© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Văn học miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63 
31.5.2008
Nguyễn Hoàng Minh Trí
Ðọc tập truyện “Lao vào lửa” của Nguyễn Thị Thụy Vũ
 
Hơn một nửa người Việt trong nước và hơn một triệu người Việt đang sống ở nước ngoài sinh ra khi cuộc chiến tranh cuối cùng của thế kỉ 20 diễn ra trên đất nước Việt Nam đã hoàn toàn kết thúc. Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì về chiến tranh? Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Nguyễn Hoàng Minh Trí, một thanh niên Mĩ gốc Việt, sinh viên Đại học U.C. Berkeley, California.
talawas
Tên truyện: Lao vào lửa
Tên tác giả: Nguyễn Thị Thụy Vũ
Nhà xuất bản: Kim Anh
Năm xuất bản: 1967
Số trang: 124

Gồm những truyện ngắn: “Chiếc giường”, “Lao vào lửa”, và “Đêm nổi lửa”.

1. Truyện “Chiếc giường” miêu tả hình ảnh của nhân vật chính Tâm, một cô kĩ nữ già dặn kinh nghiệm đang trên đà bị đào thải. Chiếc giường trong truyện là chiếc giường của Tâm, nó tượng trưng cho sự nghiệp của cô. Khi Tâm đang trong thời kì xuống dốc, cô được một ông thầy cao tay dạy cô về cách sắp xếp lại chiếc giường của mình. Lời dạy của ông thầy có vẻ linh nghiệm, vì ngay sau đó cô lại kiếm được khách. Nhưng chỉ được một ngày thì mọi chuyện lại “đâu vào đó.”

Một vài ngày sau, vì quá túng thiếu, Tâm đành cho bạn của mình là Minh mượn xài đỡ chiếc giường linh của mình. Khi nằm trên chiếc giường của Tâm để ngủ với Mỹ, Minh để máu chảy lai láng trên tấm ra hồng, làm dơ chiếc giường của Tâm. Khi về nhà, Tâm nghe cô người ở than phiền về việc dơ dáy của Minh, cô nổi cơn điên vì cho là Minh làm ô uế chiếc giường linh của mình. Khi Tâm đi vào quán và gặp Minh, cô la Minh, nhưng Minh chỉ nhịn. Sau đó Tâm lại đem chuyện của Minh ra kể với bà chủ. Lúc này Minh nghe được và nổi nóng chạy đến chỗ Tâm. Hai người gây gổ rồi dẫn đến đánh lộn. Khi được can ra, Tâm cáo bịnh về nhà.

Khi Tâm về nhà thì có một đám người Mỹ kéo đến quán để đả đảo các cô kĩ nữ ở quán bar nơi Tâm làm việc. Tâm hiểu ra rằng việc cô làm ăn ế ẩm không phải là vì Minh, mà là vì sự làm ăn lường gạt và giả dối của cả một lớp kĩ nữ trong quán bar, cô quyết định kiếm Minh để làm hòa.

2. Truyện “Lao vào lửa” xoay quanh cuộc đời của Tú. Tú là một cô gái trẻ tuổi, nhà nghèo và cần tiền để sinh sống. Trong lúc khó khăn, Tú được Lan giới thiệu cho một công việc thâu ngân ở một quán bar mà Lan hứa hẹn là sẽ kiếm được một mức lương tương đối để sống. Tú gặp bà chủ quán bar, và được giới thiệu gặp chị Năm, một “lão làng” trong quán. Tú được đổi tên thành Tina.

Tina bắt đầu công việc bằng việc ngồi uống rượu với Mỹ. Xui xẻo thay, lần đầu tiên cô ngồi uống rượu với một tên Mỹ thì hắn lại giở trò sàm sỡ cô. Ngỡ ngàng, cô lên tiếng cầu cứu chị Năm và được giải thoát. Sau đó thì cô không ngồi uống được với ai và phải đi về tay không liên tục trong mấy ngày. Được mốt thời gian thì Lan đến thăm Tina. Cả Tina, Lan và chị Năm lên gặp bà chủ. Cả ba người đều khuyên Tina nên dẹp bỏ tự ái của mình để có thể hành nghề một cách thực thụ. Cô được bà chủ tặng một chiếc áo đẹp.

