trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Sân khấu
  1 - 20 / 24 bài
  1 - 20 / 24 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtSân khấu
21.8.2006
Nguyễn Thị Minh Thái
Mỹ học Phật giáo trong dàn dựng và biểu diễn vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính”
 
(Tham luận tại Hội thảo khoa học “Những yếu tố Phật giáo trong nghệ thuật dân tộc Việt Nam” do Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hoá Dân tộc tổ chức ngày 20.7.2006 tại Thác Đa, Ba Vì, Hà Tây)

1.

Giống như một phát hiện, khi nghe tên hội thảo khoa học “Những yếu tố Phật giáo trong nghệ thuật dân tộc Việt Nam”, tâm thức tôi bừng ngộ. Tôi lập tức nghĩ ngay đến vẻ đẹp rực rỡ của mỹ học folklore đặc sắc cổ truyền chỉ có ở sân khấu chèo cổ sân đình Việt Nam. Và cũng ngay lập tức, tôi liên tưởng tới vở chèo cổ toàn bích Quan Âm Thị Kính, với vẻ đẹp ngời sáng của mỹ học Phật giáo trong nghệ thuật dàn dựng của đạo diễn Trần Bảng và nghệ thuật biểu diễn của các nghệ nhân chèo sáng giá nhất Nhà hát Chèo Việt Nam. Trong suốt mấy chục năm lao động nghệ thuật, những nghệ nhân chèo, vốn là những báu vật nhân văn sống này, đã cùng ông sáng tạo nên các hình tượng trò diễn độc đáo, có một không hai, khiến cho Quan Âm Thị Kính thực sự trở thành viên ngọc lấp lánh nhất trong kho tàng nghệ thuật chèo cổ sân đình Việt Nam...

Tôi nhớ, cách đây vài năm, đầu thế kỉ 21, khi đối thoại với tôi về chủ đề “Mỹ học chèo cổ sân đình”, đạo diễn, NSND, GS Trần Bảng đã một lòng khẳng định: "Với tôi, vở chèo Quan Âm Thị Kính là một cổ vật còn nguyên vẹn - một “đồ cổ lành”, mà giá trị mỹ học sân khấu của nó là... vô giá!"

Và một trong những nét đẹp tạo thành cái vô giá ấy, là vẻ đẹp triết học mang sâu sắc triết lý nhà Phật, đã được Trần Bảng khám phá và hoàn chỉnh trong quá trình tư duy dàn dựng vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính, trải qua nửa thế kỉ thử nghiệm không ngừng về nghệ thuật đạo diễn chèo của riêng ông...


2.

Trần Bảng thú nhận, trong ba vở chèo cổ ông thích nhất, Quan Âm Thị Kính, Kim Nham, Chu Mãi Thần, thì Quan Âm Thị Kính bao giờ cũng chiếm vị trí số một. Và ông mê đắm cả 3 nhân vật nữ chính của 3 vở: Thị Kính, Suý Vân, Thiệt Thê, và lẽ dĩ nhiên, nhân vật Thị Kính được ông mê đắm nhất, chăm chút nhất về nghệ thuật dàn dựng.

Từ cách đây nửa thế kỉ, đạo diễn Trần Bảng và Nhà hát Chèo Việt nam đã nhìn ra vẻ đẹp sân khấu tổng thể của tích chèo Quan Âm Thị Kính, với những lớp lang, bài bản vở diễn còn nguyên giá trị văn chương và sân khấu. Năm 1956, vào lúc tròn tuổi tam thập, Trần Bảng dựng Quan Âm Thị Kính lần đầu. Và ngay lần tiếp xúc đầu tiên với tích chèo cổ này, ông đã bắt đầu khắc khoải, băn khoăn nghĩ ngợi không dứt về hình tượng trò diễn.

Tích Quan Âm kể về nàng Thị Kính đẹp người, đẹp nết, mới nên duyên chồng vợ với chàng thư sinh Thiện Sĩ. Một đêm xuân ấm áp, nàng cắt râu làm đẹp cho chồng, bị mẹ chồng kết tội oan giết chồng. Nàng giả trai đi tu, lại bị Thị Màu phải lòng, đổ oan tội thông dâm, khiến Thị Màu chửa hoang. Nàng bị nhà chùa đuổi ra ở ngoài tam quan.

