Văn há»cThÆ¡ và ThÆ¡ Trẻ11.8.2002
Nguyá»…n Quốc Chánh, Äinh Linh
Nói Chuyện Với Nguyễn Quốc Chánh
Ðinh Linh (ÐL): Xin anh cho độc giả biết sơ về tiểu sử của anh?
Nguyễn Quốc Chánh (NQC): Tôi sinh ở Bạc Liêu năm1958 trong một gia đình có tập quán đối nghịch, là mẹ Nam, lấy việc làm thay lời nói, và bố Bắc, gần như ngược lại, lấy lời nói thay việc làm. Tôi không khớp với người Nam bởi một ít máu Bắc, và cũng không trùng với người Bắc bởi một phần tính Nam. Tôi là sản phẩm méo mó của cái quan hệ nhùng nhằng đó. Nó ảnh hưởng nhiều đến cách nghĩ và thái độ của tôi. Hiện tôi sống ở Sài Gòn, và đã in hai tập thơ: Ðêm Mặt Trời Mọc (1990) & Khí Hậu Ðồ Vật (1997).
ÐL: Tôi được biết anh đã đi bộ đội?
NQC: Tôi bị gọi nhập ngũ năm 1979, và có hai năm đứng trong hàng ngũ đi dép râu, đội nón cối và bắn vài loạt AK, nhưng cũng may là chưa ra trận. Tôi nghĩ, nếu đánh nhau tôi dễ trở thành một tù binh, hoặc một hàng binh, hoặc là người bị bắn đầu tiên. Không lâm trận nhưng vẫn bị hai vết thẹo: một vết loét trong dạ dày vì đói và ăn bậy, một vết thẹo trong tâm lý do bị dồn nén từ áp lực của một tập thể luôn được bơm căng. Trong hai năm đó, tôi nhận ra tính hiếu chiến gần như bản năng, tiềm ẩn trong phần đông con người Việt Nam, và điều đó làm tôi hoảng sợ hơn những cuộc đọ súng tưởng tượng với Pôn-Pốt. Nhưng cũng may, nhờ loét dạ dày tôi được giải ngũ sớm.
ÐL: Khi còn là sinh viên, anh đã đọc những nhà văn nào? Họ đã ảnh hưởng đến tư tưởng, thi pháp của anh ra sao?
NQC: Kẻ Xa Lạ, Thời Của Kẻ Giết Người, Zarathustra Ðã Nói Như Thế, là những cuốn sách không chỉ in những dấu ấn đậm, nó còn là cây búa đã đập vỡ tôi ra. Kẻ Xa Lạ, Lê Thanh Hoàng Dân dịch của Camus, đọc lần đầu năm1974, nó đã tác động đến tôi như một trận hoả, thiêu rụi mọi cái ảo trong trí tưởng về sự hiện hữu của con người, và thay vào đó, là cái trơ trọi cứ lớn dần trong cảm thức. Khi còn là sinh viên, tôi vẫn đọc nó, bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn đọc lại, và cả về sau, tôi tin tư tưởng của Camus trong Kẻ Xa Lạ là nền tảng đạo đức không xa lạ nữa với mỗi người. Thời Của Kẻ Giết Người, Phạm Công Thiện dịch của Henry Miller viết về Rimbaud, đối với tôi lúc đó, hơn bất luận một giáo trình tâm lý và mỹ học nào, nó là tấm gương soi cho những kẻ đồng căn nhận ra tính nguyên sơ của cái đẹp thấu thị, và tính chất đó chỉ đạt đến trong ý thức nổi loạn. Zarathrustra Ðã Nói Như Thế, Trần Xuân Kiêm dịch của Nietzsche, giáng vào tôi cái khoái cảm điếng người của sự đứt đoạn, sự lìa bỏ, và sự vượt lên. Nó lắp đặt cho ý thức một cỗ máy tinh xảo để lọc mọi thứ cặn trong truyền thống cảm xúc ẩm thải ra từ đời sống và từ văn chương. Những cuốn sách đó đã thiết kế ý thức cá nhân của tôi, đề kháng lại cái môi trường bán khai của quyền lực tập thể, luôn thấy trong cá nhân tính mối nguy hiểm cho sự an toàn tạm bợ của nó. Ngoài ra, sự không tưởng về kinh tế, chuyên chế về chính trị ở VN sau chiến tranh đã gây ra những tai biến, những xung đột, những xáo trộn khắc nghiệt trong tâm lý, nên những hình ảnh kỳ dị, những ý tưởng đột ngột trong những câu thơ, kiểu: súng lục có tóc trắng, ruột gan của đá, không khí là một rễ cây, đá là cây của những đám mây... tức thì nhập vào tôi như một cơn gió độc; và thi pháp thơ siêu thực, mặc nhiên biến thành hơi thở, máu thịt, và làm nên phần chính yếu trong ý thức nghệ thuật của tôi. Vào thời đó, sách dịch từ Liên Xô độc chiếm trong các tiệm sách, và hầu hết những cuốn sách đều mặc đồng phục, nhưng cũng may, còn có một câu thơ rất trật chìa: những đám mây mặc quần của Mayakovsky cứu vớt.
