trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
17.6.2006
Bảo Ngọc, Vy Huyền
Ðọc “Đêm tối bao la” của Nguyễn Thị Thụy Vũ
 
“Đêm tối bao la” là những đoản khúc ghép nối lại với nhau, bộc lộ cuộc sống buồn bã về nội tâm và những khát khao vượt thoát nhuốm màu bất lực của tầng lớp bình dân ở một vùng quê miền Nam. Việc chọn bối cảnh là một khu phố nghèo bên dòng sông ở thị trấn Vĩnh Long, cũng như để nhân vật chính của câu truyện sinh sống và lo việc hương hoả trong một ngôi nhà từ đường thiếu ánh sáng là hàm ý của tác giả về sự tiếp nối từ đời này sang đời kia. Tuy là truyện ngắn, “Ðêm tối bao la” mang trong lòng chiều dài của những thế hệ và các mối dây ràng buộc từ ông bà, cha mẹ, chú thím đến con cháu. Chứa đựng trong truyện còn là hai thế giới của người sống và người chết, người tỉnh và người điên, người trẻ và người già, người đi và người ở.

Một cảm giác ngột ngạt đã được tác giả thổi vào câu truyện ngay từ những dòng đầu tiên. Hơi thở bức bối đó len lỏi trong từng câu chữ, chạy suốt cho đến khi câu truyện kết thúc. Tác giả dường như dùng bút pháp chống lại “thẩm mỹ hoá”, dung nhan những nhân vật từ chính đến phụ, qua ngòi bút của tác giả, đều hiện lên với những đường nét kém thẩm mỹ đến độ khó có thể dành được cảm tình của người đọc. Phải chăng đó là một cách tác giả để cho độc giả cảm nhận được nỗi cô đơn hữu hình, cảm nhận được bất hạnh mà những nhân vật bắt buộc phải nhận lấy dù muốn hay không muốn?

Nếu nói bất hạnh thì không hẳn đúng, nhưng những điều không may đã làm cho cuộc sống của nhân vật chính trong truyện là Linh trở nên bức bối. Cô không lấy được người mình yêu, tình cảm với người tiếp theo chai sạn dần, đời sống buồn tẻ. Để cố thoát khỏi tất cả những điều nhàn nhạt, vụt vặt, không chút vui thú cứ tái diễn mỗi ngày đó, cô muốn hoá thân thành một cô đào xinh đẹp, được các chàng trai thanh tú vây quanh. Nhưng không may, cô chỉ sở hữu một trí tưởng tượng nghèo nàn nên không thể là một nhà văn để thoả mãn được ước mơ của mình. Nói cách khác, khát vọng của cô vượt quá những gì cuộc đời có thể ban tặng nên cô mãi mãi bị giam hãm trong sự cô đơn đã thấm sâu vào tâm khảm.

Không phải vô cớ mà tác giả gắn liền cuộc đời một người con gái như Linh với một bà cô già tên Điếc với chứng tâm thần bất ổn. Giữa hai con người một tỉnh một điên này, tuy biểu hiện bên ngoài khác nhau, nhưng tận trong tâm hồn lại có một sự giống nhau lạ lùng. Khi Linh chỉ ước mơ hão huyền về một thế giới văn chương không có thực mà cô là nhân vật chính yêu kiều được nhận nhiều sự yêu thương và ban phát sự yêu thương, thì bà Điếc không ngại ban phát tình yêu của mình và nồng nhiệt nhận lại tình cảm từ người khác phái trong thế giới thực. Khi Linh chỉ dám viết thư cho người tình phụ bạc hăm doạ sẽ trả thù bằng cách đi sửa sắc đẹp để chinh phục đàn ông thì bà Điếc biết làm dáng thực sự bất chấp tuổi già. Linh chỉ biết than thân trách phận vì sao không được sắc nước hương trời thì bà Điếc biết làm cho mình đẹp nhất trong những kẻ xấu xí nhất. Linh bị Duy bỏ rơi với cái thai phải tự đi phá thì bà Điếc bị người tình cuỗm hết tài sản rồi biến mất. Dù buông xuôi hay cố gắng, cả hai người đều bị “hạnh phúc” phản bội và ruồng bỏ. Mỗi người một cách nhưng nỗi đau thì như nhau.

Sự ma quái xuất hiện càng lúc càng dày đặc vào phân đoạn gần cuối đời của bà Điếc. Những oan hồn trong dòng họ trở về với người sống qua những mẩu chuyện trò trong đêm với bà Điếc. Điều đó ám ảnh Linh, làm cô sợ hãi. Cho đến một ngày bà Điếc qua đời, Linh mới nhận ra là cô đã dựa vào bà một cách vô thức từ trước đến nay. Rồi cô kêu gào Duy trở về với cô, nhưng đó là một hy vọng mong manh, một sự giãy dụa cuối cùng của tuyệt vọng. Cả cái bào thai bị Linh bức tử cũng lại ẩn hiện trong sự dằn vặt đau khổ của cô. Những con người đã bỏ cô đi sẽ không bao giờ trở lại nữa.

