trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiPháp luật
Loạt bài: Tham nhÅ©ng
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21 
11.7.2005
Phạm Viết Ðào
Ông Ðoàn Tử Long chỉ biết một mà không biết hai...
 
Chúng tôi đã đọc bài “Ngôn ngữ luật của Việt Nam thực ra không tệ lắm...” của ông Ðoàn Tử Long, đăng trên talawas số 231 (17.6.2005). Trong bài viết, ông Ð.T.L cho rằng bài đăng trên talawas của chúng tôi, được sử dụng từ nguồn báo Tiền phong chủ nhật, có phần trách móc oan luật pháp Việt Nam, trong đó có bộ Luật hình sự. Ðọc bài viết của ông Ð.T.L, chúng tôi thấy ông có phần ngộ nhận về kiến thức luật pháp cũng như cái sự biết một mà không biết hai của ông.

Thứ nhất, mở đầu bài viết của tôi đã in nghiêng ghi rõ: “Góp ý xây dựng Bộ luật phòng, chống tham nhũng.” Bài viết của chúng tôi không bàn và không góp ý cho Bộ Luật Hình sự đã được Nhà nước ban hành mà ông đưa ra, không những để giảng giải cho tôi mà còn quy chụp một số ý kiến trong bài viết của tôi. Chúng tôi phát biểu ý kiến này vì đúng dịp đó Quốc hội đang họp và thảo luận tại hội trường về dự thảo bộ Luật phòng, chống tham nhũng. Tóm lại, tôi đưa “con gà” ra để bàn, thì ông lại chìa “con vịt” của mình ra để phản bác lại và cho rằng tôi thiếu kiến thức căn bản về “con vịt” của ông.

Thứ hai, theo chương trình Quốc hội đã thông báo công khai thì vào kỳ họp thứ hai của năm 2005 sẽ thảo luận và biểu quyết về Dự luật phòng, chống tham nhũng, nhưng cho đến nay bộ luật này còn chưa được công khai để tham khảo ý kiến công luận, báo chí. Vì nó đang còn chưa công khai, thành ra trong bài viết, chúng tôi chưa thể đi sâu vào góp ý các điều khoản trong bộ luật này. Cá nhân tôi và rất nhiều cử tri rất muốn được tham gia góp ý, làm sao xây dựng được một bộ luật hoàn chỉnh, có hiệu lực, nhằm góp phần ngăn chặn đẩy lùi quốc nạn này.

Chúng tôi cũng không biết quan điểm của Tiểu ban soạn thảo như thế nào mà đến nay vẫn chưa đưa bộ luật này ra công khai. Chỉ còn 4 tháng nữa Quốc hội sẽ bàn đến Luật này, lý ra phải rộng đường dư luận sớm để tranh thủ ý kiến của cử tri. Khi Quốc hội thông qua rồi, nếu có ý kiến nào các cử tri muốn tham gia, không lẽ lại chờ Quốc hội họp lại. Chính vì chưa được tiếp cận chính thức với văn bản luật, nên trong bài viết, chúng tôi chỉ góp ý những vấn đề có tính nguyên tắc trong việc định danh, định tính cho loại tội phạm này, loại tội phạm, theo chúng tôi, chỉ nảy sinh trong bộ máy công quyền nhà nước. Có hai vấn đề chúng tôi nêu ông đã đọc kỹ nhưng không hiểu đúng: một là tên luật và hai là định danh, định tính, định lượng, phân vùng các loại tội danh trong khu vực này. Trong Bộ Luật hình sự, những điều luật: 85, từ điều 133 đến điều 145; điều 153, 159, 160, 161, 162, 165, 166, 167, 169, 173, 175, 176, 178, 179; từ điều 286 tới điều 291... đã định danh, định tính và định lượng những hành vi phạm tội trong hoạt động kinh tế, liên quan tài sản nhà nước và sở hữu cá nhân, trong hoạt động công vụ. Hiện nay, phần lớn những vụ án kinh tế, những quan chức trong bộ máy công quyền nhà nước khi phạm tội thường dựa vào các điều luật trên để xét xử. Tôi hoàn toàn nhất trí với ông, Bộ Luật Hình sự là bộ luật áp dụng cho toàn dân, do vậy phải chú ý tới mọi khía cạnh, phải khoan dung với dân, không phải cứ hành vi nào trái luật cũng bắt bỏ tù. Sinh thời, nhà văn Nguyễn Tuân từng nói: dân gian thì đã đành, chỉ sợ trung gian. Trong những thời buổi nhiễu nhương thì khó lòng mà trách dân gian. Khuôn khổ của Bộ Luật hình sự tỏ ra chật hẹp không bao hàm, thể hiện hết, tới những hành vi phạm pháp trong lĩnh vực hoạt động của các quan. Do sự biến động của các hình thái kinh tế, dẫn đến sự thay đổi theo các hình thái phạm tội, nên buộc lòng Quốc hội phải soạn thêm Bộ luật phòng, chống tham nhũng để dành cho các quan. Ðó cũng là một đòi hỏi phát sinh từ thực tiễn khách quan, chứ không phải do các tác giả của Bộ Luật Hình sự “kém,” nên bây giờ phải bổ sung sửa đổi. Vì luật dành cho quan nên, theo chúng tôi, cần hết sức nghiêm minh, phải nghiêm hơn luật dành cho dân. Luật Giao thông cũng là luật dành cho dân là chính. Bởi vì cha ông ta từng nói: Thượng bất chính thì hạ tắc loạn. Mọi sự dấy loạn đều có mầm mống từ thượng tầng kiến trúc xã hội. Chúng tôi góp ý tham gia xây dựng Bộ luật phòng, chống tham nhũng trên tinh thần đó...

