© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
8.1.2007
Nhất Linh
Giòng sông Thanh Thuỷ
(ChÆ°Æ¡ng 22, 23, 24, 25)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
 
Chương hai mươi hai

Từ đấy Thanh dọn lại nhà Tường ở luôn, ngày ngày đi chợ, nấu cơm rửa bát hoặc những lúc rỗi thì ngồi thảo luận với Tường và Ngọc. Nàng biết là Tường đã hoàn toàn tin ở mình nhưng còn anh chàng Ngọc? Nếu Tường tin ở nàng thì chắc chắn là cả Ninh cả Ngọc đều tin nàng không phải nữ cán bộ Việt Minh.

Thỉnh thoảng nàng cũng lén đi gặp Quân để báo cáo với Quân những tin tức không quan trọng gì mấy trong nội bộ Việt Quốc. Mỗi lần về nhà, Thanh để ý rất kỹ xem có Kiệt theo dõi không. Thỉnh thoảng hơi nghi ngờ, nàng vào rạp chiếu bóng rồi lúc ra đi lẫn với đám đông để đánh lạc. Có khi nàng lại hẹn Ngọc đến chùa Cá, ăn ốc sống và ngồi ở gác lầu ngay chỗ có bài thơ của Thôi Hộ.

Ngọc mượn được của một người quen trong tỉnh đảng bộ Trung Hoa Quốc dân Đảng một chiếc xe Jeep và rủ nàng đi chơi Tây Sơn. Vì Ngọc không biết lái xe nên Thanh phải lái vậy; Thanh biết lái xe từ hồi ở trong nước nhưng không quen lái xe Jeep.

Đường lên dốc và cong queo nhiều chỗ nguy hiểm nhưng nàng cũng lái bừa. Dọc đường hai người ghé qua một ngôi chùa lớn. Thanh mua hương vào lễ Phật; miệng lâm râm khấn vái để Phật phù hộ cho Ngọc và cho cả nàng nữa khỏi bị Việt Minh ám hại. Nàng xin thẻ về cuộc tình duyên nàng sau sẽ ra sao. Tuy nàng không tin hẳn nhưng vì yêu Ngọc nên muốn biết lời quẻ dạy để tự an ủi mình. Lễ xong Ngọc rủ Thanh ra xem vườn có một cây trà mi trắng. Ngọc nói:

“Đẹp hơn hoa lựu nhà chị ở Mông Tự nhiều.”

Thanh ngắt một bông đẹp nhất cầm ở tay, một bông hoa mới hé nở cánh màu trắng tươi.

“Tôi là Trà Hoa Nữ. Anh biết truyện Trà Hoa Nữ không?’’

“Sao lại không biết. Nhưng bây giờ lại đến lượt tôi trách chị nói sái.’’

“Tôi ấy à? Người tôi thế này mà anh bảo tôi chết vì lao. Hoạ chăng không chết vì Việt Quốc thì cũng chết vì Việt Minh, cũng may tôi không chịu chui vào guồng máy mà anh cứ định đánh lừa tôi để tôi chui đầu vào. Tôi không dại như anh tưởng đâu.’’

Ngọc không nói chỉ đứng lặng yên ngắm Thanh. Đôi gò má nàng vốn đã hồng sẵn, lại nhờ khí hậu tốt ở Côn Minh nên càng hồng hào trông như hai quả đào vừa chín ửng.

Thấy Ngọc nhìn mình nàng đưa bông hoa trà lên rồi áp những cánh hoa trắng vào gò má nhìn Ngọc nói:

“Êm mát quá. Anh thử mà xem.’’

Ngọc đón lấy bông hoa đưa lên mũi ngửi:

“Hoa không thơm.’’

“Anh chẳng hiểu tý gì về hoa. Hoa Trà Mi làm gì có mùi thơm.’’

Ngọc cười rồi cũng áp bông hoa lên má mình:

“Êm thì có êm nhưng tôi chỉ thấy lạnh cả má.’’

Lúc ra ngoài cổng chùa hai bên có hai bức tượng lớn. Thanh nói:

“Bên kia là ông Thiện còn bên này là ông Ác. Anh là ông bên này này.’’

Xe mỗi lúc một lên cao rồi tới một chùa nhỏ và một hàng bán quà. Ngọc vào hàng hỏi ngay:

“Ở đây có phở chua không?’’

Thanh nói:

“Thi sĩ gì anh. Đi đâu cũng hỏi hết phở cừu lại đến phở chua. Anh xem kia kìa có đôi câu đối do Vương Hy Chi người viết Thiếp Lan Đình ấy mà, nhưng đấy chỉ là bản in lại. Anh có biết Vương Hy Chi là ai không?’’

Ngọc đáp luôn:

“Không, tôi chỉ biết có Vương Đức.’’

Thanh hỏi, mắt lộ vẻ ngạc nhiên:

“Vương Đức nào?’’

“Vương Đức là một tay Việt cộng lợi hại. Nhưng mà bây giờ ngoẻo rồi. Chị không nhớ tôi đã có lần nói về chị Nam ở Văn Sơn, và việc tiêm thuốc rồi bóp cổ chết Vương Đức à?’’

“Anh có nói nhưng anh không cho tôi biết tên là ai.’’

Thanh nhớ là khi Vương Đức ở Trùng Khánh về, chính nàng phải giấu Vương Đức ở nhà mình. Bất giác nàng nghĩ thầm:

“Họ giết lẫn nhau đến bao giờ. Còn cái anh chàng Đức nữa lớ ngớ về miền ấy làm gì!’’

Nàng cúi mặt trong lòng dâng lên một nỗi buồn thương cho cả hai bên. Nàng lắc đầu xua đuổi những ý nghĩ hác ám ấy và ngồi xuống bàn ăn phở chua với Ngọc. Ngọc ăn xong, ngồi ngắm chữ Vương Hy Chi và khen:

“Đẹp thật.’’

Thanh đương há miệng ăn những sợi bánh phở còn lòng thòng hai bên mép thấy Ngọc nói vậy, vội vàng lấy tay che miệng:

“Anh định khen tôi ăn đẹp chắc.’’

“Không, chữ Vương Hy Chi, càng ngắm càng thấy đẹp, nhất là bây giờ bụng đã no. Chị không biết tôi viết và vẽ đẹp lắm, tiếc hôm nay không mang bút chì đi.’’

Thanh bĩu môi:

“Anh ấy à, vẽ thì xấu như ma, chữ thì như gà bới. Tỏi gà thì đúng hơn.’’

Sực nhớ ra Ngọc bảo Thanh:

“À quên, anh Tường mấy lần bảo tôi làm lễ tuyên thệ để chị vào chi bộ chính thức, không ma mãnh gì nữa. Lát nữa ra chỗ con đường lưng chừng vách đá, tôi sẽ làm lễ tuyên thệ cho chị. Lẽ ra cần người làm chứng nhưng có lúc cũng phải tuỳ tiện.’’