ÐL: Học ở một trường đại học xã hội chủ nghĩa, anh bốc mấy cái thứ đồi truỵ đó từ đâu?
NQC: Những thứ đó tôi đều nhặt ở chợ trời. Trước khi có trường đại học xã hội chủ nghĩa ở VN, đã có trường đại học tư bản chủ nghĩa ở Sài Gòn. Trước 1975, Sài Gòn gần như có đủ các loại sách cho một người bắt đầu viết, những kiến thức căn bản về triết học, mỹ học, và văn học thế giới. Sau 1975, những thứ đó bị tống ra đường và bị chụp cho cái mũ là đồi truỵ. Trong khi Gorki, và các chiến hữu của ông chễm chệ trên giá sách, thì ở chợ trời, Faulkner, Beckett... nằm tênh hênh trên vỉa hè. 98% sinh viên là những cái bị, họ thụ động chứa tất cả những gì người ta thồn vào. Tôi cũng là một cái bị, nhưng bị thủng, và coi việc học là một lý do tồn tại hợp pháp, nhưng hồn vía tôi, từ lâu đã ngoại tình với những thứ đồi truỵ ở chợ trời. Nhờ vậy, tôi tích luỹ được một ít kinh nghiệm, để không bao giờ biến thành một kẻ nghiêm chỉnh trong hàng ngũ của những cái bị.
ÐL: Anh có thể giải thích cho độc giả tại sao những nhà thơ siêu thực đã được xuất bản tại Việt Nam, trong khi thơ của họ không có gì chung với văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa?
NQC: Ðó là hai nhầm lẫn có ý nghĩa trái ngược, nó không thể không xảy ra trong nhận thức mơ hồ của cái ham muốn không tưởng về mối quan hệ giữa dân tộc và hiện đại. Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa ở VN luôn tự cho nó là thành phần tiên tiến của dân tộc, và đã tiên tiến, sao lại không biết tinh hoa thế giới, và thơ siêu thực nhờ vậy đã có mặt tại VN. Nhưng ngẫm ra cả hai sự nhầm lẫn đó đều cần thiết. Sự nhầm lẫn mà văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa đem lại, góp phần giết hàng loạt những tài năng thiếu ý thức và cơ hội. Nhưng sự nhầm lẫn để thơ siêu thực có mặt ở VN, lại là cơ may cho những tài năng nào đó còn tiềm ẩn. Làm sao mà hiện đại hoá cái đuôi nhựa của con lợn bằng cái đầu của toa tàu. Trong khi thơ siêu thực chủ trương, viết, là cầm súng lục bắn bừa vào đám đông...; viết, là lấy năng lực của cá nhân rọi luồng sáng vào cái ngu tối tập thể...; viết, là sự tụt xuống quay cuồng trong ta, chiếu sáng trọn vẹn những nơi tối tăm, và làm tối tăm lần lượt các nơi khác, và viết, là lấy sự nổi loạn để cách mạng thơ, và qua thơ để phá vỡ đường biên giữa sống và chết, giữa thực và mộng, giữa sự vật và đồ vật, giữa vật này và vật kia..., vì thơ siêu thực mưu toan đặt tư tưởng ra ngoài sự quy chiếu của ý thức duy tâm và duy vật. Giữa thơ siêu thực và văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa chỏi nhau ra sao, cứ thử đặt bài thơ "Free Union" của Breton cạnh bài "Một Sáng Tháng Năm" của Tố Hữu, hay "Người Ði Tìm Hình Của Nước" của Chế Lan Viên, và "Ngói Mới" của Xuân Diệu (sau tiền chiến) chẳng hạn, sẽ thấy sự tương phản tức cười của nó.
