trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 28 bài
  1 - 20 / 28 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Văn học miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63 
7.5.2007
Nguyễn Ðăng Thường
Chữ trinh của Nguyệt Ðồng Xoài
 
Tôi viết xong bài này khá lâu rồi nhưng cuối cùng không gởi đi vì nghĩ rừng nào cọp nấy, viết lách (lách thật) chỉ thêm mệt xác mất thì giờ, mà phần thưởng (nếu có độc giả) sẽ là được cho đứng chung liên danh hàng tôm hàng cá. Nhưng đêm qua (23.4.2007) đọc trên talawas tôi đã thấy có thêm một bài mạ lị nhà văn Lê Xuyên của một cây bút tên tuổi đã nhiều lần phủ nhận miền Nam trước 1975. Như thế, nên một lần nữa, cực chẳng đã, tôi lại phải lên tiếng thay người quá cố, thầm nghĩ trong trường hợp này lời lẽ tôm cá vẫn hơn là vàng ròng của im lặng cầu an. Thành thật xin lỗi bạn đọc (nếu có) trong và ngoài nước.

Nguyễn Ðăng Thường
Nguyệt Ðồng Xoài của cố nhà văn Lê Xuyên là một truyện dài đăng báo ăn khách, trước khi trở thành một tác phẩm hư cấu bán chạy ở miền Nam trước 1975. Sau "giải phóng", 10 cuốn tiểu thuyết trường giang của Lê Xuyên đã "được" chính quyền cách mạng cách "mạng" trong tinh thần tru di tam tộc theo đúng truyền thống văn hóa tốt đẹp con Rồng cháu Tiên, đã chuyển hướng theo con Mác-Lênin cháu Bác Hồ. Nhà văn Lê Xuyên, cũng như hầu hết các văn nghệ sĩ miền Nam không có phương tiện cao bay xa chạy, hoặc đã tình nguyện ở lại vào phút chót mong góp sức xây dựng một quê hương mới tốt đẹp hơn vạn lần, đã lãnh nhận cái phần thưởng quý báu là được đi học tập cải tạo, một trò sa-đích dã man, nô lệ hóa, súc vật hóa con người, mà chính quyền cộng sản đã sáng chế theo chủ trương "phương tiện biện minh cho cứu cánh", nối gót phát-xít Đức. Khi rời trại về tổ ấm đã hoang lạnh, nhà văn tên tuổi và tài hoa Lê Xuyên đã phải sống phần cuối đời, hơn hai mươi năm, bằng cách bán thuốc lá lẻ ở đầu đường để độ nhựt. Trong suốt mười lăm năm ông không có cơ hội hay phương tiện để đặt chân "trở vô Sài Gòn" thăm bạn bè cũ, dù nhà ông chỉ ở cuối đường Ngô Quyền (Chợ Lớn).

Như độc giả biết rõ, trong tinh thần xây dựng và với mục đích khơi thông, phục hồi văn học miền Nam trước 1975, Công ty Văn hóa Phương Nam mới đây đã cho tái bản Nguyệt Ðồng Xoài và bốn cuốn truyện của Dương Nghiễm Mậu. Tức khắc chúng bị phê phán thậm tệ, chí ít là bởi hai người "có tiếng nói": một cô giáo chắc hẳn là không cô giáo làng dù là làng thế giới, một nhà báo chắc chắn là không nhà báo lá cải dù là cải hoa ngồng. Sự "súc vật hóa" con người trong các tác phẩm hiện sinh của Dương Nghiễm Mậu đã khiến cô giáo "dạy Kiều" phẫn nộ. Nhưng súc vật hóa con người trong đời sống hàng ngày, ở ngay trước mắt, thì có thể cô giáo này vì đã quen chứng kiến nên không thấy xốn xang? Còn những cảnh đọa đầy con người trong Kiều, trong văn chương của Tự lực Văn đoàn, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng… thì sao? Ông nhà báo thì chê cuốn truyện của Lê Xuyên, trước tiên, là vì nó thuộc loại truyện "phơi tông / phơi mông" đăng báo chí nhảm nhí trước khi được giải phóng "thanh lọc hóa", chỉ nói về sex (nhưng độc giả tò mò tìm đỏ mắt trong hơn 1000 trang vẫn chẳng kiếm được một cảnh "bóng đè" giống như hiện thực xã hội chủ nghĩa xả láng đương đại), và trách móc Cục Xuất bản đã không "đọc hết" và chưa "biết rõ về những tác phẩm này". Nhà báo nọ còn bịa thêm chuyện "những gia đình gia giáo [miền Nam] chỉ cho phép con cái mình đọc truyện của Vũ Hạnh, Sơn Nam, Ngọc Linh, An Khê" vì "các bậc cha mẹ không muốn con cái mình bị tiêm nhiễm".

