© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
4.9.2008
 
Nhân 45 năm ngày mất của Nhất Linh - Phỏng vấn nhà văn Nguyễn Tường Thiết
Lê Quỳnh Mai thực hiện
 1   2 
 
Lê Quỳnh Mai: Ông cho biết về tiểu sử và hoạt động về văn học.

Nguyễn Tường Thiết: Tôi sinh năm 1940 tại Hà Nội, là con út của nhà văn Nhất Linh. Trước năm 1975 ở Sài Gòn tôi dạy học rồi nhập ngũ khoá 2/68 quân trường sĩ quan Thủ Ðức, ra trường và phục vụ tại Tổng cục Chiến tranh Chính trị. Năm 1973 tôi trông nom nhà xuất bản Phượng Giang. Năm 1975 định cư ở Mỹ, tôi làm việc tại nhà máy lọc nước thải của thành phố Seattle với tư cách một chuyên viên phòng thử nghiệm hoá chất cho đến ngày về hưu, tháng Tư năm 2006. Cộng tác với các tạp chí Thế Kỷ 21, Văn Học, Hợp Lưu, Da Màu.org. Ðã có hai tác phẩm xuất bản, hồi ký Nhất Linh, cha tôi (Văn Mới, 2006) và tập truyện Mùa hạ năm ấy (Văn Mới, 2008).

Lê Quỳnh Mai: Những năm đầu sống tại Hoa Kỳ ông không viết đều đặn mà thời gian gần đây mới thật sự đến với văn chương? Trước thời gian này ông có bị thôi thúc dấn thân vào nghiệp viết không?

Nguyễn Tường Thiết: Chị nói thôi thúc? Không. Hoàn toàn không. Ðã có một số người hỏi tôi vì sao tôi không viết đều đặn, chẳng hạn như nhà phê bình và nghiên cứu văn học Nguyễn Hưng Quốc. Anh Quốc sau khi đọc tập hồi ký Nhất Linh, cha tôi có ngay một nhận xét tiên khởi này: Bài thứ nhất “Niềm vui chết yểu” tôi viết năm 1964, bài thứ hai “Nhất Linh, cha tôi” viết năm 1985, bài thứ ba “Cây bàng lá đỏ” năm 2002. Anh hỏi tôi vì sao mà có những “lỗ hổng” lớn như thế, cách nhau những 20 năm? Tôi trả lời anh ấy là bởi vì tôi đã không chọn nghề văn ngay từ đầu. Cả ba bài viết ấy đều do sự thôi thúc của người khác muốn có bài của tôi để đăng trên báo của họ. Anh Phan Kim Thịnh với tờ Văn Học, anh Võ Phiến với tờ Văn Học Nghệ Thuật, anh Phạm Phú Minh với tờ Thế Kỷ 21. Chỉ sau này khi gần về hưu tôi mới viết do thôi thúc đến từ chính mình. Viết với tôi bây giờ giản dị là một thứ “hốp bi” của tuổi già. Từ ngày về hưu tôi có ba cái thú: chăm sóc đám cây cỏ xung quanh nhà, đi tập thể dục đều đặn, và bước vào trong quán café Starbucks với cái laptop trên tay để viết (như tôi đang “viết” những dòng này trong một quán Starbucks). Chúng tôi vẫn chưa có cháu nội ngoại nên tôi chưa có thêm cái thú thứ tư là thú “trông cháu” như tất cả các bè bạn ở lứa tuổi tôi đều đã có.

Lê Quỳnh Mai: Một nhà văn trẻ Hoa Kỳ có tác phẩm thành công tại Âu châu, đã từ chối không dùng tên thật mà lấy bút hiệu để viết vì không muốn bị che lấp bởi cái bóng quá lớn của thân sinh. Là dòng dõi nhà văn Nhất Linh, ông có mang ý nghĩ sử dụng một bút hiệu để viết không?

