Đối với dư luận thế giới, chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt từ hơn ba mươi năm trước, và những gì được biết về cuộc chiến này cũng chỉ là những thông tin có được vào đầu thập niên 70. Vì coi chiến tranh Việt Nam đã thuộc về quá khứ, nhiều người cũng chẳng cần cập nhật các tin tức có giá trị thỉnh thoảng xuất hiện từ ba thập niên qua để bổ túc cho những hiểu biết cũ.
Vào thời điểm chiến tranh chấm dứt, có một vấn đề mà cuộc bàn cãi chưa có kết luận dứt khoát, đó là Hà Nội đã trực tiếp điều khiển cuộc chiến tại miền Nam từ lúc nào? Một phe, theo lập luận chính thức của Hà Nội vào thời trước 70, nói rằng do những lỗi lầm của chính quyền Ngô Đình Diệm được Mỹ ủng hộ, nhân dân miền Nam đã tự động nổi dậy, và mãi tới đầu thập niên 60, Hà Nội mới quyết định ủng hộ phong trào này. Ngay cả tổ chức Mặt trận Dân tộc Giải phóng iền Nam (MTDTGPMN), theo lập luận này, cũng hoàn toàn phát xuất từ miền Nam, không do miền Bắc lập ra.
Dư luận thứ nhì phù hợp với quan điểm chính thức của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hoà (VNCH), phản bác lại rằng, Hà Nội đã có kế hoạch thôn tính miền Nam ngay từ 1954-1955, nhưng thiếu những bằng chứng cụ thể để chứng minh. Lý do là vì trong khoảng thời gian từ giữa thập niên 50 tới đầu thập niên 60, khả năng tình báo của Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam còn rất thô sơ. Họ chỉ biết nhiều tin tức tại Sài Gòn, còn tình hình an ninh từ các địa phương, phải nhờ vào báo cáo từ các tỉnh; một nguồn thông tin thường thiếu chính xác, nhất là những tin tức bị chính quyền địa phương liệt vào loại “xấu”.
Tài liệu nghiên cứu “Lịch sử tiến trình tạo quyết định của Mỹ về chính sách Việt Nam” (History of U.S. Dicision-Making on Vietnam Policy), thường được gọi là “Tài liệu mật Bộ Quốc phòng”, cũng nói rằng: “Câu hỏi chính liên quan đến Hà Nội trong nguồn gốc của cuộc nổi dậy (ở miền Nam) không phải là họ có đóng vai trò gì hay không – bằng chứng về việc tham dự trực tiếp của Bắc Việt vào cuộc nổi dậy chống chính quyền Nam Việt bây giờ đã có nhiều – mà là Hà Nội đã can thiệp một cách có hệ thống vào lúc nào”.
[1]
Trong tài liệu mật nêu trên, vai trò của ông Lê Duẩn có được nhắc tới, nhưng người ta chỉ biết ông có mặt tại miền Nam từ 1955 và 1956. Tài liệu viết:
Nhu cầu và nguyện vọng của cộng sản nổi loạn tại Nam Việt Nam đã được đích thân Lê Duẩn thông báo thẳng với Hà Nội, ông ta là người được biết đã ở Nam Việt Nam vào năm 1955 và 1956 và đã trở lại Hà Nội vào khoảng trước mùa Thu năm 1957. Tháng Chín năm đó, vào dịp ông Hồ trở về từ Âu châu, Lê Duẩn đã xuất hiện như là một thành viên Bộ Chính trị Đảng Lao động; có thể trên thực tế ông ta đã là Bí thư Thứ nhất Đảng Lao động, địa vị mà ông ta chính thức được đề bạt vào tháng Chín năm 1960. Theo lời khai của các tù binh và tài liệu thu được, vào năm 1955 và 1956, Lê Duẩn đã bày tỏ niềm tin chắc chắn là Diệm sẽ dẹp tan phong trào cộng sản tại Nam Việt Nam trừ phi Việt Nam Dân chủ Cộng hoà củng cố Đảng ở đó. [2]
Thật ra, vai trò của miền Bắc trong chiến tranh tại miền Nam đã không còn là một thắc mắc vào đầu thập niên 70, nhất là kể từ 1975. Sau khi làm chủ cả nước, sau khi thẳng tay loại bỏ tổ chức MTDTGPMN, Hà Nội chẳng những không cần tiếp tục giấu diếm vai trò chỉ huy trực tiếp của mình, mà còn công khai coi đó như một thành tích đáng được đề cao. Nhưng hình như vẫn có người không muốn thoát ra khỏi những tin tức và lập luận có được từ ba bốn chục năm trước, chẳng những không muốn cập nhật hiểu biết của mình, mà còn hăng hái chống lại những thông tin với nội dung không phù hợp với nếp suy nghĩ cũ.
Ngày 16 tháng Tám vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã viết bài “Nhớ đồng chí Lê Duẩn” trên báo
Nhân dân. Ông Kiệt đã cho biết nhiều chi tiết quan trọng về hoạt động của ông Lê Duẩn từ thời gian ngay sau Hiệp định Genève, cho đến khi ông ra Bắc năm 1957, là thời gian mà các nguồn tin mật Bộ Quốc phòng Mỹ biết rất ít về ông. Nhất là trong hai năm 1954 - 1955, không ai biết rõ về hành tung bí mật của ông. Như đoạn trích dẫn trên đây cho thấy, Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ biết lờ mờ việc ông Lê Duẩn vào Nam năm 1955 và 1956, trong khi ông Võ Văn Kiệt cho biết vào hạn chót tập trung ở Cà Mâu (200 ngày sau Hiệp định Genève) để lên đường tập kết, ông Lê Duẩn đã lên tầu để “che mắt kẻ thù”, rồi lén trốn ở lại vào lúc nửa đêm. Ông Kiệt còn cho biết ông Lê Duẩn đã chuẩn bị “Đề cương” cách mạng miền Nam ngay trong thời gian chuyển quân tập kết. Bài viết của ông Võ Văn Kiệt đã lấp cái chỗ trống tạo ra thắc mắc trong tài liệu mật của Mỹ về vai trò của Bắc Việt.
