Văn há»cVăn há»c Việt NamLoạt bài: Văn há»c miá»n Nam trÆ°á»›c 1975
2.6.2008
Nguyễn Nhất Minh Khoa
Ãá»c “Ngà y đôi ta má»›i lá»›n†của Nhã Ca
HÆ¡n má»™t ná»a ngÆ°á»i Việt trong nÆ°á»›c và hÆ¡n má»™t triệu ngÆ°á»i Việt Ä‘ang sống ở nÆ°á»›c ngoà i sinh ra khi cuá»™c chiến tranh cuối cùng của thế kỉ 20 diá»…n ra trên đất nÆ°á»›c Việt Nam đã hoà n toà n kết thúc. Giá»›i trẻ Việt Nam nghÄ© gì vá» chiến tranh? Chúng tôi xin giá»›i thiệu bà i viết của Nguyá»…n Nhất Minh Khoa, má»™t thanh niên MÄ© gốc Việt, sinh viên Äại há»c U.C. Berkeley, California.
talawas
Tên truyện: Ngày đôi ta mới lớn
Tác giả: Nhã Ca
Nhà xuất bản: Việt Nam
Năm xuất bản: 1974
Số trang: 252
Ðịa điểm: Sài Gòn
Thời gian: thời kỳ bắt đầu chiến tranh Việt Nam
Các nhân vật chính:
Thuyền: cô gái 15 tuổi giàu tình cảm, nhiều mơ mộng tình yêu, yêu Dư và có cảm tình với Tiệp.
Dư: 21 tuổi, con chồng của dì của Thuyền, ở nhờ nhà Thuyền, quê mùa, thất học, yêu Thuyền từ thuở nhỏ và lớn lên đi lính rồi hy sinh ở mặt trận.
Tiệp: thầy giáo dạy kèm của Thuyền và yêu Thuyền, giàu có, có học thức, tử tế.
Các nhân vật phụ:
Thố: chị Thuyền, 18 tuổi, hay chọc Thuyền là trẻ con không biết yêu, hơi ganh tị khi Tiệp yêu Thuyền.
Minh: anh cả của Thuyền, 21 tuổi, chọc Thuyền con nít không nên yêu đương.
Sơn: 19 tuổi, anh của Thuyền, cũng trêu Thuyền.
Nghiệp: bạn hồi nhỏ của Dư, chăn trâu, chơi chung với Dư và Thuyền, nhưng rồi không gặp lại.
Ba Thuyền: tốt bụng, đưa Dư về nhà để nuôi, cho phép Thuyền và Dư tự do yêu nhau.
Má Thuyền: dữ dằn, cấm Thuyền chơi với Dư.
Bà Đá: người ở hồi nhỏ trong nhà Thuyền, độc ác và thường sai bảo đánh đập Dư.
Mở đầu truyện
Thuyền là một cô gái mười lăm tuổi, con nhà giàu và có học thức. Cô thường ở trong phòng riêng của mình mơ mộng. Chị của Thuyền là Thố, hay ghen tị với Thuyền vì Thuyền được Tiệp mê. Thố hay chọc Thuyền và ngăn cản Thuyền đi chơi với con trai. Thầy dạy kèm của Thuyền là Tiệp thích Tuyền và hai người lén lút đi chơi với nhau. Tiệp đối xử với Thuyền rất tử tế và lịch sự. Anh thường viết thư cho Thuyền thổ lộ tâm tình. Thuyền thích Tiệp như một người bạn hơn một người tình, vì cô không bao giờ quên được người yêu cũ thuở bé là Dư. Khi gặp Tiệp, Thuyền lúc vui lúc buồn, lúc giận lúc nhớ tới Dư. Cô không hiểu tình yêu là gì, và hỏi Thố cho lời khuyên. Thuyền tưởng tượng về nhiều chuyện trong căn phòng nhỏ, và nhất là nhớ đến những kỷ niệm với Dư.