Ăn xong ra đến chỗ có trưng một tấm bia, đường hơi rộng lại vắng ngưòi, Thanh và Ngọc cùng đứng lại tựa vào lan can ngắm mặt nước hồ lan dài về phía tây trên mặt nước loáng thoáng một vài cánh buồm mầu hồng nhạt. Thanh bảo Ngọc:

“Giá hôm nào đi chơi đến tận cuối hồ thì hay quá. Họ nói hồ này hẹp nhưng dài đến bốn mươi cây số.’’

Ngọc nói:

“Ý chừng chị lại muốn cùng tôi vào Thiên Thai lần nữa. Lắm lúc tôi cũng như Phạm Lãi muốn bỏ mọi công việc đi dạo Ngũ Hồ với Tây Thi. Nhưng lấy gì mà ăn?’’

“Anh cứ đem thật nhiều bánh phở khô đi, tôi nấu anh ăn, ngày nào cũng đủ các thứ phở có cả phở cá nữa. Lúc đi anh nhớ mua cần câu đem đi. Đừng quên muối và nhất là ruốc. Nhưng Tây Thi có bao giờ đi với Phạm Lãi, làm xong việc cứu nước Việt bị vợ vua buộc đá quẳng xuống sông chết mẹ rồi. Anh thì cũng như Câu Tiễn còn cô Phương là vợ Câu Tiễn. Với lại hồ này đâu có đưa đến Thiên Thai; cuối hồ là trấn Côn Dương, đi mãi sẽ tới Diến Điện, có nhiều lính Nhật lắm, nhiều xe tăng, tàu bò trông rất nên thơ.’’

Ngọc nhìn xuống cái vực sâu thăm thẳm, trông những người qua lại trên con đường ven hồ bé nhỏ như những con kiến.

“Tôi chỉ quăng chị xuống dưới kia là xong một đời chị. Nhưng chị ạ, chỗ này tuyên thệ rất tốt. Tôi không nói đùa đâu. Chị chắc cũng đã nghĩ kỹ rồi. Có như vậy tôi mới có thể nói với chị nhiều điều bí mật quan trọng và mong chị giúp đỡ một tay, những việc ấy chỉ có chị làm nổi thôi.’’

Thanh nhìn Ngọc thấy vẻ mặt Ngọc nghiêm trang và có vẻ trịnh trọng, nàng mỉm cười rồi giơ tay vịn vào vai Ngọc làm chỗ tựa nhẩy lên ngồi trên lan can. Ở dưới là một vách đá thẳng xuống tận chân núi vì vậy chỗ hai người đứng phải xây bằng xi-măng thòi hẳn ra ngoài. Ngọc rùng mình vì Thanh chỉ sẩy tay một chút là có thể rơi xuống chân núi. Chàng vội níu lấy cánh tay Thanh. Thanh nghiêng người ra phía ngoài quay mặt nhìn xuống:

“Nào bây giờ anh đẩy tôi xuống đây thì anh vô tội vạ, chỉ việc nói là tôi sẩy tay ngã... Những lúc tôi đến nhà Quân có các đồng chí của anh theo dõi, tôi lạ gì. Chẳng biết anh Tường hay anh Ninh, anh Ninh có lẽ đúng hơn, đã ra lệnh thủ tiêu tôi như Nghệ và Tứ và hôm nay anh rủ tôi đi Si San [1] là anh đã nghĩ kỹ lắm rồi. Cũng kiểu anh giả vờ uống nước cốt cà-phê để Nghệ khỏi nghi ngờ. Anh và anh Ninh, các anh nhiều mánh khoé giết người thần tình lắm...’’ Thanh bỏ cả hai tay ra:

“Nào bây giờ anh chỉ cần đẩy tôi một cái thế là xong đời tôi và anh đã làm tròn phận sự anh Ninh giao phó. Hôm ở vườn đào tôi đã biết anh có ý ấy nhưng ở vườn đào không tiện bằng ở đây.’’

Ngọc một tay kéo mạnh cánh tay Thanh về phía trong còn một tay ôm ngang lưng Thanh.

“Chị điên à? Tôi xin thề với chị, đem hết danh dự ra thề với chị là tôi và cả anh Ninh nữa đều hoàn toàn tin ở chị.’’

Mắt Thanh sáng lên có vẻ dữ tợn như hôm đi xe lửa từ Mông Tự về Bích Sắc trại khiến ngay Ngọc cũng đâm ra nghi ngờ và nhớ lại lời Ninh nói: Việt cộng quỷ quyệt lắm, dùng mỹ nhân kế cốt thủ tiêu Nghệ để Thanh được lòng tin cậy hoàn toàn và Thanh có mật lệnh của Quân làm một việc rất quan trọng mà chính chàng mới là người mắc mưu. Thanh nói:

“Các anh thề gì? Thề cá trê chui ống ấy.’’

Tuy nghĩ vậy nhưng Ngọc cũng cố kéo Thanh xuống khỏi lan can. Thanh lấy tay vuốt áo rồi hai người đứng nhìn nhau. Thấy nét mặt Ngọc có vẻ sợ sệt thật sự, Thanh vui sướng biết chắc là Ngọc đã tin mình hoàn toàn; nàng mỉm cười rất tươi rút bông hoa trà trắng cài ở khuy áo đặt lên môi âu yếm nói với Ngọc:

“Tôi đùa anh chơi đấy. Lần sau có ăn tỏi gà thì đừng quên tôi nữa.’’

Hai người lại đứng tựa lan can sát cạnh nhau. Thanh nói:

“Lát nữa ta xuống Tả Quán Lầu [2] tôi biết một chỗ ngồi nhìn ra hồ đẹp lắm. Anh muốn ăn thức gì cũng có.’’

Ngọc chỉ một con đường mấy trăm bực đá ở chân núi lên chùa rồi nói với Thanh:

“Con đường cách mệnh cũng gian lao như thế.’’

Thanh nhìn một hai cánh buồm ở tận cuối hồ xa xa bảo Ngọc:

“Hay là ta bỏ cách mệnh đi tìm Thiên Thai. Ở đấy không ai nghĩ đến giết ai. Không có ai cả ngày chỉ cố tìm những mưu mô quỷ quyệt để hại kẻ khác, nếu không nhanh thì kẻ khác hại mình ngay, ở đấy không có thuốc tiêm giết người, chỉ có cà–phê em nấu ngon để anh uống. Không có cái thứ cà-phê nước cốt thật đặc để át mùi thuốc độc... A, này anh, thứ thuốc độc anh dùng để giết Tứ và Nghệ nó ra làm sao?’’

Ngọc cũng muốn biết là thứ thuốc gì, vì Thanh đã có học qua trường thuốc chắc rõ:

“Thuốc bột trắng cho vào cà-phê có mùi như mùi hạnh nhân.’’

“Nếu vậy thì là chất cyanure de potassium ở bên Pháp người ta thường dùng để giết chuột, thuốc ấy ở nơi kín ngửi nhiều cũng có thể chết, uống vào chết liền không tài nào cứu chữa được. Ở Thiên Thai không làm gì có cyanure de potassium tha hồ yên ổn để suốt ngày nói chuyện với nhau cho vui và cãi nhau...

