Công việc ba năm cháºm má»™t tuần thì sao có thể nói là thất bại?
|
Bà Đỗ Thị Tuyết Mai, giám đốc SOC
(Ảnh: Sài Gòn Tiếp thị Online) |
Thuận Thiên:
Bà có thể kể cho bạn đọc sơ lược quá trình hình thành và thực hiện dự án mỹ thuật “Sài Gòn Thành phố mở” (SOC) diễn ra như thế nào?
Đỗ Thị Tuyết Mai: Phải nói cho có đầu đuôi một chút. Tiền thân của dự án SOC là dự án Saigon Biennale. Ý tưởng này xuất phát từ việc tôi muốn lấy tinh thần của biennale mỹ thuật đã có ở nhiều nơi trên thế giới để tạo một sinh hoạt văn hoá mỹ thuật 2 năm một lần cho Việt Nam. Biennale Venise có từ cuối thế kỷ XIX, sau đó ý tưởng biennale lan toả sang các nước phát triển từ sau Thế chiến 2, các thành phố lớn ở phương Tây sử dụng nó như một mô hình văn hoá. Những năm 1980, 1990 thì lan sang châu Á; các biennale Pusan, Seoul, Thượng Hải, Bắc Kinh… đã ghi được dấu ấn trong thế giới mỹ thuật quốc tế. Tôi mong muốn tạo được một sự kiện tương tự cho nước mình, trong bối cảnh mỹ thuật Việt Nam đã chuyển mạnh trên tinh thần đương đại và hoà nhập với mỹ thuật khu vực và thế giới.
Thuận Thiên: Vậy thì hai lần “thất bại”, theo chữ dùng của chính bà trong buổi toạ đàm tại Studio SOC, của Saigon Biennale, chủ yếu là do đâu?
Đỗ Thị Tuyết Mai: Chủ yếu là do người ta chưa hình dung được đúng tinh thần của nó. Một định kiến chính thống cho rằng một hoạt động mang tính định kỳ của nghệ thuật như thế phải do các tổ chức chính thống của nhà nước (như Bộ Văn hoá, Hội Mỹ thuật) đứng ra, kiểu như Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 5 năm một lần ấy. Người ta khó chấp nhận một tổ chức phi chính phủ lại được phép đảm nhận một công việc như thế. Nhưng thực ra, biennale cũng chỉ là một hoạt động nghệ thuật như rất nhiều hoạt động khác, nó không có tham vọng quy tụ những tác phẩm tiêu biểu nhất trong một thời kỳ như các triển lãm định kỳ của các cơ quan chính thức.
Thuận Thiên: Có thể người ta dị ứng vì bà là người kinh doanh từ lĩnh vực khác bây giờ lại nhảy vào mỹ thuật?
Đỗ Thị Tuyết Mai: Tôi có quá trình làm việc về mỹ thuật đấy chứ. Khởi đầu từ năm 1998, do tò mò, trong một chuyến ra Hà Nội tôi đến xem hoạt động của Nhà sàn. Tôi rất ấn tượng với những gì diễn ra ở đó, nhưng lại thắc mắc tại sao những hoạt động mỹ thuật đương đại ở đây diễn ra trong một không khí không thoải mái, luôn luôn có dư luận không đồng tình, nhất là từ phía chính thống. Sau khi sang New York, tôi cảm nhận được đời sống mạnh mẽ, phong phú của mỹ thuật đương đại ở đó, và thấy các nghệ sĩ được xã hội ủng hộ rất nhiệt tình. Về nước, tôi quyết định mở gallery để hỗ trợ các nghệ sĩ nước mình làm việc, thể nghiệm; tôi ưu tiên cho các nghệ sĩ không được chấp nhận ở các gallery khác. Công việc của tôi được một số tổ chức phi chính phủ ủng hộ, chính họ gợi ý tôi làm đơn xin tài trợ để hoạt động, nhắm phát triển mạnh hơn nghệ thuật đương đại ở TPHCM (đang thua sút so với Hà Nội).
Thuận Thiên: Nhưng một số hoạ sĩ có uy tín sau một thời gian ngắn cộng tác với bà đều rút lui, vì sao?
