trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Sách của nhà xuất bản Tri Thức
 1   2   3   4   5   6   7 
14.3.2007
Tocqueville Alexis de
Nền dân trị Mỹ (trích)
Phạm Toàn dịch
 
Chương V: Về cách thức người Mỹ sử dụng hình thức hiệp hội - đoàn thể trong đời sống dân sự

Tôi không muốn nói đến những đoàn thể chính trị được con người đem dùng vào việc tự vệ chống lại hành động chuyên chế của một phe đa số hoặc chống lại những lấn lướt bởi quyền lực của một ông vua. Những điều đó đã được tôi xem xét ở chương khác. Rõ ràng là, nếu như mỗi công dân, khi mà trong tư cách cá nhân họ càng lúc càng trở nên yếu thế đi, và do đó khi tách riêng ra họ càng không có khả năng duy trì quyền tự do của mình, nếu họ không học lấy cách thức đoàn kết với những ai có hoàn cảnh như mình để cùng tự vệ, tất yếu khi đó bạo quyền sẽ nảy nở và lớn mạnh cùng với bình quyền. Vì thế ở chương này tôi chỉ bàn đến những hiệp hội–đoàn thể được hình thành trong đời sống dân sự và chúng chẳng hề có tính chất chính trị.

Các đoàn thể chính trị tồn tại ở Hoa Kỳ chỉ là một chi tiết giữa bối cảnh mênh mông của các hiệp hội đoàn thể ở xứ sở này.

Người Mỹ ở mọi lứa tuổi, mọi điều kiện và hoàn cảnh, mọi trình độ tinh thần trí tuệ, đều luôn luôn kết hội lại với nhau. Không những họ có những hiệp hội thương mại và công nghiệp mà ai ai cũng có chân trong đó, họ còn có cả ngàn kiểu hiệp hội các loại khác nữa: hội về tôn giáo và hội về đạo đức, hội nghiêm túc và hội tào lao, hội khá chung và hội rất riêng, hội vô cùng lớn và hội vô cùng bé. Người Mỹ lập hội để tổ chức lễ tết, lập hội để mở trường học theo lối tự học (séminaire – ND), lập hội để xây dựng các quán nhậu, để dựng nhà thờ, để quảng bá sách, để cử các nhà truyền giáo đi tới những vùng xa xôi tận đẩu tận đâu. Cũng theo cách lập hội đó mà người Mỹ xây bệnh viện, mở nhà tù, dựng trường học. Kể cả khi có nội dung là nghiên cứu làm sáng tỏ một sự thật nào đó hoặc để triển khai một tình cảm dựa trên một tấm gương lớn, khi đó họ cũng lập hội để hoạt động. Khắp nơi nơi khi có công trình mới mẻ nào, mà ở Pháp bạn sẽ thấy đứng đầu là một người của chính quyền và ở Anh là một người của Hoàng gia, thì bạn hãy tin rằng ở Hoa Kỳ đứng đầu công trình mới đó là một hiệp hội.

Tôi từng bắt gặp ở nước Mỹ những kiểu hiệp hội mà phải thú nhận là chẳng hiểu họ lập ra để làm gì, và tôi lắm khi chiêm ngưỡng cái tài năng vô tận những con người ở nước Mỹ đem ra thi thố để xác định một mục tiêu chung cho những nỗ lực của số rất đông con người và rồi còn làm cho những con người ấy vẫn bước đi một cách tự do bên trong các tổ chức ấy.

Tôi lùng đọc những tài liệu từ xưa của nước Anh, những tài liệu từ đó có được người Mỹ nhặt ra một số luật lệ và vô số cách dùng, và thấy được rằng người Mỹ đã đi khá xa và thấy họ dùng khái niệm hiệp hội một cách khá bền bỉ và khéo léo đến thế.

Thường có chuyện là người Anh thực hiện riêng rẽ được những công cuộc rất to tát, trong khi đó, ta chẳng thấy một công trình thật nhỏ bé nào mà người Mỹ lại không kết hội lại để cùng nhau làm. Hiển nhiên là người Anh coi hiệp hội như một phương tiện hành động đầy sức mạnh; nhưng hình như người Mỹ lại coi phương tiện hiệp hội là công cụ hành động duy nhất.

Vậy là cái xứ sở dân chủ nhất của trái đất này cũng là xứ sở ở đó con người đã có được cái kỹ năng hoàn thiện nhất thời nay cùng đeo đuổi mục tiêu của những ước vọng chung và đem áp dụng cái khoa học mới mẻ này vào được cho vô vàn đối tượng. Đó chỉ là chuyện tình cờ, hay là giữa các hiệp hội – đoàn thể và quyền bình đẳng phải có một mối liên quan tất yếu nào chứ?

Các xã hội quý tộc trị luôn luôn chứa đựng trong lòng nó một nhóm nhỏ công dân rất thế lực và rất giàu nằm giữa vô thiên lủng những cá nhân không đủ sức tự mình làm bất cứ điều gì. Mỗi con người giàu có và thế lực này có khả năng tự mình làm nên những công trình lớn.

Trong các xã hội quý tộc trị, con người không có nhu cầu kết hội lại để hành động, bởi vì họ đã được duy trì cố kết với nhau rất chắc rồi.

Trong các xã hội quý tộc trị đó, mỗi công dân giàu có và thế lực như thế đứng đầu một “hiệp hội” tồn tại thường xuyên và bắt buộc, gồm tất cả những ai lệ thuộc trong tay công dân giàu mạnh kia và bị khiến cho phải cùng thực hiện các ý đồ của anh ta.

