© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
29.8.2002
Nguyễn Quốc Chánh
Cái thiếu của Thơ Trẻ cũng là cái không có của thơ Việt
 
Cái thiếu của thơ trẻ là thừa sự khiêm tốn. Khiêm tốn đến độ mất tự tin nên mới loay hoay cầu viện vào thơ gìa. Và thơ gìa vì thừa tự mãn đến nỗi hoặc phớt lờ không ngó ngàng hoặc dễ dàng ban bố ân sủng một cách hào sảng đến ngợp thở thơ trẻ. Cái lễ phép gỉa hình có tính thù tạc từ ngàn xưa trong đời sống không những làm bẩn con người mà còn nhiễm vào thơ và biến thơ trẻ thành cái đuôi lặc lìa vừa của đời sống vừa của thơ gìa. Và sự khiêm tốn đó không những bây giờ mà từ lâu đã là một tai nạn. Và những cái chết không làm sáng những gía trị mà chỉ làm tăng diện tích các nghĩa địa.

Cái thiếu của thơ trẻ là thiếu ý thức về cái tôi. Một cái tôi năng khiếu thuộc về bản năng chưa bao giờ đủ để thơ trẻ thực hiện một cuộc bứt phá gọi là làm mới. Trong khi quan hệ với những cây đa cây đề và những kinh nghiệm mặc nhiên cổ lỗ của thơ gìa ngầm biến thành những bài học tiền đạo cho thơ trẻ. Cái tôi bản năng cùng lắm chỉ biến thành một cái tôi ngông để tạo ra những giai thoại chứ làm sao đủ độ sắt và lạnh để cắt những cái vòi bạch tuộc tua tủa của thơ gìa nhờn nhợt trên các tờ báo và các tuyển tập. Ðừng nghĩ là không có mafia trong làng thơ Việt Nam. Dĩ nhiên là mafia cũng chỉ ở cấp phường xã nhưng biết đâu nó không đang âm mưu bắt tay mafia quốc tế để chia phần Nobel.

Cái thiếu của thơ trẻ là thiếu ý thức về mỹ học. Cái mỹ học trong kho tàng thơ Việt chỉ đủ làm sướt mướt tuổi dậy thì và lên giây cót những ông bà yêu nước hưu trí. Thơ trẻ do bị áp đặt của lối giáo dục một chiều nên bị triệt đường sinh nở những ngả rẽ mỹ học. Mỹ học là triết học quy chiếu chứ không phải cứ khoác lên người bộ quần áo le lói trên các tạp chí thời trang hay TV. Mỹ học là cuộc giao phối với những ý niệm triết học trong quá trình nghiệm sinh của mỗi cá thể. Tiềm năng mỹ học được tích tụ bằng ý thức và phải đến một lúc nào đó ý thức được cơ thể hóa và biến thành máu thịt thì mới sản sinh ra áp suất để có thể bùng vỡ thành những thực thể nghệ thuật.

Cái thiếu của thơ trẻ là thiếu một công nghệ tiên tiến. Ðể chôm một công nghệ tiên tiến tiềm ẩn trong những bài thơ của thiên hạ là một điều không phải dễ. Và dĩ nhiên cũng không thể rút rỉa kinh nghiệm từ những mô hình kiến trúc ngôn ngữ bằng con đường cảm thụ của năng khiếu. Ký ức và cái chết ở mọi chủng tộc đều bình đẳng về hiện tượng nhưng khi ký ức và cái chết được những ý thức khác nhau soi rọi thì sẽ tạo ra những đẳng cấp cũng khác nhau. Và để mở được những cái file chênh lệch đó cần phải có những phần mềm tương thích. Nhưng do truyền thống hướng Tâm nên thơ trẻ dường như ái ngại hoặc e sợ những công năng toát ra từ những biểu đạt của Trí. Còn kiểu một tấm lòng cho gío cuốn đi thì chắc sẽ lên núi tu tiên và chỉ có cách là làm thơ ba phần tư Thiền và một phần tư Ru.

Cái thiếu của thơ trẻ là thiếu những nhà phê bình. Những bài gọi là phê bình trên sách báo là sự lúng túng cùng quẫn của con gà mắc tóc giữa giáo điều và cảm xúc. Cái đạo đức dầy cộm giấu trong những bài phê bình là để che cái trịch thượng và quan liêu từ những biến thái của đức tin về tàn dư của chữ Tâm và xa hơn chút xíu là chữ Ðạo. Và cái mỹ học kem sữa thì chỉ mỏng dzính đủ để diễn cho hoa mỹ các con chữ như kiểu một ca sĩ lần đầu lên TV và luôn tỏ vẻ hài lòng với bộ cánh mỹ miều hơn là để tâm vào bài hát Ðất nước tôi thon thả giọt đàn bầu. Cái khốn cùng của phê bình là tiêu biểu cho cái tiêu điều ở đỉnh cao của tình trạng người đọc.

Những cái thiếu của thơ trẻ cũng là những cái không có dĩ nhiên của thơ Việt.