Nghệ thuáºtBà n tròn "MÄ© thuáºt Ä‘Æ°Æ¡ng đại Việt Nam Ä‘ang ở đâu" 4.11.2002
Kaomi Izu, Patrick Raszelenberg, Nguyá»…n Äại Giang
Bà n tròn Talawas "Mỹ thuáºt Việt Nam Ä‘ang ở đâu?"
Nguyễn Đại Giang :
Tôi là một họa sĩ Việt Nam, hiện sống ở Seattle, Mỹ. Năm 1997, trong cuộc thi quốc tế với cái tên: " Những họa sĩ tài năng nhất, được tổ chức ở Stockholm, Thụy Điển, tranh Upsidedown của tôi đoạt được giải 3. Người ta ghi tên tôi là họa sĩ của Mỹ và nhờ nghệ thuật tôi đã bay vượt khỏi biên giới chủng tộc để trở thành họa sĩ quốc tế, họa sĩ Việt Nam, họa sĩ Mỹ v.v… Đồng bào Việt Nam hải ngoại rất vui mừng, phấn khởi vì có một hoạ sĩ Việt Nam hội nhập vào nền văn hóa của nước Mỹ và tài năng được thế giới nghệ thuật công nhận. Thực sự lúc tôi vẽ tranh Upsidedown gửi đi thi, thì tôi quên hết đâu là dân tộc tính, đâu là truyền thống, đâu là cơm áo gạo tiền, quên hết mọi hệ lụy của đời sống v.v… mà tôi chỉ nhớ có một điều: là tìm trong tôi cái bản ngã của tôi và vẽ nó. Tôi nghĩ rằng chính cái bản ngã của tôi là Việt Nam đó, cái Upsidedownism trong nghệ thuật là Việt Nam đó, nhưng không chỉ có Việt Nam, mà còn của dân tộc Mỹ và các dân tộc khác. Tháng 8 năm 2001, sau triển lãm cá nhân đầu tiên của Upsidedownism tại Seattle nhà phê bình mỹ thuật Anna Fahey viết trên tuần báo nghệ thuật Weekly Seattle: "Dai Giang' s quirky style, Upsidedownism subvects the history of Westen art " (Phong cách hài hước Upsidedownism cua Đại Giang đánh đổ lịch sử mỹ thuật phương Tây). Thực ra Upsidedodwnism đưa ra một cách nhìn mới mang đầy tư tưởng triết lý của dân tộc Việt Nam, đưa ra một hệ thẩm mỹ mới mở đầu cho cuộc cách mạng nghệ thuật của thế kỷ 21. Thực ra nó chỉ làm giàu có thêm cho lịch sử mỹ thuật phương Tây. Tôi đã lựa chọn đúng nghĩa của: Tự do sáng tác, mà càng Tự do bao nhiêu thì nghệ thuật càng bay bổng bây nhiêu. Sự Độc lập Tự do của người họa sĩ là cốt tủy của Sáng tạo mà muốn sáng tạo phải phá vỡ những biên cương lãnh thổ, chủng tộc, phong tục tập quán v.v… để đi đến cái toàn mỹ của thời đại ngày nay. Tôi chẳng cần vẽ để giới thiệu tôi là người Việt Nam mà tôi cần vẽ hay, vẽ độc nhất vô nhị và kết quả được thể giới công nhận thì chính cái đó làm rạng danh dân tộc Việt Nam và niềm tự hào của nước Mỹ vĩ đại. Tôi rất đồng ý với Nguyên Hưng rằng mỹ thuật Việt Nam phải có đội ngũ những nhà phê bình giỏi . Cái khó nhất phải biết phân biệt của giả và của thật, cái đã hiện ra và cái tiềm ẩn ở bên trong. Người họa sĩ cần nhà phê bình như một võ sĩ cần một huấn luyện viên. Tôi thích thú về anh Kaomi Izu có 3 mặt nhìn, 2 mặt nhìn bể nổi, 1 mặt nhìn bề chìm của MTVN một cách chuẩn xác. Anh đã từng nói trong bài phỏng vấn của Nguyên Hưng: MTVN có tương lai. Xin cám ơn các bạn.
(04.11.02)
Kaomi Izu :
Xin trao đổi với Patrick (tôi trình bày theo trình tự ý kiến của bạn, 28.10.02):
Về "tiền đề cơ bản của ông": Không có tiền đề này. Bạn đã không đọc kỹ ý kiến ngày 21.10 của tôi, và của những người khác trước tôi. (Lưu ý, đây là một "bàn tròn", mọi ý kiến đều cần đặt trong tương quan với các ý kiến khác. Dĩ nhiên là trong "bàn tròn"). Mấy chữ "mạnh mẽ, đầy sức sống" tôi phải để trong ngoặc kép, vì đó là ý kiến của chị Veronika ngày hôm trước, 20.10. (Tôi thừa nhận đã sơ sót không ghi chú). Và trong mạch ý kiến của tôi, sự trích dẫn này, không nhất thiết có nghĩa là tôi đồng tình. Thấy có tiền đề này là do bạn nhầm.