Nguyễn Tường Thiết: Như đã nói ở trên, tôi đã không chọn nghề văn ngay từ đầu. Nếu không thì chắc chắn bây giờ đã có một bút hiệu rồi. Hồi nhỏ tuy không viết nhưng tôi luôn luôn mơ tưởng và tự tìm cho mình một cái bút hiệu thật hay, thật lý tưởng. Chả là hồi đó không hiểu sao tôi tin một cách chắc nịch rằng việc chọn bút hiệu nó quan trọng ghê gớm lắm, nó sẽ quyết định cả đời văn của mình, mình mà không khéo chọn một bút hiệu đọc lên nghe nó “quê quê” thì suốt đời văn chương mình cũng sẽ “quê quê” như thế. Khổ nỗi có bao nhiêu cái bút hiệu hay thì thiên hạ đã lấy hết sạch rồi. Tôi mê nhất bút hiệu Thạch Lam nhưng ông chú của tôi đã cuỗm mất từ mấy chục năm trước rồi. Tiếc ghê! May quá tôi không phải tìm bút hiệu cho mình nữa vì bài viết đầu tiên là hồi ký về ông cụ tôi, mà viết hồi ký thì dùng tên thật là chuyện rất hợp lý. Bây giờ tôi viết văn, viết truyện, cũng lấy tên thật, vì nghĩ mình già rồi, xây dựng tên tuổi trên một bút hiệu e rằng quá trễ, quá mệt mỏi.

Lê Quỳnh Mai: Cụ thân sinh bút hiệu Nhất Linh, các chú lấy bút hiệu Hoàng Ðạo, Thạch Lam... Theo ông việc này là tốt hay không tốt vì đa số những nhà văn quốc tế đều lấy tên thật để viết hơn là dùng bút hiệu?

Nguyễn Tường Thiết: Chọn bút hiệu hay chọn tên thật là lựa chọn riêng của nhà văn. Hoàn toàn không có vấn đề tốt hay không tốt. Riêng trường hợp của ông cụ tôi chọn cho mình một bút hiệu là một điều hay. Ai cũng biết ông cụ tôi có hai con người. Một con người cách mạng chính trị Nguyễn Tường Tam và một con người nghệ sĩ Nhất Linh. Khi hoạt động chính trị ông cụ đứng dưới tên thật, khi hoạt động văn hoá thì ông dùng bút hiệu. Lần duy nhất (đầu tiên cũng là cuối cùng) ông cụ sử dụng cả tên thật lẫn bút hiệu để ký trên lá thư tuyệt mệnh “Ðời tôi để lịch sử xử...”. Phải chăng khi ký gộp Nhất Linh Nguyễn Tường Tam ông cụ tôi đã hàm ý nói với hậu thế rằng tuy cái chết của ông có mục tiêu chính trị nhưng phong cách ông lựa chọn cái chết đến từ tâm hồn của một nghệ sĩ?

Lê Quỳnh Mai: Trong thời gian ngắn vừa qua, đột nhiên một làn sóng dấy lên những bài viết, hội luận từ trong cho đến ngoài nước nhắc về cái chết Nhất Linh và nhóm Tự lực Văn đoàn. Qua hiện tượng này ông có ý kiến gì?

Nguyễn Tường Thiết: Sự kiện “có một làn sóng dấy lên” như chị nói, tôi nghĩ bắt đầu từ trong nước với bài báo của tác giả Quang Thiện nhan đề “Về thị trấn văn chương” đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 26 tháng 7. 2006. Bài báo cho biết có một đề nghị của giáo sư sử học Văn Tạo: “Chúng ta nên đánh giá công minh giá trị lịch sử của Tự lực Văn đoàn; ghi công họ bằng một nhà lưu niệm trên nền ‘nhà khách văn chương’; đặt tên phố Tự lực Văn đoàn ở Hải Dương và quận Tây Hồ (Hà Nội); có thể xây dựng khách sạn mang tên này để đón du khách văn chương trong nước và thế giới”. Sau đó thì vào ngày 8 tháng 2 năm 2007 Bộ Văn hóa Thông tin có gửi một công văn cho Sở Văn hóa Thông tin Hải Dương “đề nghị thu thập tài liệu về Tự lực Văn đoàn để có căn cứ đánh giá rõ hơn nữa những cống hiến của nhóm văn chương này kiểm tra tình hình thực tế ‘nhà khách văn chương’ để đề xuất phương án giải quyết các kiến nghị trên”. Và gần đây nhất là cuộc Hội thảo về Tự lực Văn đoàn được tổ chức tại Cẩm Giàng, Việt Nam, vào ngày 9 tháng 5 năm 2008.