Qua bài “
Ai phá hoại Hiệp định Genève?” (talawas 7-9-06), tôi đã căn cứ vào bài báo của ông Võ Văn Kiệt, nói rằng với sự đồng ý của ông Hồ, chính ông Lê Duẩn đã có hành động phá hoại Hiệp định Genève. Có hai người đã phản bác bài viết của tôi, là ông Lữ Phương qua bài “
Đằng sau một câu trả lời: ‘Ai phá hoại Hiệp định Genève?’” (talawas 16-9-06), và ông Đặng Tiến qua bài “
Hiệp định Genève” (talawas, Ý kiến ngắn, 19-9-06). Xin thành thật cảm ơn hai ông đã cho ý kiến, và tôi xin được trả lời như sau:
Về hành tung của ông Lê Duẩn, ông Lữ Phương viết:
“Nếu ông đọc lại bài viết của mình, tôi tin rằng ông đã thấy cách diễn dịch ấy là quá đơn giản khi chỉ căn cứ vào việc cá nhân một Lê Duẩn (lúc bấy giờ chưa là Tổng Bí thư Đảng) có mặt tại miền Nam để lập luận”. Và ông Đặng Tiến viết:
“việc ông Lê Duẩn ở lại miền Nam, hoặc bất cứ thành phần quốc gia nào ở lại miền Bắc, đều không vi phạm Hiệp định. Thoả ước quy định các lực lượng vũ trang, cơ quan hành chánh phải được tập trung và di chuyển vào Nam hay ra Bắc trong một thời hạn nhất định. Nhưng không có điều khoản nào bắt buộc cá nhân, vì chính kiến, phải di cư vào Nam hay tập kết ra Bắc”
Theo lời khuyên của ông Lữ Phương, tôi đã đọc lại bài viết của mình, thấy việc chê ý kiến của tôi “quá đơn giản”, đó là quyền của ông. Nhưng tôi xin được bảo lưu ý kiến của mình, và thưa lại cùng cả hai ông rằng, lập luận của cả hai vị đều sai. Cả hai ông đều giống nhau ở chỗ coi ông Lê Duẩn như một
cá nhân thường, trong khi trên thực tế cũng như danh nghĩa, ông ấy có địa vị và nhiệm vụ quan trọng hơn nhiều.
Trên website Đảng Cộng sản Việt Nam có ghi rõ tiểu sử của ông Lê Duẩn:
- Từ năm l946 đến 1954, làm Bí thư Xứ uỷ, rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam.
Từ năm 1954 đến 1957, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đồng chí trở lại miền Nam làm Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ
Ông Võ Văn Kiệt cho biết ông Lê Duẩn đứng đầu Xứ Ủy. Đọc bài ông Kiệt, người ta biết ông Lê Duẩn nắm quyền hành cả về quân sự lẫn dân sự. Về quân sự, điều khiển cả cấp tướng. Ông Kiệt khen “cách ứng xử của Anh Ba với tướng Nguyễn Bình, người được Bác Hồ cử vào Nam đảm đương trọng trách về quân sự”. Về dân sự, Anh Ba đã “quyết định xin ở lại miền Nam sau khi đã hoàn thành những nhiệm vụ mà Bác Hồ và Trung ương giao cho sau Hiệp định Geneva”.
Như vậy, vai trò của ông Lê Duẩn vào cuối năm 1954 và đầu 1955 ở miền Nam cũng tương đương với vai trò của ông Lê Quang Luật, Đại biểu Chính phủ Quốc gia Việt Nam “phụ trách công việc ở Bắc Việt và nhất là việc tản cư dân tị nạn” ở miền Bắc. Thử hỏi, nếu vào ngày chót hạn tập trung ở Hải Phòng để di tản (300 ngày sau Hiệp định Genève), ông Lê Quang Luật cũng lên tầu để “che mắt kẻ thù”, rồi nửa đêm trốn ở lại, lẻn về khu Công giáo Bùi Chu, Phát Diệm, tổ chức quấy phá miền Bắc, điều này có coi như vi phạm Hiệp định Genève không?
Ngoài ra, cũng xin hỏi riêng ông Đặng Tiến một câu rất giản dị: Nếu ông Lê Duẩn chỉ là một cá nhân không nằm trong thành phần những người phải rời khỏi miền Nam, tại sao ông ấy leo lên tầu, rồi đợi nửa đêm trốn ở lại? Chẳng lẽ ông Lê Duẩn tối dạ tới mức không hiểu rõ Hiệp định Genève bằng ông Đặng Tiến?
Bây giờ, lại xin thưa với ông Lữ Phương. Ông chỉ trích ý kiến của tôi
“quá đơn giản khi chỉ căn cứ vào việc cá nhân một Lê Duẩn (lúc bấy giờ chưa là Tổng Bí thư Đảng) có mặt tại miền Nam để lập luận”. Đâu phải chỉ
một Lê Duẩn lén ở lại miền Nam, và lúc bấy giờ tuy ông ta chưa là Tổng Bí thư Đảng, nhưng là Bí thư Xứ Ủy. Theo tài liệu mật BQP Mỹ (bài trước tôi không hề dẫn tài liệu này, nhưng thấy ông đánh giá cao nó, nên tôi dùng ngay nó để thưa chuyện với ông), đã có từ năm tới mười ngàn cán bộ cộng sản ở lại miền Nam với ông Lê Duẩn. Tài liệu viết:
Vào lúc chấm dứt chiến tranh Pháp-Việt Minh năm 1954, khoảng 60.000 người phục vụ trong các đơn vị tổ chức của Việt Minh tại Nam Việt Nam. Để tập kết ra Bắc Việt Nam, số đơn vị này tăng lên nhiều gồm các phần tử trẻ mới tuyển; theo báo cáo có 90.000 người võ trang tập kết ra Bắc Việt Nam, trong khi Hoa Kỳ và chính quyền (Quốc gia) Việt Nam ước lượng rằng từ 5 tới 10.000 người được huấn luyện đã ở lại như là “cán bộ”. [3]
Bây giờ, chắc ông Lữ phương đã thấy việc ông Lê Duẩn ở lại với một lực lượng lớn như vậy, không phải chỉ là chuyện giản dị của “một cá nhân”. Chính ông Võ Văn Kiệt, một người trong cuộc, và thuộc giới lãnh đạo cao cấp của cộng sản, cũng thừa nhận việc ở lại của Lê Duẩn là một “sự kiện lớn lao”.
“Anh Ba lên tàu như người đi tập kết để che mắt kẻ thù, đến nửa đêm Anh bí mật rời tàu, quay trở lại. Trong hồi tưởng, tôi rất xúc động và cảm phục khi nghĩ về sự kiện lớn lao đó”.
Thêm thắc mắc dành cho cả hai ông: Hiệp định Genève đã phân chia VN thành hai vùng: Thẩm quyền cai trị miền Bắc vĩ tuyến 17 thuộc về Việt Minh. Miền Nam trong tay chính quyền Quốc gia. Khi ký Hiệp định, Việt Minh đã chấp nhận giới hạn thẩm quyền của mình chỉ ở miền Bắc, tại sao vẫn cử Lê Duẩn làm Bí thư Xứ Ủy Nam Bộ? (
Từ năm 1954 đến 1957, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đồng chí trở lại miền Nam làm Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ).
