Xin được có 1 số ý kiến về đồng tính luyến ái (ĐTLA) sau 1 thời gian im lặng ở Bàn tròn vì đã không có thời gian để viết. Những ý kiến này được viết trên những câu hỏi của anh Nguyễn Anh Cơ.
ĐTLA là một hiện tượng tự nhiên tồn tại không những trong suốt lịch sử của loài người mà nó còn được thấy xuất hiện trong các loài vật. Ở thời gian này, thế giới đang ở trong giai đoạn vừa trải qua rất nhiều biến động trong một thời gian ngắn đi từ cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật cho đến các biến động trong chính trị mà từ đó chế độ dân chủ được thiết lập tin rằng mọi người đều có quyền và cơ hội công bằng như nhau cấu trúc xã hội thay đổi, một số tiêu chuẩn đạo đức cũng thay đổi trong đó nhu cầu cá nhân được đề cao, rồi các phong trào đấu tranh nhân quyền nổi lên trong đó có phong trào đấu tranh cho ĐTLA. Xã hội trở nên cởi mở hơn, suy nghĩ của con người trở nên thoáng hơn và có nhiều người hơn biết đến và chấp nhận ĐTLA. Thử tưởng tượng trong xã hội phong kiến ngày xưa có mấy người biết đến khái niệm ĐTLA. Thực tế mà nói đại đa số trong xã hội ngày nay người ta vẫn chưa chấp nhận ĐTLA và thậm chí một số thù hằn ghét bỏ. Nhiều người cố gắng mổ xẻ vấn đề ĐTLA để đi tìm những lý do cho mình để ủng hộ hay bác bỏ. Không ai nhìn ĐTLA chỉ đơn thuần là sự luyến ái giữa 2 người đồng giới và không thể sinh sản mà nguời ta đem ra bao nhiêu là khía cạnh khác để mà quan sát từ sinh học, triết học cho đến các tiêu chuẩn đạo đức của xã hội.
Khía cạnh sinh học và triết học dường như đã đạt được 1 sự hiểu biết đối với ĐTLA. Nhiều thí nghiệm và nghiên cứu khoa học cho thấy ĐTLA không phải là bệnh, không lây lan, và người ĐTLA là bình thường như mọi người chỉ duy nhất khác ở chỗ người đó có xu hướng tình dục cho người đồng giới. Triết học thì tìm hiểu về quá trình hoà hợp của 2 cá thể từ thể xác đến tâm hồn và những lý thuyết được viết cho thấy một sự thông hiểu và chấp nhận trên vấn đề ĐTLA.
Các tiêu chuẩn đạo đức có lẽ là khía cạnh đem đến nhiều băn khoăn bối rối nhất cho người ta để có thể chấp nhận ĐTLA. Tại sao người ta chưa bao giờ thắc mắc rằng dị tính luyến ái (DiTLA) là đúng hay sai mà chỉ thắc mắc ĐTLA? Dĩ nhiên là vì DiTLA là yếu tố di truyền nòi giống nhưng bên cạnh đó còn bởi vì DiTLA là quá bình thường và được cho là hiển nhiên, người ta thường chẳng bao giờ thắc mắc về điều bình thường mà chỉ thắc mắc về điều gì đó khác thường ít phổ biến, trước Newton thì có ai thắc mắc là tại sao trái táo rơi xuống mà không rơi ngược lên đâu. Vậy thì tại sao con người lại thường không thắc mắc về những thứ được coi là bình thường? Bởi vì người ta đã quen với nó, nó trở thành quá hiển nhiên như là phải ăn khi đói và uống nước khi khát vậy.
Những thứ được cho là bình thường này làm thành 1 lối nghĩ, 1 văn hoá cho 1 cộng đồng. Và những lối nghĩ này đặt ra những tiêu chuẩn cho 1 cộng đồng. Những tiêu chuẩn này được truyền bá và trải rộng ra trong cộng đồng và được truyền từ đời này sang đời khác cũng qua quá trình "nó được làm cho trở nên quen thuộc và hiển nhiên" và cũng vì sự phát triển của con người chịu sự ảnh hưởng của nhau rất lớn. Những tiêu chuẩn này chính là những tiêu chuẩn đạo đức của 1 cộng đồng, cái được tin là đúng và nên làm theo. Vậy thì tại sao nó được tin là đúng và 1 cộng đồng luôn mong đợi từng cá thể trong nó thực hiện theo?
