Tản văn thứ Sáu1.8.2008
Ngô Viết Trá»ng
Tráºn lụt và ng
Bầu không khí trong phòng lúc nào cũng ngột ngạt khó chịu. Nỗi khó chịu ấy cứ liên tục bao trùm đến nỗi mọi người phải quen đi như một lẽ tất nhiên. Tôi càng khổ sở vì vướng phải bệnh ghẻ mấy tháng nay. Ghẻ mỗi ngày mỗi lan ra trên thân thể gày còm của tôi, kéo theo luôn cả sự tàn tạ về sức khỏe. Mới vài hôm đây tôi lại mắc thêm chứng tê bại, cử động tay chân rất khó khăn. Thuốc men quá thiếu, ăn uống cũng quá thiếu, tình trạng chữa trị thật là bi quan.
Buổi sáng ấy tôi thấy người uể oải, đầu choáng váng, nói không ra hơi, ngột ngạt khó chịu gấp bội ngày thường. Sự khó chịu gia tăng tột mức khiến tôi nghĩ rằng đời mình sắp đi đứt. Ở đây đã có mấy người lần lượt “thăng” rồi. Mang một lần hai chứng bệnh, bệnh ghẻ thì chỉ chữa bằng cách xức nước đắng thuốc lào, bệnh tê bại thì chỉ chữa bằng cách tự vận động, tôi thật hoàn toàn tuyệt vọng. Tôi cứ nằm liều, lười luôn cả việc đi cầu đi tiểu. Rõ ràng mình đang trong tình trạng chờ đợi. Với sức khỏe mỗi lúc mỗi đuối thêm và sự ngột ngạt khó chịu tột cùng này, có lẽ tôi không thể chịu đựng qua được một tiếng nữa. Tôi gọi một thằng bạn thân, thằng Thái lại, trù mở lời trăn trối với nó, nhưng nó nhăn mặt chặn họng:
“Tầm bậy. Sáng nay trời nực nội khó chịu hơn mọi ngày. Ai cũng thấy như vậy cả chứ không phải một mình mày đâu!”
Lúc bấy giờ cơn đau đớn hành hạ quá làm tôi không còn đầu óc nào để ý tới ai. Nghe Thái nói, tôi nghĩ là nó trấn an tôi thôi. Khi tôi đang bị dằn vặt bởi cơn đau thì bỗng nghe tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái nhà. Nhiều tiếng reo mừng vang lên:
“Đã quá! Mưa tới rồi!”
“Mưa lớn lắm anh em ơi!”
Tôi thấy không khí trong phòng đột ngột dịu xuống và như được ai cho uống thuốc tiên, người tôi cũng khỏe ra nhiều. Tiếng mưa nghe rào rào. Thoáng chốc, mọi người trong phòng đều nghe được tiếng nước chảy dữ dội từ các máng xối. Tiếng cóc nhái, tiếng ễnh ương bên ngoài cũng đua nhau trỗi lên. Hơi nước mát bốc vào trong phòng làm cho mọi khuôn mặt đang khô héo như tươi lại. Tiếng nói tiếng cười trong phòng trở lên rộn rã... Chúng tôi đang sung sướng thưởng thức cái không khí mát dịu hiếm hoi chưa bao lâu thì giựt mình vì tiếng kêu:
“Coi chừng nước vô phòng anh em ơi!”
Mọi người nhìn ra. Một đường nước đang từ từ bò qua dưới kẽ tấm cửa bửng bằng sắt. Dòng nước lan lan thật nhanh trên nền phòng. Những người nằm gần cửa vội vã xếp tất cả đồ đạc ôm theo mình. Khiếu và Thái nói với nhau:
“Đưa thằng Trọng lên cửa sổ kẻo mắc nước bạc bệnh nặng thêm đó!”
