trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
19.7.2006
Đinh Tuấn Minh
Thế kỷ Hayek
 
“Hầu như không quá khi nói rằng, thế kỷ XX là thế kỷ Hayek."
John Cassidy, The New Yorker, 07/02/2000


Năm 1975, David Young, một thương gia độc lập người Anh, đã quyết định từ bỏ công việc kinh doanh của mình để di cư sang Mỹ bởi vì chính phủ Anh đã khiến ông quá thất vọng. Nền kinh tế của Anh lúc bấy giờ đang rơi vào vực xoáy với mức lạm phát cao, thuế khoá nặng, và các cuộc bãi công của các nghiệp đoàn diễn ra liên miên. Vào buổi sáng ngay sau khi tới Mỹ, trong lúc đang đi dạo ngang qua Nghị viện Boston, Young và vợ bỗng tuôn trào nước mắt. Tuy nhiên, đấy không phải là vì họ nhớ tới quê hương mà họ đã bỏ lại phía sau. Đúng hơn, đó là kết quả của hơi cay do cảnh sát dùng để giải tán cuộc nổi loạn của đám sinh viên bị buộc phải đi xe buýt. Vợ ông đã nói với ông khi họ đang dùng khăn tay lau mắt: “Anh đúng là đã mất trí. Anh thật là điên rồ nếu anh nghĩ là em sẽ từ bỏ gia đình chỉ vì những thứ này”. Nền kinh tế Mỹ dưới thời chính phủ Nixon và Ford cũng chẳng hơn gì. Ngay tối hôm đó, họ đáp máy bay quay trở lại London. Trên đường đi, Young tự nhủ rằng nhất định vẫn phải còn một tia hy vọng nào đó. Và sau đấy, ông đã tìm được niềm tin ở Margaret Thatcher, người được bầu làm lãnh đạo Đảng Bảo thủ trước đấy không lâu. [1]

Margaret Thatcher, con gái của một người bán tạp phẩm, trở thành nữ thủ tuớng đầu tiên trong lịch sử của nước Anh vào năm 1979. Là một người không thoả hiệp và dường như bị dẫn dắt bởi một “triết lý mù quáng” nào đó, bà đã dẫn dắt nền kinh tế Anh thoát khỏi quyền lực của các nghiệp đoàn, tiến hành tư nhân hoá các doanh nghiệp nhà nước khổng lồ, và nhờ vậy biến nước Anh trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng và năng động nhất Châu Âu. Vậy triết lý khiến Thatcher tin tưởng là gì? Người ta kể lại rằng, vào một ngày không lâu sau khi nhậm chức lãnh đạo Đảng Bảo thủ năm 1974, bà đến thăm ban nghiên cứu của Đảng Bảo thủ. Khi thấy một nhân viên đang thực hiện bài viết của mình về đề xuất, rằng Đảng Bảo thủ nên áp dụng một đường lối trung dung giữa hai phe tả hữu, bà đã can thiệp một cách sống sượng bằng cách mở cặp lấy ra một quyển sách. Đó là cuốn Hiến pháp về tự do (The Constitution of Liberty) của Friedrich August von Hayek. Bà giơ cuốn sách lên cho mọi người đều thấy và nói một cách lạnh lùng: “Đây là cái mà chúng ta tin tưởng”.


*


Friedrich August von Hayek sinh ngày 08/05/1899 tại Vienna, thủ đô của Áo, trong một gia đình có truyền thống học thuật lâu đời. Ông nội Hayek là giáo sư động vật học của trường Đại học Tổng hợp Vienna. Ông ngoại, vốn là bạn thân của nhà kinh tế học nổi tiếng Eugen von Bohm-Bawerk, là giáo sư luật học tại trường Đại học Tổng hợp Innsbruck (Áo). Và, bố của Hayek là một nhà tự nhiên học, giảng dạy về thực vật học tại Đại học Tổng hợp Vienna. Trong thế chiến I, Hayek tham gia vào binh chủng pháo binh của quân đội Hoàng gia Áo. Ông nhập học vào khoa Luật, Đại học Tổng hợp Vienna, ngay sau khi thế chiến kết thúc. Tại đây, ông quan tâm nghiên cứu cả kinh tế học và tâm lý học. Sau khi nhận bằng Dr. Juris. vào tháng 11 năm 1921, Hayek quyết định tiếp tục nghiên cứu về khoa học chính trị và ông nhận bằng Tiến sĩ về khoa học chính trị vào tháng 3 năm 1923. Ông nhận bằng Dr. Habil. vào năm 1929 cho công trình nghiên cứu về lý thuyết tiền tệ và chu kỳ kinh doanh – công trình giúp ông được nhận giải Nobel về kinh tế học năm 1974.

