© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
Loạt bài: ThÆ¡ đến từ đâu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25 
5.7.2006
Thận Nhiên
ThÆ¡ đến từ Ä‘âu
Nguyễn Đức Tùng thực hiện
 
Nhà thơ Thận Nhiên
Nguyễn Ðức Tùng:

“Hôm nay quyết định sẽ thôi sống nhảm nhí như một con thú già cô độc. Sẽ thôi lầm lì, cáu bẳn.
Sẽ thôi chọn những tĩnh từ trân tráo, gai góc, tăm tối để dằn lên mặt giấy.
Và sẽ yêu.
Sẽ yêu thương và thất tình với 30 người đàn bà cho trọn vẹn một tháng. Có người gần, có người đã xa, có người đang sống và người đã chết.
Sau đó, sẽ lùi lại 20 năm trở thành gã trai tơ 17 tuổi lẩy bẩy háo hức, tuyệt vọng bàng hoàng trước những bí mật cuộc đời.”
(“Dự phóng cho những giấc mơ”, tạp chí Việt, số 7, năm 2001).

Thưa anh Thận Nhiên, từ đó đến nay anh sống trong thơ ra sao? Thêm nữa, tôi vốn yêu thích nỗi xúc động và đam mê cuồng dại trong thơ anh. Có lẽ nhiều người cũng cảm nhận được điều này. Cho đến nay anh còn giữ được chúng không?

Thận Nhiên: Bấy lâu nay tôi vẫn thở ra hít vô đều đặn, như vậy gọi là sống. Tôi không phân biệt thế nào là “sống trong thơ” và “sống ngoài thơ”. Chỉ sống thôi và thỉnh thoảng có hứng thì làm thơ, chừng đó cũng đã mệt lắm rồi.

Thật ra có một thời, cách đây chừng năm bảy năm, việc làm thơ chiếm phần lớn thời gian và năng lượng của tôi. Lúc đó, tôi viết dễ dàng và đều. Mọi chuyển động của đời sống quanh tôi và trong tôi đều có thể trở thành đề tài và chất xúc tác để tôi làm thơ. Ðó là thời gian bài thơ “Dự phóng cho những giấc mơ” mà anh trích một phần ở trên ra đời. Sau đó, không dưng niềm mê đắm không còn rạo rực nóng hổi như trước. Có khi tôi bắt gặp một vài hình ảnh hay nhịp điệu của chữ có thể phát triển thành một bài thơ, tôi hẹn với lòng sẽ viết ngay khi có thể, vậy mà tôi lại để chúng trôi tuột đi, mất hút. Hoặc có khi làm được vài dòng dang dở, lại thấy không hài lòng và xóa mất. Như vậy, có phải tôi không còn “sống trong thơ” hay đang dần đi ra ngoài cái khái niệm “sống trong thơ” mà anh đưa ra chăng?

Nguyễn Ðức Tùng: Tôi tự hỏi cái gì đã làm cho một nhà thơ không còn háo hức bồng bột như xưa. Thời gian, tuổi già? Hay cuộc sống và hiện thực xã hội? Ðôi khi một người không còn làm thơ được nữa là vì thế chăng?

Thận Nhiên: Tôi cũng đã tự hỏi như vậy: vì sao mình không làm thơ được như trước? Tôi cũng có nghĩ đến những lý do anh đưa ra: thời gian, tuổi già, cuộc sống, hiện thực xã hội... nhưng thấy dường như không hẳn hoàn toàn là như thế. Thật sự, với tôi, có lẽ là do mình “run tay”. Run tay vì thấy những thứ mình viết ra nhiều phần đều nhảm nhí, mòn cũ, nông cạn, vặt vãnh, kém tính sáng tạo... Nói chung là do không hài lòng mấy với chúng. Có làm cũng không hào hứng đưa ra như trước. Một trong những điều quan trọng làm tôi run tay nằm ở mặt kỹ thuật. Tôi muốn nói đến việc thay đổi hay làm mới thơ. Làm mới không chỉ đơn giản ở khía cạnh tu từ pháp, mà còn ở cách tiếp cận với sự vật hay cách chúng ta suy tưởng về chúng.

Nguyễn Ðức Tùng: Bài thơ mới nhất / gần đây nhất của anh được viết vào lúc nào? Xin cho nghe.