Nội dung truyện
Năm bảy tuổi, nhà Thuyền tạm dời xuống vùng biển để ở. Dư là con của chồng dì Thuyền, được ba Thuyền đem về nuôi. Dư đen đủi, dơ bẩn, quê mùa, và thất học, nên bị các anh chị của Thuyền là Thố, Minh, và Sơn chọc phá tàn nhẫn. Họ luôn luôn đánh đập, sai bảo, nhạo báng, và hành hạ Dư. Thấy bà Đá trói đánh Dư ở gốc cây, Thuyền thương xót anh, nhảy lên lưng bà Đá và cắn. Từ đó Thuyền và Dư quấn quýt bên nhau, mặc cho gia đình ngăn cấm.
Thuyền và Dư lén ra khỏi nhà mỗi tối. Họ tìm chuột con, thạch sùng con để nuôi, bắt coòng, bắt rù rì, chơi trốn tìm, nướng cua với bạn của Dư là Nghiệp. Một lần họ ra biển chơi, và Nghiệp dạy cho Thuyền bắt cá và lặn. Khi về nhà, Dư bị đòn nát đít, còn Thuyền cũng bị vài roi. Thuyền yêu lối sống ở biển và không bao giờ muốn rời xa biển. Cô ước mơ được sống trên đảo với Dư mãi mãi. Gia đình Thuyền hành hạ Dư ác độc làm anh bị tổn thương cả tinh thần lẫn thể xác. Dư bỏ đi một đêm, nhưng Thuyền tìm thấy anh ngu ngơ bên bờ biển. Chơi với Dư và Nghiệp một năm làm Thuyền hoàn toàn như một đứa con trai ngỗ nghịch, lì lợm.
Một hôm Nghiệp quên và để trâu ăn lúa. Sợ bị chủ phạt, Nghiệp, Thuyền và Dư cưỡi trâu sang một làng khác định bán và chạy trốn. Gia đình Thuyền bắt được. Ba Thuyền gửi Dư cho một chủ chài. Thuyền và Dư không bao giờ gặp lại Nghiệp nữa. Dư thăm Thuyền khi đánh cá về, và họ lại quấn quýt bên nhau như trước. Nhưng gia đình Thuyền chuyển đến thành phố miền Trung để ở và Thuyền lại xa Dư một lần nữa.
Một hôm, Dư đến nhà thăm Thuyền trong bộ đồ lính. Anh ù lỳ, vụng về, ít nói. Thuyền ghét Dư không còn như xưa ở biển, nhưng thương hại và còn yêu anh. Gia đình Thuyền đối xử với Dư tử tế hơn khi anh đến thăm, nhưng họ chê cười người lính cù lần. Dư đóng đồn ở gần nhà Thuyền và thường mang trái cây cho Thuyền ăn, và thỉnh thoảng cô cũng thăm anh.
Thuyền lớn nhanh như thổi. Năm mười lăm tuổi, cô sống ở Sài Gòn. Tình yêu của cô dành cho Dư nhạt phai, nhưng kỷ niệm xưa thỉnh thoảng vẫn tràn về. Thuyền quen Tiệp, và anh thường dẫn cô đi cinê, đi uống nước bằng xe hơi. Chị Thố chọc ghẹo và coi chừng em. Thuyền buồn viết thư cho Dư dù anh không biết đọc. Cô bao giờ quên Dư. Một hôm, Tiệp đến đón Thuyền đi chơi, gặp Dư đến thăm Thuyền. Cô mắc cỡ với Tiệp vì Dư ngốc nghếch. Cô cùng Tiệp đi chơi ngay lập tức, bỏ Dư ở nhà một mình.