Đỗ Thị Tuyết Mai: Trước nhất là vì họ không đủ kiên trì, quyết tâm. Đây là một dự án lớn lần đầu tiên được thiết kế ra ở Việt Nam cho nên những khó khăn, phức tạp là dễ hiểu. Khi tôi đưa ra dự án, ai cũng bảo là rất hay, perfect, nhưng chỉ dám chúc cho tôi thành công mà thôi chứ không ai dấn thân vào. Một mình tôi quyết đeo bám đến cùng. Chính vì thấy tôi quyết tâm cao mà Quỹ Ford quyết định tài trợ cho dự án của tôi. Thứ hai nữa là một số người khi thấy có sự chuyển đổi ý tưởng từ Saigon Biennale sang “Sài Gòn Thành phố mở” thì không mặn mà nữa. Chúng tôi cứ phải tìm người hợp tác rồi loại trừ dần để cuối cùng có sự đồng thuận. Nhóm cộng tác sau chót là một nhóm có chất lượng: Tôi là giám đốc dự án là người có kinh nghiệm quản lý và kế toán; curator là hai người Thái Lan (chị Gridthiya Gaweewong và anh Rirkrit Tiravanija) có kinh nghiệm chuyên môn, có khả năng mời các hoạ sĩ quốc tế, cũng có thể giúp tìm nguồn tài trợ; cố vấn nghệ thuật là các anh Trần Lương (Hà Nội) và Lê Quang Đỉnh (Việt kiều về làm việc tại TPHCM) đều đã thành công trong các hoạt động sáng tạo và tổ chức mỹ thuật đương đại.
Thuận Thiên: Có nhiều ý kiến về chủ đề “Giải phóng, Thống nhất, Tái thiết”. Chủ đề ấy có phải do các curator Thái Lan đưa ra, và có phải nhắm mục đích dễ xin giấy phép?
Đỗ Thị Tuyết Mai: Chủ đề và tên các chương (chapter) do các curator đề xuất nhưng được sự chấp thuận của cả ban tổ chức. Hoàn toàn không phải để đối phó với chính quyền mà vì chúng tôi muốn đặt các hoạt động mỹ thuật trong một bối cảnh lịch sử. Mỹ thuật không thể tách rời lịch sử. Chúng tôi tạm lấy những mốc thời điểm để chuyển tải ý tưởng về sự gắn kết ba thế hệ hoạ sĩ. Đương đại không chỉ là của lớp trẻ, hay của phương Tây, hay là cái gì quái dị. Đương đại là cái mà mọi người xem hôm nay. Chúng tôi muốn đưa ra một bức tranh phong phú về mỹ thuật đương đại để các thế hệ thấy chỗ đứng của mình trong đó, và tương tác, bàn luận. Nếu nói chạy theo chính trị thì ngay từ khi có sự kiện Việt Nam chuẩn bị vào WTO và làm chủ hội nghị APEC chúng tôi cũng kịp chuyển đổi chủ đề. Chính Sở Văn hoá Thông tin cũng có vẻ thắc mắc về chủ đề trên. Nhưng chúng tôi không chạy theo chính trị. Nhiều người phản ứng cái tên chúng tôi đưa ra, vậy xin ai đó thử giúp đặt một tên khác hay hơn!
Thuận Thiên: Vì sao có việc các hoạ sĩ Sài Gòn cũ, một lực lượng không thể bỏ qua trong toàn cảnh mỹ thuật đương đại Việt Nam, không có mặt trong sự kiện “gắn với lịch sử” này?
Đỗ Thị Tuyết Mai: Có lẽ do thời gian quá ngắn nên các curator chưa khảo sát đầy đủ các lực lượng sáng tác. Thời gian tới, với hai chapter còn lại, hy vọng mọi điều sẽ được giải đáp hết.
Thuận Thiên: Theo thông báo do SOC đưa ra thì có những tác phẩm của nhiều tác giả nổi tiếng thế giới tham dự sự kiện. Sự thực ra sao?
Đỗ Thị Tuyết Mai: Chắc chắn là có các tác phẩm (chủ yếu là poster, ảnh chụp và video) của Yoko Ono (Nhật-Mỹ), Joseph Beuys (Đức), Ursula Reuter & Henning Christiansen (Đan Mạch), Martha Rosler (Mỹ), Nancy Spero (Mỹ), Chris Marker (Pháp), Christelle Lheureux (Pháp), Jean Luc Godart (Pháp-Thụy Sĩ)… Trường hợp Yoko Ono thì đây là lần đầu tiên, chưa có tiền lệ, 4 tác phẩm video (
Imagine Peace, Bed-in, War is over if you want it, Onochor) được tác giả lớn này nhượng quyền sử dụng mà không thu phí.
Thuận Thiên: Rõ ràng là cảm giác thất bại của sự kiện SOC chủ yếu là do nó đã không khai mạc được đúng thời điểm như đã thông báo, tạo nên sự hẫng hụt từ phía những người trông đợi, và không tạo được sự hưởng ứng của công chúng. Công tác chuẩn bị của ban tổ chức, đặc biệt là trong khâu xin giấy phép, có vấn đề chăng?