Thận Nhiên: Lâu nay tôi làm thơ khó khăn, có khi cả năm mới có một vài bài. Bài sau đây tôi làm năm ngoái, và từ đó đến nay thì “bí”.

Tôi thấy mình bơi trong một cái chai

(tặng anh Lê Văn Dũng)

Một ngày nắng đẹp
tôi giữa nhiều sinh thể
đờ đẫn bơi
trong một tử cung vĩnh cửu trong suốt

Một người giả chết nằm thở trên bãi cát
những người khác tranh cãi về lịch sử
về sự kết thúc
của cuộc chiến đẫm máu 30 năm trước tại nơi này

Nước mặn tràn qua mặt
tôi thấy mình nhảy múa trong cơn say nắng xuất thần
với những ảo giác rực rỡ trên mặt nước
Tôi ngó tôi thả ngửa
bềnh bồng
giữa mây và tít tắp chân trời
giữa các loài phiêu sinh
giữa cá và ốc sứa nhiều màu lóng lánh

Tôi còn thấy mình là bàn tay lắc điên cuồng một cái chai đóng nút
rồi ném xuống

Nguyễn Ðức Tùng: Như vậy đây là bài thơ cuối cùng trước khi anh rơi vào trạng thái “bí”. Sau một năm, đọc lại nó, như một tác giả đọc lại chính mình, anh có hài lòng không? Anh có thành thực tin rằng nó sẽ còn nằm trong tuyển tập thơ Thận Nhiên trong tương lai, nếu anh có cơ hội ra mắt một tập thơ như thế?

Thận Nhiên: Tôi vẫn còn thích bài thơ này. Năm ngoái, trong một dịp cùng các bạn đi biển chơi, khi đang thả nổi bềnh bồng thì một người bạn, anh Lê Văn Dũng, nói với tôi rằng trạng thái trong nước lúc này cũng giống như trạng thái khi con người nằm trong bào thai của mẹ. Từ ý tưởng đó, tôi viết ra bài thơ. Vâng, nếu có cơ hội làm một tập thơ mới tôi sẽ giữ nó trong đó.

Nguyễn Ðức Tùng : Bài thơ của anh bắt đầu ra sao?

Thận Nhiên: Với tôi, việc bắt đầu của một bài thơ thường do một nỗi ám ảnh thôi thúc nào đó. Có khi nó mơ hồ, có khi nó thật rõ rệt. Bài thơ có thể bắt đầu từ một hay vài từ ngữ hoặc âm tiết, hoặc từ một hình ảnh, hoặc từ một sự kiện, hoặc từ một mùi vị... nào đó. Nghĩa là, bài thơ có thể bắt đầu từ bất cứ yếu tố nào trong hay ngoài con người tôi; nó có thể đã tiềm tàng đâu đó hay chỉ vừa mới đột hiện tức thì, và đủ sức thôi thúc để bắt tôi viết ra dòng đầu tiên.

Ví dụ bài thơ “Danh sách” sau đây. Nó đến từ sự kiện ngư dân Việt Nam bị lính Trung Quốc giết; sự kiện ấy đã gây cho tôi một niềm phẫn nộ trong nhiều ngày. Cho đến một buổi chiều nọ, tôi cầm trên tay tờ báo Thanh Niên có đăng lại tin và danh sách những nạn nhân bị giết. Ngay phút đó, tôi liền thấy mình thành hóa thân từng người trong họ, hình dung ra ngay hoàn cảnh chính mình đang bị giết, và câu đầu tiên bật ra:

Danh sách

Kính thưa những người còn sống
Chúng tôi đã chết!

Tôi tên là Nguyễn Văn Tâm, tôi bị bắn trúng ngực, tôi bị bắn trúng tim
Tôi chết ngay lúc đó
Tôi chết mà không kịp hiểu vì sao

Tôi tên là Dũng
Chúng bắn trúng lưng
Tôi trượt chân ngã xuống biển
Máu tôi chảy suốt nửa giờ
Biển lạnh và tối
Tôi kiệt sức rồi chìm xuống

Tên tôi là Hồng
Tôi trúng đạn vào mắt trái
Trổ ra sau gáy
Con ngươi rớt ra ướt lầy nhầy trên bàn tay tôi bụm
Con ngươi thấy lửa loé ra từ nhiều họng súng

