Hệ thống hóa Bắt đầu từ
mô hình Kornai [1] qua lời dịch và giới thiệu của Nguyễn Quang A, cuối năm 2002, chuyên mục
Tranh luận về chủ nghĩa Marx ngày càng lôi kéo thêm nhiều dịch giả, chuyên gia và người quan tâm, đặc biệt trong hai năm 2006 và 2007. Phong Uyên đã tạm hệ thống hóa các mạch tranh luận bằng cách nêu tên một số nhân vật và ý kiến tiêu biểu, cũng như bình luận thêm về ẩn ý đằng sau các bài viết bênh và chống Mác.
[2] Đây cũng là cách lý luận rất phổ biến trong đa số các ý kiến tranh cãi của các tác giả người Việt trên
talawas: tìm kết cấu, mối liên quan và điểm tương đồng giữa học thuyết được coi là của Mác và các hiện tượng chính trị, kinh tế, xã hội, rồi dùng sự thắng thua của vế này để quyết định tính đúng sai của vế kia, hoặc ngược lại. Thêm nữa, các ý kiến tranh luận còn được xếp vào trục quan niệm đối lập, từ phản biện Mác, sang phản biện phản biện Mác, và tán dương Mác.
Nhìn rộng ra, các tranh luận trên
talawas còn thiếu các ý kiến từ nhóm hậu-Mác (
post-Marxism), tân-Mác (
neo-Marxism) và các phát triển cũng như phản biện đối với những trào lưu này. Trên thế giới còn nhiều học giả hàng đầu, không chỉ vì muốn cứu mà bảo vệ Mác như Jacques Derrida
[3] , hay phần nào vì thái độ chính trị mà phát triển tiếp các ý tưởng mà Mác từng nêu ra về cải tạo xã hội như Joseph Stiglitz
[4] , mà còn thực sự tìm thấy từ lý thuyết Mác một hệ cơ sở lý luận đầy đủ về triết học, xã hội học và kinh tế học. Trào lưu này phát triển mạnh trong vài chục năm qua trong các trường đại học hàng đầu trên thế giới. Không thiếu các giáo sư nổi tiếng từ Đại học Harvard và Trường Kinh tế và Chính trị Luân Đôn (LSE) nhận mình là
Marxian [5] hay là người kế thừa và phát triển triết học Mác cho các ứng dụng đương đại. Các tên tuổi và trào lưu này hoàn toàn thiếu vắng trên diễn đàn
talawas, phần nào cho thấy sự cách ly của giới tri thức trong nước với các trào lưu kiến thức trên thế giới, và sự quan tâm có giới hạn của giới tri thức Việt Nam ở nước ngoài đối với ngành xã hội và triết học, cũng như kinh tế học vĩ mô.
Chính trị, thể chế và kinh tế vĩ mô Đa số các lập luận của người Việt trên
talawas nằm trong bình diện chính trị, xem coi hệ tư tưởng Mác-Lê có còn phù hợp với xã hội Việt Nam hay không, giới trẻ cần lý tưởng gì cho cuộc sống, và quan trọng nhất, là mô hình sản xuất định hướng xã hội chủ nghĩa có đáng để tiếp tục đi theo hay không. Nếu trong năm 2006 các tranh luận có phần nặng về chính trị hơn, thì các ý kiến trong năm 2007 phần nào quan tâm hơn tới phương thức sản xuất được coi là Mác đã mô tả, từng được Hà Sĩ Phu và Mai Thái Lĩnh phản biện chi tiết.
[6] Bên cạnh đó, các tác giả và bài viết nước ngoài được chọn lọc và chuyển ngữ phần nào thông qua nhân sinh quan và mối quan tâm của người dịch. Các bài được Phạm Minh Ngọc giới thiệu đa số công kích đặc tính toàn trị
[7] của hệ thống, phần nào là biểu hiện bên ngoài hoặc thái quá của thể chế chuyên chính vô sản mà các nước theo chế độ cộng sản luôn đề cao. Cao Hùng Lynh có xu hướng chọn các bài viết nhìn chủ nghĩa Mác như một tổ chức tôn giáo.