Mọi người đều có những tiêu chuẩn và niềm tin nhất định trong cuộc sống, người ta cần nó để mà sống, để biết phải làm gì khi đối mặt với 1 vấn đề nào đó. Bởi vì sống là 1 quá trình liên tục thực hiện các quyết định và giải quyết các vấn đề từ chuyện nhỏ nhặt cho đến chuyện lớn. Các tiêu chuẩn đạo đức và tôn giáo đã xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu đó của con người, và chúng được đặt ra dựa trên cảm xúc của con người nhằm giúp cộng đồng xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Một số tiêu chuẩn đạo đức được xây dựng dựa trên cảm xúc bản năng của con người (nghĩa là yếu tố môi trường không ảnh hưởng) chẳng hạn như giết người bị coi là tội lỗi vì cảm xúc bản năng của đa số chúng ta là thương yêu nhau, có tính thiện ngoại trừ 1 số kẻ sinh ra với bản năng máu lạnh. Những tiêu chuẩn đạo đức này tồn tại trong mọi cộng đồng.
Một số tiêu chuẩn đạo đức khác những cái góp phần xây dựng nên văn hoá, những tiêu chuẩn này không phải tự nhiên mà có trong mỗi con người mà được hình thành qua sự giáo dục và sự ảnh hưởng của cộng đồng, vì thế những tiêu chuẩn này sẽ khác nhau giữa các cộng đồng. Ví dụ như, ở Việt Nam, hôn nhau ngoài đường là không nên vì người ta không thích nhìn thấy nó. Vì sao vậy? Vì họ không quen nhìn thấy nó từ nhỏ rồi và họ được dạy như thế là không nên, rồi thói quen của cảm xúc kiểu này được hình thành trong quá trình trưởng thành và già đi, nó dần trở thành tự nhiên. Nếu bị hỏi là vì sao không nên thì họ sẽ không trả lời được mà chỉ biết là nhìn thấy nó thì thấy chướng mắt. Trong khi đó hôn nhau ngoài đường ở phương Tây là tự nhiên chẳng có gì gọi là không nên. Hay 1 ví dụ khác, trong xã hội Việt Nam nói riêng hay xã hội châu Á nói chung, con cái được mong đợi là phải chăm sóc cho cha mẹ để đền ơn sinh thành và dưỡng dục nếu không sẽ bị xã hội lên án là bất hiếu. Còn trong xã hội phương Tây thì ai nấy tự lo, công sinh thành và dưỡng dục được coi là nhiệm vụ của bậc cha mẹ nên con cái không cần phải trả ơn.
Những tiêu chuẩn kiểu này hình thành trên yếu tố lịch sử của từng cộng đồng, khác nhau theo từng thời và thay đổi theo thời gian hướng đến mục đích làm cho cuộc sống ngày càng dễ dàng hơn cho mọi người trong cộng đồng. Chẳng hạn như trong xã hội châu Á ngày xưa thì kiểu mẫu đại gia đình rất phổ biến với 3, 4 thế hệ sống chung 1 nhà, từng cá thể sống gắn bó vào gia đình. Lối sống kiểu này mặc dù có cái lợi là các thành viên trong 1 gia đình có sự nâng đỡ của nhau nhưng hạn chế tự do cá nhân. Ngày nay tự do cá nhân được đề cao vì thế xã hội châu Á bây giờ ít có kiểu đại gia đình mà đang phát triển theo hướng hướng tới thoả mãn tự do cá nhân. Những tiêu chuẩn đạo đức kiểu này có tính tương đối, nghĩa là người này cho là đúng trong khi người khác cho là sai, và chúng có thể thay đổi được khi lối nghĩ thay đổi.
Tóm lại, tiêu chuẩn đạo đức có 2 loại như nêu trên. Vậy thì, ĐTLA va chạm với loại nào trong các tiêu chuẩn đạo đức? Khoa học nói rằng người ĐTLA không có gì khác biệt với người DiTLA ngoại trừ xu hướng tình dục, vậy thì họ không va chạm với những tiêu chuẩn đạo đức loại thứ nhất. Cái mà họ va chạm là các tiêu chuẩn đạo đức ở loại thứ hai, là những tiêu chuẩn được đặt ra từ nhu cầu phát triển của 1 xã hội có khi phù hợp với thời này nhưng trở nên lạc hậu ở thời khác.
