F. A. Hayek
I.
Trong tất cả các nước dân chủ, ở Hoa Kì còn hơn ở nơi khác, phổ biến một niềm tin mạnh rằng ảnh hưởng của trí thức lên hoạt động chính trị là không đáng kể. Không nghi ngờ gì điều này là đúng về khả năng của trí thức để làm cho ý kiến riêng nhất thời của họ ảnh hưởng đến các quyết định, về mức độ mà họ có thể gây ảnh hưởng đến bầu cử nhân dân về các vấn đề mà họ khác với quan điểm hiện thời của quần chúng. Nhưng trong các giai đoạn dài hơn một chút, có lẽ chưa bao giờ họ có một ảnh hưởng lớn như họ đang có ngày nay ở các nước đó. Họ nắm được quyền lực này bằng định hướng dư luận.
Dưới ánh sáng của lịch sử mới đây, thì hơi lạ rằng quyền lực quyết định này của những người buôn bán hàng cũ về tư tưởng lại không được nhận ra phổ biến hơn. Diễn tiến chính trị của Thế giới phương Tây trong một trăm năm qua cho minh họa sáng tỏ nhất. Lúc đầu chủ nghĩa xã hội chưa bao giờ và chẳng ở đâu là một phong trào của giai cấp lao động. Nó chẳng hề là một phương thuốc hiển nhiên cho tai họa hiển nhiên mà các lợi ích của giai cấp ấy sẽ nhất thiết đòi hỏi. Nó là một kết cấu của các nhà lí luận, bắt nguồn từ các xu hướng nhất định của tư duy trừu tượng mà từ lâu chỉ các trí thức mới quen thuộc, và cần những nỗ lực dài của các trí thức trước khi các giai cấp lao động được thuyết phục để chấp nhận nó như cương lĩnh của họ.
Trong mỗi nước đã chuyển theo hướng chủ nghĩa xã hội, trước pha phát triển trong đó chủ nghĩa xã hội trở thành một tác động quyết định lên hoạt động chính trị, thì đã có một giai đoạn nhiều năm trong đó các lí tưởng xã hội chủ nghĩa đã chi phối tư duy của các trí thức tích cực hơn. Tại Đức giai đoạn này đã đạt được vào cuối thế kỉ trước, ở Anh và Pháp, vào khoảng thời gian Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Đối với nhà quan sát tình cờ, cứ như là Hoa Kì đã đạt pha này sau Chiến tranh Thế giới lần II và sự hấp dẫn của hệ thống kinh tế kế hoạch hóa và chỉ huy bây giờ là mạnh giữa các trí thức Mĩ như nó đã từng là giữa các đồng nghiệp Đức hay Anh của họ. Kinh nghiệm gợi ý rằng, một khi đã đạt giai đoạn này, chỉ còn là vấn đề thời gian cho đến khi các quan điểm do các trí thức nắm giữ bây giờ trở thành lực chi phối hoạt động chính trị.
Đặc điểm của quá trình, theo đó quan điểm của các trí thức ảnh hưởng đến hoạt động chính trị của ngày mai, vì thế là nhiều hơn sự quan tâm học thuật. Dù chúng ta chỉ muốn nhìn thấy trước hay thử tác động đến diễn tiến của các sự kiện, nó là một nhân tố có tầm quan trọng lớn hơn nhiều so với thường được hiểu. Cái đối với người quan sát đương thời có vẻ như là cuộc đấu tranh của các lợi ích mâu thuẫn nhau, thực ra thường đã được quyết định trước từ lâu trong một cuộc đụng chạm của các tư tưởng được giới hạn ở các giới hẹp. Nhìn chung, tuy vậy, khá ngược đời là chỉ các đảng cánh tả đã làm nhiều nhất để truyền bá niềm tin rằng chính sức mạnh số lượng của các lợi ích vật chất đối ngược nhau là cái quyết định các vấn đề chính trị, trong thực tiễn lại là các đảng đã hành động thường xuyên và thành công cứ như họ hiểu vị trí then chốt của các trí thức. Dù do ý định hay do hoàn cảnh bắt buộc, họ đã luôn luôn hướng nỗ lực chính của mình để tranh thủ được sự ủng hộ của “giới tinh hoa” này, còn các nhóm bảo thủ hơn thì lại đã hành động, cũng đều đặn nhưng không thành công, trên một quan điểm ấu trĩ hơn về dân chủ số đông và thường nỗ lực một cách vô vọng để trực tiếp đạt tới và thuyết phục cử tri cá nhân.
II.
Tuy vậy, thuật ngữ “trí thức” không ngay lập tức truyền đạt bức tranh thật về giai cấp
[1] lớn mà chúng ta nhắc đến, và sự thực rằng chúng ta không có cái tên tốt hơn để mô tả cái chúng ta gọi là những người buôn bán đồ cũ về tư tưởng, không phải là lí do nhỏ nhất vì sao quyền lực của họ lại không được hiểu đúng. Ngay cả các cá nhân, những người dùng từ “trí thức” chủ yếu như một từ lạm dụng, vẫn có thiên hướng giấu nó với nhiều người rõ ràng thực hiện chức năng đặc trưng đó. Đây chẳng phải là cái của nhà tư tưởng độc đáo, cũng không phải của học giả hay chuyên gia về một lĩnh vực tư duy riêng nào. Trí thức điển hình chẳng cần là một trong hai loại đó: anh ta không cần có tri thức đặc biệt về bất cứ gì cá biệt, thậm chí chẳng cần đặc biệt thông minh, để thực hiện vai trò của mình với tư cách người môi giới trong việc truyền bá tư tưởng. Cái làm cho anh ta đủ tư cách thực hiện công việc của mình là dải rộng của các chủ đề mà về chúng anh ta có thể dễ dàng nói và viết, và một vị trí hay các thói quen mà qua đó anh ta quen biết với các tư tưởng mới sớm hơn những người anh ta nói với.
Cho đến khi chúng ta bắt đầu liệt kê tất cả các nghề và các hoạt động thuộc về giai cấp này, thật khó để nhận rõ nó lớn đến thế nào, phạm vi hoạt động liên tục tăng lên thế nào trong xã hội hiện đại, và tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào nó đến thế nào. Giai cấp không chỉ gồm các nhà báo, các nhà giáo, các mục sư, các giảng viên, những người làm quảng cáo, các nhà bình luận radio, các nhà văn hư cấu, những người vẽ tranh biếm họa, và các nghệ sĩ, tất cả những người có thể là các bậc thầy về kĩ thuật truyền đạt các tư tưởng nhưng thường là những người nghiệp dư ở chừng mực liên quan đến thực chất cái mà họ truyền đạt. Giai cấp cũng gồm nhiều nhà chuyên nghiệp và kĩ thuật, như các nhà khoa học và các bác sĩ, những người thông qua giao thiệp quen thuộc của họ với ấn phẩm mà trở thành những người mang các tư tưởng mới bên ngoài lĩnh vực riêng của họ và những người, vì tri thức chuyên gia của họ về các chủ đề riêng của họ, được lắng nghe với sự kính trọng về hầu như mọi thứ khác. Có ít thứ mà ngày nay người thường biết về các sự kiện, trừ thông qua trung gian của giai cấp này; và ngoài các lĩnh vực công tác đặc biệt của mình tất cả chúng ta về khía cạnh này hầu như đều là những người thường, để có thông tin và kiến thức truyền cho của mình chúng ta phụ thuộc vào những người biến nó thành việc làm của họ để theo kịp dư luận. Chính các trí thức theo nghĩa này là những người quyết định quan điểm và dư luận nào đến với chúng ta, các sự thực nào là đủ quan trọng để được nói với chúng ta, và chúng được trình bày ở dạng nào và từ góc cạnh nào. Chúng ta sẽ có bao giờ biết được các kết quả công việc của chuyên gia và nhà tư tưởng ban đầu hay không, chủ yếu phụ thuộc vào quyết định của họ.