Trong các quốc gia dân trị thì ngược lại, mọi công dân đều độc lập và không có thế lực gì hết. Hầu như họ không thể tự mình làm nên một điều gì, và mỗi công dân đó lại chẳng thể nào bắt buộc được các công dân khác giúp rập vào cho mình. Thế là tất cả đều rơi vào sự bất lực nếu họ không biết cách tự do giúp đỡ lẫn nhau.

Nếu con người sống trong các quốc gia dân trị lại không có quyền và chẳng có thích thú kết hội lại vì những mục tiêu chính trị, thì sự độc lập của họ hẳn là rất bấp bênh, song họ vẫn có khả năng giữ gìn dài lâu các tài sản và trí tuệ của mình. Thế nhưng nếu như họ không sử dụng được quyền lập hội ngay trong đời sống bình thường, thì bản thân nền văn minh sẽ gặp nguy cơ bị hủy diệt. Một quốc gia mà ở đó những con người riêng rẽ không còn nữa cái quyền tiến hành riêng rẽ những công trình to tát song lại không có được cái khả năng chung sức với nhau tiến hành các công trình ấy, quốc gia đó rồi sẽ sớm quay trở lại cuộc sống mông muội.

Khốn thay, cũng trạng thái xã hội đã khiến các hiệp hội trở nên thiết yếu cho các quốc gia dân trị, thì cũng chính nó lại khiến các hiệp hội đó gặp khó khăn hơn nhiều so với các quốc gia khác.

Khi có nhiều thành viên của đẳng cấp quý tộc muốn lập hội với nhau, họ làm công việc đó thật dễ. Do chỗ mỗi người trong bọn họ mang theo mình một thế lực lớn của xã hội nên số hội viên có thể rất ít, và khi số lượng hội viên ít thì họ rất dễ quen biết hết nhau, hiểu nhau và xác lập nên những quy tắc cố định.

Không sao có thể bắt gặp một sự dễ dàng như vậy tại các nước dân chủ, ở đó người ta đòi hỏi phải có thật nhiều hội viên thì hội mới được thừa nhận.

Tôi biết là chuyện này không làm những người cùng thời với tôi xúc động. Họ cho rằng, chừng nào các công dân càng yếu thế hơn và bất lực hơn, thì cần phải làm cách gì cho chính quyền khôn khéo hơn và chủ động hơn, như thế xã hội có thể thực hiện được những gì các cá nhân không đủ sức làm. Họ ngỡ là cứ như vậy là đáp ứng tất thảy. Song tôi tin là các vị đó đã nhầm.

Một chính quyền có thể thay thế cho một vài trong số những hiệp hội lớn nhất của Mỹ, và bên trong Liên bang Hoa Kỳ đã có rất nhiều bang thử làm điều đó. Nhưng liệu có chính quyền nào đủ sức thỏa mãn số lượng nhiều đến vô tận những doanh nghiệp nhỏ mà người Mỹ điều hành hoạt động hàng ngày nhờ hiệp hội?

Ta dễ dàng dự đoán là đang tiến dần tới thời kỳ mà con người sẽ ngày càng bớt lao động một thân một mình để sản xuất ra các đồ vật phổ thông và cần thiết nhất cho cuộc sống. Nhiệm vụ của quyền lực xã hội sẽ gia tăng không ngừng, và chính những nỗ lực của nó khiến cho quyền lực đó càng ngày càng rộng lớn. Chính quyền càng làm thay các hiệp hội thì những con người cá thể do đã mất đi cái ý tưởng kết hội sẽ càng đòi hỏi chính quyền tới hỗ trợ: đó là những nguyên nhân và hệ quả không ngừng tự sinh ra nhau. Cuối cùng liệu chính quyền công cộng có điều hành nổi toàn bộ nền sản xuất mà một công dân riêng lẻ không sao làm nổi? Và nếu như vào lúc nào đó, do hệ quả của sự chia triệt để đất đai, chia nhỏ đến kiệt cùng, đến độ là đất đai chỉ có thể canh tác nhờ những hiệp hội nông dân, liệu khi đó người đứng đầu chính quyền có rời bỏ vị trí người thuyền trưởng con tàu Nhà nước để đi cầm cày?

Khi chính quyền của một quốc gia dân trị chiếm chỗ hoàn toàn của các hiệp hội, thì đạo đức và trí tuệ của quốc gia ấy cũng không gặp hiểm nguy nho nhỏ nào ngoại trừ việc giao thương và việc sản xuất của nó.

Tình cảm và tư tưởng chỉ có thể đổi mới, trái tim chỉ có thể rộng lớn thêm và trí tuệ con người chỉ có thể phát triển mãi nhờ hành động tương hỗ giữa con người với con người.

Tôi đã chỉ ra rằng cái hành động như thế hầu như bằng không trong các nước dân chủ. Vậy là phải tạo ra chúng một cách nhân tạo. Và đó chính là chỗ chỉ có các hiệp hội mới đủ sức tiến hành.

Khi các thành viên của đẳng cấp quý tộc chọn nhận một ý tưởng mới hoặc khi có một tình cảm mới, họ đem đặt những cái mới đó như thể ở bên cạnh họ bên trên cái sân khấu nơi chính họ đang diễn, và bằng cách trưng ra như vậy trước con mắt đông đảo quần chúng, họ làm cho các ý tưởng và tình cảm mới đó dễ dàng đi vào bên trong tinh thần và trái tim mọi người sống quanh họ.

Trong các nước dân chủ, chỉ có quyền lực xã hội là luôn luôn ở trạng thái hành động như thế một cách tự nhiên, nhưng ta cũng dễ dàng thấy là hành động ấy của nó bao giờ cũng không đủ thỏa mãn và lắm khi còn nguy hiểm nữa.