Thế là tôi được đẩy lên thành cửa sổ. Bấy giờ người tôi đã khỏe lại, tỉnh lại, nhưng tôi vịn các song sắt cũng khó khăn lắm. Những ngón tay của tôi đều mất cảm giác và rất khó cử động vì chứng tê bại. Không thể tin tưởng ở những ngón tay của mình, tôi phải quài một cánh tay ra ngoài quặp khuỷu kẹp lấy một song cửa dù làm cách này rất mỏi.
Mấy phút sau cả phòng xôn xao chộn rộn hẳn lên. Nước đã vào khắp phòng và từ từ dâng. Mọi người đều phải ôm mang đồ đạc của mình lên cả. Dầu vậy, họ vẫn hớn hở nói cười vì quá lâu họ mới hưởng được một bầu không khí dễ chịu như bây giờ. Một số người không muốn giẫm nước tranh nhau leo lên cửa sổ đeo vịn như tôi. Một số khác không còn chỗ, phải chen nhau tránh lên ô vệ sinh (nơi có một bể chứa nước và hai cái cầu tiêu hai đầu, xây cao hơn nền phòng) vì đây là chỗ duy nhất nước chưa lên tới. Nước vẫn tiếp tục dâng đều.
“Trời ơi! Của quí! Vàng nổi!”
Những người đang ở trên ô vệ sinh bì bõm nhảy xuống dưới trở lại. Theo sau chân họ là từng khúc, từng miếng phân người từ từ tỏa ra mọi phía. Đám phân vàng gớm ghiếc cứ lan ra. Từ cửa sổ nhìn xuống, tôi tưởng như đám mây lan khi trời sắp mưa. Mọi người cứ xô dạt nhau mà tránh. Nhưng chỉ thoáng chốc là không còn chỗ để tránh nữa vì phân người đã loang ra khắp nơi. Trong khi đó, từ hai lỗ cầu, phân người cứ thiên hình vạn trạng tiếp tục trồi lên. Nó trồi lên, trồi lên, trồi lên không dứt khiến tôi phải mỉm cười đau khổ: “Ðúng là của trời kho vô tận!”
Phân người cứ tiếp tục theo mặt nước lên cao. Bấy giờ thì nỗi vui sướng của mọi người đã qua hẳn, nhường chỗ cho nỗi ghê sợ lợm tởm. Phân người đã phủ kín mặt nước. Những người mặc quần dài ban đầu tưởng xắn ống lên là yên, lúc này nước càng lên cao đã làm họ vô cùng lúng túng. Thứ nước này thật đáng sợ. Ngoài phân, váng dơ, lại còn biết bao nhiêu côn trùng ở nước, dòi, kiến cũng xuất hiện khắp nơi. Chúng bò lên chân người, luồn vào áo quần làm cho ai nấy đều khó chịu. Nước đã lên khỏi đầu gối. Nhiều người sợ dơ quần bấy giờ muốn cởi cũng không được nữa. Người nào người nấy đều phải ôm mang đồ cá nhân muốn luội tay còn làm gì được. Mấy anh sức khỏe không tốt, chân yếu, đứng quá lâu xiêu qua vẹo lại, vấp vào người khác, làm rơi đồ xuống nước dơ, cãi cọ om sòm.
Thật là hú vía! Tôi gài cánh tay mình vào song cửa, lúc ấy cũng thấy tê cứng nhưng vẫn cứ mừng. Tôi nhờ bệnh mà tị nạn trước, đồ đạc hoàn toàn không bị dơ và người cũng thoát dầm nước. Nước cứ tiếp tục dâng cao làm cho mọi người càng thêm hoảng vía. Cán bộ trại giam bên ngoài có lẽ giờ này cũng đang lo cứu đồ đạc của họ. Những người tù này bị khóa kỹ tới hai lớp cửa họ đâu cần bận tâm! Nếu tình trạng này kéo dài qua đêm thì thật khốn nạn. Nhiều anh em bị thấm nước bắt đầu kêu lạnh. Có vài người đã nổi da gà, run lúi úi. Nước đã lên tới háng mọi người. Người cao dò nhất trong phòng bấy giờ phân dơ cũng đã bám vào quần cả lớp...
