© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
1.1.1990
Phan Huyền Thư
Lưu vong trên đất mẹ
 

Xin trao thi sĩ vòng hoa tặng,
Chúng ta đã thắng trước cuộc đời.
(Thanh Tâm Tuyền, "Tôi không còn cô độc")



Tôi xin bắt đầu bằng một lời cảm ơn. Cảm ơn anh Nguyễn Hữu Hồng Minh, một nhà thơ nổi tiếng vì mê thơ và thơ được mê, khi anh kết thúc cuộc tranh luận về thơ trẻ, bằng cách trải ra một tấm thảm đỏ cho chúng tôi, những người mới làm thơ, được bước ra giữa sân đình, rụt rè, "Tôi ra đây có phải xưng danh không ạ?," và từ cánh gà có tiếng vọng ra, "Không xưng danh thì ai biết là ai?"

Vậy thì tôi là ai?
Tự nhận là nhà thơ là một thái độ thẳng thắn, ít ra là với mình, mặc dù chưa chắc đã được mọi người chấp nhận; vậy thì - để cho chắc ăn hơn, vẫn chỉ là với mình - tôi nhận tôi là nhà thơ trẻ, trong niềm ước mong, rằng, thơ không có tuổi, nhưng thi sĩ cứ luôn luôn trẻ mãi.

Xin trao thi sĩ vòng hoa tặng: Auden, nhà thơ người Anh, khi được hỏi, hãy chọn bông hoa đẹp nhất trong vòng hoa tặng, ông cho biết, bông hoa đó đã tới với ông một cách thật là khác thường. Bạn của ông, Dorothy Day, bị ( b3/4t giam) vì tham gia biểu tình. Ở trong tù, mỗi tuần, chỉ một lần vào thứ bẩy, là nữ tù nhân được phép lũ lượt xếp hàng đi tắm. Và một lần, trong đám họ, một tiếng thơ cất lên, thơ của ông, bằng một giọng dõng dạc như một tuyên ngôn:

"Hàng trăm người sống không cần tình yêu,
Nhưng chẳng có kẻ nào sống mà không cần nước"

Khi nghe kể lại, ông hiểu rằng, đã không vô ích, khi làm thơ. Chúng ta đã thắng trước cuộc đời.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, khi được hỏi, ông làm thơ cho ai, Auden trả lời: nếu có người hỏi tôi như vậy, tôi sẽ hỏi lại, "Bạn có đọc thơ tôi?" Nếu nói có, tôi sẽ hỏi tiếp, "Bạn thích thơ tôi không?" Nếu nói không, tôi sẽ trả lời, "Thơ của tôi không dành cho bạn."

Tôi tản mạn về một nhà thơ nước ngoài như trên, là để nói ra điều này: Tôi hoàn toàn đồng ý với anh Nguyễn Hữu Hồng Minh, rằng thế hệ nhà thơ nào cũng muốn chứng tỏ một điều: chúng tôi đã không vô ích, khi làm thơ. Chính vì các thế hệ đi trước chúng tôi đã chứng tỏ được điều trên, và đã thắng trước cuộc đời, cho nên đây là một thách đố đối với những nhà thơ trẻ như chúng tôi: đừng làm cho thơ trở thành vô ích. Và nếu thơ của lớp đàn anh chúng tôi, đã làm xong cái phần đóng góp cho sự nghiệp chung của dân tộc, thơ của thế hệ trẻ chúng tôi, có lẽ sẽ làm nốt cái phần còn lại: thơ sẽ nói lên nghệ thuật của sự tưởng niệm, và mỗi bài thơ, được viết đúng lúc như thế đó, sẽ trở thành một khúc kinh cầu. Ðó là tham vọng và cũng là thách đố của thơ trẻ.

Nhưng trẻ, thế nào là trẻ? Và thế nào là một nhà thơ trẻ?

Cho phép tôi trở lại với Auden. Khi người phỏng vấn đưa ra nhận xét, trong những bài thơ đầu, có vẻ như ông hục hặc với quê hương Anh, và cái giọng gây sự đó không thấy ở những bài thơ sau, khi đã ở Mỹ; có vẻ như ông cảm thấy thoải mái, như ở nhà của mình, khi ở đó; và nhà thơ trả lời, đúng như vậy, nhưng đây là vấn đề tuổi tác. "Bạn biết đấy, mọi người đều thay đổi. Và điều tối quan trọng với một người viết, là hãy ở đúng tuổi của mình, không trẻ hơn và cũng đừng già hơn." Một nhà thơ có thể tự hỏi, tại sao mình không làm thơ vào lúc 40 tuổi, nhưng không bao giờ, tại sao mình không làm thơ vào năm 2000, thí dụ vậy.

