© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Phong trào cánh tả và vấn đề Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
4.4.2007
Nguyễn Ước
Họ đã sống và được đối xử ra sao?
 
Từ năm sáu năm nay, sách báo trong nước ngày càng nói nhiều hơn tới phong trào trí thức sinh viên học sinh (SVHS) đấu tranh chống Mỹ ở thành thị miền Nam, xem đó như một công trạng lãnh đạo đầy sáng tạo và tài tình của Ðảng, đồng thời là tấm gương hào hùng, cổ vũ khích lệ tuổi trẻ ngày nay dấn thân. Gần đây, sự kiện cựu linh mục Nguyễn Ngọc Lan từ trần lại như một cơ hội khiến người ta đề cập tới phong trào đó, đặc biệt giữa những người trước đây từng liên hệ.

Riêng trên diễn đàn talawas, trong mục Ý kiến ngắn, có Một độc giả chụp lại hình bìa cuốn Khúc bi tráng một thời của Hoàng Nguyên Vũ với nửa trang ca ngợi những gương mặt nổi bật thời đó. Sau đó một ngày, lại có thắc mắc của Nguyễn Kim Bình rằng ngoài Trịnh Công Sơn, “không biết bao nhiêu gương mặt đấu tranh nổi bật khác vào thời đó chạy xe gì, làm gì, đã sống và được đối xử ra sao dưới chế độ độc tài Mỹ-Nguỵ”?

Nhân dịp này, tôi muốn nương theo ký ức đang ngày càng nhạt nhoà của mình, kể lại đôi điều mình biết về giai đoạn đó. Chắc chắn không khỏi có ít nhiều sai sót; xin những "gương mặt nổi bật" mà tôi sẽ nhắc tới cùng những anh chị em quen biết cũ vui lòng sửa sai và bổ túc.


*

Trước hết, có lẽ Hoàng Nguyên Vũ đã lẫn lộn khi liệt kê Trịnh Công Sơn vào "gương mặt nổi bật" cùng hàng ngũ với Tôn Thất Lập, Hoàng Phủ Ngọc Tường, v.v. Thời Trịnh Công Sơn còn sống, trong một buổi đại nhạc hội tại Sài Gòn nhằm vinh danh và tặng hoa cho những người đấu tranh trong phong trào SVHS và trí thức chống Mỹ trước đây, không có mặt Trịnh Công Sơn. Lý do Trịnh Công Sơn không được mời: anh không được liệt kê vào hàng ngũ đó.

Riêng đối với thắc mắc của Nguyễn Kim Bình, tôi chỉ có thể trả lời "theo như tôi thấy" rằng họ chạy xe gì thì còn tuỳ, nhưng chắc chắn họ đã sống khá bình tĩnh trong khung khổ của luật pháp Việt Nam Cộng hoà (VNCH) và được sự bảo vệ của luật pháp ấy.

Về thời gian, tôi tính ra phong trào đó kéo dài khoảng 9 năm, có thể chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một bắt đầu từ năm 1965, với những cuộc đấu tranh rầm rộ của SVHS với khẩu hiệu đòi tự do dân chủ. Giai đoạn hai có thể lấy biến cố Mậu Thân làm mốc, nhưng thật sự bắt đầu từ giữa năm 1969 tới sau lúc ký kết Hiệp định Paris năm 1973, với thành phần nhân sự cốt lõi gồm hai ba chục thanh niên SVHS, lấy tên cả chục tổ chức có danh xưng tương ứng với các khẩu hiệu đòi quyền sống, quyền tự quyết và tranh thủ hoà bình v.v. Tuỳ vào loại hình sinh hoạt (thí dụ in và lưu hành sách báo, tổ chức hội thảo, biểu tình, tuyệt thực, các lễ giổ tổ, tưởng niệm anh hùng liệt sĩ, khích động tự thiêu vì hòa bình, v.v.) mà họ cuốn hút được sự ủng hộ và tham dự của nhiều hoặc ít thanh niên SVHS để làm thành cái được Hà Nội tuyên truyền là “phong trào tranh đấu chống Mỹ cứu nước của sinh viên học sinh miền Nam”.

Sau đó, phong trào xẹp hẳn vì Hiệp định Paris đã được ký kết, tính chất hợp pháp của cái gọi là Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam (CMLTCHMNVN) đã được Hoa Kỳ và VNCH công nhận, các cơ sở cộng sản nội thành đã được tái lập. Thành phần nhân sự cốt lõi và ít ỏi ấy kẻ được Hà Nội đón đưa ra miền Bắc (thường gọi là thoát ly), kẻ bị Chính phủ VNCH bắt đưa đi Côn Ðảo rồi được Ủy ban Liên hiệp Quân sự Bốn bên trao trả cho Mặt trận Giải phóng miền Nam. Dưới đây, tôi chủ yếu trình bày giai đoạn hai, thích hợp với tuổi đời và trong tầm hiểu biết cũng như quen biết của mình, tuy đôi khi có đề cập tới vài “gương mặt nổi bật” trong giai đoạn một.


*

Trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, hầu như toàn bộ cơ sở nội thành mang danh nghĩa Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (MTDTGPMN) bị vỡ và bị bắt. Lực lượng quân sự hao hụt của Hà Nội bị truy kích phải rút lên vùng rừng núi để chỉnh đốn, và quay trở lại chiến thuật du kích, khủng bố. Các đơn vị gốc miền Nam (Việt cộng) kiệt quệ sinh lực, hoàn toàn mất khả năng tuyển quân bổ sung. Kể từ thời điểm này, cán binh BV chiếm 8/10 quân số của các đơn vị quân giải phóng. Việc Hà Nội vi phạm cam kết hưu chiến ăn Tết, sự xuất hiện lộ liễu và bắn phá bừa bãi của cán binh Bắc Việt cùng với vụ "phía bên kia" giết thảm khoảng 3.000 người tại Huế khiến Hà Nội bị rớt chiếc áo nguỵ trang MTGPMN, các hoạt động nội thành đang bị tê liệt vì thiếu nhân sự lại còn bị đồng bào thờ ơ, xa lánh.

