trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
talaFemina
  1 - 20 / 43 bài
  1 - 20 / 43 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộitalaFemina
8.3.2006
Tung Nguyen
Các cô gái bán bar đất Việt - Vừa hát vừa sờ
Trình Mân, Lu Tuấn dịch
 
Các quán Karaoke đã trở thành hình ảnh quen thuộc ở Việt Nam. Linh, một nữ tiếp viên 18 tuổi, phải làm trong quán rượu ở thành phố Hồ Chí Minh để nuôi gia đình năm nhân khẩu. Cô đã phải bỏ học để lao vào một nghề mà không phải ai cũng muốn làm.

Đã 9 giờ tối, giờ cao điểm ở một quán Karaoke tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố lớn nhất đất Việt. Đây là giờ các doanh nhân vãn việc, những người trẻ tuổi hiếu động trong số họ rủ nhau vào các hàng quán để tìm thú vui và tình dục. Những căn phòng chật hẹp của các tửu quán ngập người, có khi đến 15 hay 20 mạng, đầy ắp những tiếng gào thét cuồng loạn và âm thanh chát chúa.

Linh, năm nay 18 tuổi, đang dọn dẹp căn phòng vừa hết khách, nơi trước đó ít phút một đại gia kinh tế đã vui vầy cùng các đối tác. Bây giờ chỉ còn mỗi mình cô phải thu dọn những chai whisky uống dở, những bao vỏ ni lông và mấy chiếc mi-crô-phôn. Trông cô gái có vẻ thờ thẫn, phấn son thì nhoè nhoẹt. Linh là nữ tiếp viên thường nhật của quán, một công việc buồn bã đến nỗi khắc lên cả một số gương mặt non trẻ những nét cay đắng cuộc đời.

Linh tâm sự, gái bán bar đồng nghĩa với việc mỗi ngày phải chịu để cho những người đàn ông xa lạ sờ soạng, phải uống rượu và ca hát với họ. Một số cô còn bán dâm vào buổi khuya. Linh làm việc tại nhà hàng này từ lúc 16 tuổi, khi cha mẹ mang nợ ngập đầu vì làm ăn thất bại và không biết phải làm sao nuôi nổi cô cùng hai em. Và Linh đành phải chủ động. Cô bỏ học và bắt đầu phải lao vào thế giới trà đình tửu quán.

Hầu như một mình cô đã nuôi cả gia đình năm người, suốt hai năm nay, với đồng lương vừa đủ trang trải cuộc sống. Thu nhập dĩ nhiên có vượt một số ngành nghề thanh danh hơn. Khác với những điều thường được kể, ít có cô gái bán bar hay mãi dâm nào bị cưỡng bức phải bán mình. Chính số phận đã buộc các thiếu nữ như Linh phải lao vào nghề này.


Chỗ hội tụ của giới ưu tú tương lai

Cùng lúc ấy, các thành phần thượng lưu hơn của xã hội đang gặp gỡ nhau ở tầng trên: âm thanh chát chúa ồn ào vang khắp phòng. "Baby if aiai couhhhhld chaehehehnge the world..." (“Bé ơi, nếu anh có thể thay đổi thế giới…” - bài “Change the world”). Một nhóm hai chục học sinh trung học đang liên hoan chen chúc bên nhau. Họ là học sinh trường phổ thông cấp 3 trường Lê Hồng Phong, trường chuyên, dành riêng cho học sinh xuất sắc hoặc con nhà giàu có - loại thứ nhì thì phổ biến hơn -. Buổi liên hoan Karaoke này là để chia tay ba giáo viên người Anh của trường. Không khí thật hân hoan, bia tuôn ào ạt bên “We will rock you”. Chả cậu nào trong đám thanh thiếu niên thèm để ý đến tốn với kém.

