Nhân đọc
bài của Nguyễn Tiến Văn về tập
Khoan cắt bê tông [1] , tôi có vài ý kiến sau:
Cả một bài dài có mục đích để giới thiệu một tập thơ mới (và chắc là khó tìm, cả với độc giả trong và ngoài nước), tác giả Nguyễn Tiến Văn không một lần trích thơ. Không một lần bàn vào văn bản, ông âu yếm đặt lên đầu các nhà thơ trẻ những cái mũ và những cái bóng: «Khuôn mẫu tự do đẹp nhất và được tôn vinh nhất là Hồ Xuân Hương qua những phá huỷ cấm kị về ngôn ngữ và dục tính. Những ảnh hưởng gần hơn có thể kể là sự phóng khoáng tự tại của thơ và cuộc đời Bùi Giáng; sự phá cách của nhà thơ Bút Tre». Trước đó tác giả Nguyễn Tiến Văn còn thêm: «Nguồn mạch sâu xa của những nhà thơ này có thể kể tới những hội hè đình đám, lễ hội dân gian xưa mà dấu vết còn lưu lại ở sinh hoạt nông thôn, tín ngưỡng phồn thực, trong ca dao tục ngữ, tranh tượng khắc gỗ ở đình làng, những tháp và tượng Chămpa cũng như Chân Lạp, Óc Eo xưa… còn đặt để dấu ấn khắp Bắc, Trung, Nam».
Vậy là, một số người có thể cám ơn tác giả Nguyễn Tiến Văn, vì nhờ bài viết của ông, họ đỡ phải tốn công tốn tiền tìm mua tập
Khoan cắt bê tông. Và nếu vị nào có rồi, thì cũng đỡ tốn sức đọc. Vì Nguyễn Tiến Văn đã trao ngay cho họ chìa khoá giải mã tập thơ: môt tí «Hồ Xuân Hương», một tí «Bùi Giáng»; một tí «Bút Tre», hao hao «hội hè đình đám», hao hao «tín ngưỡng phồn thực», hao hao «ca dao tục ngữ, tranh tượng khắc gỗ ở đình làng, những tháp và tượng Chămpa cũng như Chân Lạp, Óc Eo xưa»… Ông lại dặn dò: cũng chẳng phải tìm kiếm xa xôi, chúng ở «khắp Bắc, Trung, Nam».
Đặc biệt, tác giả Nguyễn Tiến Văn có tài dùng đời tư để giải thích nghệ thuật. Dẫu biết đó là một thứ bệnh rất thường, thường như cảm cúm nhức đầu xổ mũi, nhưng bài viết của Nguyễn Tiến Văn vẫn làm cho tôi giật mình. Ví dụ, về tính «hội hè đình đám», «tín ngưỡng phồn thực» trong tác phẩm, Nguyễn Tiến Văn giải thích nhanh gọn: «Một trong những thú vui của họ (các nhà thơ) là ngao du khắp mọi miền đất nước; là gặp gỡ chung vui trong ăn uống, đùa chơi với bạn bè và những người dân bình thường không quan cách, tại các khu chợ, vỉa hè và cả ngoài đồng ruộng». Cũng vậy, khi vài nhà thơ được nêu ra, thì họ được ông «phân tích» như sau:
Nguyễn Quốc Chánh là «sự chuyển động tuần tự nhưng hầu như bất khả kháng». Đây là một nhận xét hơi bí hiểm. Nó cho ta biết gì hơn về hai bài thơ của Nguyễn Quốc Chánh in trong tuyển tập?
Đỗ Kh., Đinh Linh là «sự tự do và bụi đời của những con người lang bạt» (Riêng về Đỗ Kh., tôi thấy «oan» cho ông nhà thơ này quá. Vì theo những gì tôi được biết qua mấy cuộc trả lời phỏng vấn của Đỗ Kh., thì nếu mỗi ngày ở Mỹ, anh «lái xe 3 giờ trên 160 kí-lô-mét, mỗi năm lái 40.000 cây», là để «đi làm», đâu phải đi «lang bạt» hay «bụi đời» như Nguyễn Tiến Văn viết).
Tóm lại, cách đọc của Nguyễn Tiến Văn cho người ta cảm giác là ông dùng những định kiến bên ngoài để áp đặt cho nghệ thuật. Xin nhắc với ông rằng cách đặt dấu bằng giữa cuộc sống hàng ngày của người nghệ sĩ và nội dung tác phẩm của họ là một ngộ nhận. Cách đây hai chục năm, Trần Vũ đâu cần phải thuê khách sạn ở Hội An, cứ nghiễm nhiên Paris sáng cắp ô đi tối cắp ô về, vậy mà anh tả «Phố cổ Hội An» còn hay hơn bất cứ hướng dẫn viên du lịch nào.