Tôi là Ðinh Văn Ðông
Tôi trúng đạn nhiều lần
Vào chân vào bụng vào ngực vào vai vào hàm
Ruột tôi đổ ra trên sàn tàu
Tôi thở thoi thóp rồi tôi la thét rồi tôi giãy giụa
Tôi chưa chết lúc đó
Tôi nghe tiếng sóng tiếng gió tiếng loa
Nhỏ dần
Rồi im bặt

Thưa mọi người tôi là Nguyễn Hữu Biên
Ðạn chúng bắn xé nát cổ tôi
Ðạn chúng bắn cắt đứt đầu tôi khỏi thân người

Nguyễn Xuân Trọng là tôi
Ðầu tôi va vào bánh lái
Tôi níu lấy sợi thừng
Tôi thấy anh em mình bị tàn sát

Tôi thấy anh em mình la khóc và bị săn giết như những con vật
Máu của Ðông bắn lên ướt mặt tôi
Máu nóng và tanh
Tôi không biết lúc nào tôi chết

Tôi tên Tùng
Nguyễn Văn Tùng
Chúng tấn công khi tôi đang ăn cơm
Chén cơm của tôi có cá khô, nước mắm, và rau
Chén cơm úp vào mặt tôi
Mắt tôi không thấy gì nữa
Tôi bị đạn cắt lưỡi
Tôi thấy óc mình nóng ướt dính bệt bên màng tang
Óc trộn lẫn với cơm

Còn tôi là Lê Văn Xuyên
Tôi là thuyền trưởng
Chúng tôi ở tỉnh Thanh Hóa
Chúng tôi treo cờ tổ quốc và tuân thủ mọi quy định của pháp luật
khi hoạt động ngoài khơi [1]
Chúng tôi không phải là cướp biển
Chúng tôi bắt cá ngoài biển khơi

Kính thưa những người còn sống
Chúng tôi đã chết!

Nguyễn Ðức Tùng: Về mặt nghệ thuật, đây có phải là bài thơ vừa ý nhất của anh không?

Thận Nhiên: Hầu như tôi không có một bài thơ nào vừa ý cả. Nhất là một bài thơ đau đớn như bài trên đây. Mỗi bài thơ chỉ làm tôi thỏa mãn nhất ngay trong lúc vừa hoàn thành nó, rồi sau đó thì nỗi thỏa mãn này nguội dần. Lâu ngày đọc lại, có đôi bài vẫn làm tôi xúc động, làm tôi sống lại cái tâm thức ám ảnh mình khi đang thực hiện nó. Thú thật, tôi không thể chọn được một bài gọi là vừa ý nhất. Hay có thể nói vui rằng bài thơ vừa ý nhất là bài thơ mà tôi sắp làm chăng?

Nguyễn Ðức Tùng: Tôi đồng ý với anh rằng đây là một bài thơ đau xót, đúng hơn, đây là một sự kiện đau xót.

Bài thơ của anh làm tôi nhớ lại vào thời điểm kinh hoàng đó, chúng ta đã phản ứng xúc động và giận dữ ra sao? Cùng lúc với bài thơ của anh đăng trên Tiền Vệ, tôi nhớ mình cũng có một bài thơ khác, ngắn hơn, trên một diễn đàn khác :

Tôi về từ biển khơi
Ði dọc con đường ven sông
Rửa tóc mình bằng máu người đã chết
Trong mùi nhang trầm
...
Tôi trở về
Ðể tố cáo
Tội ác buổi sáng ngày mồng tám tháng giêng
Trên biển Ðông
...

Sau này, nhớ lại thời điểm đó, như một người làm thơ, tôi vẫn thấy mình cô đơn, với niềm an ủi là có một người bạn duy nhất chia sẻ với mình theo một cách thế đặc biệt. Thưa anh Thận Nhiên, chúng ta có cô đơn trong tình cảm yêu nước không?

Thận Nhiên: Từ “cô đơn” bị người ta lạm dụng quá nhiều đến nỗi nó mất dần ý nghĩa nguyên thủy, không còn đủ sức để biểu đạt cho khái niệm hay trạng thái ấy nữa. Vâng, tôi là người rất sợ “một mình” nên hay bày trò này nọ cho đỡ trống vắng. Có lẽ lúc này, chúng ta có rất nhiều khái niệm và từ ngữ nên (hay cần) được định nghĩa lại. “Lòng yêu nước” cũng là một trong số những từ ngữ đó.