Tôi suy ra một điều: với lớp thơ đàn anh, có vẻ như chúng tôi được coi là trẻ, là vì tuổi còn trẻ, những nhà thơ con nít, ranh con, cứ nói như vậy. Chưa ai đưa ra nhận xét, thơ của họ trẻ, theo nghĩa, đầy chất sáng tạo, đầy ý thơ trẻ, mới. Cũng có người, nhiều người, đưa ra nhận xét: "thơ của họ trẻ, vì tràn trề dục tính" theo nghĩa: "người già hết gân rồi, lấy đâu ra hứng mà làm thơ dục tính! "


Có một điều không được thuận cho lắm, đấy là sự hai chiều giữa chúng tôi và họ (các thế hệ đi trước). Chúng tôi đọc họ nhiều, kỹ, với thái độ tôn trọng và nghiêm túc học hỏi. Chúng tôi hiểu về họ cũng rất tỉ mỉ và cam đoan là không ai dám hiểu sai những gì họ viết; ít nhất chúng tôi cũng phân biệt được mỗi người trong số họ khác nhau thế nào, và tại sao lại có giọng điệu riêng như thế... Ðiều này vô cùng quan trọng bởi vì chúng tôi không được phép giống họ, không được phép làm những gì họ đã làm.

Những qui định ngầm như vậy bên trong mỗi một nhà thơ trẻ thật là quyết liệt và cũng thật hão huyền. Thực tế cho thấy thất bại ê chề của một số những cây bút lao vào viết a dua theo các cụ, các chú đều chết yểu, không mấy ai nhớ đến. Thế nhưng làm khác, làm độc đáo một cách rùm beng và tối tăm cũng không được chấp nhận. Người có quyền chấp nhận hay không chính là độc giả và thời gian tối thiểu để biết mình có được chấp nhận hay không cũng là mười năm. Phải có một thế hệ tiếp nối chúng tôi ra đời, chúng tôi mới biết mình có làm được gì hay chưa. Vậy chúng tôi khác thế hệ đi trước như thế nào? Vì sao lại có những thay đổi như vậy trong cách nghĩ, cách viết? Tôi mong mỏi câu trả lời từ phía thế hệ đàn anh, đàn chú bởi vì chúng tôi mong họ hiểu đúng về mình. Ðiều làm cho những nhà thơ trẻ chúng tôi còn băn khoăn là: liệu mình đã được công nhận như một thế hệ làm thơ mới chưa?

Với tư cách của riêng cá nhân tôi, xin được đưa ra vài thu hoạch tự mình trong quá trình viết, đọc và hiểu mình, hiểu người:

