trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
41 - 60 / 3021 bài
41 - 60 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z


21.10.2008
Lê Cương Phúc

Ở Việt Nam không có “quái trạng văn hoá”, mọi chuyện đều đáng ca ngợi

Đọc bài góp ý của Tràng An về bài “Một quái trạng văn hóa” của ông Hoàng Ngọc-Tuấn, tôi thấy Tràng An để cho cảm xúc trào tuôn quá lai láng. Do đó, phần ca tụng ông Trịnh Lữ thì Tràng An viết rất du dương, nhưng phần phê bình ông Hoàng Ngọc-Tuấn thì Tràng An lại không trung thành tí nào với 3 tiêu chí do chính Tràng An đề ra. Dẫu sao, tôi nhận ra trong bài của Tràng An có 3 chỗ tuyệt hay:

1. Tràng An thấy bài tham luận của ông Trịnh Lữ là một hành động dũng cảm.

Tham luận về “hậu hiện đại” tại một hội thảo cao cấp mà chả cần nghiên cứu cho đàng hoàng, muốn nói gì thì nói, ngay từ câu nhập đề đã nói trật lất về một thông tin quá căn bản. Có lẽ trong giới học giả của các xứ tiền tiến trên thế giới khó có ai liều mạng đến mức ấy. Thế thì đúng là quá dũng cảm chứ còn gì nữa.

2. Tràng An thấy bài tham luận của ông Trịnh Lữ là một hành động không xu thời dễ dãi.

Ông Trịnh Lữ vận dụng “kiến thức” bao la của ông về cái “hậu hiện đại” để giảng ý nghĩa của ý niệm “grand narrative” mà J.-F. Lyotard đề ra là một “lý giải lớn”. Rồi ông nói cái kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng và Nhà nước đề ra là một lý giải lớn “tốt đẹp” và “đúng đắn”. Nói vậy thì đúng là không xu thời dễ dãi chút nào cả, mà lại làm cho Đảng và Nhà nước hài lòng. Còn gì hay hơn?

3. Tràng An thấy cuộc hội thảo khoa học đó là nghiêm túc, không phải cốt để giải ngân.

Nghiêm túc quá đi chứ. Sau cái hội thảo đó, ai lưu tâm thì đều biết nó nghiêm túc đến chừng nào. Thử đọc qua bản tin này thì rõ: Nghệ thuật Việt Nam đang ở đâu? Hay câu hỏi về một cách đặt vấn đề nghiên cứu ôm đồm “Đầu Ngô mình Sở” (Vietimes, 3/10/2008)

- Đọc bản tin này, mọi người sẽ thấy, trước hội thảo, nhà điêu khắc Đào Châu Hải đã nhận được giấy mời dự hội thảo, ông viết tham luận nhưng rồi không gửi tham luận cho ban tổ chức. Ông giải thích: “Lần thứ nhất, tôi nhận được giấy mời ghi rõ rằng tiêu chí của hội thảo là Nghệ thuật Hậu hiện đại Việt Nam trong thời kỳ (hay bối cảnh) mở cửa. Và kèm theo là thư mời viết tham luận có những gợi ý về nội dung ‘hậu hiện đại’. Lần thứ hai, tôi nhận được thư mời tham dự hội thảo ngày 15/9, trong giấy mời tham dự lại ghi là Hội thảo ‘Nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa’, không kèm theo giải thích gì hết. Trước tiên, tôi nghĩ đây là một hội thảo khoa học, nên tiêu chí, đề bài đặt ra phải rất chính xác. Khi đọc thư mời thứ nhất, tôi đã chuẩn bị một tham luận với ý kiến riêng của tôi về vấn đề nghệ thuật Hậu hiện đại ở Việt Nam. Nhưng sau khi nhận giấy mời lần thứ hai, tôi thấy chủ đề hội thảo lại là ‘Nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa’. Do tôi thấy bài viết tham luận của tôi không còn phù hợp nên tôi không gửi nữa.”

- Sau hội thảo, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng nhận định là Ban tổ chức Hội thảo “rất lơ mơ” về đề tài chủ điểm của hội thảo, vì thế họ đã loay hoay thay đổi đề tài, sinh ra việc gửi giấy mời hai lần với hai đề tài khác nhau cho cùng một hội thảo.

- Nhiều người trong giới mỹ thuật đã tham dự hội thảo đều biết là ngoài nhà điêu khắc Đào Châu Hải còn có vài người khác mang bài tham luận đến hội thảo nhưng không đọc vì thấy lạc đề.