Đoạn cuối câu truyện, chỉ còn lại nhân vật chính chung sống trong cùng một không gian với những hồn ma, cô cảm thấy sự gắn bó mật thiết với những linh hồn, cô nhận thấy mình trong những số phận những kẻ bất hạnh đã nằm sâu trong lòng đất, vậy cô đang sống hay cô đã chết?

Bảo Ngọc


*


“Ðêm tối bao la” được viết trong thời chiến, nhưng mức độ ác liệt của chiến tranh không xâm nhập vào truyện, trái lại là cái nhìn rất bình thường, coi cuộc chiến như một phần cuộc sống. Không khí chán chường, thất vọng, u ám bao trùm cả một xã hội lác đác hình ảnh một hai người đàn ông. Trong suốt truyện, chúng ta chỉ thấy vỏn vẹn một nhân vật Duy, là người bạn trai của Linh (nhân vật tôi). Qua cách tả của “tôi”, Duy không phải là người mà cô hoàn toàn có thể đặt niềm tin và tình cảm, nhưng cô không có một chọn lựa nào khác cho vơi bớt ngày tháng gặm nhắm cô đơn.

Linh đến với văn chương để trút đi những cô đơn của cuộc đời, nhưng nhiều khi cô cũng chán ngấy việc viết văn. Cô tuyên bố: "Tôi chán viết văn. Văn chương nào phải là cái cớ để phụ nữ giải toả ẩn ức. May mà tôi không đem bài vở đăng báo. Có một chàng văn sĩ đòi bạt tai lũ đàn bà cầm bút, hăm he đuổi họ trở về chỗ bếp núc và chỗ ngồi lê đôi mách. Thái độ du côn đó chẳng những không làm tôi giận mà tôi còn mê chàng nữa, rồi vẽ ra trong óc là chàng trai đẹp trai hấp dẫn như James Bond hay chàng điệp viên 007." [ trang 45].

Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, trong bài "Văn học Việt Nam: Một nền văn học nghiệp dư" đã nói đến cách mỗi người tìm đến văn chương như là một thú vui hơn là một công việc kiếm sống. Còn nếu đã tìm đến văn chương để kiếm sống thì nó thiên về báo chí, chứ không còn đơn thuần là văn học. Việc nhân vật tôi trong truyện nói "May mà tôi không đem bài vở đăng báo" cũng tương tự như Nguyễn Khuyến đã viết trong bài “Khóc bạn”:

Câu thơ nghĩ đắn đo muốn viết
Viết đưa ai, ai biết mà đưa

Đến cuối truyện, khi người đàn ông của Linh đã ra đi, người đọc thấy được một tia sáng loé lên giữa những ngày đen tối. Linh trong cơn thất vọng ê chề vẫn hy vọng một ngày tươi sáng hơn sẽ đến trong cuộc sống của cô, như niềm hy vọng rắng cô sẽ lấy chồng là sĩ quan Thủ Đức, sẽ đi sửa lại sắc đẹp và làm một người đàn bà phong nhã. Nhưng cuối cùng, sau những mộng ước hão huyền, Linh đã trở về với thực tế của cuộc đời, với một hy vọng rất bình thường là mở lại đường về cho Duy, người đã bội bạc bỏ cô ra đi.

Ngoài ra, trong “Ðêm tối bao la” còn có nhân vật Bà Điếc "nửa tỉnh nửa khùng", nhưng sống một đời sống tự do và đi ngược lại với những lề lối mà xã hội vẫn còn đặt nặng trên mỗi con người, đặc biệt là với phụ nữ. Bà Bảy thật sự có điếc hay không? Tôi tin rằng người đàn bà này không điếc và cũng không khùng như cách những nhân vật trong truyện nhìn bà. Nhưng bà "điếc" vì đã không lắng nghe, đã không tuân phục cái nền tảng luân lí mà xã hội đặt ra. Bà tự tìm cho mình một lối đi riêng, một cuộc sống riêng, tự tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình. Bà đã sống không theo bất kỳ một lề lối nào, bất chấp việc bị mọi người xung quanh nhìn với con mắt kỳ dị. Ngay nhân vật tôi, trong suốt quãng đời sống với Bà Điếc, cô vẫn cho rằng bà không bình thường, để rồi khi ngồi nghĩ lại, cô tìm thấy đâu đó hình ảnh của chính cô trong tương lai. Bằng việc xây dựng nhân vật bà Ðiếc, Nguyễn Thị Thụy Vũ đã phá đi những chuẩn mực [được coi là] đạo đức, nhưng thật ra đầy thành kiến, và [ngầm] hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.

Ngoài ra, tuy xã hội trong truyện tuy vẫn còn bao trùm bởi những áp lực, lề lối xưa cũ, người đọc vẫn có thể thấy ảnh hưởng của văn hoá phương Tây đang thấm dần vào. Hình ảnh một người đàn ông hấp dẫn như Hercule, James Bond, một người đàn bà gợi cảm như Liz Taylor thay đổi dần những quan niệm trong xã hội miền Nam đã và đang tiếp cận ngày càng gần hơn với nền văn hoá Tây Phương.

Vy Huyền

© 2006 talawas