© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
Loạt bài: ThÆ¡ đến từ đâu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25 
22.6.2006
Inrasara
ThÆ¡ đến từ  đâu
Nguyễn Đức Tùng thực hiện
 
Nhà thơ Inrasara
Nguyễn Đức Tùng: Bài thơ của anh bắt đầu ra sao? Xin cho một bài thơ làm ví dụ.

Inrasara: Thường thì tôi bắt đầu một bài thơ qua gợi hứng từ chữ. Tôi thấy một chữ hay, nắm lấy nó, tìm tứ và hình ảnh rồi khi bắt được nhịp thì bài thơ trào ra. Không có hoàn cảnh ra đời nào cả! Với tôi, một hoàn cảnh cụ thể nào đó ít khi cho ra đời một bài thơ. Có, nhưng nó phải là một ám ảnh. Ví dụ, bài thơ thường được báo chí trích dẫn:

Những dấu chân ơn nghĩa

Người Champa đã đến đất này
đào mương trồng lúa / đốt rừng làm rẫy
yêu nhau / sinh con đẻ cái
làm thơ rồi ra đi
gởi Mĩ Sơn ở lại.

Rồi người Việt từ phương Bắc tới
lại yêu nhau / nên xóm nên làng

Trước đó
người Sa Huỳnh không biết từ đâu / về đâu
gốm nung làm dấu chân ơn nghĩa.

Mốt mai
còn ai nữa đến trú.

Bài thơ được gợi hứng từ chữ “dấu chân”, “dấu vết”. Lần đầu vào Café Dấu Ấn, tôi được cho biết, các dấu chân in trên nền ximăng được bọc lớp kiếng dày kia là của vài người nổi tiếng. Tôi chợt nhớ đến câu của Phạm Công Thiện: “Sống mà không để lại dấu vết”. Nhưng con người lại thich lưu lại cái gì đó. Điều này ám ảnh tôi: dấu vết vô ích và… vô thường! Có khi một dân tộc, một nền văn minh cũng chỉ mong để lại vài dấu vết trên mặt đất này thôi cũng không thể. Thế là bài thơ ra đời.

Nguyễn Đức Tùng: Tôi thích bài thơ của anh. Nhưng nói vậy chưa đủ, chúng ta có thể bàn thêm một chút về chuyện bếp núc của thơ được chăng? Tôi xin nói thẳng, nếu tôi là nhà thơ Inrasara, tôi sẽ bỏ chữ ơn nghĩa sau câu Gốm nung làm dấu chân, và cả ở cái tựa đề. Anh có thấy thêm vào như thế là thừa không, thưa anh?

Inrasara: Đồng ý, thế mới lạ chứ! Trước, tôi đặt tựa là “Lịch sử”, nhưng không báo/người biên tập nào duyệt in cả. Thế là tôi tự ý thay. Cả khi bài thơ được đọc, hai câu cuối luôn bị “quên” đi. Thêm cái ví dụ: Trong tập thơ Lễ tẩy trần tháng Tư, tôi có loạt bài “Những ngày rỗng”. Nhà xuất bản chẳng những cắt bỏ 7 “Những ngày rỗng” của tôi mà còn bảo tôi thay từ “rỗng” bằng “trống” mới chịu cho in. Nếu trường hợp sau là bị kiểm duyệt thì thì trường hợp trước, phải kêu đích danh là một sự “tự kiểm duyệt” tệ hại!

Nguyễn Đức Tùng: Đây có phải là bài thơ vừa ý nhất của anh không? Nếu là, tại sao? Nếu không phải, và buộc phải chọn một, đó là bài nào?

Inrasara: Đó là bài thơ đề cập vấn đề khá lớn: sự mong manh của định mệnh một dân tộc, một nền văn minh,… Mà tôi lại không thích đề tài to tát cho lắm. Cái bấp bênh của thân phận một người/một thế hệ con người cụ thể gần gũi với tôi hơn. Bài thơ sau là một ví dụ:

Bất ngờ nhiều cái nghĩ tối nay

Con ma nào đưa tôi ngồi quán

tôi rơi vào mắt cô gái Chăm đầu tiên bán bia ôm
em ngồi sát vào khiến tôi rụt cái đầu con nít.
ồ tôi có thể dòm gì, làm gì em cũng được
nhưng tôi muốn dòm / làm gì!?
đôi mắt em chuyển màu suy nghĩ tôi
có gì liên quan giữa bắp chân tròn thô đậm rơm rạ em
với cặp giò thon thả vũ nữ apsara xưa?