- Sau hội thảo có xảy ra một trận đấu khẩu bằng email giữa Ban Mỹ thuật Hiện Đại thuộc Viện Mỹ thuật và ông Hà Châu Sơn (Vũ Lâm) về bài báo “Sao Hậu hiện đại lại trở thành Toàn cầu hóa” trên trang 17 của tờ Thể thao & Văn hóa ra ngày thứ Sáu 26/9/2008. Rồi tiếp theo là một trận thóa mạ nhau vô cùng dữ dội giữa các ông Đỗ Minh Tuấn và Vũ Lâm, quanh vấn đề tổ chức hội thảo. Trận thóa mạ này kéo dài mấy ngày, khiến các ông Trần Lương, Phạm Trung, và cả Trịnh Lữ... phải nhảy vào can thiệp. Các email này đã được truyền bá ra ngoài, lan khắp trong giới mỹ thuật ở thủ đô.

Có lẽ bấy nhiêu cũng đủ để thấy cuộc hội thảo khoa học đó là nghiêm túc đến chừng nào. Nói thêm cũng thừa.

Riêng về bài “Một quái trạng văn hoá” của ông Hoàng Ngọc-Tuấn, tôi nghĩ có lẽ vì ông Hoàng Ngọc-Tuấn ở nước ngoài quá lâu nên thấy những chuyện đó là quái đản. Nếu ông ta ở Việt Nam ông ta sẽ thấy những chuyện như vậy là rất bình thường, thậm chí là rất nghiêm túc, đáng ca ngợi!
 


21.10.2008
Tràng An

Rõ khổ, ông/bà Minh Ngọc tìm hiểu lại xem như thế nào gọi là có/vô văn hóa, có văn hóa với có học khác nhau ra sao? Chưa đọc hết cả bài phát biểu của người ta đã vội qui chụp người ta là “áp đặt”, “tự mãn”; tìm ra một chi tiết thấy cần phải tranh luận trong bài viết của người ta thì gọi người ta là “vô văn hóa”, “háo danh”. Viết như thế thì gọi là gì ạ? Tôi e những khái niệm cơ bản như thế mà ông/bà chưa rõ thì tôi không dám tiếp lời nữa đâu. Sợ ông/bà lại buồn…
 


21.10.2008
Hồ Bạch Thảo

Bài viết “Ðường tiến quân của kẻ thù phương Bắc qua các cuộc xâm lăng nước ta” mới đăng lên talawas được vài giờ, thì tôi được ông anh Lê Thế Khởi tại Quận Cam gửi email cho biết một chỗ sai, tại mục số 2, hướng Cao Bằng: “Trước khi Quách Quì mang đại quân vào Lạng Sơn [1706]”. Năm 1706 là chép sai, xin đổi là 1076.

talawas là tạp chí có nhiều độc giả trí thức, người viết không dám cẩu thả; nhưng vì phận già, mắt kèm nhèm nên không khỏi có chỗ sai. Xin cáo lỗi và thành thực cảm ơn anh Khởi.
 


20.10.2008
Thanh Bình

Nhân đọc bài viết "Một quái trạng văn hóa” của nhà phê bình Hoàng Ngọc-Tuấn, tôi tìm đọc bài tham luận của ông Trịnh Lữ.

Sau khi khẳng định người đầu tiên và tác phẩm đầu tiên nhắc tới ý niệm “hậu hiện đại”, ông Trịnh Lữ đã trình bày những cách thức sinh hoạt nghệ thuật của các nghệ sĩ hậu hiện đại. Người đọc có cảm tưởng đó là một thứ nghệ thuật hẩu lốn, vụn vặt, cóp nhặt của những kẻ “hoài nghi với mọi lý giải lớn”. Ông viết: Hơn nữa, tuyệt đại đa số những người trong giới nghệ thuật đều tin rằng hễ đã là nghệ thuật là phải lạ phải mới – một sản phẩm tâm lý tuyệt luân của văn hóa quảng cáo và tiêu thụ, được nuôi dưỡng bởi thị trường nghệ thuật tinh vi có thể biến mọi thứ vô nghĩa nhất thành vàng dựa trên cái có thể gọi là "hội chứng vua cởi truồng".