Người thường, có lẽ, không ý thức đầy đủ về mức độ mà thậm chí danh tiếng của các nhà khoa học và các học giả được giai cấp ấy tạo ra và không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi quan điểm của nó về các đối tượng chẳng mấy liên quan đến giá trị của các thành tích thực tế. Và đặc biệt quan trọng đối với vấn đề của chúng ta rằng mỗi học giả có lẽ có thể nêu ra nhiều ví dụ từ lĩnh vực của mình về những người đã đạt danh tiếng một cách không xứng đáng như các nhà khoa học lớn chỉ vì họ giữ cái mà các trí thức coi là quan điểm chính trị “tiến bộ”; nhưng tôi còn phải tìm ra một thí dụ duy nhất nơi vì lí do chính trị mà danh tiếng-giả khoa học như vậy được ban cho một học giả có thiên hướng bảo thủ hơn. Việc tạo danh tiếng này bởi các trí thức là đặc biệt quan trọng trong các lĩnh vực nơi những kết nghiên cứu chuyên môn không được các nhà chuyên môn khác sử dụng mà phụ thuộc vào quyết định chính trị của công chúng nói chung. Quả thực về điều này hiếm có minh họa tốt hơn thái độ mà các nhà kinh tế học chuyên nghiệp đã giữ đối với sự phát triển của các học thuyết như chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa bảo hộ. Có lẽ chẳng bao giờ đã có một đa số của các nhà kinh tế học, được những người ngang hàng công nhận như vậy, có thiện chí với chủ nghĩa xã hội (hay, cả với chủ nghĩa bảo hộ cũng thế). Thậm chí rất có thể đúng để nói rằng không có nhóm tương tự nào của các nhà nghiên cứu lại chứa một tỉ lệ cao đến vậy các thành viên của mình dứt khoát chống chủ nghĩa xã hội (hay chủ nghĩa bảo hộ). Điều này còn quan trọng hơn như mới đây hẳn đã là sự quan tâm ban đầu đến sơ đồ xã hội chủ nghĩa cho cải cách đã dẫn người ta chọn kinh tế học làm nghề của mình. Thế nhưng đó không phải là quan điểm nổi trội của các chuyên gia mà là quan điểm của một thiểu số, phần lớn có vị trí khá đáng ngờ trong ngành của mình, lại được các trí thức vớ lấy và truyền bá.
Ảnh hưởng lan tỏa khắp của trí thức trong xã hội đương thời còn được củng cố thêm bởi tầm quan trọng ngày càng tăng của “tổ chức”. Một niềm tin phổ biến, nhưng có lẽ sai lầm, rằng sự gia tăng của tổ chức làm tăng ảnh hưởng của chuyên gia hay nhà chuyên môn. Điều này có thể đúng đối với chuyên gia hành chính và tổ chức, nếu có những người như vậy, nhưng hầu như là không đối với chuyên gia trong bất cứ lĩnh vực tri thức đặc biệt nào. Đúng hơn là quyền lực của người, mà kiến thức chung của người ấy được cho là khiến anh ta đủ tư cách để đánh giá chứng thực chuyên gia và để xét đoán giữa các chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau, được tăng lên. Tuy vậy, điểm quan trọng đối với chúng ta là, học giả người trở thành hiệu trưởng trường đại học, nhà khoa học người chịu trách nhiệm về một viện hay một quỹ, học giả người trở thành một chủ bút hay người đề xướng của một tổ chức phục vụ một mục đích đặc biệt nào đó, tất cả mau chóng không còn là các học giả hay chuyên gia nữa và trở thành các trí thức, chỉ dưới ánh sáng của các tư tưởng chung thời thượng nhất định. Số các tổ chức như vậy, cái sinh ra các trí thức và làm tăng số lượng và quyền lực của họ, tăng lên mỗi ngày. Hầu như tất cả “các chuyên gia” về kĩ thuật làm rõ kiến thức, liên quan tới chủ đề mà họ xử lí, là các trí thức và không phải là các chuyên gia.
Theo nghĩa mà chúng ta sử dụng thuật ngữ, thì các trí thức thực ra là một hiện tượng khá mới của lịch sử. Tuy chẳng ai tiếc rằng giáo dục đã không còn là một đặc ân của giai cấp hữu sản, sự thực rằng giai cấp hữu sản không còn được giáo dục tốt nhất và sự thực rằng số đông người có vị trí của mình chỉ do giáo dục chung của họ và họ không có kinh nghiệm về hoạt động của hệ thống kinh tế mà việc quản lí tài sản cung cấp, là quan trọng để hiểu vai trò của trí thức. Giáo sư Schumpeter, người đã dành một chương rọi sáng của cuốn
Chủ nghĩa tư bản, Chủ nghĩa xã hội, và dân chủ (Capitalism, Socialism, and Democracy) của mình cho một số khía cạnh của vấn đề của chúng ta, đã nhấn mạnh không phải không công bằng rằng, chính sự thiếu trách nhiệm trực tiếp đối với công việc thực hành và do vậy sự thiếu kiến thức trực tiếp về chúng là cái phân biệt trí thức điển hình với những người khác cũng nắm được quyền lực của lời nói và chữ viết. Tuy vậy, sẽ dẫn đi quá xa ở đây để khảo sát thêm sự phát triển của giai cấp này và yêu sách lạ kì được đưa ra gần đây bởi một trong những nhà lí luận của nó, người duy nhất mà quan điểm không bị ảnh hưởng dứt khoát bởi các lợi ích kinh tế riêng của mình. Một trong những điểm quan trọng cần được khảo sát ở một thảo luận như vậy sẽ là sự tăng lên của giai cấp này đã được luật bản quyền kích thích một cách nhân tạo đến mức nào.
[2]
III.
Không ngạc nhiên rằng học giả hay chuyên gia thật và người kinh doanh thực tiễn thường coi khinh trí thức, không thích thừa nhận quyền lực của trí thức, và cảm thấy phẫn nộ khi khám phá ra nó. Về cá nhân họ thấy các trí thức hầu hết là những người chẳng hiểu gì đặc biệt sâu sắc và đánh giá của họ về các vấn đề họ hiểu cho thấy ít dấu hiệu của sự uyên thâm đặc biệt. Nhưng sẽ là sai lầm tai họa đi đánh giá thấp quyền lực của họ vì lí do này. Cho dù kiến thức của họ thường hời hợt và trí thông minh của họ có hạn, điều này không làm thay đổi sự thực rằng chính đánh giá của họ là cái phần lớn quyết định quan điểm mà xã hội sẽ hành động trong tương lai không quá xa. Không cường điệu để nói rằng, một khi phần tích cực hơn của các trí thức đã được cải biến theo một tập các niềm tin, thì quá trình theo đó những cái này trở nên được chấp nhận nói chung là hầu như tự động và không thể cưỡng lại được. Những trí thức này là các cơ quan mà xã hội hiện đại đã phát triển để truyền bá tri thức và tư tưởng, và chính niềm tin chắc chắn và ý kiến của họ là cái hoạt động như chiếc sàng qua đó tất cả các quan niệm mới phải đi qua trước khi chúng có thể đến với quần chúng.