Xin thưa: Nếu tác phẩm này có ảnh hưởng thì đó sẽ là một ảnh hưởng tốt trăm phần trăm vì cô Nguyệt đã giữ được tiết trinh cho tới phút cuối cùng, dù nó đáng giá ngàn vàng (thời Nguyễn Du) hay chỉ mười đô thôi (thời Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Cô giáo đội Kiều đạp Dương Nghiễm Mậu và nhà báo đấu tố Lê Xuyên chắc hẳn vẫn còn nhớ lời dạy "đàn ông chớ đọc Phan Trần, đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều" của người xưa chứ? Sự thật là độc giả của Lê Xuyên nói riêng và của truyện đăng báo nói chung lúc đó toàn là các bậc cha mẹ, và thần tượng của giới học sinh lúc ấy là nhà văn Duyên Anh. Tôi còn nhớ khi đi coi thi tú tài ở Mỹ Tho, một đồng nghiệp (và đồng khóa) dạy tiếng Pháp, chị Phạm Thị Hoa, đã mở cuốn Chú Tư Cầu ra đọc và khen sách hay, "anh đọc thử coi". Trong số bốn nhà văn được nhà báo nọ trân trọng kể tên, hai "tên" là "Việt cộng nằm vùng" (Vũ Hạnh, Sơn Nam), hai "tên" kia thì nói thiệt kẻ viết bài này trước 1975 chưa được nghe ai nói đến, dù chỉ vỏn vẹn một lần thôi.

Như một thể loại, tiểu thuyết feuilleton tự nó không kém cỏi, nó đã được sử dụng bởi các nhà văn danh tiếng thế giới như Dumas, Balzac, Dickens (nữ hoàng Victoria đã theo dõi truyện Dickens hàng ngày trên báo) vì nó tạo một cái nền lớn thích hợp cho những bức họa xã hội hoành tráng. Tiểu thuyết xã hội của cụ Hồ Biểu Chánh, tiểu thuyết tâm lý của Bà Tùng Long cũng đã xuất hiện lần đầu tiên dưới dạng feuilleton. Không phải cứ muốn là bất cứ ai cũng có thể viết được tiểu thuyết feuilleton đâu nhé. Cái khó trước nhứt, cũng như lẽ sống của nó trên báo chí, là nó phải ăn khách ngay từ buổi đầu. Cây bút feuilleton nổi tiếng nhứt ở Sài Gòn trước 1954 là nhà văn Phú Ðức, tác giả Châu về Hiệp Phố, đăng tải trên nhựt báo Thần Chung hay Sài Gòn Mới đã giúp bà Bút Trà (chị chồng Bà Tùng Long) tạo phố lầu, xây biệt thự. Theo huyền thoại (và chắc chắn không đúng vì đối với bất cứ ai, viết chẳng bao giờ là chuyện dễ như chơi), nhà văn Phú Ðức, với sức tưởng tượng phong phú, đã xây dựng dần dà cốt chuyện và viết theo cảm hứng tức thì (bên cạnh ả Phù Dung trong Chợ Lớn), tới toà soạn giao các trang bản thảo vào buổi sáng để chúng xuất hiện mỗi buổi chiều.

Vì đã bị tẩy não trầm trọng, vì đã quen vâng lời Ðảng, nhà báo nọ đã ngờ ngệch đến độ tin rằng cứ cấm cửa (con cái) là sẽ được tuân chỉ ngay (như Thúy Kiều đã “vâng lệnh” Vương ông lén lút gặp Kim Trọng!), mà không nghĩ (hay chưa đủ tri thức để nghĩ rằng) sự cấm đoán chỉ đưa đến kết quả trái ngược là kích thích sự tò mò, tạo ước muốn thoát ly? Trường hợp chống đối nhanh nhẩu này đã cho thấy việc khai thông văn học hai miền trong nước gặp khó khăn ngay từ bước đầu, nếu không muốn nói là đã thất bại ngay, do định kiến (tôi quá bi quan chăng?). Bởi thế ta chớ vội vàng mơ tưởng chuyện hợp lưu "anh đi đường tôi tôi đường anh" giữa hai dòng văn học trong và ngoài nước, vì dòng trong luôn luôn có phương tiện và sự hỗ trợ của chính quyền để lấn lướt. Ngoài ra nhà báo nọ đã chơi trò châm biếm cao cấp khi ghi dấu chấm than sau câu "khách sạn nơi anh Mỹ ở bị nổ tung bởi một quả mìn (!)". Tất nhiên chỉ có bom Mỹ trút xuống Hà Nội, Hải Phòng, được nhân đôi, nhân ba là có thật thôi.

