© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoàiXã hộiĐồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại
Loạt bài: Phỏng vấn của talawas
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19 
1.1.1990
Michael Sollorz
„Tất cả bắt đầu bằng đối thoại, cả về những sợ hãi và định kiến của bản thân.“
Phỏng vấn nhà văn Đức Michael Sollorz
Hồ Phạm Huy Đôn thực hiện
Đặng Hoàng dịch
 
Talawas: Thưa anh Michael Sollorz, anh là tác giả nhiều cuốn sách và hàng loạt bài báo và bài phát thanh. Sự đồng tính luyến ái của bản thân anh thể hiện trong các tác phẩm ấy rõ rệt đến mức nào? Việc anh là người đồng tính có tầm quan trọng như thế nào trong sáng tạo của anh với tư cách nhà văn?

Michael Sollorz: Từ hai mươi năm nay tôi có mặt trên văn đàn, công khai với tư cách một nhà văn đồng tính luyến ái, và sử dụng khuynh hướng tình dục của mình như một cơ hội để đưa mảng kinh nghiệm sống này vào trong sáng tác của mình. Theo tôi, mỗi nhà văn nghiêm túc trước hết nên viết về những điều mà bản thân họ biết rõ nhất. Trong trường hợp của tôi, bên cạnh tình yêu dành cho người cùng giới, đó là những kỷ niệm sâu sắc của một thời thanh niên dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, cũng như sự bắt đầu đột ngột của một cuộc sống trong chế độ tư bản sau chiến thắng bất thần của nó. Tôi xem sự hiện diện của đồng tính luyến ái trong những tác phẩm của mình như một yêu cầu của tính trung thực. Nếu tôi đem lòng yêu các cô gái đẹp, chắc chắn tôi cũng sẽ viết về chuyện ấy. Tôi viết về tình yêu giữa đàn ông, bởi tôi hiểu nó rõ hơn. Ngoài một số đặc điểm xã hội ra, nói chung không có gì khác nhau cả. Tình yêu là tình yêu. Hạnh phúc và khổ đau như nhau. Cuốn sách thành công nhất của tôi, tiểu thuyết Abel và Joe, kể về một chuyện tình giữa hai người đàn ông. Abel lớn lên ở Ðông Ðức, còn Joe là người Tây Ðức. Truyện xáy ra trong bối cảnh của những biến động đầy kịch tính của thành phố Đông Berlin cũ, và như vậy, cũng đề cập đến nỗi nhớ, nhớ mảnh đất của một thời thiếu niên nay không còn nữa. Những nhân vật của tôi không còn coi đồng tính luyến ái là một vấn đề nữa, mà là cuộc sống bình thường hàng ngày của họ. Những khó khăn của họ là khó khăn chung của mọi người. Kiếm tiền, theo đuổi lý tưởng, cái chết - và vô số những khó khăn không tên khác. Nếu như sự đồng tính luyến ái của tôi có một ý nghĩa đặc biệt cho công việc viết văn thì có lẽ đó là một sự nhạy cảm cao độ trước đổ vỡ, lừa dối và nhầm lẫn - những điều đã xảy ra trong quá khứ Đông Đức của tôi. Lúc trẻ, tôi nghĩ tôi sẽ sống đến già dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhưng cuộc đời lại không như thế. Lúc trẻ, tôi cũng nghĩ tôi sẽ sống cùng vợ con đến già. Cả trong điểm này cuộc đời cũng không như tôi tưởng. Ðược trải qua những thay đổi như thế thật vô cùng quí giá đối với một nhà văn.

Talawas: Anh có mong là độc giả cũng ghi nhận và chia sẻ cái tầm quan trọng đó không?

Michael Sollorz: Có chứ. Trước tiên tôi mong muốn hàng ngàn độc giả đồng tính của tôi tìm thấy một phần của hiện thực cuộc sống, cũng như những trải nghiệm của họ. Một mặt khác, tôi cũng muốn những độc giả dị tính của tôi nhận ra nhiều điểm của bản thân và đồng thời nhận biết rằng những hình thức tình yêu khác nhau thực ra không có gì khác nhau cả. Tôi mong rằng những độc giả dị tính cũng đọc chuyện tình giữa hai người đàn ông một cách hiển nhiên như những độc giả đồng tính từ bao thế kỷ nay vẫn đọc „Romeo và Julia“ vậy. Trong văn học Mỹ chẳng hạn thì ngày nay sự phân chia này đã ít đi rất nhiều.

