trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 38 bài
  1 - 20 / 38 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcCác giải thưởng văn họcVăn học nước ngoài
17.7.2004
Trần Doãn Nho
Giải Akutagawa 2004: một biến cố văn học
 
Trong thời đại của Internet, điện thoại cầm tay và vô số những thú vui khác chinh phục giới trẻ hiện tại, văn học Nhật Bản - cũng như nhiều nơi khác trên thế giới - phải chịu đựng một cơn khủng hoảng lớn: số sách in ra suy giảm và do đó, ảnh hưởng đến chất lượng viết cũng như số người viết. Số lượng độc giả xuống thấp đến mức báo động và tệ hại hơn nữa là thế hệ trẻ dường như không quan tâm gì đến việc đọc sách báo, nhất là sách báo văn chương. Có nhiều lý do giải thích hiện tượng đó, mà hai yếu tố chính, theo nhiều nhà phân tích: một là trong thời đại Internet, tuổi trẻ có nhiều cách giải trí đa dạng và hấp dẫn hơn việc đọc sách; hai là sách báo văn chương thường được giới trẻ đánh đồng với các thứ giải trí bình dân khác như phim ảnh, âm nhạc, truyện bằng tranh. Văn chương hầu như mất đi tính cách đặc thù của nó

Trong tình hình có vẻ bế tắc như thế, việc trao giải Akutagawa năm nay cho hai nhà văn nữ trẻ, đã trở thành một biến cố văn chương mà cũng là một biến cố xã hội, khiến không những văn giới mà cả ngành truyền thông và công chúng Nhật sôi động hẳn lên. Hãy thử lướt qua vài “tít” lớn chạy trên nhiều nhật báo và tạp chí văn chương xứ Phù Tang thời gian qua: “Những khuôn mặt trẻ nhất từ trước đến nay đoạt giải Akutagawa”, “Hai phụ nữ, 19 và 20 tuổi, quét ngang qua sân khấu văn chương Nhật”, “Những phụ nữ trẻ nhô lên để cứu vớt nền văn chương Nhật”, “Những khuôn mặt đoạt giải trẻ thổi một cơn bão vào nền văn chương Nhật”, vân vân. Risa Wataya, 19 với “Keritai sanaka” (A Back I Want to Kick) và Hitomi Kanehara, 20 tuổi với “Hebi ni Piasu” (Snakes & Earrings) phá kỷ lục về những nhà văn trẻ nhất đoạt giải Akutagawa. Kỷ lục trước đó thuộc về nam giới: Shintaro Ishihara (hiện là thống đốc thành phố Tokyo) đoạt giải năm 1955 và nhà văn Kenzaburo Oe (Nobel văn chương 1994), đoạt giải năm 1958. Cả hai đều 23 tuổi lúc đoạt giải.

Giải Akutagawa là giải thưởng văn học lớn nhất và có giá trị nhất của Nhật (giống như giải Booker ở Anh hay National Book Award ở Hoa Kỳ), được thành lập vào năm 1935 do Kikuchi Kan, chủ bút tạp chí Bungei Shunju để vinh danh nhà văn tài hoa Nhật Ryunosuke Akutagawa (1892-1927), tác giả của câu truyện nổi tiếng “Rhasomon” (Lã Sinh Môn) – được đóng thành phim năm 1950 do Akira Kurosawa đạo diễn. Giải được tổ chức một năm 2 lần vào các tháng 1 và 7 dành cho những nhà văn trẻ, được xem như là một cách chứng nhận tư cách nhà văn. Ðoạt giải Akutagawa nghĩa là thực thụ được thừa nhận vào văn giới. Hai tác phẩm được chọn năm nay đạt 100% số phiếu của ban chấm giải. Ðặc biệt, “Hebi ni Piasu” của Kenahara được đánh giá rất cao. Ryu Murakami, thành viên ban giám khảo, nhà văn đã từng đoạt gải Akutagawa năm 1976, nhận xét: “Ðây là tác phẩm nhận được điểm cao nhất kể từ khi tôi trở thành một thành viên của ban giám khảo”. Nhận xét về 5 tác phẩm lọt vào vòng chung tuyển, ông cho biết là cả năm tác phẩm đều chia sẻ cùng một đề tài: con người hiện đại mất phương hướng và không biết phải đi đâu.