Nguyễn Ðức Tùng: Cái gì là quan trọng nhất trong thơ anh? Hình ảnh? Âm nhạc? Vần điệu? Ngôn ngữ?

Thận Nhiên: Tất cả các yếu tố trên đây đều quan trọng và trong mỗi bài thơ thường có một hay hai yếu tố nổi bật. Đối với riêng tôi, hình ảnh là yếu tố quan trọng nhất.

Nguyễn Ðức Tùng: Vào những giây phút im lặng sâu xa nhất, được sống với chính tâm hồn mình, bài thơ nào của mình mà anh nhớ nhất, muốn đọc cho mình nghe nhất?

Thận Nhiên: Cũng như đã nói, tôi không có bài thơ nào vừa ý nhất nên cũng không “nhớ nhất” và muốn “đọc cho mình nghe nhất” bài nào cả. Và cuộc sống của tôi đầy những vọng động. Lâu lắm rồi, tôi không còn có dịp cảm nghiệm cái “giây phút im lặng sâu xa nhất, được sống với chính tâm hồn mình” như thế. Thỉnh thoảng, tôi cũng có đọc thơ để cho bạn bè nghe, nhưng sự chọn lựa chỉ là ngẫu nhiên.

Hôm nay, thơ không còn duy nhất một con đường “thính giác” để xâm chiếm lấy con người như trước đây. Mà thơ còn đến với con người qua “thị giác”. Tôi ngờ rằng sẽ có ngày, thơ còn tấn công và chinh phục người ta qua những ngả khác như “vị giác”, “xúc giác”, “khứu giác” hay “trực giác”... nữa kia. Nghĩa là, có thể ngôn ngữ không còn là phương tiện duy nhất để hình thành một bài thơ. Có thể khi đó người ta không còn gọi thơ là “thơ” nữa, mà tìm ra một tên gọi khác cho hình thái nghệ thuật mới này. Ý nghĩ “nếm” hay “ngửi” một bài thơ cũng rất thú vị đấy chứ? Một động thái “ngửi” để thay cho động thái “viết” ra cái ý niệm “Da em thơm mùi thơ quá” chẳng hạn.

Nguyễn Ðức Tùng: Cuộc sống của anh đầy những vọng động ư? Nhưng anh vẫn làm thơ. Người ta có thể sáng tác trong một hoàn cảnh không có sự yên tĩnh và im lặng nào chăng?

Thận Nhiên: Tôi không biết với những người khác thì như thế nào, riêng với tôi, cái tôi cần không phải là một không gian im lặng yên tĩnh mà là một sự thôi thúc ám ảnh đủ mạnh để viết.

Nguyễn Ðức Tùng: Nếu ngày mai có một cuộc tập hợp đông người và người ta đẩy anh lên sân khấu, đứng trước micro, anh sẽ đọc bài thơ nào của mình cho đám đông?

Thận Nhiên: Ðiều này còn tùy vào các yếu tố khách quan khác như: Ðám đông nào? Họ là ai? Ðó là dịp gì? Đám cưới hay đám ma?

Tôi có vài kinh nghiệm thất bại trong việc đọc thơ trước đám đông. Ðôi lần do nể lời bạn bè, tôi đã làm việc này để rồi đau khổ nhận thấy mình đang phải làm một trò khỉ vô duyên trước một đám đông vô duyên, nếu nói giễu thì khi ấy, tôi thấy mình tệ hơn một tay diễn viên tấu hài, giọng thì tệ hơn một ca sĩ vườn trên sân khấu. Và cũng không ít lần thấy mình là nạn nhân của trò tra tấn tinh thần do phải nghe người khác đọc thơ. Tôi nghĩ phải chăng thời của những bài thơ để ngâm nga trên sân khấu hay đọc trước quảng trường làm lay động hàng ngàn con tim người nghe đã chấm dứt rồi. Và có lẽ nên là như thế.

Tuy nhiên, trong một đêm khuya cao hứng ngà ngà rượu, có dăm ba người bạn cũng cao hứng như mình, một chút ánh sánh lắt lay từ ngọn nến, thì cũng nên đọc một chút thơ lắm chứ. Một chút thôi! Còn bài nào thì cũng tùy vào niềm hứng thú trong lúc đó.

