trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiPháp luật
5.12.2006
Nguyá»…n Quang A
Tư pháp độc lập?
 
Diễn đàn Quốc hội đầu tuần này sôi nổi hẳn lên vì các cuộc chất vấn, và có lẽ nóng nhất là cuộc chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.

Theo ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, để có nền tư pháp tốt cần 5 yếu tố: Người tham gia tiến hành tố tụng tốt; hệ thống pháp luật tốt; người tham gia tố tụng (trong đó có bị can, bị cáo) tốt; hệ thống cơ quan bổ trợ tư pháp tốt; phải thực hiện tốt nguyên tắc hiến định là tư pháp độc lập và đặc biệt là công tác xét xử phải tuân thủ nguyên tắc độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Không bàn đến hay bỏ qua yếu tố thứ ba, bốn yếu tố còn lại do ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao nêu ra là xác đáng. Nhưng có ý định, hay có muốn, hay có thể thiết lập các yếu tố đó không và làm thế nào để đạt những điều đó lại là chuyện khác. Ở đây chỉ xin bàn đến 2 yếu tố cuối cùng.

Cốt lõi của hệ thống tư pháp là hệ thống tòa án công bằng, vô tư và được hiến pháp bảo đảm với các thẩm phán độc lập, có chuyên môn và trong sạch. Sự độc lập không có nghĩa là làm theo thiên kiến riêng của mình, mà có nghĩa là trong phán xử thẩm phán không chịu những áp lực chính trị từ các cơ quan hành pháp, lập pháp hay từ bất cứ đảng phái chính trị nào, hay từ bất cứ quan chức nào. Tính độc lập ấy đảm bảo sự vô tư của các thẩm phán. Những phán quyết của cơ quan tư pháp phải vô tư, chỉ dựa trên chứng cứ và tình tiết của vụ việc cụ thể, trên các quy định liên quan của luật hay án lệ và của lẽ công bằng. Tòa án không thể viện dẫn việc chưa hay không có luật để từ chối xét xử. Để đảm bảo tính vô tư của các thẩm phán, việc bổ nhiệm họ thường theo những tiêu chuẩn khắt khe và cho một thời gian dài (thường dài hơn nhiều và không gắn với nhiệm kì của các cơ quan hành pháp và lập pháp) với mức thù lao xứng đáng (để đời sống kinh tế của họ được đảm bảo hoàn toàn). Họ rất khó bị bãi nhiệm và chỉ bị bãi nhiệm khi vi phạm luật hay vi phạm đạo đức nghiêm trọng và thủ tục bãi nhiệm phải rất minh bạch. Sức mạnh và tính chính đáng của hệ thống tư pháp chủ yếu phụ thuộc vào niềm tin của người dân vào tính vô tư của hệ thống tòa án. Hệ thống này bị hai nhánh khác của nhà nước (nhánh lập pháp và hành pháp), báo chí và công luận kiềm chế, giám sát, phê phán, nhưng nó hoạt động độc lập, không có ai hay cơ quan (hay đảng) nào có thể chỉ đạo nó, song họ có quyền phê phán. Như thế, có thể thấy để có nền tư pháp độc lập ở Việt Nam thì còn quá nhiều việc phải làm, kể cả những việc mà người ta coi là những điều cấm kị.

Ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao than phiền vì thiếu thẩm phán. Việc đào tạo thẩm phán chắc chắn phải là một trong những việc cấp bách nhất. Thẩm phán phải có trình độ chuyên môn cao, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khắt khe. Tôi nghĩ phải có ngân sách thích đáng cho việc đào tạo này. Lương của các thẩm phán chắc chắn phải được cải thiện một cách đáng kể (không thì khó liêm khiết lắm, mà tính liêm khiết là tối quan trọng ở đây). Các nhà lãnh đạo và nhân dân nên hiểu là cần những chi phí này, vì để có nhà nước mạnh thì cần đến nền tư pháp độc lập, trong sạch, hiệu quả. Và không thể để quá thiếu thẩm phán nên phải “cố vơ vét, bổ nhiệm cho đủ”. Cách làm này vô cùng tai hại vì nó làm xói mòn niềm tin (còn cần phải xây dựng dài dài) của người dân vào hệ thống tư pháp, cái nền tảng quan trọng nhất của hệ thống.