Lễ phát giải Akutagawa lần thứ 130 này được tổ chức vào ngày 15 tháng 1 tại đại sảnh đường Tokyo Kaikan, thủ đô Tokyo với sự tham dự của hơn 1200 khách, kể cả hàng trăm ký giả và phóng viên cũng như các nhà xuất bản. Ðúng là một cơ hội cho ngành truyền thông đang khát tin. Các ống kính truyền hình cũng như máy ảnh đua nhau quây đủ mọi góc cạnh của buổi lễ, đặc biệt tập trung vào hai tác giả trẻ. Các bài phóng sự thì mặc sức vẽ rồng vẽ rắn về hai người. Hai tác giả mang hai tính cách hoàn toàn khác nhau, được diễn tả bằng những nét tương phản rõ rệt: Kanehara, sinh trưởng ở Tokyo, một học sinh trung học bỏ học, có tinh thần tự do trong lúc đó, Wataya, sinh trưởng ở Kyoto, sinh viên năm hai đại học, có vẻ kín đáo hơn và do đó, hơi có phần lạc hậu. Truyện của Kanehara có một văn phong táo bạo, hiện thực với những diễn tả chi li về tình dục và bạo động. Ngược lại, truyện của Wataya có tính giễu cợt đề cập đến quan hệ mâu thuẫn giữa hai kẻ cô độc. Văn phần nào cũng nói lên con người. Tại buổi lễ, trong lúc Kanehara mặc một chiếc áo đầm xòe ngắn cũn cởn, tóc nhuộm, mắt đeo kính ghép nhuộm màu (tinted contact lenses), tỏ ra tự nhiên khi đứng trước một rừng phóng viên đủ loại thì Wataya trông như con gái nhà lành, cử chỉ rón rén và tỏ ra không mấy thoải mái khi ngồi ở hàng ghế đầu trước vô số ống kính chiếu vào. Cô là người được canh phòng nghiêm ngặt nhất. Nhà xuất bản truyện của cô thuê nhiều vệ sĩ, kiểm tra cẩn thận ở lối vào từng khách một trước khi cho bước vào phòng hội. Masahiro Kitagawa, chuyên viết về những nhân vật nổi tiếng, nhận xét: “Cô có nhiều nét quyến rũ. Hình như cô chẳng buồn kẻ lông mày, nhuộm tóc, trong khi hầu hết các cô gái thuộc lứa tuổi cô đều làm như thế. Cô có cái nhìn của một kẻ ngây thơ và thuần khiết. Hơn thế nữa, lại là một sinh viên năm thứ hai trường đại học Waseda nên cô rất được ưa chuộng”. Một trong những bạn cùng lớp của Wataya cho biết “Cô ấy là một người sống khuôn phép và thân thiện với mọi người. Nhưng cô tỏ ra không được tự nhiên khi tiếp xúc với nam giới, mặc dù họ rất mến mộ cô. Chúng tôi không hề trao đổi điện thư với nhau vì cô chẳng dùng cell phone”. Dẫu vậy, cả hai có một điểm chung: tỏ ra bối rối trước vai trò mới của mình được xem như là những đại diện tiêu biểu cho giới trẻ hiện đại Nhật Bản, là một thần tượng văn chương mới của thời đại “hậu-thịnh vượng” như ngành truyền thông thích gọi. Cả Kanehara và Wataya đều sinh ra vào lúc nền kinh tế Nhật đạt đến đỉnh cao được gọi là bubble economy (kinh tế thịnh vượng kiểu bong bóng), nhưng lại bất hạnh vì lớn lên đúng vào lúc kinh tế Nhật suy sụp mà người ta gọi là bubble burst (bể bong bóng = suy thoái) hay là post-bubble economy (hậu thịnh vượng) [1] , xã hội Nhật đang tự đặt lại vấn đề về tất cả khung cảnh xã hội, từ giáo dục, kinh tế chính trị đến quân sự.

Kanehara phát biểu với hãng thông tấn Kyodo “Hình như người ta xem tôi là người đã viết về tâm trạng của thế hệ trẻ Nhật Bản. Thực ra, tôi có ý định viết về một điều gì đó có tính cách phổ quát. Ðây là một kinh nghiệm mà tất cả chúng ta đều trải qua bất kể tuổi tác mỗi khi có vấn đề hay khó khăn gì đó trong đời sống” (...) Nếu có người cho rằng tôi giống như những thần tượng Morning Musume (một ban nhạc pop gồm 5 người rất được quần chúng hâm mộ trên truyền hình Nhật) trong văn chương hay như một nhà văn “thần tượng” thì thật là sai lầm. Thì họ muốn nhìn tôi kiểu nào là tùy họ. Tôi cho rằng nếu người ta có những cái nhìn khác nhau thì thật hay”. Còn Wataya thì sao? Kawade Shobo Shinsha, biên tập viên làm việc với Wataya phát biểu về Wataya “Nhân vật chính trong “Keritai senaka” là một người trẻ, nhưng cái được diễn tả chính là đề tài phổ quát trong tương quan giữa con người và sự cô đơn phát triển bằng cách dùng loại ngôn ngữ mà chỉ có thể viết ra bởi thế hệ của cô”.