Nguyễn Ðức Tùng: Tôi đã nhiều lần được nghe Thận Nhiên đọc thơ. Hầu như không có lần nào mà tôi không lắng nghe với sự xúc động sâu xa. Thỉnh thoảng, tôi hỏi một người bạn ngồi bên cạnh và thấy mình không nhầm: những người nghe anh đọc thơ không phải ai cũng vô duyên, và đa số họ đều ít nhiều cảm nhận được sức mạnh và sự phấn khích của bài thơ gây ra trong họ. Anh có biết rằng trong kỉ niệm của nhiều người, chàng thi sĩ Thận Nhiên hay đọc thơ, đến từ Mĩ, vẫn còn là một hình ảnh rất đáng yêu ?

Thận Nhiên: Cám ơn anh.

Nguyễn Ðức Tùng: Anh không làm thơ nữa, có được không ?

Thận Nhiên: Ðược chứ. Cho tới khi nào không cưỡng nổi sự thôi thúc, ám ảnh của thơ. Còn vĩnh viễn không làm thơ nữa ư ? Cũng có thể lắm. Ðời sống còn nhiều thứ khác để “làm” mà tôi nghĩ không kém phần thú vị, chỉ có điều là mình bất tài thôi.

Khoảng giữa của hai bài thơ là một trạng thái tinh thần bị đứt mạch, nó không tiếp tục một cách liên lỉ và nối kết nhau. Vì thế, sau khi hoàn tất một bài thơ thì tôi không làm thơ nữa, cho tới khi bắt đầu một bài thơ mới. Mà khoảng giữa hai bài thơ này có khi kéo dài rất lâu, có khi cả hằng năm trời và biết đâu cũng có thể là vĩnh viễn. Tôi gọi khoảng thời gian này là khoảng thời gian bị “bí” hay “kẹt đạn”.

Nguyễn Ðức Tùng:Kẹt đạn không phải là vấn đề riêng của nhà thơ Thận Nhiên. Tôi e rằng tất cả những người làm văn chương đều đã trải qua cảm giác khốn khổ này. Cái gì đã/ sẽ làm anh thông đạntrở lại ?

Thận Nhiên: Tôi nghĩ có lẽ điều quan trọng là cần tìm ra một kỹ thuật gì mới để theo đuổi nó. Và dĩ nhiên là còn cần có cảm hứng - chất xúc tác để áp dụng cái kỹ thuật đó.

Nguyễn Ðức Tùng: Anh thường đọc nhà thơ nào?

Thận Nhiên: Tôi là người đọc tạp, nghĩa là đọc đủ thứ, thượng vàng hạ cám. Và cũng nhanh chóng quyết định dứt bỏ ngay những người viết mà tôi cảm thấy họ không còn mang đến thú vị cho mình nữa. Tôi thích đọc những người cùng thời với mình, cả Việt Nam lẫn ngoại quốc. Tôi chỉ biết tiếng Anh nên việc đọc giới hạn trong các ấn phẩm Anh ngữ. Tôi rất kém trong việc nhớ tên tác giả, trừ một số tác giả là người quen hoặc để lại ấn tượng đậm.

Tôi học được nhiều điều từ họ. Từ kỹ thuật dụng ngôn cho đến khả năng suy tưởng. Và cả đời sống tâm linh của họ mà thảng hoặc bắt gặp lóe lên trong các sáng tác và ở những giao tiếp cận kề.

Nguyễn Ðức Tùng: Xin cho nghe một bài thơ của một nhà thơ VN khác đương thời mà anh thích nhất hay nhớ nhất. Xin nói về bài thơ ấy.

Thận Nhiên: Tôi xin trích lại và giới thiệu một bài thơ trên website tienve.org mà mình thích theo yêu cầu của anh. Nhưng việc nói lên vì sao tôi thích nó thì rất dài dòng, xin để cho người đọc cảm nhận thì hay hơn. Nhưng tôi nghĩ nó “ngộ” hơn vô số những bài thơ khác mà bạn đã đọc.

Tôi không thể “nhớ” trọn một bài thơ nào của bất cứ ai khác. Vài câu thì còn nhớ được, nhưng cả bài thì không. Mà ngay cả thơ mình tôi cũng không thể nhớ cho đến nơi đến chốn. Tôi thường cảm phục những người có khả năng đọc thuộc làu những bài thơ của mình và của người khác. Tôi có cảm giác rằng một bài thơ mà bạn có thể dễ dàng thuộc làu là một bài thơ có thể hay vừa vừa nhưng không thể là một bài thơ kiệt xuất. Một bài thơ dễ được thuộc thường là một bài thơ ít có các yếu tố bất ngờ dành cho người đọc. Một người (nhà thơ) thuộc nhiều thơ có vẻ là người dễ tính trong cảm thụ.