Ðại khái (vì đây không là một bài nghiên cứu tỉ mỉ) truyện phơi tông (roman-feuilleton) đã xuất hiện ở Pháp giữa thế kỷ 19 (1836), như một tiểu loại văn chương có tên gọi riêng, như truyện thư từ (roman épistolaire) ở thế kỷ 17, 18 trước đó. Cứu cánh của loại tự sự feuilleton ngay từ buổi đầu là nêu các vấn đề đạo đức và thẩm mỹ, giúp độc giả (quần chúng) hiểu rõ hơn, mà nó chỉ là một phương tiện đơn giản, hữu hiệu. Tất nhiên cũng ngay từ buổi đầu, nó đã bị kỳ thị, khinh khi bởi giới trí thức, vì sự có mặt của nó là để phục vụ đám đông; vì nó không đài các, thiếu tế nhị, nói tắt là không hợp gu giới này. Nó đã bị rẻ rúng, như truyện trinh thám, truyện tranh, điện ảnh, ti vi, thậm chí máy vi tính, khi chúng mới xuất hiện. Nếu chỉ nhìn dưới góc cạnh tự sự thuần túy (như là phương tiện, nếu không độc nhứt thì cũng hiệu quả nhứt để "câu" thính giả), thì lối kể chuyện lằng nhằng "vòng vo tam quốc" đã xuất hiện từ Ðông sang Tây (hay ngược lại) với truyện Tàu như đã ám chỉ trên đây (Ðông Châu liệt quốc, Tam Quốc chí, Tây du ký...) truyện Nhật (The Tale of Genji), truyện cổ Hy Lạp (Iliad, Odysseus), truyện Ảrập (Ngàn lẻ một đêm), Kinh Thánh (Sáng thế ký, Cựu Ước, Tân Ước), vân vân.

Rải rác trong văn học thế giới từ Âu sang Á (hay ngược lại từ Ðông sang Tây), và có thể đã bắt đầu với Gargantua và Pantagruel (xuất bản vào khoảng 1532) của Francois Rabelais, Don Quixote (1605) của Miguel de Cervantes, hay Genji Monogatari (The Tale of Genji, Nhật Bản) có thể là của Phu nhân Murasaki Shibuku (khoảng 973 hay 1014-1025); thỉnh thoảng lại thấy xuất hiện trong văn học Tây phương vài tác phẩm "vòng vo" như Gulliver's Travels (1726) của Jonathan Swift, Tristram Shandy của Laurence Sterne (gồm chín tập xuất hiện ở Anh từ năm 1759 và liên tục trong mười năm, mà cuốn chót cũng chưa thật là kết cuộc), Ulysses (1922) của James Joyce, Ði tìm thời gian đã mất (1913-1927) của Marcel Proust, Der Mann ohne Eigenschaften (Người không không phẩm chất, 1930, 1933, 1943) của Robert Musil, nay đã được đánh giá là tác phẩm vĩ đại có một không hai của thế giới, mà tôi chỉ xin kể ra như những thí dụ và tránh đi sâu vào chi tiết. Ðó là chưa kể các bộ tiểu thuyết dài hơi của Tolstoy, Dostoyesky, Gadda, Dos Passos, Thomas Mann, Roger Martin Du Gard, Jules Romains, thậm chí Sartre với Les chemins de la liberté còn bỏ dở. Nhà văn Umberto Eco đã đưa ra chí ít là hai loại độc giả: độc giả tốt và độc giả tồi. Một lần nữa tôi chỉ xin kể ra và sử dụng như luận cứ chứ không đi sâu vào hai loại độc giả theo sát định nghĩa Eco. Theo thiển nghĩ của tôi, hai độc giả Việt kể trên, một nhà giáo và một nhà báo, thuộc loại độc giả tồi, vì tầm nhìn của họ dừng lại ở cái bề mặt rất mỏng của một tác phẩm mà không thể tiến xa hơn. Họ đọc chỉ để xem cốt truyện, biết tư cách, tâm lý các nhân vật coi có thích hợp với sở thích, quan điểm đạo đức, thẩm mỹ của họ hay không, rồi vội vã chỉ vẽ, cười chê.

Theo thiển nghĩ của tôi, nhà văn Lê Xuyên đã viết lại Truyện KiềuLục Vân Tiên với hai tác phẩm Nguyệt Ðồng XoàiChú Tư Cầu. Hai cuốn truyện phơi tông khác, Kinh nước đenLoan mắt nhung (một Từ Hải hiện đại) của nhà văn Nguyễn Thụy Long, cũng là một cách hấp dẫn để hiện đại hóa tác phẩm của Nguyễn Du. Tôi đọc bốn cuốn truyện này đã khá lâu nên không nhớ chi tiết. Chỉ nhớ khi đọc Nguyệt Ðồng Xoài tôi đã ý thức ngay giá trị biểu trưng đậm nét của nhân vật Nguyệt, vết sẹo trên lưng cô, và chữ trinh vẫn nguyên vẹn khi cô vĩnh biệt / tạm biệt cõi đời. Tôi đã nghĩ nhân vật Nguyệt Ðồng Xoài chính là "quê hương Việt Nam thần túy", vẫn giữ được nguyên vẹn nhan sắc và tiết trinh đến phút cuối cùng. "Ðất Việt - Nguyệt Ðồng Xoài" hay chí ít "Nguyệt Ðồng Xoài - Nam Việt" đã giữ mình không để mất trinh với tên Sở Khanh (Cộng sản Bắc hay Cộng hòa Nam), nhưng định mệnh trớ trêu ác nghiệt (quả mìn Việt cộng hay dàn đồng ca trí thức cánh tả toàn cầu và phản chiến trong ngoài?) cũng đã khiến cô không thể trao thân gởi phận cho Từ Hải (Dân chủ, Tư bản Mỹ).