Thị Màu đem con lên chùa trả “chú tiểu” Kính. Sau ba năm khốn khổ hành hương nuôi con Thị Màu, giữa sự khinh rẻ, lạnh lẽo của xã hội, Thị Kính kiệt sức chết, được hoá thân thành Đức Phật Quan Thế Âm.

Về thông điệp, vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính gửi gắm trong số phận của Thị Kính hai nỗi oan cao dày như núi: oan từ trong nhà (bị đổ oan giết chồng), oan ra đến làng xã (mang tội làm Thị Màu chửa hoang, dù bản thân là gái giả trai đi tu, và bị cả làng trừng phạt).

Trong lần dựng đầu tiên năm 1956, tự thú nhận do tầm nhìn, tầm nghĩ còn hạn chế, đạo diễn Trần Bảng chưa thấu suốt ngay thông tin thẩm mỹ cốt lõi và những yếu tố Phật giáo khá là đậm đặc trong tác phẩm. Ông đã chọn góc nhìn xã hội-lịch sử, chú tâm tô đậm chủ đề phản phong. Những lớp trò Sùng Bà đánh đòn oan Thị Kính, Thị Màu hoang dâm, Mẹ Đốp-Xã Trưởng, Việc làng (đặc biệt lớp trò này rất nhấn mạnh yếu tố đả kích bọn cường hào ác bá ở nông thôn Việt Nam), đã chỉ nhằm mục đích lớn của cả vở diễn: vạch trần, tố cáo những tàn bạo, bất công của chế độ phong kiến Việt Nam đối với người nông dân Việt.

Về nghệ thuật, lúc bấy giờ, do phụ trách việc phục hồi chèo cổ, Trần Bảng có “quyền” xem nghệ nhân chèo xuất sắc thuộc “tứ chiếng” chèo vùng châu thổ sông Hồng biểu diễn những vai mẫu của vở Quan Âm Thị Kính. Đó là các cụ Trùm Thịnh, Cả Tam, Minh Lý, Năm Ngũ, trong các vai Mãng Ông, Sùng Ông, Sùng Bà, Thiện Sĩ... Đặc biệt, nam nghệ nhân Trần Văn Toái đóng vai nữ lệch Thị Màu rất hay, hát diễn nồng nàn, quấn quyện. Nhưng, vai Thị Màu độc đáo nhất, chưa ai “qua mặt” được, theo Trần Bảng, phải là của nghệ sĩ Bạch Tuyết (đã chết trẻ). Thị Màu của Bạch Tuyết vừa đa đoan, đáo để, lẳng lơ, vừa thiết tha, khao khát, cháy bỏng dục tình...

Là một đạo diễn tinh tế, lần đầu dựng mô hình vở diễn chèo cổ trên sân khấu “hộp” chứ không phải sân khấu sân đình, Trần Bảng đặc biệt lưu ý đến cái để xem. Ông đã mời mấy hoạ sĩ số một thời bấy giờ thiết kế mỹ thuật cho vở chèo này: Nguyễn Đình Hàm, Sỹ Ngọc, Quang Phòng. Trên sân khấu, các hoạ sĩ đã tạo tác một không gian rất chèo, thắm đượm chất trữ tình, với cây mận, cây đào ra hoa rực rỡ mãn khai trên nền phông hậu đậm màu, rất ăn ý với nguyên tắc ước lệ của chèo cổ. Nhưng rực rỡ, chói chang và bắt mắt nhất vẫn là trang phục của đào, kép chèo, do các hoạ sĩ này thiết kế, trên nguyên tắc dùng màu nguyên thuỷ, đã gây ấn tượng cực mạnh cho cái xem của khán giả chèo...