Trong lúc hai nhà văn trẻ đang loay hoay tìm cách thích nghi với vai trò mới mẻ của mình thì những kẻ được hưởng lợi tức thời là ngành truyền thông, đặc biệt là báo chí, các nhà xuất bản và những tay thiết kế chiến lược marketing: thị trường sách báo bỗng đạt đến một mùa thịnh vượng chưa từng có. Chỉ một tuần sau khi công bố giải, “Hebi ni Piasu” của Kanehara bán được 500 ngàn bản, còn “Keritai sanaka” của Wataya bán được 900 ngàn bản. Riêng tạp chí Bungei Shunjo, đăng lại truyện của hai người đoạt giải, đạt con số bán kỷ lục vào ngày 23/2/2004: 1.185.000 tờ so với mức trung bình 650 ngàn tờ/tháng. Hiện giờ họ đã tăng số ấn bản định kỳ lên 800 ngàn. Theo một tiệm bán sách ở Tokyo thì độc giả mua báo gồm đủ mọi thành phần, nhưng phần lớn là đàn ông tuổi trung niên. Hiện nay, hai nhà xuất bản đang tất bật với các hợp đồng nước ngoài về chuyện dịch và xuất bản. Riêng “Keritai sanaka” thì đã được phát hành ở Nam Triều Tiên tháng 4 năm nay.

Ðề cập đến sự sôi động bất thường của ngành truyền thông, chủ bút nguyệt san Subara, thuộc công ty xuất bản Shueisha nói: “Tôi cho rằng truyền thông đã phô trương quá đáng về hai tác giả, thay vì nên chú ý đến nội dung của tác phẩm”. Thực ra, đây là ý đồ của ngành xuất bản Nhật, vốn nổi tiếng về việc thường hay chọn lựa những người phụ nữ trẻ đoạt giải bởi vì họ là những mục tiêu “sexy” hơn đối với ngành truyền thông để qua đó, quảng cáo bán sách. Họ đã bắt đầu gây dư luận từ khi nghe tin ba trong số năm ứng viên vòng chung tuyển là phụ nữ trẻ. Minako Saito vạch rõ trên tờ Asahi Shimbun ngày 16/1/04: “Có yếu tố sex trong sự cuồng nhiệt của truyền thông về hai cô gái đoạt giải. Tại sao người ta xem là điều bình thường nếu có ba người nam nằm trong sanh sách chung tuyển?”, bà đặt câu hỏi. Và tự trả lời: sự xuất hiện của những nhà văn nữ đoạt giải cho thấy không những xuất phát từ sự gia tăng số lượng người viết nữ mà còn là do sự thay đổi thái độ của những nhà văn đàn ông lớn tuổi thành danh.