Vậy nên tôi mách độc giả nào còn đôi chút tò mò: trong
Khoan cắt bê tông nhiều bài đáng đọc (thẳng). Đọc để ngạc nhiên, để cười, để nghĩ ngợi vẩn vơ,… và tạm quên đi chính trị, xã hội học hay đạo đức, những chiếc áo cồng kềnh người ta hay khoác cho thơ. Ví dụ bài “Đụ vỡ sọ” của Nguyễn Quốc Chánh:
«Không biết bao nhiều lần tôi nằm sấp trên cát, mắt lim dim dịu dàng nhìn mặt trời mọc. Nhìn một hồi tôi thấy có sự chuyển dịch từ đỏ sang đen. Nó không còn là một quầng sáng đỏ lấp lánh, nó biến thành một lỗ đen lung linh & ám ảnh. Máu trong người tôi bắt đầu tăng tốc & lượng hồng cầu ưu tú nhất hối hả dồn xuống đan điền. Cặc tôi ấm và cứng. Cặc tôi rưng rưng. Cặc tôi mừng húm. Tay tôi bấu xuống cát, bụng tôi áp xuống cát, miệng tôi há hốc vì cát & mông tôi xoay. Cứ 9 vòng xoay từ trái qua phải, Đụ một cái. 9 vòng xoay thứ 2, Đụ 2 cái. 9 vòng xoay thứ 3, Đụ 3 cái. Sau đó mỗi vòng xoay, Đụ một cái & sau đó ½ vòng xoay, Đụ một cái & sau đó không xoay nữa, mà Đụ miên man. (Ê, không đụ theo nhịp của chó, ngựa à nghen, mà Đụ có thi pháp theo nhịp của nhạc đàng hoàng). 9 nhịp đầu, Đụ theo nhạc Cung Đình (tài tử); 9 nhịp sau, Đụ theo nhạc Tiền Chiến (lãng tử); 9 nhịp kế tiếp, Đụ theo nhạc Kháng Chiến (quyết tử); 9 nhịp tiếp nữa, Đụ theo nhạc Hậu Chiến (tự tử). (Nhưng mà nhạc của Trịnh thì không thể nào Đụ nổi). Hết nhạc nội thì Đụ sang nhạc ngoại. Đụ theo tiếng trống kinh thiên của Kitaro, Đụ theo tiếng guitar gió hú của Hoàng Ngọc-Tuấn, Đụ theo tiếng violin đáy thắt lưng ong của Vanessa Mae &, không còn gì để Đụ nữa khi bài Red Hot của Mae chấm dứt. & hỡi ơi, một con sóng ập tới, lật ngửa tôi. Mọi ý niệm & chủ nghĩa bị xóa. Đó là tự do».
Nguyễn Quốc Chánh đã tìm được nhiều từ lạ cùng những liên tưởng độc đáo:
“9 nhịp đầu, Đụ theo nhạc Cung Đình (tài tử); 9 nhịp sau, Đụ theo nhạc Tiền Chiến (lãng tử); 9 nhịp kế tiếp, Đụ theo nhạc Kháng Chiến (quyết tử); 9 nhịp tiếp nữa, Đụ theo nhạc Hậu Chiến (tự tử). (Nhưng mà nhạc của Trịnh thì không thể nào Đụ nổi)”. Từ “tử” thứ tư (tự tử) thật ghê gớm và bất ngờ (bất ngờ, theo tôi, là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá nghệ thuật). Cách anh nhận xét về nhạc Trịnh chắc chắn phải làm cho khối độc giả mỉm cười. Nguyễn Quốc Chánh tạo nhịp và vận tốc cho câu - ví dụ:
“Cặc tôi ấm và cứng. Cặc tôi rưng rưng. Cặc tôi mừng húm” hay
“Tay tôi bấu xuống cát, bụng tôi áp xuống cát, miệng tôi há hốc vì cát & mông tôi xoay. Cứ 9 vòng xoay từ trái qua phải, Đụ một cái. 9 vòng xoay thứ 2, Đụ 2 cái. 9 vòng xoay thứ 3, Đụ 3 cái. Sau đó mỗi vòng xoay, Đụ một cái & sau đó ½ vòng xoay, Đụ một cái & sau đó không xoay nữa, mà Đụ miên man”. Đây thực sự là một tìm kiếm và sáng tạo, ít nhà văn đối xử được với chữ như vậy. Mặt khác, thơ Nguyễn Quốc Chánh, cũng như nhiều tác giả của tuyển tập, thẳng thắn và hài hước. Anh viết “cặc” và “đụ” chứ không vòng vo như “hang Cắc Cớ” hay trò “đu quay” của Hồ Xuân Hương - đương nhiên, cái ẩn dụ của bà chúa thơ Nôm cũng là một nghệ thuật, nhưng giữa bà và các nhà thơ trẻ hôm nay là một khoảng cách lớn. Có thể bông phèng, nhưng thơ họ quyết liệt, đặc biệt trong tinh thần tự do: “
Mọi ý niệm & chủ nghĩa bị xóa. Đó là tự do».
