Kính màu hay kính trắng? Tôi không hiểu khi loài người hiện ra trên trái đất để sống với nhau họ mang theo trong cơ thể và trong tâm hồn những
thực thể gì.
Nhưng trước kia, hiện giờ, sau này, con người, sống giữa lịch sử và giữa nhân sinh, mang theo với nó nhiều thành tố lắm: nào huyết thống của ông bà cha mẹ truyền bao nhiêu lớp bọc bao nhiều lần… nào nền giáo dục dạy trong sách… nào hoàn cảnh sống của gia đình… nào văn hóa xã hội – kể cả khung cảnh thiên nhiên – thấm vào những tế bào vi ti li ti thoát ra ngoài nhận thức cụ thể của tất các quan năng hợp lý, siêu lý và phi lý của cá nhân.
Bấy nhiêu "chất", nguyên chất và biến chất trong phòng thí nghiệm cơ thể và tâm hồn con người cộng với tiềm thức vô thức, v.v. và một số thức thứ sáu và thức thứ bảy… tiềm tàng trong con người – mà chính nhà Phật cũng có tiếng để gọi. Riêng về những thực thể trừu tượng, Freud là tổ tiên của phân tâm học cũng đã phân loại và khai sinh đặt cho một số tên. Và hình như cái quá trình sinh sinh hóa hóa của mọi thực thể trừu tượng ấy tạo ra cảm tình của con người, nhà Phật cũng đã hệ thống hóa nó trong thuyết thập nhị nhân duyên của con người. Rốt cuộc là con người tù hãm trong cái cá tính ấy và xử thế với mình và với người theo những "sắc lệnh" của cá tính mình.
Nhà văn Võ Đình Cường có một
tiếng tôi dùng để gọi kết quả cái quá trình ấy của con người:
những cặp kính màu. Những cặp kính màu là tên cuốn tiểu thuyết mà anh viết ra: viết xong từ năm 1947, ra đời vào năm 1965 này, do Nhà xuất bản Minh Đức ấn hành, tranh của Duy Thanh, trình bày của Lữ Hồ.
Những cặp kính màu là những cặp kính mỗi người đeo một đôi, ai có màu nấy. Từ thuở khai thiên lập địa, có bao nhiêu con người lớn bé, màu da khác nhau, thông minh cùng khôn dại khác nhau – trên phương diện không gian: có bao nhiêu con người già trẻ cao thấp, mới sinh và sắp chết, kể cả những người sắp nằm trong áo quan - trên phương diện thời gian - là có bấy nhiêu cặp kính màu.
Màu sắc nhiều quá: đến nỗi thị giác không phân biệt được nữa – chỉ có thông minh và sự tinh vi của thông minh mới có thể thâu vào ống kính "caméra" của cá nhân được.
Tất cả những bi kịch nhân sinh, tất cả những vũng máu và những vũng nước mắt của con người nhiều như bốn đại dương phát sinh từ đấy – từ những màu kính – do những màu kính.
Họ Võ thâu hẹp bức tranh lại và dựng bối cảnh ở Huế và Hà Nội vào năm 1946 và những năm mà hoặc xã hội Việt Nam đầy ắp những chuyện vui buồn: vui vì lòng người say sưa tìm giải phóng, và buồn cái buồn của tất cả mọi cuộc chiến tranh gây khóc than trong lòng người – những năm
tổng khởi nghĩa, những năm các chánh đảng cách mạng chân chính ra đời, những năm
giết người để dành tự do sau một trăm năm làm nô lệ, và
giết mình: chính mình giết mình để dành quyền trị quốc bình thiên hạ. Ai cũng muốn có cái quyền ấy để thực hiện một tế thế an bang, dựng hai mươi lăm triệu những sung sướng ở cái tổ quốc Việt Nam này… buổi chiều lên hóng gió ở nền Vũ Vu, tắm mát rồi hát mà về – một khung cảnh nhân sinh mà ngày xưa một thầy Tăng Điểm… nào đó hình dung ra trước thị giác phu tử Khổng Khâu nằm chiêm bao một đời sống Nghiêu Thuấn ai cũng thương ai, mọi người thương mọi người.
Đã có những vũng máu và những vũng nước mắt – bắt cóc, tra tấn, thủ tiêu – thì phải có nạn nhân. Nạn nhân trực tiếp là những người trong cuộc; nạn nhân gián tiếp là những cha mẹ vợ con anh em những người đã "rầu rầu ngọn cỏ…" rồi. Nhiều khi người ngoài cuộc còn khóc than nhiều hơn người trong cuộc: kẻ chết đi có lẽ xong đi một kiếp trong cõi tối, nhưng mà người còn lại mang đau thương gần ba vạn sáu ngàn ngày.
Ở giữa và trong
guồng máy, con người thoát ra không được: con người phải giống thiên hạ. Ai cũng phải oán ghét theo, ai cũng phải hờn giận theo: ai không oán hờn sẽ bị gạt ra ngoài nhân sinh, và mình không khổ, kẻ khác đương khổ cũng lôi kéo cho mình khổ. Nói tóm lại: ai cũng khóc than, không ai thoát. Dù họ có thoát ra được thì một cái gì đó hay một cái nào đó rất dài kích thước cũng đã tan vỡ trong lòng mình, ngoài lòng mình, trong đời mình…
Một trong những nạn nhân là một thanh niên trí thức: Lạc. Chàng chỉ là
chính mình nhưng thiên hạ lại đeo mỗi người một cặp kính màu để nhìn chàng thành ra chàng trở nên
ai ấy, chớ chẳng phải là
chính mình! Một cặp trong những cặp kính màu nhìn chàng cho chàng là Việt quốc: kết quả là chàng mất một người yêu lẫn một người em giữa lúc tình thương em và tình thương yêu đã lần lần mờ biên giới… Một cặp khác nữa trong những cặp kính màu nhìn chàng với màu khác và ngờ chàng là Việt minh: kết quả là chàng tan vỡ một mối tình xinh như mơ – có lẽ vì đẹp quá nên vỡ.
Nhưng vỡ hay không vỡ một mối tình đối với chàng không phải là vấn đề: chuyện tình chỉ là một cái cớ cho chàng để nói về sự
tan vỡ của một ngàn lẻ một cái
đẹp khác của chàng – của mỗi cá nhân – cũng như của mọi người.
Ấy là chưa nói rằng nếu chàng đi vào một chút nữa thì bao nhiêu màu kính sẽ dồn vào chàng – tính mạng chàng sẽ treo như sợi chỉ mỏng. May thay! Trong những cuộc đụng chạm ghê gớm của những người dành quyền yêu nước (!) giữa cuộc tranh chấp của đảng phái, chàng làm người
yêu nước theo một tác phong sống và tưởng tượng riêng của mình:
yêu nước mà không giết người
yêu nước khác… Ra khỏi được những nơi đầy máu và nước mắt, chàng đã bị thương nặng trong phần hồn.
Và từ đây, chàng giác ra rằng chỉ có một lối thoát cho sự đau thương: là con đường dẫn đến bến
tuệ. Chàng không nói trắng ra như thế, nhưng ý ấy vọng lên từ chốn trừu tượng của tâm tư nhân vật chính là Lạc – như tôi đã nói. Vì nếu nói trắng ra thì truyện đã không phải là một cuốn truyện nữa, mà là một mớ truyền đơn hay là một bài kinh, một bài kệ… mất rồi.