Ðồng ý với nhận xét đó, nhà phê bình văn học Minako Saito cho rằng “Sự nổi đình nổi đám của những nhà văn nữ không phải là một hiện tượng mới mẻ và sự chọn lựa Kanehara và Wataya đơn giản chỉ là phản ảnh sự thay đổi cách nhìn của ban giám khảo giải”. Nhà phê bình văn học Koichiro Tomioka, viết trên tờ Mainichi Shimbun số ra ngày 18/1 nói rõ hơn: “Sự thay đổi thế hệ hiện đang diễn ra trong văn chương thế giới hai thập niên rồi, số nhà văn nữ đã vượt trội số nhà văn nam, những người được sinh ra trong thời chiến tranh. Tác phẩm của họ thường diễn tả sự sụp đổ của hệ thống các giá trị cũ xưa của Nhật – gia đình, hôn nhân, tình yêu, tình bạn – và sự sụp đổ đó càng rõ ràng hơn với sự vỡ tung nền kinh tế thịnh vượng vào thập niên 1990”. Quả thật như thế! Ngoài hai nhà văn nữ đoạt giải năm nay, nhà văn thứ ba lọt vào vòng chung tuyển cũng là một thiếu nữ, cô Rio Shimamoto với tác phẩm “Umareru mori” (Emerging Forest). Shimamoto, cũng trong độ tuổi 20, là người trẻ nhất đoạt giải “Noma” với tác phẩm “Ritoru bai ritoru” (Little by Little); tác phẩm này cùng lúc được đề cử cho giải Akutagawa 2003. Ðồng thời, một trong hai tác giả đoạt giải “Naoki” 2004 – giải này cũng được thành lập cùng năm 1935 và tổ chức phát giải cùng một lần với giải Akutagawa, dành cho những tác phẩm phổ thông của bất cứ tác giả nào – cũng là một phụ nữ, bà Ekuni Kaori (39 tuổi), với tác phẩm “Gokyu suru junbi wa dekite ita” (I’m Ready to Wail). Chưa hết. Những năm trước, bà Miri Ryu đoạt giải Akutagawa năm 1997 và bà Miyuki Miyabe đoạt giải Naoki năm 1999. Năm rồi, văn giới Nhật cũng đã rộn ràng lên với một tác giả nữ khác, bà Natsuo Kirino với “Deguchi” (Out), dẫu các tác phẩm của bà chứa nhiều chất “tiểu thuyết hình sự” hơn, tương tự như các tác phẩm của Agatha Christie (Anh). Cho đến nay, “Out” đã bán hết hơn 300 ngàn ấn bản. Bản dịch Anh Văn bìa cứng đã phát hành ở Hoa Kỳ tháng 8/03 do “Kodansha International” xuất bản. Nhiều nhà xuất bản khác ở Hoa Kỳ đang liên lạc để ký hợp đồng xuất bản trong dạng bìa thường. Các bài điểm sách đầy thiện cảm đã được đăng tải trên nhiều báo chí Mỹ. Kirino cũng đã từng đoạt giải “Naoki” năm 1999 với “Yawaraka na hoho” (Soft cheeks)

Trong lúc đó, một số nhà phê bình khác có một cái nhìn tiêu cực. Họ cho rằng việc chọn trao giải cho hai tác giả trẻ là một trò marketing do ngành xuất bản sách chủ xướng nhằm thúc đẩy động lực tiêu thụ sách báo, nhất là loại sách báo văn chương trong giới trẻ. Hậu quả đương nhiên của nó là làm cho giá trị của giải bị hạ thấp. Ðiều này khiến ta nhớ lại một điều tương tự xảy ra ở Hoa Kỳ năm rồi (2003) khi ban giám khảo giải National Book Award phong tặng cho nhà văn viết truyện hình sự và kinh dị Stephen King huân chương ghi nhận sự “đóng góp xuất sắc” (extraordinary contribution) của ông vào nền văn chương Hoa Kỳ. Nhưng Ryu Murakami, một trong 10 thành viên bán giám khảo, mạnh mẽ phủ nhận lời phê phán nói trên. Ông cho rằng hai tác giả được chọn lựa là vì tương lai hứa hẹn và tài năng của họ, đồng thời họ đã nói lên xúc cảm của thế hệ trẻ bằng những diễn tả cấp tiến, táo bạo.

*


Wataya sinh trưởng ở Kyoto, sống một cuộc sống hết sức bình thường cho đến khi tác phẩm đầu tay “Insutoru” (Install) đoạt giải “Bungei” năm 2001 lúc cô mới có 17 tuổi. “Insutoru” đã bán ra được 300 ngàn ấn bản và sắp được đóng thành phim với ngôi sao điện ảnh Nhật (cũng là ca sĩ) Aya Veto đóng vai chính. Khi vừa nổi tiếng, cô bắt đầu bị quấy rầy. Cô thường bị những người không quen gọi điện thoại vào lúc nửa đêm với những lời lẽ cợt nhã, tục tĩu. Ðồng thời trên Internet, có những chatroom được mở ra chuyên môn trao đổi những ý kiến về cô và tác phẩm. Xen kẻ vào những ý kiến nghiêm túc, đứng đắn là những nhận xét có tính cách bệnh hoạn, khiêu khích. Họ còn sử dụng kỹ thuật ghép hình hiện đại ghép hình cô trong những tư thế hở hang, tục tĩu rồi gửi đến tận nhà cho cô. Người ta gọi họ là những kẻ “rình mò sao” (stars stalkers). Giáo sư tâm lý học tội phạm Akira Fukushima cho biết: “Họ thường đồng hóa nhà văn với những nhân vật được diễn tả trong truyện. Khi truyện diễn tả những qua hệ tình ái lãng mạn, những kẻ này tin rằng họ đang có quan hệ với chính người viết. Wataya chưa tới 20 tuổi, đang còn đi học, cái đó lại càng khiến cô trở thành mục tiêu cho những ám ảnh thần kinh của họ. Cô càng được canh phòng cẩn mật chừng nào họ lại càng thích đến gần chừng ấy”. Thêm vào đó, cô còn là đối tượng của nhiều lời đồn đãi đầy ác ý. Người ta cho rằng cô chơi trò thủ đoạn trong lúc mặc cả với những nhà làm phim để được đưa truyện lên phim.

