© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiPháp luật
17.1.2008
Nguyễn Hữu Liêm
Từ lòng yêu nước đến một bản sắc công lý cho Việt Nam
 
Báo điện tử VnExpress ngày thứ Bảy 29/12/07 có đăng bản tin "Nước mắt muộn mằn của người anh mang tội giết em" của ký giả Vũ Mai. Đọc bài viết này trên cơ sở pháp lý, chúng ta mới thấy được một vấn đề cơ bản về cơ chế công lý ở Việt Nam hiện nay.

Nó là một câu chuyện tàn nhẫn và thương tâm về việc người anh trai dùng dao chém người em gái vì gây gổ chuyện gia đình, vốn không có gì là mới lạ, một hiện tượng con người và xã hội ở khắp nơi trên thế giới. Ở đây, bị cáo bị kết án với tội "giết người", dù nạn nhân chỉ bị thương tích "29% vĩnh viễn", và đã lãnh án 9 năm tù ở. Có thể rằng nhu cầu công lý hình sự đã đạt được cho vụ án này.

Tuy nhiên, chỉ căn cứ vào bài báo, điều đáng chú ý về vụ án trên là câu viết mở đầu, "Dáng người cao lớn, Huỳnh Văn Dũng thất thểu bước lên vành móng ngựa. Bị cáo cúi đầu như cố tránh ánh mắt nhìn nghiêm khắc của cả Hội đồng xét xử dành cho mình bởi theo như kết luận của Viện kiểm sát thì hành vi giết em gái là không tha thứ".

Trên nguyên tắc cơ bản của hình luật Việt Nam thì một bị cáo phải được giả định vô tội cho đến khi phiên tòa xét xử đã chứng minh với đầy đủ bằng chứng khách quan rằng đương sự có tội. Tuy nhiên, theo bài báo này, phiên tòa dành cho bị cáo Huỳnh Văn Dũng không phải là một phiên xét xử về sự kiện (trial), tức là một quy trình nghiệm xét bằng chứng và luật pháp, trong đó hai phía, công tố và bị cáo, có cơ hội biện luận từ chứng cớ và nội dung pháp lý. Đây chỉ là một phiên tòa tuyên án (sentencing) sau khi bị cáo đã bị phán quyết có tội (guilty verdict). Hãy hình dung ra quang cảnh của phòng xử với vành móng ngựa, mà ở đó, bị cáo phải đứng đối diện quan tòa trong y phục tù nhân và bắt buộc phải trả lời hội đồng xét xử. Ở đó, quan tòa đóng vai trò công tố. Còn chức năng luật sư biện hộ chỉ là phụ thuộc - và trong nhiều trường hợp, họ chỉ là trang điểm. Tất cả nội dung phiên tòa chỉ là một thủ tục tuyên án mà cáo trạng của Viện kiểm sát đã được chấp nhận như là cơ sở bằng chứng khách quan và đủ, nếu không nói là duy nhất, cho bản kết án.

Ở Việt Nam, ngoài vấn đề định chế về quy trình hình sự, tình trạng vi phạm thủ tục xét xử, như trường hợp trên, đã từ lâu trở thành một vấn đề quá thường nhật và được chấp nhận. Báo điện tử Thanh Niên cùng ngày cũng đã đăng một bài khác về pháp luật, "Nghị án trước, xử sau (?!)" cho một bản án tử hình về tội "giết người" và "cướp tài sản". Chúng ta hãy tưởng tượng một bản án tử hình mà không căn cứ trên bằng chứng thu thập từ một phiên xử công bằng, khách quan, trong đó bị cáo có cơ hội phản biện. Những vi phạm trầm trọng về thủ tục tố tụng phát xuất từ nhiều nguyên nhân. Nội dung định chế là một phần quan trọng. Nhưng lý do chính vẫn là sự bất cập giữa con người tham dự, từ cán bộ tòa, thẩm phán, công an, cán bộ kiểm sát, cho đến luật sư biện hộ, đối với những đòi hỏi cơ bản về quy trình xét xử hình sự. Công lý nội dung (substantive justice) không thể đạt được nếu nó không đặt trên cơ bản công lý quy trình (procedural justice).

Vấn đề phẩm chất cán bộ tư pháp ở Việt Nam phát xuất từ bản chất chế độ chính trị mà trong đó đảng cầm quyền chỉ tuyển chọn nhân sự pháp chế trên cơ sở lý lịch. Khuyết điểm về khả năng bất cập của họ chỉ là hệ quả dĩ nhiên từ chính sách nhân sự và lý lịch này. Không kể biết bao nhiêu thẩm phán, cán bộ tòa án không có được một trình độ văn hóa, giáo dục, hay huấn luyện chuyên môn tối thiểu, được bổ nhiệm vào những chức vụ quan trọng trong hệ thống tư pháp. Thêm vào đó, như đã nói, là định chế và quy tắc pháp đình, từ nội dung cho đến thủ tục bằng chứng, đều không thể hiện được nguyên tắc công bằng và vô tư của hội đồng xét xử. Công lý hình sự ở Việt Nam, do đó, chỉ hy vọng đạt đến nhu cầu hiệu năng hình thức (formal efficiency) mà không cần đến nội dung công lý (just) cho cá nhân chịu bản án.