Trong bài viết phản bác, ông Lữ Phương có vẻ coi nhẹ những tiết lộ trong bài báo của ông Võ Văn Kiệt do tôi dẫn chứng, hơn là tài liệu của Mỹ mà ông có. Có lẽ ông nghĩ rằng chứng cớ của ông sẽ dễ dàng đánh đổ lập luận của tôi. Ông viết:
Nhưng ông sẽ nghĩ sao khi tôi dẫn ra đây những lời lẽ được viết ra từ ngay hồi đó, bởi những người Mỹ chống cộng, những người Mỹ trong khi đang đánh nhau với cộng sản, đã dựa vào những tài liệu nội bộ, chân thực được giấu kín của chính phủ Mỹ để nói ngược lại hoàn toàn ý kiến của ông:
“Nghiên cứu mật của Ngũ Giác đài về chiến tranh Việt Nam nói quan điểm chính thức của chính phủ Mỹ cho rằng cuộc chiến được áp đặt cho Nam Việt Nam là do sự xâm lược từ Hà Nội là “không hoàn toàn thuyết phục”. Các chính quyền kế tiếp nhau ở Washington, từ John F. Kennedy đến Richard M. Nixon đã sử dụng cách giải thích về nguồn gốc chiến tranh này để biện minh cho sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam. Nhưng những thẩm định của tình báo Mỹ trong những năm 1950 chứng tỏ rằng cuộc chiến đã khởi đầu phần lớn là một cuộc nổi loạn ở miền Nam để chống lại chế độ Ngô Đình Diệm ngày càng trở nên áp bức và thối nát”? (The Pentagon Papers, bản của The New York Times, Bantam Books, Inc, 1971, tr. 67).
Tôi phải tin ông hay tin vào những người Mỹ soạn thảo ra Hồ sơ mật đó?
Qua phần trích dẫn trên đây, ông Lữ Phương đặt cho tôi hai câu hỏi: (a) Tôi sẽ nghĩ sao về những lời lẽ trong dẫn chứng của ông, và (b) Ông phải tin vào tôi, hay tin vào người Mỹ? Trả lời câu hỏi thứ nhất, tôi nghĩ rằng ông Lữ Phương có vẻ tin chắc vào bằng chứng của ông, nhưng tiếc rằng ông đã không tìm hiểu để biết giá trị thực của nó. Thứ nhì, không phải nên tin vào tôi hay vào người Mỹ, mà phải cân nhắc, tìm hiểu xem tài liệu tôi dẫn chứng (bài của ông Võ Văn Kiệt), và tài liệu ông dẫn chứng (bài của
New York Times về Pantagon Papers), đằng nào có giá trị hơn. Sau đây, tôi xin trình bày về giá trị tài liệu dẫn chứng của ông Lữ Phương. Hơi dài dòng một chút, xin bạn đọc thông cảm.
Chẳng phải tìm kiếm khó khăn, vì những điều cần biết đã được ký giả Neil Sheehan trình bầy rõ trong lời giới thiệu (Introduction) cuốn
The Pentagon Papers, bản của
The New York Times, do Quadrangle Books xuất bản năm 1971.
Vào cao độ chiến tranh Việt Nam, ngày 17-6-1967, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert S. McNamara đã thành lập một ban nghiên cứu, viết ra tài liệu về sau có tên thông dụng là “Tài liệu mật Bộ Quốc phòng” (Pentagon Papers). Ban nghiên cứu gồm 36 người, thuộc nhiều thành phần, cả quân lẫn dân sự. Đứng đầu là một người mới 30 tuổi (Leslie H. Gelb), có bằng tiến sĩ về chính trị thuộc Đại học Harvard. Làm việc trong một năm rưỡi, dựa vào những tài liệu mật có được tại Bộ Quốc phòng, nhóm này hoàn thành một tài liệu lịch sử theo lối chuyện kể (narrative history), dài khoảng 3.000 trang, và hơn 4.000 trang tài liệu đính kèm, tổng cộng cỡ 2,5 triệu chữ, phân thành 47 tập (volume), ghi lại các diễn tiến về việc Hoa Kỳ can dự vào Đông Dương từ Đệ nhị Thế chiến tới tháng Năm 1968, là thời gian bắt đầu hoà đàm Paris.
Daniel Ellsberg đã lén làm bản sao (Xerox copy) được gần hết số tài liệu trên, đưa cho Neil Sheehan, ký giả báo
The New York Times. NYT bắt đầu phổ biến hàng loạt bài viết dựa trên tài liệu này, kể từ số báo ngày Chủ nhật, 13 tháng 6, năm 1971. Sau đó, báo
The Washington Post cũng kiếm được một mớ, và bắt đầu phổ biến. Nhưng tài liệu của ông Lữ Phương nằm trong số những bài của tờ NYT, nên ở đây chỉ xin đề cập tới giá trị những bài viết của NYT mà thôi.
Khi có tài liệu mật trong tay, NYT quyết định phổ biến gấp, trước các báo khác vì cạnh tranh nghề nghiệp, và nhất là trước khi chính quyền kịp phản ứng ngăn cản. NYT không thể cấp thời phổ biến nguyên văn cả mấy ngàn trang tài liệu. Có ba giải pháp được đặt ra:
Giải pháp thứ nhất: Chỉ căn cứ vào các tài liệu chính, bỏ hoàn toàn phần phân tích theo lối kể truyện (narrative-analyses) của ban nghiên cứu. Giải pháp này có ưu điểm tránh được những quan điểm thiên lệch có tính cách cơ cấu, hay của các cá nhân tác giả trong ban nghiên cứu. Nhưng có khuyết điểm là biến các ký giả báo NYT thành sử gia, khi cần họ diễn dịch tài liệu thành bài báo.
Giải pháp thứ nhì: Bỏ qua cả phần diễn dịch lẫn tài liệu, chỉ phỏng vấn những vai chính trong việc tạo quyết định và tìm diễn giải khác về những biến cố quan trọng của cuộc chiến qua những câu chuyện đã được phổ biến. Khuyết điểm của giải pháp này là báo NYT sẽ tự mình viết lịch sử chiến tranh.