Riêng một mình cái chính quyền chỉ biết điều hành những công trình sản xuất trong một quốc gia to lớn sẽ không thể nào thỏa mãn được việc cải đổi và chu chuyển các tình cảm và tư tưởng mới mẻ trong quốc gia đó. Ngay khi chính quyền đó thử tìm cách thoát ra khỏi lĩnh vực chính trị để lao vào con đường mới đó, nó vô tình tạo ngay ra một bạo quyền không thể chấp nhận được. Một chính quyền mà chỉ biết ban phát những quy tắc chính xác, thì chính quyền đó cũng áp đặt những tình cảm và tư tưởng được nó ưu ái, và thật là khó chịu khi phải phân biệt đâu là lời khuyên và đâu là mệnh lệnh của chính quyền đó.

Sẽ càng tồi tệ hơn nữa nếu chính quyền đó cứ ngỡ là mình thực sự quan tâm sao cho mọi thứ đều ‘‘ổn định’’. Khi đó nó sẽ không làm gì nữa và rơi vào trạng thái đần độn trì trệ nhờ một giấc ngủ tự nguyện.

Vậy là cần thiết sao cho chính quyền đó không hành động một mình.

Chính là các hiệp hội tại các quốc gia dân trị phải giữ vai trò của những “cá nhân” đầy thế lực đó, những thứ đã bị sự bình quyền của hoàn cảnh và điều kiện làm cho biến mất đi.

Liền ngay khi những cư dân Hoa Kỳ có một tình cảm hoặc một ý tưởng nào họ định phổ biến rộng ra ngoài, họ tìm đến với nhau, và khi đã bắt gặp nhau, thì họ kết hội lại với nhau. Kể từ đó thì họ không còn là những cá nhân đơn lẻ sống tách rời nhau nữa, mà đã thành một thế lực có thể nhận dạng từ xa và hành động của họ được làm tấm gương, họ lên tiếng, và người ta phải lắng nghe.

Lần đầu tiên tôi nghe nói là ở Hoa Kỳ có một trăm nghìn người tham gia công khai vào việc không dùng rượu mạnh nữa, chuyện ấy khi đó với tôi có vẻ vui vui hơn là nghiêm túc, và ngay khi ấy tôi đã không hiểu nổi vì sao những công dân rất ôn hòa đó lại không bằng lòng với việc uống nước trắng kín đáo trong nội bộ gia đình họ.

Cuối cùng rồi tôi cũng hiểu được là một trăm nghìn người Mỹ ấy, lo sợ trước nạn nghiện rượu đang tiến triển mạnh xung quanh mình, đã tìm cách đứng ra bảo trợ việc không uống rượu nữa. Họ đã hành động như một đại vương gia từng hành động trước đây, ăn mặc hết sức bình dân để tạo ấn tượng cho những công dân bình thường rằng họ khinh thường sự xa hoa. Ta có thể tin được là nếu như một trăm nghìn người ấy mà sống ở Pháp, thì họ sẽ từng người một đến cầu cạnh chính phủ để cầu xin nhà nước kiểm soát các quán nhậu trên toàn cõi vương quốc này.

Theo ý tôi, chẳng có gì đáng để hấp dẫn con mắt quan sát của chúng ta hơn là những hiệp hội trí tuệ và đạo đức của nước Mỹ. Những hiệp hội chính trị và công nghiệp của người Mỹ gần gũi với cách hiểu của chúng ta. Nhưng các loại hiệp hội khác thì vượt khỏi sự hiểu biết của chúng ta. Và một khi khám phá được loại hiệp hội này thì chúng ta vẫn không hiểu được chúng, vì chúng ta chưa từng thấy những gì tương tự như thế. Dẫu sao thì cũng phải thừa nhận rằng các hiệp hội thuộc loại thứ hai đó cũng cần thiết đối với người dân nước Mỹ như các hiệp hội thứ nhất – chính trị và công nghiệp (ND) – thậm chí còn cần thiết hơn nữa.

Tại các nước dân chủ, khoa học về sự kết hội và lập hội là khoa học mẹ; sự tiến bộ của các khoa học khác tùy thuộc vào những tiến bộ của “bà mẹ” này.

Trong số những quy luật chi phối các xã hội con người, có một cái hình như chính xác hơn và tường minh hơn mọi quy luật khác. Muốn cho con người mãi mãi tồn tại văn minh hoặc trở thành những kẻ văn minh, cần thiết là phải phát triển được trong bọn họ nghệ thuật kết hội lại với nhau, và nghệ thuật ấy phải được hoàn thiện tương tự như sự gia tăng của quyền bình đẳng các điều kiện.


Chương VI
Về mối quan hệ giữa các hiệp hội với báo chí

Khi con người không còn gắn bó với nhau một cách vững chắc và lâu bền, thì khó có thể làm cho đa số họ cùng hành động chung, song ít ra cũng phải thuyết phục từng người mà sự tham gia của người đó là cần thiết, rằng lợi ích riêng của anh ta bắt buộc anh tự nguyện góp các nỗ lực của anh vào với nỗ lực của mọi người.

Điều đó chỉ có thể tiến hành một cách bình thường và thuận lợi nhờ một tờ báo. Chỉ có một tờ báo là có khả năng trong cùng một lần đem cùng một ý tưởng đặt vào trong cả ngàn cái đầu.

Một tờ báo là một ông cố vấn không cần phải đi tìm ở đâu xa, mà tự ông dẫn xác đến và lại nói với ta mỗi ngày, và nói vắn tắt về mọi công việc chung, và chẳng làm rầy rà chút nào đến công việc riêng của ta.