Lạc là ai: lờ mờ thấp thoáng là tác giả.
Những cặp mắt kính màu là anh, là tôi, là các anh, là chúng tôi, là những người ấy cùng những kẻ kia, là một số người đông lắm… là tất cả những ai có lý tưởng – tiếng Pháp gọi người như thế là
idéaliste – nuôi những giấc mộng đẹp cho tất cả chúng sinh trong đó có chính mình, nhưng lại sợ máu và nước mắt chan hòa, chỉ muốn ai cũng có hạnh phúc nhưng không muốn có oán hờn… Nhưng hỡi ôi và thương thay, sự thực bao giờ cũng chua chát: kẻ có lý tưởng, hễ vào "chiến trường", khi ra khỏi, ít nhiều đều bỏ xác lại…! Hoặc bỏ xác lại, hoặc bỏ lại một phần của chính mình – mà lại là phần lớn nhất…!
Chính người viết bài này – Tam Ích – cũng đã hơn một lần làm nạn nhân của
"màu sắc" của những
cặp kính màu. Xin kể lại một mẩu tài liệu sống vắn tắt – chuyện cũng đã biến vào lịch sử, xa rồi… Cuối năm 1950, một trong những năm Nam Bộ kháng chiến xa xưa rất "phong phú", tôi bị bắt giam tại nhà tù "Catinat" - một nơi mà nghe đến tên là thiên hạ nghĩ tới nhà tù
Côn Lôn, nghĩ tới
Dachau hay
Buchenwald của Đức quốc xã… - bị giam xà lim mười chín ngày và bị tra tấn ba lần, chết lên chết xuống, khi ra mang bệnh suốt mười năm không thuốc gì chữa được, kể cả á phiện. Nhưng may thay, sau bao năm bệnh hoạn, bây giờ đã khỏi, còn mấy bạn khác thì ngày ấy bị tra tấn, ra khỏi tù, đau vài tháng, chết trong cô đơn… Xin nói tiếp: tôi bị giam tại nhà tù "Catinat" gần sáu tháng – thay vì 48 giờ theo lẽ pháp lý – rồi bị đưa đi
quản thúc hai mươi ba tháng. Trong khi bị giam tại "Catinat", tôi bị thẩm vấn bốn lần. Người thẩm vấn là ông cò Garnier, một người Pháp. Ông ta dở tập hồ sơ của tôi – bốn chục trang đánh máy – hỏi tôi một vạn chuyện, rồi bảo thêm tôi vừa là đệ nhị vừa là đệ tam lại vừa là đệ tứ quốc tế… và đồng thời gán cho tôi một số
tĩnh từ có quan hệ tới Nam Bộ kháng chiến thời ấy. Ông ta là người Pháp nên nói tiếng Pháp với tôi là người biết tiếng Pháp, không cần thông ngôn. Trước sau, tôi chỉ trả lời một câu làm ông ta phì cười vì tính chất hài hước của vấn đề và vì chính ông cũng đương nhìn tôi qua
nhiều cặp kính màu: "Monsieur le Commissaire, comment voulez-vous que je sois à la fois socialiste et trotkyste ou stalinien même tuer l’autre. Ou bien je n’ai pas d’idéal précis, alors proposez-mi de travailler contre les intérêts de mes compatriotes et je m’y prendrai admirablement; ou bien, je suis innocent, alora libérez, moi et merci mille fois. (Tôi có ý nói rằng
xã hội và
đệ tứ..., họ muốn "nuốt sống" nhau – tôi làm gì thì làm một thôi chứ!).
Lại cũng xin nói thêm rằng, đầu năm 1950 ấy, trước đó nửa năm, tôi từ Sài Gòn lên Khu Tám chơi do Trung tướng Nguyễn Bình làm Tổng tư lệnh Nam Bộ kháng chiến thời ấy mời, cùng với mấy nhân sĩ. Nếu không có Nguyễn Bình che chở, có lẽ đã vì những
cặp kính màu mà tôi đã ưu tư lớn – sau tôi mới biết!
Ấy là chưa nói rằng cho đến bây giờ – và đầu năm 1965 trở đi – tôi, chính tôi, cũng vẫn bị những cặp kính màu soi vào đời sống cá nhân. Liệng kính đi, họ lại đeo lên. Mỗi lần liệng, mỗi lần đeo…
Thì ra một phần lớn những chuyện tang thương của anh, của tôi, của nó, của họ, của hàng xóm láng giềng… chung quy cũng chỉ vì chuyện những
cặp kính màu… Thực ra, chúng tôi cũng như Lạc, vai chính trong câu chuyện, cũng như tác giả những cặp kính màu – nếu có thể nói thế – cũng như trăm nghìn Lạc mọi chốn đây chốn kia, lúc nào chúng tôi cũng chỉ là
chính mình: yêu dân tộc và yêu nước, ghét bất công… và trên phương diện trí thức thì ham học, nơi nào có trí thức thì tới để tìm hiểu… kể cả Jean Paul Satre, kể cả gốc bồ đề đáng kính… Vậy thôi: kích thước thẩm quyền ngắn đâu có cho phép làm:
lớn hơn sức cá nhân!
Trong bài
Xuất xứ, một lời tựa của tác giả Võ Đình Cường, có câu này: "Nhưng nếu có những sự trùng hợp ngẫu nhiên với giai đoạn hiện tại thì tác giả cũng không biết làm sao được!" Sách viết từ 1947: buồn quá, ngày nay, nghĩa tượng trưng vẫn còn đấy, rất còn: chúng ta hãy nhìn xem… Mà giá trị tinh thần cuốn sách cũng là ở đấy nữa. Có lẽ vì vậy mà sách viết đã lâu, ngày nay tác giả mới cho ra đời chăng?
Vậy người viết bài này xin có một số cảm tưởng sau khi đọc sách. Và để dứt, xin nói một sự băn khoăn: nếu có Thượng Đế, thì Thượng Đế đeo kính gì, màu gì… Muốn xóa bao nhiêu màu, chỉ có một đường: đường lên cõi
tuệ: ở đó, có lẽ kính gì cũng trắng như pha lê – và ở đó, tất cả chúng sinh lên được tới đó, đều đeo một thứ kính trắng như tuyết, trong suốt. Phải vậy chăng, tác giả
Những cặp kính màu? Còn hai mối tình trong truyện? Thực ra chuyện tình nghĩa chỉ là một cái cớ – như tôi đã nói – cho nhà văn vẽ một bức tranh và đề nghị nói một nẻo một hướng cho tâm hồn – đồng thời trên những tấm gương mình ngắm mình, tự hỏi mình về kiếp nhân sinh, tìm một câu trả lời cho
mình và cho
người. Ra một bài toán đại số có phương trình là việc của người làm văn nghệ – người viết tiểu thuyết hay người viết kịch – còn tìm câu trả lời có lẽ là việc của mỗi cá nhân. Họ Võ là người đưa một phương trình có ẩn số: mỗi người trong chúng ta tìm
đáp số trong thời gian và không gian. Tôi đồng ý với Sartre ở cái ý:
con người giải quyết lấy những vấn đề của chính mình. Nhà Phật cũng nói rằng, nếu tìm được đường lên bến
giác thì ai nấy lên đường: mau hay chậm, sớm hay chiều, là tùy tốc lực và hành trang của mỗi cá nhân. Và trong khi tự giác, giác tha.