Bản chất công việc của trí thức là anh ta phải dùng hiểu biết và xác tín của riêng mình trong việc hoàn thành nhiệm vụ hàng ngày. Anh ta giữ địa vị của mình bởi vì anh ta có, hoặc hàng ngày phải xử lí, kiến thức mà người chủ của anh ta nói chung không có, và vì thế những người khác chỉ có thể chi phối các hoạt động của anh ta ở mức độ giới hạn. Và chính vì các trí thức hầu hết là những người chân thật, không thể tránh khỏi là họ sẽ theo xác tín của chính mình bất cứ khi nào họ được tự do làm theo ý mình và họ sẽ đưa ra một định kiến tương ứng đối với mọi thứ qua tay họ. Ngay cả ở nơi hướng dẫn chính sách nằm trong tay các nhà doanh nghiệp có quan điểm khác, việc thực hiện chính sách nói chung sẽ nằm trong tay các trí thức, và thường việc quyết định về chi tiết là cái xác định kết quả cuối cùng. Chúng ta thấy điều này được minh họa hầu như trong tất cả các lĩnh vực của xã hội đương thời. Các tờ báo do chủ “tư bản” sở hữu, các đại học do các hội đồng quản trị “phản động” chỉ huy, các hệ thống truyền thông do các chính phủ bảo thủ sở hữu, ai cũng biết tất cả đều tác động đến dư luận theo hướng chủ nghĩa xã hội, bởi vì đấy đã là xác tín của nhân viên. Điều này thường xảy ra không chỉ bất chấp, mà thậm chí có lẽ bởi vì, các nỗ lực của những người ở trên đỉnh muốn kiểm soát dư luận và áp đặt các nguyên tắc chính thống.
Ảnh hưởng của việc lọc các tư tưởng, thông qua các xác tín của một giai cấp mà nó sẵn sàng một cách hợp hiến cho những quan điểm nhất định, chẳng hề hạn chế đối với quần chúng. Ngoài lĩnh vực đặc biệt của mình, chuyên gia nói chung cũng không kém phụ thuộc vào giai cấp này và hầu như không ít bị ảnh hưởng bởi sự lựa chọn của họ. Kết quả của việc này là, ngày nay trong hầu hết các vùng của thế giới phương Tây ngay cả những người chống đối chủ nghĩa xã hội quyết liệt nhất cũng tìm thấy nguồn gốc tri thức của họ từ các nguồn xã hội chủ nghĩa về hầu như mọi chủ đề mà họ không có thông tin trực tiếp. Với nhiều định kiến tổng quát hơn của tư duy xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ của các kiến nghị thực tiễn hơn của họ chẳng hề hiển nhiên ngay lập tức; do hậu quả của điều đó nhiều người tin mình là những kẻ thù kiên quyết của hệ tư tưởng đó thực ra lại trở thành những người truyền bá hữu hiệu các tư tưởng của nó. Ai không biết những người thực tế, trong lĩnh vực riêng của mình thì lên án chủ nghĩa xã hội là “thối nát độc hại” nhưng, khi bước ra khỏi chủ đề của mình, lại tuôn ra chủ nghĩa xã hội như bất cứ nhà báo cánh tả nào?
Trong không lĩnh vực khác nào có ảnh hưởng nổi bật của trí thức xã hội chủ nghĩa mạnh hơn suốt một trăm năm qua bằng trong các mối quan hệ giữa các nền văn minh dân tộc khác nhau. Sẽ vượt xa giới hạn của bài báo này để lần ra dấu vết các nguyên nhân và tầm quan trọng của sự thực rất quan trọng rằng, trong thế giới hiện đại các trí thức cung cấp hầu như cách tiếp cận duy nhất cho một cộng đồng quốc tế. Chính điều này là cái giải thích chủ yếu cho cảnh tượng lạ thường rằng suốt hàng thế hệ cái được phương Tây cho là “tư bản chủ nghĩa” lại đã ủng hộ đạo đức và vật chất hầu như chỉ riêng cho các phong trào ý thức hệ ở các nước phương Đông xa hơn nhắm tới làm xói mòn nền văn minh phương Tây và rằng, đồng thời, thông tin mà công chúng phương Tây nhận được về các sự kiện ở Trung và Đông Âu hầu như không thể tránh khỏi bị một thiên kiến xã hội chủ nghĩa tô vẽ. Nhiều hoạt động “giáo dục” của các lực lượng Mĩ chiếm đóng Đức đã cung cấp các ví dụ rõ ràng và mới đây về xu hướng này.
IV.
Việc hiểu đúng các lí do có xu hướng khiến cho nhiều trí thức đến vậy thiên về chủ nghĩa xã hội vì thế là quan trọng nhất. Điểm đầu tiên ở đây mà những người không chia sẻ định kiến này phải đối mặt một cách thẳng thắn là, chẳng phải các quyền lợi ích kỉ cũng không phải các ý định xấu xa, mà chủ yếu là các xác tín chân thật và ý định tốt là những cái xác định quan điểm của các trí thức. Quả thực, cần phải nhận ra rằng về tổng thể, người trí thức điển hình ngày nay càng có khả năng là một người xã hội chủ nghĩa, nếu anh ta càng được thiện ý và sự thông minh hướng dẫn, và rằng trên bình diện lí lẽ trí óc thuần túy anh ta nói chung sẽ có khả năng chứng tỏ mình giỏi hơn đa số các đối thủ của mình bên trong giai cấp mình. Nếu chúng ta vẫn nghĩ anh ta sai, thì chúng ta phải thừa nhận rằng có thể là sự sai lầm đích thực cái dẫn những người có ý tốt và thông minh, nắm giữ các địa vị then chốt trong xã hội chúng ta đi truyền bá các quan điểm tỏ ra với chúng ta là một mối đe dọa đối với nền văn minh của chúng ta.
[3] Không có gì quan trọng hơn là thử hiểu những nguồn gốc của lỗi lầm này nhằm mục đích để chúng ta có khả năng chống lại nó. Thế mà những người nói chung được coi như các đại diện của trật tự hiện hành và những người tin rằng họ hiểu các mối nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội lại thường còn rất xa sự hiểu biết như vậy. Họ có khuynh hướng coi các trí thức xã hội chủ nghĩa chẳng là gì hơn một lũ mọt sách cấp tiến mà không đánh giá cao ảnh hưởng của họ và, bằng toàn bộ thái độ của mình đối với họ, lại có khuynh hướng đẩy họ thêm vào chống đối trật tự hiện hành.
Nếu chúng ta muốn hiểu định kiến lạ kì này của một bộ phận lớn các trí thức, chúng ta phải rõ về hai điểm. Điểm thứ nhất là, thông thường họ xét đoán tất cả các vấn đề cá biệt chỉ dưới ánh sáng của các ý tưởng chung nào đó; thứ hai là, các lỗi đặc trưng của bất cứ thời đại nào thường xuất phát từ một số chân lí mới đích thực mà nó đã khám phá ra, và chúng là các áp dụng sai lầm của những khái quát hóa mới, mà giá trị của chúng trong các lĩnh vực khác đã được chứng minh. Kết luận, mà sự xem xét đầy đủ các sự thực này sẽ dẫn chúng ta tới, sẽ là, việc bác bỏ hữu hiệu các sai lầm như vậy thường xuyên sẽ đòi hỏi sự tiến bộ trí tuệ thêm nữa, và thường là sự tiến bộ về các điểm rất trừu tượng và có vẻ rất xa các vấn đề thực tế.
Chính có lẽ nét đặc trưng nhất của người trí thức là, anh ta phán xử các ý tưởng mới không phải bằng các giá trị cụ thể của chúng, mà bằng sự sẵn sàng mà chúng khớp với những quan niệm chung của anh ta, với bức tranh về thế giới mà anh ta cho là hiện đại hay tiên tiến. Thông qua ảnh hưởng của chúng lên anh ta và lên sự lựa chọn ý kiến của anh ta về các vấn đề cá biệt mà quyền lực của các tư tưởng đối với cái thiện và cái ác tăng lên theo tỉ lệ với tính tổng quát, tính trừu tượng, và thậm chí tính mơ hồ của chúng. Khi anh ta biết ít về các vấn đề cá biệt, tiêu chuẩn của anh ta phải nhất quán với các quan điểm khác của anh ta và sự thích hợp để kết hợp vào một bức tranh mạch lạc về thế giới. Thế mà sự lựa chọn này từ vô số tư tưởng mới phô bày ra mỗi lúc, tạo ra bầu không khí đặc trưng về quan điểm, tạo ra cái
Weltanschauung (thế giới quan) của một thời kì, cái sẽ thuận lợi cho sự chấp nhận một số quan điểm và không thuận lợi cho các ý kiến khác và cái sẽ làm cho người trí thức sẵn sàng chấp nhận một kết luận và bác bỏ kết luận khác mà không có một sự hiểu thật sự về các vấn đề.