Là một đề tài cấm kỵ trong suốt hơn một nửa thế kỷ ở miền Bắc và hơn ba chục năm ở cả nước, Tự lực Văn đoàn nay lại được nhắc đến, được đánh giá lại một cách trang trọng bởi nhà cầm quyền Việt Nam. Tôi nghĩ đây là một khởi đầu tốt cho một công việc mà đáng lý là nhà nước họ phải làm từ lâu.

Tôi thiết nghĩ việc đánh giá và ghi công Tự lực Văn đoàn nên đi về bề sâu chứ không nên làm hời hợt, phô trương. Quan trọng hơn hết là để thế hệ trẻ bây giờ và thế hệ mai hậu biết tới những đóng góp lớn lao của Tự lực Văn đoàn vào nền văn học của nước nhà. Việc này theo tôi chỉ thực hiện được nếu như trong tương lai nhà cầm quyền Việt Nam đưa Tự lực Văn đoàn vào giáo trình giảng dạy Văn ở bậc trung học, như đã được làm tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

Lê Quỳnh Mai: Trong Chúc thư văn học của Nhất Linh: Một cái chết định sẵn (Việt Weekly, 20/3/08), Nguyễn Văn Lục kết luận nguyên nhân dẫn đến cái chết của Nhất Linh là bệnh tâm thần. Ông có cảm giác thế nào khi tên tuổi cụ thân sinh bị bôi nhọ vô cớ?

Nguyễn Tường Thiết: Tôi đã trả lời với ông Nguyễn Văn Lục là tôi “KHÔNG đồng ý với nội dung bài viết” của ông ấy, nhưng ông ta vẫn đăng tải bài ấy, đó quyền tự do ngôn luận của ông ta. Là một người con dĩ nhiên là tôi buồn bực khi đọc bài này. Trong lúc những người cộng sản đang dấy lên phong trào dựng lại công nghiệp của Nhất Linh thì từ phía bên này chiến tuyến lại có một bài báo bôi nhọ tên tuổi Nhất Linh như thế, thật đáng tiếc.

Tôi đã định viết hẳn một bài phản đối ông Nguyễn Văn Lục nhưng tôi đổi ý không viết, vì một số những người trong họ khuyên tôi không nên dính vào cuộc tranh luận này và nhất là sau khi tôi được đọc một số bài phản bác của một số tác giả, những bài này đã nói lên hết những ý nghĩ của tôi về bài của ông Lục, đặc biệt là hai bài “Mưu tính đưa nhà văn Nhất Linh vào nhà thương điên” của tác giả Vũ Cầm và bài “Niềm tin và tâm thần” của tác giả Lý Nguyên Diệu, cả hai bài đã được đăng trên Việt Weekly và báo mạng talawas.

Lê Quỳnh Mai: Khúc Hà Linh viết: “... Nhất Linh đã ra đi ở tuổi 58 để lại di chúc: “Ðời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập quốc gia là một tội nặng... Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình cũng như Hòa thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do. 7/7/63 Nhất Linh Nguyễn Tường Tam” (trích từ “Xung quanh cái chết của nhà văn Nhất Linh - 45 năm năm trước”, (báo điện tử Tiền Phong Online ngày 4/6/08, talawas giới thiệu trên mục spectrum ngày 4/6/08). Ông có thể làm sáng tỏ vấn đề di chúc trên? Và có ý định công bố di chúc của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam không?

Nguyễn Tường Thiết: Trong mục Ý kiến ngắn của talawas ngày 5-6-08 có đăng ý kiến của tôi về bài viết của ông Khúc Hà Linh như sau: “Ông Khúc Hà Linh đã bỏ sót một câu quan trọng trong tờ di chúc này, tờ di chúc mà tôi hiện giữ trong tay, viết: “Sự bắt bớ và xử tội tất cả những phần tử đối lập quốc gia là một tội nặng sẽ làm cho nước mất về tay cộng sản”.

Tôi không biết là ông Khúc Hà Linh đã bỏ sót hay kiểm duyệt bôi bỏ câu đó. Cả câu ấy nếu được trích nguyên vẹn cho thấy là đối với Nhất Linh không có cái tội nào lớn hơn cái tội làm cho nước mất về tay cộng sản. Tôi nghĩ là ở trong nước họ “kỵ” câu này lắm!

