trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtBàn tròn "Mĩ thuật đương đại Việt Nam đang ở đâu"
11.11.2002
Mai Chi, Lê Hải, Natalia Kraevskaia
Bàn tròn Talawas "Mỹ thuật Việt Nam đang ở đâu?"
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33 
 
Mai Chi:

Cám ơn anh Văn Sáng đã tham gia. Vấn đề công chúng mỹ thuật cũng đã được chị Nora nhắc tới. Rõ ràng việc thiếu vắng một công chúng có trình độ là một trong những vấn đề lớn nhất đối với các nghệ sĩ Việt Nam (ở Hà Nội, một nhạc sĩ Jazz chơi ở đâu bây giờ, ngoài ở Minh's Club?). Tuy nhiên, ta có thể nhìn vấn đề dưới một góc độ khác: các nghệ sĩ cũng cần phải có những nỗ lực nghiêm túc để xâm chiếm khoảng không công cộng, cọ sát với thực tại, và chủ động đi tìm đối thoại với xã hội. Ví dụ: ngay từ năm 1992, tại Trung Quốc, dự án "Raising Red" của Di Naizhang (10000 chiếc ô đỏ được căng tại những địa điểm công cộng của 10 thành phố) đã gây ra những tranh cãi gay gắt. Mặc dù có nhiều ý kiến khen chê khác nhau, nhưng với 5 triệu người trực tiếp tiếp xúc với tác phẩm và hàng trăm bài trên các phương tiện truyền thông, rõ ràng dự án này đã thành công trong việc đưa mỹ thuật vào trong xã hội. Tại Việt Nam, chúng ta có những nỗ lực này không?

Chị Veronika có bàn đến vai trò của cá nhân. Đây là một điểm quan trọng, chúng ta biết rằng một cá nhân hay một nhóm có thể có dấu ấn và ảnh hưởng sâu sắc tới cả một thế hệ hay nền nghệ thuật. Hiện nay, ai là những người có ảnh hưởng này? Nguyễn Hatsushiba? Khác với Minh Hà, anh đã triển lãm nhiều lần ở Việt Nam. Người ta tiếp nhận dự án "Memorial Project Nha Trang, towards the Complex - for the Courageous, the Curious and the Cowards" của anh như thế nào? Chị Veronika cũng nhắc tới Nguyễn Minh Thành, chị có thể cho biết thêm đánh giá của chị về vai trò của anh không?

Trong quá trình thảo luận, chúng ta đã nhiều lần nói tới những "người nước ngoài" làm việc tại Việt Nam hoặc với Việt Nam. Vai trò của họ trong quá trình phát triển hiện nay của mỹ thuật Việt Nam là gì? Liệu giám đốc của triển lãm mỹ thuật toàn quốc lần tới có thể là một người Ba Lan? Liệu người phụ trách lựa chọn các nghệ sĩ Việt Nam tham dự một triển lãm của ASEAN có thể là người Ý? Hay là người nước ngoài không thể hiểu được Việt Nam và hiện thực của nó, không nắm được điều nó cần (ví dụ Nam Hoa Kinh của anh Huy). Anh Kaomi hoài nghi khả năng phát hiện của các curator nước ngoài, anh có thể chia sẻ thêm suy nghĩ của mình?
Tôi ý thức rằng đây là một vấn đề tế nhị trên bàn tròn, nhưng tôi cho rằng tất cả chúng ta, người trong nước cũng như nước ngoài, đều dày dạn nghề nghiệp để bàn tới vấn đề này dưới góc độ chuyên môn, và không bị emotion chi phối.
(10.11.02)


Lê Hải (độc giả):