Giải pháp thứ ba: Ký giả báo NYT căn cứ cả vào diễn giải của ban nghiên cứu và tài liệu chính để viết lại thành những bài đăng báo. Báo
New York Times đã chọn giải pháp này. Họ hy vọng sẽ tường trình trung thực trong phạm vi có thể, nhưng cũng nói rõ:
“ngay cả việc lựa chọn và sắp xếp sự việc, dù trong lịch sử hay một bài báo, cũng không thể tránh được phản ảnh một quan điểm hay nếp suy nghĩ. Những bài báo tiếp theo chắc chắn sẽ phản chiếu một vài quan niệm của các ký giả báo NYT đã viết ra nó” .
[4]
Như vậy, giá trị của “Tài liệu mật BQP” được thẩm định như thế nào? Giá trị các tài liệu trong toàn khối được gọi chung bằng tên “Tài liệu mật BQP” không giống nhau. Cần chia thành ba loại: Loại một là những tài liệu gốc như điện văn, giác thư, biên bản cuộc họp, báo cáo, tin tình báo, chỉ thị của các viên chức cao cấp... Loại này có giá trị cao nhất, nhưng khô khan, rời rạc. Ban nghiên cứu của BQP đã căn cứ vào những tài liệu này để viết ra tập diễn giải ba ngàn trang.
Loại hai là tập lịch sử diễn giải trên đây, có tên chính thức là “Lịch sử tiến trình tạo quyết định của Mỹ về chính sách Việt Nam” (History of U.S. Dicision-Making on Vietnam Policy). Tài liệu này do 36 người viết. Họ thuộc nhiều thành phần, nghề nghiệp, tuổi tác và khuynh hướng khác nhau. Các tác giả được hưởng quy chế “vô danh”. Ưu điểm là được hoàn toàn tự do viết theo ý mình, nhưng khuyết điểm là “vô danh” có thể đi đôi với “vô trách nhiệm”. Dù viết theo cảm tính cũng không sợ bị chỉ trích. Để bảo mật, nhóm tác giả này không được phỏng vấn để bổ túc cho tài liệu chính; không được tham khảo tài liệu tại Bạch Ốc; không được tham khảo toàn bộ tài liệu tại Bộ Ngoại giao cũng như CIA. Tóm lại, chỉ được tham khảo mọi loại tài liệu có được tại BQP mà thôi. Kết quả là tập sử liệu này thiếu đồng nhất (mỗi người mỗi ý), có những khoảng cách (không được bổ túc bởi các nguồn tài liệu khác), và đôi khi mâu thuẫn. Do đó, giá trị của tài liệu này thấp hơn một bậc. Tạm gọi là hạng nhì.
Loại ba là những bài báo do các ký giả của
New York Times đã dựa vào hai loại tài liệu hạng nhất và hạng nhì trên đây để viết ra. Khi tài liệu được diễn giải lại lần thứ nhì, tính cách trung thực bị giảm đi trong khi quan điểm riêng của tác giả tăng lên. Chính NYT cũng đã thừa nhận:
không thể tránh được phản ảnh một quan điểm hay nếp suy nghĩ..., chắc chắn phản chiếu một vài quan niệm của các ký giả báo NYT đã viết ra nó”. Để dễ hiểu, có thể coi những “Tài liệu mật BQP” gồm ba thế hệ: Tài liệu chính gốc thuộc thế hệ ông, “Mật ông”. Tài liệu do ban nghiên cứu viết ra là “Mật cha”, và do các ký giả báo NYT viết lại là “Mật cháu”. Thế hệ chót này có giá trị thấp nhất. Vậy, tuy cùng mang họ “Mật”, nhưng giá trị khác nhau. Khi có trong tay “Tài liệu mật BQP”, cần tìm hiểu nó thuộc thế hệ nào.
Những trích dẫn với chú thích 1, 2, 3, 7 và 8, tôi dùng trong bài này thuộc thế hệ Mật cha. Tài liệu ông Lữ Phương dùng phản bác lại tôi thuộc thế hệ Mật cháu. Khi đọc những lời ông Lữ Phương nghiêm nghị hỏi tôi nghĩ sao trước những bằng cớ mà ông gọi là “chân thực”, do “những người Mỹ chống cộng” viết ra, tôi biết đó là tài liệu có một giá trị trái ngược hẳn với những gì ông tin tưởng. Nó đã được diễn tả một cách thiếu trung thực, do “người Mỹ chống Mỹ” viết ra.
Xin bắt đầu bằng tác giả và nguồn phổ biến tài liệu của ông Lữ Phương. Trước hết,
New York Times không phải là báo của người Mỹ chống cộng. Lập trường của nó, nhất là vào thời điểm cao độ chiến tranh Việt Nam, là “Mỹ chống Mỹ”. Chủ nhiệm báo NYT bây giờ, Arthur Sulzberger con, hồi thập niên 60 đã nhiều lần tham dự biểu tình chống Mỹ tham chiến ở Việt Nam, và bị bắt hai lần. Có lần chủ nhiệm NYT thời bấy giờ, ông Sulzberger cha, hỏi con (chủ nhiệm bây giờ): “Nếu một người lính Mỹ đụng độ với một người lính Bắc Việt Nam, mày muốn nhìn thấy ai bị bắn?” Ông con tỉnh bơ trả lời: “Con muốn nhìn thấy người Mỹ bị bắn. Vì đó là nước của người kia”.
[5]
Những bài báo viết về Tài liệu mật đăng trên NYT do nhiều người viết. Tác giả tài liệu của ông Lữ Phương là ký giả Fox Butterfield. Ông này cũng là người Mỹ chống Mỹ. Cách đây hai năm, khi vụ hành hạ tù nhân ở nhà giam Abu Ghraib bên Iraq mới bùng nổ, ông đã kịp thời viết ngay một bài tố cáo là tù nhân ở các nhà giam trên đất Mỹ cũng thường bị hành hạ.
[6]
Vì ông Lữ Phương nói tài liệu của ông do người Mỹ chống cộng viết, nên tôi mới phải đề cập tới khuynh hướng của tác giả và tờ báo đăng tài liệu đó. Đối với tôi, nội dung mới quan hệ. Bây giờ, xin xét tới nội dung.
Tài liệu trích dẫn của ông Lữ Phương là hai đoạn đầu, chương 2 “Những nguồn gốc về tình trạng nổi dậy ở Nam Việt Nam” (Origins of the Insurgency in South Vietnam). Ông Lữ Phương đã dịch sang tiếng Việt để dẫn chứng, từ nguyên văn tiếng Anh sau đây:
The secret Pentagon study of the Vietnam war says the United States Government’s official view that the war was imposed on South Vietnam by aggression from Hanoi is “not wholly compelling”.