Bản di chúc chính trị 71 chữ nói trên của nhà văn Nhất Linh đã được phổ biến rộng rãi và công khai trên khắp mọi báo chí của miền Nam sau khi chế độ của nền Ðệ nhất Cộng hòa miền Nam sụp đổ, vì thế câu hỏi của chị về việc công bố chính thức bản di chúc này trên báo giới tôi nghĩ không cần thiết.

Lê Quỳnh Mai: Tác giả Nguyễn Huệ Chi tuyên bố tại Hội thảo về Tự lực Văn đoàn, tổ chức tại Cẩm Giàng, Việt Nam, ngày 9 tháng 5 năm 2008 rằng: “... Chưa biết con đường nào đã hay hơn con đường nào, nhưng nếu nhà nước nuôi dưỡng trọn đời một lý tưởng trong sáng, không có mưu đồ đem giang sơn Tổ Quốc mà mình dành được ra chia chác, ‘xã hội hoá’, vô vàn đất đai béo bở thành của riêng của bè cánh mình, họ hàng mình, con cháu mình, thì trước sau hình bóng họ vẫn sẽ ghi đậm trong lòng dân chúng”... “và những cuộc tham luận sẽ được tổ chức ở nhiều nơi khác...” (talawas, 19/05/08). Ông nghĩ thế nào về phát biểu này?

Nguyễn Tường Thiết: Tôi nghĩ ông Nguyễn Huệ Chi là người can đảm. Ông dám nói lên những sự thật mà nhiều nguời khác không dám nói, chẳng hạn như cái thực trạng xã hội đang diễn ra trên đất nước mình. Tôi đã đọc nguyên bài viết của ông trên talawas và rất khâm phục những nhận định của ông ta về Tự lực Văn đoàn. Bài viết không những phản ánh tính khách quan, sự trung thực mà còn chiếu rọi những cái nhìn mới về nhóm văn đoàn này, đặc biệt là đề cao tinh thần làm việc rất dân chủ của nhóm. Tôi cho rằng bài viết này là một trong những bài nghiên cứu về Tự lực Văn đoàn có giá trị nhất từ trước tới nay, kể cả những bài nghiên cứu của những học giả miền Nam trước năm 1975.

Lê Quỳnh Mai: Xóm Cầu Mới xuất bản lần đầu 10 năm sau khi cụ thân sinh qua đời. Ðây là tiểu thuyết mang nhiều cao vọng nhất nhưng là đứa con tinh thần mà Nhất Linh không biết mặt. Ông cho biết quá trình xuất bản và chi tiết về tác phẩm này.

Nguyễn Tường Thiết: Quá trình hình thành và xuất bản cuốn tiểu thuyết Xóm Cầu Mới của ông cụ tôi là một quá trình lý thú, để tôi kể chị nghe. Ông cụ tôi cho ra đời trên 10 tác phẩm. Bà cụ tôi cũng đẻ hơn 10 đứa con. Cả ông lẫn bà đều “sáng tác” mạnh trong thập niên (19)30. Bà cụ tôi kể lại rằng trong mười năm ấy cứ mỗi lần cha tôi thai nghén và cho ra đời một cuốn sách thì y như rằng bà cũng mang bầu và đẻ được một đứa con. Anh Triệu tôi đi đôi với Anh phải sống (1932, tác phẩm viết chung với Khái Hưng, thảo nào mà ông Khái Hưng chọn anh Triệu tôi làm con nuôi), anh Thạch tôi song hành với Ðoạn tuyệt (1935), chị Thoa tôi nhịp bước cùng Bướm trắng (1938). Qua năm 1940, mẹ tôi sinh đứa con út là tôi thì cha tôi cũng khởi viết Xóm Cầu Mới. Trong thập niên (19)40 cha tôi đi con đường chính trị bôn ba nước ngoài, ông ngưng viết, mẹ tôi ngưng đẻ. Chính trị đi đôi với chay tịnh! Cả ông lẫn bà đều ngừng sáng tác. Lý ra thì cuốn sách Xóm Cầu Mới này phải ra đời năm 1940, hoặc trễ là năm 1941. Nhưng vì đây là một tác phẩm mang hoài bão quá lớn lao của ông cụ, dự tính dầy gần 10 ngàn trang, cái thai to quá, nó cứ ngâm mãi trong bụng cha tôi không chịu chui ra. Phải mãi tận 33 năm sau, năm 1973, tức 10 năm sau ngày ông cụ mất, nó mới được xuất bản lần đầu. Chính tôi (lúc đó đã 33 tuổi) lại là người “đỡ đẻ” nó. Thế có lạ không?