“Keritai sanaka”, tác phẩm đoạt giải, dịch ra tiếng Anh là “A Back I Want to Kick” (Cái lưng mà tôi muốn đá). Nhân vật chính, cô gái Hatsu, do cá tính riêng biệt, không muốn làm bạn với ai trong lớp học của mình. Cô xa lánh mọi người và mọi người cũng xa lánh cô. Tuy thế, cô lại quan tâm đến một người, Ninagawa. Ðó là một cậu con trai học cùng lớp có cá tính y hệt cô: ưa sống cô độc, không có bạn bè. Ðiều trớ trêu là anh chàng này lại say mê một người khác: cô người mẫu thời trang tên là Ori Chang vì cô có một sắc đẹp hấp dẫn lạ thường. Ðể lôi cuốn Ninagawa, Hatsu cũng tỏ ra thích Ori và bịa ra rằng cô đã từng có dịp gặp cô người mẫu. Thế là hai người quen nhau. Không ngờ quan hệ trở thành thân thiết, đưa đến một cuộc tình lãng mạn. Tuy thế tình cảm giữa hai người đối với nhau không ổn định, vừa thương lại vừa ghét vì hình bóng của cô người mẫu luôn luôn xen vào trong quan hệ giữa hai người. Ninagawa là một thanh niên mới lớn, ngây thơ về mặt tình cảm, hồn nhiên mê cô người mẫu mà không biết rằng điều đó làm tổn thương đến tình cảm của cô bạn gái. Còn Hatsu thì dùng cô người mẫu Ori để làm vừa lòng Ninagawa (như một cách buộc anh chàng gắn bó với mình) trong lúc quá ghen tức với cô ta. Bực quá, không biết làm sao, cô bèn keritai sanaka (kick the back) Ninagawa - trong Nhật ngữ, “keritai sanaka” có nghĩa là nỗ lực để tìm cách lôi kéo người ta chú ý đến mình - cho bỏ ghét mà đồng thời cũng là một cách buộc anh ta phải chú ý đến mình. Mãi về sau, anh chàng Ninagawa mới thú nhận rằng khi mới gặp cô gái, anh ta cảm thấy mình sắp tham dự vào một cái gì quan trọng trong đời, một “dự án lớn”.

Cốt truyện tương đối giản dị. Cả hai nhân vật rõ ràng không phải là những kẻ nổi loạn mà là những người cô độc (loners) cố vùng vẫy để thoát khỏi thực cảnh. Ðược hỏi cảm giác như thế nào sau khi đoạt giải, Wataya cho biết “Tôi chẳng nghĩ gì nhiều về chuyện mình là nhà văn trẻ nhất. Tôi thích tập trung trên chuyện viết lách và không để bị lôi cuốn bởi sự bàn tán ồn ào”. Cô cho biết lần đầu tiên cô nghĩ đến chuyện viết khi cô đi nghỉ hè lúc cô đang học lớp 10. “Ai cũng cảm thấy loạn óc lên với những kỳ thi vào đại học. Tôi chỉ muốn viết để lãng quên đi chuyện học hành”. Viết, do đó, trở thành một cách giải thoát cho cô. Cô cho biết cô chịu ảnh hưởng của nhà văn Osamu Dazai. “Ông ấy viết thật hay. Cái mà tôi thích nhất là ông luôn luôn đi vào chính trung tâm của đề tài”. Cô sáng tác như thế nào? “Tôi không bao giờ tìm thấy đủ những tính từ mà tôi muốn để viết”. Và do đó, theo cô, “Tôi chồng chất hết chi tiết này đến chi tiết khác khi viết”. Cô thú nhận là câu đầu tiên trong tác phẩm “Keritai senaka”, cô phải mất đến 6 tháng mới viết ra được. Trong nguyên bản tiếng Nhật, câu đó chỉ dài có 3 chữ, có nghĩa là “Sadness resounds” (nỗi buồn vang rền)

Là một học sinh rất giỏi Anh văn, cô đã từng đoạt giải thi nói tiếng Anh khi còn học lớp 1. Hiện nay, cô đang theo học đại học ngành Anh văn. “Cô cảm thấy đời sống học đường như thế nào?”, “Thì cũng như mọi người vậy thôi” – Tham vọng của cô bây giờ là gì ? – “Tốt nghiệp”. Suy nghĩ một lát, cô tiếp “Chẳng có gì mà tôi thực sự muốn làm và cũng chẳng muốn đi dâu. Có lẽ là bướng bỉnh thật đấy. Tôi không muốn nói là tôi không muốn làm gì hết. Tôi chỉ không muốn làm bất cứ cái gì chỉ trừ việc tôi đang làm, thế thôi”.