Trong một số khía cạnh trí thức quả thực gần với triết gia hơn là với bấy cứ chuyên gia nào, và giữa các trí thức triết gia là một loại chúa trùm theo hơn một nghĩa. Tuy ảnh hưởng của ông ta là xa công việc thực tế và vì thế chậm hơn và khó lần ra dấu vết hơn ảnh hưởng của trí thức thường, nó cùng loại và về dài hạn thậm chí có tác động mạnh hơn của trí thức thường. Chính cùng nỗ lực tới một sự tổng hợp, được theo đuổi có phương pháp hơn, cùng sự đánh giá về những quan điểm cá biệt ở chừng mực chúng khớp với một hệ thống tư duy chung, hơn là bằng các giá trị cụ thể của chúng, cùng cố gắng vì một thế giới quan nhất quán, là cái tạo cơ sở chính để chấp nhận hay bác bỏ các tư tưởng đối với cả hai. Vì lí do này triết gia có lẽ có một ảnh hưởng mạnh hơn đối với các trí thức so với bất cứ học giả hay nhà khoa học nào khác và, hơn bất cứ ai khác, là người xác định cách mà các trí thức thực hiện chức năng kiểm duyệt của mình. Ảnh hưởng phổ biến của chuyên gia khoa học chỉ bắt đầu kình địch với ảnh hưởng của triết gia khi ông ta không còn là chuyên gia nữa và bắt đầu triết lí như triết gia về sự tiến bộ của chủ đề của mình và thường chỉ sau khi ông ta được các trí thức dìu dắt vì các lí do chẳng liên quan mấy đến sự nổi tiếng khoa học của ông ta.
“Không khí dư luận” của bất cứ thời kì nào, như vậy về cơ bản là một tập các quan niệm trước theo đó trí thức đánh giá tầm quan trọng của các sự thực và ý kiến. Các quan niệm trước này chủ yếu là những áp dụng vào cái mà đối với ông ta có vẻ là các khía cạnh quan trọng nhất của các thành tựu khoa học, một sự chuyển giao cái đặc biệt gây ấn tượng với ông ta trong công việc của các chuyên gia sang các lĩnh vực khác. Ta có thể cho một danh mục dài về các mốt và những lời ám chỉ, mà trong diễn tiến của hai hay ba thế hệ đã lần lượt chế ngự tư duy của các trí thức. Dù đó là “cách tiếp cận lịch sử” hay là lí thuyết tiến hóa, quyết định luận thế kỉ mười chín và niềm tin vào ảnh hưởng áp đảo của môi trường đối lại với di truyền, lí thuyết tương đối hay lòng tin vào sức mạnh của vô thức – mỗi một trong những quan niệm trước này đã được biến thành tiêu chuẩn theo đó những đổi mới ở các lĩnh vực khác được kiểm tra. Dường như các tư tưởng này càng ít cụ thể hay chính xác (hay ít được hiểu), thì ảnh hưởng của chúng có thể càng rộng. Đôi khi chính cái không hơn một ấn tượng mơ hồ, hiếm khi được diễn đạt bằng từ lại là cái có được một ảnh hưởng sâu sắc. Những niềm tin như vậy, như cả ở trong công việc xã hội nữa thì sự điều khiển có cân nhắc hay sự tổ chức có ý thức là luôn luôn ưu việt hơn kết quả của các quá trình tự phát, không do đầu óc con người chỉ huy, hay bất cứ trật tự nào dựa trên một kế hoạch được đưa ra trước hẳn phải tốt hơn trật tự do sự cân bằng của các lực lượng đối chọi nhau tạo ra. Bằng cách này các niềm tin như thế đã tác động sâu sắc đến diễn tiến chính trị.
Vai trò của trí thức chỉ hình như khác ở nơi sự phát triển của các ý tưởng xã hội đúng đắn hơn được quan tâm. Ở đây các thiên hướng lạ kì của họ tự biểu lộ trong tạo ra các nguyên tắc lỗi thời của sự trừu tượng hóa, trong duy lí hóa và đẩy đến cực đoan những hoài bão nào đó nảy sinh từ sự giao tiếp bình thường của con người. Vì dân chủ là một cái tốt, nguyên tắc dân chủ càng có thể được đẩy xa hơn, nó càng có vẻ tốt hơn đối với họ. Ý tưởng mạnh nhất trong các tư tưởng chung này, những cái đã định hình sự phát triển chính trị trong thời gian mới đây, tất nhiên là tư tưởng về bình đẳng vật chất. Nó, một cách đặc trưng, không phải là một trong những xác tín đạo đức phát triển một cách tự phát, được áp dụng đầu tiên trong quan hệ giữa các cá nhân cá biệt, mà là một cấu trúc trí tuệ ban đầu được tưởng tượng theo ý nghĩa trừu tượng và đáng ngờ hay sự áp dụng trong các trường hợp cá biệt. Tuy thế mà, nó đã hoạt động một cách mạnh mẽ như một nguyên tắc chọn lọc giữa các cách chọn lựa khả dĩ của chính sách xã hội, gây một áp lực dai dẳng lên một sự sắp xếp các công việc xã hội mà chẳng ai hình dung ra rõ ràng. Biện pháp cá biệt đó nhằm dẫn đến sự bình đẳng lớn hơn đã được coi là một kiến nghị mạnh đến mức cái khác sẽ ít được cân nhắc đến. Vì trên mỗi vấn đề cá biệt chính một khía cạnh này, khía cạnh mà những người hướng dẫn dư luận có một xác tín rõ ràng, sự bình đẳng đã xác định sự thay đổi xã hội thậm chí còn mạnh hơn những người chủ trương nó dự định.
Tuy nhiên, không chỉ các lí tưởng đạo đức hoạt động theo cách này. Đôi khi thái độ của trí thức đối với các vấn đề của trật tự xã hội có thể là hệ quả của những tiến bộ về tri thức khoa học thuần túy, và trong các trường hợp này mà các quan điểm sai lầm của họ về các vấn đề cá biệt trong một thời gian dường như có thể có tất cả uy tín của các thành tựu khoa học mới nhất đứng đằng sau chúng. Tự nó không ngạc nhiên rằng một sự tiến bộ thật về tri thức theo cách này thỉnh thoảng phải trở thành nguồn của một lỗi lầm mới. Nếu không kết luận sai nào sinh ra từ những khái quát hóa mới, thì chúng sẽ là những chân lí cuối cùng chẳng bao giờ cần xem xét lại. Dù theo lệ thường một khái quát hóa mới như vậy sẽ chỉ chia sẻ các hệ quả sai có thể rút ra từ nó với các quan điểm đã có hiệu lực trước, và như thế không dẫn tới lỗi lầm mới, rất có khả năng là một lí thuyết mới, hệt như giá trị của nó được chứng tỏ bởi những kết luận mới hợp lệ mà nó dẫn tới, sẽ tạo ra những kết luận mới khác mà sự tiến bộ hơn nữa sẽ chỉ ra là đã sai lầm. Song trong trường hợp như vậy một niềm tin sai sẽ xuất hiện với tất cả uy tín của tri thức khoa học mới nhất ủng hộ nó. Dù tất cả chứng cớ khoa học có thể chống lại nó trong lĩnh vực cá biệt mà niềm tin này gắn vào, tuy nhiên trước tòa án của các trí thức và dưới ánh sáng của các tư tưởng chi phối tư duy của họ, nó vẫn được lựa chọn như quan điểm phù hợp nhất với tinh thần thời đại. Các chuyên gia đạt được danh tiếng công khai và ảnh hưởng rộng như vậy lại không phải là người được những người ngang hàng công nhận mà sẽ thường là người bị các chuyên gia khác coi là lập dị, nghiệp dư, thậm chí lừa lọc, nhưng tuy thế dưới con mắt của công chúng nói chung họ trở thành những người tiêu biểu nổi tiếng nhất của chủ đề của họ.