“Bõm!”
Một luồng nước bắn vọt lên, hất bao nhiêu là chất dơ tung tóe tràn đầu tràn mặt mũi những người chung quanh người bị té. Anh Bội, anh bạn tù nhỏ con đang co người vịn trên thành cửa sổ, không hiểu sao lại bị trật tay. Có lẽ do tay anh bị lạnh và tê đi. Tiếng chửi thề lẫn tiếng cười vang lên lộn xộn. Tội nghiệp anh Bội người ướt loi ngoi đứng dậy, toàn thân không một chỗ nào khỏi dính phân. Những người không may đứng quanh đó không ít thì nhiều đều phải chia phần. Anh Bội bất đắc dĩ phải xông pha bì bõm trong nước đầy phân, lội vào gần bể nước để tắm giặt. Sau đó anh dùng cái áo ướt để quấn che vừa đủ phần cần thiết của mình...
May thay, tiếng mưa bên ngoài đã giảm nhiều. Nước cũng chỉ lên ngần ấy thì ngừng lại rồi bắt đầu rút. Nhiều người cứ nhìn vào ngấn nước ở bốn mặt tường. Nước rút hơi chậm hơn khi tiến vào. Cùng với việc nước rút, một vấn đề cấp bách hiện ra trước mắt mọi người. Khi nước lên, tuy có nhiều phân dơ, nhưng nó nổi trên mặt nước, không đặc lắm, cũng dính vào chân mọi người, nhưng nhờ nước lõng bõng nên ít thấy khó chịu. Nước rút chừng nào thì phân dơ càng co cụm, đặc quánh lại. Cuối cùng chúng tạo thành một lớp bùn phân sền sệt xập xèo lút quá mắt cá chân thật ghê tởm. Bước một bước rùng mình kinh khủng một bước, nhưng nào ai đứng yên được. Với lượng người quá lớn so với diện tích phòng giam, không mấy chốc cả lớp phân cục bị giẫm nhão ra hết. Chính những cục phân nguyên khi bị bể đã phát ra mùi tanh tưởi nguyên thủy làm cho bao nhiêu người muốn nôn mửa. Tôi may mắn ngồi trên thành cửa sổ nhìn anh em lội cũng phải rùng mình thon thót.
Ban chỉ huy phòng bắt đầu chia công việc thu dọn. Dụng cụ để xúc hốt không có, chính trưởng buồng và phó buồng đều phải hi sinh cả đồ đựng cơm để anh em xúc vào một cái xô đem đổ trở lại vào cầu tiêu. Số khác thì lo múc nước giội rửa, quét dọn dần. Lúc này ngoài việc giội rửa chung, không ai được quyền dùng nước. Ba tổ cứ thay phiên nhau gồng mình mà làm. Mọi người vừa đói vừa mệt mỏi vì bữa cơm chiều vẫn vắng vẻ mà thân thể thì mấy tháng nay nằm hoài cũng quen lười. Có lẽ đây là buổi công tác lao động “xã hội chủ nghĩa” tự giác vô tiền khoáng hậu mà những người trong cuộc khó quên được. Nước rút từ buổi tối mà mãi đến khoảng nửa đêm phòng mới tạm sạch. Xong việc chung, những người có đồ dơ mới được phép đem giặt rửa. Khi trận lụt đang diễn ra, ít ai để ý đến mùi phân và những phản ứng tự nhiên của mình. Xong việc người ta mới để ý đến từ đầu đến cuối phòng khắp nơi đều có tiếng nôn ọe khậm khạc. Hình như đồ đạc của mọi người đều nhiễm ít nhiều mùi phân, người ta cứ bắt chước nhau ngửi đồ mình rồi khịt mũi lắc đầu. Ai nấy đều dùng đồ riêng lau chùi lại hoặc dùng quạt phất tới tấp cho sàn chóng khô.
