trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtÂm nhạc
Loạt bài: Kỉ niệm 5 năm ngày mất của Trịnh Công SÆ¡n
 1   2   3 
1.4.2006
Bùi Văn Phú
“Biết bao điều vẫn trôi qua...”
(Tháng Tư nhớ Trịnh Công Sơn)
 
Ca từ trong nhạc phẩm “Diễm xưa” và những tác phẩm viết về Trịnh Công Sơn (ảnh Bùi Văn Phú)

Khi Sài Gòn thay tên đổi chủ, tôi đang ở trên một con tàu không máy, lênh đênh giữa biển Đông vô định. Từ một chiếc ra-đi-ô nhỏ phát đi lệnh đầu hàng, cùng giọng hát và những lời ca quen thuộc:

Rừng núi giang tay nối lại biển xa
Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà
Mặt đất bao la anh em ta về
Gặp nhau mừng như bão cát
Quay cuồng Trời rộng bàn tay ta nắm
Nối tròn một vòng tử sinh

Tôi đã khóc vì xa lìa gia đình, khóc vì đất nước hòa bình mà sao mình lại ra đi, khóc vì nhớ bạn bè một thời cùng chung chí hướng mà không biết bây giờ mỗi đứa ở đâu, ra sao.


*


Nhạc Trịnh Công Sơn đã đến với tôi qua thầy Thuận, dạy môn Văn ở cấp 2. Thày Thuận rất trẻ, một bên má bị cháy do bởi bom đạn chiến tranh khiến làn da nhăn lại và tím. Thầy rất văn nghệ, là ông thầy duy nhất đã đem đàn ghi-ta vào lớp hát cho học trò nghe:

Ghế đá công viên, dời ra đường phố
Người già co ro, chiều thiu thiu ngủ
Từng cuộn dây gai che kín môi cười
Đạn về đêm đêm đốt cháy tương lai

Lần đầu tiên tôi nghe ca từ của nhạc Trịnh không với giọng hát Khánh Ly, mà của thầy Thuận. Trong lớp có giờ sinh hoạt hiệu đoàn mỗi tuần và nhờ máu văn nghệ của thầy nên trong đám học trò chúng tôi có nhiều giọng ca học sinh. Trần Bá Nam hay hát “Cánh hoa thời loạn” và “Những đóm mắt hỏa châu”, Nguyễn Đức Tuyển với “Lòng mẹ”. Nguyễn Đức Bảo thích ôm đàn ghi-ta và ngân nga “Diễm xưa”:

Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhỡ mai trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau

Chúng tôi còn được thầy Thuận kể cho nghe về vụ nổ súng trong một buổi diễn văn nghệ tại Đại học Văn khoa. Đêm đó có một sinh viên đăng đàn chống chính phủ, chống Mĩ, bị một sinh viên khác nhảy ra giựt lại mi-crô. Liền có tiếng súng nổ. Nam sinh viên vừa giành lại mi-crô đã bị bắn gục. Cô gái vừa tuyên truyền trên sân khấu bước ra khỏi hội trường, có mấy người rượt theo nhưng đều bị quật té. Trịnh Công Sơn và Khánh Ly ngồi ở hàng ghế đầu nhưng may mắn không bị trúng đạn.

Tôi thích học giờ Văn của thày Thuận, thích giọng đọc thơ trầm bổng của thầy, thích được nghe thầy hát nhạc Trịnh.


*


Khi chiến tranh ùa vào thành phố, tôi mới ở tuổi hơn mười. Sáng sớm mồng Hai Tết, ngoài đường nhiều người tụ họp bên những bàn bầu cua tôm cá để vui xuân lấy hên đầu năm. Khoảng 8 giờ, một người lính hải quân tay bị thương dính đầy máu từ trung tâm thành phố chạy về báo động thủ đô đang bị tấn công. Khi đó mọi người mới nhận ra trong tiếng pháo nổ là những tràng đạn AK-47, nghe giòn và thanh hơn. Thế là sinh hoạt và không khí Tết tan biến. Tết Mậu Thân là cái Tết ngắn ngủi nhất trong đời tôi.

Tháng 5 năm đó chiến tranh đến gần hơn. Một buổi chiều, tôi thấy phóng pháo cơ sà xuống, nhả bom từ hai bên cánh. Rồi những tiếng nổ ầm vang, rung nhà và mảnh bom rớt ngay trước ngõ. Tôi nghịch ngợm vồ lấy nó. Mảnh bom còn chứa sức nóng khủng khiếp khiến tôi phải vất xuống ngay.