Dân tộc tính và giá trị nghệ thuật
Một trong những mặt thể hiện của bản sắc dân tộc là văn hóa của dân tộc đó. Văn hóa của một dân tộc bao gồm những thành quả (vật chất và phi vật chất) mà dân tộc ấy tạo nên, trong đó có ngành mỹ thuật. Cho nên, khi đi tìm bản sắc dân tộc người ta thường không thể bỏ qua nền văn hóa hình tượng. Trong trường hợp dân tộc ở vị trí trung tâm và có ảnh hưởng lớn đến các dân tộc khác (ví dụ như nước Mỹ hiện nay) thì người ta thường tạm chấp nhận lối đánh đồng (hoặc bao gồm) bản sắc dân tộc ấy với tính thế giới. Nếu xét trong mối quan hệ ngược lại, tức là ảnh hưởng của bản sắc dân tộc lên tính sáng tác của họa sĩ, thì nó thường tiềm ẩn trong tiềm thức của cá nhân đó. Như vậy không thể nói là sáng tạo của người làm nghệ thuật không có liên quan đến bản sắc dân tộc. Hơn vậy, giá trị dân tộc góp phần tạo nên giá trị nghệ thuật cho tác phẩm. Tuy nhiên, nếu hiểu quá đơn giản có thể dẫn đến sai lầm trong nhận thức - ví dụ như kiểu cho rằng "chất Do Thái" trong con người Woody Allen hay "chất Slovenia" trong con người Andy Warhol quyết định sự thành công của các sáng tạo do họ làm ra - có thể dẫn đến lối tư tưởng dân tộc quá khích.
Cũng tương tự như vậy với vấn đề "chất Việt Nam" và giá trị, hay vị trí của mỹ thuật Việt Nam trong mối quan hệ quốc tế. Tôi cho rằng khi so sánh thì đầu tiên cần phải chọn cho ra một hệ tọa độ so sánh, vì nếu lấy Phương Tây hay Phương Ðông làm trung tâm thì đều dẫn đến bế tắc hoặc tính đố kị, tự kỷ dân tộc. Qua những phân tích hiện tượng từ ngành mỹ thuật Việt Nam trong thời gian qua, tôi thấy rằng một trong số những đặc điểm nổi bật của mỹ thuật Việt Nam là sao chép, nhân bản có chọn lọc và thay đổi cho phù hợp. Từ thời xưa vẫn còn lại những sách qui định tiêu chuẩn tạc tượng (chiều cao, tỷ lệ, ví dụ như trong sách về Tượng Cổ Việt Nam của Chu Quang Trứ, NXB Mỹ Thuật 2000 http://www.cinet.vnn.vn/nghethuat/0006/index.htm ), còn ngày nay người ta hầu như vẫn sao chép theo kỹ thuật từ thuở ban đầu của Trường Mỹ thuật Ðông Dương. Có thể giải thích đây là kết quả của dân tộc tính từ thời thuộc địa, hay chịu ảnh hưởng nặng của sức ép tuyên truyền một chiều, hoặc lề lối thuần phục chính quyền từ thời cổ xưa. Thế nhưng cũng có thể giải thích bằng cách cho rằng xã hội Việt Nam chỉ mới đang ở trong giai đoạn Tiền-công nghiệp, khi mà các xưởng máy mở ra dựa vào sức lực và tay nghề (sao chép) của công nhân là chủ yếu, chứ chưa phải là máy móc hiện đại hay tự động. Như vậy, để đáp ứng nhu cầu chung của xã hội, cần thiết hơn cả là các Thợ mỹ thuật sao chép giỏi, nhanh chóng biết chuyển đổi kỹ thuật, mà như Tranh (in) Ðông Hồ hay Hàng Trống là một ví dụ rất điển hình.
( thanhai@wp.pl)
(11.11.2002)


Natalia Kraevskaia:

Đáng tiếc là công chúng mỹ thuật Việt Nam và mỹ thuật nói chung tại Việt Nam rất hẹp: đó là chính các nghệ sĩ, những người thân của họ (gia đình và bạn bè) và người nước ngoài. Công chúng rộng hơn thì chỉ đi xem những triển lãm ảnh hay triển lãm mỹ thuật toàn quốc (triển lãm này được tổ chức 5 năm một lần).
Việc công chúng không quan tâm và để ý tới mỹ thuật có nguyên nhân là sự thiếu thông tin và giáo dục: giáo dục về mỹ thuật tại các trường trung học rất kém, các viện bảo tàng không có những chương trình phục vụ giáo dục, các bài viết về mỹ thuật đăng trên các báo không chuyên có chất lượng kém... Vậy chúng ta có thể đòi hỏi công chúng được gì?