Tình trạng này có thể được phân tích trên bình diện triết học về chính trị và luật pháp. Trước hết, trên cơ sở quốc gia, thì Việt Nam là một nước thành công. Từ phương diện an ninh, lãnh thổ và dân tộc, an sinh xã hội, dù vẫn có những vấn đề khó khăn lớn, nhưng không ai có thể phủ nhận được những thành quả của Đảng Cộng sản và chính quyền. Đứng trước cộng đồng quốc tế, trên bình diện đối ngoại, Việt Nam là một quốc gia có quyền hãnh diện với chính mình. Tuy nhiên, khi càng đi sâu vào bản chất nội trị của đất nước này, cũng trên cơ bản quốc gia, thì Việt Nam đã trở nên một hiện tượng đầy nghịch lý gần như đến độ bi đát. Và chỉ có những người dân, nói riêng về phương diện tư pháp, khi họ trực tiếp trở thành nạn nhân của sự bất cập về khả năng của cán bộ cùng với tính chất đầy vô lý của cơ chế, mới cảm nhận được tính bi kịch này.

Ở đây, chúng ta phải hỏi, tại sao người cộng sản Việt Nam có thể biến một ý thức hệ đã bị phá sản, mà chế độ lý lịch chính trị dành cho cán bộ tư pháp là một phần, trở thành một khí cụ để xây dựng một tổng thể quốc gia tương đối thành công trong suốt hơn một thập niên qua? Có phải bằng ý chí kiên trì đầy chủ quan và hãnh tiến chắc nịch của một tập thể cán bộ mang tinh thần giáo sĩ cho một mục tiêu thánh chiến? Có thể. Qua bài báo của VnExpress nêu trên, chúng ta có thể hình dung để nhận ra được thái độ xét xử đầy phán quyết, thay vì đóng vai trò khách quan thâu nhận và phân tích bằng chứng, của quan tòa xử án khi họ thẩm vấn bị cáo trước vành móng ngựa. Bằng ngôn ngữ đạo đức, vốn căn cứ hoàn toàn một chiều từ bản cáo trạng của phía công tố, cán bộ tư pháp Việt Nam thực thi một quy trình công lý không cần đến phản biện trên cơ sở chứng cớ đối nghịch. Mỗi phiên tòa là một lễ nghi tôn giáo mà trong đó, vị linh mục chủ lễ chỉ ban hành những mệnh lệnh tôn giáo, thay vì là một tiến trình tìm ra sự thật khách quan cho một biến cố.

Vấn đề còn đi xa hơn. Các quan tòa xét xử trong chế độ tư pháp Việt Nam là những cán bộ được ưu đãi của một cơ chế vững chắc. Họ là hiện thân cho một ý chí công lý tập thể của chủ nghĩa cộng sản vốn đòi hỏi những kết quả biểu trưng và phổ quát mà không cần đến công lý đặc thù cho cá nhân. Trong lý tưởng này, mỗi con người, trên cơ bản cá thể công dân, phải hy sinh cho công lý quốc thể - và nếu cần phải chọn một, cá nhân phải biết phủ nhận công lý cho riêng mình. Quốc gia và chế độ cần có những bản án - còn chuyện công bình hay bất công trên cơ bản cá nhân chỉ là vấn đề thứ yếu.

Chế độ tư pháp Việt Nam hiện nay vẫn còn nằm nguyên trong gia sản của công lý hình thức, dựa trên lý tưởng phổ quát, mà trong đó, quốc thể, chứ không phải là cá thể, mới là cứu cánh và là thiết yếu tính cho ý chí này. Và nghịch ngẫu thay, sự bất lực và hủ hóa của cán bộ trong từng vụ án đã một phần nào trở nên phân bón cho ý chí công lý phổ quát của toàn dân. Một tập thể nhân dân càng nghèo công lý cá thể chừng nào thì ước mơ công lý mang tính tập thể lại càng lên cao bấy nhiêu.