Hôm sau, Tina mặc chiếc áo đẹp đến quán bar. Cô đẹp lộng lẫy so với những cô gái khác trong quán. Cũng trong hôm đó, cô được một anh chàng Mỹ chú ý và mời uống. Biết Tina là người mới vào nghề, anh chàng săn sóc, nói chuyện, và tặng hoa cho cô mỗi ngày. Đến một hôm, Tina bước vào quán với một chiếc nhẫn hột xoàn lấp lánh trên tay. Các bạn đồng nghiệp của cô trầm trồ khen ngợi, nhưng cũng lúc đó thì anh chàng người Mỹ cũng biến mất.

Một tháng sau Tina vẫn còn buồn và nhớ tới người Mỹ đó. Chị Năm thấy vậy gọi Tina đến nói chuyện chơi. Cùng lúc đó một tên Mỹ vô quán và kiếm chị Năm. Hắn mua nước cho chị Năm uống, nhưng mỗi ly mà chị uống là hắn lại thốt một câu chửi chị. Đến ly thứ một trăm thì tên Mỹ chịu thua. Đến lúc này, chị Năm không chịu nổi nhục, phun rượu trong miệng vào người hắn và hai người xô xát nhau.

Một thời gian sau khi Tina đã dần quen với công việc của mình, cô gặp một người Mỹ và ông ta muốn ngủ với Tina nhưng cô ra giá khá cao. Người Mỹ này đồng ý ngủ với cô, nhưng với một điều kiện là cô phải biết cách làm tình. Tina đồng ý mặc dù cô chẳng biết gì. Khi tên người Mỹ biết được mình bị gạt, hắn quát cô rồi bỏ đi, chỉ để lại một nửa số tiền đã hứa.

3. Truyện “Đêm nổi lửa” miêu tả cuộc du ngoạn của ba nhân vật Lina, Bích, và Nga. Cả ba người đều là kĩ nữ và là bạn thân, và đều bị bắt vì tội hành nghề kĩ nữ. Khi bị bắt, cả ba được đưa tới bệnh viện để trị bịnh hoa liễu. Trong ba người, Bích là nhân vật trẻ nhất và thiếu kinh nghiệm nhất, còn Nga và Lina thì đã vào ra bệnh viện như cơm bữa. Khi vào tới bệnh viện, Nga gặp bạn cũ của cô, Jackie.

Những sinh hoạt trong bệnh viện được sự dẫn dắt của những bà sơ đạo Thiên Chúa. Bệnh nhân trong bệnh viện sống như bị giam. Mỗi sáng thức dậy, các bệnh nhân buộc phải đọc kinh trước khi ăn. Trong bệnh viện có một dịch vụ cầm đồ chui do chính các bà sơ đảm nhiệm. Các cô kĩ nữ có thể dùng tiền để thay đổi kết quả xét nghiệm máu của mình.

Trong một dịp thăm bệnh, Bích, Lina, Nga, và Jackie gặp một một người bạn của Jackie và họ tính chuyện bỏ trốn khỏi bệnh viện. Kế hoạch của họ là đợi cho tới đêm khi người gác cổng ngủ quên, họ sẽ dùng xăng do bạn của Jackie cung cấp để đốt bệnh viện. Trong khi đó, bạn của Jackie sẽ cho xe đón ở cạnh tường rào, rồi cả ba sẽ bỏ trốn bằng lối đó. Jackie cùng bè đảng của mình còn ra sức rủ thêm các bệnh nhân khác trong bệnh viện tham gia và họ đều đồng ý. Họ thành công trong việc trốn thoát khỏi bệnh viện, nhưng đám lửa dùng để đốt bệnh viện thì được cứu hỏa dập tắt. Sau khi thoát khỏi bệnh viện, Bích gặp lại Thoại, một người rất yêu cô nhưng cô không hề chú ý tới. Vì chán nản cuộc sống kĩ nữ của mình, Bích đã chấp nhận Thoại.