Mãi tới thời điểm công bố danh sách chính phủ CMLTCHMNVN (6.6.1969), Ðảng Cộng sản Việt Nam mới xây dựng được một số thanh niên SVHS tranh đấu “chống Mỹ cứu nước”, với mục đích dùng họ làm mặt nổi nhằm che giấu hoặc trám vào lỗ hổng chính trị trong quần chúng, trong khi chờ đợi cán bộ chính trị bị bắt trong biến cố Mậu Thân vừa được thả về, xây dựng lại cơ sở quần chúng. Các thanh niên SVHS tranh đấu ấy (cả Huế lẫn Sài Gòn) chỉ khoảng hai ba chục người, cộng thêm vài giáo chức, trí thức và phụ nữ, kéo nhau đi tổ chức hội thảo, biểu tình, ra tuyên ngôn tuyên cáo và chia nhau đứng tên trong danh sách ban chấp hành của các lực lượng, phong trào, mặt trận, uỷ ban... đấu tranh cho quyền sống, quyền tự quyết và tranh thủ hoà bình. Họ thành lập Tổng đoàn Học sinh với hạt nhân là Ban Đại diện Học sinh Trường Kỹ thuật Cao Thắng Sài Gòn. Lợi dụng tinh thần rã rời của sinh viên sau biến cố Mậu Thân, tâm lý dị ứng của sinh viên, trí thức đối với chính quyền quân phiệt Thiệu-Kỳ và tình trạng chia rẽ giữa các ban đại diên SV phân khoa, họ tìm đủ mọi cách để đưa người vào hai Ban Đại diện Tổng hội Sinh Viên (THSV) Sài Gòn và Huế. Sau khi nắm được các tổ chức đó, thỉnh thoảng họ dùng danh nghĩa đại diện SVHS đi công tác từ Sài Gòn ra Huế bằng máy bay. Và họ sống và sinh hoạt được như thế là nhờ pháp luật của VNCH.


*

Trước hết là qui chế tự trị đại học. Một trong những điều khoản về quyền tự trị đại học là cảnh sát không được xâm phạm các cơ sở của đại học. Do đó, khuôn viên viện đại học và các phân khoa, trụ sở THSV, các cư xá sinh viên, các câu lạc bộ sinh viên là nơi an toàn cho anh chị em tranh đấu chống chính quyền.

Tôi nhớ các anh Võ Quê, Bửu Chỉ, Thái Ngọc San, v.v. ăn ở thường trực tại trụ sở THSV Huế. Ngay trong trụ sở, treo lồ lộ bức tranh cổ động thật lớn của Bửu Chỉ về vụ Mỹ Lai với một câu viết bằng sơn đỏ lòm: Máu kêu trả máu, đầu kêu trả đầu! Có những đêm, anh em cầm bom xăng (coctail molotov) chạy tới khu vực gần Khách sạn Thuận Hóa, nơi đóng trụ sở của Phái bộ Quân sự Hoa Kỳ (Military Assistance Command-Vietnam — MACV), nhắm hướng có xe jeep của Mỹ liệng đại, rồi chạy về trụ sở, đi ngủ. Cảnh sát có thấy cũng biết loại người nào ném, và chỉ rượt tới sát khuôn viên của trụ sở THSV. (Tôi từng kể chuyện này cho Vũ Thư Hiên và Bùi Tín nghe; cả hai vị ấy lắc đầu không dám tin!)

Anh Huỳnh Tấn Mẫm (lúc ấy là Chủ tịch THSV Sài Gòn) và Lê Văn Nuôi (lúc ấy hình như là học sinh lớp 11 Trường Kỹ thuật Cao Thắng và là Chủ tịch tự phong của Tổng đoàn hay Tổng hội Học sinh Tranh đấu gồm khoảng vài ba cô cậu), đi theo Huỳnh Tấn Mẫm và vài anh em khác, mua vé hàng không Việt Nam ra hội thảo với anh em ở Giảng đường Trường Khoa học (gọi là Giảng đường Karate), và sinh hoạt ăn ở với anh em ở Ðại học xá Nam Giao. Ði bằng đường bộ từ Sài Gòn ra Huế phải mất hai ngày, ban đêm ngủ lại ở Qui Nhơn. Xe đò thỉnh thoảng bị nổ tung hay mắc kẹt cầu sập vì quân khủng bố ưa đặt bom.

Còn bình thường trong thành phố, cũng như đa số anh em thanh niên sinh viên khác, họ hầu hết đi xe Honda. Tôi có một người cậu bên vợ, nhà trong khu Thanh Nhàn Hà Nội, nay bị gọi là “xóm liều”. Năm 1980, tôi ra thăm, ông ấy bảo: “Gớm, sinh viên trong Nam các cậu giàu quá. Trước 1975, tôi đọc báo Nhân dân, thấy kể sinh viên Sài Gòn tranh đấu, bị cảnh sát đàn áp ném lựu đạn cay, phải quẳng xe Honda mà chạy. Thế mà người ta lại bảo miền Nam các cậu nghèo khổ! Vứt cả cái xe Honda! Rõ phí của!” Tôi cười: “Mất sao được. Chờ êm êm, người ta mang thẻ chủ quyền xe tới đồn cảnh sát nhận lại. Tài sản của nhân dân; chưa có lệnh toà án ai dám tịch thu.” Ông lắc đầu: “Thế thì hỏng to là phải!”

Tại sân sau của trụ sở THSV Huế, thường có những đêm vài ba chục anh em sinh viên (gần như đủ mặt thành phần đấu tranh, các đảng phái quốc gia, theo Chúa theo Phật, văn nghệ văn gừng…) ngồi xây vòng tròn nghe độc tấu tây ban cầm hay thổi sáo cho tới khuya rồi tan hàng, về nhà. Việc ai nấy làm, hình như cũng chẳng ai xích mích ai hoặc rình mò tố giác ai. Trong những buối tối “hoà hợp hoà giải” kiểu Huế đó, tôi không để ý có ai là “cảnh sinh” không, và hình như chẳng có thám tử “thiên nga phượng hoàng” nào như các “bài ký hồi hộp” ở trong nước sau này thích vẽ vời.

Tại trụ sở THSV Huế, "các gương mặt nổi bật" tha hồ quay ronéo báo và truyền đơn tài liệu, tổ chức hội thảo, kỷ niệm lễ này lễ nọ, dưới danh nghĩa đủ thứ tổ chức đòi quyền sống, quyền tự quyết, tranh thủ hoà bình… cũng chẳng người quen nào đi báo cáo và chẳng ai vào bắt. Có thiếu nhân sự thì ra nhờ anh em đang uống cà phê vào tiếp cho một tay.

Thỉnh thoảng, các anh em cầm biểu ngữ chống Mỹ đòi hoà bình ra tuần hành ngoài đường, hoặc kéo ra giữa cầu Sông Hương mới xây xong và chính quyền chưa kịp khánh thành. Anh em đặt cho nó cái tên trúng ý mình là Cầu Chống Mỹ Cứu Nước. Ðặt xong tên và hô xong mấy câu khẩu hiệu đủ làm thành một bản tin, anh em lại tan hàng, thủng thỉnh đi bộ về trụ sở THSV, chẳng cảnh sát nào đi theo.