Ngọc ngắt lời:

“Nếu vậy thì tôi bỏ về trần thế còn hơn.’’

Thanh mỉm cười:

“Anh không biết, cãi nhau mới vui chứ, nếu cả ngày chỉ ngồi lỳ nhìn nhau lúc nào cũng vui cả thì ít lâu chán chết. Tóm lại là muốn mình cảm thấy sung sướng thì phải có những lúc đau buồn, thí dụ như anh ăn uống khổ sở, thỉnh thoảng được một bát phở cừu mới thấy ngon và được một cái tỏi gà mới gặm nhẵn cả xương không nghĩ đến tôi, tôi mới lộn ruột lên và vì tức mới nghĩ đến chi bộ ích kỷ để rồi cứ như vậy dần dà đâm vào cái guồng máy lúc nào không hay. Người lại sẽ tìm cách giết hại lẫn nhau; ở Thiên Thai không có cyanure de potassium tôi cũng phải chế ra nó để anh uống chơi. Thiên thai sẽ biến thành trần thế. Yên ổn nhất ấy à? Chỉ có chết là yên ổn nhất, hay nói theo đạo Phật, đạo Lão tốt hơn là không có mình nữa, tôi cũng không có...’’

Thanh tự nhiên thấy mình vui miên man không hiểu vì lẽ gì; tâm hồn nàng phiêu diêu trong một niềm vui và cảm thấy niềm vui ấy như không bao giờ hết nữa khiến nàng rờn rợn sợ có cảm tưởng rằng cái gì cũng không thật. Đời sống chỉ là mơ, niềm vui cũng chỉ là mơ. Thanh tự nghĩ nếu có chết ngay lúc này, nàng sẽ không đau khổ. Hồn nàng sẽ hoá thành một giấc mơ vui rồi khi giấc mơ ấy tan đi là chết là hết. Nàng chắc cả vũ trụ này đến ngày tận thế cũng vậy, cũng biến thành một niềm vui bao la rồi cứ thế hoà loãng, tan dần đi trong cái mênh mông của hư vô không có sự chết, không có sự sống mà ngay cả đến cái hư vô cũng không có nữa.

Thanh bỏ rơi bông trà cầm ở tay rồi nhìn theo: bông hoa rơi, rơi mãi cho đến khi không thấy nó đâu nữa. Nàng nói:

“Thế là hoa đã biến vào vực thẳm, biến vào hư vô. Lúc nãy tôi muốn nhẩy xuống là để biết vực thẩm, hư vô ra sao, chắc cũng có cái thú của một hạt muối tan trong nước...’’


Chương hai mươi ba


Hai người lại lên xe, đến một chỗ vòng tự nhiên Thanh cho xe chạy thật mau xuýt đâm xuống một cái khe núi. Ngọc kêu lên:

“Ý chị định xuống vực thẳm đi tìm hư vô hay sao?’’

Thanh quặt tay lái vừa kịp. Nàng đãng trí và sung sướng vì nàng vì nghĩ ra duyên cớ vì sao nàng lại vui vẻ mê man. Nét mặt sợ hãi và tái hẳn lại của Ngọc khi nàng ngả người bỏ tay ra không phải chỉ vì Ngọc đã hoàn toàn tin ở mình; không, chính vì Ngọc yêu nàng. Bên tai nàng vang lên những tiếng "Ngọc yêu Thanh, Ngọc yêu Thanh, chắc chắn yêu Thanh".

Thanh hỏi Ngọc:

“Bông hoa trà lúc nãy có lấy lại được không?’’

“Chị vất đi bây giờ lại muốn lấy lại. Lát nữa qua chùa tạt vào xin một bông khác.’’

“Không, tôi muốn lấy lại bông hoa ấy cơ. Để kỷ niệm lúc có cảm tưởng thân biến vào hư vô.’’

Lúc xuống chỗ xe quặt vào con đường chân núi, Thanh nói:

“Để tôi cho xe đi đường này kiếm cho được bông hoa đó; đến Tả quán lầu chắc vừa đúng giờ ăn trưa.
Tới chân núi Tây Sơn, may vì bông hoa trà mi rơi giữa đám cỏ xanh nên Thanh trông thấy ngay, nàng cho xe quay lại. Lúc đến Đại Quan Lâu, Thanh đưa Ngọc qua một cổng tò vò, vào một cái phòng ăn, mặt trước không có cửa và trông ngay ra hồ. Một bụi trúc lớn mọc ở bờ nước; căn nhà kiến trúc theo lối cổ nên Thanh tưởng như cùng Ngọc sống lùi lại đời xưa vào một quán cơm đời Tống hoặc đời Đường.

Sau khi gọi các món ăn, người hầu sang hiệu cơm chính bên cạnh. Thanh nói khẽ với Ngọc:

“Bây giờ anh làm lễ tuyên thệ vào đảng cho tôi đi. Tôi đã nghĩ kỹ và rất vui lòng được anh cho vào chi bộ của anh để làm việc.’’

Ngọc nói:

“Lúc về nhà chị hãy tuyên thệ. Tôi giới thiệu và anh Tường công nhận như thế trọng thể hơn... Bây giờ không phải đồng chí hờ, chi bộ ma nữa.’’

Thanh lại lấy bông hoa trà áp vào má, nhìn Ngọc:

“Thế là từ lúc này tôi bắt đầu bị cái guồng máy lôi cuốn nhưng tôi không cần, dù cho nó nghiến nát cũng vui lòng.’’

Lúc người hầu bàn đem các thức ăn sang, Thanh chỉ ngồi nhìn Ngọc ăn. Nàng gắp vài miếng lấy lệ, nhìn ra ngắm những lá trúc gió thổi tạt về một phía và hoa nắng lăn tăn trên mặt hồ gợn sóng.

Thanh biết trước là khi nhắm mắt hai tay buông xuôi, cái hình ảnh cuối cùng trong đời nàng là hình ảnh hoa nắng lẫn lộn với lá trúc rung động và hình ảnh Ngọc ăn bát phở chua trộn rất nhiều tương ớt. Ăn xong Ngọc mới hỏi nàng:

“Thế chị không ăn à?’’

Thanh hôn vào lòng bông hoa:

“Lúc này tôi ăn hoa cũng đủ no rồi.’’

Nàng giật mình bảo Ngọc:

“Ấy chết, ở nhà ai nấu cơm cho anh Dũng ăn?’’

“Chị không lo, sáng nay đi tôi đã báo trước cho anh Dũng biết. Nhà sẵn có dưa ngon của chị, anh ấy chỉ việc thổi nồi cơm. Lát nữa về biết tin chị đã nhận lời, anh ấy chắc mừng lắm.’’

“Thế còn anh?’’

Ngọc mỉm cười đáp:

“Tôi vẫn thích chị là đồng chí hờ trong chi bộ ma có hai người thôi.’’

“Nếu vậy anh đừng bảo cho anh Tường biết là tôi nhận lời. Tôi sẽ tìm cách từ chối khéo anh ấy.’’