Xin chớ quên, hay cần biết thêm, rằng độc giả miền Nam đọc truyện phơi tông mỗi ngày chỉ vài cột ngắn trên báo cùng với tin tức thời sự mà chúng phản ảnh tức khắc, dưới dạng thức văn chương. Tất nhiên họ không cần biết cái mình đang đọc có là "tác phẩm văn học" hay không. Mà "tác phẩm văn học" cho ai, theo tiêu chuẩn nào? Chẳng lẽ nhân danh "văn học" để buộc độc giả ta đọc truyện người của García Márquez, Cao Hành Kiện, Nadime Gordimer, thậm chí Elfriede Jelinek... mà xao lãng truyện nhà của Lê Xuyên, Nguyễn Thụy Long, Dương Nghiễm Mậu ư? Dĩ nhiên tỉ tê xót xa cho số kiếp của một chị xẩm thậy “đĩ thập thành” đời Minh năm Gia Tĩnh hai kinh vững vàng sẽ uyên thâm quí phái hơn là chú ý đến số phận của một cô gái quê tiết trinh tỉnh lẻ Việt Nam chiến tranh bom đạn tang tóc đời nay! Thú vị hơn hết, vâng, hay ho hơn cả là cái trò “rối cạn” rước voi về dựng kịch Dürrenmatt, Tennessee Williams giày mả tổ cải lương miền Nam chưa xanh cỏ, dù chỉ là cỏ ni lông!

Ngoài ra, yếu điểm của truyện phơi tông Việt Nam (nếu có), với thời gian đã / sẽ trở thành ưu điểm. Bởi chúng đã ghi chép ngôn ngữ đời thường / phương ngữ đồng bằng Cửu Long cho mai hậu, nối gót các cụ Nguyễn Ðình Chiểu, Hồ Biểu Chánh. Vì biết đâu, ngôn ngữ đó, chí ít là trong văn, thơ có thể sẽ bị ngôn ngữ Bắc bộ lấn át (kẹo lạc, đậu phụ, muối vừng, ô tô sẽ chiếm chỗ của kẹo đậu phộng, tàu hủ, muối mè, xe hơi, v.v...) để rồi sẽ mai một theo năm tháng chăng? Rờ gỗ, tréo ngón, hy vọng trong tuyệt vọng, rằng đất nước "Việt Nam nguyên chất Nguyệt Ðồng Xoài" sẽ hồi sinh rực rỡ trăm phần theo dòng thời gian và lịch sử nhân loại, luôn luôn có những vấp váp, lạc bước nhứt thời vào ngõ cụt, nhưng sẽ còn mãi mãi tiến bước trên những nẻo đường gió lộng thênh thang.

Cuối cùng, xin nhắc lời cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng nghe những gì người cộng sản nói, hãy xem những gì người cộng sản làm!”. Lời lẽ của ông tướng Việt cộng về chiều đang rêu rao “hòa giải dân tộc” chỉ là đạo đức gỉả, đặt cái cày trước con trâu. Nếu thực tình muốn có hòa giải thì chính quyền cộng sản phải thả ngay linh mục Nguyễn Văn Lý; phải trả lại nhà và đất đã tịch thu của Việt kiều về cho chủ cũ; phải có một ngày lễ kỷ niệm những người chết trong trại cải tạo, thuyền nhân bỏ mình trên biển cả và chính thức xin lỗi đón mời Việt kiều về tham dự; phải mở rộng các cánh cửa Tự do, Bác ái, Công bằng đón tiếp dân tộc Việt trong và ngoài nước thì mọi chuyện sẽ êm xuôi tốt đẹp ngay. Nói tóm lại, miền Nam đã không nhỏ nhen đốt sách diệt sĩ phu, san bằng các nghĩa trang, gây chia rẽ hận thù, chí ít là khi hòa bình trở lại. Vậy nay nếu muốn có hòa giải, Bắc bộ là kẻ đang cầm cờ, phải khởi bước đầu. Giản dị thế thôi. Hỡi những ai miệng ngậm bánh sữa tha từ hải ngoại về, nên tìm đọc lại bài ngụ ngôn "Con quạ với con chồn". “Núm ruột ngàn dặm” trong miệng Việt cộng là “láng ô lông lá, dịu dàng hình dung” trong miệng cáo già đó nhe. Đã trót dại một lần rồi, đừng đánh liều nhắm mắt đưa chân một lần nữa nhé!