Có một buổi sáng tôi thấy đại tá Lê Văn Thân, Tỉnh trưởng Thừa Thiên kiêm Thị trưởng Huế, mặc y phục dân sự, một mình lững thững bước vào quán cà phê trong trụ sở THSV. Ông đi loanh quanh chào hỏi anh em, trong đó có "mấy gương mặt nổi bật" và đứng ngắm bức tranh Mỹ Lai của Bửu Chỉ. Xong, ông uống cà phê và đánh một ván cờ tướng rồi lại lững thững ra về.

Tôi cũng nhớ có một buổi chiều, Toà Tổng Giám mục Huế mở rộng cả hai cánh cửa để tiếp xúc, chuyện trò xã giao với các “gương mặt tiêu biểu” của phong trào SVHS tranh đấu, ngay tại phòng khách chính thức của TGM. Chủ là Linh mục Nguyễn Văn Lập, Tổng Ðại diện Giáo phận Huế, nguyên Viện trưởng Viện Ðại học Ðà Lạt. Khách khoảng chục người, có Ngô Kha, Ðoàn Văn Long và đủ thứ chủ tịch của các phong trào, mặt trận. Tôi có mặt suốt cuộc trò chuyện thân mật như giữa thầy và trò đó, vì tôi là người đề nghị và môi giới.

Tại Sài Gòn, ngoài Ðại học xá Minh Mạng, anh em có hai nơi bất khả xâm phạm khác để có sẵn cái ăn cái ở là Cư xá Thanh Cầm (gần nhà thờ Vườn Xoài) của linh mục Phan Khắc Từ và trụ sở Phong trào Thanh niên Lao động Công giáo ở Hoà Hưng do linh mục Trương Bá Cần làm tuyên uý. Mỗi lần từ Huế vào Sài Gòn có công chuyện, tôi thường gặp những khuôn mặt ít ỏi và quen thuộc ấy kéo nhau đi tham dự các buổi hội thảo, các cuộc đấu tranh như ở Ðại học Sài Gòn, Ðại học Vạn Hạnh, Hãng pin Con Ó…

Chỉ hai ba chục anh em thôi (trong đó sinh viên thật sự khoảng trên chục người) mà tha hồ đi khắp Sài Gòn và Huế tiếp tay nhau tranh đấu. Dĩ nhiên ở bề sâu của mặt trận chính trị hoặc tình báo trong cuộc chiến vừa qua chắc chắn có những vũng xoáy âm u gay cấn mà tôi không thể nào thấy. Tới nay, tôi vẫn không biết thuở đó ông Trần Bạch Ðằng (Bí thư Sài Gòn-Gia Định) hay ông Hoàng Phương Thảo (Bí thư Thừa Thiên-Huế), có giúp được gì cụ thể cho anh chị em không, nhưng tôi thấy, nếu anh em có bị nhà cầm quyền VNCH "làm khó dễ" thì đã có sẵn các vị trong nhóm Ðối diện (gồm các linh mục Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, Trương Bá Cần…) và các tờ báo như Ðiện tín, Tin sáng, Ðại Dân tộc, Ðuốc Nhà Nam, v.v. và một số thượng nghị sĩ, dân biểu thân Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Ấn Quang) hoặc đối lập với phe của Tổng Thống Thiệu trong Quốc hội lớn tiếng can thiệp. Các tờ báo “tiến bộ” đăng bài của anh em như Ðối diện, Trình bày, Tự quyết, v.v tôi thấy vẫn ra hàng tháng đều đặn và bày bán ở hiệu sách.


*

Thứ đến là các qui định của VNCH về việc bổ dụng và sử dụng công chức chánh ngạch, trong đó có giáo chức. Một công chức, giáo chức chánh ngạch đã được cấp Bộ ở Sài Gòn bổ dụng bằng một nghị định thì các cấp địa phương (tỉnh trưởng, hiệu trưởng) không có quyền sa thải hay đề nghị sa thải. Cùng lắm chỉ có quyền lập hồ sơ, yêu cầu thanh tra rồi trả đương sự về trình diện Văn phòng Bộ trưởng ở Sài Gòn nếu Bộ trưởng đồng ý. Bộ trưởng cũng chỉ có thể sa thải nhân viên ấy bằng một nghị định sa thải, sau khi đã có biên bản kết luận của một hội đồng thanh tra tại Bộ rằng quả thật có sai phạm trầm trọng. Thêm nữa, luật 10/59 của Ngô Ðình Diệm đặt cộng sản ngoài vòng pháp luật vẫn còn hiệu lực, nên người bị tình nghi là hoạt động cho cộng sản không bị đem ra toà án xử. Sau một thời gian bị giam cứu, người ấy trước sau gì cũng được phóng thích. Và vì không thể nào có án, nên đương sự vẫn trở lại làm công chức, giáo chức, tiếp tục ăn lương nhà nước.

Tài liệu học tập của Hà Nội viết rằng “thằng” Diệm kéo lê máy chém đi khắp miền Nam. Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy máy chém là sau năm 1975, tại Nhà Trưng bày Tội ác Mỹ-nguỵ ở đường Trần Quí Cáp, Sài Gòn. Lần thứ hai là năm 2001, tôi quay lại đó quan sát kỹ hơn để lấy cảm xúc và chụp hình để mô tả nó cho cuốn tiểu thuyết Trăng huyết. Gớm, sao nó cao thế và nặng hết biết. Không hiểu ông Diệm vừa thấp vừa mập kéo làm sao mà suốt chín năm trời chỉ chém được mỗi một người cộng sản là Hoàng Lệ Kha, Bí thư tỉnh uỷ Tây Ninh.

Những "gương mặt nổi bật" mà tôi kể dưới đây có người đã nhảy núi sau vụ Huế đòi ly khai bất thành 1965 hoặc trong dịp Tết Mậu Thân, có người thoát ly năm 1972, hoặc bị bắt đi Côn Ðảo khoảng năm 1973 hoặc ở lại bình yên cho tới tháng 4 năm 1975.

Hoàng Phủ Ngọc Tường trong thời gian tranh đấu vẫn là giáo sư Triết ở trường công Ðồng Khánh cho tới khi thoát ly (năm 1965 hoặc 1966).

Ngô Kha vẫn là giáo sư dạy Văn ở trường Quốc học cho tới ngày thoát ly, hình như sau Hiệp định Paris tháng Ba 1973.

Nguyễn Ðắc Xuân, Phan Chánh Dinh vẫn là sinh viên cho tới ngày thoát ly (1965).