Trận chiến ở Nghĩa địa Tây, Ngã tư Bẩy Hiền làm đại tá không quân Lưu Kim Cương tử trận. Tôi nghe người lớn kể rằng khi ông đem quân ra giải vây vòng đai phi trường, xe jeep của ông trúng đạn B-40. Sau có lời nhạc bất tử:

Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng du
Tiễn đưa nhau trong một ngày buồn
Đất ôm anh đưa về cội nguồn
Rồi từ đó trong trời rộng đã vắng anh
Như cánh chim bỏ rừng, như trái tim bỏ tình
Bạn bè còn đó anh biết không anh
Người tình còn đây anh nhớ không anh

đã trở thành bài ai điếu mà tôi và nhiều người Việt thường ngân nga khi có thân nhân, bạn bè, láng giềng chết trong cuộc chiến.

Đầu thập niên 1970, những băng nhựa “Hát cho quê hương Việt Nam” ra đời. Khắp xóm ngõ quê hương miền Nam, từ thành thị đến thôn quê, từ quán cà phê đến những cánh đồng vang lên nhạc Trịnh với giọng hát Khánh Ly:

Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ để lại cho con
(một bọn lai căng, một lũ bội tình)
Gia tài của mẹ một nước Việt buồn

Dòng lịch sử dân tộc. Một lời tiên tri.


*


Biến cố tháng Tư năm 1975 đưa nhạc Trịnh ra khỏi không gian Việt Nam, theo đoàn người Việt bỏ quê đi khắp bốn phương trời. Nhạc Trịnh đã vang lên ở những con phố Paris thơ mộng, ở Little Saigon miền California nắng ấm.

Tôi gặp lại nhạc Trịnh qua “Biết đâu nguồn cội” với tiếng hát Khánh Ly trong đêm văn nghệ sinh viên Bắc California.

Tôi ru tôi giữa đời ơi a biết đâu nguồn cội
Tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài

Lòng tôi xôn xao khi được nghe “Em còn nhớ hay em đã quên” gửi ra từ trong nước qua bút danh mới Hồng Ngọc:

Em còn nhớ hay em đã quên
Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng
Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân
Nhớ đèn đường từng đêm thao thức
Sáng cho em vòm lá me xanh

Tôi mơ màng nghe “Biển nhớ” vang vang giữa đảo tị nạn vào những sáng có tàu đến đưa người đi định cư. Ở đó có những giọt nước mắt ngắn dài của thuyền nhân đã từng đi chung một chuyến tàu, của những cặp tình nhân cùng nhau sinh tử mà giờ lại phải chia tay buông theo dòng đời.

Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về
Gọi hồn liễu rũ lê thê, gọi bờ cát trắng đê mê

Sầu dâng. Xa cách.

Ở Hồng Kông tôi gặp lại nhạc Trịnh qua một băng cát-sét với một giọng ca mới: Thanh Hải.

Chiều trên quê hương tôi
Có biết bao điều vẫn trôi qua
Nét quê hương nghìn năm vẫn là

Khi xem phim Karma của đạo diễn Nguyễn Quang Minh chiếu trong Đại hội điện ảnh Á châu lần thứ 11, lần đầu tiên tôi nghe “Đời gọi em đã bao lần.”


*


Sau hai mươi năm xa quê, tôi trở về nơi mình đã sống tuổi niên thiếu với một ký ức còn đầy ắp những kỉ niệm. Gặp bạn bè cũ gợi lại những ngày miệt mài đèn sách cùng rong chơi hàng quán, hoạt động sinh viên. Nhưng khi nhắc lại nhạc xưa chẳng còn mấy ai thuộc. Cuộc đời đã quá khắt khe trong những năm tháng sau ngày quê hương thống nhất. Những cấm đoán, càn quét văn hoá miền Nam và cuộc sống với nhiều khó khăn, bất trắc đã làm các bạn quên đi những bài hát nhiều kỉ niệm mà đã một thời ôm đàn hát ca với nhau nơi khuôn viên đại học hay ở những quán cà phê.