Talawas: Văn chương đồng tính, nói như vậy có ổn không? Ở Đức có loại văn chương ấy không?

Michael Sollorz: Tôi cho rằng chỉ có văn hay hay văn dở mà thôi. Từ xưa tới nay, nhiều tác giả đồng tính luyến ái chưa bao giờ lấy khuynh hướng tình dục của mình làm đề tài viết. Và cũng có một loạt những tác giả đồng tính nổi tiếng và quan trọng, như André Gide và Thomas Mann, đã viết về đề tài này. Ở Ðức và Áo có một số nhà văn đồng tính được công nhận, có sách in ở những nhà xuất bản lớn hàng đầu, và phần tác phẩm đồng tính của họ cũng được không ít độc giả dị tính biết đến. Tuy nhiên, đa số những tác giả đồng tính viết về đồng tính luyến ái thường ra sách tại khoảng năm, sáu nhà xuất bản chuyên về đề tài này, cả trong lĩnh vực khoa học và lịch sử. Những nhà xuất bản này chủ yếu phục vụ thành phần độc giả đồng tính - theo tính toán thì chỉ riêng ở Ðức đã có khoảng 8 triệu độc giả, một nhóm độc giả tương đối lớn.

Talawas: Nó có nguy cơ tự phong toả mình không? Hay nguy cơ tự đắm mình và vong thân trong cái mác khác thường, trong cái thế quyết tồn tại của nó?

Michael Sollorz: Sách hay và có chất lượng văn học, bất kể với nội dung gì, bao giờ cũng chỉ tồn tại bên lề thị trường sách. Khi một tài năng lớn, bất kể đồng tính hay không, trong tác phẩm của mình vượt qua những vấn đề cá nhân mà hướng tới thế giới, hướng tới những giá trị muôn thuở mà tất cả mọi người đều quan tâm, thì sự tự phân chia ranh giới sẽ kết thúc. Đây cũng là một câu hỏi của thời gian. Ðến một lúc nào đó những nhìn nhận khác nhau về sở thích tình dục sẽ biến mất, rồi văn chương hay sẽ chỉ còn được nhìn nhận là văn chương về con người và cuộc sống mà thôi. Người ta sẽ thôi không hỏi: tác giả làm tình với ai, mà chỉ hỏi: tác giả có thông điệp gì cho độc giả không?

Talawas: Trong sáng tạo nghệ thuật, ít nhất là tại các xã hội phương Tây ngày nay, thì khác-người vừa là một tiền đề đã thành thông lệ, và nhiều khi cũng vừa là cứu cánh. Anh cảm nhận việc mình khác-người ra sao?

Michael Sollorz: Thật ra, tôi hầu như không còn thấy mình khác biệt với mọi người nữa. Có thể vẫn có người coi tôi là khác-người, nhưng họ đã nhầm. Tôi cảm nhận sự khác biệt trước hết theo lý trí. Chẳng hạn khi tôi nhìn những đặc quyền của bản thân tôi. Ðặc quyền được biến công việc tôi vẫn xem là quan trọng nhất thành nghề nghiệp của mình. Ðặc quyền có một thân thể lành lặn. Đặc quyền được sống ở một khu vực trên trái đất không có chiến tranh, nơi mọi người no đủ. Chỉ với ba đặc quyền này thôi tôi đã có thể liệt mình vào một thiểu số nhỏ, có một cuộc sống khác hẳn với đa số mọi người trên trái đất này. Mỗi buổi sáng tôi lại tâm niệm điều này và cố gắng sống một cách biết ơn. Còn sự khác biệt vẫn được áp đặt cho người đồng tính thì phải nói là bản thân tôi không còn cảm nhận nữa. Ðược như thế cũng nhờ Berlin, một thành phố lớn và rộng lượng. Tôi không gặp phải thái độ thù địch, không ở thành phố này, cũng không trong giới bạn bè, những người như một gia đình lớn của tôi, không trong công việc cũng như trong môi trường các nhà xuất bản và ban biên tập - trong guồng máy văn hóa văn nghệ, đồng tính luyến ái từ lâu đã không còn là điều gì đặc biệt nữa.
Nhưng bạn gợi cho tôi một suy nghĩ. Thật sự trong một khía cạnh tôi vẫn còn có cảm giác bị phân biệt đối xử. Một số tờ báo tư sản lớn hầu như không muốn biết đến các tác phẩm của tôi. Các tác giả viết về đồng tính luyến ái một cách công khai khác đều gặp vấn đề này. Nếu tôi viết về tình yêu nam nữ thì chắc tôi sẽ dễ dàng được công nhận và đánh giá cao hơn. Qua đó có thể khẳng định lại: sự khác-người trước hết là một áp đặt của người khác.

