đã dẫn đến việc giằng các rạp chiếu bóng khỏi tay ngành văn hoá để đưa về cho địa phương, nên cho đến nay sau bao nhiêu quyết nghị, chủ trương, cải tổ nọ kia ngành văn hoá vẫn chưa giành lại được cái shop bán hàng hoá điện ảnh của mình. Các Hãng sản xuất phim thì vẫn là doanh nghiệp công ích, làm văn hoá và chính trị, còn các rạp chiếu thì thả cửa kinh doanh kiếm lời, trở thành nơi sỉ nhục phim nội và vinh danh phim ngoại. Vì thế mới nên nỗi bộ phim Người đàn bà mộng du được xếp lịch chiếu ở rạp Tháng Tám trong đợt phim kỉ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, nhưng đến chính ngày 22-12, ngày thành lập quân đội anh hùng của chúng ta thì rạp này lại không chiếu phim Người đàn bà mộng du mà chiếu một bộ phim của Mĩ, đến nỗi đạo diễn Thanh Vân hăm hở dẫn bạn đi xem phải quay về dở mếu dở cười. Phim Kí ức Điện Biên cũng vậy, dù được ngạo nghễ giương cờ phục vụ chính trị chiếm lĩnh một buồng của rạp chiếu trong một tuần vẫn chỉ là khách trọ trong chính nhà mình. Không được quảng cáo trên Tivi như các phim Mĩ, phim Hàn Quốc, áp-phích ở rạp Tháng 8 bôi bác đến nỗi báo Công An phải chụp lại bêu lên kêu trời là cô Mây trẻ trung hấp dẫn trong Kí ức Điện Biên bị vẽ thành một bà già xấu xí đặt bên cạnh các ảnh siêu sao ngoại quốc trẻ trung mơn mởn thì liệu ai xem? Đến khi khán giả thành phố bắt đầu biết đến các phim này muốn đi xem thì rạp đã dẹp đi để chiếu những bộ phim ngoại mua ít tiền, lại được quảng cáo rầm rộ trên các luồng thông tin đại chúng từ nhiều năm trước. Thế rồi, khi nguồn thu từ phim ngoại đã quá béo bở, người ta bắt đầu tấn công vào phim đặt hàng, phim nội địa để chặn nó từ xa, không cho nó nhân danh bất cứ nhiệm vụ văn hoá chính trị gì để chiếm buồng chiếu của các quý ông ngoại quốc. Họ đem con số người xem quá ít do một mẩu tin đưa ra (chẳng có ai kiểm chứng) của một rạp nào đó ra doạ dẫm những người quản lý văn hoá , hòng chuyển lỗi của khâu phát hành sang các nghệ sĩ. Thực ra, chính sự bất lực của cả một thể chế trong việc thu hồi rạp chiếu bóng về cho ngành văn hoá đã dẫn đến việc khán giả ít được xem phim Việt Nam, kể cả những phim mà chính họ thấy hay. Nếu cấu trúc vĩ mô của ngành điện ảnh thay đổi, các rạp chiếu bóng hiện đang là mâm cỗ của các địa phương được trả về cho điện ảnh quản lý, thì các rạp sẽ dành nhiều thời gian, nhiều buồng tốt để chiếu phim trong nước sản xuất, do đó, lượng khách xem phim Việt nam sẽ được đông hơn.

talawas: Còn dư luận trong giới với bộ phim này? Các đồng nghiệp của anh ra đánh giá thế nào?

ĐMT: Hầu như tất cả các đồng nghiệp khi xem xong Kí ức Điện Biên đều có chung một thái độ rất tích cực, họ dùng những từ rất mạnh: "Tuyệt vời", "Rất hay", "Được lắm", "Giỏi đấy!", "Ấn tượng lắm", "Rất thật và rất xúc động", "Oách đấy!", "Tiến bộ vượt bậc về dàn dựng" v.v. Chỉ mỗi Đặng Nhật Minh (ĐNM) là chê trên talawas. Tôi bận lâu không vào talawas nên biết bài của ĐNM hơi chậm. Thực tình, khi đọc bài trả lời phỏng vấn của ĐNM tôi thấy chẳng có gì đáng chấp, đáng bực, thậm chí, tôi còn thấy rất mừng. Mừng vì, từ góc độ nhân tình thế thái thì hành vi của anh ta chẳng khác gì hành vi tự tử, nó bộc lộ sự ghen tức và hốt hoảng trước tiếng vang và sự thành công nhiều mặt của Kí ức Điện Biên. Có người như chị Tú vợ cũ của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm tác giả kịch bản Hà Nội mùa đông năm 46 đã tuyên bố Kí ức Điện Biên là phim hay nhất của điện ảnh Việt Nam. Nếu anh ta cao thủ hơn, khen kiểu xoa đầu thì gây nhiều ngộ nhận nguy hiểm hơn.