Tôn Thất Lập là giáo viên cho tới năm Mậu Thân.

Tiêu Dao Bảo Cự vẫn dạy học ở trường công Bùi Thị Xuân Ðà Lạt.

Ðông Trình Phạm Ðình Trọng vẫn dạy học ở trưòng công Phan Chu Trinh Ðà Nẵng.

Phạm Thị Xuân Quế làm Chủ tịch Mặt trận Tranh thủ Hoà Bình vẫn hằng ngày làm Giám đốc Viện Bài Lao Huế.

Có một giáo sư Ðại học Văn khoa đi du học về, hình như Phan Thanh Quý (?), vẫn hằng ngày đi dép râu lên bục giảng đường đứng lớp.

Thái Ngọc San tuy không là sinh viên, vẫn ở thường trực tại Trụ sở THSV Huế cho tới ngày thoát ly ra Bắc, hình như 1973.

Võ Quê (hiện làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Thừa Thiên-Huế), Bửu Chỉ (đã qua đời), vẫn ở tại trụ sở THSV Huế cho tới khi bị bắt đưa đi Côn Ðảo, hình như năm 1973.

Đoàn Văn Long vừa làm Chủ tịch Ủy ban Hoà bình vừa đi dạy học (tôi không biết rõ trường nào).

Và còn nhiều sinh viên đấu tranh khác vẫn ở tại trụ sở THSV ÐạI học Huế; không một sinh viên nào bị đuổi học vì lý do “chống Mỹ cứu nước.”

Các anh Lê Gành (hiện làm Trưởng Ðài phát thanh Qui Nhơn) và anh ruột là Lê Văn Thuyên (Chủ tịch THSV-ÐH Huế) và Trần Ðình Sơn Cước (Chủ tịch Ban Ðại diện Sinh viên Luật khoa), cũng là những “gương mặt nổi bật”, gần như thường trú tại Trụ sở THSV. Nghe nói về sau, Trần Ðình Sơn Cước có bị bắt đi Côn Ðảo.

Lê Văn Ngăn, hiện là Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Ðịnh, vẫn đi dạy học tới "ngày giải phóng".

Lý Chánh Trung vẫn là giảng nghiệm viên Triết ở Ðại học Sài Gòn cho tới năm 1945.

Trong thời gian làm tờ Việt Nam Việt Nam, Giáo sư Lê Văn Hảo vẫn dạy môn Dân tộc học tại Ðại học Văn khoa Huế cho tới trước biến cố Mậu Thân 1968. Theo lời ông kể mới đây trên đài Á châu Tự do (RFA) rằng ông bị "phía bên kia" dẫn đi gặp gỡ làm quen với MTGPMN, rồi ép buộc bắt cóc đưa lên núi. Tại đó, ông mới thấy trên thực tế, hoàn toàn không có cái gọi là MTGPMN, nhưng bù lại, ông được Ðảng “đề nghị” giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân MTGPMN Thừa Thiên Huế. Ông phải nghe theo ý của Hoàng Phủ Ngọc Tường mà nhận lời, nếu không sẽ mất mạng. Và… biết đâu… ngay lúc đó, nếu ông tử vì đạn tại chỗ, thì có thể nhân dân Huế được thêm một liệt sĩ, thành phố Huế có thêm tên đường Lê Văn Hảo; chỉ có học giới mất đi người duy nhất có học vị Tiến sĩ Dân tộc học vào thời điểm đó!

Ông cho biết, cùng bị bắt cóc với ông có Ôn Thiên Mụ, tức là Cố Hòa Thượng Thích Ðôn Hậu. Ðảng nửa đêm đột nhập chùa Thiên Mụ, võng Ôn lên núi, “đề nghị” Ôn làm Chủ tịch Liên minh Dân tộc Dân chủ và Hoà bình. Sau đó, cáng luôn Ôn ra Hà Nội. Hèn gì lúc sắp viên tịch, một vị sư được Ðảng tuyên truyền là cao tăng rất “yêu nước yêu chủ nghĩa xã hội” như Ôn lại dám đem y bát của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất lẳng lặng truyền cho Hoà Thượng Huyền Quang.

Giáo sư Lê Văn Hảo còn kể, cùng bị bắt cóc và bị cáng ra Hà Nội trong đợt gần Tết đó có một phụ nữ Huế tên là Ðào Thị Xuân Yến (thường gọi là bà Tuần Chi), được “đề nghị” giữ chức Phó Chủ Tịch của Ủy ban ma có Lê Văn Hảo. Suốt thời gian quân giải phóng tổng công kích rồi rút chạy, cái Ủy ban Nhân dân Thừa Thiên - Huế ấy bị giữ riết ở trên núi. Khổ thật, thế mà gần bốn chục năm nay các vị ấy mắc mãi cái “oan Thị Kính” vì bị gom chung vào bài ai ca của nhạc sĩ Vĩnh Lộc viết sau biến cố Mậu Thân 1968, và vẫn được dân Huế rưng rưng hát cho tới nay: “Ðàn con nay lớn khôn mang gươm đao về xóm làng… Ðồi Ngự Bình thịt xương khô tượng đá, Cầu Tràng Tiền bạc màu loang dòng máu, Hương giang ơi thuyền neo bến không người qua đò… Chiều nay không có em, xác phơi trên mái lầu… Người ơi xin chớ quên!”


*

Trường hợp ấy khiến tôi ngậm ngùi nhớ tới Ngô Kha. Đầu thập niên 60, Ngô Kha cùng Thanh Tâm Tuyền là hai thi sĩ tài hoa và tiên phong của trường phái thơ tự do ở miền Nam. Từ sau năm 1968, anh là ngọn lửa hừng hực và là “thầy cách mạng” của sinh viên Huế. Có lẽ anh là người trí thức hoạt động chống chính quyền độc nhất ở Huế, tính từ năm 1963 tới năm 1975, bị chết "vì chính tay cảnh sát VNCH giết", mà cho tới nay vẫn chưa tìm được xác và chưa ai nói rõ được đầu đuôi. Ty trưởng Cảnh sát Thừa Thiên Huế trong thời gian ấy là Liên Thành – cháu nội của Hoàng thân Cường Ðể - mà có người nói với tôi anh ấy là cựu học sinh của Ngô Kha. Tôi dò hỏi người quen, được họ cho biết rằng theo lời giải thích lòng vòng của Uỷ ban Nhân dân Thừa Thiên-Huế thì, sau khi sa lưới trên đường nhảy núi đầu năm 1973, Ngô Kha mắng chửi quá nên bị một trung sĩ cảnh sát nổi xung, đập chết.