Talawas: Anh hâm mộ những nhà văn đồng tính nào?

Michael Sollorz: Thật khó trả lời câu hỏi này. Có biết bao nhiêu nhà văn đồng tính luyến ái. Hồi còn là một độc giả trẻ tôi rất mê những tác phẩm của James Baldwin. Và đến giờ những vở kịch của Tennessee Williams vẫn còn đầy hấp dẫn đối với tôi.

Talawas: Tác phẩm của họ có gì khiến anh lưu ý nhất?

Michael Sollorz: Baldwin là da đen và đồng tính luyến ái, lúc đương thời ông luôn có cảm giác bị kỳ thị gấp bội. Vì thế nửa cuối cuộc đời mình ông gần như sống hẳn ở Âu châu, nơi cởi mở hơn. Vấn đề chủng tộc và vấn đề đồng tính luyến ái có rất nhiều điểm tương đồng. Kinh nghiệm của sự bị chối bỏ này đã giúp ông có được một sự nhạy cảm nghệ thuật cao độ. Thêm vào đó ông là một người hết sức sùng đạo, nhìn cuộc đời đa dạng với sự khiêm nhường và bao dung, luôn gắng coi những người quanh mình như anh em và coi mình có trách nhiệm với họ. Những tác phẩm của ông luôn đầy hơi ấm và sự buồn bã khôn tả, trái hẳn với rất nhiều tay khuyển nho khôi hài. Tôi rất quí cái nhìn tâm lý sắc bén ở Tennessee Williams. Với rất ít thủ pháp, ông đưa sự đày ải nhục nhằn của đời người, tham vọng, sự cô đơn, tình yêu, sự nghiện ngập, quá trình lão hóa và cái chết lên sân khấu và bao giờ cũng nêu rõ những vấn đề của bối cảnh xã hội: ai có tiền tài và ai có quyền lực.

Talawas: Anh có một cô con gái đã sắp đến tuổi trưởng thành. Vậy là mãi đến khi có quan hệ với người khác giới thì khuynh hướng tình dục đồng tính ở anh mới được khẳng định?

Michael Sollorz: Vâng. Con gái tôi năm nay 19 tuổi, cháu đang thi tú tài. Vào tuổi 15 tôi bắt đầu quan hệ với cả nam lẫn nữ, như thế vài năm mà không bị ép buộc phải quyết định cho giới nào cả. Mãi khi đã chớm hai mươi và đang chung sống với mẹ cháu, tôi mới rõ là đàn ông hấp dẫn tôi hơn. Tôi yêu cô ấy, muốn xây dựng gia đình cùng cô ấy và chúng tôi quyết định có con với nhau. Nhưng khi tôi thấy rằng tôi nghĩ đến đàn ông trong những lúc ngủ với cô ấy, tôi đã chấm dứt tình trạng gian dối đó và chia tay với cô ấy và cháu. Quyết định còn có những nguyên nhân phụ nữa. Vào thời điểm đó tôi đã trải qua hai nghề, thợ lợp nhà và nhân viên nuôi thú ở thảo cầm viên, và sắp phải thi hành nghĩa vụ quân sự. Tôi đã quyết là sau khi xuất ngũ sẽ không đi làm ở bất cứ công sở nào nữa mà tôi muốn sống với nghề văn. Như vậy cuộc chia tay nói trên chỉ là một phần trong nhiều thay đổi cực đoan. Tôi cần phải sống một mình để có thể trả lời được cho bản thân: tôi có khả năng làm gì và tôi là ai. Cô ấy bị xúc phạm rất nặng, vì thế nhiều năm liền chúng tôi không có quan hệ gì ngoài việc tôi trả khoản tiền cấp dưỡng cho cháu. Giờ đây chúng tôi đã hòa giải với nhau và gặp nhau thường xuyên, nhất là cháu và tôi.

Talawas: Quan hệ tình cảm giữa những người đàn ông đồng tính nhìn chung cũng dựa trên những giá trị như ở quan hệ hôn nhân dị tính, hay còn có những yếu tố khác biệt gì rõ rệt?