[8] Mô hình kinh tế mà Karl Marx kế thừa và phát triển từ Adam Smith là di sản được khá nhiều kinh tế gia tiếp nối, như Kornai, Stiglitz và cả George Soros. Tuy nhiên, hệ tư tưởng ở tầm vĩ mô này thường phải gắn liền với một hệ thống chính trị cánh tả tương xứng thì mới có điều kiện phát triển. Nếu chính phủ các nước xã hội chủ nghĩa e ngại sự xâm nhập của diễn tiến hòa bình qua các luồng tư duy mới, thiếu kiểm soát, thì chính phủ và các tổ chức và tập đoàn lớn ở các nước tư bản lại có quá nhiều mô hình khác nhau để lựa chọn. Trong kinh tế, kết quả thực hiện thường được dùng để chứng minh tính đúng-sai của lý thuyết, cho nên những ai muốn ứng dụng mô hình lý luận kinh tế của Mác đều phải cân nhắc trước thất bại của một loạt các nước Đông Âu hồi thập niên 1980 và sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa hồi thập niên 1990. Đây cũng là lập luận mà các nhà phê bình thường thích dùng để công kích chủ nghĩa Mác.
Hậu Mác-xít và tân Mác-xít Hệ thống cơ sở lý luận được gọi là chủ nghĩa Mác còn bao gồm khá nhiều đóng góp của Mác về triết học và xã hội học. Các triết gia từ vùng nói tiếng Đức (còn gọi là
trường phái Franfurt) đánh giá cao các lập luận về cái/tính tiên nghiệm (
transcendent) được Mác kế thừa và phát triển từ Kant và Hegel, mà sinh viên ở Việt Nam được học phần nào qua các tiết giảng về con đường từ vật chất đến ý thức. Đơn cử như các hệ giá trị tân-Mác-xít (
neo-Marxism) mà Jurgen Habemas (người cùng thời và cũng là đối tác biện chứng của Jacques Derrida) xây dựng trở thành cơ sở cho trào lưu thực dụng chủ nghĩa (
pragmatism) ở Mỹ, đem lại cho ông sự chào đón của giới lãnh đạo Trung Quốc với lý thuyết về giao tiếp công, và uy tín trong giới triết gia qua loạt bài tranh luận về xu hướng thế tục hóa với Giáo hoàng Benedict XVI.
Là nhà xã hội học nhiều ảnh hưởng tại Luân Đôn và các nước nói tiếng Anh, tư tưởng hậu Mác (
post-Marxism) của Anthony Giddens không đơn thuần là ảnh hưởng mà còn trở thành nền tảng lý luận cho nhiều trường đại học hàng đầu. Nhân sinh quan đối lập (các cặp phạm trù, mâu thuẫn) mà Mác từng đề xướng đang là một trong số bốn phương pháp cơ sở
[9] để nghiên cứu xã hội, bên cạnh các nhân sinh quan đồng thuận (
consensus), hành động - diễn giải - ý nghĩa (
social action, interpretation and meaning), và gần đây là giới tính (ví dụ như
feminisim). Đề cao và khuyến khích vận dụng tư duy duy vật lịch sử, nhưng Giddens không nghĩ rằng con người có thể dự đoán và điều khiển được tương lai, vì lịch sử phát triển theo qui luật tích lũy kiến thức, và không phải tất cả các lực đẩy kinh tế đều là sức mạnh của giai cấp. Bên cạnh cuộc cách mạng thông tin, Giddens cho rằng Mác còn thiếu cả lý luận về ‘quốc gia - dân tộc’ (
nation-state), hai vấn đề mà những người thời đó không hề nghĩ hoặc biết tới, mà nay Giddens giúp bổ sung với công sức đáng nể, xuất bản vài đầu sách khoa học mỗi năm.