ÐL: Tôi muốn bổ túc nhận xét của anh mà nói rằng, một lý do thơ siêu thực được đăng ở Việt Nam là vì hầu hết những nhà thơ siêu thực ủng hộ chủ nghĩa cộng sản. Một nhà văn khác cũng có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam là Gabriel Garcia Marquez. Ông này cũng thân cộng, tuy hiện thực huyền ảo, một loại siêu thực, cũng không có gì chung với hiện thực xã hội chủ nghĩa. Anh có những nhận xét gì về ảnh hưởng Marquez trong văn chương Việt Nam?
NQC: Tôi nghĩ, họ ủng hộ chủ nghĩa cộng sản lý thuyết, trong sách kinh điển của Marx. Còn chủ nghĩa cộng sản thực tế của Staline, tôi không tưởng nổi họ ủng hộ nó cách nào. Bởi nhà tù ở Siberia, nơi những nhà văn bị đày đoạ, chắc không thể ấm như trong văn phòng trung ương đảng cộng sản Pháp, nơi Aragon ngồi uống trà với các chiến hữu siêu thực, luận về tính đại đồng giữa các loài và các chủng tộc. Tôi có đọc một bài viết của Marquez về Castro, nhưng Castro trong con mắt nhà văn hiện thực huyền ảo Marquez, không phải là nhân vật khổng lồ đã đẩy xã hội Cu Ba vào ngõ cụt, Castro hiện ra như một lão phù thuỷ trong con mắt thán phục của dân làng Macondo vậy, vì đối với một nhà văn, nhìn vào đâu cũng thấy sự hiện diện của tính huyền ảo, Marquez không nhìn Castro trong cái nhìn chia xẻ với sự khốn khổ của dân Cu Ba do chính sách Castro tạo ra. Marquez bốc Castro khỏi bối cảnh Cu Ba như vớt một con cá quái dị từ biển lên chiếc du thuyền mới sắm của ổng, để uống và ngắm, và trong lúc ngà say, chất men vinh quang làm phấn khích hệ thần kinh giao cảm, và chắc vậy, ổng cũng đã đến VN sau Trăm Năm Cô Ðơn dịch ra tiếng Việt. Theo tôi, nó là cuốn sách chìa khoá, làm văn chương Việt Nam giật nảy lên sau 1975. Trừ Phạm Thị Hoài, tôi nghĩ Nguyễn Huy Thiệp, Trần Vũ, Nguyễn Quang Thiều...dĩ nhiên, không có Marquez vẫn có văn của Thiệp, Vũ, và thơ của Thiều, nhưng không có Marquez, tôi tin, họ không thể hay như họ đã. Bởi hiện thực xã hội VN, nhìn theo cách nhìn phê phán của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng... cái chất thực đã bị làm nghèo đi. Còn nhìn theo cách nhìn tô hồng của Nguyễn Khải và nhiều người khác, cái chất thực đã bị đánh tráo. Nhưng nhìn theo cách nhìn huyền ảo, cái chất thực đã bị trương lên, nó tạo ra hiệu ứng dị thường, khó ngửi, tương xứng với tính chất bán khai, ngưng đọng của một xã hội chết dần vì khép kín. Với phương pháp hiện thực huyền ảo, văn chương VN vốn chưa lìa cuốn rốn với hiện thực, có những tác phẩm xứng đôi vừa lứa với nó.
ÐL: Thơ anh có khó đăng ở Việt Nam không?