Đầu đường xa xăm tăm tắp kia có một thứ kính
không có màu – kể cả là không có màu trắng vì màu trắng cũng là một trong những màu kia mà! Có lẽ nói như vậy mới đúng với yếu lý của nhà Phật vậy!
1963
Vấn đề truyện ngắn hay Trong tháng 6 năm 1959, tạp chí Bách Khoa có mở một cuộc phỏng vấn các nhà văn về giá trị truyện ngắn. Trong các truyện ngắn trong văn học quốc tế và Việt Nam cận hiện đại, truyện nào hay nhất – đó là câu hỏi đặt ra của văn hữu Nguiễn Ngu Í. Trong những câu hỏi còn có một câu về lý do thị hiếu. Thưa anh, đề cập tới lý do của thị hiếu về văn nghệ là đặt luôn cả một vấn đề văn nghệ rồi đó. Vậy xin viết thành một bức thư để nói cho hết ý; vả chăng trong bức thư, tôi được dùng giọng thân mật thường có giữa anh và tôi, để nói cho hết lời. Trong thơ, tôi không trả lời tách bạch riêng một câu hỏi nào; nhưng toàn diện bức thư sẽ chứa gần hết những ý tưởng anh đòi hỏi ở tôi. Kể ra, anh cũng đã hơi nghịch ngợm và oái oăm:
hay là một chuyện, thích nhất là một chuyện khác. Nói một cách khác:
hay thuộc hẳn về phạm vi nghệ thuật, còn thích nhất thuộc về thị hiếu – mà thị hiếu thì vốn là một
thực thể tâm lý lôi thôi lắm, bản sắc nhiều khi rất khó quy định… Tôi nói vậy vì tôi định ví anh bạn phỏng vấn như một ông giám khảo hóm hỉnh ra một đề ỡm ờ để thử thách thí sinh…
Nói rằng một truyện ngắn hay là đặt luôn cả vấn đề giá trị. Mà đã nói giá trị thì tự nhiên phải dùng tĩnh từ
tương đối, và dù muốn dù không, phải đặt vai trò của chủ quan người đọc sách. Chẳng hạn anh có thể cho truyện ngắn của Anne Patou (một tác giả đã chiếm một giải nhất trong kỳ thi truyện ngắn hay nhất thế giới năm 1952 và 1953) là thường, mà tôi lại cho là hay… Chẳng hạn tôi có thể cho tiểu thuyết
Espoir của André Malraux là hay mà anh không thấy gì là xuất sắc. Cũng như tôi vẫn thấy có người nói rằng truyện ngắn
Ba sao giữa giời của Bình Nguyên Lộc đăng trong tập
Đất đứng của nhóm Quan Điểm là… rắc rối, giữa lúc tôi (tôi sẽ nói sau) cho rằng truyện ngắn đó đáng liệt vào hàng những truyện ngắn quốc tế xuất sắc.
Chẳng hạn là như vậy…
Nhưng thôi, chúng ta cũng nên cân nhắc, dung hòa, tìm ra một số nguyên tắc căn bản, có thể là trừu tượng, nhưng được
thông minh con người thừa nhận, làm tiêu chuẩn cho sự lựa chọn. Xin nói thật với anh là từ xưa, tôi đã được đọc nhiều truyện ngắn Việt Nam. Loại đi một mớ không có gì là đặc biệt – và không kể những bài mà tôi không đọc, hay không có hân hạnh được đọc, tôi đã đọc nhiều bài không thể quên được.
Một số truyện ngắn của Tự Lực Văn Đoàn ngày xưa phần nhiều đã làm người ta say mê. Ấy, con người vốn phụ bạc! Sự phụ bạc đây không phải là chuyện ngược với đạo đức mà chỉ là một thực thể tâm lý nhiều lý do. Thời gian đóng một vai trò; lịch sử tiến hóa cũng đóng một vai trò… và cũng nên thêm rằng cao lương mỹ vị dùng mãi cũng làm chuyển hướng tò mò của vị giác…
Và tôi nghĩ tới truyện ngắn "Mười năm sau" (ý của Phạm Ngọc Thọ, văn của Nhất Linh) đăng trong tập
Hai buổi chiều vàng của Nhất Linh… Rồi tôi nghĩ đến một số truyện trong
Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân – đến truyện
Hai con mắt của Mặc Đỗ đã đăng trong báo
Quan điểm, có tính chất "siêu quốc gia" (cosmopolitisme) – đến vài truyện trong
Thần tháp rùa của Vũ Khắc Khoan, đến truyện "Quán cháo Lú" của Lê Văn Siêu… Và nhất là tôi nghĩ đến truyện "Con thằn lằn chọn nghiệp" của Hồ Hữu Tường. Chính truyện ngắn của họ Hồ đã làm tôi ngạc nhiên. Trên phương diện học thuật, họ Hồ đối với tôi là bực đàn anh… nhưng riêng về
tiểu thuyết và
truyện ngắn, tôi cứ tưởng là anh không xuất sắc lắm… Vì tôi cho rằng một truyện ngắn, theo nghĩa chính của nó, phải là một nghệ phẩm, - không phải ai muốn viết thì viết, viết bừa bãi cách nào cũng được… Anh Tường đã làm cho tôi có một ấn tượng rõ ràng về anh: anh rất phong phú…
Tôi tin rằng không ai coi thường
truyện ngắn: truyện ngắn – viết cho ra truyện cho có bản chất và kích thước nghệ thuật, một nghệ phẩm – không phải dễ. Alain Bosquet, một nhà văn Pháp, nói rằng truyện ngắn Mỹ (tôi cho Mỹ đã vậy thì ở đâu chẳng vậy!) là một thể văn cao đẳng (nguyên văn:
genre supérieur), cũng không phải là quá đáng… Ở Mỹ chẳng hạn, Edgar Poe đã mở kỷ nguyên cho truyện ngắn; ở Tàu, từ thế kỷ thứ tám, đời nhà Đường đến Bồ Tùng Linh, văn học Trung Quốc đã lần lần hãnh diện; ở Việt Nam ta, Phạm Duy Tốn đã là một trong vài người đi trước…
Nhưng tôi nói thật với anh,
truyện ngắn mới đây, - bên cạnh một số khác tôi chưa kịp thưởng thức - làm cho tôi bằng lòng là truyện
Ba sao giữa giời của Bình Nguyên Lộc. Tôi không nói tới cá nhân Lộc nhiều, vì Lộc vốn là bạn anh: anh đã hiểu tác phong văn chương của Lộc… Tôi để ý tới văn của Lộc từ lâu lắm: Lộc có một lối văn gần như là độc đáo - nghĩa là có
sáng tạo. Tôi chủ trương rằng văn nghệ phải có
sáng tạo. Nghệ thuật không có sáng tạo là một nghệ thuật đứng một chỗ… không có
sáng tạo (création), nghệ thuật sẽ lần lần mang giá trị một tài liệu hay một món đồ trang sức để ở bảo tàng viện, chờ ngày lui vào màu đen của thời gian.
Có người sẽ hỏi tôi tại sao lại cho truyện "Ba sao giữa giời" của Bình Nguyên Lộc là hay nhất và tại sao tôi thích nhất. Để trả lời, tôi xin đề cập một cách tổng quát về vấn đề
giá trị nghệ thuật của một nghệ phẩm (và ở trường hợp đương bàn đây là
truyện ngắn). Anh sẽ rút trong những ý tưởng của tôi những câu trả lời tiềm tàng cho sự đòi hỏi của anh.