Một lý tưởng công lý phổ quát như thế có nguồn gốc, ít nhất là trên phương diện triết học và luận lý, từ Plato. Trong cuốn Nền Cộng hòa, chương IX, Plato viết rằng một cá nhân khôn ngoan thì phải cai quản đời sống của mình, không bằng quy luật của thành phố mình sinh ra, mà bằng tiêu chuẩn của thành phố đặt cơ sở trên lý tưởng (ideal). Và Plato cũng nhận thức được rằng khoảng cách giữa lý tưởng phổ quát và thực tế của nhân sinh nằm ở các phương thức và khả năng thực hành. Tuy vậy, nhưng theo Plato thì tính thiết yếu của xã hội, vốn đồng nghĩa với mệnh lệnh đạo đức tối cao, không cần thiết phải hiện thực hóa trên bình diện cá nhân. Và lý tưởng công lý cũng không cần được hợp lý hóa trên cơ bản quy trình cho bị cáo. Cá nhân có thể phải chịu đựng bản án bất công, nhưng trên tư cách pháp nhân là một công dân của một nền cộng hòa, hắn phải chấp nhận, vì bản án đó là hiện thân cho công lý quốc gia. Cho dù bị cáo là Socrates đi nữa, hắn cũng phải bị hy sinh cho chính thống tính của quốc thể.

Khuyết điểm cơ bản của triết học luật pháp Plato và sau đó là Marx, vì thế, trở nên hiển nhiên. Khi một nền công lý chỉ đặt cơ sở trên lý tưởng, nhưng lại bất lực trong khả năng thực thi, thì chế độ tư pháp đó đã thiếu một chiếc cầu nối liền giữa lý tưởng với nhu cầu thực tế của xã hội. Từ đó, nền công lý này sẽ thiếu vắng tính hợp lý nội tại để có được tính chính thống cho chế độ chính trị vốn đặt biện minh trên cơ sở lý tưởng công lý phổ quát. Lịch sử pháp chế Tây Âu là những nỗ lực xây dựng chiếc cầu nhằm nối liền hai bờ của lý tưởng và thực tế công lý, giữa công lý phổ quát và công lý cá nhân. Mỗi lần chiếc cầu này bị hư hỏng, nó là một trong những lý do chính để kéo theo sự sụp đổ của chế độ chính trị biện minh cho bản sắc công lý liên hệ.

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, sự khiếm khuyết trong công tác thực thi nhu cầu công lý trên cơ bản cá nhân không và chưa phải là một vấn nạn nguy hiểm cho chế độ chính trị. Bởi vì con người Việt Nam, trên cơ bản cá thể, đã và đang đóng trọn vẹn, hoặc là nhiều hơn, vai trò công dân của mình. Từ lịch sử, với lòng yêu nước và tinh thần dân tộc trong ý thức tập thể, sự hy sinh của cá nhân trên bình diện hạnh phúc và công lý cá thể cho lý tưởng quốc gia đã là một hiện tượng vượt qua mức độ bình thường. Do đó, khi đối diện với từng trường hợp bất công cho cá nhân mình từ chế độ chính trị và tư pháp của quốc gia thì người Việt Nam vẫn tiếp tục chấp nhận trong truyền thống của tinh thần yêu nước này. Cứu cánh công lý sẽ được thoả mãn cho cá thể công dân chỉ bằng hình thức biểu trưng khi nó nhân danh công lý tập thể. Nó có khả năng thay thế cho thiết yếu tính của một nội dung công lý trong từng vụ án.

Bởi thế nên chúng ta không nên chỉ đổ lỗi cho trình độ dân trí mà thôi. Khi lý tưởng công lý phổ quát đã trở nên một phần của bản năng chính trị và xã hội trong mỗi con người Việt Nam, thì cho dù họ là một nạn nhân của tình trạng bất công về nội dung hay thể thức, cũng như là về khả năng và phẩm chất cán bộ thực thi công lý, họ vẫn chấp nhận tệ trạng này. Khi chính mình bị đối xử bất công, từ gia đình ra tới xã hội, từ lịch sử đến văn hóa, môi trường, đến ngay cả điều kiện thời tiết, thiên nhiên, dân Việt mặc nhiên chấp nhận những khuyết điểm của một nền công lý mang tính biểu trưng. Những giả dối của chế độ hình thức và khẩu hiệu của công lý đã trở nên chân lý cho cứu cánh công bằng trên cơ bản công dân. Pháp chế Việt Nam đã thành công ngoạn mục trong việc đồng hóa tinh thần công lý cá nhân với công lý tập thể - cũng như tôn giáo đã biến thánh đường, chùa chiền thành nên những cơ sở thuần lễ nghi cho mệnh lệnh công lý siêu hình.

Nói một cách khác, tình yêu nước của con người Việt Nam thuần trên cơ bản dân tộc chính là năng ý phản bội chính mình trên bình diện cá nhân. Có phải rằng bởi vì trình độ dân trí, chưa có ý thức công dân, và do đó họ phải bị đối xử bất công? Không. Người Việt Nam, là những công dân, đang chấp nhận đau khổ từ một nền công lý tập thể duy biểu trưng và thuần phổ quát như là một đứa con hoang tinh thần đang được nuôi dưỡng bằng truyền thống và tình cảm yêu nước cao độ của mình.

© 2008 talawas