Trong thời gian ở Vienna, ông là một trong những sáng lập viên của một nhóm các nhà khoa học xã hội trẻ. Một nửa số thành viên của nhóm sau này đều trở thành những nhà khoa học có tên tuổi như các nhà kinh tế học Gottfried von Haberler, Fritz Machlup, và Oscar Morgenstern, nhà xã hội học Alfred Schutz, nhà triết học chính trị Eric Voegelin, nhà sử học Friedrich Engel-Janosi, các nhà sử học nghệ thuật Otto Benesch và Johannes Wilde, nhà âm nhạc học Emanuel Winternitz, triết gia Felix Kaufmann, nhà phân tâm học Robert Waelder, và nhà toán học Karl Menger. Cũng như nhiều thanh niên trong nhóm lúc bấy giờ, Hayek có tiếp xúc với tư tưởng Marxist, nhưng như hồi tưởng của ông sau này, “càng nghiên cứu, tôi càng cảm thấy có vấn đề”, và ông thay đổi hẳn thái độ khi gặp Ludwig von Mises, người đã xuất bản một cuốn sách phê phán chủ nghĩa xã hội triệt để vào năm 1922.

Sau hơn một năm qua Mỹ làm trợ nghiên cứu ở trường Đại học Tổng hợp New York, Hayek trở lại Vienna và cùng von Mises thành lập Viện Nghiên cứu về Chu kỳ Kinh doanh vào năm 1927. Dưới sự lãnh đạo của Hayek, trung tâm nhanh chóng trở thành nơi nghiên cứu về chu kỳ kinh doanh hàng đầu ở châu Âu. Vào thời gian này, có hai vấn đề nan giải mà kinh tế học cần phải giải thích: lạm phát phi mã và chu kỳ kinh doanh. Về vấn đề thứ nhất, Hayek ủng hộ lập luận của von Mises, rằng cốt lõi của vấn đề lạm phát phi mã là do chính phủ in quá nhiều tiền. Còn về vấn đề thứ hai thì vẫn chưa có ai giải thích thoả đáng và Hayek đã bắt tay vào để lấp khoảng trống này. Lý thuyết về chu kỳ kinh doanh của ông giải thích rằng, giai đoạn co lại của nền kinh tế là hệ quả không thể tránh khỏi của giai đoạn bùng nổ trước đó, bởi vì trong giai đoạn bùng nổ, cơ cấu ngành của nền kinh tế trở nên mất cân bằng, đầu tư bị dồn quá nhiều vào các ngành sản xuất hàng tư liệu sản xuất khiến cho mức đầu tư của nền kinh tế vượt quá mức tiết kiệm, dẫn đến thiếu vốn để mở rộng các ngành sản xuất hàng tiêu dùng ở mức độ tương ứng. Kết quả là nền kinh tế phải điều chỉnh lại cơ cấu ngành khiến cho một lượng lớn vốn đầu tư sai lạc sẽ bị mất giá trị. Vì thế, theo Hayek, nguyên nhân của hiện tượng chu kỳ kinh doanh chủ yếu bắt nguồn từ lý do tiền tệ, chẳng hạn do nhà nước lạm dụng chính sách tín dụng, khiến cho hệ thống giá cả bị méo mó. Lý thuyết của Hayek vì vậy đối lập hẳn với lý thuyết của Keynes về chu kỳ kinh doanh, theo đó nguyên nhân của chu kỳ kinh doanh là do tiêu dùng quá ít hay do tiết kiệm quá nhiều. Trên nền tảng này, Hayek tiếp tục phát triển lý thuyết về tư bản, về đầu tư và về tiết kiệm trong suốt thập niên 30. Tác phẩm cuối cùng của ông về chủ đề này là Lý thuyết thuần tuý về tư bản (The Pure Theory of Capital), xuất bản năm 1942. Dù chưa thực sự hoàn chỉnh do Thế chiến II xảy ra nhưng tác phẩm này được cả Joseph Schumpeter và Fitz Machlup đánh giá là tác phẩm lý thuyết thuần tuý xuất sắc nhất về tư bản kể từ Böhm-Bawerk.