Trần Bảng tự gọi vở chèo đầu đời đạo diễn của mình là “mô hình Quan Âm Thị Kính 1956-1957”. Mô hình này đã được cả người trong nghề chèo và khán giả ruột của nghệ thuật chèo đánh giá cao. Tuy nhiên, chính Trần Bảng đã có ý thức tự soi chiếu, và thấy mình chưa hài lòng về hình tượng vở diễn, nhất là hình tượng nhân vật chính xuyên suốt, vốn phải mang vác trọn vẹn thông điệp chính của vở, đó là Thị Kính. Mang nỗi oan tày trời và cả sự hoá giải nỗi oan trong kết thúc có hậu cuối vở chèo, hình tượng Thị Kính đã không chỉ liên quan trực tiếp tới “chủ đề phản phong” một cách đơn giản, mà bản thân hình tượng trung tâm này còn liên quan đến triết lý thâm sâu của nhà Phật, là triết lý về “nỗi khổ và sự giải thoát”.

Biết vậy, về phương diện đạo diễn, Trần Bảng đã tự giác ngộ những chỗ chưa đạt đạo ấy của vở chèo đầu tay. Ông tự biết, phản phong không phải là chủ đề nổi bật nhất của vở chèo này. Khi nhấn mạnh phản phong, ông đã vô tình làm nghèo đi ý nghĩa triết học Phật giáo thâm sâu nằm trong nhân vật Thị Kính. Trần Bảng tự thú: “Thị Kính tuy là nhân vật trung tâm xuất hiện quán xuyến trong tất cả các sự kiện của tích trò, song chỉ được miêu tả một cách mờ nhạt”.

Về xử lí không gian chèo, Trần Bảng cũng tự biết, không gian được dựng như thế trong Quan Âm Thị Kính là rất ưa nhìn, độc đáo, song dù muốn dù không, phàm đã đưa vào sân khấu hộp kiểu phương Tây, thì cái phong vị hương đồng gió nội tự nhiên của chèo cổ đã bị bay đi ít nhiều...

Thực sự, việc hoàn chỉnh nghệ thuật dàn dựng vở Quan Âm Thị Kính của Trần Bảng sở dĩ đã diễn ra trong thời gian dài hàng nửa thế kỉ, suốt từ những năm 50 của thế kỉ 20 cho đến thập kỉ đầu của thế kỉ 21 hôm nay, là bởi vì nó ứng với một quá trình vận động thẩm mỹ và vỡ lẽ triết học của riêng Trần Bảng, với tư cách đạo diễn chèo. Chính quá trình này đã đưa ông lên vị thế đạo diễn sáng giá nhất của sân khấu chèo Việt Nam.

Cũng vì tự nhận biết, tự giác ngộ và tự thân vận động, Trần Bảng đã hơn một lần dựng lại Quan Âm Thị Kính và cũng hơn một lần, ông đã di chuyển góc nhìn văn hoá đối với công việc dàn dựng này.

Lần thứ nhất dựng lại vở chèo, Trần Bảng đã biết rút kinh nghiệm, ông tâm sự thành thật: “... thân phận Thị Kính được chú ý tới nhưng cũng chỉ được coi như một nạn nhân xã hội, một tính cách thụ động phải chịu đựng hết oan trái này đến oan trái khác. Thị Kính trở thành một hình tượng dầm dề nước mắt, đầy chất bi thương. Đây cũng là cách nhìn của những đạo diễn thời bấy giờ về hình tượng nhân vật Thị Kính. Có dạo diễn vì tấm lòng quá thương cảm còn cải lại tích đó, Thị Kính về cuối trò buông thả lại mái tóc dài trở về với thế tục”.

Về mặt nghệ thuật dàn dựng, Trần Bảng cũng là một người thành thật, khi tự nhận trên mặt báo, trong bài phỏng vấn của tôi (Thể Thao-Văn hoá năm 2003), rằng: “Năm 1968, do chịu ảnh hưởng của phương pháp sân khấu Stanislavski, tôi dựng lại Quan Âm Thị Kính lần thứ nhất. Sau hai tháng dựng vở, khi diễn thử, tôi mới vỡ ra sai lầm về đạo diễn. Cách thể hiện nhân vật bằng sự hoà cảm, chân thực theo phương pháp kịch đã vô tình phá hỏng nguyên tắc ước lệ kiểu “tả thần” của sân khấu chèo cổ. Mô hình 1968 thất bại. Tôi được bài học thấm thía: đừng mong “làm mới” chèo, cho dù theo phương pháp sân khấu hiện đại nhất thế kỉ 20!”