Ngoài ra cũng còn một lý do nho nhỏ khiến tôi không muốn mất thời gian trả lời là tôi nghi ngờ sự công tâm của talawas. Trước đây, khi còn ở Mĩ, tôi đã viết một bài rất công phu đối thoại với nhà thơ Đức về bài viết của ông ta đăng trên talawas. Nhưng cuối cùng talawas đã không cho đăng, có lẽ vì tôi đã động chạm đến một người Đức, nơi bộ sậu talawas đặt bàn thờ và bếp núc. Tôi đã không gửi bài viết đó cho các diễn đàn khác như lời khuyên của ban biên tập talawas để họ hiểu rằng tôi viết bài đó cho talawas chứ không phải muốn dùng talawas để bộc lộ quan điểm của mình. talawas đã đẻ ra nó và đã bóp chết nó thì talawas sẽ trở thành bãi tha ma chôn nó chứ không thể dễ dàng phi tang chôn nó sang đất khác. [1]

Trong bài phỏng vấn trên talawas, ĐNM đã chối bay việc làm phim nhà nước đặt hàng. Phim Hà nội mùa đông năm 46 được nhà nước đặt hàng để kỉ niệm 50 năm ngày toàn quốc kháng chiến với giá 3 tỷ 4. Theo tỷ giá lúc bấy giờ thì mức đầu tư cho Hà Nội mùa đông năm 46 gấp 10 lần các phim bình thường thời điểm đó, nghĩa là tương đương mức đầu tư cho Kí ức Điện Biên hôm nay. Nhưng Hà Nội mùa đông năm 46 đã bị chậm mất vài năm. Tất cả những người làm phim nhà nước đặt hàng không đúng hẹn trong đó có Đặng Nhật Minh có ai bị tù vì tội lừa đảo đâu? Vậy mà anh ta hậm hực trước sự việc Kí ức Điện Biên ra đúng hạn, làm như những người làm phim sợ bị tội lừa đảo nên phải ra đúng hạn, dẫn đến chất lượng không cao như anh ta nói. Tôi có thể nói thẳng rằng, không có phim đặt hàng nào kể cả phim của ĐNM làm quy mô, kỹ lưỡng công phu như Kí ức Điện Biên. Những gì mà ĐNM chê đều như việc để bộ đội dân công hành quân múa hát giữa ban ngày là hiện thực có ghi trong Hồi kí của Võ Nguyên Giáp.

Hà Nội mùa đông năm 46 làm trong mấy năm trời như vậy nhưng chất lượng ra sao? Nhân vật Hồ Chí Minh do Tiến Hợi đóng hoá trang như một diễn viên sân khấu, khi quay cận cảnh còn rõ vết dán râu. Còn nhiều điều cẩu thả và phạm lỗi nghề nghiệp mà báo chí phê phán không thể kể hết ra đây. Làm phim đặt hàng không đúng hẹn, chất lượng không cao, nên ĐNM hậm hực với việc Kí ức Điện Biên vừa làm đúng hạn, vừa được công luận đánh giá tốt cũng là dễ hiểu.

talawas: Trong cuộc trả lời phỏng vấn của báo Thể Thao-Văn Hoá tháng 7.2003, anh cho biết là đã được Cục điện ảnh và Hãng phim truyện giao cho làm bộ phim này. Vì sao anh được "chọn mặt gửi vàng" như vậy? Bình thường, các đạo diễn phải xếp hàng nhiều năm mới mong được cấp kinh phí làm một bộ phim có khi đã ấp ủ cả chục năm. Một dự án phim với ngân sách khổng lồ so với hoàn cảnh Việt Nam như vậy có phải đưa ra công khai "đấu thầu" không?