Tôi ực một hơi bia 333

có gì liên quan giữa vầng trán u uẩn bác chài An Giang với
cằm ngạo nghễ Shiva?
từ bia Võ Cạnh đến ghế tôi ngồi đêm nay chưa đầy hớp
làm sao linh hồn tôi thăng hoa?

cha dạy tôi đánh vần tên sông mơ hồ
huyền sử ông ngoại kể tôi không muốn nhớ
Glang Anak viết thi phẩm mỏng tang nhiều thế hệ thuộc / hiểu thì sai
làm sao tôi thở than cùng em tiếng mẹ?

Con ma lôi tôi khỏi quán

tổ tiên góp sức gì vào xuống cấp hôm nay?
tâm hồn đám hậu duệ khô gạch nung
âm tắc đọng vòm họng dân Quảng 500 năm không chịu mất vết
vẫn đậm mắt buồn tháp hoang
vẫn môi dày, mày rậm, tóc gợn, da ngâm, bắp tay săn chắc

Tôi đứng sững dưới hiên mưa.

hôm qua
tôi vỗ đùa vào bụng bia đàn ông Chăm thứ 100
có dính dáng gì giữa ngang tàng vòm tóc Bồng Nga với
chềnh ễnh bụng bạn tôi?
con gái tôi bảo: cha ơi đêm qua con mơ thấy bộn bong bóng xì

ôi là khốn khổ
chúng tôi lớn lên từ Mĩ Sơn, Dương Long
chúng tôi lớn lên từ nhà , nhà halam /
chúng tôi cũng lớn lên từ chòi lợp tôn Mĩ
lớn lên từ Panwơc Pađit, Pauh Catwai /
cũng lớn lên từ Truyện Kiều, thơ Nguyễn Trãi
lớn lên từ nắng, mưa, bão miền Trung /
cũng lớn lên từ cánh đồng mỡ mầu Tây Ninh, Châu Đốc
từ bùn đất Châu Lý, Châu Ô / cũng từ nước sông Phan Rang,
Phan Thiết
chúng tôi có biết đến tên Khổng Khâu, Socrate cả Jaspers, Derrida
có đọc lỗ mỗ Dante, Tagore, Sartre, Palmer
tội ơi cho chúng tôi đứa con hoang lịch sử!

Tôi đi lao vào mưa

ôi là phó tiến sĩ hữu nghị đứng giảng đường
ôi là đồng hương bác nông dân cày rẫy Quảng Nam
họ hàng xa cô gái mười bảy bán bia ôm Sài Gòn
chung huyết thống tôi trí thức mang nhiễm triệu virút
sách vở khệnh khạng

Tôi đi. Không hiểu về đâu đêm nay.

tôi nhiều lần nằn nỉ vợ đừng nói bệnh hãy nói rwak
dạy thằng Út tập phát âm chuẩn jwai, panwơc, twei
lên lớp ông bạn chớ trò chuyện với con bằng thứ ngôn ngữ độn
ai người dạy tôi?

hãy tha thứ cho chúng tôi đứa con quái thai của
mảnh vụn văn minh tái chế

tội nghiệp cho các mandapa tưởng mình quan trọng
tội cho đầu gà trên mâm cỗ kia ngỡ mình quan trọng
nhân vật kia cố gắng làm quan trọng bằng hành vi
trịnh trọng lập ngôn trang trọng
tội cho cả tôi thấy chúng chả được kí lô gờ ram nào quan trọng

Tôi thiu thiu đánh giấc trong góc ngôi nhà ma

trang sử hãy mau chóng gấp lại sau lưng như quán bar đóng sau lưng
dù chúng tôi không là kẻ động phản quá khứ
đứa trẻ quên ngay cuộc chơi vừa chơi hôm qua
quên làm chúng lớn

buồn cười
tôi làm thơ để cãi nhau với bóng của mình.