Lý thuyết về chu kỳ kinh doanh của Hayek giúp ông lọt vào “mắt xanh” của Lionel Robbins ở Trường Kinh tế London (London School of Economics). Ông được Robbins mời sang thỉnh giảng và phong chức Giáo sư vào năm 1932. Trong suốt một thời gian dài, Hayek được xem là đối thủ nặng ký của Keynes, khiến ông trở nên nổi tiếng trong thế giới học thuật ở Anh. Nhưng, sau khi Keynes xuất bản cuốn Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ (The General Theory of Employment, Interest, and Money) vào năm 1936, lý thuyết của Hayek về chu kỳ kinh doanh trở nên bị lu mờ. Hầu hết học trò của Hayek đều bỏ ông theo Keynes. Hayek ngày càng bị cô lập. Tuy nhiên, điều này càng khiến ông tin rằng, hầu như cả thế giới đã đi nhầm đường.


*


Trong thời gian ở LSE, song song với cuộc tranh luận với Keynes, Hayek đã hâm nóng cuộc tranh luận về bài toán kinh tế xã hội chủ nghĩa mà von Mises đã tiến hành trong thập kỷ 20. Các bài luận của ông về chủ đề này được in lại trong cuốn Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế (Individualism and Economic Order) (1948). Trong suốt một thời gian dài, các nhà xã hội chủ nghĩa quá ư tập trung vào việc phê phán hệ thống kinh tế tư bản và vẽ lên một bức tranh quyến rũ về một xã hội trong tưởng tượng mà quên mất việc giải thích xem làm thế nào để cho cái xã hội ấy vận hành. Trong tác phẩm Hoạch định kinh tế trong khối khịnh vượng xã hội Chủ nghĩa (Economic Planning in the Socialist Commonwealth) (1920), Mises lập luận rằng nếu không có tư hữu thì sẽ không thể có giá cả, và trong điều kiện đó, việc đưa ra tính toán kinh tế là bất khả thể. Tuy nhiên, các nhà kinh tế xã hội chủ nghĩa sau này như Oskar Lange và Hanry D. Dickinson, một mặt thừa nhận sự cần thiết phải có tính toán kinh tế, mặt khác lại cho rằng, trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, hệ thống hạch toán kế toán được điều hành bởi một uỷ ban hoạch định trung ương có thể thay thế được hệ thống giá cả để giải quyết vấn đề tính toán kinh tế.

Luận điểm chính mà Hayek tập trung vào phê phán hệ thống hạch toán kế toán không phải là khối lượng phép tính mà uỷ ban hoạch định trung ương phải thực hiện quá lớn, không phải là yếu tố quan liêu trong hệ thống quản lý xã hội chủ nghĩa không kích thích người ta làm việc, mà là trong nền kinh tế hoạch định tập trung, tri thức riêng phần mà mỗi cá nhân sở hữu sẽ không có đất để dụng võ vì chúng không thể nào có thể truyền tải đến được cho các nhà hoạch định trung ương. Một nền kinh tế như thế chắc chắn sẽ tạo ra của cải vật chất ít hơn so với nền kinh tế vận hành dựa trên hệ thống giá cả bởi vì, theo Hayek, giá cả không chỉ là phương tiện để tính toán duy lý, nó còn là phương tiện để truyền đạt tri thức về cách thức sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả từ người này sang người khác. Khám phá của Hayek về sự phân hữu tri thức và vai trò của hệ thống giá cả như là một cỗ máy xử lý thông tin tự động khổng lồ được xem là một trong những đóng góp vĩ đại nhất trong lịch sử kinh tế học.