Ngọc suy nghĩ rồi ngập ngừng nói:

“Nhưng...’’

Thanh ngắt lời:

“Không nhưng gì cả. Tôi chỉ cố sao cơm cho dẻo canh cho ngọt để hai anh ăn. Còn tôi, tôi chưa muốn làm việc gì cả. Tối hôm nay tôi lại đến đây; trăng hơi muộn nhưng tôi sẽ thuê thuyền để ngắm trăng, đêm lạnh tôi càng thích. Tôi muốn đi dạo Ngũ Hồ như Tây Thi mà không cần anh chàng Phạm Lãi.
Ngọc giơ tay giật lấy bông hoa của Thanh bỏ vào túi mình:

“Tôi giữ hộ chị bông hoa. Tối hôm nay tôi sẽ là Phạm Lãi. Tôi sợ chị lại muốn nhảy xuống đáy hồ để tìm hư vô hoặc chị đi vào Thiên Thai mất để chế chất cyanure de potassium rồi đầu độc cho cả nhân loại biến vào hư vô, cho nhân loại khỏi giết hại lẫn nhau.’’

Ngọc cười. Thanh cũng cười theo rồi nói:

“Tôi ấy à? Tôi chẳng cần vào Thiên Thai mới chế được cyanure. Ngay chiều hôm nay tôi sẽ đến một hiệu thuốc tây mua một ít nói là về để giết chuột. Anh chắc đã biết ở đất Tàu này mua chất độc gì cũng không cần đơn của y sĩ. Nếu cần tôi sẽ nói tôi tốt nghiệp trường thuốc ở Hà Nội, họ sẽ tin ngay nhất là tôi biết về thuốc thật, tôi lại biết cả tiếng Pháp, tiếng Anh. Vả lại người tôi hồng hào thế này mặt lại tươi như hoa, họ không thể nào nghi cho tôi muốn tự tử mà thật ra tội gì tôi tự tử.’’

Nàng tiếp theo nhìn Ngọc vẻ mặt tinh nghịch:

“Nhưng tôi không giết chuột đâu. Người đầu tiên trong nhân loại tôi sẽ giết... là anh.’’

Bỗng nàng bỏ chạy ra cổng Đại Quan Lâu. Lúc trở về nàng đưa Ngọc một điếu thuốc lá thơm:

“Mời anh xơi thuốc. Chắc anh hẳn rõ trước khi lên máy chém hay ngồi vào ghế điện, phạm nhân được người ta ân cần săn sóc cho ăn một bữa cơm ngon như bữa cơm lúc nãy và được hút một điếu xì-gà hay thuốc lá thơm. Để chậm lại, lỡ có chết vì Việt Minh hoặc vì Pháp anh đừng có hòng hút thuốc lá thơm. Kìa mời anh xơi.’’

Ngọc lấy bông hoa trà trong túi ra nhìn Thanh một lúc rồi nói:

“Người Tây phương lạ thực, họ chỉ nghĩ cho ăn uống, hút thuốc lá; tôi thì tôi cho rằng phạm nhân ngắm một thứ gì rất đẹp trước khi chết như vậy nhân đạo hơn. Ý kiến chị thế nào?’’

“Tôi cũng nghĩ như anh.’’

Thanh sửa lại tóc, miệng nở một nụ cười, hai mắt long lanh sáng nhìn Ngọc. Ngọc giơ bông hoa còn tươi nguyên lên nhìn hoa rồi lại nhìn vào hai mắt Thanh; chàng yên lặng ngắm những làn sóng lăn tăn gợn sóng ngoài mặt hồ, phía sau người Thanh, rồi mỉm cười nói trống không:

“Rất tiếc lúc này chị không có sẵn cyanure de potassium.’’

Thanh nói:

“Thôi để đêm nay đi chơi thuyền đợi lúc trăng lên. Tôi lại sẽ ngâm thơ, cảnh đẹp không đủ, cần cho phạm nhân nghe âm nhạc hay tiếng ngâm thơ thật hay. Tôi sẽ cố đem hết tâm hồn ngâm thơ cho anh nghe trước khi...’’

Nàng khẽ ngâm:

“Đêm trăng, thoảng...”

Nhưng nàng ngừng lại ngay:

“Thôi, để tối nay hơn, lúc trăng lên.’’


Chương hai mươi bốn

Chiều hôm ấy, Thanh lấy khăn trùm lên tóc, cầm cái chổi cán dài để quét mạng nhện đen, mồ hóng giăng đầy mái nhà. Nàng nói với Tường:

“Em đã nghĩ kỹ rồi. Anh cứ để em ở ngoài, ở một ngoại vi tổ chức nào đó, lấy tên gì cũng được. Hay là lấy tên ‘Nữ hoả đầu phu đoàn’ [3] hợp với công việc em nhất.’’

Tường đương cặm cụi viết ngửng lên:

“Ý kiến ấy của chị hay đấy. Tôi sẽ đặt chị vào phụ nữ đoàn.’’

Thanh cười:

“Thế là em đã có đoàn thể, nhưng đoàn thể ấy chỉ có một mình em thôi. Bây giờ em là cán bộ thực thụ không còn là cán bộ hờ ở trong cái chi bộ ma của anh Ngọc nữa. Anh ấy lôi thôi lắm.’’

Nàng nhìn Ngọc khẽ nháy một cái rồi quét màng nhện, lau sàn gác, bàn ghế. Sau hai tiếng đồng hồ nhà trông sạch sẽ khác hẳn; nàng vui vẻ làm việc, không biết mỏi. Bốn giờ chiều nàng bưng lên hai cốc cà-phê nóng mời Tường và Ngọc uống rồi nàng hỏi:

“Hai anh có quần áo rách hay tuột chỉ để em khâu cho.’’

Tường mặc có mỗi chiếc áo cánh nhà binh nhồi bông. Nàng khâu vá xong rồi nói:

“Để em đi mua len đan cho hai anh mỗi người một áo. À, anh Ngọc thì không cần đến nữa vì...’’

Thanh không nói hết câu nhưng Ngọc cũng hiểu ý. Nàng nói:

“Bây giờ em đi mua len vì trời còn sáng chọn màu dễ hơn.’’

Nàng tạt qua nhà Quân nhưng chỉ gặp Kiệt:

“Có tin này quan trọng lắm, các anh nói lại với anh Quân. Ninh sắp về nước để liên lạc định ý đưa một đoàn đại biểu Việt Quốc lên Côn Minh rồi đi Trùng Khánh, Ngọc chắc đưa Ninh về biên giới. Hai người sẽ do ngã Hà Khẩu về Lao Cay.’’

Nói xong nàng đi ngay tạt qua hiệu mua len rồi về nhà thổi cơm.

Lúc đương ăn Thanh nói:

“Anh Ngọc ích kỷ quá việc bếp nước đều do tôi phụ trách. Anh là liên lạc viên nhưng bây giờ liên lạc với ai. Tối nay anh đi coi xi-nê tôi thết. Còn tôi, tôi bận lại qua nhà chị em bạn.’’