NQC: Chắc là khó. Trước năm 1990, có một số bài đăng báo, nhưng sau khi in Ðêm Mặt Trời Mọc, thì hầu như ngừng hẳn. Ðến năm1997, NXB Trẻ lại cho xuất bản Khí Hậu Ðồ Vật. Người ta nói: cái khó ló cái khôn. Nhưng ở đây, cái khó ló cái khe, và bằng chứng là có 2 con lừa đã chui qua.
ÐL: Những nhà thơ và những nhà phê bình ở Việt Nam đánh giá thơ anh như thế nào?
NQC: Ở VN, các nhà thơ và nhà phê bình hầu hết đều là cán bộ. Họ ăn lương và làm việc trong biên chế nhà nước. Họ nói và viết về ai đều phải ngó trước và sau. Văn chương đối với họ là cần câu cơm, hoặc phương tiện thăng quan tiến chức, hoặc giả mù qua mưa chờ ngày hưu trí để khi chết được chôn chung nghĩa địa với lãnh đạo. Họ không có quan điểm văn chương nào ngoài lập trường kiên định với nghị quyết đảng về văn nghệ. Có gần chục bài báo quanh 2 tập thơ, nhất là tập Ðêm Mặt Trời Mọc. Họ phê nó tối tăm, tắc tị, độc hại.... Họ coi thơ tôi chẳng khác rác rưởi, thuốc trừ sâu, bọn lưu manh hay gián điệp nhị trùng. Họ không phân biệt nổi thái độ của con người trong ngôn ngữ, và thái độ của nhà thơ trong ngôn ngữ thơ. Còn những người có thiện chí thì sự quanh co, trà trộn trong cách viết của họ, họ biến mọi thái cực trở nên trung tính. 99% họ là những hoạn quan văn nghệ, và khi viết, họ dùng con dao mà họ bị thiến để xẻo cái buồng trứng hay cái dương vật của tác phẩm. Họ viết không phải vì người đọc, vì thơ, mà vì mối quan hệ đồng sàng dị mộng giữa họ với nhà nước, thậm chí, họ có muốn khác đi cũng không thể. Và nếu có người nào được phép khác đi, họ lại rơi ngay vào lạm phát về chuyên môn và thái độ, vì không đủ trải nghiệm về tự do và kiến thức để bảo chứng. Mới đây, có bài báo trên tờ Tia Sáng, có vẻ rộng mắt, ngó ra ngó vô, nhưng năng lực nhìn thì bị hụt. Trước khi trích hai dòng thơ của tôi, bài báo viết: "Chính vì vậy, họ sáng tác thơ văn xuôi, cố gắng triệt tiêu vần trong thơ, viết không dấu, làm tình làm tội các câu thơ bằng những cú hẫng xuống dòng đột ngột, bằng những biểu tượng và liên tưởng thơ hết sức mới lạ." Nếu thật người viết thấy trong thơ tôi có những biểu tượng và liên tưởng hết sức mới lạ, sự mới lạ đó không thể từ cây sung trước sân đình rụng xuống, là do chính sự làm tình làm tội các câu thơ mà ra. Nói một cách bạo lực, vì sự mới lạ của thơ, dù có đốt cả dãy trường sơn tôi vẫn đốt, huống chi chỉ làm tình làm tội các câu thơ.
ÐL: Chỉ có những nhà cách mạng mới dám đốt cả giang sơn để đạt được mục tiêu. Cũng may là nhà thơ chỉ có thể làm cách mạng bằng chữ thôi. Anh nghĩ gì về chỗ đứng của thi ca trong xã hội Việt Nam bây giờ?