Khoảng một giờ khuya nhà bếp mới mang đồ ăn đến. Anh cán bộ vừa mở cửa liền vọt chạy ra xa, tay dằn ngực, miệng khạc nhổ:
“Các anh ăn ở dơ dáy quá! Thiếu văn hóa quá!”
Hai anh tù nhà bếp vì bổn phận phải đưa cơm nước vào và thu lại đồ cũ nhưng trông bộ cũng khổ sở lắm. Anh trưởng buồng hỏi:
“Anh em đói quá rồi! Sao trễ dữ vậy!”
“Thông cảm, phải cố gắng lắm mới có củi nấu đấy! Sao hôi cứt quá chừng vậy mà các anh chịu nổi?”
Anh trưởng buồng kể sơ cho anh nhà bếp nghe việc cầu bị nổi phân, anh tiếp:
“Anh làm ơn nói với cán bộ xin khoan đóng cửa phòng một chốc cho mùi phân bốc đi bớt có được không? Hôi quá anh em càng sinh bệnh ra đấy!”
“Được, tôi nói cho!”
Anh tù nhà bếp lui ra nói với anh cán bộ:
“Phòng này cầu tiêu bị nổi phân họ mới dọn xong. Xin cán bộ khoan đóng cửa một chốc để cho mùi phân bốc bớt, xin cán bộ thông cảm cho họ!”
Anh cán bộ lạnh lùng nói:
“Không được! Mở như thế cho nó thúi cả trại ai mà chịu nổi! Mà mở cửa thì tôi phải đứng đây vừa canh chừng vừa ngửi cứt à? Chìa khóa đây, anh vào đóng khóa lại ngay cho tôi!”
Khi chia cơm xong, mọi người đang lần lượt lấy phần mình về bỗng có người rú lên:
“Thôi chết tôi rồi!”
“Kia kìa! Gớm ghiếc quá chừng!”
Nhiều người xúm lại coi chuyện gì đã xảy ra. Thì ra người ta chợt thấy trong tô cơm độn 80% sắn của anh kia có mấy con dòi đang bò lúc nhúc. Khổ chủ buồn bã định đổ đi thì một người cản lại:
“Để cho tôi! Hạt ngọc của trời đâu phí được!”
Anh vừa nói vừa cầm lấy cái tô của người bạn lượm mấy con dòi vứt đi rồi úp cái phần cơm ấy vào tô mình. Một anh bạn khác thấy vậy cười hóm hỉnh:
“Sao lại vứt dòi đi! Dòi mẹ ngon dòi con béo, thêm vitamin mà lị!”
Theo sự xầm xì mà cười với nhau, hình như còn nhiều người nữa phát hiện trong cơm mình có dòi nhưng họ chỉ lặng lẽ lượm dòi vứt đi...
Sau cơn mưa, không khí trong phòng trở nên mát dịu, lại trải qua một ngày khá mệt mỏi nên đêm đó phần đông anh em ngủ được. Tuy thế, chốc chốc lại có người phải vùng dậy vì dòi chun vào lỗ tai hoặc ruồng vào tóc. Không hiểu chúng núp ở đâu chui ra mà cả đến hàng chục người bị như thế...
Thế mà đâu đã hết, hai ba ngày sau anh em còn nhiều người vẫn thấy dòi bò bên chân vách hoặc trong đồ đạc của mình.
Trận lụt ấy xảy ra vào năm 1976 ở trại giam Tân Hiệp Biên Hòa (trại B5). Dù nó không gây thiệt hại nhân mạng hay vật chất, nhưng nó cứ ám ảnh tôi mãi. Đã mấy chục năm qua, mỗi khi hồi tưởng lại, tôi vẫn còn rùng mình. Lâu lâu nó lại tự động đến thăm tôi một lần trong giấc mộng...
Nguồn: TrÃch táºp truyện Ngõ tÃm, cùng tác giả.