Về "khó mà nhìn ra được một tương phản nào" (giữa "cái nhìn mang tính dân tộc-quốc gia" và "cái bẫy tượng trưng chủ nghĩa tự tạo với các ngộ nhận về cái "văn hóa làng" độc đáo của mình"): Tôi muốn hỏi lại bạn, bạn có cho rằng gương mặt tự nhiên của bạn, gương mặt đã được "trang điểm" khi ra đường của bạn, với cái "mặt nạ" có thể có cũng của bạn khi đối đãi với người đời v.v…là không có sự tương phản nào, và, nó không nói lên được điều gì sao? Phải ngây thơ lắm mới nghĩ như thế! Cũng ngây thơ không kém, nếu bạn không thấy sự tương phản nào giữa "tính dân tộc" trong suy nghĩ của giới nghệ sĩ và trong các chiêu bài chính trị…!
Về "vì những vấn đề thuộc văn hóa làng VỐN ĐƯỢC XEM (tôi nhấn mạnh, K.I.) là thành tố "dân tộc" (Việt Nam)": bạn tin thế ư?! Câu hỏi của chị Natalia trong phát biểu ngày 27.10, "Tại sao chị không bao giờ vẽ trâu? Thu hoạch ổn định ở Hà Nội đấy", không biết sẽ gợi cho bạn suy nghĩ gì? Có "trơ trẽn" lắm không?…!
Về "lập luận dựa trên cái "luồng bình dân" này"… Điều này thì bạn đã tưởng tượng ra hoàn toàn. Bạn không hiểu ý kiến của tôi, hay bạn chỉ xem ý kiến của tôi như một cái cớ để phản biện chơi?! Ý tôi, tóm tắt như sau: Chúng ta, những người nước ngoài, có thể biết gì về mỹ thuật Việt Nam, khi mà, những thứ chúng ta thấy được, là những thứ đã được chọn lọc dưới "quan điểm định hướng" của nhà nước Việt Nam và qua sự yêu thích của công chúng vốn ít hiểu biết về nghệ thuật và không thực sự có nhu cầu nghệ thuật, và khi mà, khả năng phát hiện của các curators nước ngoài, nhìn chung, cho đến nay, còn nhiều điểm đáng ngờ… Ý kiến của tôi như vậy đâu có quan hệ gì đến "lập luận dựa trên cái "luồng bình dân" này"…của bạn?!
Xin trao đổi với Mai Chi:
Không chờ đến khi "quá trình toàn cầu hóa với sức ép tinh thần và văn hóa của nó" mà "trong thời gian qua", vấn đề "bản sắc dân tộc", "hội nhập"v.v… mới trở thành mối quan tâm nóng sốt ở nhiều nơi. Xưa lắm rồi, và lúc nào cũng vậy, ở đâu có sức ép từ bên ngoài thì ở đó ", vấn đề "bản sắc dân tộc", "hội nhập"v.v… sẽ được đặt ra, nhất là khi giới chính trị muốn tìm kiếm một sự đồng thuận nào đó. Đó "không phải chỉ là mối quan tâm riêng của các vị cán bộ văn hóa ở Việt Nam". Bạn nói đúng. Nhưng cần thêm, đó, chủ yếu, là quan tâm chung của những người làm chính trị ở khắp mọi nơi. Và, thường, đó là những nỗ lực thất bại ở góc nhìn nghệ thuật…
Về vấn đề này, cho đến nay, chúng ta đã cung cấp được "những thông tin mới, những cách đặt vấn đề mới", như Mai Chi nói chưa? Theo tôi, sự "thất vọng" của Nguyên Hưng không phải không có cơ sở. Chúng ta vẫn đang lẩn quẩn trong sự đối lập giữa "cách nhìn mang tính dân tộc-quốc gia" với "những giá trị tổng quan", trong khi vẫn chưa xác định được "những giá trị tổng quan", và cả "cách nhìn mang tính dân tộc-quốc gia" thực sự có nghĩa là gì. Sự lẩn quẩn này, không khác sự lẩn quẩn trong các "bàn tròn" ở Việt Nam. Đọc lại biên bản "bàn tròn", bạn sẽ thấy, khi có ý kiến của Patrick, vấn đề mới ít nhiều được lật lại ở một cấp độ khác. Đó là vấn đề bản chất của vấn đề. Nó rất gần với ý kiến của Nguyên Hưng khi nói chuyện "đầm lầy" và chuyện "bản lĩnh của con người tự do". Khác, chỉ ở điểm nhìn…
(04.11.02)
Patrick Raszelenberg:
Khi một mặt đồng ý rằng "dân tộc", "hiện đại" v.v… là những khái niệm không thể tránh khỏi khi bàn tới mỹ thuật, nhưng mặt khác tước đi những giá trị xuyên suốt của chúng, Nguyên Hưng đã nhầm, quá nhầm. Chúng là những thành phần của một cách tiếp cận cố gắng đánh giá những sáng tác nhất định, chứ không phải là công cụ phổ cập để dùng mọi nơi mọi lúc, không phân bịêt. Chúng có thể sai bét nếu dùng để phân loại - và tôi tin như vậy - nhưng chúng xuất hiện không những khi chúng ta tranh luận về những sáng tác nhất định, mà cả trong những suy nghĩ của chúng ta. Vứt chúng đi thì thật đơn giản, nhưng để vượt qua chúng đi thẳng vào cái giá trị "thuần tuý mỹ thuật" thì là một câu chuyện khác hẳn.