Đỗ Thị Tuyết Mai: Thực tình là thời gian chuẩn bị quá gấp gáp, mà lại là lần đầu tiên chuẩn bị cho sự kiện quốc tế lớn thế này, nên mọi thiếu sót đều có thể. Chúng tôi khởi động từ ba năm, nhưng thực sự bắt tay tổ chức cho sự kiện thì mới từ tháng 1/2006, khi các curator bàn bạc lần đầu. Tháng 7 họ mới sang khảo sát lần thứ nhất, và lần thứ hai là vào tháng 9. Việc xin giấp phép cũng thế. Chuẩn bị hồ sơ cho 60 nghệ sĩ (có 21 người nước ngoài), hơn 300 tác phẩm từ nhiều nguồn, nhiều phương tiện (nhất là phim video, có phim dài hơn 1 giờ phải đưa ra trung ương duyệt), mà nội dung thông tin phải cung cấp cho cơ quan duyệt (Sở Văn hoá Thông tin TPHCM) lại vượt quá sự hình dung của ban tổ chức. Chúng tôi xin giấy phép từ giữa tháng 10/2006, nhưng đầu tháng 11/2006 lại phải bổ sung một số tác phẩm mới do một số tác giả nước ngoài đến lúc ấy mới quyết định tham dự. Do đó qui trình thủ tục xin cấp phép có khiếm khuyết. Cơ quan cấp phép hoàn toàn ủng hộ, nhưng với một khối lượng lớn tác phẩm, họ phải làm việc quần quật trong một tháng mà vẫn không xuể. Hơn nữa, trước một sự kiện lớn thế này, họ muốn “chậm lại một nhịp”, đó là sự thận trọng có thể hiểu được của người chịu trách nhiệm. Lỗi của ban tổ chức là quá nóng lòng để khai mạc sự kiện do có nhiều sức ép, nên đã không đủ tỉnh táo để định một ngày khai mạc an toàn hơn. Đến bây giờ thì tôi cảm thấy ngày khai mạc có thể lui đến lúc nào cũng không còn là vấn đề nữa.
Thuận Thiên: Việc các curator chỉ chọn tác phẩm cũ để giới thiệu có phải do kinh phí hạn hẹp?
Đỗ Thị Tuyết Mai: Đó cũng là một nguyên nhân quan trọng. Tổng kinh phí của dự án là 200.000 USD, trong khi một dự án nghệ thuật bình thường của Hàn Quốc có kinh phí 2 triệu USD, kinh phí của Biennale Singapore vừa diễn ra là 12 triệu USD. Có những khoản chi chưa từng được biết đến ở các triển lãm mỹ thuật đã có tại Việt Nam, thí dụ việc mua bảo hiểm cho toàn bộ các tác phẩm tham dự. Có những tác phẩm giá trị bảo hiểm tới 150.000 USD (ảnh của Martha, nghệ sĩ Mỹ), 200.000 USD (tượng của Montien, Thái Lan). Các tác phẩm trong nước cũng được bảo hiểm (như tác phẩm
Mâm của Ly Hoàng Ly có giá trị bảo hiểm 8000 USD).
Thuận Thiên: Cho đến hôm nay (1/12/2006), theo bà, dự án SOC đã thành công và thất bại ở những điểm nào?
Đỗ Thị Tuyết Mai: Một dự án khai triển trong 3 năm mà chậm 1 tuần thì không thể nói là thất bại. Ngược lại, tôi khẳng định nó đã thành công. Vì nó đang xây dựng được cơ sở hạ tầng của hoạt động mỹ thuật đương đại, qua việc xây dựng studio SOC, việc đưa vào những phương pháp treo tranh, bố trí ánh sáng hiện đại cho các bảo tàng… Vì nó đang xây dựng được cung cách suy nghĩ và ứng xử của mọi thành phần xã hội đối với mỹ thuật đương đại. Từ nhà quản lý, đến các nghệ sĩ, người yêu thích nghệ thuật đều được tác động bởi sự kiện này. Mọi người đã đến để suy nghĩ, mắng mỏ, chê bai, hay động viên, tất cả đều là rất tốt. Sự kiện này đã đánh động đến mọi người. Ai cũng biết rằng để nghệ thuật đương đại được sự ủng hộ của cả xã hội Việt Nam, cần có một lộ trình. Trên lộ trình đó, những bất cập, bất đồng là điều có thể dự kiến. SOC không nhắm tôn vinh một cá nhân, không đem lại lợi ích riêng tư cho ai, mà đã đem lại một sự kiện văn hoá. Vậy là nó thành công.
Thuận Thiên: Xin cảm ơn sự hợp tác của bà.
© 2006 talawas