Kết thúc truyện
Một chiều Tiệp đón Thuyền ở trường cùng lúc Dư cũng đến đón cô. Thuyền đuổi Dư đi. Sau đó cô lại trào nước mắt rồi rượt theo nắm tay anh. Thuyền bắt Dư nói anh yêu Thuyền trước mặt Tiệp. Nhưng Dư phải đi hành quân ở miền Trung. Thuyền mời Dư ăn cơm tối ở nhà do chính tay mình nấu. Dư gật đầu nhưng không bao giờ đến. Sau đó Thuyền nhận được thư của dì nói rằng Dư đã tử trận. Thuyền hối hận, khóc sướt mướt, và nhớ đến giấc mơ ra hoang đảo sống với Dư ngày nào. Thuyền đọc báo thấy có một anh binh nhì vô danh, đã gài lựu đạn cùng mình, nhảy vào ổ phục kích của địch. Cô chắc đó là anh, chỉ có anh mới lì như vậy. Thuyền hối hận đã đối xử tệ bạc với Dư, đã bỏ anh ở nhà đi chơi với Tiệp, đã xấu hổ vì anh, xua đuổi anh trước mặt Tiệp. Thuyền ray rứt, và tự hỏi rằng tại sao biển trời không thay đổi mà chúng ta lại thay đổi.
Tên truyện Ngày đôi ta mới lớn nhằm chỉ thời thơ ấu của Thuyền và Dư. Họ đã có nhiều kỷ niệm tuyệt vời, nhiều ước mơ thơ mộng trong đầu óc của trẻ thơ. Ngày đôi ta mới lớn có nhiều trò chơi, nhiều tự do, nhiều cuộc mạo hiểm. Họ bắt chuột con, thạch sùng con để nuôi. Họ lặn xuống biển, bắt coòng, hái trộm ổi, cưỡi trâu, chơi những trò chơi rất bình dân ở miền biển.
Truyện rất hấp dẫn làm tôi không bỏ sách xuống đựợc. Nhà văn Nhã Ca diễn tả tâm trạng của cô bé Thuyền rất chi tiết. Truyện bắt đầu chậm bằng cảnh Tiệp và Thuyền hẹn hò với nhau. Tiệp yêu Thuyền không hiểu vì sao, nhưng Thuyền yêu Dư hơn vì anh có nhiều bản lĩnh hơn Tiệp. Đọc đến đây, tôi rất tò mò muốn biết nhân vật Dư. Và chương 3 đã cho tôi nhiều hình ảnh không thể tin được. Tôi không biết tại sao gia đình Thuyền lại đối xử với Dư một cách tàn nhẫn như vậy. Minh và Sơn đánh đập Dư túi bụi mà Dư vẫn gan lì không khóc. Họ bèn xát muối chanh vào mắt Dư để anh chảy nước mắt. Hình ảnh này làm tôi rất xúc động.
Nhã Ca cũng thành công trong việc cho ta thấy tính bướng bỉnh và lòng kiên trì của Dư. Tên nhân vật Dư có nghĩa là một sự dư thừa không cần thiết trong xã hội. Dư là con của chồng của dì của Thuyền và không có quan hệ ruột thịt gì với gia đình Thuyền. Sự dư thừa này muốn tồn tại nhưng cuối cùng cũng phải bị bỏ đi (Dư đi lính và tử trận). Tác giả muốn đưa ra hình ảnh người dân lao động nghèo Việt Nam vất vả, chất phác, kiên trì, tháo vát, quê mùa và luôn bị hoàn cảnh đưa đẩy, như Dư không có sự lựa chọn nào khác. Anh bị hành hạ tinh thần và thể xác, nhưng lúc nào cũng câm lặng không nói ra được những nỗi oán hận. Dư cô đơn một mình trên biển khơi khi đi làm cho chủ chài. Hồi nhỏ, Dư có nhiều tự do vào buổi tối. Anh có thể chơi đùa với Thuyền thỏa thích rồi chỉ bị đánh đòn. Dư tự do đi lại, rong chơi ở biển. Nhưng khi lớn lên, anh trở nên ít nói, vụng về, ngu ngơ. Nhã Ca không cho biết nhiều về chuyện gì xảy ra đến Dư sau khi xa Thuyền. Tôi rất bực mình với con người Dư khi lớn lên. Tại sao anh không dám nói lời yêu Thuyền? Tại sao anh phải nhập ngũ để rồi hy sinh? Tôi nghĩ giống hệt như Thuyền. Dù giận hờn, ghét bỏ Dư, nhưng tôi vẫn thương hại cho anh. Dư đã cho Thuyền một tuổi thơ tuyệt đẹp và một tình yêu non trẻ nhưng bền lâu. Dư cũng là món nợ tình cảm lớn nhất trong đời Thuyền.