Cuối cùng tôi băng ngã tư đi về vào một giờ kém.

Buổi sáng - rất sảng khoái, tôi ra sông Lu
gánh theo đầu kia 41 inư akhar Cham K C T, đầu này
nhúm chữ cái Latinh A B C
nhận đầu chúng xuống nước bắt tắm gội từng đứa một
và tôi vui vẻ tắm với chúng.

Nguyễn Đức Tùng: Nói gì thì nói, tôi buộc phải xem bài này là bài vừa ý nhất của nhà thơ Inrasara. Vậy hãy quay lại với nó một chút. Có ba khái niệm khác nhau sau đây: bài thơ (của mình) mà tác giả thích nhất, bài thơ mà tác giả vừa ý nhất, và bài thơ mà tác giả cho là hay nhất. Bài này anh nghiêng về phía thích nhất hay hay nhất? Cái gì làm cho anh nghĩ như thế? Thú thật tôi không thấy bài này hay và nếu chọn một bài của Inrasara, tôi sẽ chọn bài Những ngày rỗng, ngày 8”, đã đăng trong tuyển tập 26 nhà thơ Việt Nam đương đại (2002):

Ôi Phan Rang Phan Rang sao không đâu khác mà Phan Rang?
… Sống chỉ một lần.
Dứt áo rồi quay lại Phan Rang cả trăm lần…

Inrasara: Thật tình, tôi luôn lúng túng khi bị/được hỏi bài thơ hay nhất hoặc thích nhất? Nói chuyện về thơ, tôi luôn đọc thơ của bạn thơ đương thời tôi cho là hay, đúng hơn: bài thơ tôi có ấn tượng hơn cả trong năm. Còn khi bị yêu cầu đọc bài thơ “hay nhất” của mình, tôi luôn chọn bài ngắn, thật ngắn thôi.

Ở đây, lần nữa, anh lại đúng: cả hai bài tôi đều thích!

Nguyễn Đức Tùng: Cái gì là quan trọng nhất trong thơ anh? Hình ảnh? Âm nhạc? Vần điệu? Ngôn ngữ?

Inrasara: Nhịp điệu quan trọng hơn cả. Ngôn ngữ mới: cần, hình ảnh lạ: cần; nhưng chính nhịp điệu làm bài thơ tồn tại như là bài thơ.

Nguyễn Đức Tùng: Anh muốn nói là âm nhạc?

Inrasara: Vâng. Nếu anh muốn dùng từ đó.

Nguyễn Đức Tùng: Vào giây phút im lặng sâu xa nhất, được sống với chính tâm hồn mình, bài thơ nào của mình mà anh nhớ nhất, và muốn đọc cho mình nghe nhất?

Inrasara: Bài “Những ngày rỗng – Ngày đẹp nhất”, có lẽ. Tôi cũng không chắc lắm.

Những ngày rỗng
Ngày 5: Ngày đẹp nhất

Có buổi chiều không muốn làm gì cả, nghĩ / nói gì cả
cho
trăm con sông nuôi nấng tuổi dại mình
chảy đầy trí nhớ

cho
ngàn câu thơ thuộc lòng thuở chưa làm thơ
tràn vào hồn bỏ ngỏ

công việc đùn về
truyện ngắn đọc dở, trang thư viết dở
đời thúc bách ngoài kia

cô gái đội nước xuống đồi, dừng lại, nấn ná hồi lâu
rồi chậm rãi bước về làng
bây giờ làm gì / ở đâu – ai biết ?

chiều ngoài kia đang tắt

đừng đợi khuôn mặt nào bất chợt
lấp đầy khoảng rỗng anh

vạn cánh chuồn chuồn tuổi thơ bay sáng căn phòng.

Nguyễn ĐứcTùng: Cho tôi được lặp lại câu thơ của anh Vạn cánh chuồn chuồn tuổi thơ bay sáng căn phòng. Đẹp quá. Tôi muốn nói là hình ảnh. Nhưng còn âm nhạc thì sao? Còn có thể sửa được nữa không, thưa anh ?