Nhất Linh viết đi viết lại Xóm Cầu Mới cả thảy 5 lần. Lần đầu năm 1940 tại Hà Nội. Lần cuối bên dòng suối Ða Mê – Fim Nôm (Ðà Lạt) năm 1957. Năm 1960 vì biết là mình không thể hoàn tất bộ trường thiên tiểu thuyết Xóm Cầu Mới như đã dự định nên Nhất Linh bỏ ý định xuất bản cuốn truyện này. Ông cho ra đời tập truyện Thương chồng, gồm 6 truyện ngắn mà 5 truyện là 5 chương trong Xóm Cầu Mới đã được đổi nhan truyện và tên nhân vật.

Tập bản thảo dầy nhất là tập viết lần thứ ba năm 1949 tại Hương Cảng, gồm 4 quyển, bị thất lạc từ năm 1963. Mười năm sau tôi tìm lại được 4 quyển bản thảo này. Mặc dù biết đây là tác phẩm chưa hoàn thành tôi cũng quyết định cho xuất bản. Xóm Cầu Mới được in lần đầu năm 1973 tại Sài Gòn. Nó là tác phẩm đầu tiên đánh dấu ngày hoạt động lại của nhà xuất bản Phượng Giang do tôi phụ trách.

Lê Quỳnh Mai: Tác phẩm dịch thuật Ðỉnh Gió Hú xuất bản trong thời gian qua nằm trong trường hợp trên, ông đã đóng góp chuyển dịch những chương cuối cùng với sự cố gắng theo đúng tinh thần dịch thuật của Nhất Linh. Ông cho biết thêm về tác phẩm này.

Nguyễn Tường Thiết: Ngay sau khi xuất bản cuốn truyện Xóm Cầu Mới, tôi nghĩ ngay tới việc xuất bản cuốn tiểu thuyết Ðỉnh Gió Hú của Emily Brontë mà ông cụ tôi dịch dang dở. Tôi nhờ nhà văn Bảo Sơn, một người bạn văn cũng là đồng chí của ông cụ dịch tiếp. Ðỉnh Gió Hú do Nhất Linh - Bảo Sơn dịch, nhà Phượng Giang xuất bản, được phát hành tại Sài Gòn vào khoảng đầu năm 1975. Lúc ấy chiến sự đang diễn ra hết sức khốc liệt. Quyển Ðỉnh Gió Hú, như số phận của tác giả cuốn sách, vừa mới ra đời đã sớm yểu mệnh. Ba tháng sau nó tan tác chìm theo vận nước trong biến cố tháng Tư.

Ba mươi hai năm sau, năm 2007, vì chỉ có trong tay bản thảo dịch cuốn Ðỉnh Gió Hú của Nhất Linh, tôi tiếp tục tự dịch lấy một số chương cuối để hoàn tất và xuất bản cuốn truyện này.

Trước khi khởi dịch tôi so đi so lại nhiều lần bản dịch của Nhất Linh với nguyên tác Anh ngữ và tôi khám phá ra rằng ông cụ tôi đã lược bỏ ở rải rác nhiều chỗ khác nhau một số những đoạn ngắn, ví dụ như những đoạn tác giả giảng giải về tôn giáo. Ông cụ tôi có lẽ đã nghĩ rằng không cần dịch những đoạn đó vì có bỏ sót cũng không ảnh hưởng gì đến nội dung truyện và những đoạn đó quá xa lạ đối với độc giả Việt Nam. Phải nhận rằng cách dịch như thế làm cho tác phẩm dịch trở nên thanh thoát hơn nguyên tác. Tiện đây tôi cũng xin nói là trong cuốn sách Ðỉnh Gió Hú do Văn Mới phát hành năm 2007 tôi đã phạm một lỗi lầm là ở ngay bìa cuốn sách thay vì đề “Nhất Linh dịch” tôi lại đề “Nhất Linh chuyển ngữ”. Tôi nghĩ dùng chữ “chuyển ngữ” là không đúng vì không thể nào chuyển ngữ một tác phẩm văn chương, đặc biệt là nó không phản ánh cách dịch của Nhất Linh trong tác phẩm này. Ngoài ra Nhất Linh còn có một biệt tài mà tôi không sao bắt chước được trong cố gắng theo sát tinh thần dịch thuật của ông, đó là ông cụ đã tạo trong tác phẩm dịch này một làn hơi văn có thoảng chút khôi hài nhẹ nhàng kín đáo. Vì thế người đọc tinh ý có thể nhận ra cái không khí thanh thoát của những chương dịch đầu chuyển dần sang không khí nặng nề hơn trong những chương dịch cuối.