Trong thời gian Thế chiến thứ II, bên cạch việc phê phán chủ nghĩa xã hội xuất phát từ góc độ kinh tế, Hayek cũng tiến hành phê phán chủ nghĩa xã hội xuất phát từ góc độ chính trị. Quan niệm phổ biến lúc bấy giờ là, vì chủ nghĩa tư bản không bị kiểm soát nên khủng hoảng kinh tế mới xảy ra, và hậu quả là, chủ nghĩa phát xít xuất hiện. Nhưng Hayek lại không nghĩ như vậy. Đối với ông, Stalin và Hitler chỉ là hai cái vỏ của cùng một nhân: chủ nghĩa tập thể. Ông trình bày quan điểm của mình qua cuốn Con đường tới nô lệ (The Road to Serfdom) (1944). Ông chống lại không chỉ chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa xã hội toàn trị kiểu Liên Xô, mà còn cả chủ nghĩa nhà nước phúc lợi đang nảy nở ở Anh sau thời hậu chiến. Ông lập luận rằng, một khi chủ nghĩa tập thể được lựa chọn, hoạch định tập trung tất yếu sẽ diễn ra; để hoạch định tập trung có thể diễn ra, quyền lực cần được tập trung vào một nhóm thiểu số hay chế độ độc tài; một khi quyền lực được tập trung vào tay một nhóm thiểu số, dân chủ và pháp trị sẽ bị thủ tiêu; một khi dân chủ và pháp trị bị thủ tiêu, hệ thống toàn trị và các hình thức phân biệt tầng lớp xã hội cũng như sắc tộc xuất hiện; và chế độ phát xít, chế độ nô lệ quay trở lại.

Con đường tới nô lệ ngay lập tức trở thành cuốn sách không thuộc chủng văn học bán chạy nhất ở Anh và Mỹ lúc bấy giờ. Hayek đột nhiên trở lên nổi tiếng trên thế giới và được mời sang Mỹ diễn thuyết ở khắp nơi trong gần một tháng trời. Tuy nhiên, sự xuất hiện của cuốn sách đã khiến ông hầu như bị mất sạch uy tín trong lĩnh vực kinh tế học thuật vì đã tấn công vào việc xây dựng nhà nước phúc lợi ở Anh cũng như ở các nước châu Âu khác “một cách thiếu khoa học”. Nhưng sự thành công của cuốn sách lại giúp ông tìm ra một hướng đi khác cho mình. Giờ đây, ông thấy rằng có nhiều vấn đề còn quan trọng hơn cả các vấn đề kinh tế kỹ thuật mà ông yêu thích trước đây, đòi hỏi ông phải làm sáng tỏ và phân tích chi tiết hơn nữa.


*


Năm 1950, ông chấp nhận lời mời làm giáo sư cho trường Đại học Chicago (Mỹ), nhưng không phải với tư cách là nhà kinh tế mà là nhà nghiên cứu xã hội và luân lý. Ở đây ông thường xuyên tổ chức các bài giảng về chủ nghĩa tự do và về triết học chính trị và xã hội. Đối với ông, đây là một môi trường lý tưởng giúp ông làm sáng tỏ các các ý tưởng khiến ông bận tâm bấy lâu. Và, thành quả của quãng thời gian ông sống ở Mỹ là cuốn Hiến pháp về tự do (the Constitution of Liberty) (1960). Trong phần đầu của cuốn sách, ông đả phá quan điểm về bình đẳng của các nhà xã hội chủ nghĩa. Theo ông, mệnh đề “tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng” đơn giản là không đúng. Trên thực tế, vì tất cả mọi người đều khác nhau về thể chất cũng như môi trường sống, nên họ có những khả năng khác nhau và nhu cầu khác nhau. Họ chỉ thực sự bình đẳng với nhau khi họ được đối đãi ở những mức khác nhau. Bình đẳng trước luật pháp và bình đẳng về mặt vật chất vì thế không những khác nhau mà còn không thể song hành và chúng ta chỉ được phép chọn một trong hai thứ đó. Và Hayek chọn bình đẳng trước luật pháp thay vì bình đẳng về mặt vật chất. Đó chính là cơ sở để Hayek xác lập vị trí và vai trò của chính phủ ở phần sau của cuốn sách.

Cũng như Locke, Hayek coi luật là một phần thiết yếu của tự do. Ở đâu không có luật, ở đấy không thể có tự do. Luật là cơ sở để mọi người hợp tác và trao đổi với nhau. Vai trò của chính phủ do vậy là xây dựng và duy trì một khung pháp luật rõ ràng và ổn định để xã hội vận hành. Chính phủ không có nhiệm vụ chỉ bảo người dân phải làm cái gì, mà là tạo điều kiện để người dân làm cái mà họ cho là cần thiết. Hayek cũng đồng ý rằng, ở một mức độ nào đó, chính phủ có thể cung cấp một số dịch vụ xã hội cho dân chúng như giao thông, giáo dục, y tế, bảo hiểm thất nghiệp và hưu trí, từ thiện v.v... với điều kiện là chính phủ không được giành độc quyền cung cấp các lĩnh vực đó. Không những thế, chính phủ cần phải tìm cách khuyến khích và chuyển giao việc cung cấp các dịch vụ này sang phía tư nhân càng nhiều càng tốt.