Năm 1999, Thái Ngọc San nói với tôi là anh em ở Huế yêu cầu lấy tên Ngô Kha đặt cho Trương Ðịnh, một con đường khá dài chạy vắt ngang sau lưng các trường Quốc học, Ðồng Khánh, Bệnh viện Huế, Ðại Học Văn khoa, Ðại học Khoa học và trụ sở THSV, nhưng Uỷ Ban Nhân dân Thừa Thiên-Huế chưa đồng ý. Họ chỉ cho đặt ở một quãng rất ngắn, ngay trước mặt trụ sở THSV. Như thế không biết sự thật về cái chết của Ngô Kha ra sao, và việc đặt tên đường Ngô Kha nay đang tới đâu. Nhưng khi tôi viết những dòng chữ này, chắc chắn Thái Ngọc San, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ngọc Lan đã gặp Ngô Kha ở thế giới bên kia, và đã biết rõ vì đâu anh ấy chết. Năm nay, nhân dịp Thầy Nhất Hạnh lập Đại Trai đàn Bình đẳng Chẩn tế tại chùa Diệu Đế, không biết anh em ở Huế có dự tính chung nhau đốt một chiếc xe mui trần bốn chỗ ngồi thật bóng và một cây đàn guitar thùng sẫm màu, bằng vàng mã loại tốt, để các vị ấy lái đi chơi, ca hát với nhau cho thêm vui.

Cũng buổi sáng gặp nhau ấy ở quán cà phê trong khuôn viên Hội quán Báo chí Huế, Thái Ngọc San còn kể với tôi rằng anh em phải vận động nhiều và may mắn lắm mới in được tập Thơ Ngô Kha. Tôi cầm lên thấy cả ba tập thơ từng được in nguyên vẹn trước năm 1975 gồm Hoa cô độc, Ngụ ngôn của người đãng trí Trường ca Hoà bình, nay được "tuyển lại" còn khoảng trăm trang và nhiều bài bị cắt đục.

Có một trường hợp đặc biệt là Huỳnh Tấn Mẫm. Theo lời nhà văn Phan Nhật Nam kể lại ở đâu đó rằng nằm 1973, trong một chuyến trao trả tù binh, Huỳnh Tấn Mẫm bị chở lên Tân Cảnh, Lộc Ninh, để trao cho phía MTGPMN. Tới nơi, Huỳnh Tấn Mẫm nhất định cãi mình không phải là người của Mặt trận, không chịu cho giao trả. Thế là phái đoàn Liên hiệp Quân sự Bốn bên đành phải chở Huỳnh Tấn Mẫm về lại Sài Gòn.

Cũng có một trường hợp đặc biệt khó tin. Nhà thơ Lê Nhược Thuỷ tức Lê Hữu Huế vừa tốt nghiệp ban Việt Hán Ðại học Sư phạm Huế năm 1972 và đã có nghị định bổ dụng thì bị bắt vì hoạt động cho "phía bên kia". Trong thời gian bị giam ở Nhà lao Thừa phủ Huế, anh được cho "đi phép" 48 tiếng đồng hồ để làm lễ thành hôn với chị Ph.H. tại Trung tâm Sinh viên Phanxicô Xaviê. Lúc ấy tôi là Chủ tịch Sinh viên Công giáo nên được hân hạnh đứng chủ hôn đám cưới có tên là Từ Ân đó. Sau khi anh Lê Nhược Thuỷ vào tù lại, chị Ph.H. lên Pleiku, tới nhiệm sở chỉ định của chồng, xin cho chồng được hoãn trình diện vì đang bận ở tù. Chị được Hiệu trưởng mời ở lại dạy Triết. Còn anh Lê Nhược Thuỷ, sau khi ra tù, lên nhận nhiệm sở, an toàn dạy Văn cho tới năm 1975. Nghe nói hiện nay anh là Phó Tổng Biên tập báo Thanh niên ở Sài Gòn.


*

Riêng trường hợp Nguyễn Ngọc Lan, anh ấy là giáo sư dạy Triết Tây của Ðại học Sài Gòn và Ðại học Huế cho tới năm 1975. Cứ mỗi lần ra Huế dạy, cha Lan mặc áo chùng thâm cổ trắng mình quấn tràng hạt, đúng kiểu tu phục của Dòng Chúa Cứu thế. Có mặt ở Huế là cha sinh hoạt công khai, rôm rả với các “gương mặt nổi bật”. Thuở đó, cha Lan và tôi gặp nhau có chào nhưng không có hỏi vì hễ cứ xáp vào nhau là có chuyện tranh cãi tới đỏ mặt tía tai. Từ năm 1975 cho tới ngày tôi vượt biển năm 1989, thời gian tôi sống với đủ thứ nghề chợ trời ở Sài Gòn và đất nước bị sa vào tình trạng ngoài sức mình tưởng, thầy trò mới nói chuyện được với nhau lâu, ban đầu về chuyện đạo, dần dà lan sang các chuyện khác rồi thân nhau.

Khoảng bảy tám năm trở lại đây, mỗi lần về Việt Nam, tôi thường ghé thăm cha Lan, lúc này đã quen gọi là anh Lan. Tuy người chỉ còn nặng khoảng 37 ki-lô, nhưng hai con mắt anh vẫn rất sáng, làm sáng thêm nụ cười hồn nhiên và hóm hỉnh. Mỗi lần gặp nhau từ sáng sớm, hai anh em kéo nhau ra tiệm phở bình dân rồi quán cà phê ghế mây đầu hẽm ngồi “đấu hót” cho tới trưa; nói đủ thứ chuyện tôn giáo chính trị xã hội trên trời dưới đất như thuở nào gặp nhau trước ngày tôi bỏ nước. Cha Lan là người bộc trực, sống chủ yếu bằng cảm tính, thuộc loại nerveux sentimental, và gần như không bao giờ nói dối người quen. Khi còn làm linh mục, anh là niềm hãnh diện của Dòng Chúa Cứu thế. Khi không còn khoác áo chùng thâm, anh vẫn sinh hoạt đều đặn hằng tháng với anh em cựu chủng sinh nhà dòng tại Nhà thờ Kỳ Ðồng và rất được anh em quí mến.

Tôi vẫn kính anh Lan là linh mục vì theo giáo lý Công giáo, linh mục là một chức thánh trọn đời, cùng với chức giám mục, phó tế và giáo hữu, cho dù người ấy “thôi giữ chức” hoặc bị dứt phép thông công. Nếu gặp trường hợp cần kíp, Nguyễn Ngọc Lan có bổn phận phải nhân danh chức thánh linh mục mà cử hành phép bí tích tương ứng. Ở Nguyễn Ngọc Lan sau này, tôi tìm thấy trong anh vững chãi một đức tin Công giáo kiên định và lòng thuần phục, son sắt với Giáo hội, hơn biết bao nhiêu người trong đó có tôi.