Inrasara: Nếu có thể sửa được thì tôi đã sửa rồi.

Nguyễn Đức Tùng: Trong thời gian gần đây, một tháng, một năm, năm năm, có một sự kiện xã hội, chính trị, văn học, lịch sử nào đã tạo nên cảm xúc làm nền cho một bài thơ của anh?

Inrasara: Năm ngoái, hạn hán tại Ninh Thuận quê tôi kéo dài. Trâu bò, cừu dê,.. chết hàng loạt vì thiếu cỏ và nhất là thiếu nước. Hình ảnh bầy cừu xúm lại, ngẩng đầu nhìn cậu chủ chăn cầm bình nước uống đăng trên báo Tuổi Trẻ đã ám ảnh tôi kì lạ. Một năm sau, bài thơ “Chuyện về bầy cừu” ra đời:

Màu cứu độ
hay Chuyện về bầy cừu

& chúng chạy ùa ra & chúng lũ lượt đi
vội vã

Về phía đồng, những đồng tràn nắng
những đồng không cỏ xanh
không cỏ khô
không cả gốc cỏ
về phía mương, suối to, nhỏ
không dòng nước, không vũng nước, không cả giọt nước

Trên đầu chúng: trắng
dưới chân chúng: xám
phía trước & xung quanh: trắng
cả chúng cũng trắng

Chúng lại đi
vội vã
vẹo xiêu
tìm màu cứu độ

Chúng mang tên: bầy cừu & đứa chăn cừu.

Bên kia
đồi xương rồng xanh, lùm xương rồng
xanh, nhánh xương rồng xanh
ở về phía bên kia
nắng.

Nguyễn Đức Tùng: Nếu ngày mai, có một cuộc tập hợp đông người và người ta đẩy anh lên sân khấu: đứng trước micro, anh sẽ đọc bài thơ nào của mình cho đám đông?

Inrasara: Tôi thường đọc bài “Tạ ơn” trước đám đông. Là một trong ít bài thơ mà tôi thuộc lòng. Tôi nghĩ nó có một ý nghĩa nào đó:

Tạ ơn

Sống nghĩa là tạ ơn – ơn ngãi đầy tràn
nằm ngoài chân trời đếm đo được mất
tạ ơn làm cho ta lớn lên.

Quỳ gối trước đoá hoa dại nở đồi trưa
tạ ơn bàn tay đưa ra bất chợt
tạ ơn câu thơ viết từ thế kỷ trước
giọng cười xa, nụ hôn gần.

Quỳ gối trước mặt trời thức giấc mỗi sớm mai
tạ ơn chén cơm đói lòng, điếu thuốc hút dở
tạ ơn dòng sông mơ hồ chảy qua tuổi nhỏ
tên ngọn đồi, cánh rừng trong mơ chợt vang lên
tạ ơn bước chân hoang, trái tim lạc lầm.

Bởi không thể sống mà không tạ ơn
tạ ơn trang giấy trắng, tạ ơn dòng thơ cuối cùng chưa viết
Glang Anak trăm câu – luận hai trăm năm chưa hết
vẫn còn đứa con Chăm chăm sóc ngôn ngữ Chăm
lá vàng biết rụng đi cho cây dậy mầm xanh
tạ ơn không gian vô cùng, thời gian bất tuyệt
dẫu không là cái đinh gì cả / tôi vẫn cần thiết có mặt.

Vậy nhé – tôi xin tạ ơn TÔI.

Nguyễn Đức Tùng: Tôi nghĩ là công chúng nghe thơ sẽ đặc biệt yêu mến bài thơ này. Ở Việt Nam, Inrasara có nổi tiếng hay được nhiều người ái mộ (popular) không?

Inrasara: Nếu nổi tiếng nghĩa là được thông tin đại chúng quan tâm thì tôi rất nổi tiếng nữa là khác. Ba lần ngồi chễm chệ trên trang đầu tờ nhật báo! Hơn trăm bài viết, 7 phim riêng về Inrasara, còn “chung” thì tôi không nhớ được; khoảng mươi luận văn tốt nghiệp lấy thơ Inrasara làm đối tượng; đó là chưa kể các giải thưởng!

