trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
Loạt bài: Phỏng vấn của talawas
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19 
15.6.2004
Nguyá»…n Quang A
Phần linh hồn quan trọng nhất để vận hành xã hội
Cổ Ngư thực hiện
 


talawas: Thưa anh Nguyễn Quang A, bản dịch «Xã hội mở» của G. Soros là quyển thứ tám trong Tủ sách SOS. Vì sao anh chọn cái tên SOS đặt cho tủ sách này? Tủ sách chỉ chọn giới thiệu các tác phẩm dịch?

Nguyễn Quang A (NQA): Thực ra tên đầy đủ của tủ sách là SOS2. Tôi đã không nói rõ SOS2 nghĩa là gì nên nó gây tò mò. Có người nghĩ là khẩn cấp bình phương, tức là rất khẩn cấp. Và hiểu như thế cũng được. Cái tên cũng có cuộc sống riêng của nó, chưa chắc đã như chủ ý ban đầu của người đặt tên. Tôi là người làm tin học, nên mắc bệnh nghề nghiệp. Tôi coi mỗi xã hội là một hệ thống, một hệ thống rất phức tạp. Trong các hệ thống thông tin, như các hệ thống máy tính, các mạng máy tính, mạng viễn thông, thì phần quan trọng nhất là phần mềm, là nội dung, chứ không phải phần cứng. Tôi nghĩ hệ thống xã hội cũng vậy. Phần mềm xã hội là luật, chính sách, qui chế, qui tắc, phong tục, tập quán, văn hoá v.v., tức là những cái không thể sờ mó được mà chỉ có thể biểu diễn được dưới dạng thông tin; chúng qui định, điều khiển, hướng dẫn ứng xử của các thành viên xã hội (con người và các tổ chức). Trong các hệ thống thông tin, phần mềm cốt lõi nhất, quan trọng nhất là phần mềm hệ điều hành (OS: Operating System) như Windows của Microsoft chẳng hạn. Phần mềm hệ điều hành xã hội (Social OS Software) là cái quan trọng nhất trong các phần mềm xã hội. Xuất xứ tên của tủ sách là thế, may là nó cũng biểu lộ nhu cầu cấp bách ở Việt Nam, nên hiểu theo hai nghĩa đều được cả.

Xuất xứ của tên cũng nói lên mục đích của tủ sách. Nó muốn giới thiệu các tác phẩm chọn lọc, có thể được coi là phần linh hồn quan trọng nhất để vận hành xã hội.

Tủ sách không chỉ giới hạn ở các tác phẩm dịch, nhưng hiện tại mới xong có chín cuốn, và đều là sách dịch.

talawas: Chắc nhóm chủ trương SOS² phải gồm nhiều người?

NQA: Hiện nay tôi âm thầm làm một mình, và rất muốn có những người tâm huyết cùng tham gia.

talawas: Ôi! Hoàn toàn đơn thương độc mã? anh lại vừa hoàn thành quyển thứ chín trong Tủ sách SOS, bản dịch tác phẩm nổi tiếng, «Sự khốn cùng của Chủ nghĩa lịch sử», của Karl Popper mà G. Soros là một đệ tử. Vì sao anh không chọn cuốn «Xã hội mở và những kẻ thù của nó» của chính K. Popper, mà «nhường đất» cho cuốn «Xã hội mở» của Soros?

NQA: Cuốn Xã hội mở và những kẻ thù của nó khó đọc hơn, và dịch mất nhiều thời gian hơn. Soros cũng than phiền là văn phong Popper lủng củng toàn chủ nghĩa và chủ nghĩa. Tôi nghĩ số bạn đọc cuốn đó chắc không nhiều, nên trước tiên dịch cuốn của Soros vì nó dễ hiểu hơn, nhẹ hơn, có thể sau khi đọc Soros người ta mới thấy thèm đọc Popper hơn.

talawas: G. Soros hoàn tất «Xã hội mở» vào tháng 08.2000, cách đây gần bốn năm. Từ đó đến nay, theo anh, có những ý kiến hay tiên đoán nào của tác giả trở nên «lỗi thời» không?