“Đêm nổi lửa” khá sôi nổi và hấp dẫn so với những truyện còn lại trong tập Lao vào lửa. Câu truyện dựng lên được những bức tranh đầy tương phản về số phận con người. Nhưng những tương phản đó không hoàn toàn mâu thuẫn mà lại rất tự nhiên. Sự tồn tại của những tương phản đó, dưới ngòi bút miêu tả của nhà văn, là hệ quả không tránh được trong một xã hội đang suy sụp như xã hội miền Nam trước 1975.

Tương phản dễ thấy nhất trong câu truyện là sự khác biệt giữa cuộc sống bên ngoài và cuộc sống tù túng và thánh thiện một cách giả tạo trong bệnh viện. Những bệnh nhân trong bệnh viện đa số đều là kĩ nữ. Cuộc sống bên ngoài của họ là một cuộc sống cơ hội, buông thả, và dối trá. Nhưng có lẽ, khi sống ngoài vòng pháp luật như vậy, những kĩ nữ đó phơi bày bộ mặt thật của chính mình, một bộ mặt chai lì và dày dặn kinh nghiệm. Bên trong bệnh viện, những người kĩ nữ đó phải che đi bộ mặt xấu xa đó và tập đọc kinh, làm những công việc thánh thiện giả tạo. Sự tương phản trên cho chúng ta thấy được một xã hội đảo điên, bởi khi con người ta làm những công việc dối trá và nhục nhã là khi họ đang sống thật với chính mình, còn khi họ đọc kinh và cầu nguyện là khi họ đang đi ngược với ý muốn của họ.

Tương phản thứ hai và khó thấy hơn trong truyện là tương phản giữa những con người mà những kĩ nữ như Bích, Lina, và Nga tiếp xúc hằng ngày trong hai mối trường. Khi được tự do công việc của Bích là tiếp khách Mỹ. Những người khách Mỹ trả tiền để được ngủ với họ. Còn bên trong bệnh viện, những kĩ nữ đó phải tiếp xúc với những ma sơ. Ma sơ, theo đúng nghĩa, là những con người tự nguyện hiến dâng cuộc sống của mình để phục vụ người khác. Họ có mặt trong bệnh viện là để giúp đỡ bệnh nhân. Nhưng công việc của những ma sơ trong truyện hoàn toàn trái ngược. Họ núp dưới lốt ma sơ, nhưng làm những công việc như cầm đồ và cho vay lấy lời. Những ma sơ trong truyện như những cô kĩ nữ ngoài đời, còn những cô kĩ nữ trong bệnh viện thì như những người Mỹ tìm đến người ma sơ, trả tiền cho họ, để đổi lấy một cái gì đó.

Trong cái đêm họ nổi lửa đốt bệnh viện, ta lại thấy một tương phản tàn nhẫn hơn nữa. Đó là sự tương phản giữa những con người làm việc trong bệnh viện và những bệnh nhân. Có thể nói, bệnh viện tượng trưng cho một thể chế thối nát đang cố gắng giam cầm và hoán cải những con người thối nát. Ở đây, sự tương phản nằm ở chỗ, mặc dù cả cái bệnh viện và những bệnh nhân đều thối nát, nhưng một bên cho mình cái quyền coi bên kia là thối nát. Đó là những cô y tá, những ma sơ được quyền nhìn những kĩ nữ kia bằng sự khinh bỉ.

Nguyễn Thị Thuỵ Vũ rất thành công khi dựng lên một bức tranh toàn diện về bộ mặt xã hội bằng những sáng tạo trong việc sử dụng các hình ảnh tương phản. Khi đọc xong, những gì đọng lại trong đầu độc giả là những ma sơ giả tạo, những nhà tù đội lốt bệnh viện, và những số phận lênh đênh không có ngày mai. Ðó chính là sự thật của một xã hội thối nát.

© 2008 talawas