Như thế, nhân vật Thị Kính, cho dù đã được đạo diễn cố gắng đào sâu thân phận, nhưng rốt cuộc, khi đạo diễn dàn dựng chưa đúng cách về thân phận nghệ thuật, vẫn bị rơi vào bi kịch bị ép mỏng và bị mờ nhạt trên sân khấu, như chính Trần Bảng đã tự biết. Ngay bây giờ, Trần Bảng vẫn thẳng thắn thừa nhận rằng, nếu nhân vật Thị Kính chỉ được đạo diễn chỉ định diễn xuất bằng cách “hoà cảm”, “ thương cảm”, đẫm đầy nước mắt, thì vô hình trung, nhân vật đã bị nghèo đi nhiều màu sắc thẩm mỹ sân khấu, hoặc nói cách khác, nhân vật đã bị để trống một vẻ đẹp nội tại: vẻ đẹp chữ Tâm, chữ Nhẫn của tinh thần Phật giáo, theo cách hiểu dân gian Việt: ở hiền gặp lành, ác giả ác báo.

Cho nên, cuộc vận động thẩm mỹ mang tính triết học vẫn tiếp tục diễn ra trong ý thức sáng tạo của chủ thể đạo diễn Trần Bảng và theo tôi, đây mới thực là cái đáng giá sáng giá nhất của Trần Bảng, trong ứng xử văn hoá với cổ vật chèo, với tư cách đạo diễn, một đời thuỷ chung như nhất với sân khấu chèo.

Thừa nhận mô hình “Quan Âm Thị Kính 1968” thất bại, năm 1985, Trần Bảng quyết định quay lại với mô hình đầu tiên: “Quan Âm Thị Kính 1956-1957”. Về xử lí không gian sân khấu, Trần Bảng quyết định thực hiện ý đồ: trả lại cho vở diễn không gian chiếu chèo, trong sự giao lưu thân mật với người xem và không khí hội hè sống động vốn có của chèo cổ sân đình. Trên sân khấu trống 3 mặt, thiết kế riêng để phục vụ ý đồ này, Trần Bảng bỏ phong cảnh cây mận, cây đào nở hoa của mô hình thứ nhất, thay vào đó là tấm phông hậu mô phỏng cửa đình quen thuộc của thẩm mỹ đình làng. Hai bên mép sân khấu là vị trí dàn đế, dàn đàn, hệt như cách bố trí của chiếu chèo sân đình ngày xưa. Cũng y như thế, diễn viên ngồi ngay trong dàn đế, dàn đàn, khi ra vai là đứng dậy, diễn ngay, vào ngay không khí vở diễn đang chuyển động... Trần Bảng cũng lấy lại y nguyên màn giáo đầu rộn ràng của chèo cổ, để phục hồi không khí lễ hội dân gian vốn có và ắt phải có của chèo sân đình.

Song, đó chưa phải là toàn bộ vận động thẩm mỹ trong công cuộc dàn dựng vở chèo Quan Âm Thị Kính của đạo diễn Trần Bảng. Bởi vì ông vẫn tiếp tục hoàn thiện vai trò chính của hình tượng nhân vật Thị Kính, mà theo ông, vẫn chưa đạt đến sự dày dặn, phong phú và nhất quán về thẩm mỹ.

Đến đây, tôi buộc phải ngó vào thế giới sáng tạo nội tâm của ông, khi ông mạch lạc trình bày sự loé sáng của ý tưởng sáng tạo, trong ánh sáng của triết học Phật giáo, mà ông bừng ngộ. Trần Bảng đã viết rất tinh tế về sự bừng ngộ này của ông, trong cuốn sách sẽ ra mắt nay mai (mang tên: Trần Bảng đạo diễn chèo): “Đang trong nỗi băn khoăn về số phận Thị Kính, một hôm tôi đi vãn cảnh chùa Mía. Tôi đã phải dừng bước sững sờ trước một bức tượng bồ tát Quan Thế Âm. Qua bức tượng, nét mặt của Thị Kính rạng lên ánh hào quang của tấm lòng từ bi hỉ xả, một đứa bé nằm trong lòng, tay chân quơ lên thơ ngây sống động. Tôi giật mình tỉnh ngộ.