Như vậy là báo chí càng trở thành cần thiết hơn chừng nào con người càng bình đẳng bình quyền với nhau hơn và chủ nghĩa cá nhân cũng càng đáng sợ hơn. Coi báo chí chỉ là công cụ bảo đảm tự do là làm giảm tầm quan trọng của chúng đi; báo chí duy trì được cho nền văn minh.

Tôi không phủ nhận là trong các nước dân chủ báo chí lắm khi xúi các công dân cùng tiến hành những công cuộc khá là khinh suất. Thế nhưng, không có báo chí thì cũng chẳng có được hành động chung. Mặt xấu của báo chí như vậy là nhỏ hơn rất nhiều so với cái xấu được chúng chạy chữa.

Một tờ báo không chỉ có tác động gợi ra cùng một ý đồ cho số đông con người; nó còn cung cấp cho họ những phương tiện để cùng thực thi những ý đồ mà họ đã cùng hình thành với nhau.

Những công dân quan trọng sinh sống ở một xứ sở quý tộc trị nhìn thấy nhau từ khoảng cách thật xa; và nếu họ muốn kết hội sức mạnh lại, thì họ đi đến với nhau để gặp gỡ nhau, và lôi cuốn cả vô vàn người khác cùng đi theo.

Song lắm khi ở những quốc gia dân trị lại có vô số người có ước vọng hoặc có nhu cầu kết hội với nhau, nhưng lại không có khả năng thực hiện việc đó, bởi tất cả bọn họ vốn đều bé nhỏ và mất hút trong đám đông nên họ chẳng nhìn thấy nhau và cũng chẳng biết cách tìm thấy nhau ở chỗ nào. Thế rồi có một tờ báo trương lên trước mắt con người cái tình cảm hoặc cái ý tưởng được trình bày ra tức thì, nhưng lại trình bày riêng rẽ cho từng người trong bọn họ. Tất cả liền hướng về cái luồng sáng ấy, và thế là những linh hồn lang thang đó, chúng vẫn tìm nhau bao lâu rồi trong bóng tối, cuối cùng chúng bắt gặp nhau và kết hội lại với nhau.

Tờ báo làm cho họ xích lại với nhau, và tờ báo vẫn tiếp tục cần thiết cho họ để duy trì sự kết hội cùng nhau.

Để cho một hiệp hội có được một sức mạnh nào đó trong một quốc gia dân trị, tổ chức đó phải đông thành viên. Như vậy là những con người tạo thành hiệp hội đó được phân tán trên một không gian rộng lớn, và mỗi con người của hiệp hội ấy bị giữ chặt lại ở nơi anh ta sinh sống, cái sản nghiệp loàng xoàng không cho phép anh ta đi xa và cũng còn vô vàn điều nhỏ nhặt thuộc về sản nghiệp níu kéo anh ta nữa. Thế là anh ta cần phải có một phương tiện để nói với nhau hàng ngày mà không cần gặp mặt, và cùng thống nhất nhịp bước mà chẳng cần họp mặt. Vậy nên sẽ chẳng thể có hiệp hội dân chủ nào mà lại chẳng cần đến một tờ báo cả.

Vậy là có tồn tại một mối quan hệ tất yếu giữa những hiệp hội và báo chí: báo chí làm nên hiệp hội và hiệp hội làm nên báo chí. Và một mặt, nếu đúng là một khi các điều kiện càng được cào bằng với nhau thì ngày càng phải có thêm nhiều hiệp hội, thì mặt khác, cũng không kém phần đúng một khi số lượng các hiệp hội được gia tăng thì số lượng báo chí cũng phải gia tăng.

Vì vậy mà nước Mỹ là xứ sở trên thế giới nơi đó ta vừa bắt gặp số lượng hiệp hội nhiều nhất và cũng bắt gặp số lượng báo chí nhiều nhất.

Cái mối tương quan giữa số lượng báo chí và số lượng hiệp hội đó dẫn chúng ta đến chỗ khám phá được một mối tương quan nữa giữa tình trạng báo chí ra định kỳ và hình thức cai trị đất nước, nó cho chúng ta biết rằng, tại một quốc gia dân trị, số lượng báo chí phải giảm đi hoặc phải gia tăng tỷ lệ thuận với trình độ tập trung hóa nền hành chính cao hay thấp. Bởi vì, ở các quốc gia dân trị, người ta không thể khoán trắng công việc thực thi quyền lực vào tay một số công dân như ở các chế độ quý tộc trị. Cần phải xóa sổ các hình thức quyền lực đó hoặc là phải trao nó vào tay số đông. Những con người này tạo thành một hiệp hội đích thực được luật pháp xác lập thường xuyên để cai quản một bộ phận lãnh thổ, và họ cần đến một tờ báo hàng ngày để giữa muôn vàn công việc linh tinh họ vẫn được tờ báo cho biết tình trạng chung của công vụ. Quyền lực địa phương càng nhiều, thì số người được luật pháp định ra để thực thi công việc càng nhiều, và khi cái nhu cầu đó bộc lộ ra thường xuyên, thì báo chí cứ gọi là nhan nhản.

Nguyên nhân của việc gia tăng khá đặc biệt số lượng báo chí ở nước Mỹ là sự phân chia nhỏ rất đặc biệt của quyền hành chính, cộng với sự tự do vô cùng về chính trị và sự độc lập tuyệt đối về ngôn luận. Nếu như tất cả các cư dân của Hoa Kỳ đều là cử tri, dưới cái chế độ chỉ hạn chế họ trong việc bầu ra những nhà lập pháp của bang, thì hẳn là họ sẽ chỉ cần một lượng nhỏ báo chí thôi, bởi vì họ chỉ có một vài cơ hội quan trọng, nhưng rất hiếm hoi, để hành động chung. Thế nhưng, bên trong cái cuộc đại hiệp hội toàn quốc, luật pháp còn định ra cho từng tỉnh, cho từng thành phố, thậm chí cho từng xã, những tiểu hiệp hội mà mục tiêu là công cuộc hành chính địa phương. Bằng cách này, nhà lập pháp đã buộc mỗi người dân nước Mỹ phải hàng ngày cùng với một số đồng bào tham gia vào một công việc chung, và mỗi một con người như thế cần đến một tờ báo để cập nhật được tình hình, để biết được những người khác đang làm và đã làm những gì.