Sự báo động và bực bội của Nguyên Hưng về cách suy nghĩ phổ biến ở Việt Nam rằng "mỹ thuật là công cụ" thật là lạ, bởi nó quên mất một điểm: cáu kỉnh về chuyện mỹ thuật bị chính trị làm công cụ chỉ làm ta quên mất sự khó chịu của ta về chức năng hoàn toàn "vị nghệ thuật" của nó. Mỹ thuật luôn luôn là công cụ, hoặc cho những thể hiện của một đầu óc sáng tạo tài năng, hoặc cho những suy tính chính trị tức thời của một số cán bộ.
Sự lên án của Nguyên Hưng rằng "các nghệ sĩ của thời đổi mới" hoàn toàn không hay ho gì hơn những người chỉ quan tâm tới khía cạnh "hiện thực" của một tác phẩm, mặc dù đúng và có lý, nhưng hoàn toàn không có giá trị gì cả, bởi khi mấy thế hệ đã được đào tạo trong những kinh điển của chủ nghĩa hiện thực XHCN thì phải cần nhiều hơn một thập kỷ để thay đổi những khái niệm đã ăn vào máu này.
"Nếu giới mỹ thuật quốc tế nhìn mỹ thuật Việt Nam theo kiểu "Việt Nam trước", "mỹ thuật sau", như một cách nhìn, thì thật tình, tôi chẳng ngại ngần gì không nói: họ cần phải học hành lại, từ đầu."
Cũng là một đề nghị đấy chứ… "học lại từ đầu". Cứ giả sử Nguyên Hưng đúng khi cho rằng người nước ngoài coi những tác phẩm Việt Nam là Việt Nam trước, rồi sau đó mới là mỹ thuật, thì cũng có thể cách nhìn đó có những lý do riêng chứ. Tôi cho rằng chúng ta đều thấy cách nhìn này là lạ, nhưng ít nhất tôi không muốn khuyên người khác, kể cả những kẻ không biết gì, là phải "học hành lại, từ đầu". Hơn thế nữa, đọc ý kiến của Nguyễn Đại Giang gần đây và những mô tả về phản ứng của người Việt Nam ở hải ngoại với triển lãm "Upsidedown" của anh, ta không thể không cho rằng sắc tộc và dân tộc tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong mỹ thuật.
Tôi không hiểu tại sao Hưng muốn xác định xem nghệ sĩ thuộc về "cả thế giới", hay "nghệ sĩ thực thụ là của chung nhân loại". Điều đó cũng giống hệt như việc cho rằng anh ta thuộc về một văn hóa hay quốc gia cụ thể nào đấy. Cuối cùng thì nghệ sĩ chính là nguời quyết định anh ta là gì hay là ai, không phải giới phê bình hay các cơ quan mỹ thuật, lại càng không phải ai trong cái bàn tròn này. Nếu như Việt Nam sản sinh ra một thiên tài được công nhận chung như Picasso, liệu Nguyên Hưng có còn khăng khăng rằng ông ta không phải người Việt Nam mà thuộc về mọi người không? Lúc đó anh có thể nói ông ta thuộc về mọi người nhưng vẫn và trước hết là người Việt Nam, và chỉ người Việt Nam mới thực sự hiểu ông ta.
Chúng ta sẽ ngây thơ khi cho rằng khi phê bình mỹ thuật đưa ra những cách nhìn quý tộc như vậy thì bản thân những nghệ sĩ sẽ không tự khoác cho họ những giá trị này, đặc biệt khi họ thành công. Điều này được minh họa một cách thú vị bởi một ví dụ lấy trong hồi ký của Nguyễn Hiến Lê:
"Dưới chân núi, khắp trong vùng này có rất nhiều ông "đạo" kỳ cục, ông thì nằm suốt năm, gọi là "Đạo Nằm"; ông thì chỉ ăn ớt, gọi là "Đạo Ớt"; ông thì nói gì cũng chỉ "ừ" gọi là "Đạo Ừ"... ông nào cũng có một số nông dân chất phác nghe theo, cũng phụng đủ thứ" (Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê, NXB VH, Hà Nội 1997, tr.142).
Chúng ta có thể thay "một số nông dân chất phác" với "một số viên chức nghệ thuật chất phác' J
(04.11.02)
|