Không hiểu tác giả bài tham luận đã thực sự thưởng ngoạn những tác phẩm nghệ thuật hậu hiện đại theo góc cạnh nào, có thành kiến với nó hay không. Quan điểm riêng của người thưởng ngoạn nghệ thuật luôn được trân trọng, nhưng quan điểm của nhà phê bình nghệ thuật không thể tùy tiện, dù khen hay chê, khi nói về một tác phẩm nghệ thuật. Vậy mà, khi nhận định về cả một trào lưu nghệ thuật mới vẫn còn đang trên đường tìm tòi, khai phá, ông Trịnh Lữ đã dồn tất cả mọi thứ vào thành một thứ đồ chơi khổng lồ vừa có đèn đóm vừa có hình ảnh âm thanh lập lòe phụ họa với nhau, rồi đạp đổ chúng.

Nhưng trong cái đống vàng giả vô nghĩa ấy, tác giả cũng nhận ra được là có những thỏi vàng thật. Đó là các tác phẩm điêu khắc của Anish Kapoor. Nhưng ông lại tách Kapoor ra khỏi cái bọn hậu hiện đại “hoài nghi mọi lý giải lớn”, để xếp nhà điêu khắc này vào một thứ hậu hiện đại đơn thuần theo phép giải thích từ ngữ là “sau hiện đại”. Chưa hết, ông còn phát hiện ra một trào lưu nghệ thuật hậu hiện đại nữa vẫn được kể đến là nghệ thuật hiện thực cổ điển (classic realism), đang phát triển mạnh ở Mỹ. Nhưng một đại diện của trào lưu này là họa sỹ Na-uy Odd Nerdrum, với những bức tranh sơn dầu có lối nhìn và kỹ thuật cổ điển của Rembrandt và Ingre, nhưng đề cập đến những chủ đề mang đậm tính hoài nghi và phê phán điển hình của thái độ đương thời. Trào lưu nghệ thuật này thuộc về loại “hoài nghi mọi lý giải lớn” hay “sau hiện đại” đây? Xin tác giả chỉ giáo.

Bài tham luận chắc còn dài, trên mạng chỉ là bài trích đăng vì còn một đoạn quan trọng khác được đóng khung riêng. Đoạn này nói đến quan điểm hậu hiện đại của Lyotard mà tác giả cho rằng đang có ảnh hưởng “sáng giá” tại Việt Nam.(Điều này dễ hiểu vì sách của Lyotard đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam).

Ông Trịnh Lữ cho rằng nghệ sĩ Việt Nam sáng tác các tác phẩm nghệ thuật theo trào lưu hậu hiện đại chỉ là vì họ muốn bắt chước phương Tây. Cũng phải nói rằng tâm lý hoài nghi ấy phần lớn là học được của phương Tây, và cái thế giới ta muốn hội nhập ấy cũng là thế giới phương Tây, hoặc những giá trị đã được phương Tây chấp nhận và tán thưởng. Phải chăng ông muốn ám chỉ rằng học theo phương Tây là điều không tốt, không nên? Trong văn học nghệ thuật từ thi ca, văn chương đến hội họa, điêu khắc, các nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ Việt Nam, với các quan niệm sáng tác mới du nhập từ Tây phương, đã góp phần làm nên diện mạo hiện đại của văn học nghệ thuật Việt Nam như thế nào, hầu như ai cũng biết. Vậy, theo tôi, chúng ta hãy để cho các nghệ sĩ trẻ của Việt Nam có cơ hội được chứng tỏ tài năng của mình đối với các trào lưu nghệ thuật mới, mà trào lưu hậu hiện đại là một ví dụ.

Ở Việt Nam, các trào lưu nghệ thuật mới như nghệ thuật sắp đặt, mỹ thuật trình diễn… theo họa sĩ Trịnh Cung trong loạt bài phỏng vấn gần đây trên Tiền Vệ, chỉ mới được phôi thai nhưng đã gặp không ít khó khăn từ các “công an văn hóa” và thậm chí các họa sĩ bảo thủ cũng có thái độ chống đối. Hy vọng ông Trịnh Lữ và các nhà đọc tham luận khác trong hội thảo khoa học về “Nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa” không ở trong nhóm đó.
 


20.10.2008
Minh Ngọc

Đọc ý kiến của Tràng An, tôi thấy buồn cười cho lối bao biện khá ngô nghê của độc giả này. Ngô nghê ở chỗ, ông Hoàng Ngọc-Tuấn phê bình ông Hiến và ông Lữ trên bài viết của các ông ấy. Những bài viết này được đăng lên các trang đã dẫn và ông Tuấn viết dòng mở đầu rất rõ: "Đọc internet, tình cờ thấy trên báo Tia Sáng ngày 2/10/2008 có một bài viết dưới nhan đề là ‘Góp chuyện hậu hiện đại’, tôi vào xem cho biết,..." thì làm sao Tràng An lại đòi ông Tuấn phải "trực tiếp tham dự"?