Tôi cho rằng một quốc gia dân trị [1] song lại không có chế độ đại diện ở cấp quốc gia, mà chỉ có vô số tổ chức quyền lực nhỏ ở địa phương, cuối cùng sẽ có nhiều tờ báo so với một quốc gia khác ở đó có một nền hành chính tập trung hóa tồn tại bên cạnh một nền lập pháp dân cử. Điều làm cho tôi hiểu kỹ hơn cả sự phát triển thần kỳ của hệ thống báo chí ra hàng ngày của nước Mỹ, ấy là vì tôi thấy được ở người Mỹ có sự kết hợp chặt chẽ giữa quyền tự do to lớn trên phạm vi toàn quốc với những quyền tự do các loại trên phạm vi địa phương.

Ở Pháp và ở Anh nói chung người ta thường nghĩ rằng, chỉ cần xóa bỏ thuế đánh vào báo chí là đủ để gia tăng số lượng báo chí đến vô cùng. Hiểu như vậy là quá thổi phồng những tác động của cuộc cải cách như thế ấy. Báo chí không phát triển chỉ vì được bán rẻ, mà báo chí phát triển vì nhu cầu ít nhiều lặp lại nhau của số lớn những con người cần đến báo chí để thông tin cho nhau và hành động chung với nhau.

Tôi những muốn tìm nguyên nhân cái thế lực ngày càng gia tăng của báo chí trong những lý do tổng quát hơn nữa chứ không chỉ ở những lý do người ta vẫn dùng để giải thích hiện tượng đó.

Một tờ báo chỉ có thể tồn tại được với điều kiện là nó phải bày tỏ một học thuyết hoặc một tình cảm chung của số lượng lớn con người. Vậy là bao giờ một tờ báo cũng đại diện cho một hiệp hội có các độc giả thường xuyên là thành viên của hiệp hội đó.

Cái hiệp hội đó có thể có tôn chỉ ít nhiều rõ rệt, rộng hẹp to nhỏ không như nhau, hội viên có thể đông đúc hoặc vắng vẻ, nhưng ít ra thì hiệp hội đó cũng phải tồn tại như một cái mầm sống trong đầu óc mọi người, và đó là lý do duy nhất để một tờ báo không bị chết.

Điều này dẫn chúng ta đến một suy nghĩ cuối cùng để kết thúc chương sách này lại.

Các điều kiện càng được cào bằng, thì con người cá nhân càng ít sức mạnh, và nó càng dễ dàng để cho mình bị đám đông quần chúng cuốn đi, và cá nhân đó càng khó duy trì một ý kiến quan điểm đã bị đám đông quần chúng kia vứt bỏ.

Một tờ báo đại diện cho một hiệp hội. Ta có thể nói là tờ báo nhân danh toàn bộ những con người khác mà lên tiếng nói với từng độc giả, và khi những độc giả đó càng là những cá thể yếu đuối thì tờ báo càng lôi kéo họ dễ dàng hơn.

Vậy là quyền lực của báo chí phải gia tăng cùng với trình độ con người được bình đẳng bình quyền.


Chương VII
Quan hệ giữa hiệp hội dân sự với hiệp hội chính trị

Trên trái đất này chỉ có một dân tộc ngày nào cũng được sử dụng quyền tự do vô hạn độ trong việc kết hội với nhau trên cơ sở quan điểm chính trị. Đó cũng là dân tộc duy nhất trên thế giới này, công dân của họ đã hình dung ra việc sử dụng thường xuyên quyền lập hội trong đời sống dân sự, và bằng cách đó, họ đã đạt tới chỗ tự cung cấp mọi điều tốt đẹp mà nền văn minh có khả năng đem lại.

Tại tất cả các quốc gia mà quyền lập hội chính trị bị cấm đoán, thì cũng hiếm có những hiệp hội dân sự.

Không hẳn đây là kết quả của ngẫu nhiên; nhưng có lẽ từ đó ta nên kết luận rằng, có một mối quan hệ tự nhiên và có thể là tất yếu giữa hai kiểu hiệp hội này.

Có những con người tình cờ có những lợi ích chung trong một công chuyện nào đó. Có thể đó là chuyện điều hành một cơ sở thương mại, là chuyện ký kết một hoạt động sản xuất công nghiệp; thế là họ gặp gỡ nhau và kết hội cùng nhau; theo cách đó họ dần dần quen với tổ chức hiệp hội.

Số lượng những công chuyện chung nho nhỏ này càng tăng, thì con người càng có được khả năng cùng đeo đuổi với nhau những công chuyện lớn lao, có khi điều đó xảy ra ngoài ý định của họ.

Vậy là, những hiệp hội dân sự tạo điều kiện dễ dàng cho những hiệp hội chính trị; nhưng một mặt khác, hiệp hội chính trị lại đặc biệt giúp cho việc phát triển và hoàn thiện hiệp hội dân sự.