Thì ra đây mới là hình tượng trò diễn. Người nghệ nhân tạo hình xưa đã tài tình nắm bắt được chính xác hình tượng biểu trưng cho tích truyện nhà Phật này.

Thực ra, Thị Kính không phải là người phụ nữ mềm yếu, chịu đựng một cách thụ động những oan trái cuộc đời. Thị Kính yêu cuộc sống, bị mẹ chồng đuổi ra khỏi nhà vẫn không buông bỏ đời mình mà đi tìm sự giải thoát ở cửa Phật. Thị Kính ngộ ra đức Nhẫn của đạo Phật, đức Nhẫn bắt nguồn từ tình yêu thương rộng lớn. Và chính từ tình yêu thương này mà người tu đạo có dũng khí vượt lên trên tất cả những đau khổ tinh thần và vật chất của bản thân để cứu độ người đời. Nó khác với sự nhẫn nhục thụ động mang tính tiêu cực mà ta thường gán choThị Kính. Đức Nhẫn này biểu hiện rõ rệt nhất trong việc Thị Kính bồng bế con Thị Màu đi xin sữa giữa những tiếng chửi rủa của dư luận xã hội. Sau ba năm nuôi đứa bé, Thị Kính kiệt sức mà chết.

Vừa khi thấy được ý nghĩa trên thì hình tượng thứ hai của trò diễn liền xuất hiện trong đầu người đạo diễn. Từ đám bùn đen vươn lên một bông sen ngát hương. Bùn đen biểu tượng cho cái xã hội phong kiến suy đồi đầy rẫy những tàn bạo bất công. Bông sen biểu tượng cho Thị Kính đồng thời cũng là của đạo Phật.

Ta lưu ý rằng, tất cả những dao động, những nung nấu này đều nằm trong thức ngộ của Trần Bảng về chữ Nhẫn, mà ông gọi là “đức nhẫn” của đạo Phật. “Đức nhẫn” này không nằm đâu xa, thì ra nó nằm ngay trong cử chỉ bồng bế con thơ đi xin sữa, thật là trong vắt tình thương của người mẹ Thị Kính, cho dù đứa bé hoàn toàn không phải do mình rứt ruột đẻ ra. Khi Trần Bảng hiểu ra ý nghĩa Phật giáo thâm sâu trong cử chỉ bồng con xin sữa của Thị Kính, cũng là lúc hình tượng trò diễn liên tiếp xuất hiện và đạt tới sự trùng phùng của hai cảnh tượng đẹp: người mẹ bồng con chan chứa yêu thương đã vươn tới ý nghĩa của một bông sen ngát thơm nở trên vũng bùn tục lụy.

Điều thức ngộ bất ngờ trước pho tượng Đức bồ tát Quan Thế âm chùa Mía đã chuyển hoá thành cảm hứng mới về hình tượng vở diễn, và ngay lập tức, Trần Bảng cất công dựng lại trò Quan Âm lần thứ 3.

Lần này, ông di chuyển con mắt thẩm mĩ của mình sang hẳn một góc nhìn khác: toàn bộ thế giới nghệ thuật của tích chèo cổ Quan Âm Thị Kính được nhìn ngắm trong luồng ánh sáng mới của mỹ học Phật giáo. Dĩ nhiên, hình tượng trung tâm là Thị Kính đã được chiếu rọi thật tập trung và kĩ lưỡng trong nguồn ánh sáng lung linh rạng rỡ ấy.

Từ đây, Trần Bảng nói lời vĩnh biệt với “một Thị Kính sướt mướt buồn thảm trong suốt trò diễn”. Trần Bảng đã vỡ lẽ triết học nhà Phật thật sâu sắc, khi ông viết: “Nỗi đau tột cùng khi mất hết hạnh phúc gia đình đã khiến Thị Kính vào chùa giác ngộ nhanh chóng đạo lý nhà Phật. Nàng bình thản trở lại và đối xử với người đời bằng tấm lòng từ bi hỉ xả. Thị Kính không những không thù hận mà còn tự nguyện nuôi giọt máu rơi của Thị Màu thành con người. Thị Kính chịu đòn oan của làng và rời chùa ra ở mái tam quan không một lời cầu xin than khóc.”