ĐMT: Kịch bản Người hàng binh được chị Nguyễn Thị Hồng Ngát viết ra đã lâu, có ai nhận làm đâu. Đến tháng 6 năm 2003, khi tôi vừa từ Mĩ về, chị Ngát đưa mời tôi làm đạo diễn và đồng tác giả kịch bản này, tôi cũng băn khoăn một tuần không nhận, một phần vì sợ làm không kịp, không hay, nhưng phần khác quan trọng hơn là lúc đó tôi đang bắt tay vào chữa lại kịch bản Tôn Ngộ Không đại náo Hoa Kỳ theo yêu cầu của một đại lý ở Holywood để chuẩn bị triển khai dự án làm phim này ở Mĩ với dự toán cỡ hàng chục triệu đôla. Sau một tuần suy nghĩ, tôi đã quyết định nhận lời làm phim Người hàng binh vì trách nhiệm công dân và tình cảm của người nghệ sĩ trước chiến thắng vĩ đại này. Sau đó tôi bắt tay vào viết lại kịch bản theo đề cương thống nhất. Trong quá trình phân cảnh và quay lại viết thêm hàng ngày để đáp ứng các yêu cầu bổ sung sửa chữa mà Hội đồng duyệt kịch bản đưa ra. Trước khi tôi bắt tay vào viết lại thì kịch bản đã được duyệt đâu mà đòi đấu thầu. Khi tôi viết lại rồi, được duyệt rồi thì chúng tôi có bán đứt cho nhà nước đâu mà ĐNM đòi đấu thầu kịch bản của tôi? Vô duyên. Thời gian chỉ có 10 tháng dành cho mọi việc, từ thủ tục đến làm phim. Các quan chức của Cục điện ảnh trong đó có cả chị Ngát sợ làm thủ tục phim đặt hàng sẽ lâu (các phim trước đây mất một hai năm) sẽ không ra phim đúng hạn nên đề nghị làm phim tài trợ cao hơn mức bình thường một chút thôi, nghĩa là khoảng hai tỷ. Nhưng tôi đòi phải làm phim quy mô, do nhà nước đặt hàng. Các đạo diễn khác không tin rằng phim sẽ có được số tiền trên hai tỷ. Bản thân tôi do chưa biết tính toán giá thành phim nên cũng chỉ nghĩ đến con số 5-7 tỷ. Nhưng khi các chuyên gia tính toán ra thì để đáp ứng hết những yêu cầu của tôi, phải đầu tư khoảng 16 tỷ. Họp đi họp lại, cắt hai ba lần mới thống nhất được giá thành là 13 tỷ 329 triệu. Nói là ngân sách khổng lồ, nhưng thực ra giá thành bộ phim chưa bằng giá một KM đường quốc lộ.

Cuối tháng 9 duyệt xong tổng dự toán, nhưng mãi đến đầu tháng 1-2004 tiền nhà nước mới về đến tài khoản của Hãng phim truyện Việt nam. Giả sử tôi và chị Ngát có đồng ý bán kịch bản cho nhà nước đấu thầu thì đến bây giờ cũng chưa chắc làm xong thủ tục đặt hàng, hoặc có làm xong thì cũng chẳng có tiền, ai sẽ làm cái việc thúc ép các cơ quan tài chính triển khai nhanh các thủ tục cấp tiền, ai sẽ thuyết phục Hãng phim truyện Việt nam bỏ tiền cho các quý vị quay trong ba tháng khi chưa có tiền nhà nước chuyển về để phim hoàn thành kịp thời gian? Không phải tôi, chẳng ai làm được. Đơn giản vì tôi dám nghĩ dám làm, tôi không phải con ông cháu cha như ĐNM nên phải nỗ lực gian truân tự thân vận động. Nhiều đạo diễn khác chỉ quen làm cái việc "xếp hàng nhiều năm mới mong được cấp kinh phí làm một bộ phim". Trước đây, sau phim Hoa của Trời năm 1995 tôi cũng đã chờ đến 6 năm không được làm phim.

talawas: Trận Điện Biên Phủ mang ý nghĩa chính trị lớn, vậy phim về trận đánh đó bắt buộc phải tải một tính chính trị cao? So với những phim đã có của Việt Nam và thế giới về Điện Biên Phủ, anh có mở rộng "quang phổ lý giải" về sự kiện Điện Biên Phủ được chút nào không? Hay tất cả vẫn theo một lối mòn tuyên truyền không bao giờ thay đổi, để tránh khả năng dẫn đến những nguy cơ về mặt tư tưởng?