Successive administrations in Washington, from President John F. Kennedy to President Richard M. Nixon, have used this interpretation of the origins of the war to justify American intervention in Vietnam. But American intelligence estimates during the nineteen-fifties show, the Pentagon account says, that the war began largely as a rebellion in the South against the increasingly oppressive and corrupt regime of Ngo Dinh Diem.
Tôi đã tô đậm để nhấn mạnh các chữ trên và dưới đây. Vì Fox Butterfield mở đầu bằng câu
The secret Pentagon study of the Vietnam war says (
Nghiên cứu mật của Ngũ Giác đài về chiến tranh Việt Nam nói...), nên tôi phải tìm bản nghiên cứu (Mật cha) để so sánh. Bản nghiên cứu (Gravel Edition) đề cập tới đề tài này ở chương 5, mang cùng tên với chương 2 của bản NYT, sau khi trình bầy về một số giả thuyết thiếu cơ sở vững chắc, đã đưa ra ba giả định, nguyên văn như sau:
Three interpretations of the available evidence are possible:
Option A-That the DRV intervened in the South in reaction to U.S. escalation, particularly that of President Kennedy in early 1961. Those who advance this argument rest their case principally on open sources to establish the reprehensible character of the Diem regime, on examples of forceful resistance to Diem independent of Hanoi, and upon the formation of the National Liberation Front (NLF) alleged to have come into being in South Vietnam in early 1960. These also rely heavily upon DRV official statements of 1960-1961 indicating that the DRV only then proposed to support the NLF.
Option B-The DRV manipulated the entire war. This is the official U.S. position, and can be supported. Nonetheless, the case is not wholly compelling, especially for the years 1955-1959.
Option C-The DRV seized an opportunity to enter an ongoing internal war in 1959 prior to, and independent of, U.S. escalation. This interpretation is more tenable than the previous; still, much of the evidence is circumstantial.
The judgment offered here is that the truth lies somewhere between Option B and C
Volume 1, Chapter 5, "Origins of the Insurgency in South Vietnam, 1954- 1960" (Boston: Beacon Press, 1971).
Tạm dịch:
Ba giải thích khả dĩ dựa trên bằng chứng có được là:
Lựa chọn A - Rằng VNDCCH can thiệp vào miền Nam để phản ứng lại việc Mỹ gia tăng, đặc biệt là thời Tổng thống Kennedy vào đầu năm 1961. Những người theo đuổi lập luận này phần chính dựa vào những nguồn tin công khai về cung cách đáng trách của chế độ Diệm, vào những thí dụ chống cự Diệm mãnh liệt độc lập với Hà Nội, và vào việc thành lập MTDTGPMN được cho là ra đời ở Nam Việt Nam vào đầu năm 1960. Tất cả những điều này cũng dựa nhiều vào những tuyên bố của các viên chức VNDCCH vào 1960-1961 nói rằng vào thời đó VNDCCH chỉ đề nghị giúp đỡ MTDTGPMN.
Lựa chọn B – VNDCCH đã thao túng toàn cuộc chiến. Đây là lập trường chính thức của Hoa Kỳ, và có thể bênh vực được. Dầu sao, trường hợp này không hoàn toàn thuyết phục, đặc biệt là vào những năm 1955-1959.
Lựa chọn C – VNDCCH chớp lấy cơ hội nhảy vào cuộc nội chiến năm 1959 trước khi, và độc lập với việc Hoa Kỳ gia tăng. Giải thích này khả dĩ hơn các giải thích trước; tuy nhiên, phần lớn chứng cớ chỉ là gián tiếp.
Phán đoán ở đây là sự thật nằm trong khoảng giữa lựa chọn B và C.
Từ ba giả định dè dặt, không có kết luận dứt khoát, Fox Butterfield đã chỉ đề cập tới một lựa chọn B, nhặt lấy ba chữ
not wholly compelling (không hoàn toàn thuyết phục), viết lại theo quan điểm phủ nhận của mình, nhưng vẫn nói đó là quan điểm từ bản nghiên cứu mật của BQP. Sự thiếu trung thực của ngòi bút Fox Butterfield đã lộ rõ ràng.
Ký giả Butterfield có tên gọi là Fox. Người Việt Nam gọi fox là con chồn, một con vật khá tinh ranh. Ông anh tôi có vườn trồng cà phê, nên tôi được nghe kể về một đặc sản, là “cà-phê cứt chồn”. Loài chồn khi ăn cà-phê, bao giờ cũng chọn rất kỹ, không phải quả nào cũng ăn. Chỉ ăn những quả thật chín, thật hợp với khẩu vị. Chồn chỉ tiêu hoá lớp cùi của quả, còn hột cà-phê, khi ỉa ra vẫn y nguyên. Người coi vườn thỉnh thoảng bắt gặp, gọi là “cà-phê cứt chồn”. Nghe nói, đối với một số người có “gu” đặc biệt, loại cà-phê này quý và cao giá lắm. Nó không giống các thứ cà-phê khác, vì đã được con chồn sản xuất theo một tiêu chuẩn chọn lựa đặc biệt. Tài liệu do ký giả Fox tạo ra, cũng là lịch sử đấy, nhưng là “lịch sử cứt chồn”.
Bây giờ, xin trở lại giá trị bài báo của ông Võ Văn Kiệt. Ông Kiệt đã về hưu, nhiều đồng chí của ông hãy còn sống, có thể đối chất nếu ông viết sai. Ông Kiệt lại là người thân cận và kính phục ông Lê Duẩn, người đã mất cách đây 20 năm, nên có thể coi bài viết của ông là tài liệu đáng tin cậy, vì không nhằm mục tiêu mưu cầu danh lợi hay đền ơn trả oán. Giới nghiên cứu nên xếp chung nó với các tài liệu thuộc thế hệ “Mật ông”. Nó bổ tức một số điều còn tranh cãi trong quá khứ. Ví dụ, khi nào cộng sản Hà Nội trực tiếp can dự vào cuộc chiến ở miền Nam? Tổng hợp thông tin từ bài của ông Võ Văn Kiệt, với những tài liệu Mật ông, Mật cha của BQP Mỹ, người ta có thể viết ra được một diễn tiến như sau:
Ngay sau Hiệp định Genève 1954, với việc Bí thư Xứ Ủy Nam Bộ Lê Duẩn trốn ở lại, cùng với từ năm tới mười ngàn cán bộ, cộng sản đã có một lực lượng khá lớn tại miền Nam. Một lực lượng nằm vùng có huấn luyện, có chỉ huy, và có tổ chức hẳn hoi. Vào khoảng hơn một năm đầu, lực lượng này chưa khuấy phá. Đó là khoảng thời gian bản nghiên cứu “Mật cha” viết: “Dầu sao, cũng nên thừa nhận rằng, mặc cho dân chúng nghĩ gì về ông, Ngô Đình Diệm đã thực sự hoàn thành được những phép lạ (...). Dưới sự lãnh đạo của ông ta, Nam Việt Nam đã trở thành một quốc gia ổn định có chủ quyền, trên phương diện pháp lý, cho đến năm 1955, đã được 36 nước khác thừa nhận”.