Trước hết, tôi phải nói rằng: một
truyện ngắn phải là một
nghệ phẩm đã. Hay, thì nó là một nghệ phẩm; dở thì người ta không đọc, hay đọc rồi quên mất. Truyện (ngắn hay dài thì cũng vậy) của Maurice Dékobra (bán chạy lắm) không thể nào là một nghệ phẩm được nhưng
La condition humaine của André Malraux,
Ả Q chính truyện của Lỗ Tấn, ai ghét mặc ai, cũng vẫn là những nghệ phẩm.
Bốn mươi của Mặc Đỗ trước kia chỉ là một sự thử thách của tác giả, nhưng đến
Siu cô nương, cũng của Mặc Đỗ, đứng hẳn trên phương diện kỹ thuật tiểu thuyết (tôi nói lại: kỹ thuật tiểu thuyết) thì Mặc Đỗ đã gần thành công – xin bỏ ra ngoài phương diện nội dung (contenu moral) là cái phần mà mỗi độc giả tùy ở
ý tưởng chủ quan của mình định giá trị, chê hay khen.
Nhưng có bạn sẽ hỏi: Vậy dựa vào
đặc tính hay
tiêu chuẩn nào để định rằng văn thi phẩm này là một nghệ phẩm, còn văn thi phẩm kia là không…? Đây mới là một chuyện rắc rối! Cổ kim cũng chưa có một cuốn văn phạm nào chứa những định luật, những nguyên tắc rõ ràng để theo đó mà định giá trị một nghệ phẩm (oeuvre d’art)! Luật bằng trắc chỉ dạy người ta làm những bài
Bán than của Trần Khánh Dư, bài
Xác pháo của Nguyễn Hữu Chỉnh, bài
Dệt vải của Lê Thánh Tôn… chẳng hạn, thật không đáng có vị trí trong văn học sử Việt Nam.
Vậy thì có thể nói bừa đi rằng: "Văn phạm nghệ" phẩm là những nguyên tắc về kỹ thuật:
hành văn phải thế nọ thế kia,
bố cục phải thế này thế nọ,
sáng tạo phải có tính chất này tính chất khác… Sự thực thì nói vậy chỉ là nói để mà… nói, không nói không được… Vậy chứ Tản Đà theo kỹ thuật nào để làm bài
Tống biệt, Hemingway theo kỹ thuật nào để tả cảnh một chàng chiến sĩ bị thương nơi chân vì tạc đạn trong
Adieu aux armes, Gertrude Stein, một người đã ảnh hưởng rất nhiều trong văn nghiệp Hemingway, theo một kỹ thuật nào để viết
lải nhải một cách rất thú vị, rất hay, rất… "kỹ thuật"…, Lỗ Tấn theo kỹ thuật nào để viết cái văn riêng của Lỗ Tấn trong
Ả Q chính truyện. (Lưu Nghi đã chịu ảnh hưởng của Lỗ Tấn và có thể gần thành công trên phương diện này trong một số truyện ngắn).
Cũng có người đòi cho được một
nội dung: nội dung lành mạnh, nội dung tiến bộ… Tôi hoàn toàn đồng ý là nội dung một nghệ phẩm phải có hướng lên… Nhưng đó chỉ là chuyện tương đối. Nhiều lúc tôi bực mình vì vấn đề nội dung này lắm: chưa có những nguyên tắc nào quy định rõ ràng tiêu chuẩn của nội dung, nói thế nào là hướng lên, thế nào là hướng xuống, chưa có ranh giới nào phân biệt rõ ràng không khí lành mạnh và không khí bệnh hoạn… Mạnh ai nấy nói: người
cộng sản thì nói thế này là nội dung tiến bộ; người
tư bản thì nói thế kia là nội dung thoái hóa. Thiệt là rắc rối! Giữa lúc người ta đem
La condition humaine của André Malraux viết đã từ hai ba chục năm lên sân khấu… thì người ta lôi
Lôi vũ của Tào Ngu lên thảm xanh… đồng thời chỉ có một mình sắc luật (chuyện này xảy ra cách đây mười năm ở Nga Sô Viết) là thích cuốn
La tempête của Ehrenbourg, còn cả Hội Nhà văn Nga Sô Viết cho là
phản hiện thực xã hội… Trong lúc ấy thì, biệt phái nhất là Nga Sô Viết mà cũng dịch văn thi phẩm của Marcel Proust, của Dostoievsky, của Hemingway để đọc, chưng tranh Picasso để ngắm…
Vậy anh bảo tôi còn biết dựa vào tiêu chuẩn nào để thảo luận về vấn đề nội dung trong
thời gian nữa – xin nói lại,
trong thời gian. Không chóng mặt đã là may lắm… phải không anh?
Nhưng nói gì thì nói, tôi vẫn chủ trương rằng một văn thi phẩm (trong đó có
truyện ngắn) phải là một nghệ phẩm trước đã. Nếu chỉ đòi nội dung mà thôi thì vẫn có những tờ… truyền đơn… đầy nội dung để thỏa mãn lý trí từng người, từng nhóm người, về phương diện chính trị, xã hội…! Lẽ tự nhiên, ai làm được như Ehrenbourg thì càng tốt; nhưng đã có bao nhiêu người làm được như Ehrenbourg, được cả hình thức lẫn nội dung.
Có lẽ có nhiều người phủ nhận vấn đề giá trị và tác dụng của một nghệ phẩm. Họ nói
nghệ phẩm với chẳng nghệ phẩm mà làm gì! Lầm lớn! Hai chục năm xưa, ở Pháp người cộng sản công kích cuốn
La condition humaine của André Malraux, cũng như công kích cuốn
En un combat douteux của Jonh Steinbeck. Theo tôi thì hai cuốn tiểu thuyết đó còn có tác dụng trong tiềm thức trong vô thức, của con người, hơn bao nhiêu triệu tờ truyền đơn! Một cuốn sách hay, một
truyện ngắn hay
dài xuất sắc sống muôn kiếp; một vạn tờ truyền đơn chỉ sống kiếp một con phù du… Con người ta vốn hay tự dối mình, vốn hay bạc bẽo với văn nghệ đó thôi! Nói rộng ra, một cuốn phim
Quo vadis có thể đã vô tình đem lại trước cây thánh giá thêm một vạn tín đồ nữa, giữa lúc một đức cha có thể nói trước một vạn công chúng như nói trong một bãi sa mạc…
Tôi tưởng nghệ thuật nên nói
tiếng nói cuối cùng của nghệ thuật: văn thi nhân phải làm một nghệ phẩm trước đã:
a. Hoặc là nghệ phẩm ấy chỉ sống một thời, và gặp một điểm thời gian nào đó, hết sứ mạng lịch sử rồi, đòi vị trí của mình ở bảo tàng viện, ở thư viện, làm một luận cứ lịch sử, đánh dấu và nuôi dưỡng sự liên tục của văn hóa một dân tộc hay loài người trong thời gian…
b. Hoặc là nghệ thuật ấy đủ điều kiện về hình thức và nội dung để làm một sản phẩm có giá trị bất diệt… không bao giờ mất hình bóng trong lòng người… nhưng trường hợp
Truyện Kiều của Nguyễn Du hiếm quá…! Vả lại cũng còn tùy ở bản sắc và thị hiếu của mỗi dân tộc nữa: ở Anh, một Somersset Maugham giữa thế kỷ XX vẫn làm một thứ thần tượng, trong lúc đó ở Á Đông, cách đây mười năm chẳng hạn, Tào Ngu viết
Lôi vũ đã bắt đầu lên thảm xanh rồi.