Kính mời độc giả xem thêm phụ lục về truyện phơi tông theo cái nhìn của nhà văn Mai Thảo, về cuộc đời của hai nhà văn Lê Xuyên và Nguyễn Thụy Long sau "giải phóng", và hai chương Tristram Shandy, một cuốn truyện “không đầu không đuôi” của Laurence Sterne, để suy gẫm thêm về bản chất của một tác phẩm văn học. Nó không cần phải noi theo một khuôn mẫu nhứt định và bất di bất dịch theo quan niệm của văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa, đã phá sản do chính sự lố bịch khôi hài của những tác phẩm này. Tác phẩm cũng như con người, cần phải được tự do, dù đó chỉ là tự do có giới hạn, vì cả hai luôn luôn bị trói buộc trong không gian và thời gian. Mỗi tác phẩm cống hiến một định nghĩa. Do vậy, tác phẩm của các nhà văn lớn luôn luôn khác biệt nhau. Tự do có giới hạn hiểu theo nghĩa của Sartre: dù trong hoàn cảnh nào con người cũng có thể lựa chọn, để trở thành anh hùng hay tiểu nhân, mẹ hiền hay con điếm. Triết lý của chủ nghĩa hiện sinh là “hiện hữu có trước bản thể” (l’existence précède l’essence). Anh hùng và tiểu nhân đã cống hiến một định nghĩa khác biệt về con người. Ở nhà văn Jean Genet, Sartre đã ngẫu nhiên bắt gặp sự minh họa hùng hồn cho triết lý hiện sinh: cậu bé Genet, một đứa trẻ vô thừa nhận đã ý thức chọn cho mình vai trò thiếu nhi phạm pháp, đồng tính luyến ái, ăn cắp vặt, phản bội bạn bè chí ít là trong thời trai trẻ, khi kể lại cuộc đời tù tội và cuộc sống bên lề đã trở thành một nhà văn lớn, dị thường và phi thường không giống ai. Bạn đọc có thể đọc thêm về nhà văn này trong bài “Genet: chân dung nhìn nghiêng” của tôi trên Website Tiền Vệ.

Từ Hải là một con người tung hoành, tự do. Thúy Kiều là một con người thụ động, nô lệ. Cuộc đời Thúy Kiều là cái chết chung thân, ngoại trừ những giây phút ngắn ngủi lén lúc gặp Kim Trọng. Khi Từ Hải quy nạp sự tự do (như “kết nạp Đảng”) cũng chính là lúc Từ Hải lãnh nhận cái chết vĩnh viễn. Cô Tuyết đã tự do lựa chọn “đời mưa gió”, cuộc “đời phong trần” của nàng Kiều chỉ là do định mệnh, và đó cũng là sự khác biệt giữa hai nhân vật này!


*


Phụ lục 1
Mai Thảo
Lời tựa (Chú Tư Cầu)

"Lời tựa" của nhà văn Mai Thảo rất hay, chỉ tiếc kết luận đã tải đạo, đượm hơi hướm trường văn chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa chỉ bảo các nhà văn phải viết thế này thế nọ, phải lựa chọn những "mảng đề tài", vân vân, mà vì cấp bách tôi xin để qua một bên. (NÐT)

Hiện tượng của truyện dài viết từng đoạn, đăng từng kỳ nơi trang trong các nhật báo, như chúng ta đang thấy lan rộng thành một lan rộng bao trùm toàn diện, đẩy hầu hết những cây bút sáng tác chuyên nghiệp hiện nay tới kiếm tìm một thể mới, áp dụng một bút pháp mới. Kỹ thuật được mệnh danh là kỹ thuật viết tiểu thuyết cho báo hàng ngày, ở mỗi người viết, phơi bày một phong cách biểu hiện khác nhau, nhưng mục đích muốn tới và dụng tâm cuối cùng thì giản đơn và sáng rõ là một.