NQA: Một điểm cốt lõi ở Soros là sự thừa nhận tính có thể sai của con người, và diễn tiến lịch sử là không thể tiên đoán được. Ông đã sai trong rất nhiều tiên đoán về những diễn tiến cụ thể được nêu ra trong các tác phẩm trước, như ông đã thú nhận trong cuốn sách. Và chính những sai lầm đó lại củng cố luận điểm của ông. Trong cuốn sách này, ông đã rất dè dặt để đưa ra các tiên đoán. Chắc chắn diễn biến ở Trung Đông, ở Iraq, và tính đơn phương trong chính sách đối ngoại của Hoa Kì không hợp với các kiến nghị của ông. Với cuộc chiến chống khủng bố, dường như thế giới càng đi xa hơn khỏi mục tiêu mà ông theo đuổi. Song cuộc chiến này lại là một cơ hội cho thế giới đoàn kết lại, và có lẽ phải suy ngẫm nghiêm túc hơn về những kiến nghị của ông. Tôi không nghĩ những ý kiến của ông có thể bị coi là “lỗi thời", sự nghiệp xây dựng xã hội mở còn kéo dài nhiều thế hệ và trải qua nhiều quanh co và gặp muôn vàn khó khăn.

talawas: Những quan điểm trong một số sách nghiên cứu về kinh tế của các tác giả phương Tây như quyển «Xã hội mở» có thể gợi cho người đọc Việt Nam suy nghĩ gì về đường hướng kinh tế và sự phát triển xã hội nói chung của Việt Nam? Anh có tin rằng các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách kinh tế và phát triển của Việt Nam sẽ thật sự tham khảo những tác phẩm này?

NQA : Những cuốn sách mà tôi lựa chọn và dịch, đa phần là những cuốn sách đã xác định được vị thế, ảnh hưởng của nó trên thế giới, và đã có tác động đáng kể đến tư tưởng, chính sách phát triển nói chung và phát triển kinh tế nói riêng ở nhiều nước trên thế giới. Liệu nó ảnh hưởng gì ở Việt Nam không? Tôi hi vọng, và tin chắc là có, tuy nhiên không nên quá hi vọng đến ảnh hưởng của chúng. Giới hoạch định chính sách đánh giá cao các công trình của Kornai (vì ba cuốn sách của ông đã được xuất bản). Người ta nói với tôi là cuốn Hệ thống Xã hội Chủ nghĩa đã bán khá chạy ở hiệu sách của Quốc hội. Giới lí luận trong nước cũng quan tâm tới cuốn sách đó, tôi hi vọng các cuốn sách của Hayek, Popper cũng tạo được sự quan tâm như thế. Giả như sinh hoạt học thuật ở Việt Nam sôi động hơn, tức là có tranh luận, thì chắc chắn ảnh hưởng của chúng sẽ có thể lớn hơn. Đáng tiếc, người ta chỉ bàn tán chứ trên mặt báo người ta không giới thiệu, không tranh luận. Các bản thảo chưa được xuất bản cũng được một số người quan tâm, trong đó có những người có trọng trách. Nếu không tin vậy thì tôi chắc không bỏ công để làm. Tôi không đặt mục tiêu quá cao, nếu các tác phẩm này có đóng góp nào đó lên tư duy hiện nay và tương lai của một số quan chức, nhà hoạch định chính sách và học giả ở Việt Nam, thì đã là rất tốt rồi.

talawas: Anh chỉ dịch những tác phẩm chuyên môn hạng nặng: J. Kornai, F.A. Hayek, J.E.Stiglitz, K. Popper. Chỉ riêng việc giải quyết vấn đề thuật ngữ tiếng Việt cho những tác phẩm ấy đã cực kì khó khăn. Anh có giải pháp và kinh nghiệm gì có thể chia sẻ? Từ điển chuyên môn (kinh tế, chính trị, xã hội…) của chúng ta hiện nay có giúp được nhiều không?

NQA : Không, tôi không có giải pháp hay kinh nghiệm gì cả. Từ điển và các công cụ tìm kiếm trên Internet hiển nhiên là rất quan trọng cho công việc. Vì những khó khăn như talawas nêu ra nên bản dịch chắc còn nhiều khiếm khuyết, tôi mong nhận được sự góp ý để các bạn đọc sau có thể đọc dễ dàng hơn.

talawas: Báo chí, dư luận xã hội và giới dịch thuật Việt Nam càng ngày càng lên tiếng nhiều hơn về tình trạng xuống cấp và khủng hoảng của nền dịch thuật nước nhà. Song khi nói đến dịch thuật, dường như trước hết, người ta vẫn nghĩ đến dịch văn học, trong khi với nhu cầu bù đắp kiến thức hiện nay ở Việt Nam, dịch các tác phẩm chuyên môn cần chú ý và ưu tiên hơn nhiều. Vì sao mảng dịch thuật này không được chú trọng? Theo anh, bản thân mảng dịch thuật này có gặp khủng hoảng và xuống cấp không?