Sự va chạm đầu tiên của ĐTLA trên những người DiTLA là "thật chướng mắt". Có lẽ không cần giải thích thêm về lý do vì sao người DiTLA lại cảm thấy như vậy, cũng chỉ tương tự như ví dụ hôn nhau trước công cộng ở VN. Người DiTLA không quen nhìn, họ không hiểu được và không sao hình dung ra được rằng làm sao 2 người đồng giới lại có thể có cảm xúc cho nhau khi mà bản thân họ là DiTLA và được giáo dục từ nhỏ và lớn lên trong nền văn hoá DiTLA. Đối với những người có tính khoan dung và đầu óc cởi mở, họ sẽ dễ đi đến sự chấp nhận hơn. Trong khi đa số những người còn lại vẫn cảm thấy không thể nào chấp nhận được. Có nhiều người DiTLA cố gắng tìm hiểu vấn đề ĐTLA, có sự hiểu biết nhưng chưa chắc có thể thay đổi ác cảm của họ trong 1 ngày 1 đêm. Điều này cũng là tự nhiên vì cảm xúc con người vốn có tính ỳ khá lớn. Cũng có những người DiTLA không muốn tìm hiểu và không muốn hiểu về ĐTLA. Ở 1 khía cạnh khác không xa, niềm tin tôn giáo là 1 yếu tố ngăn cản sự thay đổi trong lối nghĩ. Đa số các tôn giáo hiện nay vẫn chống đối ĐTLA. Niềm tin tôn giáo vốn khá mạnh và có thể coi là rào cản lớn cho bất cứ sự thay đổi nào. Lịch sử cho thấy khi xưa để thay đổi quan điểm trái đất là vuông thành trái đất là tròn, đã có nhiều nhà khoa học phải hy sinh vì đấu tranh với nhà thờ và nhân loại đã mất bao nhiêu thời gian để đi đến được sự thật.
Sự va chạm thứ hai đi xa hơn lý do "chướng mắt", đó là ĐTLA không thể sinh sản, không thể di trì nòi giống. Ở khía cạnh này, người ta ít nhìn vào những người ĐTLA như những người chẳng may bị bệnh vô sinh. Người ta thường nhìn ĐTLA dưới khía cạnh ác cảm chứ không phải thương hại như đối với những người vô sinh. Trên thực chất 2 hiện tượng ở khía cạnh này là như nhau. Vậy mà không ai bàn đến chuyện liệu những tiêu chuẩn đạo đức như loạn luân có áp dụng cho người vô sinh hay không. Thêm nữa, người ta thường di đến suy diễn nếu chấp nhận ĐTLA thì nhân loại sẽ bị tiệt chủng. Đây là sự ngoại suy của 1 số người. Nói trên khía cạnh này, tác hại của ĐTLA cũng tương tự như hiện tượng vô sinh. Xu hướng ĐTLA là 1 yếu tố tự nhiên, là 1 phần bản năng của những người ĐTLA. Nó không thể bị làm thay đổi, bỏ đi hay tạo ra được. Một người DiTLA không thể bị làm cho trở thành ĐTLA. ĐTLA lại là 1 hiện tượng hiếm (không là đa số), vậy thì cho dù với sự chấp nhận và phổ biến ĐTLA về mặt thông tin thì có muốn nhân loại bị tiệt chủng vì ĐTLA cũng không được.
Sự va chạm thứ ba là việc lập gia đình của người ĐTLA. Quyền được kết hôn là quyền có được sự công nhận của xã hội đối với sự gắn bó của 2 con người dựa trên tình yêu. Quyền này là 1 trong những quyền cơ bản của con người nhưng trong quá trình hoà nhập vào xã hội của những người ĐTLA, họ đã mất đi quyền này. Người ĐTLA muốn đòi lại quyền này như đòi lại cái mình bị đánh mất. Lý do cơ bản người DiTLA nêu lên ở khía cạnh này là nguy cơ cấu trúc gia đình sẽ bị lung lay trong khi gia đình là yếu tố cơ bản xây dựng nên xã hội. Trên thực tế, cấu trúc gia đình với cha mẹ con cái đã bị phá huỷ từ lâu với xu hướng càng ngày càng tăng với các kiểu gia đình chỉ có cha hoặc chỉ có mẹ. Cấu trúc gia đình lý tưởng bị thay thế bởi sự đa dạng của các kiểu gia đình mới xuất hiện, nó là hệ quả tất yếu của sự phát triển xã hội, nó không thể là yếu tố làm lung lay xã hội. Cấu trúc gia đình của người ĐTLA cũng chỉ tương tự như 1 trong những kiểu gia đình mới trong xã hội hiện đại, và nó cũng sẽ luôn chỉ là thiểu số, không thể là yếu tố làm lung lay xã hội được. Điều duy nhất có thể làm lung lay xã hội có lẽ chỉ có thể là chính nỗi lo sợ và sự chống đối của người DiTLA dành cho những cặp ĐTLA. Thực tế là sự tồn tại của những gia đình ĐTLA với sự công nhận của pháp luật ở 1 số nước châu Âu đã không làm nguy hại gì đến sự tồn tại của xã hội.