Ðó là: tuy đăng từng ngày, mỗi ngày một tiểu đoạn, nhưng cách viết và lối dựng truyện phải là những bí quyết sắc bén giam nhốt không rời thần trí và ham thích người đọc, đã bước chân qua ngưỡng cửa, là không thể trở lui, phải từng số từng ngày đợi chờ đọc tiếp. Người viết truyện trữ tình đăng trên nhật báo bây giờ thảy đều mơ tưởng trở thành một Kim Dung kiếm hiệp. Một mở đầu đã dầy đặc những tình tiết bốc cháy từ những dòng mê đắm thứ nhất. Chuyển đoạn vừa đố vừa giảng. Chuyện đang vòm trời hiện tại thoát đã chân trời tương lai. Ðang những diễn biến bây giờ, bằng hồi tưởng, đột ngột kéo ngược hết về thì quá khứ. Bất ngờ cắt đứt một xáo trộn đóng khung trong một cảnh trí này, ném bỗng xáo trộn ấy vào một cảnh trí hoàn toàn khác biệt. Ðang thuật đang tả chuyển thành viết thư, nghiêng sang nhật ký. Và thuật tả cũng luôn luôn phải đối thoại xen vào.Trăm nghìn xảo thuật hâm nóng cảm giác, làm ngỡ ngàng mọi tưởng trước, sai lạc mọi phán đoán ấy, đã được chuyên chở bộn bề vào tiểu thuyết đăng báo chúng ta hiện nay, bằng con đường điện ảnh, bằng vay mượn và phối hợp cách thức viết với cách thức thực hiện phim ảnh. Nói chung, đó là kỹ thuật của loại phim truyện trinh thám, nghẹt thở, giật gân, bao giờ cũng tạo được tác dụng làm căng thẳng giác quan ta.

Ở ngòi bút Lê Xuyên và tiểu thuyết Lê Xuyên, vì cũng viết ra trước hết cho báo hàng ngày, chúng ta cũng thấy thấp thoáng sự nhập nội vào văn thể những kỹ thuật ấy. Nhưng Lê Xuyên không chỉ giới hạn khả năng trước tác của mình vào sử dụng kỹ thuật tiểu xảo. Và tiểu thuyết Lê Xuyên thật đông người đọc, tất còn phải chứa đựng, một sắc thái độc đáo nào? Câu trả lời là có. Ðó là không khí, cảnh trí, những khuôn mặt điển hình, những cuộc đời đặc biệt, những danh từ địa phương, cùng lối miêu tả sự việc bằng đối thoại cực kỳ linh động chỉ thấy ở tiểu thuyết Lê Xuyên.

Không khí, bầu trời của văn truyện Lê Xuyên là một không khí rất nước Việt miền Nam, một bầu trời rất miền Nam thôn dã. Ðang nắng lửa chói chang, chợt đã mưa rào đột ngột. Phút trước trời còn ngọc thạch, phút sau đã sầm tối mây đen. Kinh rạch chằng chịt, ngòi rạch lang thang. Trong ẩm ướt nhiệt đới, lúa mạ tốt tươi trùm lan thành nườm nượp mùa màng. Trời, đất, cỏ, hoa nồng cháy một hiện tượng giao tình thường trực. Không khí có sấm chớp trên kia và đời sống dưới này là rạo rực hình hài, là thần kinh bốc lửa. Như Cửu Long nước đầy, thiên nhiên và đại hình miền Nam đã là những phát hiện tự nhiên chan hòa sức sống. Bằng những liên hệ biện chứng với ngoại giới, người và đời sống của người, bởi vậy cũng đồng dáng với thiên nhiên và đồng tình với địa hình. Người đọc đã hiểu tại sao là nhân vật và những diễn biến tiểu thuyết Lê Xuyên thật hiếm ít những dấu tích và những đặc thù của văn minh phường phố. Tư Cầu có thể một bữa kia ra tỉnh. Ði coi hát bóng, vào phòng trà. Nhưng nguồn gốc, lẽ phải, hạnh phúc và cái làm nên thế quân bình cho đời sống Tư Cầu và những người đàn bà trở thành đối tượng cho bản năng Tư Cầu bốc cháy là ở giữa cái lồng lộng phơi phới đó của trời là màn, chiếu là đất, cỏ cây bằng hữu và trăng sao tình nhân. Thôn dã miền Nam trong tiểu thuyết Lê Xuyên không rối rắm những phong tục lâu đời, chồng chất những tập quán cố định. Như ta thấy ở Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, hay ở những tiểu thuyết thôn quê, tiểu thuyết phong tục tiền chiến của Nam Cao, Kim Lân, Tô Hoài. Ðó là một thôn dã mộc mạc hơn, còn đằm thắm cái đằm thắm ngu ngơ của sơ khai và tiền sử tính. Nước chảy không ngăn dòng. Cỏ mọc trùm bãi bờ. Ðó là cái trạng thái tự do của con người, mặc dầu là một tự do thấp và vô thức. Nhân vật tiểu thuyết của Lê Xuyên không chạy theo sức xô đẩy của tâm hồn, bởi vì không nâng đời sống tới những rung động tâm hồn, mà ném mình vào những vỡ và tự nhiên của thú tính. Tôi nhắc lại: đó là một phong cánh sống tự do, tuy thấp và vô thức, nhưng không phải không lần lên thành những nét đẹp riêng.