Lê Quỳnh Mai: Trở ngược thời gian, một trong những tác phẩm của Nhất Linh được nhắc đến nhiều và đưa vào chương trình giáo dục tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975 là Ðoạn tuyệt. Là “đồng nghiệp thế hệ sau”, ông cho ý kiến về tác phẩm này dưới mắt nhìn của một người cầm bút? Văn phong Nguyễn Tường Thiết lúc mới viết có ảnh hưởng Nhất Linh không? Ông có được cụ khuyến khích theo con đường mà đa số nhà văn vẫn than là “cái nghiệp”?

Nguyễn Tường Thiết: Khi đánh giá về cuốn Ðoạn tuyệt một số phê bình gia thường hay trích dẫn câu sau này trong cuốn biên khảo Viết và đọc tiểu thuyết của Nhất Linh: “Sự hoan nghênh của những truyện (luận đề) đó, nhất là Ðoạn tuyệt, những lời khen ngợi của các nhà phê bình, đã làm tôi sau này khó chịu một cách thành thực”. Câu trích này dễ đưa đến ngộ nhận là tác giả không ưng tác phẩm này chỉ vì nó là tác phẩm luận đề. Sự thực không phải thế. Trong cuốn biên khảo đó Nhất Linh nhấn mạnh cái sai lầm lớn nhất trong đời văn sĩ của ông là đã để cái ý định dùng tiểu thuyết làm một việc gì (viết sách luận đề chẳng hạn) lên trên cái ý định viết một cuốn tiểu thuyết hay. Chính cái sai lầm này - tác giả thú nhận - là đã làm cho Nhất Linh viết cuốn Ðoạn tuyệt kém hay. Cuốn Ðoạn tuyệt không hay bằng cuốn Ðôi bạn mặc dù cuốn sau không được nhiều người đọc và ca ngợi nhiều như cuốn trước. Từ nhận định đó của Nhất Linh tôi rút được bài học nó làm kim chỉ nam cho những bài viết của tôi: “Viết cái gì cũng được, miễn là viết cho hay” (hay theo ý tôi, cố nhiên, còn thế nào là hay thì lại là chuyện khác, nó tốn nhiều giấy mực lắm).

Chị hỏi tôi lúc bắt đầu viết có chịu ảnh hưởng bởi văn của ông cụ không? Ðiều này để chị nhận xét nhé. Bài viết đầu tiên của tôi năm tôi 24 tuổi đăng trên báo Văn Học ở Sài Gòn là bài “Niềm vui chết yểu”, sau này đăng lại trong tập hồi ký Nhất Linh, cha tôi. Chị thấy nó thế nào? Có hơi hướm Tự lực Văn đoàn không? Riêng tôi, tôi nghĩ rằng không. Hồi đó tôi ít đọc sách truyện của Tự lực Văn đoàn lắm mà đọc nhiều truyện của nhóm Bách khoa, Sáng tạo. Tôi mê đọc Võ Phiến, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nhiễm Mậu... Tôi nghĩ nếu văn tôi có chịu ảnh hưởng ai thì ắt hẳn phải đến từ các vị này.