Tôi nghĩ khi thảo luận bất kỳ đề tài gì, chúng ta cũng không nên nghi ngờ khả năng hiểu biết của "người ta" hay "người ngoại cuộc" về Việt Nam hay mỹ thuật Việt Nam. Phải, Mai Trang ạ, tôi có thể "thoải mái" nói rằng tôi "biết môi trường thực sự trong đó các họa sĩ Việt Nam"sống và làm việc. Hay là chị cho rằng mặc dù sống chung với một hoạ sĩ Việt Nam trong một gia đình Việt Nam tại Việt Nam từ 1981 đến nay, tôi vẫn thiếu chút hiểu biết nào đó về "cuộc sống thực"? Hay chị đồ rằng tuy đã qua một phần khác của đời mình tại Liên Xô cũ, tôi vẫn cần phải đến một nơi khác để học hỏi về những đặc điểm của đời sống trong xã hội xã hội chủ nghĩa? Chị có phân vân đối với hiểu biết của Veronica về "môi trường sống" của các họa sĩ Việt Nam không? Và những người khác, ngay cả nếu họ không có những trải nghiệm như vậy, tại sao họ lại không thể biết hoặc không thể hiểu? Tôi rất ngán ngẩm khi hầu như ngày nào cũng nghe thấy câu: "Họ là người nước ngoài, họ không thể biết/hiểu được Việt Nam".
Tôi chưa bao giờ nghe thấy ai nói những điều tương tự về một người Pháp nghiên cứu văn học Anh, về một người Mỹ chuyên khảo về kiến trúc Tây Ban Nha. Chị có thấy ai ở Hy Lạp rành về thành Troy cổ hơn Heinrich Shlieman không?
Những câu hỏi đó của Mai Trang, cách nào đó, hòa điệu với những nghi ngờ của Kaomi về khả năng "phát hiện" của các nhà tuyển chọn người nước ngoài. Vấn đề không phải ở chỗ các nhà tuyển chọn đó có phải là người nước ngoài hay không, vấn đề là ở tính chuyên nghiệp của người tuyển chọn (kiến thức, vốn nghiên cứu từ trước, trực giác, phong cách làm việc...) và ở mục đích của cuộc triển lãm được tuyển chọn.
Cùng với những nhà tuyển chọn đích thực (như với triển lãm Tam Niên Asia - Pacific ở Brisbane, Australia, triển lãm Gặp Việt Nam tại Nhà Văn Hoá Thế Giới tại Berlin, triển lãm Tam Niên Fukuoka và có thể một số triển lãm khác nữa), nhiều người khác cũng đã đến Việt Nam, những nhà tổ chức triển lãm thì đúng hơn là nhà tuyển chọn. Tất nhiên, họ không cố gắng phát hiện mà chỉ chọn những thứ phù hợp với mục đích của họ (để chứng minh ảnh hưởng của Pháp trong cả quá trình lịch sử mỹ thuật Việt Nam như "Mùa Xuân Việt Nam. Paris - Hanoi - Saigon" tại Pháp; hoặc để báo hiệu kết thúc cuộc cấm vận văn hoá như "Dòng sông uốn khúc" và vân vân...) Sẽ là tốt nếu làm được việc giáo dục các nhà tuyển chọn triển lãm của bản xứ, song toàn bộ khái niệm công việc tuyển chọn triển lãm hãy còn mới và chưa được hiểu rõ và chấp nhận ở Việt Nam.
(11.11.02)

© Talawas 2002