Khi Ngọc tới cửa rạp xi–nê thì Thanh đã chờ sẵn ở đấy. Hai người đi bộ qua Kim Bích lộ về phía Phục Hưng Tân Thôn rồi thuê xe ngựa đi Đại Quan Lâu. Xuống thuyền thì trăng vừa lên. Một bà già người Tàu và một đứa bé độ mười tuổi vốn đã quen việc đưa khách đi chơi hồ ban đêm nên thấy đôi trai gái xuống thuyền không ngạc nhiên, nhất là đêm ấy lại có trăng. Thuyền chui qua một cái cổng tò vò, đi ngang nhà nghỉ mát của Cậu Ba con Long Vân rồi ra hồ rộng.

Thuyền đi ven bờ một quãng. Ở giữa hồ nhỏ Đại Quan Lâu và hồ lớn có một biệt thự đường vào rất nhỏ hai bên toàn nước. Trong nhà thắp đèn sáng, có tiếng nhiều người nói cười vui vẻ nhưng nhìn vào các cửa sổ mở rộng tuyệt nhiên không thấy có bóng một người nào.

Thanh lay người Ngọc chỉ về phía biệt thự và thỏ thẻ vào tai Ngọc:

“Nhà ma đấy.’’

Ngọc nói:

“Chị thực very lôi thôi. Hết chi bộ ma lại đến nhà ma.’’

Tình cờ Ngọc đã dùng câu nói đùa riêng biệt của Thanh. Thanh mỉm cười:

“I am not so very lôi thôi as you think. Tôi không lôi thôi lắm như anh tưởng đâu. Vốn nhà này trước vẫn là một nhà bỏ hoang, người ta bảo là có ma nên không ai dám ở. Chúng mình bỏ không làm cách mệnh nữa mà cũng chẳng cần đi tìm thiên thai cho tốn công. Thiên thai là cái nhà này. Chúng mình đến đây ở, chẳng ma nào biết vì đây là cái nhà ma rồi. Này anh nghe, tiếng người cười nói vui vẻ mà nhìn vào có thấy một bóng ma nào đâu.’’

Bà lái đò lái cho thuyền đi xa phía biệt thự rồi lẩm bẩm nói một mình:

“Chắc là bọn quân nhân Mỹ đến đóng. Người thường ai dám bén mảng.’’

Thanh nói:

“Anh có xem truyện Liêu Trai tả một đám cưới ma trong một cái lầu cũ không?’’

“Có, hình như có đọc qua nhưng không nhớ.’’

Thanh kể chuyện lại cho Ngọc nghe:

“Đấy, trong nhà có đèn sáng lại có tiếng nói cười vui vẻ mà từ lúc nẫy nhìn vào không thấy một người nào cả. Chắc là tụi hồ ly tinh cưới nhau. Để tôi vào phá đám họ rồi chúng mình đến đấy ở thay. Tôi cứng bóng vía lắm; ma cũng phải sợ. Như vậy đỡ tốn tiền mà không ai đến quấy rầy mình nữa.’’

Thanh quay nhìn bà lái đò, nói tiếng Tàu:

“Bà lái đò, bà ghé thuyền vào cái nhà này. Chúng tôi đến ăn tiệc cưới nhưng đến muộn sợ hai họ đợi. Bà cố chèo cho mau, đến thẳng mấy cái bực đá chỗ có hai cô, một cô mặc áo đỏ và một cô mặc áo vàng đương đứng giơ tay vẫy ấy mà.’’

Thanh cúi xuống lấy tay che miệng cho khỏi bật lên cười. Bà lái đò trù trừ, Thanh nói:

“Hay thôi bây giờ ăn cỗ cũng gần xong. Bà cứ chở chúng tôi đi ra ngoài xa ngắm trăng một lát. Mai chúng tôi viết giấy kiếu vậy.’’

Thuyền mỗi lúc một ra xa. Thanh nhìn kỹ thấy lưng chừng núi Tây Sơn một mảng trắng mờ, nàng đoán đó là chùa Tây Sơn. Trăng mười bẩy và trời lại trong nên rải xuống mặt hồ một làn ánh sáng trông phảng phất như một con đường dẫn lối đến Thiên Thai. Thanh nhớ đến đoạn tả ánh trăng của Maugham trong một truyện ngắn nàng đọc đã lâu lắm. Nàng bảo Ngọc:

“Con đường ánh trăng sáng này nếu cứ theo mãi thì sẽ tới Thiên Thai.’’

Ngọc hỏi:

“Bây giờ chị lại muốn đến Thiên Thai. Sao sáng ngày...’’

Thanh ngắt lời:

“Thiên Thai cũng là hư vô... Thiên Thai là một thứ gì đẹp lắm mà lòng ai cũng mơ ước, nhất là hiện giờ trên gần khắp thế giới họ đương đâm giết nhau. Cảnh đẹp đã có rồi còn thiếu thơ và tiếng ngâm để tôi nghĩ một câu thật hay rồi ngâm anh nghe.’’

Yên lặng một lúc rồi giữa đêm khuya thanh vắng Thanh cất tiếng ngâm:

“Người ơi, hồ rộng bao la
Thiên Thai trăng mở đường hoa đón người.”

Ngọc mê man vì cảnh đẹp, tiếng ngâm và lời thơ hay của người yêu nên chàng nói giọng đùa bỡn để che cảm động:

“Thơ ấy, thứ cô mà làm được. Chắc là cóp của ai chứ gì.’’

Thanh nói:

“Tôi còn một bài thơ hay hơn nhiều để lát nữa sẽ ngâm anh nghe. Bài ấy chính tôi làm ra từ lúc còn trong nước khi mới bắt đầu yêu người mà về sau là chồng tôi và đã đánh lừa, phụ bạc tôi.’’

Ngọc hỏi:

“Buổi chiều chị mua được cyanure de potassium chưa?’’

Thanh yên lặng không đáp. Bỗng ở một chiếc thuyền xa có tiếng người vọng lại. Thanh cất tiếng ngâm luôn một hơi:

“Đêm trăng thoảng tiếng ai trong gió
Lòng hỏi lòng biết có ai không?
Hay chăng tiếng vọng mơ mòng
Của lòng mình nói cho lòng mình nghe...”

Ngọc mới đầu ngờ ngợ, đến khi Thanh ngâm xong chàng quay lại sửng sốt nhìn Thanh:

“Bài thơ ấy chị làm?’’

“Này, anh lại sắp bảo tôi cóp thơ người khác có phải không? Bài thơ ấy tôi làm nên tôi mới thuộc lòng ngâm luôn một hơi. Anh có thấy tôi vấp váp một chữ nào không?’’

Thanh mỉm cười tiếp theo:

“Có anh cóp của tôi thời có. Nếu không, sao ở nhà chị...’’

Ngọc nhớ lại và hiểu nguyên do. Chàng chắc Thanh có đến chơi nhà chàng trọ từ khi chàng ở Văn Sơn, Ma-Lì-Pố. Thanh ghế người lại gần Ngọc hỏi:

“Cô Thuý hay cô Phương.’’