Michael Sollorz: Tôi quen nhiều người đồng tính sống độc thân. Nó có nhiều ưu điểm, chẳng hạn người ta không phải thề nguyền chung thủy với ai cả và có thể hưởng thụ tự do tình dục, điều rất hấp dẫn với những người ở thành phố lớn. Tuy nhiên tôi cũng nhận thấy rằng ngay cả những người tuyên bố thích sống một mình cũng rất khao khát có được một người bạn. Trong khi cuộc sống chung của các cặp vợ chồng dị tính thường được gắn bó bởi con cái và trách nhiệm nuôi con, thì sự bền vững của các quan hệ đồng tính phần lớn chịu chi phối của ý muốn cá nhân. Bản thân tôi là một người có khuynh hướng trung thành và muốn có những quan hệ lâu dài. Người bạn trai sau cùng của tôi đã chung sống với tôi tám năm trời. Chúng tôi đã chia tay nhau nhưng vẫn là bạn chí cốt của nhau. Tôi quen người bạn đời hiện nay đã gần sáu năm rồi. Mỗi lần ngắm anh ấy, tôi lại thấy đam mê như ngày đầu, có khi còn hơn thế nữa. Ðôi khi tôi tin rằng anh ấy là mối tình lớn của đời tôi. Ngay từ đầu chúng tôi đã cố gắng xây dựng một mối quan hệ dựa trên cơ sở sự đùm bọc che chở, tính sáng tạo, sự tin tưởng và tôn trọng nhau, chứ không dựa trên sự gò bó của chung thủy tình dục. Chúng tôi thấy rằng về lâu dài ham muốn sinh lý không thể chỉ gói gọn cho một người duy nhất được. Nhiều người khác cũng có kinh nghiệm như thế. Chúng tôi có hai người bạn đã lớn tuổi, sống với nhau đã 40 năm và cũng cùng chia sẻ quan điểm. Tôi ghét dối trá và đạo đức giả. Mỗi người đều có quyền tự quyết định mình làm tình với ai, với điều kiện anh ta không dối trá bạn mình và không quên nguy cơ của các bệnh sinh lý.

Talawas: Anh công khai bộc lộ (coming out) vào thời Cộng Hoà Dân Chủ Đức còn tồn tại, mà thời đó thì đồng tính luyến ái không được hoan nghênh lắm thì phải. Cụ thể anh đã làm gì? Và hậu quả ra sao?

Michael Sollorz: Thật sự dư luận Ðông Ðức đã im lặng một thời gian dài về đề tài này, tận đến những năm 80. Tôi cho rằng điều đó không xứng đáng với một nước xã hội chủ nghĩa luôn luôn quảng bá đại đồng không loại trừ một ai. Vào những năm 80 bắt đầu có những chuyển biến cùng lúc trên nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn ở những thành phố lớn đã xuất hiện những nhóm hoạt động đồng tính luyến ái dưới sự đỡ đầu của các hội sinh viên Tin lành. Ở đây những người đồng tính gặp gỡ và trao đổi với nhau về cuộc sống của họ. Khi người ta có cảm giác cô đơn và bị cô lập thì sự trao đổi này đã là một bước vô cùng quan trọng. Ðối với tôi cũng thế. Việc những nhóm này được nhà thờ đỡ đầu có thể xem là một trò đùa của lịch sử, vì đa số thành viên và khách đều không theo đạo, thậm chí còn là đảng viên, và không hề quan tâm gì đến tôn giáo. Họ chỉ cần một địa điểm phòng ốc để gặp nhau mà thôi. Thoạt đầu chính quyền không cho họ sử dụng phòng ốc, nghi ngờ họ theo đuổi những mục đích chống nhà nước. Sau này họ nhận ra sai lầm và cho phép những nhóm mới được hoạt động, chẳng hạn trong phạm vi của Đoàn thanh niên FDJ. Sự nghi kỵ của chính quyền dẫn đến việc Bộ an ninh quốc gia tuyển mộ một số người làm tay trong tường trình về hoạt động của những nhóm này. Chuyện này cũng xảy ra với tôi, và tôi cũng tường trình lại những điều tôi vừa nói: không có phong trào chống nhà nước nào hết, mà chỉ có nhu cầu trao đổi giữa những con người đang thấy mình bị coi khinh và cho ra rìa.
Ðồng thời tôi cũng thôi không giấu diếm sự đồng tính luyến ái của mình nữa, kể cả trong đời tư lẫn trong nghề nghiệp. Tôi đã gặp những phản ứng rất có thiện ý. Nỗi lo sợ trước khi công khai tuyên bố thường rất lớn, nhưng sau đó người ta sẽ thấy nhẹ nhõm, và thường sẽ gặp những quan tâm thật sự của người xung quanh. Chẳng hạn, hồi đó tôi là nhà báo, cộng tác viên ở đài truyền thanh. Sau khi tôi bộc lộ, ban biên tập đã nhanh chóng giao cho tôi tất cả những việc liên quan đến đồng tính luyến ái, chẳng hạn phê bình sách, xem kịch, hoặc thực hiện phỏng vấn. Trong những năm 80, sự câm lặng trong xã hội Ðông Ðức đã được phá vỡ.