Và chỉ có những sản phẩm nào thiếu giá trị về cả hai phương diện hình thức và nội dung, hay những sản phẩm nào chỉ có nội dung mà không có hình thức… mới mất vị trí trên bảng giá trị văn nghệ trong toàn diện văn học. Thứ trên không đáng cho người ta nhắc tới; thứ dưới sẽ bị những tờ truyền đơn chiếm mất… chỗ.
Tôi tưởng bây giờ anh đã hiểu rõ vì sao tôi lại cho truyện ngắn "Ba sao giữa giời" của Bình Nguyên Lộc là hay nhất và tại sao tôi lại
thích nhất truyện ngắn ấy chẳng hạn. Cũng nên thêm rằng Bình Nguyên Lộc viết gần như một tiểu thuyết gia Mỹ vậy: lối văn
duy nhiên đượm một hương vị khinh khoái (désinvolture), nhẹ nhàng – một thứ châm biếm kín đáo đối với những giá trị hiện hữu trong đời sống đương phản chiếu một thứ đạo đức nghìn kiếp của con người hay là một thứ tự dối mình trơ trẽn – một cách đề cao sự sống không nặng nề, không lố bịch – một tất cả phong mới tả sự sụp đổ của những sự nghiệp xây trên bất công và chúc lành – một kiểu tả chân chán chường trước con người ngờ vực cả cái giá trị cao nhất giữa vạn vật là con người trong dòng lịch sử: ngờ vực mình và chán chường cả đời sống… Tất cả yếu tố ấy tiềm tàng trong văn Bình Nguyên Lộc.
Bây giờ tôi xin sang
lĩnh vực quốc tế. Trong lĩnh vực này, lẽ tự nhiên là tôi xin nói vắn tắt. Cần phải nói ngay rằng cái
hay nhiều hay
hay ít của một truyện ngắn ngoại quốc còn là một vấn đề
ngôn ngữ và vấn đề
bút pháp của riêng tác giả nữa. Marcel Proust dài mù mịt, André Malraux vạm vỡ, vắn tắt, siêu hình… Camus thuần túy nhưng hơi nhạt, trong sáng nhưng ít say sưa… trừ cuốn
L’etranger. Ấy cũng may mà ở Trung Quốc xưa còn có Bồ Tùng Linh viết những
truyện ngắn trong
Liêu trai chí dị để chúng ta thưởng thức cả hình thức lẫn nội dung – tôi nói
hình thức, vì coi văn dịch
Liêu trai chí dị vẫn kín đáo hưởng luôn hương vị thấp thoáng của nguyên văn kể cả những người không giỏi chữ Nho lắm… Và còn một cái may nữa là một bản dịch ra Anh ra Pháp cũng vẫn giữ được cái hay, để cho người thiếu Anh ngữ thưởng thức ngay trong tiếng Pháp – trừ các bạn đã du học nhiều năm ở Anh Mỹ thì họ thưởng thức trực tiếp trong tiếng Anh Mỹ. Nếu không thì làm sao mà tôi trầm trồ được hương vị
duy nhiên vạm vỡ và thi vị của Hemingway; làm sao mà hưởng màu sắc Marcel Proust trong Robert Pen Warren, hay khí hậu tối om om và hương sắc tình dục vừa trắng trợn vừa kín đáo mềm dẻo của Henry Miller…!
Tôi đã được đọc ít nhiều truyện ngắn ngoại quốc: của Hemingway, của Faulkner của Mỹ; của Charles Plisnier (trong
Faux-passeports, được giải Concourt) của Pháp; của Bồ Tùng Linh và Lỗ Tấn của Trung Hoa… chẳng hạn. Thật là mỗi tác giả một sắc thái, một vẻ đẹp…
Nói về truyện ngắn văn nghệ quốc tế, nhất là nói về truyện ngắn và tiểu thuyết amy; khó nói quá: tôi nói khó là vì Á Đông mình quen lối kỹ thuật tổng hợp rồi: mấy trăm năm náo nhiệt và xao động thời Tam quốc thâu gọn lại trong ba trăm trang cuốn
Tam quốc diễn nghĩa, giữa lúc mấy ngày trời vắn tắt của một trận du kích vặt ở Tây Ban Nha hồi nội chiến… đã làm Hemingway kéo dài đến bảy tám trăm trang khổ lớn trong
Pour qui sonne le glas. Kỹ thuật
phân tích của truyện ngắn hay dài amy làm người Á Đông chúng ta lúc đầu hơi bỡ ngỡ: chúng ta quên cái lối truyện phải có đầu có đuôi, phải có kết cuộc luân lý chẳng hạn… Đổng Trác phải chết, Quan Vân Trường phải hiển thánh… Nguyễn Du đã táo bạo lắm nhưng cũng phải theo Thanh Tâm Tài Nhân mà cho Kiều gặp Kim Trọng… Văn thi nhân Âu Mỹ phần nhiều khác hẳn: có những truyện đối với mình là vặt, vặt lắm, có những mảnh sống nhỏ nhặt tủn mủn không đầu không đuôi, không có kết cuộc lớn theo tam cương ngũ thường… trở nên một truyện, một truyện ngắn, trong đó tác giả hoàn toàn vắng mặt… Và chính sự vắng mặt ấy tạo ra thi vị riêng của tác phẩm họ.
Kỹ thuật của những nhà văn Mỹ như Hemingway, Steinbeck, v.v. là một thứ kỹ thuật mà thiên hạ gọi là tâm lý khách quan (psychologie objective) đượm một hương vị độc thoại về tình cảm (monologue intérieur). Tác giả không cần có mặt trong truyện. Người đọc truyện như ngắm tranh dã thú (fauvisme) màu sắc phũ phàng vậy: những ý tưởng sẽ tự nhiên phát hiện từ sự kiện… Tác giả trọng sự tự do của độc giả: ai muốn đọc cứ đọc và không bao giờ chui vào một mớ vỏ cứng (do tác giả tạo ra) của
nguyên tắc, của
giá trị, của
ý tưởng, tư tưởng… bắt con người dù muốn dù không, vô tình hay cố ý, phải
theo, phải
phụ thuộc, phải
sùng bái, phải
tin tưởng…, phải "nghèo" đi. Người ta không phải chỉ "nghèo" đi vì tôn giáo. Ở phương diện tôn giáo này, tôi cho là Ludwig Feuerbach có lý lắm. Theo ý tôi thì
con người của
loài người, từ bốn ngàn năm, từ
đa thần đến
độc thần, đã "nghèo" đi rất nhiều; đồng thời còn "nghèo" đi vì tất cả mọi thần tượng lớn, nhỏ, xa, gần, mọi lý tưởng cao thấp, mọi thực thể thần thoại (entité mythologique) do tất cả mọi hình thức thông minh tạo ra; rồi còn "nghèo" đi một bực nữa vì tất cả những lý thuyết, những ý tưởng từ những thư viện ngự trị lý trí và tình cảm của con người…! Cũng nên thêm vào đó cái danh sách những "bébélune" sản phẩm tối cao của khoa học chỉ thỏa mãn lòng tự ái và tính kiêu căng cá nhân và tập thể mà thôi…
Các bạn cứ đọc một số tiểu thuyết hay truyện ngắn Mỹ, các bạn sẽ thấy, tự sự kiện nó
nói lấy. Người đọc, đọc xong sẽ thấy nảy trong tâm hồn những nhận xét, những ý tưởng về đời sống. Từ trong truyện, "triết lý" tiềm tàng có sẵn bộc lộ ra và làm độc giả phải suy nghĩ. Tác giả không có mặt trong sách, không làm triết nhân mà cũng chẳng làm nhà tư tưởng… và không có tham vọng truyền giáo… Chúng ta hãy đọc những truyện
La révolutionnaire, Une histoire banale rất ngắn của Hemingway chẳng hạn… Đó, sở dĩ tôi thích truyện ngắn Mỹ hơn truyện ngắn Pháp là vì vậy.