NQC: Tôi chỉ nói đùa, anh lại ngoặt ra vấn đề chỗ đứng của thơ. Ở VN, chỗ đứng của thơ luôn gắn với chính trị. Ðúng, nhà cách mạng vì mục tiêu nào đó, họ dám đốt cả giang sơn, nhưng với nhà thơ chỉ có mục tiêu duy nhất là thơ, và chỉ có quyền đốt cái duy nhất là chữ. Ðốt chữ là đốt chính con người của hắn, vì ngoài chữ ra anh ta chẳng có gì. Trong lịch sử, những nhà cách mạng thực sự không nhiều, nhưng mượn cái gọi là cách mạng để phá hoại thì rất đông. Trong xã hội VN, thơ gắn với chính trị luôn có chỗ đứng, không chỉ đứng mà còn thao túng. Chẳng hạn, giữa Tố Hữu và Trần Dần. Một người ăn trên ngồi trước, có lúc là phó thủ tướng; một người ngồi một chỗ đến lõm tường, chắc có rất ít thứ để ăn. Thơ Tố Hữu sẽ không đứng được ngoài biên chế chính trị, nhưng thơ Trần Dần dù có ngồi hay nằm vất vưởng đâu nó cũng là thơ. Sự không ngóc đầu nổi của xứ này, một phần chắc cũng do những nhà chính trị khoái làm thơ, và thơ VN chỉ phát triển trên mức vè một chút, cũng tại vì các nhà thơ cứ nhấp nhổm làm chính trị. Trong vô thức nhà chính trị thèm ngồi lên cái chiếu của thơ, còn nhà thơ lại thèm xỏ chân vào cái quyền lực hiện hành của chính trị. Lẽ ra nhà chính trị lấy sự sáng suốt cai trị quốc gia, lại đem cái mơ hồ phủ dụ thiên hạ. Còn đám nhà thơ lẽo đẽo theo ton hót với quyền lực để mưu một chỗ đứng trong chính trị, đang làm sáo rỗng thơ bằng những tu từ nhơm nhớp gọi là về nguồn. Thơ lấy chính nó làm mục tiêu, đẩy ngôn ngữ vào những thế nhìn cá biệt, chỗ đứng của nó còn mập mờ trong hiện tại.
ÐL: Tôi muốn trích một đoạn khá dài từ một email một người bạn gửi cho tôi, nói về thơ anh: "Tôi vẫn đọc Nguyễn Quốc Chánh từ hồi Ðêm Mặt Trời Mọc, thấy anh ấy có một ý hướng cách tân rất mãnh liệt, và thơ anh ấy đương nhiên chẳng có gì chung với những thứ rả rích gieo vần và sắm sửa ý tứ như cách người ta vẫn sắm cỗ, dù là cỗ cao lương mỹ vị. Ðiều ấy thì không phải bàn nữa. Cũng không cần nhắc nhiều, là NQC thường đặt được những mảnh chữ cạnh nhau rất bất ngờ, người viết văn xuôi như tôi đọc cũng thấy sướng. Tôi chỉ có cái nhận xét rất chán tai là, cái rhythm bên trong của NQC có vẻ như không có, hoặc không nhất quán, hoặc như trật, ít khi thực sự thuyết phục. Nói theo kiểu cũ là cái khí chưa tụ, cho nên chất có nhiều mà trọng lượng dường như chưa được bao nhiêu. Nói như vậy thực ra rất mơ hồ. Còn cố diễn đạt dễ hiểu hơn, tôi chỉ biết cho rằng có lẽ NQC làm thơ chủ yếu bằng đầu. Trong cái đất nước thi ca toàn những nhà thơ tự moi tim rút ruột, bầy lòng dạ tơi bời lên chiếu thơ, thì có người đưa đầu ra mà chơi cũng là hay lắm. Nhưng chơi bằng tiếng Việt, dù là tiếng Việt hiện đại thì vẫn là tiếng Việt, thứ tiếng thành bại với những khả năng gây cảm xúc nhất định, mà bỏ qua những khả năng ấy, bỏ qua những đặc trưng cảm xúc cốt tuỷ chỉ biểu lộ hoàn hảo nhất trong tiếng Việt, tôi cho là việc dại dột." Anh nghĩ gì về những nhận xét này?