Đặc biệt, không thể có mấy nghi ngờ rằng cách, theo đó trong một trăm năm qua con người đã học để tổ chức các lực tự nhiên, đã đóng góp rất nhiều vào việc tạo ra niềm tin rằng một sự kiểm soát tương tự các lực xã hội sẽ mang lại những cải thiện có thể so sánh được về thân phận con người. Rằng, với sự áp dụng những kĩ thuật kĩ sư, chiều hướng của mọi dạng hoạt động của con người theo một kế hoạch chặt chẽ phải tỏ ra thành công trong xã hội như nó đã thành công trong vô vàn nhiệm vụ kĩ thuật, là một kết luận có vẻ quá hợp lí để không quyến rũ hầu hết những người phấn chấn bởi thành tựu của các khoa học tự nhiên. Quả thực phải thừa nhận cả hai rằng, cần đến những lí lẽ mạnh mẽ để chống lại giả định ủng hộ một kết luận như vậy và các lí lẽ này vẫn chưa được bày tỏ một cách thỏa đáng. Là không đủ đi chỉ ra những thiếu sót của các đề xuất cá biệt dựa trên loại lập luận này. Lí lẽ không mất đi sức mạnh của nó cho đến khi được chứng tỏ một cách thuyết phục vì sao cái đã tỏ ra thành công xuất chúng đến vậy để tạo ra những tiến bộ trong nhiều lĩnh vực đến vậy vẫn có những giới hạn đối với tính hữu ích của nó và trở nên cực kì tai hại nếu được mở rộng quá các giới hạn này. Đây là một nhiệm vụ vẫn chưa được thi hành đầy đủ và sẽ vẫn phải được thực hiện trước khi xung lực cá biệt này tới chủ nghĩa xã hội có thể được loại bỏ.
Tất nhiên, đây chỉ là một trong nhiều trường hợp, nơi cần đến sự tiến bộ trí tuệ thêm nếu các tư tưởng có hại trong trào lưu hiện thời phải được bác bỏ và tiến trình mà chúng ta sẽ đi cuối cùng sẽ được quyết định bởi việc thảo luận về những vấn đề rất trừu tượng. Là không đủ cho nhà kinh doanh chắc chắn, từ hiểu biết sâu sắc của anh ta về một lĩnh vực cá biệt, rằng các lí thuyết về chủ nghĩa xã hội được dẫn ra từ những tư tưởng tổng quát hơn sẽ tỏ ra là không thể thực hiện được. Anh ta có thể hoàn toàn đúng, thế nhưng sự chống cự của anh ta sẽ bị lấn át và tất cả những hệ quả đáng tiếc mà anh ta đoán trước sẽ xảy đến nếu anh ta không được ủng hộ bởi một sự bác bỏ hữu hiệu
các ý tưởng chủ đạo (
idees meres). Chừng nào mà người trí thức thắng lí lẽ chung, những sự chống đối có hiệu quả nhất của vấn đề cụ thể sẽ được bỏ qua.
V.
Tuy nhiên, đây không phải là toàn bộ câu chuyện. Các lực, tác động tới sự tuyển mộ vào hàng ngũ trí thức, hoạt động theo cùng chiều và giúp giải thích vì sao nhiều đến vậy người tài giỏi nhất trong số họ lại thiên về chủ nghĩa xã hội. Tất nhiên cũng có nhiều sự khác biệt ý kiến giữa các trí thức như giữa các nhóm người khác; nhưng có vẻ đúng rằng nhìn tổng quát những người tích cực, thông minh, và độc đáo hơn giữa các trí thức là những người thiên về chủ nghĩa xã hội thường xuyên nhất, trong khi những địch thủ của nó thường có năng lực thấp kém hơn. Điều này đúng đặc biệt trong các giai đoạn ban đầu của sự thâm nhập các ý tưởng xã hội chủ nghĩa; muộn hơn, dù bên ngoài giới trí thức vẫn có thể là một hành động dũng cảm để bày tỏ những niềm tin xã hội chủ nghĩa, áp lực dư luận giữa các trí thức để ủng hộ chủ nghĩa xã hội thường mạnh đến mức một người cần nhiều sức mạnh và tính độc lập hơn để chống lại nó hơn là gia nhập vào cái mà các bạn hữu của anh ta coi là các quan điểm hiện đại. Thí dụ, chẳng ai, người quen biết với số đông cán bộ giảng dạy đại học (và từ quan điểm này đa số các giáo viên đại học có lẽ phải được phân loại là các trí thức hơn là các chuyên gia), lại có thể quên sự thực rằng ngày nay các giáo viên tài giỏi nhất và thành công nhất có khả năng nhiều hơn là những người xã hội chủ nghĩa hơn là không phải, trong khi những người giữ quan điểm chính trị bảo thủ hơn thường là những người xoàng xĩnh. Điều này bản thân nó là một nhân tố quan trọng dẫn thế hệ trẻ hơn vào phe xã hội chủ nghĩa.
Người theo xã hội chủ nghĩa, tất nhiên, nhìn điều này chỉ như một chứng minh rằng ngày nay người thông minh hơn nhất định trở thành một người xã hội chủ nghĩa. Nhưng đây còn xa mới là sự giải thích cần thiết hay thậm chí có khả năng nhất. Lí do chính của tình hình này có lẽ là, đối với người có tài khác thường chấp nhận trật tự xã hội hiện thời, thì có vô số con đường khác mở ra để có uy thế và quyền lực, trong khi đối với người bất bình và bất mãn thì một sự nghiệp trí thức là con đường hứa hẹn nhất đến uy thế và quyền lực để góp phần đạt được các lí tưởng của mình. Thậm chí còn nhiều hơn thế: người có tài năng hàng đầu có thiên hướng bảo thủ hơn nói chung sẽ chọn công việc trí óc (và hi sinh phần thưởng vật chất mà sự lựa chọn này thường đòi hỏi) chỉ nếu anh ta thích thú nó vì chính nó. Hệ quả là anh ta chắc có khả năng nhiều hơn để trở thành một học giả chuyên sâu hơn là một trí thức theo nghĩa cụ thể của từ; trong khi đối với người có đầu óc cấp tiến hơn thì nghề trí thức thường là một phương tiện hơn là một mục đích, một con đường đến chính xác cái loại ảnh hưởng rộng lớn mà nhà trí thức chuyên nghiệp thực hiện. Chính vì thế có lẽ sự thực, không phải là những người thông minh hơn thì nói chung là những người theo chủ nghĩa xã hội, mà là có một tỉ lệ rất cao những người theo chủ nghĩa xã hội trong số những bộ óc tài giỏi nhất hiến dâng mình cho sự nghiệp đeo đuổi làm cho họ có ảnh hưởng quyết định đến công luận trong xã hội hiện đại.