Ai cũng biết ông cụ tôi là người có biệt tài phát hiện những tài năng văn chương mới. Là người cha ông cụ hẳn nhìn thấy rõ tiềm năng văn nơi người con trai út của ông. Hồi tôi mới 17 tuổi tôi đã đưa ông xem dăm ba mẩu truyện ngắn tôi viết. Ông thích lắm nhưng tuyệt đối ông không khuyến khích tôi đi vào nghiệp văn của ông, cái “nghiệp” mà có lẽ trong thâm tâm ông không muốn các con của ông đi vào. Ngày mồng 2 tháng 7 năm 1963, năm ngày trước khi chết, Nhất Linh lẳng lặng đến nhà in Trường Sơn cho đánh máy tờ ủy quyền cho người con trai út được toàn quyền thay thế ông trong việc xuất bản những tác phẩm của Nhất Linh trong mọi trường hợp ông “vắng mặt vì bất cứ một lý do ” (nguyên văn). Bản di chúc này chính là động cơ mọi nỗ lực của tôi trong việc xuất bản và tái bản những tác phẩm của ông cụ, trong đó kể cả việc tìm kiếm bản thảo và in ấn những tác phẩm chưa xuất bản của Nhất Linh, như trường hợp hai cuốn Xóm Cầu MớiÐỉnh Gió Hú.

Bây giờ chúng tôi có hai đứa con đã trên 30 tuổi. Thực bụng chúng tôi chỉ mong ước một điều là thấy chúng nó có được một đời sống bình thường hạnh phúc, hoàn toàn không hề kỳ vọng ở chúng có được một sự nghiệp lớn lao nào. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao ông cụ tôi 50 năm trước đã không khuyến khích tôi đi vào con đường của ông, con đường mà ông đã nhìn thấy trước là có rất nhiều hệ lụy. Hiểu được điều này tôi thấy thương cảm ông hơn và cũng biết ơn ông sâu xa hơn.

Lê Quỳnh Mai: Nhà văn Trần Vũ dùng tài hoa thủ thuật hư cấu mang nhân vật Tuyết trong Ðời mưa gió của Nhất Linh làm thành tác phẩm “Giáo sĩ”. Truyện được phê bình tốt về mặt sáng tạo nhưng bị công kích về mặt tôn giáo. Ông có ý kiến thế nào về “Giáo sĩ”?

Nguyễn Tường Thiết: Tôi là nhà văn lớp cũ thuộc loại ít đọc, ít theo dõi những sáng tác của các nhà văn lớp trẻ, vì vậy làm quen với Trần Vũ hơi muộn, chỉ mới vài năm đây thôi. Nhưng tác phẩm đầu tiên tôi đọc của Trần Vũ đăng trên tạp chí Văn số Xuân Quý Mùi 2003, bút ký “Hiệp hội tương tế Bắc Việt nghĩa trang” của nhà văn trẻ này đã làm tôi chú ý ngay. Tôi vốn thích lối viết văn nhiều flaskback, nặng kỹ thuật điện ảnh, nhưng anh chàng Trần Vũ trong tác phẩm này xem ra có vẻ “cực đoan” hơi tôi nhiều: anh đem không gian thời gian Sài Gòn Hà Nội Bãi Cháy quá khứ tương lai hiện tại đổ chung vào một cái máy xay sinh tố rồi anh nhấn nút, khi mọi thứ đã nhuyễn anh đổ lên trên trang giấy mời độc giả thưởng lãm. Ðọc cứ rối cả lên nhưng thích thú!

Sau này đọc thêm những truyện khác của anh, nhất là những truyện lịch sử, tôi tuy công nhận anh là nhà văn có tài, phục anh có trí tưởng tượng phong phú, nhiều ý thức sáng tạo, nhưng tôi không còn cảm thấy thích thú đọc nữa. Tôi thuộc loại nhà văn lớp già, quan niệm thẩm mỹ đã vào khuôn cứng, lại thích lối viết văn nhiều cảm tính nên rất khó tiêu thụ được lối văn “hậu hiện đại”, vô cảm và nhiều ẩn dụ của anh và của nhiều nhà văn trẻ bây giờ. Cách viết của họ không làm (con tim) tôi rung động mà làm (trí óc) tôi mệt mỏi, tim tôi không cảm nhưng óc tôi phục họ.

Riêng tác phẩm “Giáo sĩ” của Trần Vũ tôi không có ý kiến vì chưa đọc. Tôi chỉ đọc một bài bình luận của tác giả Ban Mai về tác phẩm này đăng trên tạp chí Văn Học số tháng 1-2/2008. Tôi hy vọng trong tương lai tôi sẽ đọc tác phẩm gây nhiều tranh cãi này để coi xem nhận định sau đây của tác giả Ban Mai có căn cứ hay không: “Chỉ riêng ‘Giáo sĩ’, Trần Vũ xứng đáng có vị trí trang trọng trong lịch sử phát triển tiểu thuyết hiện đại Việt Nam”.