Sau đây là một bài thơ của Nguyễn Tôn Hiệt, trên diễn đàn Tiền Vệ.

Những đứa trẻ sau hồi chuông nửa đêm

Lũ trẻ con tập vở kịch sự tích Giê-su ra đời.
Cô giáo đọc cho chúng nghe Ma-thi-ơ 2:1-22.
Rồi đứa đẹp trai nhất làm Giô-sép,     
đứa trắng trẻo nhất làm Ma-ri,
đứa nhỏ con nhất làm Chúa Giê-su hài đồng,
đứa thông minh nhất làm thiên sứ,
ba đứa da sậm màu làm ba vua từ Đông phương,
đứa cao lớn nhất làm vua Hê-rốt,
những đứa trịnh trọng thì làm những thầy tế lễ cả,
những đứa thích đánh nhau thì làm lính cho vua,
và tất cả những đứa còn lại thì làm trẻ con ở thành Bết-lê-hem.
 
Lũ trẻ con theo từng đoạn trong Ma-thi-ơ mà đóng kịch.
Kịch rất dễ đóng.
Hồi hộp nhất nhưng vui nhất là đoạn Giô-sép đem Ma-ri và hài nhi vượt biên sang Ai-cập.
Tất cả lũ trẻ con đều đòi cùng vượt biên nhưng không được phép.
Khó diễn nhất là đoạn lính của Hê-rốt lùng giết hết trẻ con ở thành Bết-lê-hem sau lúc nửa đêm.
Cô giáo không biết phải làm cảnh máu chảy như thế nào.
 
Tôi bảo cô giáo phát cho bọn lính những chiếc khăn quàng đỏ.
Khi chúng quàng vào cổ đứa trẻ nào thì đứa ấy ngã xuống chết như bị cắt cổ.
Đoạn ấy diễn ra thật rùng rợn. Từng đàn trẻ con cổ đỏ ối nằm ngổn ngang trên sân khấu.
 
Trong đêm văn nghệ Giáng Sinh, vở kịch diễn rất thành công.
Tất cả khán giả đều xúc động và vỗ tay ngợi khen nhiệt liệt.
 
Sau đêm diễn, lũ trẻ con cởi trả lại những khăn quàng đỏ.
Cô giáo bảo chúng cứ giữ lấy những khăn ấy để làm kỷ niệm.
Tôi bảo chúng đừng giữ làm gì, vì đó là máu của trẻ con bị lính của Hê-rốt cắt cổ.
Có những đứa cởi trả lại ngay, có những đứa nằng nặc giữ lấy.
 
Khi chuông nhà thờ rộn rã vang lên vào lúc nửa đêm, nước mắt tôi tuôn đầy trên má.
Tôi biết những đứa trẻ con giữ lấy khăn quàng đỏ sẽ bị lính của Hê-rốt lần lượt cắt cổ trong giấc chiêm bao.
Chắc không còn đứa nào thức dậy vào sáng hôm sau để mở những gói quà đầy đồ chơi và kẹo ngọt.
 
(Mùa Giáng Sinh 2004)

Nguyễn Ðức Tùng: Thơ cần thiết cho ai?

Thận Nhiên: Thơ cần thiết cho tất cả những ai cảm thấy nó cần thiết trong một khoảnh khắc nào đó. Thơ cần thiết cho bà bán xôi có giấy gói xôi. Thơ cần thiết cho anh thất tình muốn có chỗ trút bầu tâm sự – thử tưởng tượng sau khi đọc một đoạn thơ, có thể anh sẽ quyết định tiếp tục nằm trên đường ray chờ xe lửa cán qua người hoặc đứng dậy đi về nhà, cách gì thì thơ cũng cần thiết. Thơ cần thiết cho chính trị gia để mê hoặc số quần chúng cả tin. Thơ cần thiết cho nhà kinh doanh in thêm chức danh thi sĩ trên danh thiếp để thấy mình sang hơn. Thơ cần thiết cho ca sĩ mơ mộng chiều hôm. Thơ cần thiết cho gái điếm muốn thấy mình trong sạch, tinh khiết hơn để tiếp tục làm điếm. Thơ cần thiết cho anh phỏng vấn tôi và tôi trả lời phỏng vấn anh cho qua một buổi chiều. Tóm lại, thơ cũng như bóng đá, nó có thể cần thiết cho toàn thể nhân loại và cũng có thể không cần thiết cho một ai cả ...