Thứ ba, như quan điểm của chúng tôi đã nêu rõ trong bài, việc dùng cụm từ “Tham nhũng” là không thích hợp, chưa diễn tả đúng hết những nội hàm của loại hành vi phạm pháp nảy sinh trong tình hình kinh tế xã hội hiện nay, một loại hành vi “ký sinh” vào bộ máy công quyền nhà nước. Ðối với Bộ Luật Hình sự, không phải tất cả các hành vi phạm pháp đều liên quan đến tiền, tài sản; nhưng riêng đối với bộ luật sắp ban hành này, tất cả các hành vi phạm pháp đều liên quan đến tiền, tài sản, đều xuất phát từ động cơ trục lợi, chủ yếu nhằm chiếm đoạt tài sản của nhà nước, của tập thể. Chính vì vậy nên loại hành vi này gian ngoan, quỷ quyệt, được tính toán, ngụy trang, nghi trang, nhằm lách luật trước khi bị phát hiện. Trước khi viết, chúng tôi đã tham khảo Giáo sư Hán học Kiều Thu Hoạch. Ông xác nhận “Tham nhũng” là một từ Hán Việt, nên chúng tôi mới viết, chứ không đoán mò như ông Ð.T.L nghĩ. Cụm từ này chắc chắn được sử dụng dưới các triều đại phong kiến. Ngay cả đến thời kỳ của cụ Ðào Duy Anh biên soạn từ điển cũng chưa xuất hiện những Tổng Công ty 90-91, chưa có những ngân hàng vung tiền cho vay hàng ngàn tỷ đồng không cần đòi lại, những dự án đầu tư ném vào đó, nếu quy ra vàng phải hàng tấn, không phải vì mục đích ích quốc lợi dân, mà cốt những người tham gia dự án có công ăn việc làm và có được khoản hoa hồng hậu hĩnh... Tại phiên họp của Quốc hội vừa qua, một đại biểu đã đưa ra chất vấn về một bữa đại tiệc đón nhận huân chương của một doanh nghiệp nhà nước lên tới ngót tỷ bạc, nếu quy ra vàng cũng ngót nghét dăm chục kg vàng. Khách dự cuộc đón nhận Huân chương này, có người còn được phong bì bằng nửa cây vàng chứ đâu có gói xôi như các lễ khao làng, đón nhận sắc phong của các ông lý thời xưa...

Cụm từ “tham nhũng” rõ ràng là chỉ thích ứng với việc những ông lý, ông chánh, ông quan huyện dùng quyền lực chiếm đoạt giỏi lắm mấy cái thủ lợn, dăm con gà, dăm mẫu ruộng... Nhân đây, tôi muốn kể một câu chuyện có có thật tại tỉnh H. một tỉnh nghèo, đã được báo chí phanh phui. Tỉnh này lập dự án xin vốn ngân sách trên 100 tỷ để xây dựng một nhà máy đường, lấy lý do làm “cần câu cơm” cho dân nghèo địa phương. Xây xong nhà máy, các chức sắc trong đường dây đều giàu lên một cách bất minh. Dân ở tỉnh đó thấy vậy rủ nhau nhất quyết không trồng mía. Các ông tỉnh xây nhà máy thì các ông trồng mía mà hoạt động, mà ăn. Kết cục là nhà máy đường xây xong ba bốn năm trời không hoạt động được, vì không có nguyên liệu. Cuối cùng tỉnh H. đành phải dỡ bán nhà máy cho một tỉnh phía nam, được 30 tỷ. Sau vụ việc này, các cán bộ chủ chốt của tỉnh đó được điều đi, không ai bị kỷ luật gì, coi như hạ cánh an toàn. Sau khi nhà máy dỡ đi, nhân dân địa phương tỉnh H. có sáng kiến sử dụng nhà xưởng khuôn viên của nhà máy đường L.C xây dựng thành một trường mẫu giáo và công viên, vừa để làm nơi giáo dục cho thế hệ trẻ bài học về lòng dân, coi đây là di tích được giữ lại, một thứ “bảo tàng” về chứng tích của những hành vi chạy dự án để ăn của đám quan chức. Những loại hành vi như vậy kể ra vô vàn, nhưng rõ ràng làm sao gọi nó là tham nhũng và lãng phí được. Trong bài viết trước, chúng tôi đề nghị đặt tên Luật phòng chống sự hủy hoại và cưỡng đoạt tài sản nhà nước, tuy chưa thật vừa ý, nhưng còn sát hơn là Luật phòng, chống tham nhũng...