Talawas: Theo anh, những thành tựu quan trọng nhất của phong trào đồng tính luyến ái cho đến nay là những gì?

Michael Sollorz: „Phong trào“ có nghĩa là người ta cùng nhận ra và tuyên bố công khai những đòi hỏi của mình. Qua đó, dần dần đồng tính luyến ái được chấp nhận hơn. Trong 20 năm vừa qua đã xuất hiện nhiều phim ảnh, sách báo cũng như các hiệp hội. Lấy ví dụ bệnh SIDA, tai họa xuất hiện từ đấu những năm 80. Giới đồng tính nam, nhóm có nguy cơ lây bệnh cao nhất, lần đầu tiên trở thành những người cộng tác quan trọng của nhà nước, vì họ được xem là những người thích hợp nhất để tổ chức việc tuyên truyền phòng chống bệnh này một cách chuyên nghiệp trong cộng đồng của họ. Nhà nước đã đầu tư rất nhiều vào các dự án và tổ chức tự giúp của giới đồng tính. Qua công việc phòng chống bệnh, dư luận cũng tranh luận công khai và rõ ràng hơn về phong cách sống và tình dục, cả trên báo chí và truyền hình. Bầu không khí tự do hơn cũng làm nhiều nhân vật tên tuổi hoạt động nghệ thuật và chính trị, ví dụ gần nhất là ông thị trưởng Berlin, tự tin bước ra công nhận trước quần chúng sự đồng tính luyến ái của mình. Bầu không khí này cũng hổ trợ cho lớp trẻ khi họ bắt đầu khám phá bản thân và sự đồng tính luyến ái của mình. Lớp trẻ ngày nay không còn đơn độc nữa - giờ đây đời sống đồng tính luyến ái đã hiện hình công khai với một sự đa dạng muôn màu muôn vẻ.

Talawas: Hai năm trước anh có đến miền Nam Việt Nam và tiếp xúc với xã hội chúng tôi, là nơi không ai công khai nhắc đến đồng tính luyến ái, mặc dù một số tụ điểm tương đối có quy mô của giới gay Việt Nam đã bắt đầu hình thành ở các thành phố lớn, và bây giờ họ còn có cả một vài trang web rất đông người truy cập. So sánh với tình hình ở Cộng Hoà Dân Chủ Đức trước đây, anh thấy có điểm gì khác và điểm gì tương đồng?