Bồ Tùng Linh quen với tôi nhiều quá – tôi cho là hay lắm nhưng không dám…
thích nhất, vì họ Bồ sống ngoài nhân sinh để phản ứng lại đời sống. Tôi cũng "quen" cả Charles Phinier, tác giả những truyện ngắn trong
Faux-passeports, nhưng Phinier lại là hình ảnh một kẻ chiến bại, nên tôi không dám… thích nhất. Tôi đành thích nhất truyện ngắn
Victoire của Williame Faulkner… đăng trong tập truyện ngắn
Treize histoirer do nhà Galtimard xuất bản.
Victoire (Thắng trận) là một bức tranh vẽ bộ mặt của chiến tranh và đồng thời thể hiện sự bi đát của con người sau chiến tranh… Chẳng hạn như Faulkner cho rằng, đã là con người thì chẳng có ai can đảm cả, con người bỗng nhiên một sáng mở mắt tình cờ thấy mình là anh hùng trong chiến tranh… và người ta rơi vào địa vị anh hùng cũng như kẻ đi đường đương nghếch mắt nhìn đời sống bỗng rơi xuống lỗ cống (…que persone n’a de courage, mais que n’importe qui peut choir aveuglément dans l’héroisme, comme on dégringole dans un regard d’égout ouvert au milieu du trottoir).
Theo tôi thì Faulkner muốn xáo trộn một quan niệm của con người về thần tượng: tự con người hay dối mình, con người tự mình tạo ra những
thần tượng, những
ý niệm thiêng liêng để sùng bái…! Con người
nghèo đi – nói theo kiểu Feuerbach…
Bây giờ anh có thể rút trong bức thơ dài của tôi một số ý kiến tiềm tàng đủ trả lời cho bốn câu hỏi anh đã nêu ra để phỏng vấn. Đồng thời, tôi cũng đã được dịp bàn với anh một vài mẩu chuyện văn nghệ. Có lẽ, ở một vài phương diện, bạn không đồng ý với tôi… Nhưng ở đời, đã có ai hoàn toàn đồng ý với ai đâu? Vả trong câu chuyện văn nghệ, làm sao tránh được một chút chủ quan…! Có thế mới có sự tạp đa (diver sité). Tôi còn dám nói rằng sự phong phú của tư tưởng là do sự
tạp đa mà có. Cái lối một chiều và đơn điệu (uniformité) chỉ lợi cho chính trị mà bất lợi cho văn hóa – một cách tương đối, cố nhiên.
Luôn tiện mong anh lượng thứ cho tôi đã nói dài quá. Có thế mới hết ý. Xin chấm dứt bức thơ tôi gởi cho anh tại đây…
1959
Bích Khê và thơ tượng trưng Hồi tiền chiến, có hai người viết về Bích Khê như sau này
"…mà thơ Bích Khê, đọc đôi ba lần thì cũng như chưa đọc…". Hai người ấy là Hoài Thanh và Hoài Chân viết trong cuốn
Thi nhân Việt Nam. Hồi đó, chiếu thi nhân nhiều người ngồi: có đến mấy chục người – kể cả những người làm thơ ngồi vào đó cho đông. Trong cuốn sách ấy, mỗi người làm thơ chiếm mấy trang phê bình của Hoài Thanh và Hoài Chân. Riêng có Bích Khê chỉ có mấy dòng…
Có ai ngờ vài ba dòng ấy lại là vài ba dòng rất dúng – đúng vì thơ Bích Khê đọc một lần chưa phải là đọc. Hoài Thanh và Hoài Chân có ngờ đâu đó gần là lời "thú tội" đối với người hiện đã là người thiên cổ, cũng như đối với văn thi giới hai ba chục năm sau đọc lại Bích Khê và hiểu Bích Khê… Nhất là hiểu thơ Bích Khê và
cảm thông với Bích Khê. Tôi nói cảm thông, vì người ta cảm thông với
thơ, với
tranh… Người ta cảm thông với nghệ phẩm, cùng với nghệ phẩm làm
một rồi yên lặng trong phi thời gian và phi không gian: cái
đẹp không trần truồng trong tưng bừng cũng như không lõa lồ trong những cõi thiếu thông minh, thiếu tế vi… Chẳng hạn là thế! Người đề tựa thơ của chàng là Hàn Mặc Tử và người đề bạt thơ của chàng là Hoàng Trọng Miên: hai người này ngày đó say mê thơ Bích Khê, thật đã không lầm.
Chỉ tiếc rằng thơ Bích Khê sắp ra đời thì chiến tranh lớn lần thứ hai sắp xảy ra: khí hậu nhân sinh bắt đầu thiếu thăng bằng. Lẽ tự nhiên, người ta quên thi nhân và quên thơ. Có chiến tranh là có quên: văn nghệ thiệt thòi nhiều nhất.
*
Tôi thường nói Xuân Diệu và Huy Cận tiền chiến là thi nhân
tượng trưng, thuộc thi phái
tượng trưng. Kể cũng hơi ép: vì đây là hai người đi vay mượn của những người làm thơ ở xa xôi lắm: Mallarmé, Verlaine… là những thi nhân của những chân trời mù mù mịt mịt đối với nước non này… Đã là kẻ vay mượn thì dù có tài, người làm thơ chỉ có quyền hãnh diện một cách tương đối…
Có mấy người không hề vay mượn mà vẫn là những thi nhân có vị trí riêng biệt trong thi giới: vị trí của những người làm khuôn thước cho mai sau: Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng…, những người "dệt gấm Á Đông" cho thanh niên trí thức tiền bán thế kỷ (và cả bây giờ): và những thi nhân làm thơ như chạm trổ đồ trang sức của những đời vương giả đã khuất trên sử xanh: Quách Tấn, Đông Hồ…
Chúng ta thêm vào đó hai người có kích thước: Hàn Mặc Tử, Bích Khê… hai người làm thơ
tượng trưng và gần như không vay mượn của chân trời mới Âu Tây một mẩu
âm thanh nào. Đất Á Đông vốn là đất phong phú về
nhạc tính: nhạc tính là vốn liếng Á Đông có từ ngàn năm từ muôn thuở: người làm thơ chỉ cần nuôi dưỡng tình ý và nuôi dưỡng
tài làm thơ:
nhạc tính từ đó vang lên, vang lên…
Ngôn ngữ Á Đông vốn là ngôn ngữ đơn âm và chứa rất nhiều
thanh… Tượng trưng phát sinh từ đó…
Thơ tượng trưng?