Trong đời sống dân sự, nói cho cùng thì mỗi con người đều cảm thấy mình ở vào trạng thái tự thỏa mãn được mọi điều. Về chính trị, con người khó có thể hình dung mình như vậy. Khi một quốc gia có một cuộc sống công cộng, thì ý tưởng kết hội và sự khát khao lập hội hiện ra từng ngày trong tâm trí mỗi công dân: cho dù một cách tự nhiên con người không thích thú hành động chung, song họ vẫn sẽ sẵn sàng làm như vậy vì lợi ích của một phe đảng.

Vậy là, chính trị khiến cho sự thích thú và thói quen kết hội trở thành điều phổ biến; chính trị khiến cho con người có ước vọng kết hội và dạy cách thức lập hội cho đám đông con người vốn bao giờ cũng chỉ sống riêng rẽ.

Chính trị không chỉ làm đẻ ra nhiều hiệp hội, chính trị còn tạo ra những hiệp hội rất lớn.

Trong đời sống dân sự, hiếm khi có một lợi ích nào lại lôi cuốn được một cách tự nhiên một số lượng lớn con người vào hành động chung. Phải rất khéo léo thì con người mới lập ra được cái hiệp hội tầm cỡ đó.

Trong đời sống chính trị, cơ hội lập hội luôn luôn và bất kỳ lúc nào cũng tự nó xuất hiện. Thế mà, chỉ trong những hiệp hội lớn thì giá trị tổng quát của hiệp hội mới lộ diện được ra. Những công dân tách riêng ra thì yếu kém, ngay từ đầu đã không có ý tưởng rõ ràng về sức mạnh mà họ có thể có một khi kết hội lại với nhau; phải chỉ ra cho họ thấy điều đó thì họ mới hiểu. Từ đó mà lắm khi việc kết hội vì một mục đích chung dễ lôi cuốn được vô số con người song lại khó lôi kéo được vài ba con người. Một nghìn công dân chẳng nhìn thấy đâu là lợi ích để họ kết hội với nhau; mười nghìn công dân thì lại nhìn thấy được điều ấy. Trong chính trị, con người kết hội với nhau vì những công cuộc lớn lao, và cái lập trường chung họ có từ hiệp hội để đưa vào những công chuyện quan trọng lại dạy họ trong thực hành về cái lợi ích họ phải cùng chung tay thực hiện trong những công chuyện nhỏ bé hơn.

Một hiệp hội chính trị chỉ trong một lần là lôi được vô số cá nhân ra khỏi bản thân họ; bất kể họ xa cách nhau ra sao về tuổi tác, về tinh thần và tư tưởng, về gia sản, hiệp hội vẫn làm cho họ xích lại với nhau và tiếp xúc với nhau. Họ gặp gỡ nhau một lần và học được cách gặp gỡ nhau mãi mãi.

Con người chỉ có thể tham gia vào phần lớn các hiệp hội dân sự bằng cách phô bày ra một phần di sản của mình; đó là đối với tất cả các hiệp hội sản xuất công nghiệp và thương mại. Khi con người còn ít hiểu biết về nghệ thuật kết hội và họ cũng chưa biết tới những quy tắc chính của việc kết hội, thì khi lần đầu kết hội với nhau theo cách đó, họ lo sợ phải trả giá đắt cho sự thiếu trải nghiệm của mình. Với họ, thà là thiếu đi một công cụ đầy sức mạnh dẫn đến thành công, còn hơn là có thể gặp những nguy cơ kéo theo việc nhập hội. Nhưng khi gia nhập hiệp hội chính trị thì họ ít do dự hơn vì các hiệp hội này không tỏ ra có nguy cơ gì, vì họ không sợ bị mất tiền của vào những hiệp hội chính trị này. Song, họ không thể ở lâu trong các hiệp hội ấy mà không phát hiện thấy cách thức người ta duy trì trật tự đối với số đông con người, và người ta dùng cách thức nào để những con người ấy cùng tiến đến một mục tiêu chung mà lại đều bước như nhau và đúng cung cách như nhau. Trong các hiệp hội đó, con người học được cách đem ý chí cá nhân phục tùng ý chí những kẻ khác và đem các nỗ lực cá nhân phụ thuộc vào hành động chung, toàn bộ những điều này đều học được ở cả những hiệp hội dân sự cũng như trong hiệp hội chính trị.

Vậy là có thể coi các hiệp hội chính trị như những trường học lớn miễn phí nơi tất cả các công dân đều tới để học lấy cái lý thuyết tổng quát về hiệp hội.

Vậy cho nên, ngay cả khi hiệp hội chính trị không trực tiếp phục vụ cho sự tiến bộ của hiệp hội dân sự, thì nếu như có xóa bỏ hiệp hội chính trị đi thì vẫn làm hại cho hiệp hội dân sự.

Khi các công dân chỉ có thể được kết hội trong một số trường hợp, họ sẽ nhìn hiệp hội như một vật hiếm và đặc biệt, và họ không buồn nghĩ đến những thứ hội hè ấy nữa.

Khi ta để cho công dân được kết hội tự do thành đủ mọi thứ hội, họ sẽ nhìn thấy trong hiệp hội cái phương tiện phổ biến, có thể nói là phương tiện duy nhất, con người có thể đem dùng để đạt tới những mục tiêu khác nhau do họ định ra. Mỗi nhu cầu mới lại đánh thức một tư tưởng. Nghệ thuật kết hội khi đó trở thành cái khoa học mẹ, như tôi đã nói ở bên trên kia; mọi người đều nghiên cứu và áp dụng nó.

Khi có sự phân biệt, hiệp hội này thì bị cấm đoán và hiệp hội kia thì được phép, thì thật khó mà biết đâu là cái được phép và đâu là cái bị cấm. Khi người ta đang hồ nghi, người ta chẳng làm bất cứ thứ gì nữa, và sẽ hình thành một quan niệm chung coi một hiệp hội nào đó như là một công cuộc liều lĩnh và hầu như bất chính [2] .