Ngọc đáp:

“Chị nhìn bức tranh thì biết là ai rồi, cần gì phải hỏi.’’

Bỗng chàng nghĩ ra một điều. Từ khi gặp Thanh mặc dầu nhiều lúc thân mật như đôi tình nhân, chàng vẫn không hiểu Thanh ra sao; Thanh chỉ có cảm tình với chàng như một người bạn hoặc một đồng chí, hay là nàng theo lệnh của Việt Minh cố quyến rũ chàng đúng như lời Ninh phỏng đoán. Hai mắt Thanh lúc thì mơ màng hiền hậu, có khi trong sáng vui tươi, thỉnh thoảng lại sắc sảo như hung dữ, độc ác. Ngọc nghĩ thầm: “Hay Thanh là Hồ Ly Tinh như trong truyện Liêu Trai’’. Bây giờ muốn biết rõ lòng Thanh chàng cần tỏ ra mình yêu Phương để xem Thanh có ý ghen tức không. Nghĩ vậy chàng nói tiếp:

“Ở Mông Tự làm gì có cảnh tôi vẽ như trong tranh. Với lại dáng người ngồi trong tranh không giống dáng cô Phương một tý nào cả.’’

Ngọc biết là dáng Thuý và dáng Phương giống nhau lắm vì khi kể chuyện về Thuý chàng đã có lần tả Thuý thon thon như người Phương nhưng chàng cũng cứ nói vậy để Thanh tưởng là chàng nói dối; nếu chàng có ý giấu giếm tức là chàng đã thực tình yêu Phương.

Quả nhiên Thanh mắc lừa biết là Ngọc đã nói dối. Nhưng nàng vẫn thản nhiên vì lúc nhìn nét mặt tái hẳn lại của Ngọc sáng ngày, nàng đã biết chắc chắn rằng Ngọc yêu nàng. Thấy Thanh thản nhiên, nói chuyện cười đùa vui vẻ, Ngọc không hiểu thêm được ý Thanh đối với mình ra sao.

Chàng lại có cảm tưởng rằng Thanh tinh khôn lắm, chắc là một nữ cán bộ lợi hại của Việt Minh và rờn rợn sợ. Thanh bảo bà lái đò lấy ra hai chai xá xị mua lúc nẫy rồi mở nắp đưa cho Ngọc, nói một cách quá ư dịu dàng thành ra mỉa mai:

“Mời anh xơi.’’

Ngọc nhắm mát lại rồi nói một mình:

“Chắc đã đến lúc rồi. Phạm nhân đã được ngắm cảnh đẹp, nghe hát hay, sắp sửa đến phút lên đoạn đầu đài.’’

Một lúc lâu chàng mới mở mắt ra đưa Thanh chai xá xị:

“Mời chi xơi trước tôi uống nửa dưới.’’

Thanh cười:

“Anh đề phòng thế cũng vô ích. Anh đã không hai lần uống cà-phê trước mặt Nghệ... Tôi xin uống trước để anh khỏi nghi ngờ tôi như Nghệ đã không nghi anh...’’

Thanh nhấc chai xá xị tu vào miệng chai, đợi một lúc lâu rồi đưa cho Ngọc.

“Bây giờ mời anh xơi. Chắc là không có thuốc độc. Vì nếu có thì tôi đã hoá ra ma rồi.’’

Ngọc cũng cầm chai tu một hơi cạn, ngồi yên nghe ngóng rồi nói với Thanh:

“À ra không việc gì. Tôi đã tưởng mình lên tiên.’’

Rồi hai người cùng bật lên cười một lúc.


Chương hai mươi lăm

Thuyền thuê đã đến lúc quay trở về cho đúng lời mặc cả với bà lái. Lúc đó thuyền đi về phía đông. Trước mái thuyền xa một quãng ánh trăng rải một con đường rắc hoa bạc; thuyền đi đến đâu thì ánh trăng ở gần biến đi và những hoa bạc khác lại dần dần hiện lên trên gợn sóng. Sương đêm bắt đầu xuống. Ngọc và Thanh không ai nói một lời nào, ngồi yên lặng ngắm vẻ đẹp của con đường lấp lánh hoa bạc như dẫn lối vào một thế giới xa xăm huyền ảo trong sương mờ.

Bỗng Thanh quay về phía Ngọc thở dài một cái rồi nói:

“Thế là anh chàng Phạm Lãi lại phải đi với Tây Thi. Mà Tây Thi cũng bị Phạm Lãi ám ảnh cứ ngồi kè kè ngay bên cạnh. Này anh có nhớ bài ‘Con thuyền không bến’ của Đặng Thế Phong không?’’

Ngọc đáp:

“Có, tôi chỉ nhớ loáng thoáng một vài đoạn: Đêm nay sương lam mờ trong mây, với lại: Cuốn theo chiều gió một con thuyền trôi trong trăng.’’

“Thế anh có muốn nghe không để tôi hát anh nghe nhé. Anh thì chẳng biết hát bài gì cả cứ việc ngồi ỳ thần xác ra đó để người khác hát cho nghe.’’

Ngọc cười:

“Tôi là phạm nhân mà.’’

Giọng Thanh trong và cao vẳng lên trong đêm trăng yên tĩnh. Bà lái nói:

“Cô hát hay quá. Tôi chưa nghe ai hát bài ấy bao giờ. Giống như bài hát Nhật ấy.
Thanh đáp luôn:

“Đấy là một bài hát Quảng Đông nổi tiếng. Thế bà có biết bài phú Xích Bích của Tô Đông Pha không?’’

“Tôi có biết chữ nghĩa gì đâu.’’

“Thế bà có xem truyện Tam Quốc không. Ấy trận Xích Bích là trận Tào Tháo đánh nhau với Chu Du, bị Gia Cát cầu phong thua liểng xiểng.’’

“Có, tôi có biết Tào Tháo vì đi xem tuồng.’’

Thanh nhìn Ngọc rồi nói với bà lái đò:

“Để tôi hát bài phú Xích Bích cho bà nghe.’’

Cả bài chữ Nho lẫn bài dịch, buổi trưa nàng đã đổi sẵn đi vài đoạn hoặc vài chữ. Nàng cất tiếng ngâm to:

“Nhâm Tuất chi xuân, nhất nguyệt ký vọng, Ngọc tử giữ Thanh nữ phiếm chu, du ư Tây Sơn chi hạ. Thanh phong từ lai, thuỷ ba bất hưng: cử xá xỉ chúc Ngọc, tụng công tác chi thi, ca cách mệnh chi chương. Thiểu yên, nguyệt xuất ư Tây Sơn chi thượng, bồi hồi ư chàng Ngọc chi nhân; bạch lộ hoàng giang, thuỷ quang tiếp thiên. Túng nhất vĩ chi sở như, Lăng thư ký chi mang nhiên. Hạo hạo hồ như bằng hư ngự phong, nhi bất tri kỳ sở chỉ: chiêu chiêu hồ như di thế độc lập, Thanh Ngọc nhi đăng tiên...’’ [4] .