Đây là nơi quy tụ tầng lớp ưu tú đang hình thành của nước Việt, là thế hệ chuẩn bị cho tương lai huy hoàng của đất nước. Sẽ là đại diện các công ty ngoại quốc, là chủ hãng hay những người môi giới, để vực đất nước dậy, một đất nước cần phát triển mạnh như đa số trong họ vẫn nghĩ thế. Tuy nhiên từ nay đến đó vẫn còn đủ thời gian, đủ thời gian cho bản nhạc kế tiếp: “And aiiiaiaiii will always…” (“Và anh muốn sẽ luôn luôn…” - bài “I will always love you”)

Lúc này thì Linh đã chui về phòng nhân viên. Mùi nước hoa và son phấn đắt tiền cay nồng mắt. Cô chạnh nghĩ đến người yêu cũ, một Việt kiều ở Đức. Xưa anh ta là khách, hai người đã yêu nhau hệt như trong phim Pretty woman. Chàng đã hứa hẹn đủ điều, từ tình yêu vĩnh cửu cho đến căn nhà sẽ xây cho gia đình cô – cho đến khi chàng lên máy bay.

Sau đó cô chẳng hề gặp lại. Ban đầu chàng còn gởi SMS, thư và ngân phiếu, nhưng đến lúc nào đó bỗng nhiên bặt tin. Từ đấy Linh chẳng còn tin bất cứ khách nào nữa: Người nước ngoài thì xạo, người bản xứ thì chỉ muốn xài gái như đầy tớ hay bắt làm nô lệ tình dục. Dù Linh đã làm công việc này từ lâu, cô vẫn thường khóc thầm như những cô gái mới vào nghề.


Nhớ da diết mái trường

Chẳng ai trong các cô thích cái nghề này, nhưng số phận thường quật những đòn hết sức nhẫn tâm lên con người và phần lớn trong số họ phải cam chịu số phận.

Nhóm học sinh trung học đang hát những bản của “Thế hệ không tương lai”, Pink Floyd và Alice Cooper. Nhiều cậu đã vinh danh “phong trào không tương lai”, mặc dù tương lai của đa số hiện diện trong phòng này thật vững như bàn thạch, nhờ quyền thế của bố mẹ họ. Có sự tách bạch nào đó giữa nhà trường và cuộc sống riêng tư. Ở trường, họ thuộc nhóm ưu việt, là những học sinh mẫu mực sẽ tốt nghiệp từ một trường nổi tiếng của quốc gia. Thế nhưng ở quán Karaoke này, họ lại ca ầm ĩ "My schoooools' been blown to pieces..." (“Trường mình bị thổi tung từng mảnh…” - bài “School's out”). Đã sắp đến giờ dẹp tiệm, toàn bộ tập thể say xỉn lục đục trở về nhà. Đúng là một buổi tối tuyệt vời.

Bây giờ thì Linh mới được nghỉ. Cô đứng ven đường đợi cha đến đón. Cách đấy vài thước, một nhóm học sinh trạc tuổi cô từ trong quán ùa ra. Linh nhìn theo thèm khát. Cô ước giờ này mình vẫn được là nữ sinh, nhưng hiểu rằng số phận không hề khoan dung cho mọi người, và bản thân phải chấp nhận. Trong khoảnh khắc, Linh dõi theo suy tưởng khác, cô nhắm mắt và núp bóng một giấc mơ về tương lai.

Cô mơ mình hết sức nỗ lực để lấy bằng được chứng chỉ phổ thông. Rồi khi gia đình trang trải sạch nợ nần và các em gái đã hoàn tất học trình, cô sẽ bắt đầu sống cuộc đời mình, sẽ học một cái nghề hợp ý và tạo lập một gia đình be bé. Sẽ chẳng bao giờ phải làm gái bán bar nữa.

Một luồng đèn sáng gắt bỗng cắt đứt giấc mơ, dòng suy nghĩ. Bố cô đã đến đón con gái.


(Tung Nguyen, 18 tuổi, biên tập viên tạp chí thanh niên “Freihafen” tại Hamburg)


Bản tiếng Việt © 2006 talawas