Tính tình anh cũng hạ hoả rất nhiều so với trước năm 1975. Có lần anh và tôi tranh luận về vụ Năm Cam. Anh cho rằng đó là sự hủ hoá cá nhân và hết thuốc chữa của một số cán bộ trong buổi giao thời. Tôi thì bảo xưa nay chế độ nào cũng phải có quan hệ với giới giang hồ vì không thể nào quét sạch tệ đoan xã hội. Nhưng Năm Cam là trường hợp đặc biệt. Y được chính quyền sử dụng và hỗ trợ để trấn giữ khu vực cờ bạc, phòng trà, vũ trường không cho đám giang hồ Ma Cao Hồng Kông lọt vào. Khi mọi sự đã đâu vào đó thì Năm Cam phải chết, để lại khu vực đó cho các đại gia “đỏ”. Thấy anh Lan lập luận trầm tĩnh trong suốt nửa giờ tôi cũng lấy làm lạ. Phải chi như ngày xửa ngày xưa, anh đã đỏ mặt, móc cho vài câu, rồi không nói tới nói lui gì về đề tài đó nữa.

Nói chuyện cho đã từ ngoài quán lại kéo vào nhà. Anh tặng và khoe tôi mấy cuốn sách mới in. Ngoài bìa ghi tên một nhà xuất bản của người Việt đâu đó ở Paris, Australia… coi trong ruột sách lại thấy là do kéo lụa, kết chỉ, tuy bìa cũng bốn màu không kém nhà in có máy chạy rào rạt. Sách của anh, của người khác, trong đó có một cuốn tôi dịch của Brian Moore; tôi chưa xuất bản nhưng không biết tại sao anh có bản thảo. Tôi không hỏi. Kinh nghiệm mấy chục năm “giang hồ” dạy tôi rằng càng không muốn thấy không muốn nghe thì nếu lỡ bị ai đó tra khảo, có muốn khai trong bụng cũng chẳng có gì mà khai. (Ghi chú: cuốn Máu Hồng y, đã đăng tải trên talawas). Sách kéo lụa hoặc photocopy bìa trước ghi tên một hà xuất bản người Việt ở hải ngoại, bìa sau có đủ lằn sọc mã số điện tử, y như thiệt. Vừa chỉ vào bìa cuốn Máu Hồng y, anh Lan vừa nhoẻn miệng cười: “Cậu thấy, cũng là Nguyễn Ước, NXB Nguồn Sống Toronto của cậu, đâu thua kém gì ai!” Tôi cũng cười: “Làm vầy rất tiện cho em mang ra phi trường. Lần sau anh cứ rứa mà làm.”

Nhìn quá đằng sau những cuốn sách thủ công ấy, tôi có thể mường tượng có mấy tổ kiến dì phước và ni cô đang âm thầm cắm cúi và hãnh diện kéo lụa, như thuở nào anh em chúng tôi tiếp tay nhau in truyền đơn, báo chí tranh đấu. Sách thuộc Thiền phái Vô Vi của tiền bối Lương Sĩ Hằng, kể cả một cuốn Từ điển Ðạo học dày cộm, cũng được in như thế. Sách của Thầy Nhất Hạnh cũng đã được “kéo” lại gần hết, bày bán chui ở các chùa lớn từ Từ Đàm Huế tới chùa Dược Sư Gia Ðịnh và xuống tận Sắc Tứ Tam Bảo Tự ở Hà Tiên cùng chợ sách Nguyễn Thị Minh Khai, (ngoại trừ bộ Việt Nam Phật giáo sử luận ba cuốn do NXB Văn Học in đi in lại từ năm 1994, giữ nguyên cái tên Nguyễn Lang, và cuốn nào cũng có chân dung tác giả mặc áo nâu sòng ở bìa sau).

Trong chuyến về nước gần đây nhất, vào đầu năm 2005, tôi ghé thăm anh Lan nhiều lần hơn; từ lúc tờ mờ sáng và ngồi chơi với anh mấy buổi, với cảm giác bùi ngùi rằng đây có lẽ là đợt thăm viếng sau cùng. Lúc nầy, người anh chỉ còn khoảng 35 ki-lô. Hai mắt gần như mù. Ngồi một chút là phải nằm. Tai nghe không còn rõ. Tôi phải nói lớn, tiếng vang ra ngoài sân. Chị Lan suỵt suỵt bảo nói nhỏ lại kẻo “người ta nghe”. Anh Lan vừa lúc lắc đầu thở dài vừa cố uốn lưỡi hỏi ý kiến tôi về chuyến Thầy Nhất Hạnh về nước. Tôi biết nói về phương diện nào bây giờ. Chính trị hay tôn giáo. Cá nhân hay đại cuộc. Chỉ còn nhớ bốn chục năm trước, việc Nguyễn Ngọc Lan và Thích Nhất Hạnh chạy chung xe Honda, áo đen ông cha ngồi đằng trước và áo nâu nhà sư ngồi đằng sau quyện vào nhau, cùng no gió trong trời Sài Gòn chan hoà nắng là một hình ảnh quá đẹp, làm nức lòng thanh niên sinh viên chúng tôi thời ấy. Giờ đây, anh Lan nằm đây lặng lẽ trong khi Thầy Nhất Hạnh hành cước khắp ba miền với lọng vàng và nhã nhạc. Tôi chỉ muốn cầm tay anh Lan, ngồi im lặng thật lâu, nhưng các câu hỏi trệu trạo của anh bắt buộc tôi tìm lời mà trả, lựa tiếng cho anh dễ nghe. Lại không dám nói cho qua chuyện, sợ anh mắng. Tới giờ, chị Lan phải bảo hai anh em tạm ngừng nói để chị đút cho anh ăn. Chỉ chai nước biển đang truyền, chị kể với tôi rằng mỗi buổi sáng, hễ y tá của nhà thương tới truyền nước biển vừa nhấc chân ra về, chị phải vội vàng thay ngay chai nước, ống nhựa và kim truyền dịch khác, cho an toàn. Chị lại nói anh Lan như vậy còn may, so với Nguyễn Trọng Văn, dạy Triết ở Ðại học Văn khoa Sài Gòn và là tác giả cuốn Phạm Duy đã chết như thế nào, mới bị đột quị hôm qua.