Sau 12 năm sống ở Mỹ, Hayek chuyển về trường Đại học Tổng hợp Freiburg (Tây Đức) và tiếp đến là trường Đại học Tổng hợp Salzburg (Áo). Trong thời gian này, ông cố gắng trình bày các ý tưởng mà ông đã triển khai trong cuốn Hiến pháp về tự do bằng một lập luận chặt chẽ và hàn lâm hơn. Tác phẩm mới có tên Luật, luật pháp, và tự do (Law, Legislation, and Liberty); vì lý do sức khỏe, 3 tập của cuốn sách được ông hoàn thành và lần lượt xuất bản vào các năm 1973, 1976, và 1979. Đối với giới nghiên cứu kinh tế chính trị và pháp luật, đây được xem như là tác phẩm triết học chính trị quan trọng vào bậc nhất của cuối thế kỷ 20. Trong tác phẩm này Hayek làm sáng tỏ sự khác biệt giữa trật tự tự phát (spontaneous order) với tổ chức (organization), ông xét lại khái niệm công bằng xã hội và cho rằng nó chỉ có ý nghĩa trong phạm vi của một tổ chức, và cuối cùng ông chỉ ra hiểm hoạ của nền dân chủ đại diện, nơi mà chính phủ đại diện nắm cả quyền lập pháp và hành pháp, đối với trật tự tự phát của một xã hội tự do. Thông qua tác phẩm này, Hayek muốn hướng xã hội tới một mục tiêu cao nhất: xây dựng một thế giới tại đó những luật lệ phổ quát nhất ngự trị. Ông viết, “chỉ có thể thông qua việc mở rộng các nguyên tắc xử sự công bằng sang các mối quan hệ với tất cả những người khác, và đồng thời tước bỏ tính chất cưỡng bức của những nguyên tắc không thể áp dụng rộng khắp, chúng ta mới có thể tiếp cận đến cái trật tự hoà bình chung khả dĩ đưa toàn thể nhân loại tiến vào một xã hội không chia cắt (a single society)” (tập II, tr. 144).

Đây là quãng thời gian mà sức khỏe của ông bị suy sụp, một phần vì tuổi già, một phần vì tư tưởng của mình không được thế giới nhìn nhận, đặc biệt khi học thuyết Keynes và nền kinh tế Liên Xô đạt tới đỉnh cao trong thập kỷ 60. Nhưng niềm tin trước sau như một của ông vào tự do cá nhân cuối cùng cũng được thế giới ghi nhận. Sự phá sản của học thuyết Keynes vào cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 ở các nước phương Tây đã dẫn đến một sự kiện hy hữu trong lịch sử: Hayek được trao chung giải Nobel kinh tế năm 1974 với một nhà kinh tế Thuỵ Điển theo trường phái Keynes, Gunnar Myrdal. (Sau này Myrdal nói rằng, nếu như ông biết trước là ông phải chung giải cùng với Hayek thì ông sẽ từ chối). Danh tiếng của ông ngày càng lan rộng khi ông được Thatcher, nữ thủ tưởng Anh, công khai bày tỏ là nguồn cảm hứng trí tuệ cho các hành động của mình.

Vào thập niên 80, dù tuổi đã rất cao, ông vẫn làm việc không ngừng nghỉ. Sự nguy hại của chủ nghĩa xã hội đối với thế giới tự do vẫn là một nỗi ám ảnh đối với ông. Ông đã phát triển các lập luận của mình về sự tiến hoá của xã hội tư bản và về tính bất khả thể của chủ nghĩa xã hội trong tác phẩm cuối cùng Sự tự phụ chết người: Các sai lầm của chủ nghĩa xã hội (The Faltal Conceit: The Errors of Socialism, 1988). Khi bức tường Berlin sụp đổ vào tháng 10 năm 1989, gần ba năm trước khi mất, Hayek bắt đầu được xem như là một nhà tiên tri thực sự, người nhìn thấy và xác định được những hậu quả của chủ nghĩa xã hội trong một giai đoạn dài hơn so với bất cứ ai khác.