*


Trái với Wataya, Kanehara là người có vấn đề. Cuộc sống của cô không bình thường và suôn sẻ như Wataya. Kanehara sinh trưởng ở Tokyo, vào học trường công lập. Lúc lên lớp 4 thì ngang nhiên bỏ học vì cô cảm thấy quá chán việc học hành. Mẹ cô phát hoảng lên vì lo lắng. Cha cô, Mizuhito Kanehara, một dịch giả sách trẻ con và là giáo sư đại học, lại tỏ ra điềm tĩnh hơn, điềm nhiên chấp nhận sự việc. Hai năm sau, do công việc làm ăn, gia đình dời sang ở San Francisco, hoa Kỳ đúng vào lúc cô đủ tuổi vào lớp 6. Cô trở lại trường học. Tuy đến trường không thường xuyên, nhưng ảnh hưởng của nền văn hóa và giáo dục mới mẻ tác động mạnh mẽ lên đầu óc non nớt của cô. “Có nhiều trẻ con đến từ nhiều nước khác nhau với những giá trị khác nhau. Tôi cảm thấy đó là một xứ sở của tự do tư tưởng. Thế giới quan cá nhân của tôi được mở rộng”. Ở Mỹ, không có ai nói tiếng Nhật, cô đâm ra nhớ, nên từ đó, cô bắt đầu đọc sách. Cô đọc ngấu nghiến bất cứ gì mà cô tìm thấy ở trong bộ sưu tập sách của cha cô, từ những truyện nhảm nhí cho đến các loại sách nghiêm túc, đứng đắn. “Tôi thích nhất là hai nhà văn Ryu Murakami và Eimi Yamada”. Lúc trở lại Nhật một năm sau, cô chẳng màng gì đến chuyện học mà thích lang thang trên các đường phố Tokyo. Cô thiếu nữ mới lớn trải qua những rối loạn tâm lý nặng nề, đến nỗi đã có lúc cô tìm cách tự tử bằng cách cắt mạch máu ở cổ tay. Kanehara nói: “(Lúc đó) tôi chẳng tin tưởng ở điều gì cả. Tôi cảm thấy tôi chỉ thực sự còn sống khi tôi đau” (...). Rui, nhân vật chính trong truyện, cũng tìm cách tự hành hạ thân xác mình khi đồng ý tiến hành xâu lưỡi (tongue piercing). “Rui thay đổi cơ thể còn tôi thì viết truyện, đó là một cách trốn chạy thực tại mà cũng là một cách đương đầu với nó”, cô nói.

Cuộc sống đã thế, truyện của cô lại càng gây nhiều ấn tượng. Cốt truyện của “Hebi ni piasu” đa dạng hơn, tình tiết gay cấn hơn nhiều so với “Keritai sanaka” của Wataya. Tính cách các nhân vật và cách diễn tả táo bạo, lộ liễu việc làm tình cũng như tình trạng bạo động làm bối rối nhiều người lớn tuổi. Nhân vật chính, Nakazawa Rui, là một người không thích nghi với xã hội, bị buộc chặt quan hệ với hai người đàn ông có đời sống rất bất bình thường. Một người là Amada Kazunori, khoái trò “piercing” ( xâu cơ thể). Sau khi thử nhiều cách, cuối cùng cậu ta quyết thực hiện việc xâu lưỡi mình làm sao để phía đầu lưỡi có thể chẻ hai ra như lưỡi con rắn (forked tongue). Tiến trình xâu lưỡi được mô tả tỉ mỉ ngay từ lúc mới vào truyện. Nghe lời Amada, Rui bằng lòng chịu xâm mình với hình con hươu cao cổ và một con rồng như là một cách nhập môn vào nhóm thích “thay đổi cơ thể” (body modification). Người mà Amada giới thiệu để xâm mình là Shibata Kizuki. Sau khi xâm mình, Shibata thuyết phục Rui đi thêm một bước nữa: xâm lưỡi cho thành lưỡi rắn, y như Amada. Ðể đổi lại công lao, Rui bằng lòng ngủ với Shibata. Từ đó, hai người dan díu nhau mà không cho Amada biết. Shibata bắt Rui hứa hẹn là khi nào cô có ý định chết thì cho anh ta cái hân hạnh là người duy nhất giết cô. Một đêm nọ, để bảo vệ Rui, Amada giết người. Nạn nhân là một tay anh chị hạng xoàng, lúc đó, đang tiến đến gần Rui. Sau đó, Amada mất tích một cách bí mật. Hóa ra, anh bị giết để trả thù, thi thể bị cắt ra thành từng mảnh. Rui hết sức đau khổ vì mất Amada vì cô biết rõ chỉ có anh ta là thành thật yêu mình. Cô đoán Shibata có dự mưu trong vụ giết hại này để cướp đoạt cô, nhưng cô làm như không biết, vẫn tiếp tục sống với Shibata với hy vọng một ngày nào đó, anh ta sẽ thay thế hẳn hình bóng của Amada.