*

Kể từ ngày Hiệp định Paris được ký kết, phong trào đấu tranh xẹp hẳn, cũng là lúc tôi ra trường vào nhận nhiệm sở dạy học ở Tuy Hoà. Sau đó, nghe nói anh em kẻ bị bắt đưa ra Côn Ðảo, kẻ nhảy núi. Năm kia, đọc Trần Vàng Sao thấy loáng thoáng bóng của anh em ở miền Bắc.

Hai mươi sáu năm sau, về lại Huế, tôi chỉ có thì giờ gặp và nói chuyện nhiều với Thái Ngọc San. Trong số anh em tranh đấu, San thân với tôi nhất. Hai đứa cùng tuổi, cùng quê Quảng Bình và tôi từng có thời viết cho tờ Ý thức do San làm đầu bếp, lúc San còn lưu lạc ở Sài Gòn. Có lần vì San, tôi suýt đi nằm nhà thương. Hôm đó, hình như rằm tháng Tám, tôi không nhớ rõ năm nào. Tôi cũng không nhớ rõ “mắc cái chứng gì” mà anh em phối hợp với chùa Diệu Đế và chùa Từ Đàm tuyệt thực, bãi khoá, biểu tình, lại còn bom xăng coctail molotov nữa! Cảnh sát dã chiến nhận lệnh phải can thiệp, ném lựu đạn cay và lập chốt đầu cầu Tràng Tiền. Tôi dùng phương tiện của Caritas cứu trợ anh chị em đang ngất ngư vì tuyệt thực và khói cay. Tới gần trưa, San tìm tôi nói anh em nhờ tôi chở một ít bom xăng qua chùa Diệu Đế vì lúc này, bên ấy “hết bom” và anh em nói chỉ có tôi chở đi may ra mới qua lọt. Tôi đồng ý với điều kiện phải rút hết giẻ mồi lửa ra để riêng. Cột hai giỏ chứa đầy vỏ chai nước biển đựng lưng lửng xăng vào hai bên tay lái xe Honda, tôi chạy tà tà từ Morin lên cầu Tràng Tiền. May sao lúc đó, người cảnh sát đầu tiên “múa dùi cui” lại là bạn thân của em trai tôi, nhận ra mặt tôi. Chỉ cần mấy giây cây dùi cui của anh ta chững lại là tôi rạp mình, búng tay côn, vặn tay ga vọt tới đằng trước chạy thoát.

Lần này gặp lại nhau, chúng tôi không nhắc tới chuyện xưa hoặc các chi tiết này nọ vì dù xa nhau đã lâu mà chỉ như thể mới rời nhau hôm qua. Cái đúng cái sai đã thuộc về quá khứ, được lịch sử đã và đang trả lời. Còn chuyện công và tội chỉ là chuyện đứng ở cuối sông ngóng đầu sông hay ngồi ở bên này bờ ngó bên kia bờ. Vượt thời gian hun hút và đường xa nửa địa cầu, nay may mắn gặp nhau, còn được ngồi với nhau bên tách cà phê, nhìn nhau sau làn khói thuốc, chọc ghẹo nhau, nói chuyện tào lao và cùng nhếch mép ngó nhau cười là rất sướng.

San đưa tôi hai cuốn thơ của Ngô Kha, một tặng và một nhờ chuyển cho Tạp chí Thơ của Khế Iêm. Cầm tập thơ, nhìn hình tác giả ở bìa sau, tôi nhớ những đêm chuyện trò tới khuya với anh trên căn gác gỗ bên đường Bạch Đằng. Hễ lần nào đụng tới chuyện cách mạng hay chính trị, cả hai lại cãi nhau sùi bọt mép tới độ anh Kha đỏ kè hai con mắt và tôi nổi cơn cà lăm. Thôi thì bàn chuyện thơ sướng hơn; tôi rất thích tập Hoa cô độc và đang tìm hiểu ảnh hưởng của thơ Ngô Kha lên ca từ của Trịnh Công Sơn. Sáng hôm sau, một người bạn sĩ quan cảnh sát hỏi tôi đêm qua cậu làm gì nói gì với Ngô Kha mà ở tới khuya vậy. Tôi bảo làm và nói chuyện thơ. Thiệt không, thơ với thẩn gì mà lâu lắc thế. Tội nghiệp chưa, nếu biết thơ là gì, anh đã không đi cảnh sát. Cậu lại ghẹo tôi; coi chừng đấy; có đứa nó hỏi khéo tôi, cậu có phải là CIA không đấy.


*

Xưa nay tôi yêu quí người làm thơ và xem thường kẻ làm vè. Thơ là tâm tình, cảm xúc và làm đẹp chữ nghĩa. Thơ viết lên chỉ để đọc và đọc với tâm hồn. Vè là những bài bắt chước thơ, nhằm bày tỏ lập trường, mưu cầu danh lợi hoặc để cổ động quần chúng. Dù có núp dưới hình thức thơ (bảy chữ, sáu tám...) và được viết với kỹ thuật thượng thừa, một số bài của Tố Hữu, của Chế Lan Viên... cũng chỉ là những bài vè. Sống nhằm thời buổi các thủ lãnh toàn trị nhất quyết lãnh đạo văn nghệ và rất chuộng loại “thơ Ðông Thi” đó nên thi sĩ chỉ còn cách xin được đi khỏi thành phố, cùng Bùi Giáng lên đồi chơi với chuồn chuồn châu chấu.

Những người tôi quen biết có tham gia phong trào SVHS tranh đấu ở Huế hầu hết là người làm thơ: Thái Ngọc San, Ngô Kha, Võ Quê, Đông Trình, Trần Đình Sơn Cước, Lê Gành, Lê Văn Ngăn, Nguyễn Hoàng Thọ, Lê Nhược Thủy, v.v. Tôi tin vào lòng chân thành và hồn nhiên của thi sĩ. Tuy họ từng tin vào MTGPMN – là cái không có thật – nhưng niềm tin của họ có thật, và giá trị của các tiếng độc lập, tự do, quyền sống, quyền tự quyết, hoà bình, dân chủ, hoà hợp hoà giải dân tộc... là có thật. Và vì những tiếng đó họ đã thật sự đổ mồ hôi xương máu, nhiều hoặc ít. So với CPLTCHMNVN và Liên minh Dân tộc Dân chủ và Hoà bình chỉ là hai danh sách thuần tuý, “phong trào” thanh niên SVHS có những sinh hoạt thật. Cuộc cách mạng họ tham gia dẫu có bị lừa đảo, có bị phản bội hoặc có bị làm ra ô uế tới mấy đi nữa nhưng không phải vì thế lý tưởng, sự hy sinh và mục tiêu chiến đấu của họ không có giá trị và bản thân họ không đáng được tôn trọng. Ðảng không thể phủ nhận các giá trị đó khi chính Ðảng đã phải đưa tên nhiều người trong họ vào Quốc hội đầu tiên sau năm 1975, dù để vẽ vời cho xôm tụ trước mắt quần chúng. Và ngày nay, thỉnh thoảng “phong trào” của họ lại được Ðảng đem ra trình diễn, cá nhân họ được mời lên sân khấu tặng hoa, giao lưu, để Ðảng làm trò quỉ thuật đánh bóng cho chế độ và làm chóa mắt các thế hệ trẻ. Tuy bị đối đãi như những “hình bóng” dùng để tuyên truyền, nhưng ít nhất tự thân họ cũng đã truyền được ít nhiều lửa cho hai tờ báo “khá nhất nước” hiện nay là Thanh niênTuổi trẻ ở Sài Gòn.

