trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Pháp luật
  1 - 20 / 7412 bài
  1 - 20 / 7412 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiPháp luật
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
8.1.2007
Nguyễn Hữu Đang
Cần phải chính quy hơn nữa
 
Trong bản báo cáo của ông Khơ-rút-sốp trước Đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản Liên Xô có một đoạn nói vắn tắt, gần như lướt qua, mà thực ra rất quan trọng.

Đoạn đó nói về sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng đối với vấn đề củng cố nền pháp trị xã hội chủ nghĩa và kết luận:

Những tổ chức của Đảng, của Nhà nước và các công đoàn phải chú ý với một tinh thần cảnh giác đến việc tôn trọng pháp luật Xô-Viết và tố cáo, vạch mặt bất cứ ai phạm vào nền pháp trị Xô-viết và những biểu hiện phi pháp và độc đoán nhỏ.

Tại sao sau ba mươi năm kiến thiết chủ nghĩa xã hội với hai lần đặt hiến pháp và nhiều lần chỉnh lý pháp luật cũng như sửa đổi hệ thống và lề lối xét xử của toà án, bây giờ sắp bước vào giai đoạn kiến thiết chủ nghĩa cộng sản, Liên–Xô còn phải đặt vấn đề pháp trị một cách nóng hổi như vậy?

Chính là vì trong bao lâu Stalin đã lạm dụng quyền hành, dung túng bè lũ phản cách mạng Beria, lấy uy thế chính trị mà lũng loạn bộ máy nhà nước, vi phạm nghiêm trọng chế độ pháp trị. Coi thường pháp luật trở thành một tác phong của nhiều cán bộ, của nhiều cấp uỷ Đảng hay cơ quan chính quyền. Biết bao nhiêu công dân lương thiện và đảng viên tốt - kể cả Trung ương uỷ viên của Đảng – đã bị tù đầy, bắn giết oan trong tình trạng đó? Cho nên Đại hội đã phải quan tâm đặc biệt đến việc bảo vệ chế độ pháp trị nó là hiện thân của tinh thần nhân văn, tinh thần dân chủ, tinh thần kỷ luật trong một nhà nước văn minh.

Điều này ở xã hội ta không phải ai cũng công nhận dễ dàng. Vì lòng khinh bỉ của chúng ta đối với pháp lý tư sản lớn quá đến nỗi ở một số đông người nó đã trở thành lòng khinh bỉ pháp lý nói chung. Vì trong cuộc kháng chiến kéo dài và gian khổ, chúng ta đã quen giải quyết mọi công viêc to nhỏ trong không khí gia đình, với tinh thần tuỳ tiện. Chúng ta đã quen dùng cái “linh động” để gỡ cho công việc trôi chảy được mỗi khi vấp phải điều quy định chính xác. Chúng ta đã quen dùng cái “lập trường” để thay cho luật lệ cụ thể.

Và kháng chiến đã thành công, độc lập và dân chủ ít ra đã thực hiện trên một nửa đất nước, nên chúng ta cũng dễ chủ quan, tự mãn tưởng rằng nền nếp cũ vẫn còn có giá trị

Nhầm to. Nếu hiện tượng trên là tất yếu đối với hoàn cảnh chiến tranh du kích thì trái lại, nó không có một lý do tồn tại nào trong hoàn cảnh hoà bình.

Hoà bình lập lại đã hai năm, dù cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất đất nước có phức tạp, gay go thế nào thì cũng không thể coi miền Bắc như ở một hoàn cảnh bất thường để duy trì mãi tình trạng thiếu một nền pháp trị hẳn hoi.

Trong Cải cách Ruộng đất, những việc bắt người, giam người, tra hỏi (dùng nhục hình dã man), xử tù, xử bắn, tịch thu tài sản, hết sức bừa bãi, bậy bạ, cũng như việc bao vây đến làm chết đói những thiếu nhi vô tội trong các gia đình địa chủ (hoặc chính là nông dân mà bị quy sai thành phần), không phải chỉ hoàn toàn do sự lãnh đạo kém cỏi mà còn do thiếu chế độ pháp trị hẳn hoi. Giá các Đoàn Uỷ lúc nào cũng thấy trên đầu họ con mắt dõi theo của thần công lý, giá lúc nào họ cũng thấy văng vẳng bên tai câu nhắc nhở của toà án: "hễ làm trái pháp luật là bị truy tố đấy" thì chắc chắn là họ đã thận trọng hơn và nhiều tai vạ đã tránh được cho nhân dân rồi.

"Giết nhầm sẽ bị kiểm thảo", ý nghĩ ấy có thể là nghiêm chỉnh, nhưng nó mới nhẹ nhàng, thoải mái làm sao!