Là con của nhà văn Nhất Linh, tiện đây tôi cũng xin chị cho phép tôi nhân cơ hội này được chuyển đến nhà văn Trần Vũ lời cảm ơn. Trong quyển sách Tác giả, với chúng ta của Lê Quỳnh Mai, khi được tác giả hỏi thế nào là một nhà văn, nhà văn Trần Vũ đã trả lời: “Với tôi, một nhà văn, ngoài tác phẩm, trước nhất là một người trí thức có tư cách và cất tiếng nói trước bất công của xã hội, trước chính quyền không sợ hãi, với tất cả trách nhiệm. Nhất Linh Nguyễn Tường Tam là một nhà văn. Ông xứng đáng là văn hào của nước Việt Nam”.

Lê Quỳnh Mai: Có phải cuộc sống tinh thần của nhà văn Nguyễn Tường Thiết luôn bị ám ảnh bởi cái chết đau lòng của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam? Nếu đây không là câu hỏi đi vào đời sống cá nhân, ông cho biết cảm xúc về biến cố này và có bao giờ trong một phút thất vọng trước đời sống có ý định tự tử như Nhất Linh?

Nguyễn Tường Thiết: Vâng, tôi bị ám ảnh bởi cái chết của ông cụ tôi và ám ảnh này rất nặng. Tôi không bao giờ ám ảnh bởi câu hỏi vì sao ông cụ tôi tự vẫn. Với tôi lý do đã quá hiển nhiên, qua lá thư tuyệt mệnh ông để lại. Tôi ám ảnh bởi sự kiện là đã tôi mất đi một người cha một cách vô cùng đột ngột. Hồi ấy tôi 23 tuổi. Từ nhỏ cho đến hết thời niên thiếu tôi luôn luôn xem ông cụ tôi như một người cha bình thường như mọi người cha khác. Cho đến năm ấy khi tôi bước vào cái tuổi biết suy nghĩ, bắt đầu tìm hiểu về cha tôi, khám phá rằng cha tôi đã có một cuộc đời ngoại hạng, ý thức mình đã vô cùng may mắn được là con của ông, tôi bắt đầu kính nể ông thì đúng vào lúc ấy ông đột ngột ra đi vĩnh viễn. Cái chết của ông cụ như nhát chém cắt đôi cuộc đời tôi, để lại một sự ân hận nuối tiếc khôn nguôi.

Cố nhiên là cái chết của cha tôi đã gây rất nhiều xúc cảm trong tôi. Tôi đã ghi lại những cảm xúc ấy trong bài “Niềm vui chết yểu” mô tả những giờ phút cuối cùng của ông cụ, bài này tôi viết 6 tháng sau ngày ông cụ tôi qua đời.

Cha tôi đã có lần khuyên tôi là viết văn cần nhất ở sự chân thành. “Mình cần phải thành thực với chính mình”. Ông đã nói với tôi như thế. Theo tinh thần đó tôi cũng xin trả lời thành thật câu hỏi của chị. Vâng, đã có rất nhiều lúc tôi có “ý nghĩ” tự tử. Còn “ý định” tự tử rất hiếm xẩy ra nhưng không phải không có. Tôi cho rằng ý nghĩ, ngay cả ý định tự tử, là chuyện bình thường, người ít người nhiều, ai chẳng có lúc thoáng qua trong đầu? Tôi tin rằng từ ý nghĩ sang ý định sang thực hiện là những khoảng cách vô cùng lớn. Ông cụ tôi là nhà văn, con người ông nhiều suy nghĩ trăn trở, cuộc đời ông ba chìm bẩy nổi, thành công cũng nhiều, thất vọng cũng lắm, đương nhiên ý nghĩ tự tử phải đến với ông nhiều gấp bội những người khác. Nhưng từ đó mà gán ghép ông cụ tôi có bệnh tâm thần, là nguyên nhân trực tiếp đưa đến cái chết của ông cụ tôi như trong bài viết của ông Nguyễn Văn Lục là một nhận định hết sức hàm hồ và hoàn toàn không đúng với sự thực.
Nguồn: Tạp chí Hợp LÆ°u số tháng 7 & 8 năm 2008