Thật hão huyền khi coi tinh thần kết hội được nén lại ở một điểm sẽ không phát triển được trên mọi điểm khác với cùng một khí thế, và chỉ cần cho con người cái quyền cùng thực hiện những công trình chung nào đó thì họ sẽ vội vàng làm liền. Khi các công dân có được khả năng và thói quen kết hội để làm mọi điều, họ sẽ tự nguyện kết hội cả vì việc lớn cũng như vì việc nhỏ. Thế nhưng, nếu như họ không có quyền kết hội chỉ vì những việc nhỏ, họ sẽ không còn cả thèm muốn lẫn khả năng kết hội nói chung. Rồi sau đó nếu có cho họ hoàn toàn tự do cùng chăm lo việc thương thuyết (lập hội) thì cũng vô ích thôi: họ sẽ chỉ sử dụng một cách uể oải những quyền được trao; và sau khi các bạn đã kiệt sức ngăn họ tham gia vào các hiệp hội bị cấm đoán, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy chẳng thể nào xui được họ đứng ra lập những hội được phép lập nữa.

Tôi không hề nói rằng ta không thể nào có được những hiệp hội dân sự trong một xứ sở ở đó quyền lập hiệp hội chính trị bị cấm đoán; vì con người không thể nào sống trong xã hội mà lại không tham gia vào một công cuộc chung nào. Nhưng tôi chủ trì ý kiến là, trong một đất nước có lối cấm đoán đó, các hiệp hội dân sự bao giờ cũng có số lượng rất ít, ra đời một cách yếu kém, điều hành một cách vụng về, và chúng không bao giờ có được những ý đồ to tát, hoặc nếu có thì cũng thất bại nếu có ý muốn thực thi.

Điều này tự nhiên khiến tôi nghĩ là, quyền tự do lập hội về chính trị chẳng hề nguy hại đến sự thanh bình công cộng như người ta vẫn tưởng, và có thể có lúc nào đó chúng làm cho Nhà nước lung lay đôi chút, sau rồi nó lại củng cố vững chắc cho Nhà nước ấy.

Trong các nước dân chủ, có thể nói các hiệp hội chính trị là những “cá thể” duy nhất mạnh có khát vọng điều hành công việc Nhà nước. Vì thế mà các chính quyền thời nay cũng nhìn các kiểu hiệp hội đó bằng con mắt giống như của các nhà vua thời Trung cổ, nhìn các quần thần của ngai vàng: họ cảm thấy một thứ ghê tởm từ trong máu thịt với các hiệp hội đó, và họ chống lại chúng vào bất kể cơ hội nào.

Thế nhưng các chính quyền đó lại tốt bụng tự nhiên đối với các hiệp hội dân sự, bởi vì họ dễ dàng nhận thấy là các hiệp hội này, thay vì hướng tinh thần và tư tưởng công dân vào những công việc chung, thì lại làm cho đầu óc nhân dân ngãng ra khỏi các công việc đó và càng ngày càng lôi cuốn quần chúng vào những dự án không thể thực hiện được nếu không có hòa bình chung, những hiệp hội ấy làm cho quần chúng quay lưng khỏi các cuộc cách mạng. Nhưng các chính quyền đó cũng chẳng quan tâm đề phòng sự gia tăng các hiệp hội chính trị và tạo thuận lợi vô cùng cho các hiệp hội dân sự, và khi tránh né được một điều tồi tệ nguy hiểm thì họ lại làm mất đi một phương thuốc hữu hiệu. Khi các bạn được chứng kiến người Mỹ hàng ngày được lập hội một cách tự do nhằm gây thanh thế cho một quan điểm chính trị, hoặc để đưa một chính khách vào chính quyền, hoặc để tước bỏ quyền hành của một chính khách khác, bạn thật khó mà hiểu nổi vì sao những con người vốn dĩ độc lập đến thế lại dễ bị lôi cuốn đến như vậy.

Mặt khác, nếu bạn xem xét số lượng vô tận những công trình sản xuất công nghiệp được tiến hành chung ở Hoa Kỳ, và khi bạn nhận thấy ở khắp nơi người Mỹ lao động không ngừng nghỉ để thực hiện một ý đồ quan trọng và khó khăn nào đó, mà chỉ một sự “cách mạng” cỏn con cũng có thể làm đảo lộn cản trở họ, bạn sẽ dễ dàng hiểu tại sao những con người bận rộn đến thế hoàn toàn chẳng có mảy may ý định làm náo loạn Nhà nước và cũng chẳng phá hoại sự nghỉ ngơi yên lành của mọi người là cái có lợi cho (không khí lao động của) họ.

Nhìn nhận sự vật riêng rẽ như vậy đã đủ chưa, nên chăng tìm cái mối liên kết chúng vẫn còn đang ẩn giấu ở đâu đó? Chính là trong lòng các hiệp hội chính trị ấy mà người Mỹ ở khắp các bang, đủ mọi trình độ tinh thần và tư tưởng, đủ các lứa tuổi, ngày lại ngày có được cái thích thú đối với việc kết hội và làm quen dần với cách sử dụng hiệp hội. Trong các hiệp hội đó, con người thấy mình thành số đông, họ nói với nhau, họ lắng nghe nhau và họ cùng nhau náo nhiệt lên trước đủ thứ công trình chung. Sau đó, họ đem vào đời những điều đã học được theo cách đó và đem dùng trong cả ngàn trường hợp khác.

Vì thế, chính là trong khi hưởng thụ một nền tự do nguy hiểm mà người Mỹ học được cái nghệ thuật làm cho các nguy cơ của tự do bớt to lớn đi.

