Trí nhớ con người kỳ lạ và đôi khi cũng thật kỳ cục. Có những chuyện bâng quơ không đâu, mà lại cứ ghim cứng vào óc, mãi không chịu nhả. Với cái tên Thanh Tâm Tuyền chẳng hạn. Tôi còn nhớ như in, một hôm, lúc chưa đến mười hai tuổi (nghĩa là chưa đến 30.04.1975, tôi chắc chắn như vậy), đang đứng chơi vơ vẩn, tự nhiên nghe bố nói: “Một cửa sổ, hai cửa sổ, ba cửa sổ..., Thanh Tâm Tuyền làm thơ như thế, ai mà chẳng làm được!” Ngó trước ngó sau, chỉ mình tôi đứng đó. Không hiểu lúc ấy, bố phát biểu cảm tưởng về thơ Thanh Tâm Tuyền với thằng bé con, hay đang ta thán bâng quơ một mình? Tôi cứ ngạc nhiên mãi, không hiểu tại sao trí nhớ kém cỏi của mình lại cứ nhất định khư khư giữ cái kỷ niệm chẳng có gì đáng nhớ ấy cho mãi đến tận bây giờ?
Thuở bé, đối với tôi, mỗi người lớn là một điều kỳ vĩ, bố lại còn vượt cao hơn những người khác. Ông to lớn, ông đẹp, ông oai, ông được những người chung quanh nể vì, trọng quý. Ông giỏi trong chuyên môn, lại tài hoa, chơi
guitare hawaiienne, có nhiều kỷ niệm đẹp với nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Ông yêu những tình khúc của Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương, Từ Công Phụng, Cung Tiến, nghe đi nghe lại mấy cuộn cassette thu tiếng hát Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Duy Trác, Sĩ Phú. Nhưng sách trong nhà thì hiếm. Ngoài sách báo thiếu nhi của anh em tôi, còn lại, đa số là sách khảo cứu về nhân chủng học, một ít truyện Pháp, một ít truyện dịch. Thơ, tuyệt đối không. Vậy mà sao mấy câu thơ Thanh Tâm Tuyền từ đâu lọt vào mắt bố để ông xổ ngang ra một lời bình, và nó thản nhiên nằm chết cứng trong trí nhớ của tôi hơn ba mươi năm qua. Ngẫu nhiên? Tiền định? Chẳng biết, chỉ có điều, thuở ấy, bố nói gì, cũng đúng! Nghĩa là: thơ Thanh Tâm Tuyền không... hay.
Có một thời mới lớn, tuổi choai choai, ngựa non háu đá, trên con đường vượt thắng của mình, tôi quyết định đạp gãy hết mọi chuẩn mực, nhảy phóc qua những bảo ban, chỉ dạy, ý kiến áp đặt của người chung quanh, kể cả của bố! Thế là, tôi đi tìm đọc... thơ Thanh Tâm Tuyền! Nhưng tìm ở đâu ra bây giờ?
Bếp lửa cũng đã cháy thành than tro cùng với bao nhiêu “văn hóa phẩm đồi truỵ” khác hết cả rồi! Cuối cùng, nhặt đâu đó được hai bài. So với những dòng thơ của Tố Hữu đang phải nhàu nhàu học thuộc lòng để có tài liệu mà trích dẫn khi làm văn nghị luận, “Bài ngợi ca tình yêu” và “Phục sinh” thật lạ lùng và bí hiểm. Cũng có
tổ quốc, có
Việt Nam đó, nhưng sao lại cho
cống rãnh với gót giày miệng uống tro than vào đứng bên cạnh?
Con ngựa buồn lửa trốn con ngươi là sao?
Cười lên sặc sỡ có sai ngữ pháp tiếng Việt không?
thanh tâm tuyền có gì đặc biệt hơn Trần Thiện Thanh mà lại phải gào lên những ba lần trong một bài thơ ngắn? Và còn chẳng viết hoa tên mình! Đọc tới đọc lui vài lần, tôi đi đến kết luận: không, thơ của ông này không dễ cảm, nhưng chắc chắn không dễ làm như lời bố tôi đã phán!