Này nhé: hết “hiện tượng thơ”, “xuất hiện như một huyền thoại” đến “kì nhân trong làng viết”, “đỉnh cao”, rồi thì “cây bút phê bình lỗi lạc”,… và cả “Chuyện tình của hai vợ chồng nổi tiếng nhất vùng Chăm (tít một bài báo Xuân)”, vân vân… Như thể sao ca nhạc đang lên vậy! Nổi tiếng, nghĩ lại: khá buồn cười. Và, phiền hà! Không ít lần tôi từ chối đọc thơ trên truyền hình, cộng tác làm phim [về Sara] không dính dáng đến chuyên môn (ví dụ: Chương trình Người xây tổ ấm!) hay trả lời các phỏng vấn có mục đích không gì hơn là để thỏa mãn óc tò mò của độc giả.

Nổi tiếng – không phải bởi thơ tôi hay hơn sáng tác của các bạn thơ cùng thời, mà tôi may mắn hơn, có lẽ. Tôi hoạt động ở nhiều lãnh vực (nghiên cứu văn học và ngôn ngữ Chăm là hai lãnh vực trong số đó), lại là nhà thơ dân tộc thiểu số duy nhất không phải do nhà nước đào tạo, nhà thơ dân tộc thiểu số đầu tiên và duy nhất 2 lần nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Và vài thứ “đầu tiên và duy nhất” khác. Toàn món ăn khách không à! Ngoài ra, Sara còn được “ăn theo” nổi tiếng của bà xã (“Bàn tay vàng thổ cẩm”) nữa.

Nguyễn Đức Tùng: Anh không làm thơ nữa, có được không?

Inrasara: Không! Tôi làm thơ từ 15 tuổi, cả tiếng Chăm lẫn tiếng Việt, nhưng chưa bao giờ có ý định gởi thơ đăng báo nói chi in tập. Mãi đến tuổi 40 mới ra tập đầu tay. Nên với tôi, không thể không làm thơ.

Nguyễn Đức Tùng: Anh làm thơ bằng tiếng Chăm nhiều hơn hay tiếng Việt nhiều hơn? Ngôn ngữ nào anh cảm thấy thoải mái hơn cả khi thể hiện trong thơ? Tôi đang tự hỏi trường hợp Inrasara có giống như trường hợp các nhà thơ Việt Nam ở nước ngoài, sử dụng thành thạo tiếng Việt lẫn tiếng Anh hay không?

Inrasara: Tôi thường được cho là chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ Chăm. Dạy tiếng Chăm từ năm 17 tuổi, cho đủ cấp, thành phần, lứa tuổi. Đến hôm nay, tôi đã có 3 công trình về Từ điển Chăm Việt (viết chung), Tự học tiếng Chăm và nhiều tiểu luận về ngôn ngữ này. Đó là chuyện “hàn lâm”, sách vở. Trong khi tôi say mê tiếng Chăm “sống” hơn, lo lắng cho sinh phận của nó hơn. Sáng tác thơ là để phụng sự nó.

Tôi chưa viết văn xuôi bằng tiếng mẹ đẻ nên chẳng hiểu nó khó nhọc thế nào. Riêng làm thơ, tôi dùng tiếng Việt và Chăm khá thoải mái. Số lượng cũng thế: suýt soát nhau. Tiếc là các bài thơ tiếng Chăm của tôi chưa được in nên bị thất lạc nhiều.

Về vế thứ hai, tôi không hiểu hoàn cảnh và tâm thế các nhà thơ Việt Nam ở nước ngoài thế nào nên tôi chẳng hình dung được họ có giống tôi hay không.

Nguyễn Đức Tùng: Anh thường đọc nhà thơ nào? Việt Nam? Nước ngoài? Anh học ở họ điều gì?