Có lẽ Tràng An cho rằng, những bài viết của ông Hiến và ông Lữ thì be bét (như lời ông Tuấn đã phân tích) còn những điều các ông ấy phát biểu ở các cuộc hội thảo nào đó thì không be bét? Nếu không, Tràng An mang chuyện này ra nói để làm chi? Nếu có, các ông Hiến và Lữ viết bậy bạ làm chi để rồi phải ê chề?

Tràng An còn "bẻ" từ chuyện trình độ học vấn sang chuyện văn hoá mà không thấy thẹn thì quả là đáng nể. Thẹn ở chỗ, chính Tràng An bênh vực những kẻ thiếu văn hoá đến độ, như theo lời ông Tuấn đưa ra:

"Chỉ có những cậu học trò trung học lười biếng, ẩu tả, thì mới vội vã cho ta câu trả lời rằng: “Từ “hậu hiện đại” (postmodern) xuất hiện lần đầu trong cuốn Hoàn cảnh Hậu hiện đại (La Condition Postmoderne) của Jean-Francois Lyotard...”, hay “Thuật ngữ chủ nghĩa hậu hiện đại lần đầu tiên xuất hiện năm 1977, trong cuốn sách Ngôn ngữ kiến trúc hiện đại (sic) của Charles Djenks (sic).”

Những cái sai lố bịch ấy chứng tỏ ông Hoàng Ngọc Hiến chưa từng biết đến một tài liệu nào sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa hậu hiện đại” trước cuốn sách năm 1977 ấy (mà ông đã ghi sai cả tên tác giả lẫn tên sách), và ông Trịnh Lữ chưa từng biết đến một tài liệu nào sử dụng từ “hậu hiện đại” trước khi ông nhìn thấy cuốn sách Hoàn cảnh Hậu hiện đại (La Condition Postmoderne, 1979) của Jean-Francois Lyotard, do Phạm Xuân Nguyên dịch (nxb. Tri Thức, 2007). Cả hai ông đều không biết “hậu hiện đại” có cái gì trước 1977 và 1979, nhưng cả hai ông đều không hề có một chút thắc mắc nào cả.

Thậm chí, hai ông cũng chỉ may mắn lắm là trông thấy hai cái bìa sách ấy, hay nghe người nào nói loáng thoáng về hai cuốn sách ấy là cùng. Vì nếu hai ông thực sự có đọc hai cuốn sách ấy, thì hai ông sẽ tuyệt đối không thể tìm ra trong hai cuốn sách ấy có bất cứ dòng chữ nào ghi rằng hai tác giả ấy là những người đầu tiên đẻ ra các từ “postmodern” và/hoặc “postmodernism”!

Chưa đọc sách, chỉ nghe lóm hay chỉ nhìn thấy cái bìa sách, thế mà các ông tự tin tuyệt đối vào cái biết hạn hẹp đến kỳ quái của mình, và các ông hiên ngang phun châu nhả ngọc về “hậu hiện đại” tại các hội thảo khoa học cao cấp ở thủ đô! Thế là thế nào?"

Tôi không rõ Tràng An có quan niệm thế nào là kẻ có văn hoá. Bản thân tôi, những kẻ được ông Tuấn nêu ra ở trên rành rành là những kẻ không có một tí văn hoá nào mới có những hành động và thái độ như thế.

Tràng An còn tự tin đến độ đã đưa ra 3 điểm dạy bảo nhưng bất chấp những điều mình đang dạy bảo đúng hay sai.

1) Những văn bản nào cần dùng để tập trung phê bình thế?

2) Những điều ông Tuấn phê bình ông Hiến và ông Lữ không khoa học ở những điểm nào? Ông Tuấn đã chửi bới, đạp đổ và thoả mãn tự ái và mưu đồ cá nhân ở những điểm nào?

3) Ông Tuấn viết không trúng đích ở những điểm nào?

Đòi hỏi phải "phê bình mang tính khoa học" nhưng lại quy chụp cho ông Tuấn những điều tệ hại mà không cần đưa ra một mảy may dẫn chứng và phân tích nào thì độc giả Tràng An lấy tư cách gì để... dạy?

Buồn cười thì đã hẳn, nhưng khi đọc những ý kiến như của độc giả Tràng An thì tôi quả thật buồn.