Câu chuyện khá ly kỳ. Dẫu đồng ý hay không đồng ý, chê bai hay khen ngợi, mọi người đều công nhận “Hebi ni piasu” nêu lên những vấn đề nóng bỏng của xã hội Nhật ngày hôm nay. Nhiều người lớn tuổi cho biết tác phẩm gần như lột trần ra một số điều, trong lúc một số người khác thì cảm thấy khiếp hãi vì sự diễn tả tình dục và các hành vi bạo động quá chi li, quá bạo y như những nhân vật phản ứng với một thế giới mà họ không nắm bắt được. Thêm vào đó, tìm cách thay đổi cơ thể - như nhân vật đã làm – do cha mẹ sinh ra là thái độ chống lại ý niệm Khổng Tử về chữ hiếu, nhiều người vạch rõ. Riêng tác giả, Kanehara, nghĩ gì sau khi đoạt giải? “Một số người phát biểu những điều tôi không bao giờ nghĩ đến và có người lại phát biểu những điều hoàn toàn khác với những gì tôi có ý định nói. Có nhiều cách khác nhau khi nhận định về cuốn truyện. Thật thú vị, ngay cả khi đó là những hiểu lầm”, cô cho biết. Kanehara nhấn mạnh cô không có ý định viết về xã hội Nhật. Cái cô quan tâm là cá nhân của mỗi người, là tấm lòng.
Nhưng qua sự diễn tả một cá nhân đặc thù, cô vô hình chung vẽ nên khung cảnh của thế hệ post-bubble, theo nhiều nhà phê bình. Ðề tài có vẻ khá đồng nhất với chính cái xã hội đó. Ðó là thế giới của những người được gọi là “freeters”, những thanh niên không cần quan tâm đến tương lai, kiếm sống bằng những cái job bán thời gian, quan hệ tình dục mà không cần tình cảm, hoàn toàn thiếu khả năng (hay không muốn) giao dịch bằng lời. Một thế giới trong đó, nhiều điều ác có vẻ như không liên quan gì đến vấn đề đạo đức, ngay cả chuyện giết người. Những định chế hình thành nên xã hội hậu chiến Nhật gồm có gia đình-trường học-công ty – công thức tối ưu đưa nước Nhật lên hàng cường quốc kinh tế sau thời kỳ bại trận - là lúc họ chưa có mặt ở cuộc đời. Trong một đất nước mà sự gắn bó xã hội là mục tiêu hàng đầu, những nhân vật lại chẳng quan tâm gì đến vai trò của mình trong xã hội, mà chỉ tìm cách thỏa mãn những nhu cầu cá nhân, quả là trái cựa. Ấy thế mà chúng vẫn cứ diễn ra không gì ngăn cản được. Tuy thế, không giống như những người thuộc thế hệ 30 tuổi, người ta tìm thấy những nhân vật không hẳn vỡ mộng với xã hội mà lại có một chút hy vọng nào đó để bắt đầu. “Có nhiều người chẳng hề trông mong một điều gì từ xã hội. Chính vì thế họ tìm vào bên trong hoặc là tìm đến những người gần gũi với họ. Tôi không biết gì về giai đoạn thịnh vượng, cho nên cách suy nghĩ của tôi không thể nào không khác với họ được. Khi tôi sinh ra, tôi chẳng biết gì về giai đoạn đó. Hay có lẽ những gì tôi viết đã phản ảnh chút gì về thời kỳ này mà tôi không hay?”, Kanehara nói.