ĐMT: Các phim của Việt Nam và của Pháp làm về Điện Biên Phủ xưa nay thường chỉ tập trung tái tạo lại chiến trận Điện Biên thôi, nghĩa là chỉ tập trung vào những câu chuyện về Điện Biên trong quá khứ. Nhưng với cảm hứng làm một phim nghệ thuật tôi đã mở rộng quang phổ lý giải về sự kiện Điện Biên Phủ để nhìn sự kiện này qua ba lăng kính: 1-Lăng kính tình cảm của các cựu chiến binh Bạo và Becna với kí ức về chiến trận, tình yêu và tình bạn, 2-Lăng kính lý trí của Sơn con trai Bạo nhìn Điện Biên từ góc độ kinh doanh thực dụng và 3-Lăng kính của cô bé Vân tâm thần nhìn Điện Biên Phủ qua sự khúc xạ của vô thức và tinh thần đương đại. Bộ phim là sự xen kẽ ba mảng kí ức khác nhau này. So sánh ba mảng đó, ta có thể thấy một cái gì đó như quang phổ văn hoá của dòng đời 50 năm qua, với những thăng hoa, những mất mát và tan rã. Không chỉ có khói lửa chiến trận, trong Kí ức Điện Biên còn có nhiều hoa. Những bông hoa ban hoa rong giềng nhỏ bé dọc đường chiến dịch từng len vào quan hệ của Bạo, Mây và Becna làm họ buồn vui, day dứt cứ sinh sôi lây lan tràn ngập ngôi nhà của ngươi cựu chiến binh như một ám ảnh truyền kiếp, tạo nên một thế giới bằng hoa bủa vây cuộc sống của bé Vân điên dại. Và những con bồ câu bay lên từ giấc mộng của một người hàng binh tử tế, năm mươi năm sau lại sà xuống bên cô bé Vân làm cô sợ hãi chạy trốn, dường như cánh chim ấy còn đáng sợ hơn lủa đạn ngày xưa. Cô bé Vân tâm thần như là kiếp sau của Mây, sợi dây vô thức mong manh nối liền quá khứ hào hùng với cuộc sống đương đại - là mảng phim tôi gửi gắm nhiều thông điệp nghệ thuật nhưng bị cắt đi nhiều nhất, tới gần 10 phút. Mỗi lần duyệt qua một hội đồng là mỗi lần bị cắt một số đoạn hay. Nhưng tôi đã xoay đảo cấu tứ, quay bổ sung hình ảnh và viết thêm lời tự sự để giữ lại được một số đoạn trong mảng phim này. Sau khi hình ảnh đã gửi sang Thái Lan được mấy tuần để họ cắt negative, âm thanh đã làm theo bản dựng cuối đó thì bộ trưởng Phạm Quang Nghị xem lần cuối đề nghị cắt bớt đi gần một cuốn.Vì các vị lãnh đạo sợ khi chiếu cùng với một phim tư liệu 30 phút, chương trình sẽ quá dài, tới 2 tiếng rưỡi. Thế là ở Thái Lan, đoàn phim phải mất bốn ngày cắt đi gần 7 phút hình và mấy chục kênh âm thanh kèm theo. Đến nỗi, Hãng Kantana - chưa bao giờ gặp phải tình huống như thế này- phải nói thẳng rằng nếu cắt thêm họ không chịu trách nhiệm về tiến độ, không đảm bảo phim sẽ ra bản đầu vào trước ngày 30-4. Vì thế, bộ phim còn lại một số đoạn mà Bộ trưởng đề nghị cắt nhưng không có đủ thời gian để cắt. Khi trở về, Bộ trưởng xem lại đã nổi giận mắng hai bà Cục phó Nguyễn Thị Hồng Ngát và Nguyễn Thị Hồng Thái như tát nước. Nhưng Bộ trưởng không hiểu rằng nếu chỉ cắt thêm một phút nữa thôi là phim sẽ chậm. Sau khi duyệt qua Hội đồng có ĐNM, các vị lãnh đạo Bộ Văn hoá lại gọi điện ép ông Nguyễn Phúc Thảnh cắt positive trước khi đem chiếu