Những loại thất thoát như vậy, nếu căn cứ vào Bộ Luật hình sự thì không xử được, vì những người tham gia dự án đâu có làm trái, họ đâu có thiếu tinh thần trách nhiệm. Mọi thủ tục pháp lý, cần xin quyết định của ai, phê duyệt mục nào, họ đều làm đúng theo các quy định hiện hành. Họ làm rất đúng chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước, thế nhưng những dự án này đã làm thiệt hại của nhà nước dăm bảy triệu USD. Những người tham gia dự án rõ ràng là giàu lên, nhưng không bắt được quả tang họ chiếm đoạt khoản nào của nhà nước cả. Nhớ khi xưa, khi xây dựng cầu Hàm Rồng, kỹ sư thiết kế người Pháp đã nhảy xuống sông Mã tự tử vì xây xong cầu bị gẫy sập. Ông ta nhảy xuống sông vì danh dự một phần, nhưng cái chính là để tránh sự trừng phạt của luật pháp. Hiện nay có rất nhiều đường dây gây thiệt hại cho nhà nước những khoản tiền lớn hơn việc xây cầu Hàm Rồng, nhưng chưa thấy ai nhảy xuống sông, xuống hồ, để tránh sự trừng phạt của luật pháp, chứng tỏ luật pháp chưa nghiêm minh, chưa trừng phạt đến nơi đến chốn.

Kết thúc bài viết của mình, ông Ð.T.L chụp cho tôi cái mũ là “bức xúc quá mức,” tôi hơi ngỡ ngàng về ý kiến này của ông và không rõ vị trí xã hội của ông như thế nào, mà ông lại có vẻ dửng dưng, bình thản, rung đùi trước một quốc nạn như vậy. Các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải ý kiến của một số đồng chí lãnh đạo cao cấp của Ðảng và Nhà nước, coi tệ nạn này là một quốc nạn, một thứ nội xâm. Nếu đúng ra thì cả ông và tôi đều thuộc diện “ngớ ngẩn” mới đúng. Hiện nay nạn ăn cắp, ăn cướp đang hoành hành tại một số bộ, ngành, địa phương, chúng ta không làm được gì để giúp nhà nước, giúp nhân dân đẩy lùi quốc nạn này, mà lại phí thời gian vào việc duy danh định nghĩa một thứ tội ác mà người ta đang làm ồ ạt. Nhớ khi xưa vào mùa đông năm 46, Cụ Hồ đã phải lên đài phát thanh kêu gọi toàn dân: Ai có súng dúng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc... Còn trong kháng chiến chống Mỹ, nhà thơ Tố Hữu đã tiễn bạn vào chiến trường bằng những câu thơ dậy sóng:

Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ
Hơn nghìn trang giấy luận văn chương
Ði đi non nước chờ anh đấy...

Nếu theo lô gich giáo điều xơ cứng của ông Ð.T.L, thì các cụ nhà ta là duy ý chí, là không duy vật biện chứng. Vì phép này dạy: một lực lượng vật chất chỉ có thể bị triệt tiêu bằng một lực lượng vật chất to lớn hơn. Thực dân Pháp có máy bay, xe tăng, tàu chiến, có đại bác; còn đế quốc Mỹ thì có B.52 và đại bác vua chiến trường, các cụ nhà ta lại huy động con cháu mang cuốc, thuổng, gậy gộc, chông tre ra mà đối chọi lại, mà đã thành công mới hay...

Trong cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay, tôi chẳng bao giờ dám nhận mình là một chuyên gia pháp lý, nếu như thế đã được mời vào ban soạn thảo luật này rồi. Với tư cách là một cử tri, tôi muốn tham gia với ban soạn thảo, để làm sao soạn ra được một bộ luật có sức mạnh và có hiệu lực. Như tinh thần mà cụ Hồ từng kêu gọi, tôi nghĩ mình không có gan cầm cuốc, thuổng, gậy gộc ra mà đối chọi với những thế lực tham nhũng được vũ trang bằng những thứ vũ khí giống như xe tăng, đại bác và B.52, thôi thì ngồi trong nhà, đóng kín cửa, hô lên mấy tiếng thật to để trợ chiến, để gây áp lực, cũng là điều có ích. Còn theo cách nghĩ của ông: biết thì thưa thốt, không biết thì ngồi im, trong khi nước nhà đang trong cảnh trộm cướp như rươi, không chỉ xảy ra ở chốn thâm sơn cùng cốc, mà ngay cả những chốn công đường, nếu mình không tỏ thái độ gì thì bứt rứt, áy náy lắm, ông Ðoàn Tử Long ạ.

© 2005 talawas