Tuy nhiên, việc truyền cảm hứng và thuyết phục nghệ nhân chèo nổi tiếng Minh Lý (thủ vai Thị Kính), không phải là dễ dàng với đạo diễn Trần Bảng, khi chính ông cũng tự biết: “Không dễ dàng gì khi người diễn viên thể hiện đạt cái thần chủ đạo của hình tượng Tiểu Kính. Nghệ nhân Minh Lý giữ vẻ mặt rầu rầu qua suốt trò diễn là chưa đúng. Tiểu Kính không rầu rĩ mà cũng chẳng vô tình. Ở người ni cô sẽ trở thành Đức Phật này, nét mặt, đôi mắt phải rạng ánh lên tình thương yêu và sự hiền từ của bà mẹ đứng trước đứa con thơ dại”.

Đây quả là những suy tư quan trọng trong tư duy đạo diễn chèo Trần Bảng, trong lần thứ 3 dàn dựng vở Quan Âm Thị Kính, và chính trong lần dựng thứ 3 này, vở diễn đã đạt tới vẻ đẹp mẫu mực của một vở chèo cổ - một cổ vật lành, đúng như ý nguyện đau đáu của Trần Bảng. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, lần thứ ba này, mỹ học vở diễn đã thành chính quả. Sự thay đổi diễn xuất của đạo diễn trong trò diễn cuối khép lại vở chèo một cách có hậu, đã khiến cho mỹ học Phật giáo thăng hoa đúng lúc. Trần Bảng viết, đầy phấn hứng “Tiểu Kính xin sữa nuôi con giữa tiếng cười chê của dư luận xã hội. Đức từ nhẫn đạt tới đỉnh cao siêu phàm đã đưa Thị Kính tới thành quả hoá Phật.”

Trên sân khấu, để phục vụ cho cái kết thúc chói loà ấy, Trần Bảng đã tước bỏ hết mọi diễn xuất sơ lược theo lối diễn tự sự đơn giản cổ xưa. Ông khẳng định: Nếu trước đây lời trò trong lớp diễn cuối này (tập trung trong mười hai câu kể hạnh và ba trổ hát Ru kệ), chỉ hát lên kèm theo những động tác minh hoạ đơn giản, thì nay được hình tượng hoá với nhiều ý mới bổ sung.

Thị Kính hát bài Ru kệ, một tay bồng đứa bé, một tay hướng về khán giả và dàn đế làm động tác cầu xin. Dàn đế cùng dàn nhạc đại diện cho dư luận ngồi ở hai bên sàn diễn, người thì bố thí, người thì tỏ vẻ lạnh nhạt, người thì hắt hủi xua đuổi. Đến trổ cuối( trổ này trước đây bị tước bỏ) dàn đế vây quanh chỉ tay vào Thị Kính cùng hát câu chửi rủa: “Bớ tiểu tăng gì mày, sao ăn ở gió giăng?”.Thị Kính để bảo vệ cúi đầu ôm chặt lấy đứa bé. Trống đổ dồn. Dàn đế chuyển động, những dải khăn mỏng nhiều màu sắc tung bay rối loạn báo hiệu một sự kiện qua trọng sắp xảy ra. Lớp hoá Phật.

Dàn đế với những cánh quạt màu cánh sen kết lại thành toà sen. Trên đó Thị Kính trong niềm hỉ lạc vô biên cất lên những câu sử xuân từ biệt cõi đời.

Kết thúc trò, sừng sững hiện lên hình tượng chính của trò diễn tạo theo mẫu hình pho tượng Thị Kính ẵm con của chùa Mía. Dân chúng chạy đàn xung quanh. Tiếng tụng niệm suy tôn hoà lẫn âm thanh nhộn nhịp sôi động đầy chất hội hè của dàn nhạc gõ dân tộc đánh theo điệu Đăng đàn.


3.