trong cả nước. Nhưng ai cắt, cắt ở đâu, cắt mất bao nhiêu lâu, có kịp công chiếu theo đúng kế hoạch không và cắt phim sau khi Hội đồng duyệt quốc gia đã thông qua kí giấy phép phát hành có sai quy định của Lụât pháp không thì các vị lãnh đạo không quan tâm. Ông Nguyễn Phúc Thảnh Cục trưởng tỉnh táo hơn nói rằng, thôi cứ cho chiếu rồi nghệ sĩ chịu trách nhiệm trước công luận, sau này sẽ ban hành quy chế phim đặt hàng nghiêm khắc hơn. Đến khi phim ra, báo chí lại tiếc những chỗ tôi cắt đi là lướt quá, chưa đẩy tới cùng, khán giả thèm được có thêm những hình ảnh nọ kia. Hầu hết các báo chí có bài viết về Kí ức Điện Biên đều khen phim hoành tráng, chân thực, ấn tượng và xúc động. Không ai nói phim có vấn đề về tư tưởng. Chỉ riêng báo Công an TP Hồ Chí Minh không biết xuất phát từ động cơ và mưu đồ tổ chức gì đã tung ra một bài viết dài đầy giọng hằn học của Thiên Ấn quy kết hàm hồ. Bài viết tự bộc lộ sự vội vã của nó khi được tung ra đúng vào ngày sinh nhật Hồ Chủ Tịch 19-5, là cái ngày mà nếu không có lý do gì quá đặc biệt người ta không dành cả trang báo để bôi bác, quy kết một bộ phim làm ra để chiếu trong đợt kỉ niệm chiến thắng Điện Biên. Một số người cho rằng có một mưu đồ tấn công để thay ông Phạm Quang Nghị trong dịp họp Quốc hội lần này, nên một vài tờ báo phía Nam hợp đồng chặt chẽ liên tục tung ra các bài tấn công Kí ức Điện Biên, đánh đồng trách nhiệm của phát hành với trách nhiệm nghệ sĩ, đánh đồng việc một rạp ít khách với chất lượng của một bộ phim. Các luận điểm và cách lập luận của Thiên Ân trong bài viết trên báo Công an TP HHCM tự tố cáo tác giả chính là kẻ kí nhiều tên nặc danh trên mạng YXINE (www.yxine.com) về phim ảnh để bôi bác bộ phim của tôi, với những thông tin hết sức mâu thuẫn và sai thực tế, chẳng hạn như thông tin về buổi chiếu ra mắt ở rạp Đống Đa, thông tin về các chi tiết trong phim. Khi hoạ sĩ Vũ Huy gọi điện chất vấn ông Tổng biên tập báo Công an TPHCM rằng ông đã xem phim chưa mà cho đăng một bài viết hằn học như vậy với một bộ phim làm ra bằng sự nỗ lực của hàng ngàn con người trong suốt nửa năm qua, một bộ phim được sự chỉ đạo của Ban tư tưởng văn hoá, Bộ văn hoá và Thủ tướng chính phủ thì ông Đặng Xuân Dũng Tổng biên tập ấp úng trả lời rằng ông ta chưa được xem phim. Hoạ sĩ Vũ Huy có nói đại ý rằng nhà nước tài trợ cho ngành công an mỗi năm hàng bao nhiêu tỷ để bảo vệ chế độ, vậy mà bộ mặt chế độ trên tờ báo Công an TP HCM thật là xấu xí, đủ thứ tham nhũng, buôn lậu, tội ác và đĩ điếm, hầu như chẳng thấy có gì tốt đẹp. Chê khen một bộ phim là chuyện bình thường, nhưng TBT chưa xem phim mà đã cho đăng một bài báo dài quy kết tuỳ tiện, phủ nhận sạch trơn một công trình điện ảnh do nhà nước tổ chức, được tất cả các Bộ các ngành hỗ trợ, đã được hầu hết các báo bạn trân trọng khẳng định, thì thật là vô trách nhiệm, thiếu ý thức chính trị và không xây dựng.