Một yếu tố khác là việc nhận nuôi con của người ĐTLA là nên hay không nên. Người ta thường liên hệ đến vai trò không rõ ràng trong việc nuôi con của cặp đồng tính và lo ngại cho sự phát triển của đứa trẻ. Nhưng liệu việc phân vai trò có cần thiết? Có lẽ chúng ta được sinh ra và chăm sóc trong gia đình dị tính nên quen với hình ảnh người cha người mẹ nên thường nghĩ rằng nếu khác đi kiểu mẫu này thì không được. Trên thực tế, vai trò cha mẹ bị đảo lộn trong 1 số gia đình dị tính. Và quan trọng hơn, sự phát triển của 1 đứa trẻ tuỳ thuộc vào tình thương và sự giáo dục mà trẻ nhận được. Tình thương thì không thể nói là cặp đồng tính không thương con bằng các cặp dị tính. Còn về sự giáo dục thì tùy thuộc vào trẻ được dạy cái gì chứ không phải là giới tính nào dạy trẻ. Mỗi giới tính vẫn có đặc trưng riêng, tuy nhiên yếu tố này không ảnh hưởng đến việc giáo dục và nuôi dưỡng 1 đứa trẻ trở thành 1 con người tốt. Ngoài ra, còn có khả năng là những đứa trẻ được nuôi lớn từ 1 gia đình đồng tính có xu hướng phát triển tính bao dung cao hơn những đứa trẻ khác.
Cho đến bây giờ, đa số nhiều xã hội vẫn chưa chấp nhận ĐTLA và còn nhiều những người ĐTLA sống trong bất hạnh, chịu đựng và hy sinh. Còn nhiều người ĐTLA phải che dấu chính bản thân mình, họ không thể công khai xu hướng tình dục của mình vì nhiều lý do phức tạp không phải chỉ vì thiếu can đảm, đặc biệt là ở xã hội châu Á. Chúng ta tất cả đều mong muốn được sống trong 1 xã hội tiến bộ mà nơi đó mọi thành viên đều có thể đạt được sự thoả mãn những nhu cầu chân chính của mình và tìm đến được hạnh phúc. Chỉ có 1 con đường để đi đến đó, mọi người được dạy để chấp nhận sự khác biệt. Ngày nay trong trường học người ta dạy không nên kỳ thị người da đen vì họ không có gì khác chúng ta ngoài màu da, nhưng ngày trước thì người da đen không bao giờ được nhắc đến trong một cách giống như trên bởi vì mặc nhiên họ bị coi là nô lệ, 1 loại người cấp thấp và khi đứng gần họ có người đã phải nhảy dựng lên vì họ nhìn quá khác biệt. Ngày nay sự kỳ thị đã giảm nhiều nhờ sự bảo vệ của pháp luật và qua giáo dục, người ta đã có sự hiểu biết đúng đắn về mgười da đen và những ác cảm vô lý đã mất dần đi bởi vì người ta đã quen với sự có mặt của họ. Hay 1 ví dụ khác đó là sự hiểu biết về các nền văn hoá được tuyên truyền để đi đến sự hiểu biết lẫn nhau, tránh xung đột văn hoá. Nếu ĐTLA được sự công nhận và bảo vệ của pháp luật, được thông tin nhằm phổ biến sự hiểu biết thì dần dần các thế hệ đi qua người ta sẽ không còn có ác cảm vô lý với hiện tượng này và kỳ thị sẽ không còn.
Faith (
tobemyself@msn.com)
Bàn tròn Talawas ÐTLA
http://groups.yahoo.com/group/ta_round