Phép biện chứng (
dialectic) của Mác là công cụ giúp Stuart Halls sáng lập và thành danh với ngành nghiên cứu văn hóa (
cultural studies) mà nay các phương pháp của nó đang là cần câu cơm cho vô số chuyên gia phân tích trong ngành truyền thông. Vận dụng phép phân tích cấu trúc và ngữ nghĩa của ngôn ngữ và văn bản, Halls coi hiện tượng văn hóa (
cultural phenomenon) là môi trường kết nối cả kinh tế, chính trị lẫn tư tưởng, dân tộc và phương tiện thể hiện như truyền thông và điện ảnh. Phương pháp phân tích đơn giản và thống nhất, cho phép liên kết đa ngành trong học thuật, và môi trường áp dụng nghiên cứu rộng rãi khiến nhánh mới này của hệ thống lý luận Mác-xít phát triển và được ứng dụng rộng rãi.
Tranh luận tiếp theo Với Mác, mâu thuẫn và đấu tranh là động lực để phát triển. Với đa số người Việt tham gia diễn đàn
Tranh luận về chủ nghĩa Marx trên
talawas, lối tư duy đối lập (
conflictive), phương pháp luận phê phán (
criticism) và phép biện chứng (
dialectic) là nét phổ biến. Xã hội Việt Nam, dù muốn dù không, đang chịu ảnh hưởng sâu rộng của hệ tư tưởng Marxism, bất kể nó được truyền đạt theo cách thức và hình thái nào. Một hệ tư tưởng mới có thể được xây dựng bằng cách phá bỏ hệ tư tưởng cũ, thông qua một cuộc cách mạng như Mác đề xuất, nhưng cũng có thể có được bằng cách nâng cấp hệ tư tưởng hiện tại, bổ sung những điểm yếu, như đề nghị của những người kế thừa Mác. Hi vọng ba con đường thành công vừa giới thiệu sẽ phần nào mở thêm hướng mới cho các nghiên cứu tranh luận tiếp theo trên diễn đàn.
© 2008 talawas
[1]Nguyễn Quang A,
“Mô hình Kornai về các hệ thống kinh tế”,
talawas 27.11.2002
[2]Phong Uyên,
“Về những cuộc tranh luận về Karl Marx trên talawas”,
talawas 21.11.2007
[3]Lữ Phương,
“Về một bóng ma của Marx”,
talawas 14.10.2004
[4]Joseph E. Stiglitz,
Chủ nghĩa xã hội đi về đâu?, Nguyễn Quang A dịch, Tủ sách talawas 2005
[5]Marxian: người nghiên cứu, tán thành và/hoặc vận dụng các khái niệm triết học hay kinh tế - xã hội của Karl Marx như là một phương pháp phân tích và diễn giải, thường là trong các lĩnh vực như kinh tế - chính trị, bình luận chính trị - lịch sử hay phê bình văn học. Phân biệt với
Marxist là người tin tưởng vào phần lớn những luận điểm của chủ nghĩa Marx nguyên thuỷ, được coi và tự coi mình là môn đồ trung thành của Marx và Engels. (Chú thích của talawas.)
[6]Hà Sĩ Phu,
“Lời giới thiệu tác phẩm Huyền thoại về một Nhà nước tự tiêu vong – Bàn về lý thuyết Nhà nước của Karl Marx của Mai Thái Lĩnh”,
talawas 26.9.2005
[7]Mikhail Magid,
“Chế độ toàn trị – tương lai tươi sáng hay là quá khứ tối tăm”, Phạm Minh Ngọc dịch,
talawas 9–13.7.2004
[8]Crane Brinton,
“Chủ nghĩa Marx: một dạng tôn giáo”, Cao Hùng Lynh dịch,
talawas 20.10.2007
[9]Mel Churton 2000, Theory and Method, MacMillan Press, London.