trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
24.2.2006
Nguyễn Hoà Mai
Thư gửi ban biên tập talawas
 
Trước 1975, tôi có dạy triết học ở miền Nam, nay rỗi rảnh tôi hay theo dõi talawas, khi thấy cận Tết năm ngoái có bài “Các Mác– Một tình yêu bao la” của Đông La sau đó là mấy phản ứng của Cố Nhân, tôi đã cảm thấy sóng gió thế nào cũng nổi lên. Điều đó thật sự đã xảy ra với bài của Lữ Phương, người được Đông La nhắc đến cùng với một số vị gọi là “chống đối”, mở đầu cho một số bài viết của một số tác giả khác, cuối cùng dẫn đến bài tiếp tục “Công kích Lữ Phương” mới đây của Đông La.

Với tư cách là một độc giả, tôi thấy đây là điều rất hay vì lần đầu tiên một diễn đàn tự do ở hải ngoại có tiếng là nghiêm túc đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện công khai cuộc chạm trán gay gắt giữa hai thế lực văn hoá - chính trị tiêu biểu ở nội địa đã âm thầm diễn ra từ lâu, nay gặp điều kiện mới đang xoay quanh những vấn đề có tính chất thời sự nhạy cảm nhất để tìm cách khẳng định sự chính đáng của mình trước chuyển biến của xã hội.

Một bên là những người ủng hộ nhà nước mệnh danh là “xã hội chủ nghĩa” từ bấy lâu nay, cho rằng chế độ này đang đeo đuổi ý thức hệ Marx-Lenin có bản chất cực kỳ cao thượng, tốt đẹp và đang “vận dụng” ý thức hệ ấy để lãnh đạo đất nước, đem hạnh phúc cho nhân dân. Xu hướng tư tưởng này thừa nhận những bất cập sai lầm thực tế trong việc thực hiện đường lối ấy, nhưng cho rằng cuối cùng, ý thức hệ ấy sẽ giúp đất nước khắc phục để tiến lên. Một quan điểm như vậy tất yếu cũng bao hàm sự cần thiết phải phê phán, đả kích những người mà chế độ coi là gây rối, chống đối.

Bên kia tất nhiên là phía những người được gọi là “chống đối” nói trên (thường được các cơ quan truyền thông hải ngoại gọi là những ngưới bất đồng chính kiến), mặc dù bị nhà nước trừng phạt bằng nhiều hình thức và ở nhiều mức độ khác nhau nay vẫn tồn tại và ngày càng đông và quyết liệt thêm. Xu hướng tư tưởng chủ yếu của những người này là muốn truy nguyên đến tận cái nguồn gốc lý thuyết đã dẫn chế độ hiện nay tới những sai lầm cứ lặp đi lặp lại không ngừng suốt từ ngày cầm quyền, cho đến nay mặc dù đã có những thay đổi gọi là “đổi mới” nhưng vẫn còn đóng vai trò kìm hãm rất mạnh con đường phát triển, tự nhiên và lành mạnh của đất nước.

Cuộc tranh luận gay gắt giữa Đông La và Lữ Phương, theo tôi, đã phản ánh sự đối nghịch giữa hai quan điểm tổng quát nói trên đang tồn tại ở Việt Nam. Nhưng do xoay chung quanh một vấn đề triết học cực kỳ khó khăn gọi là “chủ nghĩa nhân đạo mác-xít”, tôi thấy cuộc tranh luận ấy đã ngả hẳn sang việc thảo luận về phương pháp, trình độ, sự hiểu biết lẫn tư cách của những người đặt ra và tìm phương hướng giải quyết vấn đề ấy. Về phía người đọc, tôi thấy những lời nặng nhẹ, gay gắt trong tranh luận giữa những vị nói trên thật sự chẳng có gì quan trọng, nhất là đối với những ai đã quen với kiểu tranh cãi trên các mạng toàn cầu hải ngoại.

Vấn đề thật sự quan trọng là xét xem hai quan điểm nói trên đã cọ xát với nhau như thế nào, bằng phương pháp tiếp cận vấn đề, sử dụng tư liệu, văn bản, sự kiện như thế nào để trình bày ý kiến của mình và thuyết phục những người đọc. Tôi nghĩ, đã khơi mào cho cuộc tranh luận này, talawas nên tiếp tục đẩy vấn đề đi tới bằng những điều tiết mang tính chất kỹ thuật cần thiết để vấn đề được thảo luận theo hướng có lợi cho người đọc, trong diễn đạt có thể chấp nhận những phê phán đúng mức nhưng thích đáng, phù hợp với nội dung đã được chứng minh, nhưng tránh không cho rơi vào những đả kích ngoài lề, có tính cách trả đũa phi học thuật, phi văn hoá.