Tên nhân vật Thuyền có tính chất giống như một con thuyền. Thời thơ ấu, Thuyền chơi chung với Dư và Nghiệp và lây nhiều tính nết của con trai bướng bỉnh, nghịch ngượm, chai lì. Lớn lên Thuyền vẫn còn những tính nết này. Con thuyền thường tượng trưng cho người đàn ông và bến là phụ nữ. Nhưng ở đây, thuyền là hình ảnh của nữ nhân vật chính. Thuyền cũng mang đầy tính phiêu lưu mạo hiểm của nhân vật. Thuyền không bao giờ ngồi yên một chỗ. Cô không thể quyết định yêu hay không yêu Dư, nhưng lúc nào cũng nuối tiếc kỷ niệm đẹp đẽ thuở bé. Thuyền yêu biển và muốn sống ở biển, nhưng cô bị giam trong căn phòng riêng của mình. Căn phòng nhỏ của Thuyền là thế giới tù đày của chính cô. Nhưng cô không có sự lựa chọn nào vì cô không quyền lực trong gia đình. Thuyền bị tình yêu của Dư giam giữ và không bao giờ thoát khỏi được. Mong rằng sau khi Dư chết, và Thuyền trưởng thành, cô có thể quên đi quá khứ và sống trong hiện tại. Truyện cũng cho thấy nhiều suy nghĩ trong đầu Thuyền. Những hành vi độc ác của cô đối với Dư và Tiệp làm tôi tức giận. Nhưng có lẽ bởi Thuyền là cô gái giàu tình cảm, nhiều tưởng tượng. Vả lại, cô còn quá trẻ, nên mới có những hành động nông nổi như thế.
Tóm lại, Ngày đôi ta mới lớn kể về một tình yêu ngây thơ của đôi tình nhân trẻ bị chia rẽ vì chiến tranh cướp mạng sống của người con trai. Nhã Ca muốn đưa ra một khía cạnh mới hơn về chiến tranh qua ý nghĩ của một cô gái 15 tuổi. Thuyền chỉ biết Dư hy sinh vì tổ quốc, nhưng không hề biết chiến tranh khốc liệt như thế nào. Vì vậy, khi thấy Dư thay đổi thành một người lạnh lùng, Thuyền không hiểu là đi lính đã làm tàn tật tinh thần của Dư. Hình ảnh người lính trong truyện rất tầm thường. Đi đâu Dư cũng bị dòm ngó trêu chọc. Không ai tôn trọng Dư đã hy sinh cho đất nước.
Truyện giúp tôi hiểu thêm một chút về xã hội Việt Nam thời kỳ bắt đầu chiến tranh. Vùng biển thì quê mùa, nghèo khổ, và vất vả. Nhưng ở thành phố, cuộc sống rất sung túc, có xe lam, xe hơi. Học sinh vui đùa bên lề đường rợp bóng mát. Không ai lo lắng gì về chiến tranh đang diễn ra ở những vùng quê hẻo lánh. Người thành phố biết về chiến tranh qua tin tức trong ti vi. Chiến tranh không ảnh hưởng gì tới đời sống ở Sài Gòn.
© 2008 talawas