*


Hayek tất nhiên không phải là nhà tiên tri. Ông đơn giản là một nhà khoa học xã hội làm việc không biết mệt mỏi vì mục đích duy nhất là giúp con người có được những hiểu biết đúng đắn về sự vận hành của xã hội loài người. Ngay từ những năm 30, ông đã nhận ra rằng, căn nguyên của các quan niệm xã hội sai lầm, và hệ quả là các chính sách xã hội sai lầm, đều bắt nguồn từ vấn đề phương pháp luận. Theo ông, sai lầm lớn nhất mà giới khoa học xã hội mắc phải là khi cố gắng áp dụng phương pháp tiếp cận của khoa học tự nhiên cho các vấn đề xã hội. Ông đã phê phán thái độ này qua một loạt bài viết trong thập niên 40 và sau đó được tập hợp lại trong cuốn Cuộc cách mạng ngược trong khoa học: Các nghiên cứu về sự lạm dụng lý trí (The Counter-Revolution of Science: Studies on the Abuse of Reason) (1952). Trên cơ sở đó, đặc biệt sau khi ấn hành tác phẩm về tâm lý học Trật tự cảm giác (the Sensory Order) (1952) - tác phẩm dần được coi là nền tảng của tâm lý học nhận thức – ông phác hoạ ra một phương pháp tiếp cận tiến hoá trong lĩnh vực xã hội, phương pháp mà sau này ông gọi là lý thuyết về các hiện tượng phức. Theo ông, hầu hết các hiện tượng kinh tế là các hiện tượng phức, và với các hiện tượng thuộc loại này, chúng ta không thể nào đưa ra được các dự đoán chính xác mà chỉ có thể chỉ ra các nguyên lý khiến cho hiện tượng xảy ra, từ đó tìm cách ngăn chặn hay đối phó với các khả năng tồi.

Trong phần mở đầu bài phát biểu thiên niên kỷ, Bruce Caldwell, đương kim chủ tịch Hội Nghiên cứu Lịch sử Kinh tế học (History of Economics Society) lúc bấy giờ, trích lại lời ca ngợi của John Cassidy, đăng trên tạp chí The New Yorker, về đóng góp của F. A. Hayek đối với kinh tế học, đặc biệt đối với sự khẳng định trước sau như một của ông về sự bất khả thể (impossibility) của chủ nghĩa xã hội, với một thái độ dè dặt bởi vì vẫn có một số học giả cho rằng, kết luận của Hayek về tương lai của chủ nghĩa xã hội là đúng nhưng lập luận thì lại sai, tức là Hayek chỉ chẳng may đúng mà thôi. Nhưng sau khi phân tích phương pháp luận mà Hayek sử dụng và ảnh hưởng của nó đối với kinh tế học đương đại, thì Caldwell đi đến kết luận, Hayek không những đã có lập luận đúng cho các kết luận của mình, hơn thế, những lập luận của ông còn đưa ra một hướng đi mới cho kinh tế học đương đại, rằng kinh tế học là một lĩnh vực khoa học nghiên cứu các hiện tượng phức. Do vậy, về cuối bài, Caldwell nhận định: “hoàn toàn có thể là kinh tế học của thế kỷ 21 sẽ còn chịu ảnh hưởng của Hayek nhiều hơn kinh tế học của thế kỷ 20 - it may well be that the economics of the 21st century is more Hayekian than that of the 20th”. Tức là, lời ca ngợi của Cassidy dành cho Hayek chẳng hề quá chút nào.


Tài liệu tham khảo

Caldwell, B. (2000), “Hayek: Right for the Wrong Reasons?”, bài phát biểu của chủ tịch Hội Nghiên cứu Lịch sử Kinh tế học (History of Economics Society), ngày 2 tháng 7. 2000.
Cassady, J. (2000), “The Hayek Century”, Hoover Digest, số 3 năm 2000, http://www.hooverpress.org/
Ebenstein, A. (2001), Friedrich Hayek: a Biography, New York.
Leube, K. R. (1984), “Friedrich August von Hayek: A Biographical Introduction”, trong Nishiyama C. and K.R. Leube (1984) (biên tập), The Essence of Hayek, Stanford: Hoover Institution Press.
Yergin, D. và J. Stanislaw, 2001, The Commanding Heights.

© 2006 talawas


[1]Câu chuyện được tóm tắt từ chương 4 của cuốn Các đỉnh chỉ huy (The Commanding Heights) của hai tác giả Yergin D. và J. Stanislaw, xuất bản năm 2001.