NQC: Khả năng gây cảm xúc của tiếng Việt tồn trong thơ cổ, thơ lãng mạn, đến thơ bây giờ đã làm tôi ngấy. Ðương nhiên, tôi không thể ở ngoài truyền thống này, nhưng không bao giờ là nô lệ của nó. Chính vì vậy, trong ý thức và hành động thơ, tôi luôn tỏ thái độ khiêu kích và gây hấn, để có nhiều cơ hội tống nó ra khỏi trò chơi của tôi. Một số người cũng khuyến cáo tôi về sự vi phạm đặc trưng cốt tuỷ này của tiếng Việt. Vì đã chọn, dù một lựa chọn dại dột, nhưng sự dại dột đó cho tôi nhiều khoái cảm. Còn nếu thích nghi, và nương theo đặc trưng gây cảm xúc của tiếng Việt, dĩ nhiên, thơ tôi sẽ có nhiều đồng cảm hơn. Nhưng điều đó sẽ phản lại xu hướng thẩm mỹ của tôi. Xu hưởng thẩm mỹ của mỗi người, và mỗi thời sẽ cho tiếng Việt một bộ mặt không giống nhau. Vì ngôn ngữ, bản chất của nó vừa là phương tiện của tư duy, vừa là tự thân tư duy. Tư duy phát triển trên phương tiện là ngôn ngữ, đồng thời làm biến đổi chính bản thân ngôn ngữø nó dùng để tư duy. Tiếng Việt, vừa là tiếng Việt cụ thể của một ai đó, vừa trừu tượng và độc lập với tất cả, mỗi người tham dự vào không làm nó vẩn đục và bất động. Ngoài ra, xu hướng thẩm mỹ còn quyết định kết cấu bài thơ, kết cấu của bài thơ theo quy trình nào, sinh nhịp của quy trình đó. Thẩm mỹ của đứt đoạn, chập, lệch, chồng, đảo, sẽ không có cấu trúc liền mạch giữa chính/phụ, trung tâm/ngoại vi..., và đương nhiên, nhịp của nó cũng sẽ không dẫn đến xúc cảm của cái trọng điểm, tập trung, bền vững, lắng đọng. Nó sẽ là nhịp tự trị của cái nhất thời, phi tâm điểm. Nhận xét thơ tôi có ý hướng cách tân rất mãnh liệt, chẳng có gì chung với những thứ rả rích gieo vần và sắm sửa ý tứ, nếu chiếu theo nguyên lý âm/dương, tôi thuộc xu hướng của cái thẩm mỹ dương. Dù nhịp sinh học tôi, theo đông y, thường trong tình trạng âm/dương bất hoà, nhưng trong thơ, tôi luôn chọn điểm dương để rơi, thậm chí cực dương, nên thơ tôi không thể tụ và lắng, chỉ có tán và động, không thể truyền cảm và âm vang, chỉ có va chạm và biểu tượng. Vì tụ và lắng là âm, còn tán và động là dương, truyền cảm và âm vang là âm, va chạm và biểu tượng là dương, mơ hồ là âm, cụ thể là dương... Tôi không chọn cách âm/dương hoà đồng trong thơ, tôi thích đẩy nó về một phía, cực dương. Do vậy, những nhận xét trên đúng với thơ tôi một nửa, nửa còn lại là do nhu cầu âm của cách đọc, không thể áp dụng vào thơ tôi. Cám ơn những nhận xét năng động, bao quát và hay của bạn anh, cũng là bạn của chúng ta.
ÐL: Kiếm những sách hay ở Việt Nam không phải là dễ. Anh phải làm thế nào để luôn có những nguồn cảm hứng để sáng tác?
NQC: Ðọc cuốn sách hay thì có cái thú của một người bị đánh văng khỏi khán đài bởi một người giỏi hơn mình. Nó không tác động trực tiếp lên sáng tác, nhưng nó hàm dưỡng và mở rộng ý niệm thẩm mỹ. Tôi thường không viết được trên cảm hứng từ cái hay, chỉ khi những cái tồi tệ gây cho tôi thương tổn và lòng khinh bỉ, thì tôi lại viết dễ hơn. Và những thứ đó ở Việt Nam dồi dào đến nỗi bất cứ lúc nào cũng có thể làm người ta tắt thở.
Nguồn: Ãã đăng trên tạp chà VIỆT số 8, giữa năm 2001