Tôi thử đề nghị một số điểm nổi bật cần quan tâm mà cuộc tranh luận giữa hai tác giả nói trên đã gợi ra để tiếp tục tìm hiểu, tranh luận:

  1. Nếu cho rằng có một sự đồng nhất về lý tưởng và ý nghĩa giữa chủ nghĩa Marx của Marx, chủ nghĩa xã hội lý thuyết của Marx với những hình thức gọi là vận dụng chủ nghĩa Marx vào thực tế – để bảo vệ chủ nghĩa Marx – thì sẽ giải thích như thế nào về sự khác nhau và thù địch giữa Quốc tế 2 với Quốc tế 3, giữa Quốc tế 3 với Quốc tế 4 cũng như dị bản khác như chủ nghĩa cộng sản Nam Tư, Cộng sản châu Âu, cộng sản Tito, Mao…?

  2. Cũng với quan điểm coi như có sự đồng nhất giữa Marx và những cách vận dụng Marx (nhân nào quả nấy) – để cho rằng phải vứt toàn bộ chủ nghĩa Marx – thì sẽ phải giải thích như thế nào về những nỗ lực dai dẳng của học thuyết Marx trong những đảng cánh tả trên thế giới hiện nay (thí dụ dân chủ xã hội và chủ nghĩa xã hội dân chủ…) bên cạnh những xu hướng mang tính học thuật, triết học trong giới trí thức văn nghệ như mác-xit hiện sinh, mác-xít hiện tượng luận, mác-xít phân tâm, mác-xít cấu trúc, mác-xít giải cấu trúc v.v… Những thứ chủ nghĩa Marx phát sinh đó còn giữ lại được từ chủ nghĩa Marx nguyên sơ những gì hay đã bị làm cho biến thể hoàn toàn?

  3. Các chế độ còn tồn tại hiện nay sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ đã giữ được mối quan hệ thừa kế với học thuyết Marx như thế nào? Có những mặt tích cực hay không hay chỉ toàn là những điều ngược Marx, phản Marx (nhất là đường lối gọi là chuyên chính trong thời kỳ quá độ)? Riêng trường hợp Việt Nam hiện nay, luận điểm gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là gì? Là sự vận dụng tuyệt vời chủ nghĩa Marx hay chỉ là bài toán cộng giữa sự phủ định Marx hoàn toàn về mặt kinh tế với sự xuyên tạc chủ nghĩa Marx về mặt chính trị? Có gì nghiêm túc về mặt triết học trong cái gọi là “học thuyết Marx ở Việt Nam” hay không hay chỉ toàn là lợi dụng, xuyên tạc?

  4. Những người mà Đông La gọi là “chống đối” hiện nay là gì? Nếu không theo cách của nhà nước Việt Nam gọi họ là những “gián điệp”, “lợi dụng dân chủ”… thì đó có phải là những kẻ muốn chỉ trích các vĩ nhân để trở “thành vĩ nhân” như Đông La đã viết và sau này bổ sung thêm là những kẻ “rất tinh khôn, là những người có tham vọng, từng hưởng bổng lộc của chế độ, có những người còn có quyền cao chức trọng nữa (nếu có chủ thuyết riêng, nhận ra cái sai của Mác, sao lại kiên trì leo lên những vị trí tót vời như thế, hay chỉ đơn giản là mắc sai lầm, bị thất sủng, mới quay lại chống đối?)”.

  5. Về mặt phương pháp, phải căn cứ vào đâu để đưa ra những kết luận như vậy? Chẳng lẽ chỉ là kết quả của suy diễn cho rằng chỉ vì bất mãn, thất sủng, giành ăn? Những sai lầm tạo ra đau khổ oan khuất cho cả một dân tộc từ bấy đến nay chẳng lẽ không phải là nhân tố chính yếu khiến các vị ấy phải liều mạng giỡn mặt với chính quyền chuyên chính? Còn về vấn đề học thuyết Marx thì phải có những điều kiện tri thức, tham khảo, nghiên cứu như thế nào mới đưa vấn đề tranh luận đến những gợi ý bổ ích cho người đọc, từ đó tránh cho chúng tôi phải nghe nói đi nói lại nhiểu lần những ý kiến vô bằng, vu vơ, đặc biệt là những lời tâng bốc và những lời đả kích thuần dựa trên những tình cảm ủng hộ hoặc thù địch với nhà nước hiện nay. Có thể dựa vào những tranh cãi giữa Đông La và Lữ Phương từ đó rút ra được những gợi ý tích cực để tiếp cận vấn đề mang tính học thuật nói trên? Tôi nghĩ chắc BBT cũng đã nghĩ đến, đặc biệt để chuẩn bị đón chờ những cuộc chạm trán mới, có thể sẽ ác liệt hơn.
Tôi từng đọc được từ nguồn talawas những bài có thể gọi là những bài “cái” của nhiều tác giả đề cập đến vấn đề chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, có thể nói là rất hay, rất sâu. Tôi cũng mong lần này, nhân việc Việt Nam đang chộn rộn bước vào một vận hội mới, các vị danh tài ấy sẽ giúp người đọc chúng tôi, nhân cuộc tranh luận trên, nhìn rõ hơn những gì mình đang sống, đang chịu đựng và cũng đang hy vọng.

Trân trọng
23.2.2006

© 2006 talawas