[7]
Nhưng đạo quân của Lê Duẩn tại miền Nam không thể án binh bất động mãi. Thiếu tiếp liệu từ Bắc Việt, họ phải vùng dậy để có lương thực mà sống. Họ phải sinh hoạt để hàng ngũ khỏi tan rã. Cái gọi là “Phong trào nổi dậy” bắt đầu. Có nhà nghiên cứu cho rằng đây là phong trào nhân dân miền Nam nổi dậy, không do cộng sản Hà Nội chỉ huy (họ đâu biết vai trò của Lê Duẩn), vì hầu hết những người bị bắt đều sinh trưởng ở miền Nam. Nói vậy cũng giống như nói rằng, vào năm 2006, cộng sản Việt Nam ở Hà Nội không có vai trò gì trong guồng máy lãnh đạo, vì Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh là người Tầy thuộc miền Thượng, còn Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều là người miền Nam.
Ngoài ra, nếu nói có một phong trào nhân dân nổi dậy tại miền Nam chống chính quyền Ngô Đình Diệm không do cộng sản chỉ huy, vậy phong trào ấy tên là gì? Do ai chỉ huy? Cũng có nhà nghiên cứu cho rằng, năm hay mười ngàn cán bộ nằm vùng, rải khắp miền Nam không phải là con số đáng kể. Nhưng cán bộ nằm vùng đâu có phân tán khắp nơi. Hầu hết họ tập trung vào mấy tỉnh miền Tây. Hình thức khủng bố thông dụng là bắt cóc và ám sát. Hoạt động khủng bố đâu cần nhiều người. Tổ chức al-Qaeda của Bin Laden có bao nhiêu người mà đang làm cả thế giới điên đầu?
Trước nạn cộng sản khủng bố, chính quyền Sài Gòn đã phải có biện pháp đối phó. Giống như Tổng thống Roosevelt đã có biện pháp sai lầm, ra lệnh gom hàng trăm ngàn dân gốc Nhật cư ngụ tại mấy tiểu bang ven Thái Bình Dương vào các trại tập trung ở sa mạc nội địa (tháng 2-1942) để tránh nạn nội ứng, sau khi Nhật tấn công Trân Châu cảng (tháng 12-1941). Ông Diệm cũng ban hành những biện pháp sai lầm, đó là Dụ 47 (tháng 8-1956), và Luật 10/59 (tháng 5-1959), quy định việc trừng phạt nặng nề người cộng sản và những người hoạt động cho cộng sản.
Như vậy, trong các năm 1955 và 1956, Hà Nội chưa chính thức và trực tiếp chỉ huy mặt trận miền Nam, nhưng chỉ huy ngầm qua vai trò bí thư Xứ uUỷ Nam bộ Lê Duẩn. Chính trong thời gian này, Lê Duẩn đã hoàn thành “Đề cương” chiếm miền Nam. Năm 1957, trước nguy cơ bị chính quyền miền Nam tiêu diệt, Lê Duẩn thân hành ra Bắc báo cáo tình hình (chú thích 2). “Bác Hồ đã thấu hiểu nguyện vọng sâu xa và đòi hỏi bức xúc của miền nam” (lời ông Võ Văn Kiệt trong bài đã dẫn). Thế là Đề cương của Lê Duẩn biến thành Nghị quyết 15, là quyết định đánh miền Nam bằng quân sự, được thông qua tại hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 (khoá 2).
Tài liệu mật BQP đã ghi sai, và sau này được nhiều người lặp lại, là Hội nghị Trung ương Đảng thứ 15 đã diễn ra vào tháng Năm 1959. Theo ông Võ Văn Kiệt,
“Hội nghị lần thứ 15 của BCH T.Ư khoá II đã phải tiến hành hai đợt. Đợt 1, từ ngày 12 đến 22 tháng 1 năm 1959. Đợt 2, từ ngày 10 đến 15 tháng 7 cùng năm ấy”. Điều này cho thấy, khi Đề cương của Lê Duẩn được thảo luận trước hội nghị, cũng gặp nhiều sóng gió. Phía chủ chiến ngả theo Lê Duẩn, không đồng ý với phía chủ hoà bị ảnh hưởng do tình hình quốc tế, nhất là khuynh hướng “sống chung hoà bình” do Khrushchev đề xướng. Vì thế, hội nghị đợt đầu đã tan vỡ. Họp đợt hai vào tháng Bảy 1959, phe chủ chiến thắng (một thắng lợi khiến dân tộc Việt Nam đã phải trả bằng cả triệu mạng sống). Năm sau, Lê Duẩn chính thức lên chức Bí thư Thứ nhất, và tổ chúc bình phong MTDTGPMN ra đời.
Tóm lại, cuộc chiến tại miền Nam, trong suốt 20 năm đều do Lê Duẩn chỉ huy. Giai đoạn từ 1954 đến 1957, chỉ huy tại chỗ với chức vụ Bí thư Xứ uỷ Nam bộ. Giai đoạn sau chỉ huy từ Hà Nội ở địa vị Bí thư Thứ nhất. Mọi việc đã rõ như ban ngày. Cố phủ nhận để làm gì?
Ông Lữ Phương còn hỏi vặn tôi: “
nhưng tại sao ông lại làm ngơ không giải thích tại sao – như Trần Văn Trạng đã nêu ra – chính quyền Ngô Đình Diệm đã đẩy nhà văn Nhất Linh đến chỗ phải tự vẫn? Thích Quảng Đức và Nhất Chi Mai phải tự thiêu?” Hỏi như thế, cũng giống như hỏi một người vào siêu thị, có hàng ngàn món hàng, tại sao chỉ chọn năm ba món? Tuy nhiên, vì ông đã hỏi, tôi cũng xin trả lời: Việc chính quyền Ngô Đình Diệm đưa nhóm Caravelle ra toà xử đúng vào lúc tình hình nghiêm trọng năm 1963 là quyết định ngu xuẩn. Một người từng trải như nhà văn Nhất Linh, đã tự chọn cái chết vì việc làm ngu xuẩn của người khác, là điều đáng tiếc. Còn cái chết của Hoà Thượng Quảng Đức và cô Nhất Chi Mai, thật sự tôi không có đầy đủ thông tin xác thực, nên không thể giải thích. Người đủ thẩm quyền giải thích hơn cả, là Hoà Thượng Trí Quang. Ngài hiện còn tại thế và đang ở Sài Gòn, ông có thể thỉnh ý ngài để biết sự thực.