Nhiều người cho rằng, truyện Lê Xuyên hay nhất ờ những phần đối thoại. Ðối thoại có chuyên chở sự việc, có phân tích tâm lý, nghĩa là có thuật có tả ở trong. Nhận xét trên đúng, và cũng dễ hiểu. Ngôn ngữ tiểu thuyết Lê Xuyên là thứ ngôn ngữ nói chuyện không biến hình bằng những điều chỉnh bút pháp cho chuốt lọc hay văn hoa bay bướm hơn, cho nên cái khó nhất của nghệ thuật viết truyện là đối thoại thì Lê Xuyên lại thành công tốt đẹp nhất ở đó.

Ðề tựa Chú Tư Cầu tôi không bảo đây là một tác phẩm nghệ thuật. Ðăng từng kỳ trên báo hằng ngày rồi mới được in thành sách, chưa một sáng tác nào của chúng ta xứng đáng với ý nghĩa và thực chất phải có của một tác phẩm nghệ thuật. Ý nghĩ sau cùng của tôi về Lê Xuyên: Anh là một cây bút viết truyện có thật nhiều khả năng đáng quý, và rồi Lê Xuyên sẽ là người nhận thức và phát huy được rực rỡ những khả năng đáng quý ấy của mình trong những sáng tác được cô đọng lại, có một chủ đề nhất định, một bố cục vững vàng và châu đáo hơn.

Thế giới tiểu thuyết của chúng ta bây giờ là một căn phòng bưng bít tức thở. Người viết truyện sống tập trung trong thành phố, chỉ viết về thành phố. Hè đường, mặt nhựa, cột điện, phòng trà, vũ trường, bin đinh, gái điếm, khách chơi, quần ống túm và đợt sóng mới xếp chồng lên nhau trong những nội dung tiểu thuyết ngột ngạt đồng dáng. Phải phá vỡ sự giam nhốt chóng vánh ấy. Phải đẩy ngòi bút vào những hành trình cần thiết tới những chân trời mới. Phải mở những cánh cửa khác vào đời, cho bắt gặp những hình thái thiên hình vạn trạng đang diễn ra không chỉ nơi có lửa điện và nhà chọc trời, mà còn ở những vùng có ánh sáng trăng sao chiếu soi xuống mênh mông ruộng đồng thôn xóm quê hương đất nước chúng ta. Tiểu thuyết ta hiện đang thiếu vắng, nhiều hơn bao giờ, những chủ đề phản chiếu và làm sống lại những thực tế phong phú mới lạ khác biệt hẳn với cảnh trí phường phố.

Thôn dã và đời sống, con người thôn dã cùng với các vấn đề, những thực tế, những khát vọng, những vươn tới của con người thôn dã, phải được đặt thành chủ đề sáng tác chính yếu. Tôi nghĩ những người "có thôn quê trong tâm hồn" Lê Xuyên có đủ điều kiện tạo dựng những vòm trời mới bên cạnh vòm trời phường phố đang ngột ngạt phủ trùm lên thế giới tiểu thuyết chúng ta hiện nay.

(Trích từ tác phẩm Chú Tư Cầu của Lê Xuyên, do nxb Ðại Nam tái bản ở Hoa Kỳ trong thập niên 80. Bản điện tử do Nguyễn Đăng Thường thực hiện)


*


Phụ lục 2
Laurence Sterne
Hai chương Tristram Shandy
Nguyễn Ðăng Thường dịch

Laurence Sterne
(1713-1768)
Lời người dịch: Tristram là một tác phẩm hư cấu, tất nhiên xuất phát từ cuộc đời thật của nhà văn Laurence Sterne (1713-1768) và quê hương Ái Nhĩ Lan của ông, như cuốn Ulysses của James Joyce. Tristram là một cuốn truyện tân kỳ không giống ai, đã được độc giả ưa thích ngay khi xuất hiện lần đầu tiên. Tristram mới mẻ trong sự phóng khoáng về nội dung cũng như hình thức, đi trước tất cả mọi người, tới nay vẫn chưa có ai đuổi kịp. Về hình thức Tristram có những gạch nối rất dài, những hình ngôi sao như tinh tú giữa ban mai, các hình vẽ nguệch ngoạc để minh chứng, các chương toàn là giấy trắng, v.v. Chiếc cày hay con bò có thể là ẩn dụ (dương vật), bà Wadman có thể là một nhân vật tương tợ như bà Phó Đoan. Tựa bài này do người dịch đặt.


*


Quyển VIII, Chương XIII

Như vậy thì rõ ràng, bất kể những lời lẽ của Quí Vị và của Quí Ngài (bởi đây là thuộc về vấn đề suy tưởng, tất cả những ai suy tưởng đều suy tưởng gần như hệt nhau về vấn đề này và về các vấn đề khác) rằng TÌNH YÊU, theo thứ tự của mẫu tự, gần như là

L o âu
X ô đẩy
S uồng sã
V ớ vẩn V những chuyện nọ kia của cuộc đời này.
Q uyến rũ
V ô bổ
N guyền rủa (dành để)
Q uần lót
Ð ịa ngục (bỏ bớt gần như)
(K hông chữ K?)
T rữ tình những đam mê của thế giới;
N hõng nhẽo
N gớ ngẩn hóa
O péradique
T hực dụng
I nh tai
K ỳ cục (chữ K không cần đứng trước), những K

Nói tóm lại, bản chất của tình yêu là thế đấy, đến đỗi, như cha tôi đã nói với chú Toby để kết thúc một cuộc tranh luận:

  • Chú Toby thân mến ơi, người ta không thể nối liền hai ý kiến về nó mà chẳng rơi vào hoán trạng.