Họ thuộc “thế hệ sáu mươi”, những kẻ sinh sau Thế chiến Hai và có mặt trong các hoạt động thanh niên trên khắp thế giới vào thập niên 1960. Việc họ dấn thân vào thời điểm ấy là chuyện tự nhiên, không cần tới cái gọi là sự khai thác tinh tế, vận dụng khéo léo hoặc lãnh đạo sáng suốt của bất cứ ai. “Thế hệ sáu mươi” ấy năng động làm thành các phong trào thanh niên SVHS Hoa Kỳ đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc, làm thiện nguyện quốc tế, thời Tổng thống Kennedy, tại Pháp với cuộc bãi khoá của sinh viên và đình công của nghiệp đoàn, rồi tại Ba Lan, Tiệp Khắc, Á Phi, Châu Mỹ La tinh… và cay đắng thay, tại Trung Quốc với Vệ binh Đỏ. Ngoài ra còn có, các phong trào phản chiến, hippy... Tôi không thấy “thế hệ sáu mươi” ấy trồi lên mặt nổi ở miền Bắc. Miền Nam thì có Thanh niên Chí nguyện, Thanh niên Thiện chí, Thanh niên Phụng sự Xã hội, Phong trào Du ca, Chương trình Sinh hoạt Học đường, Chương trình Phát triển Quận 8, các đoàn thể thanh niên Hướng đạo, Công giáo, Phật giáo, Cao Đài, rộ lên hơn bao giờ hết, v.v. và cao điểm là các đợt đấu tranh của thanh niên SVHS gần như suốt thập niên 60 ở thành thị miền Nam. Đó là một hiện tượng có tính quốc tế đã và đang được nhiều người nghiên cứu; có kẻ bảo đó là thời điểm bùng nổ khó hiểu của năng lượng vũ trụ. Từ mười năm nay, “thế hệ sáu mươi” đó đang ở độ tuổi lãnh đạo các quốc gia vào khoảng giao thời giữa hai thiên niên kỷ.

Bên cạnh cuộc nhất thống sơn hà, cướp chính quyền và giữ chính quyền của người cộng sản chính thống, chuyên nghiệp và cao cường, giữa những anh em “phong trào” ấy và tôi có chung nhau một chữ ngoại. Họ ngoại vi còn tôi ngoại đạo. Vì ngoại đạo nên cuối cùng tôi đành phải bỏ nước. Vì ngoại vi nên từ sau năm 1975, Đảng khôn ngoan giữ họ mãi mãi nằm yên bên lề hệ thống cốt lõi của Đảng. Đảng chỉ sử dụng họ làm công tác mặt trận, quần chúng: rất nhàn rỗi nhưng không quyền hành, ít lợi lộc và hầu như không có cơ hội thăng tiến. Đảng không thể nào tin họ vì họ gốc thành thị miền Nam, có trình độ học vấn vững vàng và tư duy độc lập, chân chính lý tưởng, loại tiểu tư sản tạch-tạch-sè (nghe như tiếng súng nổ liên thanh!). Ngay cả những đảng viên chính thống trung cao và cao cấp từng trải qua nhà tù “Mỹ-nguỵ” cũng bị Đảng ngờ vực và cho nghỉ hưu.

Tôi mừng cho những anh em ấy vì không ở trong các cơ quan trọng điểm nên họ không bị biến chất và tôi được giữ mãi hình ảnh đẹp của bằng hữu. Tôi buồn cho đất nước vì những người “thế hệ sáu mươi” có lý tưởng, hào hùng và tài hoa như họ là tài nguyên quí hiếm, là tiềm năng của dân tộc. Lý ra ngay từ sau năm 1975, Ðảng phải trân quí, bồi dưỡng cho họ và những người từng hoạt động với họ trở thành những viên chức có tâm có tài, góp phần điều hành hữu hiệu guồng máy của Ðảng và nhà nước ở cấp cao. Nhưng nói thế chẳng qua cũng chỉ để mà nói. Ba mươi hai năm nay cho thấy thực tế ngược lại. Khi lâm trận, Ðảng động viên mọi người ra tuyến đầu đánh giặc và Ðảng lãnh đạo; khi thắng trận, kiểm điểm công tác, Ðảng thấy rằng “Ta đã cho ‘chúng nó’ tham gia trận đánh, được chia phần vinh quang và trí tuệ của Ta, là may mắn lắm rồi, được thế là trên cả tuyệt vời rồi!”

Có lẽ vì vận nước còn bị ố như nước cốt trầu nên phải khốn khó cho đủ tám chục năm, ngang với quãng thời gian bị thực dân trắng đô hộ. Trên con đường dài sáu chục năm nay, từ chế độ “cách mạng” tiến tới toàn trị rồi hoá thành phong kiến thị tộc của Ðảng, những nhóm Thanh Nghị, Đảng Dân chủ, Đảng Thanh niên, Vũ Ðình Hoè, Ðào Duy Anh, Vũ Ðình Huỳnh, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Khắc Viện, Trần Ðức Thảo, Phan Khôi, Nguyễn Hữu Ðang... các thi văn nhạc sĩ nghệ sĩ, các trí thức được các trường Pháp tại thuộc địa đào tạo hoặc du học phương tây về, v.v. cho tới thành phần trí thức sinh viên “tiến bộ” ở thành thị miền nam, tất cả phải biết rằng Ðảng chỉ xem họ, suốt đời, là quần chúng nhân sĩ, và Ðảng có quyền “tuỳ nghi xử lý” họ trong giới hạn thân phận ấy. Nhận biết điều đó, tôi tin rằng các bạn của tôi sẽ tiếp tục giữ được mình, vì thời nay sống với Đảng còn nguy hiểm hơn cha ông chúng ta thời xưa sống gần vua, nghĩa là còn hơn kề miệng cọp.

© 2007 talawas