Người ngàn năm sau thường bội bạc với người đời trước và phủ nhận chất trí thức của kẻ đã có mặt trong sử xanh. Đôi khi họ cứ tưởng cái họ tìm ra là cái mới nhất. Họ có biết đâu rằng cách đây bảy tám trăm năm, Dante đã nói về
nhạc tính trong thơ: một bài thơ chỉ là một giai âm (Un poème est un composition de mots disposés d’une manière musicale). Ly khai với nhạc tính, thơ chỉ còn là một nhan sắc trơ trẽn, thiếu duyên. Mô Phật! Văn học Việt Nam nếu rất phong phú thì có lẽ chúng ta đã chẳng cần mượn cái ông Trạng Trình để hãnh diện mà cũng chẳng phải mời chàng Lê Thánh Tôn lên làm "nguyên súy" của cả một hội Tao đàn: cái ông này chễm chệ lên ngồi đó rồi ngày sau con cháu vẫn rộng lượng như rộng lượng với bất kỳ một người đã chết nào…
Ngán ngẩm việc đời chi nói nữa Bên đầm say hát nhởn nhơ chơi. của Trạng thật quả tình chưa làm rung động được bất kỳ một hồn thơ nào! Một Bích Khê mới gần hai mươi tuổi làm thơ đường luật cho Phạm Quỳnh và Huỳnh Thúc Kháng đăng cách đây gần nửa thế kỷ, còn làm lòng người bâng khuâng và đìu hiu hơn nhiều…
*
Bỗng nhiên, đời nhà Đường bên Tàu xưa, có một ông Trẩm Dự đem cái mớ
bằng trắc ra ngăn mọi hướng của lòng người tình người… rồi gọi nó là
âm luật. Ở đời, thật không có ai dại dột hơn là người lấy khuôn thước để đo tình người, lòng người, ý người! Trong
thơ có cả một vạn nẻo và một ngàn lẻ một… lối và hướng: cái ông Trẩm Dự ấy có ngờ đâu những bài thơ hay nhất lại là, ngoài một số thơ Đường luật, những bài
cổ phong và bài
từ. Và có ai ngờ
thơ tự do ngày nay lại cũng chỉ là một loại… từ. Tôi có một ông bạn ở lâu năm bên Pháp mới về, và vốn lại là người yêu thơ và mê thơ, hay hỏi tôi về thơ và… thơ. Tôi nghịch ngợm chép bài
Tống biệt và đưa cho xem, nói dối rằng đó là của Đông Hồ và Thanh Tâm Tuyền cùng chung làm… Đọc xong, anh cho rằng không ngờ
thơ tự do mà lại có bài hay đến vậy. Tuyệt tác! Tuyệt tác! Đến lúc tôi nói rằng tác giả bài ấy là Tản Đà và bài ấy đã có từ một thuở xa xôi lắm và là một bài
từ ngắn, ông bạn tôi mới ngã cái con người ra. Rồi ông đâm ra thẫn thờ và không hiểu giữa
từ và
thơ tự do, biên giới ở đâu? Kể ra tôi có một ông bạn thơ cũng hơi quá đáng! Nhưng biết làm sao!
Sự thực, chỉ có vấn đề
hay và
dở! Và
nhạc tính trong thơ.
*
Nhưng Bích Khê không phải chỉ là người làm thơ Đường luật, thơ cổ phong và
từ một cách rất
tượng trưng. Một hôm, chàng ly khai với thơ cũ và trưởng thành trong những
nhịp thơ mới:
nhịp của những Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận… Người của thời mới có
nhịp mới. Bích Khê, thi nhân tượng trưng của thơ Đường, trở nên thi nhân tượng trưng của
thơ mới. Thời làm sao,
người làm sao,
nhịp làm vậy: câu thơ chỉ là phản ảnh của cá tính nhìn qua một thứ quang tuyến… Mariane Moore, một nữ thi bá của Mỹ, nói đúng lắm: "Le rythme est la personne, la phrase n’est que la radiographie de la personnalité". Cùng với những thi nhân tiền chiến, chàng
sáng tạo lại (recréation) âm thanh của chàng trong một số thi tiết mới. Tôi chưa hiểu mấy câu thơ sau đây là thơ
mới, hay thơ
tự do, hay thơ
siêu tự do.
Mâm vàng đây, đũa ngọc đây
Tiệc hoa sang
Rượu chung đầy
Trông ra mây nước muôn trùng biếc
Nước ái non tình bóng nguyệt rây
Tiếp ly cạn, cạn ly đầy
Năm con một vợ ngồi vòng xây
Nhạc chim thanh tước rót về đây
Đổ cành vàng lá lục
Nâng chén tinh ròng
Ca một khúc
Tiệc hoa hề chén ngọc kề
Giang hồ vút cánh say chung rượu
Năm vẻ rồng bay ánh sắc mây
Tiền ròng bạc tốt trong tay trắng
Danh nghĩa cao sang tợ mặt trời
Tiếng xe rổn rảng sau bờ trúc
Bóng vợ bóng con lẫn bóng cây
Đông liễu tây đào ngồi khép nép
Nẻo xuân rủ gấm phủ
hoa đầy
Mình ơi!
Rót chén này
Nụ cười Bao Tự điểm xuân ngây
Rạng màu yến tiệc ngọc lung lay
Xa xa đường thoảng tiếng châu reo
Dặm cỏ
Ven đồi
Hoa lác đác
Ngựa ai rung lạc tiếng trong veo.
Đó là
thơ vậy.
Và là thơ Bích Khê – trong bao nhiêu bài thơ như vậy của con người tài hoa bạc mệnh: thơ là sự phối hợp của âm thanh – thơ là sự tràn trề của tình ái, nhiều nhịp, nhiều khúc, nhiều hướng, một ngàn lẻ một đêm nhiều trăng sao, thiếu trăng sao buồn như nước mắt, buồn như những nỗi, những mối, những ngổn ngang, buồn như tha ma mà không buồn như tang, buồn như rượu nồng, buồn hề, buồn đũa ngọc mâm vàng… buồn một thứ thê thê không gây đam mê, buồn của kẻ ngắm cái đẹp, thưởng ngoạn rồi một đi trên một ngàn lẻ một hướng…
Ngàn năm mới thường có một thuở…
thơ như thế. Cũng như ngàn năm một thuở Nguyễn Du trong
Truyện Kiều; một thuở
Tình quê của Hàn Mặc Tử; một thuở
Tống biệt và
Cảm thu của Tản Đà, cũng như ngàn sau về ngàn xưa có
Hoàng Hạc Lâu của thi bá họ Thôi… chẳng hạn.
Những nghệ sĩ – theo cái nghĩa chân chính của nó – của cả loài người cũng như của riêng một dân tộc nào đó, đều có một nếp sống, một tác phong tư tưởng và tưởng tượng… một mình một
cõi, không giống ai. Họ sống khác người mà khi buông xuôi hai tay, họ cũng không giống thiên hạ. Cummings gọi nó là "unicité". Có người gọi tác phong ấy là
độc đáo. Tôi thì tôi gọi nó là cái
một. Ai đã gần Bích Khê đều thấy chàng có cái
một ấy. Cả một đời Bích Khê, chàng trung thành với cái một ấy; và không muốn ai chạm đến cái
một của chàng – cho đến ngày chàng nằm xuống, một đi… Tôi xin nói lại: cái một ấy, chàng nâng niu nó, nuôi dưỡng nó… đến cái trình độ người ta nhìn chàng như một ngôi sao lẻ tránh một ngàn lẻ một ngôi sao khác để đi con đường hành tinh riêng của mình. Thi nhân họ bướng bỉnh và ngửa nghiêng như vậy: ai lại gần được Bích Khê thì lại gần được Edward Cummings, một nhà thơ trứ danh của Mỹ hiện thời. Không ai hiểu được Cummings, không ai chịu nổi Cummings vì không dám chạm tới
một trong đời sống cơ thể, tinh thần và trí thức ngược với tất cả những công thức giả dối của đời sống; không ai thương Cummings… Nhưng hiện thời Cummings đứng hàng đầu trên chiếu thi nhân Âu Mỹ… Về một cái
một của Cummings, chàng thường nói: "Être un individu c’est surtout reconnaitre une valeur sacrée à I’unicité de tout être humain, sauvegarder cette unicité et se battre sans cesse pour l’affirmer". Ý Cummings muốn nói rằng cái độc đáo của một cá nhân có một giá trị thiêng liêng, đã là con người thì phải bảo vệ cái độc đáo ấy và tranh đấu để cho nó phát hiện. Cummings nói về
con người như vậy, nhưng ông áp dụng vào ông nhiều nhất, và trước hết…
Và chúng ta thêm vào đó một người: Bích Khê.