  • Vào cái gì, chú Toby la lối.

  • Ðó là, cha tôi nói, đặt cái cày trước con bò c

  • Và con bò nó sẽ làm gì? Chú tôi kêu to C

  • Nó chui vào hay nó bỏ đi, cha tôi đáp.

Thế nhưng, bà quả phụ Wadman, như tôi đã nói, chẳng muốn làm điều nọ hay điều kia. Tuy nhiên bà ấy vẫn đợi chờ, bóng lộn, trong tư thế sẵn sàng đón nhận mọi chuyện bất ngờ.


*


Chương XX, Quyển IX

——— * * * * * * * * * * * * * *
* * * * * * * * * * * * * *

* * * * * * * * * * * * * * * * * * * *
* * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * *

——

——— Thưa Bà, Bà sẽ được nhìn tận mắt cái chỗ ấy, chú Toby bảo.

Bà Wadman thẹn đỏ mặt —— nhìn về phía cửa —— mặt bà tái mét —— rồi bà lại đỏ mặt một lần nữa nhưng nhẹ hơn —— rồi màu da lại bình thường —— rồi lại đỏ mặt nhiều hơn; điều mà, vì lưu tâm đến các độc giả chưa biết rõ ngôn từ của những biểu lộ câm lặng đó, tôi xin diễn dịch lại như sau ——

Chúa ơi! Mình không muốn nhìn ——
Nhưng thiên hạ sẽ nghĩ sao nếu mình nhìn?
Mình sẽ ngất xỉu nếu mình nhìn ——
Nhưng cớ chi mình lại không thể nhìn?
Mặc kệ! Mình cứ nhìn.
Mình sẽ nhìn.

Trong lúc những ý nghĩ đó loay hoay trong đầu Bà Wadman, chú Toby đã đứng dậy từ chiếc ghế dài, đi xuyên qua căn phòng khách nhỏ, đến chiếc cửa mở ra hành lang, bước ra ngoài gọi anh Láng bảo đi lấy tang vật —— * * * * * * * * * * * * * * * * * —— Tao tin rằng nó ở trên gác xép, chú Toby nói —— Con đã trông thấy nó hồi sáng, xin quan trên thứ lỗi, anh Láng nói —— Dù sao thì Láng ơi tao cũng yêu cầu mày hãy chạy đi lấy nó tức khắc, chú Toby bảo, và mang nó vào phòng khách ngay cho tao.

Anh hạ sĩ chẳng mấy tán thành lệnh đã ban ra nhưng anh cũng tận tâm thi hành. Vì nếu anh không là chủ của mệnh lệnh —— thì ít ra anh cũng là chủ của sự tuân chỉ; anh chụp vội chiếc mũ lính kiểu Montero lên đầu và lao nhanh hết mình bằng sức lực mà cái đầu gối mang tật của anh cho phép anh. Chú Toby bước trở vô phòng khách và lại ngồi xuống chiếc ghế dài.

Tôi sẽ để cho bà đặt ngón tay vào cái chỗ đó —— chú Toby nói —— Ta sẽ không rờ vào cái chỗ đó với bất cứ lý do nào, bà Wadman nhủ thầm.

Ðiều này lại cần thêm một diễn dịch thứ hai: —— đó là bằng chứng của sự kém cỏi khi ta muốn hiểu rõ nghĩa các chữ —— bởi vậy ta cần phải quay về những cội nguồn ban sơ để hiểu thấu những điều chúng không thể phát biểu.

Thế nhưng nếu muốn xua tan đám sương mù lơ lửng trên trên các trang viết cuối cùng của tôi, tôi cần phải sáng sủa càng nhiều càng tốt.

Hãy xoa trán ba lần —— hãy hỉ mũi —— hãy nạo sạch các bộ phận bài tiết —— hãy hắt hơi —— hỡi bọn người tử tế ơi —— Thượng đế sẽ ban phước lành cho các bạn! —— Bây giờ thì xin các bạn hãy tận tình giúp đỡ cái thằng này.

(Trích từ Vie et opinions de Tristram Shandy, tr. 498-499 và tr. 572-573, của Laurence Sterne, do Charles Mauron chuyển ngữ, Serge Soupel giới thiệu và hiệu đính. Éditions GF Flammarion 1982, Paris. Nguyên tác tiếng Anh: The Life and Opinions of Tristram Shandy, Gentleman)

© 2007 talawas