Thanh ngâm ngay xuống đoạn Tào Tháo, Chu du không còn nữa:

Ngọc nhất thế chi hùng dã, Kim an tại tai!’’ [5] .

Rồi nàng chuyển sang hát bài dịch:

“Xuân Nhâm Tuất tháng giêng, mười sáu
Một con thuyền, một cậu một cô
Tây Sơn rặng núi lờ mờ
Nàng Thanh, chàng Ngọc trên hồ ngắm trăng
Gió lạnh buốt, nước bằng phẳng lặng
Xá xị ngon, Ngọc lắng câu ca
Câu thơ cách mệnh ngâm nga
Nhớ công tác trạm xót xa, ngậm ngùi
Bỗng trên không sáng ngời Ngọc-thỏ
Giữa Đẩu Ngưu soi rõ Tây Sơn...”

Đến chỗ Tào Tháo, Chu Du, nàng cao tiếng ngâm giọng thê thảm:

“Tứ với Nghệ bây giờ đâu hở?
Thân phù du trơ bộ xương khô!”

Thanh phải ngừng lại, lấy tay che miệng cười khi sắp ngâm đoạn cuối của bài dịch:

“Vừa đồng chí vừa anh em
Hai chai xá xị say mềm mới thôi
Ngổn ngang chai cốc rơi đây đó
Gối đầu nhau ngủ ở mạn thuyền
Hai người một giấc ảo huyền
Giòng Sông Thanh Thuỷ lên tiên có ngày [6] .”

Thanh ngâm hết bài thơ dịch, lại nhớ tới một câu trong bản dịch khác và tiếp luôn:

“Tiếng đã dứt, dư âm còn mãi
Kéo dài ra như sợi tơ vương...”

Ngọc nói:

“Chị ngâm nữa đi.’’

Thanh đáp:

“Hết rồi. Bây giờ ta cũng bắt chước anh Tường bàn chuyện triết lý. Anh xem còn đâu Tào Tháo, còn đâu Chu Du, cũng như sau này còn đâu Việt Quốc, Việt Minh, nhưng bóng trăng lòng sông Xích Bích, những câu phú hay của Tô Đông Pha muôn thuở còn mãi. Lâu bền nhất, thực nhất chỉ là cái đẹp. Đã có lần tôi nói với anh về kiếp con người và cái guồng máy, mỗi người đều có một kiếp, mọi hành động đều do những sức ngấm ngầm ở trong người mình thúc đẩy. Cuộc đời của mình nghĩa là cuộc đời anh, cuộc đời tôi, cũng như đời Tứ, Nghệ, đời của chị Nam y tá gì ở Văn Sơn, đi vào con đường nào đều do sức thúc đẩy mà không ai tự biết, tuy ai cũng vẫn tưởng chính mình đã lựa chọn. Một khi vào con đường đó, mình bị một ‘guồng máy vô hình’ lôi cuốn khó lòng thoát khỏi, chỉ cứ việc noi theo, không nhận định được cái gì là xấu, cái gì tốt, phía nào là sự thực, phía nào là sai lầm. Chắc anh cũng có biết câu của Pascal: Bên này dẫy núi Pyrénées là sự thực, bên kia là sai lầm [7] . Vậy nói đến Chân Thiện Mỹ, Chân không có...”

Thanh cười rồi tiếp theo:

“Không phải chân không có để đi đâu. Không ai biết đâu là chân lý. Đạo nào, triết lý gia nào cũng nói chính mình mới có được chân thực, còn người khác chỉ có chân giả; còn thiện cũng vậy, sáng ngày anh đã đuợc xem ông Ác, ông Thiện nhưng ông nào ác ông nào thiện? Như anh giết Nghệ thế là anh thiện hay ác; Nghệ cũng định giết anh chắc Nghệ cho việc mình là chân là thiện... À chỉ có cô Phương nhà anh là thiện thôi vì cô ta không giết ai bao giờ lại đan áo cho anh, thế là thiện lắm đấy chứ!’’

Ngọc nói giọng gắt:

“Bàn về triết lý xin chị để mặc cô Phương đấy.’’

“Tôi nói đến cô Phương việc gì anh cáu. Sắp đến Thiên Thai rồi. Ở Thiên Thai không ai cáu cả. Nhưng thôi, ba thứ Chân, Thiện, Mỹ thì Chân tuỳ từng người, Thiện cũng vậy, chỉ còn lại Mỹ; chỉ có cái đẹp là... khốn nhưng cái đẹp cũng tuỳ ý từng người nốt, anh, anh thấy cô Phương đẹp...Nhưng tôi lại khác, tôi thấy anh chàng Phạm Lãi đẹp hơn, tuy tôi chưa từng bao giờ thấy mặt. Mà Phạm Lãi hình như không cáu bao giờ, nhất là đối với Tây Thi...’’

Ngọc nói:

“Tôi không bao giờ hiểu nổi chị, chỉ có điều đó mới là sự thật, là chân lý.’’

Lúc hai người về tới thành phố thì đã khuya lắm. Thanh nói:

“Bây giờ tôi về nhà người bạn tôi ngủ đêm nay, hai người cùng về khuya một lúc sợ anh Tường nghi ngờ. Anh Tường thì tôi không sợ lắm, tôi sợ nhất anh Ninh của anh, vì tôi chỉ báo anh Tường là đêm nay tôi bận nói chuyện về sự tiến triển của triết lý với anh mê mải nên về khuya. Tôi sẽ nói là tôi không muốn anh đi xi-nê tốn tiền vô ích, rủ anh về nhà bạn tôi để ‘thuyết’ anh một trận: bắt đầu từ thuyết nguyên thuỷ triết lý, qua Platon, Aristote rồi đến Locke dựa vào quả táo của Newton, đến bọn theo thuyết Hédonisme, rồi Kant, Fichte cái anh chàng phát minh ra tự do, bố đẻ của Hegel tìm ra luật mâu thuẫn duy tâm, sau cùng đến cái anh chàng Marx đem đảo ngược cái Kim Tự Tháp duy tâm của Hegel, đẻ ra mâu thuẫn duy vật cộng sản khiến thế giới cũng đảo lộn, Việt Quốc, Việt Minh tìm cách đấu vật nhau và tay anh bao lần vấy máu. Đấy anh cố nhớ những tên các triết gia ấy, lỡ anh Tường có hỏi thì anh đem ra trả lời. Cần nhất quả táo rơi của Newton, hay anh nói vì một bông hoa trà hay một cô Tây Thi từ lan can chùa Si–San rớt xuống chân núi nên Fichte mới đẻ ra tự do, có tự do tất phải có cái chống lại thành ra luật mâu thuẫn duy tâm của Hegel và duy vật của Marx. Bây giờ thì chuyện ngã ngũ rồi: tự do sinh ra dân chủ Tây phương, tự do cũng sinh ra độc tài cộng sản. Lại còn anh chàng Nietzsche với con người Siêu nhân cho phép Hitler đẽo một cái trục với Mussolini, cả hai bây giờ đều chết ngoẻo, nhưng Nhật theo đúng tinh thần của Vương Dương Minh vẫn còn, thiên hạ đánh nhau lung tung, anh mới chạy sang đây gặp tôi và vì chán ngán nhân loại nên hai lần rủ tôi đi, một lần cùng tôi trôi vào Đào Nguyên, một lần ở hồ Si San cùng tìm kiếm Thiên Thai.’’