Sẽ có những người nói: "Sở dĩ nên nông nỗi ấy là vì họ không vững lập trường".

Vững lập trường! Điều đó rất quí nhưng chưa đủ. Không phải cán bộ nào, công dân nào cũng vững lập trường. Và ngày những người thực sự vững lập trường mà không có nền pháp trị tinh vi làm mực thước thì cũng chỉ mới có bảo đảm nhận thức được một cách chung chung về phương hướng và yêu cầu của công việc chứ không có bảo đảm biết làm cho đúng phương pháp, cách thức để đạt tới yêu cầu đó.

Sẽ có những người lo xa: "Đặt ra lắm luật lệ rất dễ đưa đến những bệnh quan liêu, máy móc, hình thức".

Không phải thế. Quan liêu, máy móc, hình thức là những bệnh do thiếu lý luận cách mạng, thiếu đạo đức cách mạng, thiếu nhiệt tình cách mạng. Chẳng biết ít lệ luật sẽ giúp cho việc tránh các bệnh ấy được đến đâu nhưng nhất định không ai có thể chối cãi điều này: ít lệ luật là một điều thuận tiện cho sự lạm quyền, độc đoán.

Nhiều lệ luật cũng vẫn có kẻ lạm quyền, độc đoán được. Những điều đó chỉ dễ thực hiện trong chế độ cũ, luật lệ đã mang sẵn tính chất thực tế thì không biết mà dùng, không có đủ thế lực mà dùng. Còn trong chế độ ta, nhân dân có đủ cả quyền hành, ý thức và lực lượng để dùng luật lệ, bảo vệ luật lệ, thì họ sẽ không để cho những kẻ kia lạm quyền, độc đoán mãi.

Một nền pháp trị đầy đủ sẽ là một bảo đảm vững chắc cho tính chất dân chủ của chế độ ta. Nó sẽ là đường “rày” cho đoàn xe lửa chở dân tộc ta chạy lên chủ nghĩa xã hội thật nhanh mà không trệch.


*


Do pháp trị thiếu sót mà Cải cách Ruộng đất hỏng to đến thế. Do pháp trị thiếu sót mà quân đội chưa có chế độ binh dịch hợp lý, công an hỏi giấy giá thú đôi vợ chồng ngồi ngắm cảnh trăng lên ở bờ hồ, hộ khẩu rình bên cửa sổ khiến người ta mất ăn, mất ngủ, cán bộ thuế tự tiện vào khám nhà người kinh doanh, ở khu phố có chuyện đuổi nhà lung tung hoặc ép buộc người ở rộng phải nhường lại một phần nhà cho cán bộ hay cơ quan ở. Do pháp trị thiếu sót mà nhiều cơ quan bóc xem thư của nhân viên và một ngành rất quan trọng nọ đòi thông qua những bài báo nói đến mình, làm như một bộ phận của Nhà nước lại có quyền phục hồi chế độ kiểm duyệt mà chính Nhà nước đã bãi bỏ. Do pháp trị thiếu sót, người ta đã làm những việc vu cáo và đe doạ chính trị trắng trợn, ngăn cản việc mua đọc báo Nhân văn, hành hung báo Trăm hoa v.v…

Tưởng đã đến lúc nhân dân phải tích cực bảo vệ chế độ bằng cách tố cáo những hành động phi pháp ở bất cứ trường hợp nào đã có luật lệ rồi.

Về mặt xúc tiến xây dựng ngay một chế độ pháp trị đầy đủ, tinh vi, chúng tôi đề nghị:
  1. Thi hành Hiến pháp (hoặc là Hiến pháp 1946 sửa đổi cho thích hợp với hoàn cảnh ngày nay, hoặc là Hiến pháp mới sẽ đặt ra). Trên cơ sở Hiến pháp, Quốc hội sẽ biểu quyết những đạo luật thay các sắc lệch và nhiều văn kiện khác.

  2. Quốc hội họp đều, sáu tháng một kỳ. Không có lý do trong hoàn cảnh hoà bình mà công việc của Quốc hội vẫn khoán trắng cho một Ban thường trực gần như không hoạt động gì.

  3. Chấn chỉnh ngành tư pháp, chủ yếu là tăng quyền hành thực sự của Bộ tư pháp.
Chúng tôi tin rằng toàn thể các tầng lớp nhân dân đều đồng tình với chúng tôi về ba đề nghị trên. Vì nhân dân thiết tha mong được sống trong một xã hội chính quy hơn nữa.

Để mọi quyền làm ăn, sinh hoạt và tự do dân chủ khỏi bị xâm phạm.

Để được thoải mái góp phần kiến thiết quốc gia.

12-10-56

Nguồn: Báo Nhân văn số 4, trang 1 và trang 5, số ra ngày 5.11.1956. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.