May sao, trong một cuộn băng
cassette đã bắt đầu nhão, tôi nghe được Thái Thanh hát “Đêm màu hồng”. Mấy câu thơ trúc trắc được âm nhạc thổi vào một luồng sinh khí mới, và tôi thuộc gần hết giai điệu cũng như lời bài hát chỉ sau một lần nghe. Chất thô ráp của thơ Thanh Tâm Tuyền đã được nhạc Phạm Đình Chương phủ lên một lớp
verni bóng ngời. “Đêm màu hồng” quả là một tình khúc hiếm hoi của hạnh phúc gia đình, không uỷ mị, không ồn ã, nó êm, lướt, bay vút, mở rộng thênh thang, với
em là lá biếc là mây cao là tiếng hát, với
tôi đẹp như hình tôi, với cả
bàn chân những đứa con...
Nhiều năm sau, tôi được nghe chính giọng Phạm Đình Chương hát lên những câu thơ gân guốc trong bản nhạc cùng tên: “Bài ngợi ca tình yêu”. Nhiều năm sau nữa, có vài lần, tôi vừa lái xe giữa Paris vừa lẩm nhẩm điệu
valse nhịp ba:
Đi đi anh đưa em vào quán rượu
Có một chút Paris
Để anh được làm thi sĩ
Để anh được làm thi sĩ
Đi đi anh đưa em vào quán rượu
Rồi đột ngột từ trưởng qua thứ, chuyển nhịp chậm, lơi boston, rơi. Lắng:
Hay nửa đêm Hà Nội...
“Dạ khúc” biến thành “Dạ Tâm khúc”, “Lệ đá xanh” phân thân giữa ca khúc cùng tên của Cung Tiến và một nhạc phẩm khác của Phạm Đình Chương: “Nửa hồn thương đau” [1] . Cứ như thế, thơ Thanh Tâm Tuyền từ từ thấm vào tôi bằng con đường vòng: âm nhạc.
Hôm qua, bố tôi vẫn còn nói chắc như đinh đóng cột: “Một cửa sổ, hai cửa sổ, ba cửa sổ...” là thơ Thanh Tâm Tuyền, và ông giữ nguyên ý kiến của mình về mấy câu thơ đó, không hề suy suyển. Đúng vào khoảng tuổi của bố cách đây ba mươi năm, bây giờ, tôi chỉ còn biết vái tứ phương, hỏi hơn một chục đàn anh, đàn chị văn nghệ, những nhà thơ, nhà văn cùng thời hay gần thời Thanh Tâm Tuyền ở Việt Nam, Pháp, Mỹ, đâu đâu cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu không biết hoặc câu trả lời lấp lửng: “Hình như là thơ của ổng, còn trích từ bài nào thì... chịu!” Internet với Google cũng không giúp gì tôi hơn. Chẳng lẽ, với tôi, mấy câu thơ ấy rồi sẽ trở thành huyền thoại, cứ lơ lửng mãi, không cách nào biết được căn nguyên?
Nhưng, chỉ rõ một điều, từ nhiều năm nay, đã có những người kêu lên thanh tâm tuyền lúc này hay lúc khác, và vì thế, ông không còn cô độc, như đã tự khẳng định ngay từ tập thơ đầu tiên của mình.
Choisy-le-Roi cuối tháng 03.2006
[1]Nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã giữ nguyên giai điệu đoạn “Đôi khi anh muốn tin ôi những người khóc lẻ loi một mình” của ca khúc “Lệ đá xanh” (thơ Thanh Tâm Tuyền, nhạc Cung Tiến) để kết thúc nhạc phẩm “Nửa hồn thương đau” của mình. Gần đây hơn, bài thơ “Lệ đá xanh” cũng đã được nhạc sĩ Phạm Quang Tuấn (Sydney- Úc) phổ nhạc.