Thanh cười tiếp theo:

“Vì chuyện Thiên Thai mà anh đâm cáu sườn với tôi, chung qui chỉ tại cái anh chàng Fichte cái anh chàng Marx. Thôi bây giờ đến nhà bạn tôi rồi, anh về kẻo khuya.’’

Thanh tiến lên ngừng lại trước một căn nhà chỉ vào làm hiệu nàng ở đấy rồi giơ tay vẫy từ biệt Ngọc.

Sáng hôm sau, Thanh đến sớm và mặc quần áo Việt. Một lát sau nàng bưng lên hai chậu nước trong bên cạnh có để hai chiếc khăn mặt sạch tinh, một cái màu trắng, một cái xanh nhạt cho khỏi lẫn; còn chiếc khăn mặt của Thanh thì màu hồng như màu hoa đào. Tường và Ngọc rửa mặt xong, trên bàn đã có hai cốc cà-phê toả hơi thơm.

Ngọc hai tay ôm lấy cốc cà-phê cho ấm đứng tựa cửa sổ nhìn xuống. Trời lạnh nhưng ở dưới vườn Thanh đã cởi áo len chỉ mặc có chiếc áo cánh. Nàng xắn tay áo để lộ ra hai bắp tay trắng rồi cúi mình thả dây cho thùng xuống giếng lấy nước đổ vô chiếc chậu gỗ giặt quần áo. Vì nàng cúi xuống cố sức kéo dây nên mỗi lần ngửng lên hai gò má ửng hồng, đỏ hơn cả hôm đứng gần cây trà ở chùa Sơn Tây. Nàng ngồi xuống khoắng cả hai tay vào chậu nước trong. Ngọc thấy nàng rùng mình một cái, chắc vì giếng nước giá lạnh. Hôm ấy nàng giặt mấy bộ quần áo ngủ của nàng. Thanh xát xà phòng cho đầy nước bọt rồi vò từng chiếc áo một.

Nắng đã bắt đầu chiếu xuống bức tường cạnh giếng. Giặt xong, Thanh mím môi, lấy hai tay cố sức vắt áo thật kỹ rồi rũ và đem phơi lên chỗ giây thép có nắng. Dây thép ở gần chỗ buộc nên hơi cao, nàng phải kiễng chân mới với tới. Bỗng nàng ngửng nhìn lên, thấy Ngọc đứng ở cửa sổ, cốc cà-phê đã cạn nhưng vẫn cầm ở tay. Ngọc mỉm cười và thấy Thanh cũng mỉm cười đáp lại; vì hai con mắt Thanh hơi thoáng vẻ tinh nghịch nên Ngọc tưởng nàng định rủa thầm mình:

“Anh chỉ được cái ăn uống là giỏi...’’

Ngọc nhìn rất lâu vào hai con mắt thân yêu. Chàng thấy Thanh khác hẳn hôm trước khi đi chơi núi và chơi hồ, mơ mộng những chuyện Thiên Thai hoặc bàn luận lôi thôi về triết lý.

Sáng hôm nay, nhìn Thanh vắt và phơi áo, hai cánh tay vén lên gần vai, Ngọc thấy nàng chỉ là một cô gái đơn sơ, và cuộc đời nữa cũng đơn sơ, như cảnh phơi quần áo ở một khu vười nhỏ xinh xinh bắt đầu nhuộm nắng nhạt một buổi sáng trời trong, thoáng gió nhẹ.

“Chị Thanh ơi.’’

Thanh ngửng lên nhưng mãi không thấy Ngọc nói gì. Ngọc nghĩ thầm:

“Thiên Thai ở đây, cần gì đi tìm đâu xa, tốn công như Lưu Nguyễn.’’

Nhưng chàng không nói ý nghĩ ấy ra với Thanh. Chàng hỏi:

“Trưa hôm nay ăn gì chị Thanh?’’

Thanh không đáp ngay. Nàng kéo thẳng chiếc áo cánh phơi ở dây thép xuống cho thấp, mỉm cuời rồi giấu mặt sau chiếc áo, nói to:

“Trưa hôm nay ấy à? Anh ăn hoa Trà Mi thổ phỉ của tôi trộn với tim thổ phỉ của cô Phương.’’

[1]Si San: Tây Sơn
[2]Đại Quan Lâu
[3]Hoả đầu phu: người trông việc bếp nước
[4]Nguyên bản chữ Nho: Nhâm Tuất chi thu, thất nguyệt ký vọng, Tô Tử dữ khách phiếm chu, du ư Xích Bích chi hạ. Thanh phong từ lai, thuỷ ba bất hưng, cử tửu chúc khách, tụng Minh Nguyệt chi thi, ca Yểu điệu chi chương. Thiểu yên, nguyệt xuất ư Đông Sơn chi thượng, bồi hồi ư Đẩu Ngưu chi gian, bạch lộ hoàng giang, thuỷ quang tiếp thiên.Túng nhất vĩ chi sở như, lăng vạn khoảnh chi mang nhiên. Hạo hạo hồ như bằng hư ngự phong, nhi bất tri kỳ sở chỉ: chiêu chiêu hồ như di thế độc lập, Vũ hoá nhi đăng tiên...
[5]Cố nhất thế chi hùng dã, nhi kim an tại tai.
[6]Dựa theo bản dịch của Học Canh:
Thu Nhâm Tuất qua rằm tháng bảy,
Một con thuyền bát cậy bên sông
Dưới non Xích Bích chập chùng
Chàng Tô với khách theo giòng lượn chơi
Gió hây hẩy nước trời phẳng lặng
Cất chén mời khách lắng câu ca
Thơ thần Minh Nguyệt ngâm nga
Này chương Yểu Điệu thiết tha tuyệt vời!
Bỗng ngang không sáng ngời ngọc thỏ
Giữa Đẩu Ngưu soi rõ Đông Sơn
..................................................
Người trước thế bây giờ đâu tá?
Mình bọt bèo cửa cá rừng sông
...............................................
Tưng bừng này bác này em
Quả hoa nhẫn sạch say mềm mới thôi
Ngổn ngang chén bát rơi đây đó
Gối đầu nhau ngủ ở mạn thuyền;
Êm êm mơ giấc mơ tiên
Vầng Đông ai đã treo lên lúc nào!
[7]Vérité en decà des Pyrénées, erreur au delà (Pascal)
Nguồn: Nhất Linh, Giòng sông Thanh Thuá»·, Đời Nay xuất bản, Sài Gòn 1961, Văn Má»›i tái bản tại Hoa Kỳ. Bản Ä‘iện tá»­ do ông Nguyá»…n Tường Thiết cung cấp. Bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của gia đình tác giả.