Như thế, bằng một tư duy chèo có phương pháp hẳn hoi, và một trái tim say đắm, thủy chung như nhất với nghệ thuật chèo trong suốt nửa thế kỉ, với ba lần dựng Quan Âm Thị Kính, đạo diễn Trần Bảng đã góp phần đáng kể trong công cuộc giữ giá, làm sáng giá,treo cao giá ngọc của nghệ thuật chèo Việt Nam.

Nhờ những người đạo diễn rành nghề chèo như Trần Bảng, và những nghệ nhân chèo đã dày công truyền nghề cho các thế hệ nghệ sĩ hậu sinh mà sân khấu chèoViệt Nam, kể từ nửa sau thế kỉ 20, đã có những năm tháng thịnh vượng, những vở chèo hoàn hảo, những vai mẫu để đời, những nghệ nhân chèo xứng đáng là “báu vật nhân văn sống” của nghệ thuật dân tộc, và những thành công lớn trong các cuộc giao lưu sân khấu quốc tế. Và cả hai động thái mỹ học: bảo tồn bản sắc chèo cổ trong công cuộc phục hồi những vở xuất sắc (như Quan Âm Thị Kính, Kim Nham, Chu Mãi Thần, Trương Viên, Lưu Bình Dương Lễ...) và phát huy tinh hoa sân khấu chèo cổ trong các vở chèo cách tân, đã được những người-sân-khấu-chèo thực hiện một cách có chiến lược và kết quả, khiến cho sân khấu chèo tồn tại song hành với khán giả đương đại và trở thành tài sản văn hoá tinh thần quí giá của dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, càng về cuối thế kỉ 20 và nhất là vào mấy năm đầu thế kỉ 21, sân khấu chèo càng bị xuống giá và mất giá khá là trầm trọng. Chính đạo diễn, NSND, GS Trần Bảng đã phải kêu lên trong bài viết mới nhất của ông: Tư duy chèo (Tạp chí Văn Hiến Việt Nam, tháng 6. 2006 (từ tr.18 đến 21): “chúng ta đã lại thấy nghệ thuật chèo bị dung tục hoá, bị tha hoá đi như thế nào trong những năm bị suy thoái. Ở nhiều trò diễn, ngôn từ rác rưởi, động tác rác rưởi, âm nhạc lại càng rác rưởi. Không còn là nghệ thuật chèo nữa. Chèo đã mất đi chất thơ nguyên bản của nó”.

Tôi đồng thuận với ông về nhận định đau xót ấy và có lẽ nhiều người-sân-khấu-chèo cũng đau xót như thế cho sự đang mất giá, xuống giá của nghệ thuật chèo. Tôi cũng đồng thuận với ông rằng giải pháp đưa chèo ra khỏi cơn bĩ cực hôm nay phải là giải pháp chiến lược, nằm ở phương pháp tư duy chèo một cách chính xác, đích đáng, khoa học, như Trần Bảng đã từng tư duy và vận động tư duy trong hàng nửa thế kỉ, mới tìm ra mỹ học Phật giáo trong dàn dựng Quan Âm Thị Kính.

Sự thiếu vắng các hoạt động đặc thù của tư duy nghệ thuật chèo cổ trong sáng tạo vở diễn chèo hôm nay đã khiến sân khấu chèo mai một và đúng như Trần Bảng vừa âu lo: Chèo đã mất đi chất thơ nguyên bản của nó.

Việc truy tìm quá trình vận động thẩm mỹ trong tư duy chèo của Trần Bảng trong quá trình đổi mới mô hình thẩm mỹ của vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính dưới ánh sáng của mỹ học Phật giáo, như đã trình bày ở trên, cốt là để khẳng định một điều: chỉ có tư duy chèo thật truyền thống (với nhận thức đầy đủ về bản chất ngôn ngữ nghệ thuật chèo, về nguyên tắc mỹ học đặc thù của riêng chèo) và tư duy đó lại phải hiện đại về phương pháp, mới có thể giải cứu sân khấu chèo thoát khỏi tình trạng bạc phai “chất thơ nguyên bản” và sự khủng hoảng người xem đã rất nhãn tiền hôm nay...

Hà Nội đầu tháng 7

© 2006 talawas