Nếu chọn lấy một thời điểm nào đó trong cuộc tồn tại của một dân tộc, ta dễ dàng chứng minh được rằng các hiệp hội chính trị làm náo loạn nhà nước và làm tê liệt nền sản xuất; nhưng ta hãy xem xét toàn cục đời sống của một quốc gia, và có thể ta sẽ chứng minh được dễ dàng rằng quyền tự do lập hội về chính trị có lợi cho hạnh phúc và cho cả sự an lành của công dân.

Trong phần đầu của công trình này tôi có viết: “Nhưng không thể hoàn toàn lẫn lộn một thứ tự do vô giới hạn trong việc lập đoàn thể chính trị với sự tự do viết lách. Cái tự do lập hội vô giới hạn ít cần thiết và kém nguy hiểm hơn quyền tự do viết lách kia. Một quốc gia có thể đặt những cột mốc định giới hạn ở đó mà vẫn không ngừng tự làm chủ được mình. Đôi khi quốc gia đó phải làm như vậy để tiếp tục được là một quốc gia”. Xuống một đoạn bên dưới, tôi còn nói thêm: “Ta không thể che giấu được điều này, ấy là trong tất cả các quyền tự do, xét về mặt chính trị, thì quyền tự do vô hạn đối với việc lập đoàn thể là quyền tự do cuối cùng một dân tộc có thể chịu đựng nổi. Nếu quyền tự do đó không làm cho quốc gia kia rơi vào hỗn loạn vô chính phủ, thì có thể nói là nó luôn luôn làm cho lúc nào cũng gần như đi tới hỗn loạn”.

Vậy là, tôi không hề tin rằng một dân tộc lúc nào cũng cứ phải chủ động trong việc trao cho công dân cái quyền tuyệt đối được lập hội về chính trị, và tôi cũng hồ nghi rằng, ở bất kỳ xứ sở nào và ở bất kỳ thời đại nào, hễ khôn ngoan thì không khi nào đặt mốc giới hạn cho quyền tự do lập hội.

Sẽ có người nói rằng, một quốc gia mà không biết trói gọn quyền lập hội trong những giới hạn eo hẹp hẳn là trong nước thì không thể có hòa bình, luật pháp thì không thể được tôn trọng, chính quyền lập ra cũng chẳng thể nào bền vững. Những của báu vừa kể ra quả là quý báu đấy, và tôi cho rằng để có được và giữ gìn được những tài sản quý báu đó, một dân tộc có thể bằng lòng nhất thời tự áp đặt những điều vô cùng khó chịu; miễn sao dân tộc ấy biết rằng họ phải trả giá bao nhiêu cho những tài sản quý báu kia.

Cứ cho rằng để cứu mạng một người, ta phải cắt của anh ta một cánh tay, tôi thấy có thể hiểu được; nhưng tôi chẳng muốn thiên hạ bảo đảm với tôi rằng anh ta vẫn khéo léo như lúc chưa bị cụt tay.




[1]Tôi nói một quốc gia dân trị. Nền hành chính có thể rất phi tập trung hóa ngay ở một quốc gia quý tộc trị, song vẫn không làm cho mọi người ở đây cảm thấy là họ phải cần đến báo chí, bởi vì khi đó các tổ chức quyền lực địa phương được nằm trong tay một số rất ít người, họ hoạt động riêng rẽ hoặc họ đều biết nhau cả, và họ có thể dễ dàng gặp nhau và thống nhất mọi việc với nhau.
[2]Điều này càng đúng khi ngành hành pháp đứng ra cho phép hoặc cấm đoán tùy thích. Khi luật pháp chỉ ngăn cấm một số hiệp hội nào đó và để cho tòa án quyền trừng phạt những kẻ bất tuân lệnh, thì tình hình sẽ bớt tồi tệ đi: vì mỗi công dân hầu như được biết trước mình có thể trông cậy vào đâu; người ta tự xét xử trước khi để quan tòa xét xử mình, và người ta sẽ không dính đến những hiệp hội bị cấm để tham gia vào các hiệp hội được phép. Chính vì thế mà các quốc gia tự do bao giờ cũng hiểu rằng người ta có thể hạn chế quyền kết hội. Thế nhưng, nếu nhà lập pháp một là trao quyền cho một ai đó phân biệt rõ ngay từ đầu, đâu là những hiệp hội nguy hiểm và đâu là những hiệp hội có ích, và hai là cho ông ta cái quyền tiêu diệt các hiệp hội ngay từ trong mầm mống hoặc là cho phép chúng ra đời, thì chẳng còn ai có thể thấy trước khi nào thì mình có thể nhập hội và khi nào thì mình nên tránh đi, khi đó tinh thần kết hội sẽ hoàn toàn bị rơi vào trì trệ. Loại luật thứ nhất trong hai kiểu vừa nói chỉ đánh vào một số hiệp hội nhất định; loại luật thứ hai nhắm vào toàn bộ xã hội và làm cho xã hội bị thương tổn. Tôi cho rằng một chính quyền tử tế có thể ra loại luật thứ nhất, nhưng tôi không thừa nhận bất kỳ chính quyền nào lại được có cái quyền ra loại luật thứ hai.
Nguồn: Alexis de Tocqueville, Nền dân trị Mỹ, tập II, Phạm Toàn dịch, Bùi Văn Nam SÆ¡n hiệu đính, NXB Tri thức 2007. Bản trích đăng trên talawas được nhà xuất bản và dịch giả vui lòng cho phép. Xem thêm Lời giá»›i thiệu của Bùi Văn Nam SÆ¡n: "Alexis de Tocqueville và sá»± trầm tÆ° về nền dân trị"