- Chúng tôi ít dùng cấp so sánh ngang, ví von, vần vè hoa hoè hoá sói. Chẳng hạn, bông hoa đẹp thì trực tiếp tả cái đẹp của bông hoa, không cần ví nó giống cái gì khác, như cái nọ, như cái kia... Hoặc phải vòng vèo tả lướt qua dăm bảy bông bên cạnh để rồi cho thấy bông hoa mình tả mới là đẹp nhất. Chúng tôi thích đi vào bản chất của sự việc và thi ảnh cũng trực tiếp. Nói là ít, chứ không phải là không dùng. Ngay như câu thơ được coi là hay tiêu biểu của chị Vi Thuỳ Linh luôn được nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trích dẫn ở khắp nơi: " ....cát bay lên như những linh hồn..." thì cũng là một câu thơ viết theo lối cũ. Nếu bỏ từ "như" câu thơ chắc sẽ mới hơn, hay hơn và đi vào bản chất hơn. Nếu giữ nguyên từ "như", phép tưởng tượng cda mét (r)éc gi¶ th"ng th­êng cùng lắm cũng chỉ ra na ná như những vòng xoáy cát trong phim "Xác ướp Ai Cập" là cùng!
- Chúng tôi ít dùng số hoá: chẳng hạn, hàng cây là hàng cây; những hàng cây thì lại quá nhiều, quá dài rộng không quan sát được...Ðiều đó tạo ra một cảm giác chung chung, thiếu cụ thể mà các bài thơ của các đàn anh hay mắc. Chúng tôi ý thức được rất rõ sự khác nhau giữa "một" và "những".
- Chúng tôi ít dùng biện pháp nhân cách hoá, bởi vì chúng tôi muốn đặt sự vật và con người bình đẳng, không cần phải biến cái cây, con bọ thành người.Tự thân sự vật cũng có linh hồn và những diễn biến phức tạp của riêng nó. Chẳng hạn như câu thơ của Văn Cầm Hải mà nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng rất hay trích dẫn: "...Chùm hoa ti- gôn cũng đỏ màu tập thể..."
- Chúng tôi ít dùng các thể thơ có sẵn như: lục bát, song thất lục bát, thất ngôn bát cú, tứ tuyệt, xon-nê.... không phải các thể thơ đó không hay, không có giá trị, nhưng đôi khi nó làm cho người viết bị cảm giác tù túng, mất tự do theo đuổi những ý nghĩ, cảm xúc và trí tưởng tượng, thi ảnh của mình bằng những nhạc điệu buồn tẻ. Làm thế, chẳng khác nào viết lời mới cho một bản nhạc có sẵn. Thành kính mà nói, chúng tôi thấy các thể thơ trên đã được các thế hệ đi trước khai thác đến triệt để, cùng kiệt rồi, nếu làm chắc chúng tôi sẽ không thể phát tiết hơn được.

Ðây chỉ là một vài phát hiện nho nhỏ về sự khác trong những sáng tác trẻ với các thế hệ đi trước. Tôi cho ràng điều khác biệt cơ bản là: Hoàn cảnh xã hội và kinh tế của đất nước đã có rất nhiều thay đổi, rất nhiều điều mới tốt và xấu. Sự bùng nổ thông tin, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước kéo theo những chuyển biến nhanh về vật chất khiến cho tốc độ nạp vào của trí tuệ con người nói chung đòi hỏi phải linh hoạt hơn. Và một điều rất quan trọng là, chúng tôi phải đối mặt: "tốc độ nhớ phải rất nhanh nhưng tốc độ quên còn nhanh hơn". Chính vì vậy sự quyết định đến hình thức mới của thi ca là phải đầy thông tin, cô đọng, đơn giản và đi vào bản chất trực tiếp. Làm được như vậy mà vẫn giữ được âm vang, nhạc điệu, tiết điệu của mạch thơ, của ngôn ngữ chính là nhiệm vụ của chúng tôi và các thế hệ đi sau nữa.