Trong một chuyến đi phố Sài Gòn, hỏi người tài xế tắc-xi thì được biết Trịnh Công Sơn nay đã sinh hoạt trở lại. Vào một quán kem trên phố Lê Lợi, mua vài tờ báo đọc thấy có bài viết về Trịnh Công Sơn và về Huế:

“Sau bao nhiêu năm lận đận, Sơn muốn có cái chòi ở Huế để về sống với quê hương, với bạn bè và sáng tác. Ngoài đợt công diễn hai đêm khá đồ sộ vào cuối tháng bảy vừa qua, anh mong sẽ có một ngày cùng với Khánh Ly trở về thánh địa của mình, nơi có “Nắng thủy tinh”, có “Diễm xưa”, có “Hạ trắng” và “Biển nhớ”… để hát” (“Huế và Sơn”, Tuổi Trẻ ngày 13.8.1995).

Ở quê nhà năm đó tôi mua băng hình ca nhạc “Ru tình” do Hãng phim Trẻ sản xuất. Nếu nghe nhạc Trịnh cho tôi nhiều ấn tượng về quê hương, thì “Ru tình” với cách diễn xuất của Trịnh Vĩnh Trinh đã chuyên chở nhiều hình ảnh đẹp của quê hương mà tôi hằng ấp ủ. Đây là một tuyệt phẩm văn nghệ về khía cạnh ngoại cảnh và diễn xuất. Những khu phố cổ Hà Nội, những vòng xe đạp, những bãi biển, cồn cát, núi đá vôi, những dòng sông, những bộ áo dài, áo tứ thân, áo miền sơn cước và âm điệu dân tộc đã được Trịnh Vĩnh Trinh thể hiện tuyệt vời. Nhưng không hiểu vì sao trong đó thiếu nét đẹp của Cố đô, dù trong băng Trịnh Công Sơn nhắc rất nhiều đến Huế.


*


Sau gần một tháng sống với quê hương, thỏa giấc mộng thời thanh niên là được đi thăm ba miền, tôi rời quê hương qua ngả Nội Bài. Khi phi cơ cất cánh, tôi khe khẽ cất giọng ca từ mới thuộc trong thời gian ở quê nhà:

Hai mươi năm em trở lại rồi
Trả lại một đời xa vắng vòng tay
Hai mươi năm vơi cạn lại đầy
Trả nợ một thời môi vắng vòng môi

Bà xã bồng con nghe tôi hát lại nói một câu, cái câu mà nàng vẫn thường hỏi khi thấy tôi ôm đàn ghi-ta và ngân nga nhạc Trịnh: “Lại nhớ bồ cũ chứ gì.” Và lời đáp của tôi thì rất bình thường như đã bao nhiêu lần tôi trả lời nàng: “Bồ thì không nhớ mà nhớ quê hương.”

Qua cửa sổ phi cơ, quê hương xa dần phía dưới. Dòng sông Hồng nước lờ đờ uốn quanh những cánh đồng lúa xanh rì. Kỉ niệm với quê hương còn thơm như những trang giấy mới hiện về. Thủ đô Sài Gòn cũ giờ tấp nập người, xe. Sông Bé có bưởi ngọt lịm. Phan Thiết có trái thanh long, có mùi nước mắm, có những bãi tàu một thời đưa người vượt biển. Đến Nha Trang tắm biển, ghé Ninh Hòa ăn nem rán. Thủ đô Hà Nội với những di tích cổ xưa: Văn Miếu, Hồ Gươm, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, Quảng trường Ba Đình lồng lộng gió. Kỉ niệm quê hương giờ là con đường đổ đá gập ghềnh dẫn vào thôn Chiền, Nam Định, nơi có mồ mả tổ tiên, nơi cha ông vẫn sống trong những căn nhà nền đất đã phủ rong rêu từ cả thế kỉ qua.

Quê hương đó. Vừa xa mà đã lại nhớ rồi.

Em ra đi nơi này vẫn thế
Vẫn có em trong tim của mẹ

Có phải Trịnh Công Sơn vẫn là người chuyên chở giùm tôi tình yêu quê hương rộn ràng.


*


Tin Trịnh Công Sơn mất tôi nhận qua email từ một người bạn gốc Hà Nội cũng rất mê nhạc Trịnh: “Một tin buồn cho những ai yêu nhạc. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã về với cát bụi. Chúng ta hãy dành một phút để cám ơn người nhạc sĩ tài danh đã đem đến cho đời những dòng nhạc để con người thương yêu nhau hơn”.

Giấc mơ đi thăm Huế, Sài Gòn, Hà Nội của tôi đã thành hiện thực. Nhưng Trịnh Công Sơn, một đời cống hiến cho quê hương lại có những giấc mơ chưa tròn, đó là cùng hát bên cạnh Khánh Ly ở Huế.

© 2006 talawas