[4]
Sự tuyển lựa nhân sự trí thức cũng gắn mật thiết với sự quan tâm nổi bật mà họ chứng tỏ về các ý tưởng chung và trừu tượng. Những suy đoán về khả năng xây dựng lại toàn bộ xã hội cho người trí thức một thức ăn hợp khẩu vị anh ta hơn nhiều so với những cân nhắc thực tiễn hơn và ngắn hạn của những người hướng tới một sự cải thiện từng phần của trật tự hiện tồn. Đặc biệt, tư tưởng xã hội chủ nghĩa có được sự quyến rũ đối với thanh niên chủ yếu là vì đặc tính huyền ảo của nó, về khía cạnh này chính cái dũng khí để theo đuổi tư duy Không tưởng là một nguồn sức mạnh đối với những người xã hội chủ nghĩa mà chủ nghĩa tự do truyền thống lại thiếu một cách đáng buồn. Sự khác biệt này có lợi cho chủ nghĩa xã hội, không chỉ bởi vì sự suy đoán về các nguyên lí chung tạo một cơ hội cho sự đùa giỡn của trí tưởng tượng của những người không bị nhiều hiểu biết về các sự thực của cuộc sống hiện tại làm vướng víu, mà cũng bởi vì nó thỏa mãn một sự khát khao chính đáng để hiểu về cơ sở duy lí của bất kể trật tự xã hội nào và tạo cơ hội cho việc thực hiện ham muốn mạnh mẽ mang tính xây dựng đó mà chủ nghĩa tự do, sau khi đã có những chiến thắng lớn, lại chỉ để lại ít cách thỏa mãn. Người trí thức, do toàn bộ thiên hướng của mình, không quan tâm đến những chi tiết kĩ thuật hay những khó khăn thực tiễn. Cái hấp dẫn anh ta là tầm nhìn rộng, là sự nhận thức rộng về trật tự xã hội như cái toàn thể mà một hệ thống có kế hoạch hứa hẹn.
Sự thực này, rằng những suy đoán của những người xã hội chủ nghĩa thỏa mãn tốt hơn các sở thích của trí thức, tỏ ra là tai họa đối với ảnh hưởng của truyền thống tự do. Một khi những đòi hỏi cơ bản của các cương lĩnh tự do dường như được thỏa mãn, thì các nhà tư tưởng tự do lại quay sang các vấn đề chi tiết và thường sao nhãng việc phát triển triết lí chung của chủ nghĩa tự do, hệ quả là triết lí đó thôi không còn là một vấn đề sống động tạo cơ hội cho suy đoán chung. Như thế trong khoảng nửa thế kỉ đã chỉ có những người xã hội chủ nghĩa là những người đưa ra bất cứ thứ gì giống một cương lĩnh tường minh về phát triển xã hội, một bức tranh về xã hội tương lai mà họ hướng tới, và một tập các nguyên lí chung để hướng dẫn các quyết định về các vấn đề cá biệt. Cho dù, nếu tôi đúng, các lí tưởng của họ bị những mâu thuẫn cố hữu, và bất cứ mưu toan nào đưa chúng vào thực tiễn hẳn phải tạo ra cái gì đó dứt khoát khác cái họ kì vọng, điều này không làm thay đổi sự thực rằng cương lĩnh của họ cho sự biến đổi là cương lĩnh duy nhất thực sự đã ảnh hưởng đến sự phát triển của các thể chế xã hội. Chính bởi vì cương lĩnh của họ đã trở thành triết lí chung duy nhất về chính sách xã hội do một nhóm lớn nắm giữ, là hệ thống hay học thuyết duy nhất nêu ra các vấn đề mới và mở ra những chân trời mới, mà họ đã thành công trong kích thích trí tưởng tượng của các trí thức.
Sự phát triển thực tế của xã hội trong giai đoạn này được xác định, không phải bởi một cuộc đấu tranh của các lí tưởng đối lập nhau, mà bởi sự tương phản giữa tình hình hiện tồn và một lí tưởng về một xã hội tương lai khả dĩ mà chỉ riêng những người xã hội chủ nghĩa đưa ra trước công chúng. Đã chỉ có rất ít cương lĩnh khác cung cấp các lựa chọn khả dĩ khác đích thực. Đa số chúng chỉ là những thỏa hiệp hay các quán trọ nửa đường giữa các loại cực đoan hơn của chủ nghĩa xã hội và trật tự hiện tồn. Tất cả những thứ cần để khiến hầu như bất cứ đề xuất xã hội chủ nghĩa nào tỏ ra có lí đối với những đầu óc “sáng suốt” này, những người được thuyết phục một cách hợp hiến rằng chân lí luôn phải nằm đâu đó giữa các thái cực, đã để cho ai đó đi chủ trương một đề xuất còn cực đoan hơn. Dường như chỉ tồn tại một hướng mà chúng ta có thể di chuyển, và câu hỏi duy nhất dường như là chúng ta phải di chuyển nhanh thế nào và xa đến đâu.
VI.
Tầm quan trọng của sự quyến rũ đặc biệt đối với trí thức mà chủ nghĩa xã hội có được từ đặc tính suy đoán của nó sẽ trở nên rõ ràng hơn nếu chúng ta đối sánh thêm lập trường của một nhà lí luận xã hội chủ nghĩa với lập trường của nhà lí luận tự do theo nghĩa cũ của từ. Sự so sánh này cũng sẽ dẫn chúng ta đến bất cứ bài học nào chúng ta có thể rút ra từ một sự đánh giá thỏa đáng về các lực trí óc làm xói mòn những nền tảng của một xã hội tự do.
Khá nghịch lí, một trong những bất lợi chủ yếu tước mất ảnh hưởng phổ biến của nhà tư tưởng tự do gắn mật thiết với sự thực rằng, cho đến khi chủ nghĩa xã hội thực sự đến, anh ta đã có nhiều cơ hội hơn để ảnh hưởng trực tiếp đến các quyết định về chính sách hiện thời và vì thế anh ta không chỉ đã không bị cám dỗ vào việc suy đoán dài hạn, cái là sức mạnh của những người xã hội chủ nghĩa, mà anh ta thực sự lại chán nản làm việc đó bởi vì bất cứ nỗ lực nào thuộc loại này chắc sẽ làm giảm điều tốt trước mắt mà anh ta có thể làm. Bất cứ quyền lực nào anh ta có để ảnh hưởng đến các quyết định thực tiễn anh ta có được nhờ thế đứng của anh ta với các đại diện của trật tự hiện hành, và anh ta sẽ làm nguy hại thế đứng này nếu anh ta hiến dâng cho loại suy đoán quyến rũ đối với các trí thức và qua họ có thể ảnh hưởng đến những sự phát triển trong các giai đoạn dài hơn. Để có ảnh hưởng tới những người quyền thế, anh ta phải “thực dụng”, “biết điều”, và “thực tế”. Chừng nào anh ta dính líu đến các vấn đề trực tiếp, anh ta được thưởng bằng ảnh hưởng, thành công vật chất, và sự nổi tiếng với những người chia sẻ quan điểm chung của anh ta đến một điểm nào đó. Nhưng những người này có ít sự kính trọng đối với những suy đoán về các nguyên lí chung định hình bầu không khí trí thức. Quả thực, nếu anh ta nghiêm túc theo đuổi sự suy đoán dài hạn như vậy, anh ta dễ bị mang tiếng là “không lành mạnh” hay thậm chí là nửa xã hội chủ nghĩa, bởi vì anh ta không muốn đồng nhất trật tự hiện hành với hệ thống tự do mà anh ta hướng tới.