Cuối cùng, tác giả Nguyễn Tiến Văn viết: “Không có tham vọng "làm cao-làm khó" văn học hay mĩ học, những nhà thơ này biết rõ công việc của họ chỉ là những cố gắng để thiết lập một khu vực chung cho mọi người, từ bình dân tới trí thức; nó như là một hành trình hi vọng trên con đường mở ra một xã hội công dân cần thiết cho mọi người. Với tuyên ngôn gần như được tự hiểu là: Chúng ta cần được làm người trước khi được hưởng thụ những xa xỉ của văn chương tầm trên, của nghệ thuật cao”.
Vậy là mặc dù khen
Khoan cắt bê tông, nhưng trong thâm tâm, ông vẫn nghĩ rằng có hai loại thơ: cao quí và bình dân. Phải chăng theo ông, sản phẩm của các nhà thơ trẻ chỉ thuộc loại hai, chưa phải là “văn học” hay “mĩ học”? Nói cách khác, ông cho nó thuộc về một hành trình ngoài thơ?
Theo tôi, thơ của các tác giả này không chỉ cần thiết cho xã hội Việt Nam hiện nay. Nó cần thiết cho mọi xã hội, ngay cả những xã hội mà quyền công dân và quyền con người được tôn trọng hơn. Đơn giản vì, nó lôi người đọc ra khỏi nguy cơ ù lỳ, trạng thái tiện nghi của trí tuệ và thẩm mỹ, luôn yên vị trong mỗi chúng ta, bất kể chế độ kinh tế hay chính trị trong đó chúng ta đang sống.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng những người chủ trì tập
Khoan cắt bê tông không phải “không có tham vọng ‘làm cao-làm khó’ văn học hay mĩ học”, như Nguyễn Tiến Văn khẳng định. Không tham vọng ư, khi họ đi ngược lại những quan điểm thơ đang thịnh hành - những thứ thơ nếu không chính thống thì cũng sang trọng trí thức xa xỉ tầm trên, khi Lý Đợi tuyên bố “chúng tôi không làm thơ!”, khi thơ của họ đụng tới vấn đề nhân quyền, tự do, nhân phẩm, nhân tính, văn học, mỹ học…, khi họ viết những dòng nhiều tâm huyết:
“
ngay khi anh mở miệng
có kẻ lừa gạt anh [miếng bánh]
anh khép miệng lại
vẫn có kẻ lừa gạt anh [cháo hành]
anh mặc quần áo
có kẻ lừa gạt anh [đường phảnh]
anh cởi quần áo
có kẻ lừa gạt anh [bánh canh]
… thế mà cứ tranh giành [cá dảnh]
… thế mà cứ tành hoanh [một ly nước chanh]
anh bước ra ngoài
có kẻ lừa gạt anh [nhân tánh]
anh khép kín mình ở bên trong
có kẻ vẫn lừa gạt anh [nhân tánh]
và nghĩ thật lung về mọi lỗi lầm mắc phải
có kẻ vẫn lừa gạt anh [nhân tánh]
anh chết và được đặt vào áo quan
anh
vẫn bị lừa gạt [nhân tánh]
… sá gì một chút hôi tanh
… sá gì một mẩu bánh thánh
nhân danh cái gì
nhân dân bất cứ ai:
CÁC NGƯƠI HÃY MỞ MIỆNG RA!
NẾU KHÔNG LÀ ĐỒ CHÓ MÁ”
[2] .
© 2005 talawas
[1]Tuyển tập tự do xuất bản vào tháng 9-2005 tại Sài Gòn, khổ 9.5x28cm, số lượng in theo lối sao chụp gồm 100 bản. Bản thảo do Bùi Chát, Khúc Duy, Lý Đợi và Phan Bá Thọ phụ trách; chịu trách nhiệm xuất bản: Bùi Chát.
[2]Lý Đợi, “Tuyên ngôn [ơ] & định chế [giễu] của Mở Miệng”, in trong
Khoan cắt bê tông.