talawas: Trong loại phim do nhà nước đặt hàng, có những tác phẩm bất hủ như Alexandr Nevsky của Sergey Eisenstein, quay năm 1937/38 nhưng bị rút khỏi các rạp chiếu khi Liên Xô kí thoả ước hoà hoãn với Đức Quốc Xã năm 1939. Hai năm sau, khi Đức xâm lược Liên Xô, nó được giới thiệu lại để nâng cao tinh thần đấu tranh chống Đức Quốc Xã. Cũng có những phim như Der Triumph des Willens của Leni Riefenstahl được quay để vinh danh Đại Hội Đảng Quốc Xã năm 1934 và được chính quyền phát xít trọng dụng ngay tức khắc. Cả hai phim này mang đậm tính tuyên truyền chính trị nhưng vẫn được coi là những tác phẩm kinh điển của ngành điện ảnh. Trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, một phim do nhà nước đặt hàng và mang tính tuyên truyền vẫn có thể có giá trị nghệ thuật cao được không?

ĐMT: Chính vì không bị định kiến với phim lịch sử nên tôi đã quyết tâm làm phim về Điện Biên Phủ như là một phim nghệ thuật, và trên thực tế, trước khi chiếu bản nháp dựng cho Hội đồng duyệt thì tôi hoàn toàn tự do sáng tác theo cảm hứng làm phim nghệ thuật. Và cho đến nay sau khi bị cắt xén, xoay đảo, biến tấu qua bốn năm lần duyệt, dấu vết của cảm hứng sáng tác đó vẫn còn rất đậm. Không ít khán giả có tên tuổi đánh giá Kí ức Điện Biên là một phim nghệ thuật thành công. Thậm chí, nhà văn Trần Ninh Hồ đã thốt lên: "Tôi không ngờ lại có một phim Việt Nam hay đến như vậy!" Đạo diễn Đào Duy Phúc đang làm phim Chiến dịch trái tim bên phải đã nói sau khi xem phim: "Tuyệt vời. Em tự hào vì Việt Nam làm được một phim như vậy!"

talawas: Anh có cho rằng nếu Kí ức Điện Biên không phải là phim do nhà nước đặt hàng, được làm bằng vốn đầu tư của tư nhân, thì nó sẽ là một phim khác hẳn không?

ĐMT: Cũng có thể sẽ là một phim khác hẳn vì tư nhân sẽ không bị câu thúc về thời gian ra phim phục vụ kỉ niệm, vì thế mà họ có thể chăm chút cho ý đồ nghệ thuật của tôi nếu họ tâm đắc, nhưng họ cũng sẽ xem trước kịch bản và cắt bỏ không thương tiếc những gì không phục vụ mục đích của họ. Tôi sẽ không có cơ hội sáng tác tự do, ngẫu hứng và sẽ không giữ được một số đoạn tâm đắc nhờ vào quyền lực của thời gian quá gấp rút. Làm phim cho tư nhân còn có một điều khác nữa là họ sẽ ít thay đổi ý kiến hơn các vị quan chức nhà nước, vì họ không chịu sức ép của những ý kiến ba vạ của nhiều kẻ dốt nát, thiếu thiện chí nhưng lại nhân danh cái chung như các vị quản lý văn hoá điện ảnh đang phải chịu hàng ngày. Cuối cùng, phim làm cho tư nhân sẽ không bị lôi vào các trận đấu đá tranh giành quyền lực nhằm mưu đồ lật đổ các quan chức của ngành văn hoá.

talawas: Trong quá trình làm phim, anh có cảm thấy rằng nếu dùng kinh phí của bộ phim này - một kinh phí gấp 10 một bộ phim truyện bình thường trong nước - để làm một cuộc khai thác tài năng điện ảnh, dẫn đến một đợt đột phá khẩu của phim Việt Nam, thì có ý nghĩa hơn không? Và bây giờ, anh có cảm thấy rằng kết quả đạt được là xứng đáng với vốn đầu tư cực lớn đó? Kí ức Điện Biên có làm nên một sự kiện điện ảnh trong nước không?

ĐMT: Trong quá trình làm phim tôi luôn nghĩ là ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị, chúng tôi đã sử dụng kinh phí của bộ phim này để làm việc thể nghiệm sáng tạo nghệ thuật, khai thác tài năng điện ảnh của đội ngũ mình. Cho đến bây giờ chúng tôi hoàn toàn yên tâm thấy mình đã đạt được kết quả xứng đáng với vốn đầu tư khá lớn. Phim Điện Biên Phủ của Pháp làm mất 30 triệu đôla trong thời gian 2 năm mà qui mô cũng chẳng hơn gì, nếu không nói là có nhiều mặt sơ sài hơn, nội dung cũng chỉ nói về một phía, một thời thôi, không có quang phổ lý giải rộng như phim của tôi. Tiền họ tốn cho thù lao và ăn ở là chính. Còn Kí ức Điện Biên có làm nên một sự kiện điện ảnh trong nước không ư? Việc một phim có quy mô lớn và nội dung phức tạp như thế được hoàn thành trong vòng 6 tháng, ra mắt đúng thời hạn và được báo chí khẳng định, bản thân điều đó đã là một sự kiện điện ảnh không lặp lại rồi.

talawas: Xin cảm ơn anh Đỗ Minh Tuấn.


© 2004 talawas



[1]Chú thích của talawas: Những chi tiết liên quan đến việc gửi và đăng bài trên talawas, chúng tôi đã ghi rõ trong mục Toà Soạn.