Trong một bài dài phản bác tôi, ông Lữ Phương không nói thẳng vào tài liệu tôi dẫn chứng là bài báo của ông Võ Văn Kiệt có đáng tin hay không. Ông đã để ra khoảng hai phần ba bài báo để nói chuyện “đằng sau”. Việc làm của tôi là cập nhật những thông tin mới phát hiện, để làm sáng tỏ một câu hỏi gây tranh cãi về thời kỳ đầu cuộc chiến, là vai trò của Hà Nội. Ông Lữ Phương đã trích dẫn lung tung. Trích Kissinger nói về lập trường của Mỹ vào cuối cuộc chiến. Nói về lý do Mỹ đã thua. Trích cả Wikipedia tiếng Việt, một thứ “chợ trời chữ nghĩa” mà mọi người đều có thể ra vô thong thả. Ông Lữ Phương chống tôi mà trích lầm cả lời của tôi. Tôi viết “bỏ danh dự chạy lấy người”, ông lặp đi lặp lại là “bỏ của chạy lấy người”. Chuyện nhỏ, chẳng sao.
Đặc biệt, ông Lữ Phương đã xếp tôi vào thành phần
“chống cộng thánh chiến”. Ông còn mất công dựng cả một “ý thức hệ” cho thành phần này, rồi quay lại đả phá nó. Trước hết, xin cám ơn ông Lữ Phương đã xếp tôi vào hàng ngũ những người chống cộng. Tôi hãnh diện về điều này. Hôm qua, đọc tin ông Tổng thống Putin của Nga, nóng giận mắng chính quyền nước láng giềng Georgia là hành động giống kiểu Josef Stalin. Georgia là quê hương của Stalin. Ông Putin vốn là nhân viên cao cấp của mật vụ Liên Xô. Ông Stalin từng được nhà thơ lớn của cộng sản nước ta thương gấp mười lần hơn cha, mẹ, chồng con. Bây giờ ông Stalin trở thành biểu tượng cho ông Putin chửi rủa. Nếu tôi bị đặt vào hàng ngũ những người theo cộng sản, chắc không vui tí nào.
Tôi chống cộng ra sao, ôn hoà hay quá khích, thận trọng hay theo kiểu múa gậy vườn hoang, tất cả đều phơi bầy qua những bài đã phổ biến, chẳng giấu được ai. Tại sao cần quy tôi vào một thành phần đặc biệt? Việc quy thành phần này có mang lại thay đổi nào không? Có một thời, cái nhãn hiệu, nói trắng ra là cái mũ “Việt gian” hay “địa chủ”, đồng nghĩa với tử hình. Nhưng thời ấy đã qua rồi. Ngay cả người cộng sản cũng biết như thế. Vậy thì, cái nhãn hiệu
“chống cộng thánh chiến” gán cho tôi để làm gì? Tôi không quan tâm điều bị gán cho thành phần này hay thành phần khác. Điều đáng phàn nàn là, việc quy thành phần không phải việc làm của người cầm bút. Đó là việc của cán bộ đấu tố ngày xưa, và của công an ngày nay.
Hơn nữa, ngày nay mà còn nghĩ rằng phải dùng “thánh chiến” để chống cộng, là đánh giá cộng sản hơi (bị) cao đấy. Cộng sản đã tự huỷ diệt vì những khuyết điểm của chính họ, đâu cần chống họ bằng thánh chiến. Trên thế giới hiện còn bao nhiêu người cộng sản, mà phải chống bằng thánh chiến? Cứ nhìn thái độ khúm núm và lời lẽ xưng tụng của cựu Thủ tướng Cộng sản Việt Nam Phan Văn Khải trước nhà tư bản Mỹ Bill Gates thì rõ. Chỉ cần tiền, không cần thánh chiến để chống những kẻ coi đô la hơn chủ nghĩa Mác. Thật ra, trong hàng ngũ cộng sản cũng có những người tốt. Những người này, tôi coi như bạn. Có cần thánh chiến để cư xử với bạn? Còn những người cộng sản xấu, những kẻ tham nhũng đang đục khoét và làm băng hoại xã hội, người ta trừ chúng như bắt chuột chù, đuổi rắn độc. Có ai cần thánh chiến để đối phó với chuột, với rắn? Đã không cần thánh chiến để chống cộng, tất nhiên cũng không có thứ
“chống cộng thánh chiến”.
Phần cuối bài, để chứng minh Nam Việt Nam lệ thuộc Mỹ, ông Lữ Phương lại trích dẫn “Hồ sơ mật của Ngũ Giác Đài”:
“Không có sự yểm trợ của Hoa Kỳ, Diệm hầu như chắc chắn không thể đứng vững được ở miền Nam (…)
Không có sự hăm doạ can thiệp của Mỹ, Nam Việt Nam không thể nào từ chối hiệp thương tổng tuyển cử 1956 do Hiệp định Genève quy định mà không bị tràn ngập tức khắc bởi quân đội Việt Minh (…)
Không có viện trợ của Hoa Kỳ những năm sau đó, chế độ Diệm không thể nào sống sót được (…)
Nam Việt Nam về bản chất là một sáng tạo của Hoa Kỳ” (The Pentagon Papers, tr. 25).
Tài liệu trên đây, cũng thuộc thế hệ “Mật cháu”, do ký giả Fox Butterfield viết. Ông Lữ Phương đã dịch từ bốn đoạn chót của Chương 1, nói về thời kỳ các Tổng thống Truman và Eisenhower, các năm từ 1945 đến 1960 (Chapter 1. “The Truman and Eisenhower Years: 1945 – 1960”). Ở đây, xin miễn bàn trở lại sự trung thực của ngòi bút Fox Butterfield. Nhưng có chút thắc mắc về sự trung thực của ngòi bút Lữ Phương.
Đoạn thứ ba trên đây, ông Lữ Phương đã dịch từ nguyên văn tiếng Anh: “Without U.S. aid in the years following, the Diem regime certainly, and
an independent South Vietnam almost as certainly, could not have survived...” Tạm dịch cả đoạn này:
“Không có viện trợ Mỹ vào những năm tiếp theo, chắc chắn chế độ Diệm, và hầu như chắc chắn
một miền Nam độc lập đã không thể tồn tại được”.