Michael Sollorz: Sự câm lặng, sự dằn vặt kinh khủng của người đồng tính phải dấu mình làm tôi nhớ đến Ðông Ðức rất nhiều. Các disco và quán xá cũng giống như ở Ðông Ðức vậy, chỉ có điều so với mức thu nhập bình quân những quán đồng tính hồi đó ở Ðông Berlin không đắt đỏ bằng và không có nhiều khách du lịch phương Tây như ở Việt Nam. Theo tôi một sự khác nhau quan trọng là vai trò rất lớn của gia đình ở Việt Nam, sự kính trọng và tuân phục bố mẹ, và sự mong muốn bản thân sẽ có con cái. Ở Ðông Ðức tất cả những yếu tố này không còn mạnh như thế nữa. Ở Sài gòn, tôi hỏi một thanh niên vì sao cậu không kể cho bố mẹ biết cậu là đồng tính luyến ái, cậu đáp: “Tôi không muốn làm bố mẹ tôi khổ.” Ở Ðông Ðức ngày xưa chắc tôi sẽ chẳng bao giờ nhận được một câu trả lời đầy quan tâm và tôn trọng như thế. Ngay hồi đó sự ích kỷ phương Tây đã lớn hơn. Lớp trẻ không phục tùng cha mẹ lắm và đặt nhu cầu bản thân lên trên hết. Mọi cái đều có ưu điểm và nhược điểm. Tôi cho rằng một quan hệ gia đình gắn bó sẽ rất tốt đẹp, nếu như qua đó một thiếu nữ có thể khóc và kể với bố mẹ rằng cô ấy yêu phụ nữ, và bố mẹ cô vẫn thông cảm và nói: dù thế nào đi nữa thì con vẫn là con của bố mẹ. Ðược như thế thì thật hay, một sự đùm bọc che chở ngay cả khi một cá nhân khác biệt với số đông. Sự đùm bọc che chở này có thể đem lại hạnh phúc cho biết bao nhiêu thanh niên trên thế giới, và ngăn được biết bao nhiêu cuộc tự vẫn. Một điểm khác nhau nữa là điều kiện nhà cửa. Hồi 20 tuổi tôi đã có một căn hộ nhỏ, qua đó tôi có thể sống mà không bị quấy rầy. Rồi khả năng di chuyển chỗ ở. Xét về mặt tài chính, những thanh niên đồng tính ở nông thôn Ðông Ðức chắc sẽ dễ dàng chuyển đến những thành phố lớn như Berlin hay Leipzig hơn, nơi mà họ được sự vô danh của một thành phố lớn bảo vệ. Tóm lại đây là một điểm khác nhau trong khả năng kinh tế.

Talawas: Ngay tại các xã hội phương Tây với tất cả truyền thống khai trí, cộng thêm tinh thần cởi mở, là thứ được ghi trong hiến pháp và cũng đã ăn tương đối sâu vào nếp văn hoá, mà người ta cũng không thật sẵn lòng yêu mến kẻ đồng loại, nếu đấy là kẻ đồng tính. Vậy theo anh, phong trào đồng tính có khả năng gì ở xã hội Việt Nam, là nơi mà đủ thứ truyền thống, trong đó có những truyền thống rường cột của quốc gia, khó lòng tạo điều kiện cho một khả năng như vậy, và hơn nữa gần như thiếu toàn bộ những phương tiện cần thiết để một phong trào như thế có thể hình thành và được củng cố? Điều gì là tối cần thiết cho phong trào ấy?

Michael Sollorz: Thật ra tôi không có quyền phán xét về vấn đề này. Nếu tôi có nói thì chắc chỉ lộ rõ hơn sự hiểu biết khiếm khuyết của tôi về xã hội Việt Nam mà thôi.Vì thế tôi chỉ muốn đề cập đến một vài khía cạnh. Tôi cho rằng vấn đề công luận là vấn đề quan trọng hàng đầu. Mỗi lần bạn bè dịch cho tôi các bài viết trên báo chí Việt Nam về đề tài đồng tính luyến ái, tôi lại thấy nó chỉ được đề cập đến cùng với những chuyện không hay như SIDA, mãi dâm và bệnh tật. Những bài báo này có tương ứng với kiến thức hiện nay của các nhà báo, các nhà xã hội học và các nhà tình dục học nữa không? Có những ý kiến khác, những vốn hiểu biết sâu xa hơn thế không? Nếu có, thì ai có? Và bằng cách nào, qua những kênh nào để có thể công bố những hiểu biết này trên sách báo, truyền thanh và truyền hình? Tôi không thể và không muốn tin là toàn bộ những người Việt Nam có suy nghĩ và tò mò hiểu biết như các bạn đều sống ở nước ngoài cả. Tôi còn nhớ ở Ðông Ðức vào năm 1988 đã xuất hiện một cuốn sách trong đó tác giả phỏng vấn 14 người đàn ông đồng tính với tuổi tác và nghề nghiệp khác nhau về đời sống thường ngày, về những mơ ước và kinh nghiệm sống của họ. Cuốn sách bán rất chạy và đã động viên những người đồng tính rất nhiều, cũng như giúp họ hiểu rằng họ là những công dân khỏe mạnh đầy đủ phẩm chất của tổ quốc mình. Vào thời điểm đó hàng chục nghìn người Ðông Ðức đã bỏ nước ra đi, trong đó có cả những người đồng tính, và không chỉ vì lý do kinh tế. Tôi cho rằng cuốn sách nói trên đã góp một phần nhỏ làm quê hương tôi thành một nơi đáng sống cho mọi người. Ai sẽ thu thập những kinh nghiệm sống hiện nay của người đồng tính Việt Nam vào một cuốn sách? Nhà xuất bản nào sẽ phát hành cuốn sách này, phát hành tại Việt Nam, để báo chí có thể bàn luận về cái hiện thực được phản ánh qua nội dung sách? Những cuộc phỏng vấn như chúng ta đang làm hôm nay đây rất thích hợp để tiếp cận với hiện thực cuộc sống. Trước đây, sách dịch ở Ðông Ðức được xem là vô giá, không chỉ về mặt tiền bạc. Tôi tin chắc sẽ có những nhà xuất bản nước ngoài sẵn sàng không lấy tiền bản quyền để ủng hộ những người đồng tính Việt Nam.
Theo kinh nghiệm bản thân, như đã kể, tôi nghĩ chính quyền Việt Nam ban đầu sẽ rất nghi kị những cố gắng gây dựng một công luận cho vấn đề đồng tính luyến ái, dù họ không có lý do gì để nghi kị cả. Ðể xóa bỏ sự nghi kị này theo tôi nhất thiết cần phải có sự đối thoại giữa hai phía, qua đó làm rõ rằng hàng triệu người đồng tính luyến ái ở Việt Nam cũng là những công dân và họ có quyền đòi hỏi sự quan tâm ủng hộ của xã hội xã hội chủ nghĩa. Những cá nhân nào có khả năng mở đầu và cầm trịch cuộc đối thoại với phía chính quyền, chẳng hạn với hội phụ nữ hay các hội nghệ sĩ? Bất cứ phong trào nào cũng bắt nguồn từ những cá nhân, những người tìm kiếm liên kết và dũng cảm bước ra trước công chúng để nói về những trải nghiệm của mình. Mọi sự đều bắt đầu bằng trao đổi, trao đổi cả về những sợ hãi và định kiến của bản thân mình.