Cô viết văn khi nào và như thế nào? “Bất cứ khi nào tôi có một cảm giác mới hay một xúc động tôi chưa hề biết trước đó, là tôi luôn luôn ghi lại. Sau khi bỏ học trung học, tôi trải qua một thời kỳ chẳng buồn viết lách gì. Nhưng những gì tôi cảm, tôi nghĩ là có thể dùng được ở trong truyện là tôi ghi xuống giấy”, cô cho biết. Sau đó, cô theo học một khóa viết sáng tạo do cha cô hướng dẫn. Rồi cô bắt đầu viết thực thụ. Mỗi lần viết xong một phần, cô gửi cho cha cô bằng điện thư. Ông gửi trả lại cô qua đường bưu điện với những nhận xét ghi bằng mực đỏ để cô sửa chữa. Ðược hỏi cô có nghe người ta chỉ trích rằng việc chọn hai cô để trao giải chỉ là một cách quảng cáo và chụp hình giúp kỹ nghệ xuất bản sách báo, chứ không phải do tài năng, Kanehara cho biết cô chẳng quan tâm. “Bởi vì chúng tôi còn quá trẻ và vì báo chí thì lại bán chạy khiến người ta ganh ghét, người ta chỉ trích thì cũng là chuyện thường tình. Rốt cuộc, làm gì mà chẳng có người chê. Sách, báo càng bán chạy thì người ta càng chê nữa”.

Hiện nay, phấn khởi với truyện đầu tay, cô bắt tay vào tác phẩm thứ hai. “Áp lực từ bên ngoài thật là hữu ích. Nó thúc đẩy tôi viết và viết hay hơn”, cô quả quyết.

*


Thế hệ nhà văn mới, sinh vào đầu thập niên 1980, lớn lên đúng vào lúc nền kinh tế Nhật bắt đầu rơi vào tình cảnh bất trắc, chịu đựng nhiều tổn thương nặng nề mà đến giờ vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Nếu Shintaro Ishihara - đoạt giải Akutagawa năm 1955 lúc mới 23 tuổi - đại diện cho một thế hệ mới giận dữ chống lại xã hội của cha ông họ, thì thế hệ mới mà Risa Wataya và Hitomi Kanehara là đại diện, là thế hệ thanh niên bị thương tổn (damaged youth) đang tìm kiếm những giá trị mới và cách sống mới trong một thời đại giàu có về vật chất nhưng thiếu vắng giá trị tinh thần vì cô đơn, vong thân và bạo động. Trong xã hội Nhật hiện nay, khi mà nhiều giá trị đạo đức truyền thống đang bị đảo lộn hoặc sụp đổ thì sự đổi ngôi trong văn chương là điều hiển nhiên. “Dường như trong sâu thẳm tâm hồn họ có một cái gì đó, tựa như mong muốn được xây dựng lại các giá trị đã mất. Nếu như khi xưa, nhà văn Shintaro đã thành danh với việc phê phán các giá trị truyền thống trong tác phẩm trình làng Taiyo no kiseki (Season Of The Sun) thì giờ đây các nhà văn trẻ rất có thể sẽ thành công ở điều ngược lại”, đó là nhận xét của một nhà phê bình gần gũi với giới trẻ.

Trong lúc hầu hết văn giới đều phấn khởi trước “biến cố” Akutagawa 2004 thì cũng có kẻ hoài nghi. Tạp chí “The Japan Times” số ra ngày 4/3/2004 trích nhận xét của một nhà phê bình văn học cho rằng “Một phần trong sự hấp dẫn của các tác phẩm đoạt giải Akutagawa (năm nay) chính là sự thiếu hoàn hảo của chúng. Những tác phẩm kế tiếp của họ trong 5 hay 10 năm sắp tới mới có thể xác định là họ có xứng đáng được hưởng những ca tụng hết lời mà họ nhận được ngày hôm nay hay không”.

Một nhận xét dè dặt, nhưng hoàn toàn đúng. Theo tôi.


[1]“Bubble economy” là một thuật ngữ kinh tế chỉ một tình hình trong đó, một nền kinh tế thịnh vượng lên nhờ vào sự đầu cơ. Một sự thịnh vượng giả tạo như thế thường được tiếp nối bởi một sự sụp đổ bất ngờ, gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng về sau. Nó không những phá hủy những gì đạt được mà còn để lại một sự suy trầm liên tục lâu dài được gọi là “post-bubble” hay “bubble burst”. Ðó là tình trạng của kinh tế Hoa Kỳ những năm đầu thập niên 1930 hay của Nhật Bản những năm đầu thập niên 1980.
Nguồn: Gió Văn, số 3, tháng 5.2004