Như vậy, ngay dưới mắt Fox Butterfield, cũng đã có sự tồn tại của
“một miền Nam độc lập”, dù phải nhờ vào viện trợ Mỹ. Nhưng khi dịch, giống như con chồn không thích quả xanh, ông Lữ Phương đã bỏ mấy chữ này đi. Lịch sử cứt chồn của ký giả Fox, biến thành “cứt chồn sái nhì”!
Sở dĩ Fox Butterfield đề cập tới một miền Nam độc lập, vì trong bản nghiên cứu mật của BQP (Mật cha) viết: “Cho tới tháng Năm 1955, Ngô Đình Diệm đã tỏ ra tự mãn rằng Hoa Kỳ đã can dự đủ vào Nam Việt Nam nên thỉnh thoảng ông ta cũng cưỡng lại áp lực của Mỹ, và ngay cả việc không thèm đếm xỉa tới lời khuyên của Mỹ”.
[8]
Tháng Năm 1955, mới cầm quyền được 10 tháng, ông Diệm đã tỏ ra độc lập đối với Mỹ. Vậy nói rằng ông Diệm chỉ là bù nhìn của Mỹ, là điều không thuyết phục. Ngay trong lời giới thiệu tài liệu mật, Neil Sheehan là người đã mang tài liệu về cho NYT cũng ghi nhận: “Ngay chính các sử gia (đã viết ra tài liệu) cũng không tìm được những câu trả lời dứt khoát cho một số câu hỏi thông dụng nhất về cuộc chiến”. Một trong số đó, là: “Không biết rõ bằng cách nào Ngô Đình Diệm đã từ chốn lưu vong trở về Nam Việt Nam nắm quyền vào năm 1954”. Nếu quả thật Mỹ đưa ông Diệm về, tại sao không có câu trả lời dứt khoát?
Ngoài ra, ngay từ khi mới cầm quyền, cả Pháp lẫn Mỹ đều biết ông Diệm không phải là người bảo sao nghe vậy. Phần cuối điện văn của Đại sứ Mỹ Dillon ở Paris, gửi cho Ngoại trưởng Dulles vào ngày 6 tháng Bảy năm 1954, viết: “Ông ta (Thủ tướng Pháp Mendes France) nói ông ấy cũng biết rằng không phải chuyện dễ để chúng ta nói với Diệm chấp nhận mọi sự. Mendes nói ông ta không muốn yêu cầu chúng ta làm những điều không thể làm, nhưng ông ta hy vọng chúng ta có thể, qua đường lối không chính thức, can ngăn Diệm đừng quá cứng đầu và khó khăn...” (Mật ông).
[9]
Bài đã dài, nói bấy nhiêu chắc cũng đã tạm đủ. Có nói thêm nữa, cũng chẳng làm cho người chết sống lại. Nhưng lịch sử, mỗi khi có cơ hội làm cho sáng tỏ thêm, chẳng bao giờ nên bỏ qua. Quá khứ có sáng sủa, mới biết đường đi vào tương lai. Chiến tranh chấm dứt đã lâu, nhiều cơ hội mới đã mở ra về mọi phía, dù người bên này hay bên kia, dù trong nước hay ngoài nước, không nên tiếp tục nhắm mắt, “sờ lịch sử” như người mù sờ voi. Và nhất là, khi đã cố gắng mở mắt, nên tránh loại “lịch sử cứt chồn”.
© 2006 talawas
[1]The primary question concerning Hanoi's role in the origins of the insurgency is not so much whether it played a role or not--the evidence of direct North Vietnamese participation in subversion against the Government of South Vietnam is now extensive--but when Hanoi intervened in a systematic way [
Pentagon Papers, Volume 1, Chapter 5, "Origins of the Insurgency in South Vietnam, 1954-1960" (Boston: Beacon Press, 1971)] Có thể đọc khoảng hơn 2.000 trang bản nghiên cứu
Tài liệu mật BQP trên Website của Mount Holyoke College, ngành ngoại giao. Muốn đọc “Chapter 5”, bấm vào:
http://www.mtholyoke.edu/acad/intrel/pentagon/pent11.htm[2]In the meantime, the needs and desires of communist rebels in South Vietnam had been communicated directly to Hanoi in the person of Le Duan, who is known to have been in South Vietnam in 1955 and 1956, and to have returned to Hanoi sometime before the fall of 1957. In September of that year, upon Ho's return from Europe, Le Duan surfaced as one of the members of the Lao Dong Politburo; it is possible that he was already at that time de facto the First Secretary of the Lao Dong Party, to which position he was formally promoted in September 1960. In 1955 and 1956, Le Doan, from the testimony of prisoners and captured documents, had been expressing conviction that Diem would stamp out the communist movement in South Vietnam unless the DRV were to reinforce the party there. (Tài liệu đã dẫn)
[3]At the close of the Franco-Viet Minh War in 1954, some 60,000 men were serving in organized Viet Minh units in South Vietnam. For the regroupments to North Vietnam, these units were augmented with large numbers of young recruits; a reported 90,000 armed men were taken to North Vietnam in the regroupment, while the U.S. and the GVN estimated that from 5-10,000 trained men were left behind as “cadre”. (Tài liệu đã dẫn)
[4]Neil Sheehan, “Introduction”,
The Pentagon Papers, Quadrangle Books, 1971.
[5]Bernard Goldberg, “100 people who are screwing up America”, HarperCollins 2005, pp: 296-297.
[6]Crime reporter Fox Butterfield's "Mistreatment of Prisoners Is Called Routine in U.S." uses the events at the Iraq prison of Abu Ghraib as an excuse to serve up some warmed-over, factually thin gruel of liberal anti-prison anecdotes. (
http://www.timeswatch.org/articles/2004/0510.asp#3)
[7]“It should be recognized, however, that whatever his people thought of him, Ngo Dinh Diem really did accomplish miracles (...) Under his leadership South Vietnam became well established as a sovereign state, by 1955 recognized de jure by 36 other nations” (Tài liệu đã dẫn)
[8]“by May 1955, Ngo Dinh Diem had demonstrated to his satisfaction that the U.S. was sufficiently committed to South Vietnam that he could afford on occasion to resist American pressure, and even to ignore American advice” (Tài liệu đã dẫn).
[9]He said he also realized that it would not (repeat not) be easy for us to tell Diem, to accept everything. Mendes said he did not (repeat not) want to ask us to do anything we could not (repeat not) do, but that he hoped we could by unofficial means discourage Diem from being too stubborn and difficult...” Tài liệu #72 , kèm theo bản nghiên cứu mật BQP về Hội nghị Genève, Tập 1, Chương 3. Muốn đọc toàn thể, bấm vào:
http://www.mtholyoke.edu/acad/intrel/pentagon/pent7.htm