Talawas: Xin cảm ơn anh Michael Sollorz.

Michael Sollorz, sinh năm 1962, sống tại Berlin. Sách đã xuất bản: “Abel và Joe”, “Tiên tri”, “Nhà vô địch Đức môn ngoại tình”, “Nhật ký của Benjamin”.



Phụ lục:
Những nhà văn đồng tính hoặc viết về đồng tính tiêu biểu

James Baldwin (1924-1987), Mỹ
Giorgio Bassani (1916), Ý
Harold Brodkey (1930-1996)
William S.Burroughs (1914), Mỹ
George Byron (1788-1824), Anh
Jean Cocteau (1889-1963), Pháp
E.M. Forster (1879-1970), Anh
Michel Foucault (1926-1984), Pháp
Jean Genet (1910-1986), Pháp
André Gide (1869-1951), Pháp
Allen Ginsberg (1926-1997), Mỹ
Witold Gombrowicz (1904-1969), Ba Lan
Juan Goytisolo (1931), Tây Ban Nha
Julien Green (1900-1998), Mỹ/Pháp
Christopher Isherwood (1904-1986), Anh/Mỹ
Jack Kerouac (1922-1969), Mỹ
Wolfgang Koeppen (1906-1996), Đức
Michael Kusmin (1875-1936), Nga
Comte de Lautréamont (1847-1870), Pháp
Klaus Mann (1906-1949), Đức
Thomas Mann (1875-1955), Đức
Christopher Marlowe (1564-1593), Anh
Herman Melville (1819-1891), Mỹ
Henry Miller (1891-1980), Mỹ
Yukio Mishima (1925-1970), Nhật
Robert Musil (1880-1942), Áo
Péter Nádas (1942), Hung
Pier Paolo Pasolini (1922-1975), Ý
Gaius Petronius Arbiter (?-66), La Mã
August Wilhelm Graf Platen (1796-1835), Đức
Platon (427-347 tr.c.n), Hi Lạp
Marcel Proust (1871-1922), Pháp
Manuel Puig (1932-1990), Argentina
Arthur Rimbaud (1854-1891), Pháp
Michel Tournier (1924), Pháp
Paul Verlaine (1844-1896), Pháp
Oscar Wilde (1854-1900), Ái Nhĩ Lan
Tennessee Williams (1911-1983), Mỹ
Viginia Woolf (1882-1941), Anh
Marguerite Yourcenar (1903-1987), Pháp
Stefan Zweig (1881-1942), Áo
Bản gốc