[5]
Nếu, bất chấp điều này, các nỗ lực của anh ta vẫn tiếp tục theo hướng suy đoán chung, anh ta mau chóng phát hiện ra rằng là không an toàn đi kết giao quá mật thiết với những người có vẻ chia sẻ hầu hết các xác tín của mình, và anh ta mau chóng bị cô lập. Thực ra hiện nay có thể có thêm vài nhiệm vụ bạc bẽo so với nhiệm vụ cốt yếu về phát triển nền tảng triết lí mà trên đó một xã hội tự do phải dựa vào. Vì người gánh vác nhiện vụ ấy phải chấp nhận phần lớn khung khổ của trật tự hiện tồn, anh ta sẽ xuất hiện đối với nhiều trong số những trí thức có đầu óc suy đoán hơn chỉ như một người biện hộ nhút nhát của những sự vật như chúng là; đồng thời anh ta sẽ bị dân kinh doanh sa thải như một nhà lí luận không thực tế. Anh ta không đủ cấp tiến đối với những người biết chỉ thế giới nơi “dễ dàng cùng nhau bàn dài dòng về các ý tưởng” (“with ease together dwell the thoughts”) và quá cấp tiến đối với những người thấy chỉ sao “khó trong chỗ cùng nhau va chạm các thứ” (see only how “hard in space together clash the things”). Nếu anh ta lợi dụng sự ủng hộ như vậy như anh ta có thể có được từ những người kinh doanh, anh ta hầu như sẽ chắc chắn mất tín nhiệm với những người mà anh ta phụ thuộc vào để truyền bá các ý tưởng của mình. Đồng thời anh ta sẽ cần phải thận trọng nhất để tránh bất cứ thứ gì giống như sự ngông cuồng hay cường điệu. Trong khi không nhà lí luận xã hội chủ nghĩa nào được biết là đã làm mất tín nhiệm của mình với các bạn hữu ngay cả bằng những đề xuất ngu ngốc nhất, người theo chủ nghĩa tự do theo cách cũ sẽ tự nguyền rủa mình bằng một gợi ý không thể thực hiện được. Thế mà đối với các trí thức anh ta vẫn không là đủ tư biện hay đủ phiêu lưu, và những thay đổi và cải thiện trong cấu trúc xã hội mà anh ta sẽ phải đề nghị sẽ có vẻ bị hạn chế so với cái mà trí tưởng tượng ít bị cản trở hơn của họ hình dung ra.
Chí ít ở một xã hội trong đó những điều kiện cần thiết chủ yếu của quyền tự do đã có được rồi và những cải thiện thêm phải quan tâm đến những điểm so sánh chi tiết, cương lĩnh tự do có thể chẳng có sức mê hoặc nào của một phát minh mới. Sự đánh giá cao những cải thiện mà nó phải mang lại cần nhiều hiểu biết về hoạt động của xã hội hiện tồn hơn kiến thức mà trí thức trung bình có được. Việc thảo luận những cải thiện này phải được tiến hành ở một mức thiết thực hơn mức của các cương lĩnh cách mạng hơn, như thế mang lại một hình thái ít quyến rũ đối với trí thức và có khuynh hướng đưa vào các yếu tố cho người mà anh ta cảm thấy đối lập trực tiếp. Những người quen thuộc nhất với hoạt động của xã hội hiện thời cũng thường quan tâm đến sự duy trì các đặc tính cá biệt của xã hội đó, những cái có lẽ không thể biện hộ được theo các nguyên lí chung. Không giống như người đi tìm một trật tự tương lai hoàn toàn mới và quay sang nhà lí luận một cách tự nhiên nhờ chỉ dẫn, những người tin vào trật tự hiện tồn cũng thường nghĩ rằng họ hiểu nó tốt hơn bất cứ nhà lí luận nào và vì thế chắc sẽ loại bỏ bất cứ cái gì xa lạ và lí thuyết.
Sự khó khăn để tìm sự ủng hộ chân thật và vô tư cho một chính sách có hệ thống đối với quyền tự do là không mới. Trong một đoạn mà sự tiếp đón một cuốn sách mới đây của tôi thường nhắc nhở tôi, Lord Acton từ rất lâu đã mô tả như:
“Những người bạn chân thành của tự do luôn luôn hiếm, và những thắng lợi của nó là do các thiểu số, đã thắng thế bằng kết hợp mình với các phụ tá mà mục tiêu của họ khác với của riêng mình; và sự liên kết luôn luôn nguy hiểm này đôi khi đã tai hại, do mang lại lí do đối lập chính đáng cho các địch thủ...”
[6]
Mới đây, một trong những nhà kinh tế học Mĩ tài ba nhất đang còn sống đã than phiền một cách vô vọng tương tự rằng nhiệm vụ chính của những người tin vào các nguyên lí cơ bản của hệ thống tư bản chủ nghĩa là thường xuyên phải bảo vệ hệ thống này chống lại các nhà tư bản – thực ra các nhà kinh tế học theo chủ nghĩa tự do vĩ đại, từ Adam Smith đến nay, đã luôn luôn biết điều này.
Cản trở nghiêm trọng nhất, tách những người thực hành thực tâm với sự nghiệp tự do khỏi các lực lượng quyết định tiến trình phát triển trong lĩnh vực tư tưởng, là sự ngờ vực sâu sắc của họ đối với suy đoán lí thuyết và khuynh hướng của họ tới tính chính thống; điều này, hơn bất cứ thứ gì khác, tạo ra một rào cản hầu như không thể vượt qua nổi giữa họ và các trí thức, những người hiến dâng cho cùng sự nghiệp và sự giúp đỡ của họ là không thể thiếu được nếu muốn sự nghiệp chiến thắng. Mặc dù khuynh hướng này có lẽ là tự nhiên giữa những người bảo vệ một hệ thống bởi vì nó đã tự biện minh trong thực tiễn, và đối với những người ấy sự biện minh trí tuệ dường như là không quan trọng, lại là tai họa cho sự sống còn của nó bởi vì nó tước mất sự ủng hộ mà nó cần nhất. Tính chính thống thuộc bất cứ loại nào, bất cứ đòi hỏi nào rằng một hệ thống tư tưởng là cuối cùng và phải được chấp nhận như một tổng thể một cách mù quáng, là một quan niệm nhất thiết đối địch với tất cả các trí thức, bất kể quan điểm của họ về các vấn đề cá biệt là thế nào. Bất cứ hệ thống nào đánh giá con người theo sự tuân thủ trọn vẹn của họ đối với một tập hợp các tư tưởng cố định, theo “sự lành mạnh” của họ hay mức mà họ có thể dựa vào để giữ quan điểm về tất cả các điểm, là hệ thống tự tước đoạt một sự ủng hộ mà thiếu nó thì chẳng tập hợp tư tưởng nào có thể duy trì được ảnh hưởng của mình trong xã hội hiện đại. Khả năng để phê phán các quan điểm đã được chấp nhận, để khai phá các triển vọng mới và để trải nghiệm với những quan niệm mới, tạo bầu không khí mà thiếu nó thì trí thức không thể hít thở. Một sự nghiệp không đưa ra cơ hội nào cho các đặc điểm này không thể có sự ủng hộ nào từ anh ta và vì thế bị diệt vong trong bất cứ xã hội nào dựa vào các dịch vụ của anh ta, như xã hội chúng ta.
VII.
Có thể là với tư cách một xã hội tự do như chúng ta biết, nó mang trong mình các lực tự hủy hoại bản thân nó, rằng một khi đã đạt được quyền tự do nó được coi là dĩ nhiên và thôi không còn được coi trọng, và rằng sự phát triển tự do của các tư tưởng, điều là cốt yếu của một xã hội tự do, sẽ gây ra sự hủy hoại các nền tảng mà nó phụ thuộc vào. Không có mấy nghi ngờ rằng trong các nước như Hoa Kì, lí tưởng về quyền tự do ngày nay có ít sức hấp dẫn thực tế đối với thanh niên so với nó có ở các nước nơi họ đã học được sự mất nó có nghĩa là gì. Mặt khác, có mọi đấu hiệu rằng ở Đức và ở nơi khác, nơi thanh niên chưa bao giờ biết một xã hội tự do, nhiệm vụ xây dựng một xã hội tự do có thể trở nên lí thú và quyến rũ như bất cứ sơ đồ xã hội chủ nghĩa nào đã xuất hiện trong một trăm năm vừa qua. Một sự thực khác thường, dù là sự thực mà nhiều du khách đã trải nghiệm, rằng nói chuyện với các sinh viên Đức về các nguyên lí của một xã hội tự do ta thấy một cử tọa đáp ứng nhanh nhạy hơn và thậm chí nhiệt tình hơn ta có thể hi vọng thấy ở bất cứ nền dân chủ phương Tây nào. Tại Anh quốc cũng đã xuất hiện trong thanh niên một mối quan tâm mới về các nguyên lí của một chủ nghĩa tự do thật sự, điều chắc chắn đã không tồn tại vài năm trước.