Thế hệ viết trẻ chúng tôi thật tự hào vì mình là công dân của một đất nước độc lập, tự do. Nhưng cũng chính vì sự độc lập tự do vinh quang ấy, chúng tôi lâm vào một mê hồn trận. Chúng tôi giờ đây sống quá sung túc, đầy đủ so với các thế hệ cha anh. Chúng tôi được hưởng nền hoà bình yên ấm một cách đương nhiên vì không phải chịu một mất mát nào về cả tinh thần lẫn thể xác. Chúng tôi sẽ thật hiếm hoi kiếm được danh hiệu thương binh hay liệt sĩ bởi vì chúng tôi không biết thế nào là chiến tranh. Chúng tôi sống thiếu lý tưởng hơn so với các thế hệ cha anh vì chúng tôi không có một kẻ thù chung và cụ thể nào cả. Chúng tôi không thấy căm thù thực dân Pháp hay đế quốc Mỹ. Kẻ thù của chúng tôi bây giờ là cái ác, sự ngu dốt, đói nghèo và bệnh tật. Tất cả những kẻ thù đó thật vô hình và nằm trong bản thân mỗi người. Chúng tôi phải tự đấu tranh và tiêu diệt kẻ thù trong chính bản thân mình. Nhưng dẫu sao, thật may mắn vì chúng tôi đã là công dân của một đất nước tự do. Chính tự do, theo tôi là bản chất của thi ca. Mỗi người được tự do trong thế giới cảm xúc của riêng mình. Tôi xin nói thêm về đề tài, thực ra với kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy nhà thơ trước hết phải tự do trong tư tưởng, trong cảm giác của mình. Chính vì vậy, cái mà nhà thơ mô tả không nhất thiết phải là cái có thật, cái có ý nghĩa... và thơ cũng không nhất thiết đơn thuần chỉ là nghệ thuật của sự mô tả bằng hình tượng, bằng ngôn ngữ. Thơ là sự diễn dịch thế giới cảm xúc tự do và bí ẩn của mỗi cá nhân. Ngôn ngữ của thơ phải là sự âm vang, không phải chỉ là sự có ý nghĩa lạnh tanh, khô khốc và vô cảm. Ðiều ưu việt hơn cả của lực lượng các nhà thơ trẻ hiện nay có lẽ là sự tự do trong đề tài. Thực ra, đối với họ không có đề tài nào khi làm một bài thơ cả, nhưng cuối cùng cái mà nhà thơ đưa đến cho người đọc lại chính là điều mà nhà thơ muốn nói. Chính vì những điều mà thơ trẻ hôm nay muốn nói rất đa dạng, phóng khoáng và tự do; thậm chí có vẻ xa xăm, mờ mịt... nên có thể gây sự khó chịu, bực tức với một vài độc giả, nhưng điều đó cũng là chuyện thường, không mấy quan trọng. Chúng tôi có thể nhìn thấy nhau, đọc của nhau, hiểu nhau và thấy rất thú vị. Có thể ngầm điểm danh một số các bạn viết trẻ nhưng rất đáng khâm phục như: Văn Cầm Hải, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Quyến, Dạ Thảo Phương, Nguyễn Vĩnh Tiến, Vi Thuỳ Linh, Lê Thị Mỹ Ý...và nhiều bạn trẻ hơn nữa. Thật khó hiểu là tại sao các thế hệ đi trước lại không hiểu chúng tôi một cách dễ dàng, thân ái như chúng tôi đã từng hiểu và kính trọng họ?

Thêm một lần nữa, chủ quan để phát biểu, tôi luôn hình dung ra nền văn chương của mỗi quốc gia như một con diều có ba đuôi. Cái đuôi dài nhất, đẹp nhất ở chính giữa giúp cho con diều bay lên được là văn chương chính thống. Bên cạnh đó, hai cái đuôi nhỏ hơn, ngắn hơn nhưng lại giữ vị trí cân bằng cho con diều là thứ văn chương lưu vong của những người xa tổ quốc. Cái đuôi còn lại là loại văn chương đi tù.(Có thể gộp chung cả văn chương mang tính chất chống đối, nổi loạn và thứ văn chương được viết ở trong tù). Hai cái đuôi phụ tuy là không được nhìn nhận một cách chính thống nhưng bao giờ cũng góp một phần vào việc nhận diện ra cả con diều văn học. Ðã từng có những nhà văn đoạt giải Nobel trên thế giới là người lưu vong hoặc đã từng đi tù. Chúng tôi đương nhiên là muốn đứng trong hàng ngũ của cái đuôi chính thống, nhưng biết làm gì nếu cứ mãi không được tiếp nhận vào nền văn học chính thống của đất nước bằng cái biển đợi: "Có triển vọng". Chỉ là loại có triển vọng thôi thì chúng tôi sẽ lâm vào cảnh "lưu vong trên đất mẹ" đợi ngày cấp visa. Vì chúng tôi không thích vượt biên và lại càng không thích đi tù.

Tôi xin được kết thúc những suy nghĩ chân thành của mình bằng một câu châm ngôn vui vẻ: "Bọn trẻ thường hay bị lừa bởi những của giả, người già thường hay nghi ngờ cái có thật". Có thể, những giá trị mà chúng tôi hôm nay đang say mê theo đuổi chỉ là những điều không có thật, cuộc đời sẽ dạy cho chúng tôi phải mở mắt ra. Học phí như vậy cũng thật đáng quí. Thế nhưng những cái đã có thật thì sao? Vậy thì, học theo nhà thơ người Anh nọ, tôi xin lỗi, nếu thơ tôi không dành cho bạn!
Nguồn: Bản đã biên tập cá»§a bài viết này đăng trên Tia Sáng, số 3.2002, mang tá»±a đề "Xin lá»—i, nếu thÆ¡ tôi không dành cho bạn