Nhân Ä‘á»c bà i “Má»™t ngà y ở Hà Ná»™i†của tác giả Vladimir Malyavin
Tôi
đồng ý với tác giả về sự vô trật tự của những công trình xây dựng mới tại Việt Nam, nhất là ở những khu dân cư. Đây đúng là một thực tế đáng buồn và nghiêm trọng mà tôi mong các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ sớm quan tâm chấn chỉnh lại. Việc tu bổ và bảo quản các di tích lịch sử cũng là một vấn đề bức bách cần được chính phủ quan tâm hơn.
Nhưng tôi không đồng ý với những lời nhận xét của tác giả về bản sắc văn hóa Việt Nam.
Nếu tác giả là một học giả uyên thâm, ông ta phải nhận ra rằng một dân tộc nhỏ bé trải qua hàng ngàn năm bị thống trị và đồng hóa bởi những cường quốc và những nền văn hóa hùng mạnh như Trung Hoa, Pháp, Mỹ… mà vẫn giữ được sức sống, chủ quyền và tên tuổi của mình trên bản đồ thế giới, vẫn có tiếng nói riêng, chữ viết riêng… thì không thễ không có bản sắc được.
Là một nước nông nghiệp nhỏ bé, lại bị chiến tranh triền miên nên văn hóa Việt Nam không có cái hoành tráng và lộng lẫy như văn hóa Trung Hoa, hay cái kiêu kỳ (ẫn dưới vẻ bề ngoài đơn giản thanh tĩnh) như văn hóa Nhật Bản.
Cái đẹp của văn hóa Việt Nam là ở sự bình dị, dân dã mà nên thơ
[1] . Xin đơn cử một ví dụ nhỏ trong lĩnh vực văn học: Những bài thơ Đường của người Trung Hoa hay Haiku của người Nhật Bản quả là tuyệt tác của thế giới, nhưng mấy câu Lục bát bình dân sau đây mà người Việt Nam ai cũng thuộc, “Hôm qua tát nước đầu đình, bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen…”, đâu phải là không có nét đẹp riêng của nó?
Tác giả cũng bất cẩn khi chê bai người Việt Nam “chỉ biết thờ những ông thánh Trung Hoa”. Tác giả cho rằng người Việt Nam không có, hay không biết thờ phụng danh nhân của mình là vì ông ta chỉ ghé qua Hà Nội có một ngày thôi. Nếu ông ta lưu lại Việt Nam lâu hơn và có sự tìm hiểu về người Việt Nam cẩn thận hơn, ông ta sẽ thấy là người Việt Nam còn có đền thờ Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, và rất nhiều vĩ nhân Việt Nam khác đã có công trong việc giữ gìn độc lập và bản sắc của dân tộc trong hàng ngàn năm qua.
Nếu tôi cũng nhận xét một cách hồ đồ như ông Malyavin thì “bản sắc Nga” của ông có lẽ cũng có “phẩm chất đáng ngờ” lắm, vì những công trình nghiên cứu của ông hình như đều dành cho Trung Hoa, tất cả những sách vở ông đã xuất bản đều về Khổng Tử, Lão Tử, hay về sự tài ba vĩ đại của Trung Hoa, chứ không thấy ông viết gì về cái hay cái đẹp của nước Nga hay về một danh nhân nào của Nga cả?
Người Việt Nam ngưỡng mộ và tôn thờ Khổng Tử, Lão Tử, là những nhà tư tưởng và đạo đức vĩ đại của mọi thời đại, mọi dân tộc, nhưng người Việt Nam không sao chép một cách máy móc những tư tưởng hay luật lệ đặt ra bởi những vĩ nhân này, mà có sửa đổi lại cho thích hợp với tính tình và hoàn cảnh của mình. Ví dụ như theo luật (Gia Long) thì người phụ nữ trong xã hội Việt Nam xưa có nhiều chủ quyền và địa vị trong gia đình cũng như ngoài xã hội hơn, chứ không bị khinh miệt quá như theo đạo đức của Nho giáo
[2] .
Ông Malyavin cũng không có lý khi cho rằng người Việt Nam là một dân tộc “hiếu chiến thâm căn cố đế”. Theo trật tự trong xã hội Việt Nam truyền thống, người nông dân có vị trí quan trọng nhất, chỉ sau hàng quan lại (sĩ, nông, công, thương), chứ người Việt Nam không hề có sự đề cao và tôn trọng giai cấp chiến binh và cũng không có Võ sĩ Đạo như người Nhật Bản. Hơn nữa những cuộc chiến tranh của Việt Nam là chiến tranh chống xâm luợc đễ giữ gìn bờ cõi, vậy thì sao có thễ gọi đó là sự “hiếu chiến” đuợc?
Những lời bình phẩm của tác giả về nghệ thuật múa rối nước cũng tỏ ra thiếu sự nghiên cứu cẩn thận, viết ra đây có lẽ sẽ bị dài dòng, nhưng nếu ông Malyavin quan tâm thì ông có thể đọc quyễn
Vietnamese Traditional Water Puppetry đễ hiểu biết thêm
[3] .
Nghệ thuật ca trù, hát quan họ, tranh dân gian Đông Hồ, gốm Bát Tràng, rồi tục ăn trầu cũng là những nét riêng trong văn hóa Việt Nam. Sự tích Trầu Cau là một câu chuyện cảm động của người Việt Nam về tình nghĩa anh em, vợ chồng. Về tình bạn bè có truyện Lưu Bình Dương Lễ mà giá trị luân lý và giáo dục không thua truyện Quản Trọng Bảo Thúc bên Tàu
[4] .
Những lời miệt thị vội vàng của ông Malyavin về bản sắc văn hóa Việt Nam cho thấy ông là một người không ngại phô bày sự thiếu hiểu biết và khiếm nhã của mình.
Tôi nhận rằng Việt Nam còn nhiều điều yếu kém cần phải cải tiến và trong tương lai chúng ta không thể bào chữa cho sự kém cỏi của mình với lý do chiến tranh nữa, vì đất nước đã hòa bình ba mươi năm nay rồi.
Nhưng tôi không đồng ý với những người cho rằng người Việt không có bản sắc, bất tài và không có thành tựu gì ngoài việc sao chép một cách vụng về văn hóa của những nước khác. Tôi rất tiếc tờ báo điện tử Tin Tức Việt Nam không còn hoạt động nữa, nếu không tôi sẽ mời ông Malyavin vào mục Người Việt Trẻ của tờ báo này để ông có thễ hiểu biết thêm về những thành tựu của trí tuệ Việt Nam ngày nay ở Việt Nam và trên thế giới.
Cảm ơn Diễn đàn talawas đã cho đăng một bài viết gây ra những suy nghĩ và tranh luận hữu ích, và cũng cảm ơn Ban Biên tập của Diễn đàn đã cho phép tôi được đóng góp ý kiến của mình.
Toronto 15.03.05
© 2005 talawas
[1]Tôi xin phép Giáo sư Phan Ngọc cho tôi được dùng chữ “nên thơ” của ông trong bài “Văn hóa Việt Nam thiết tha với cuộc sống con người” trên Diễn đàn talawas ngày 10.02.05.
[2]Việt Nam văn hóa sử cương, Đào Duy Anh, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2000, trang 120 – 124.
[3]Vietnamese Traditional Water Puppetry, Nguyen Huy Hong & Tran Trung Chinh, The Gioi Publishers, Hanoi, 1996.
[4] Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính, Nhà xuất bản Miền Nam, trang 198 – 199.