Phải chăng điều này có nghĩa rằng tự do chỉ được coi trọng khi nó bị mất, rằng ở mọi nơi thế giới phải đi qua một pha tăm tối của chủ nghĩa toàn trị xã hội chủ nghĩa trước khi các lực lượng tự do có thể lại lấy lại được sức mạnh? Có thể thế, nhưng tôi hi vọng không cần vậy. Thế nhưng, chừng nào trong các giai đoạn dài hơn những người xác định công luận vẫn tiếp tục bị lôi cuốn bởi các lí tưởng của chủ nghĩa xã hội, thì chiều hướng sẽ tiếp tục. Nếu chúng ta muốn tránh một sự tiến triển như vậy, chúng ta phải có khả năng đưa ra một cương lĩnh tự do mới quyến rũ trí tưởng tượng. Chúng ta phải làm cho việc xây dựng một xã hội tự do lại một lần nữa là một cuộc mạo hiểm trí óc, một hành động dũng cảm. Cái chúng ta thiếu là một sự Không tưởng tự do, một cương lĩnh dường như chẳng là một sự bảo vệ thuần túy các thứ như chúng là, cũng chẳng là một loại pha loãng của chủ nghĩa xã hội, mà là một chủ nghĩa cấp tiến tự do thật sự không tha thứ cho tính dễ tự ái của kẻ hùng mạnh (kể cả các công đoàn), không quá thực tiễn một cách khắt khe, và không giới hạn mình ở cái ngày nay tỏ ra là khả dĩ về mặt chính trị. Chúng ta cần các lãnh tụ trí thức những người sẵn sàng làm việc cho một lí tưởng, dẫu triển vọng thực hiện sớm của nó có nhỏ đến thế nào. Họ phải là những người sẵn sàng giữ các nguyên tắc và đấu tranh vì sự thực hiện đầy đủ của chúng, dẫu xa đến đâu. Họ phải để những nhượng bộ thực tiễn cho các chính trị gia. Thương mại tự do và quyền tự do về cơ hội là các lí tưởng vẫn có thể gợi trí tưởng tượng của đông người, nhưng một sự “tự do thương mại vừa phải” thuần túy hay một “sự nới lỏng kiểm soát” thuần túy là không đáng trọng về mặt trí tuệ cũng chẳng chắc sẽ gây cảm hứng cho bất cứ sự nhiệt tình nào.
Bài học chủ yếu mà người theo chủ nghĩa tự do thật sự phải học từ thành công của những người xã hội chủ nghĩa là, chính sự dũng cảm của họ để là người Không tưởng đã khiến họ có được sự ủng hộ của các trí thức và vì thế có được một ảnh hưởng lên công luận cái hàng ngày làm cho cái chỉ mới đây có vẻ hoàn toàn xa vời là có thể. Những người chỉ quan tâm đến cái có vẻ thực tiễn trong tình trạng dư luận hiện hành thường xuyên thấy rằng ngay cả điều này đã mau chóng trở thành không thể về mặt chính trị như kết quả của những thay đổi về công luận mà họ đã chẳng làm gì để hướng dẫn. Trừ khi chúng ta có thể làm cho những nền tảng triết lí của một xã hội tự do lại trở thành một vấn đề trí tuệ sống động, và việc thực hiện nó thành một nhiệm vụ thách thức tài khéo léo và trí tưởng tượng của những đầu óc sinh động nhất của chúng ta, thì triển vọng của tự do quả thực đen tối. Nhưng nếu chúng ta có thể lấy lại niềm tin vào sức mạnh của các tư tưởng cái đã là dấu hiệu của chủ nghĩa tự do ở đỉnh điểm của nó, cuộc chiến chưa bị thua. Sự phục hưng trí thức của chủ nghĩa tự do đang trên đường ở nhiều phần của thế giới rồi. Sẽ còn kịp không?
Bản tiếng Việt © 2006 talawas
[1]Thường người ta chỉ coi trí thức như một tầng lớp, trong bài này chúng tôi dùng giai cấp để dịch từ class trong cả trường hợp giai cấp lao động lẫn trí thức. N.D.
[2]Thật lí thú đi khám phá tới chừng mức nào một quan điểm phê phán nghiêm túc về lợi ích của luật bản quyền đối với xã hội, hay sự diễn đạt những nghi ngờ về lợi ích chung trong sự tồn tại của một giai cấp sống bằng việc viết sách, có thể có cơ hội để được phát biểu một cách công khai trong một xã hội nơi các kênh diễn đạt bị kiểm soát mạnh đến vậy bởi những người có đặc lợi trong tình trạng hiện hành.
[3]Chính vì thế (như đã được một nhà phê bình cuốn
Con đường tới chế độ nông nô, giáo sư J. Schumpeter, gợi ý), không phải là “sự lễ độ đối với một sai lầm” mà là xác tín sâu sắc về tầm quan trọng của điều này đã dẫn tôi, theo lời giáo sư Schumpeter, “hầu như không bao giờ quy cho các đối thủ bất cứ gì ngoài lỗi lầm trí óc”.
[4]Liên quan đến việc này là một hiện tượng quen thuộc khác: có ít lí do để tin rằng tài năng trí tuệ hàng đầu thực sự đối với công trình độc đáo là tuyệt nhiên không hiếm hơn giữa những người không phải Do Thái so với giữa những người Do Thái. Thế mà không có mấy nghi ngờ rằng những người thuộc dòng dõi Do Thái ở hầu như tất cả mọi nơi tạo thành một số lớn không cân xứng của các trí thức theo nghĩa của chúng ta, theo nghĩa là đội ngũ của các diễn dịch chuyên nghiệp về tư tưởng. Đây có thể là năng khiếu đặc biệt của họ và chắc chắn là cơ hội chủ yếu của họ ở những nước nơi định kiến tạo ra những rào cản trên con đường của họ đến các lĩnh vực khác. Có lẽ còn có khả năng hơn bởi vì họ chiếm một tỉ lệ lớn đến vậy của các trí thức so với bất kể lí do nào khác rằng họ có vẻ dễ tiếp thu các tư tưởng xã hội chủ nghĩa hơn nhiều người thuộc dòng dõi khác.
[5]Thí dụ rành rành nhất mới đây về sự lên án như vậy đối với một công trình tự do hơi không chính thống bị coi như “xã hội chủ nghĩa” là một số bình luận về
Chính sách kinh tế cho một xã hội tự do [Economic Policy for a Free Society] (1948) của Henry Simons đã quá cố. Người ta không cần phải đồng ý với tất cả công trình này và thậm chí có thể coi một số gợi ý trong đó là không tương thích với một xã hội tự do, thế nhưng công nhận nó như một trong những đóng góp quan trọng nhất được đưa ra mới đây cho vấn đề của chúng ta và như đúng loại công trình cần phải bắt đầu được thảo luận về những vấn đề cơ bản. Ngay cả những người kịch liệt không đồng ý với một số gợi ý của nó phải hoan nghênh nó như một đóng góp nêu ra các vấn đề trung tâm của thời đại chúng ta một cách rõ ràng và dũng cảm.
[6]Acton,
The History of Freedom, I (1922).