Inrasara: Tôi đọc tất! Không phân biệt cùng hay khác khuynh hướng sáng tác. Cũng chẳng dị ứng với cái mới lạ, cả cái bị xem là nhố nhăng hay quá khích. Tôi có thói quen dạo các hiệu sách cũ tìm mua sách. Xin kể vài nhà tôi đọc từ ba lần trở lên: Bùi Giáng, Tố Hữu, Chế Lan Viên đến Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Phạm Công Thiện… của thế hệ trước. Các nhà thơ cùng thời với tôi: Nguyễn Hoàng Nam, Đỗ Kh., Nguyễn Quốc Chánh, Nguyễn Quang Thiều, Phan Nhiên Hạo, Đinh Linh, Nguyễn Hoàng Tranh, Nhóm Mở Miệng,… Nhà thơ nước ngoài: Jacques Prévert, Saint-John Perse, René Char, Bonnefoy, Rilke, Brodski (bản tiếng Pháp),… Mỗi người tôi học được vài thứ khác nhau.

Nguyễn Đức Tùng: Xin cho nghe cụ thể hơn, ví dụ anh học được gì ở Bùi Giáng và ở Tố Hữu?

Inrasara: Tôi hoàn toàn mù tịt/không quan tâm đến các giai thoại về một tên tuổi nào đó. Bùi Giáng hay Tố Hữu không là ngoại lệ. Năm 1998, tôi có hỏi một bạn thơ ở Hà Nội: trong giai đoạn chiến tranh, miền Bắc có hiện tượng nào như thể một Phạm Công Thiện hay Bùi Giáng ở Sài Gòn không? Anh ta bảo: có, Tố Hữu. Tôi tin anh ta thành thật. Với tôi, ngôn ngữ thơ của cả hai nhà trên như thứ ma thuật. Khác điều: ở Bùi Giáng, nó phụng sự cho chữ; còn ở Tố Hữu: phục vụ cho một mục đích.

Nguyễn Đức Tùng: Xin cho nghe một bài thơ của một nhà thơ Việt Nam khác đương thời mà anh thích nhất hay nhớ nhất.

Inrasara: Đó là bài “Gia tài” của Nguyễn Hoàng Nam (đăng ở Tạp chí Thơ tại Mỹ) và bài “Khóc Văn Cao” của Bùi Chát (xem lời bình của tôi trong tiểu luận “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn” trên www.tienve.org). Tôi không khẳng quyết đấy là những bài thơ hay, nhưng chúng để lại cho tôi một ấn tượng sâu đậm! Cả hai bài thơ có khả năng đánh tơi tả vào cái nghiêm nghị trịnh trọng đầy giả tạo của văn chương và xã hội Việt Nam.

Nguyễn Đức Tùng:Thơ cần thiết cho ai?

Inrasara: Cho tất cả mọi người quan tâm đến cuộc sống tinh thần, không phân biệt giai cấp hay thành phần xã hội. Thật tình, tôi thích [và thường] đọc thơ mình cho các anh nông dân, cô bán quán nghe hơn đứng trên các diễn đàn đầy long trọng, trịnh trọng.

Nguyễn Đức Tùng: Anh có tin rằng họ hoàn toàn hiểu thơ anh không? Ngoài ra, anh có nghĩ là họ cũng hiểu thơ của bạn bè anh như Nguyễn Quốc Chánh, Phan Nhiên Hạo, nhóm Mở Miệng?

Inrasara: Lớp độc giả này không nghe thơ một cách hờ hững hoặc đọc với sự chăm chú soi mói. Họ lắng nghe, thưởng thức và, tôi nghĩ, họ hiểu. Thơ của các bạn thơ như Nguyễn Quốc Chánh, Phan Nhiên Hạo, nhóm Mở Miệng hay của Inrasara cũng thế. Nhiều lúc họ thắc mắc chỗ này chỗ kia, tôi gợi cho họ rằng: đừng tìm ý nghĩa thơ ở đâu xa cả, nó có mặt quanh quẩn đó thôi. Nếu nhà thơ bớt đi các ẩn dụ bí hiểm, tôi nghĩ người đọc thuộc giai cấp thấp không khó nhọc lắm khi đến với thơ. Có khi họ đến còn dễ dàng và bùng nổ hơn lớp độc giả được cho là sang trọng hay đặc tuyển nữa.

Nguyễn Đức Tùng: Xin cám ơn anh. Mong gặp lại anh về thơ, trong một chủ đề khác.

Tháng 6 năm 2006.

© 2006 talawas