Ngày nay Bích Khê đã khuất, để lại cho chúng ta một sự nghiệp làm Hoài Thanh, Hoài Chân chưa kịp đọc… Chị ruột chàng là bà Ngọc Sương vẫn đọc; anh rể chàng là Lạc Nhân Nguyễn Quý Hương vẫn đọc; bạn chàng là tôi vẫn đọc; cháu chàng là Nguyễn Lê Thu An, một thiếu nữ tuổi đôi mươi đương làm thơ chờ ngày ra đời và có mặt trong thi giới, cũng vẫn đọc… nhiều lần.
*
Nhưng
tượng trưng là gì chứ?
Cũng mãi vài chục năm nay, người ta mới hay nói đến danh từ
tượng trưng. Thực ra, danh từ ấy là dịch chữ "Symbolisme" của văn học Âu Tây. Vậy tượng trưng trong văn thơ là gì? Nói cho đúng, thật khó nói: có người cho rằng
tượng trưng là một thực thể thần bí và
tượng trưng vọng từ cõi thông minh của Á Đông… Có người cho rằng vấn đề kỹ thuật trong
thơ: một vấn đề bằng trắc và thi tiết… Có người nữa lại cho rằng thi nhân tượng trưng là người đi "lột" ngôn ngữ của họa, nhạc, điêu khắc… để áp dụng vào thơ, và nhà thơ
tượng trưng tìm nguyên lý của vận văn trong
tinh hoa của âm nhạc. Nói một cách khác:
nhạc tính là yếu tính của
thơ… Còn có người khác nữa lại cho rằng thơ tượng trưng là một thứ thẩm mỹ siêu hình (esthétique métaphysique)…
Ấy đấy! Những
người nói khác nhau về thơ tượng trưng như vậy đều là những thế lực trong thi giới Âu Mỹ; và đã vậy thì chúng ta cũng khó mà tổng hợp được một ý tưởng chung về
tượng trưng trong thơ.
Nhưng dù khó mà nói cho ra thế nào là thơ
tượng trưng, chúng ta cũng nhận thấy mấy điều. Một là nguyên lý của thơ
tượng trưng là
nhạc tính – hơn thế: tinh túy của âm thanh. Hai là phải có tài mới làm được thơ
tượng trưng. Remy de Gourmont, một nhà văn và là một nhà tư tưởng hiện đại kích thước cỡ Âu Châu đã nói: "Il y a deux classes d’écrivains, ceux qui ont du talent – les symbolistes; ceux qui n’en o at pas – les autres". Ý ông muốn nói rằng chỉ có hai hạng văn thi nhân: một hạng có tài là văn thi phái tượng trưng, còn một hạng nữa là hạng không có tài: hạng
không phải là văn thi phái tượng trưng. Ý tưởng ấy là một ý tưởng hơi quá đáng, nhưng nó cũng phản ảnh được thái độ của văn giới đối với thi phái
tượng trưng. *
Có
tượng trưng Âu Mỹ. Cũng có
tượng trưng Á Đông. Tôi nghĩ rằng về thi phái tượng trưng Á Đông – thuần túy Á Đông – chúng ta có hai đại diện: Bích Khê và Hàn Mạc Tử.
*
Tự thuở rất xa xưa, người làm thơ đã làm
nhạc. Ngày nay, những ngày rất mới này, những
nhà thơ tự do bây giờ cũng vẫn tạo cho họ một nếp
nhạc tính mới. Nhạc không phải là một thực thể thẩm mỹ (entité esthétique) cố định muôn đời chỉ có một, mà là một thực thể
tiến hóa theo thông minh của con người:
nhạc không phải là âm thanh bằng trắc của cuối thế kỷ XIX trở về trước, mà cũng chẳng phải là âm thanh riêng trong những thính đường âm nhạc của một địa phương nào bây giờ.
Lịch sử vẫn đi cái nhịp của nó: chờ coi người của thế hệ
sắp tới sẽ đòi hỏi cho thính giác một thứ
nhạc tính mà hiện thời rất có thể là chúng ta đương… từ chối: Chứ sao!
Chỉ có người làm thơ giỏi và người làm thơ dở mà thôi.
Cũng như chỉ có thơ hay và thơ không hay.
Có lẽ Remy de Gourmont muốn nói rằng chỉ một thứ thơ có
nhạc tính và một thứ thơ khô khan – nghĩa là một thứ thơ thiếu
sáng tạo (création). Và ý tưởng ấy là một ý tưởng nói cho cả một thuở, cho cả ngàn năm… Cứ nghe thi bá Dante là người của thuở rất xa xưa nói thì rõ, và chúng ta có thế kết luận với Dante rằng:
thơ tượng trưng có từ thuở có thơ. Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Thôi Hiệu… đã là thi nhân tượng trưng, vì thơ của các thi bá ấy đọc lên nghe những
giai âm: những câu thơ…
Bạch vân thiên tải không du du. Tình xuyên lịch lịch hán dương thụ. Phương thảo thê thê anh vũ châu là gì, nếu không phải là
nhạc trước thính giác người đời xưa, người ngày nay và cả người mai sau…
Chẳng có Baudelaire… thì chẳng có Valéry và Valéry vẫn hãnh diện rằng mình là đứa con lộng lẫy cuối cùng của dòng họ
tượng trưng bên Âu Mỹ, còn Jacques Prévert không bao giờ từ chối thơ ông là
nhạc. Từ ngày Bích Khê làm thơ, chàng đã chú trọng đến nhạc tính: bài thơ Đường xưa nhất và bài thơ dài dài ngắn ngắn hay loạn nhất của Bích Khê sau này vẫn là vẫn là những bản đàn quen tai và lạ tai.
Chiến tranh thường vạch biên giới, cho nên bỗng nhiên Bích Khê đứng ra một bên. Thực ra đừng có việc những người gây lộn với những người, thực ra nếu ai cũng rủ nhau đi tắm mát, lên nền Vũ Vu hóng gió, rồi hát mà về… như ở một thời thịnh trị thái bình nào đó trong giấc mơ của thầy Tăng Điểm thì những thi nhân như Bích Khê, đương có mặt đâu đây, sẽ có mặt đâu đây…
Nhất là bên chàng có một người rất có thế lực cũng làm thơ đầy nhạc tính Á Đông – tôi nói lại:
nhạc tính Á Đông – cho người Việt Nam là người Á Đông đọc: Hàn Mặc Tử.
1964