Cách ăn nói, thái độ ứng xử của các thẩm phán cũng góp phần làm tăng hay làm giảm niềm tin đó. Cách nói như của ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao trong buổi chất vấn trước Quốc hội chắc chắn không làm tăng niềm tin của người dân, nếu không muốn nói là ngược lại. Một thẩm phán thường mà nói năng như vậy với người dân cũng là khó có thể chấp nhận được, thế mà ở đây lại là ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao trước Quốc hội, thì quả là lạ. Hay có lẽ vì ông ý thức được quá rõ về nền tư pháp độc lập (nếu tư pháp thực sự độc lập thì cơ quan lập pháp, tức Quốc hội, không có quyền can thiệp vào hoạt động của ngành tư pháp, nhiều nhất ông có thể điều trần trước Quốc hội, chứ các đại biểu “chất vấn” ông thì không, nhưng bất kể người dân nào cũng đều có quyền nêu ý kiến của mình về hoạt động của hệ thống tư pháp về hoạt động của ông, và các đại biểu Quốc hội tất nhiên cũng có quyền đó), nên ông có thái độ như vậy. Thái độ ứng xử ấy cũng gợi ra những lo ngại về việc bổ nhiệm các thẩm phán và nhất là Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, nếu tư pháp thực sự độc lập, tiêu chuẩn (về chuyên môn, về đạo đức) phải hết sức rõ ràng và khắt khe. Nếu không có cơ chế kiềm chế, kiểm soát lẫn nhau, nếu báo giới không vào cuộc và người dân không lên tiếng, thì rất dễ dẫn đến sự lạm quyền và sự độc đoán. Trong nền tư pháp chưa độc lập mà ứng xử của ông còn như thế, giả như có sự độc lập thì liệu có dẫn tới sự chuyên quyền hay không? (Hay sự chuyên quyền đã hoành hành trên đầu dân từ lâu rồi?)

Để đảm bảo tính độc lập, theo tôi, phải cấm các thẩm phán tham gia hoạt động chính trị (không tham gia đảng phái, phong trào chính trị nào cả), không được tham gia Quốc hội (và tôi nghĩ ở các nước phát triển họ có quy định như vậy), nếu không thì làm sao đảm bảo được tính độc lập? Nếu được như thế thì ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (và các thẩm phán khác) không thể có lí do để than phiền theo kiểu “hiện nay 1/3 thời gian làm việc của ông là dành cho Quốc hội, Trung ương” nên rất bận, “không thể ai cũng gặp được!” Chỉ với quy định cấm đơn giản này các thẩm phán sẽ dành hết thời gian làm việc của mình chỉ cho công việc chuyên môn, và như thế tăng công suất và hiệu quả làm việc của họ. Nếu thẩm phán nào cũng mất 1/3 thời gian cho việc khác như ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, thì riêng việc cấm này đồng nghĩa với việc tăng 1/3 số thẩm phán hiện có. Tôi không có số liệu chính xác về tổng số các thẩm phán, nhưng theo VietNamNet ngày 1/7/2004, số thẩm phán cấp huyện là gần 3700 người, nếu ước lượng tổng số thẩm phán là 6000 người thì 1/3 con số đó là 2000 người, trong khi theo ông Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao con số thiếu chỉ gần 1000. Quy định cấm đơn giản này có lẽ giải quyết xong ngay nạn thiếu “trầm trọng” để khỏi phải “vơ vét” bổ nhiệm, thậm chí còn thừa để sàng lọc các thẩm phán “kém” được bổ nhiệm theo kiểu “vơ vét”.

Muốn phát triển đất nước, muốn hội nhập suôn sẻ, muốn cho dân mình sống sung túc trong một xã hội văn minh, thì chắc chắn chúng ta phải tiến tới một nền tư pháp độc lập, trong sạch, hiệu quả, có chất lượng. Nhưng nhìn vào thực tiễn chính trị và xã hội hiện nay ở Việt Nam để làm được việc đó không phải là dễ. Muốn làm vậy phải có sự dũng cảm chính trị thật sự, phải có sự đột phá về tư duy, phải tốn nhiều tiền của và công sức, nhưng đấy là một việc thật đáng làm, vì tương lai của đất nước phụ thuộc rất nhiều và hệ thống này.

Nguồn: Phiên bản ngắn hÆ¡n của bài này đã đăng trên Lao Động Cuối tuần số 17, ngày 3/12/2006