Nguyễn Ðức Tùng: Anh đã quyết định về Việt Nam và sinh sống khá lâu dài. Ðối với thơ Thận Nhiên, điều này có tác động ra sao?

Thận Nhiên: Tôi không quyết định “về”. Tôi chỉ “đi” cho vui. Tôi đi Mỹ, đi Mễ, đi Canada, đi Thái Lan, đi Campuchia, đi Úc... và đi Việt Nam. Tôi còn mơ có ngày đi Phi châu và đi sao Hỏa nữa. Chỗ nào vui và có thể la cà được thì tôi ở lại lâu, khi nào chán thì đi chỗ khác. Tôi không có tài sản ở nơi nào cả nên chỉ xách gói là có thể đi, dĩ nhiên trong túi có chút tiền còm làm lộ phí và tấm hộ chiếu của nước Mỹ để được đón nhận ở nhiều nơi. Ðó là cái may mắn mà nhiều người khác không có. Lâu nay, tôi quyết định bỏ cái khái niệm “về”. Không nhất thiết mình phải về đâu cả. Không về Mỹ cũng không về Việt Nam hay về Phi châu. Tại sao phải giới hạn mình trong một hay hai không gian nhất định như vậy? Không phải là nước Mỹ đã cho tôi tấm hộ chiếu mang ý nghĩa của sự tự do ấy và tôi có thể sử dụng quyền tự do của mình hay sao?

Còn điều này tác động như thế nào với thơ ư? Với chuyện “làm thơ” thì không có vấn đề gì, thậm chí có thêm đề tài và cập nhật được ngôn ngữ mới trong nước. Còn chuyện “in thơ” thì chắc khó, tôi nói “chắc” là vì chưa thử, vả lại, cũng chưa có nhu cầu in ấn trong lúc này. Khi thích thì làm photocopy như anh em cũng chơi vui được vậy.

Ðôi khi tôi bắt gặp đâu đó vài lời phàn nàn, thậm chí phiền trách về việc “đi” Việt Nam “hơi lâu” của tôi, nhưng mặc kệ. Tôi chỉ có một cuộc đời để sống, và tôi chọn cách sống “đi” cho tới ngày mình “về”, về với Chúa.

Nguyễn Ðức Tùng : Ðang sống ở Việt Nam, lại đọc nhiều, chắc anh có nhiều cơ hội hơn nhiều người để đọc thơ đăng trên các tờ báo hoặc tác phẩm được in và xuất bản chính thức, đang sống hay đã đình bản, như tờ Văn Nghệ, Văn Nghệ Trẻ, Thơ, Văn Nghệ TPHCM, Sông Hương, Cửa Việt v.v..., anh có bao giờ có cái may mắn bắt gặp một bài thơ hay, hoặc thú vị, hoặc mình cảm thấy thích trên những tờ báo ấy, vì bất kì lý do nào ?

Thận Nhiên: Thú thật, tuy sống trong nước, có nhiều cơ hội để đọc những bài thơ được in ấn trên báo nhưng cái may mắn bắt gặp một bài thơ hay, hoặc thú vị, hoặc mình cảm thấy thích vẫn chưa xảy đến với tôi. Tuyệt nhiên chưa!

Có thể đâu đó có bắt gặp một hai câu thú vị nhưng rồi chúng vẫn không đủ sức cho tôi một ấn tượng sâu sắc. Ðó là tôi nói rất thật lòng. Và do vậy, tôi không còn kiên nhẫn để tìm đọc nữa.

Tôi thấy sự chuyển động của thơ Việt hôm nay không nằm trên mặt giấy, nhất là trên mặt giấy của những tờ báo dành cho đại chúng. Nhưng sự chuyển động đó lại nằm ở trên trời, ở những website mà nhiều phần do người Việt ở hải ngoại thiết lập. Những website này đã góp phần tác động rất nhiều đến các “bàn phím văn chương” ở trong nước khao khát cái mới và sự tự do.

Nguyễn Ðức Tùng: Cám ơn anh.

© 2006 talawas



[1]Nguyên văn câu này trích từ một bài báo (Thận Nhiên).