NQA: Tôi không hiểu lắm về lĩnh vực này, nên chỉ có thể nêu vài suy nghĩ rất chủ quan. Tôi nghĩ từ xưa đến nay, chúng ta không chú trọng đúng mức đến lĩnh vực dịch thuật. Và điều đó cũng đóng góp vào sự phát triển tiều tuỵ của đời sống tinh thần. Một lí do quan trọng là vấn đề ý thức hệ, nó cản trở việc dịch các tác phẩm mà người ta cho là “có vấn đề". Hệ thống xuất bản, giới thiệu, phê bình rất méo mó nên lại càng khó thêm. Tôi không nghĩ nó gặp khủng hoảng hay xuống cấp. Nói đến khủng hoảng hay xuống cấp là phải so với một thời thịnh vượng hơn, trước đó. Đáng tiếc chưa có thời như vậy để so sánh.

talawas: Một số tác phẩm trong Tủ Sách SOS² đã được xuất bản tại NxbVăn hoá Thông tin và Nxb Chính trị Quốc gia. Số lượng sách in ra mỗi quyển là bao nhiêu? Anh có thể sống bằng nhuận bút của những sách dịch như vậy không?

NQA: Vài ngàn bản mỗi cuốn. Tôi phải bỏ công ra làm, bỏ tiền trả phí cho nhà xuất bản, bỏ tiền ra in và lỗ to chứ lấy đâu ra nhuận bút để mà sống, song tôi vẫn vui vẻ làm và sẽ làm nữa.

talawas: Trời ơi! Xin anh tiết lộ những tên sách sắp tới của Tủ Sách SOS²

NQA: Tôi đang dịch cuốn The Open Society and Its Enemies của Popper mà talawas đã nhắc tới ở trước. Sau cuốn đó, tôi cũng muốn dịch tiếp cuốn The Logic of Scientific Discovery của ông, vì tôi nghĩ cuốn này rất bổ ích cho sự phát triển khoa học ở Việt Nam. Ban đầu, tôi dự định viết cuốn Đi tìm gốc rễ của tham nhũng nhưng đành để lại, có lẽ tôi sẽ tiếp tục sau. Tôi muốn làm tiếp các cuốn sách về chính sách phát triển khoa học, văn hoá, con người.

talawas: Xin cảm ơn anh Nguyễn Quang A.




Tiến sĩ Nguyễn Quang A sinh năm 1946 tại Bắc Ninh,

1966- 1971:
Bách khoa Budapest, Hungary
1972-1975:
Viện nghiên cứu Viễn thông Budapest, Hungary
1976-1982:
Viện Kĩ thuật Quân sự, Hà Nội
1983-1987:
Bách Khoa Budapest
1987-1988:
Tổng cục Điện tử và Tin học Việt Nam
1989-1993:
Công ti liên doanh Genpacific, Hồ Chí Minh
1993- đến nay:
Chủ tịch HĐQT Công ti 3C, Hà Nội
1997-2001:
Chủ tịch HĐQT Ngân hàng các doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam (VPBank)
2002- đến nay:
Phó chủ tịch HĐQT VPBank

Nguyên chủ tịch Hội Tin học Việt Nam (1996-1999)
Hội viên IEEE

Kĩ sư viễn thông (Bách khoa Budapest)
Tiến sĩ Khoa học (Viện Hàn lâm khoa học Hungary)




Tủ sách SOS2:
Các tác phẩm đã xuất bản và sắp xuất bản:


  • J. Kornai: Con đường dẫn tới nền kinh tế thị trường, Hội Tin học Việt Nam 2001, NXB Văn hoá Thông tin (NXB VHTT) 2002.
  • J. Kornai: Hệ thống Xã hội chủ nghĩa, NXB Văn hoá Thông tin 2002
  • J. Kornai- K. Eggleston: Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, NXB VHTT 2002
  • G. Soros: Giả kim thuật tài chính, sắp xuất bản
  • H. de Soto: Sự bí ẩn của tư bản, sắp xuất bản (NXB Chính trị Quốc gia, 2004)
  • J. E. Stiglitz: Chủ nghĩa xã hội đi về đâu?, sắp xuất bản
  • F.A. Hayek: Con đường dẫn tới chế độ nông nô, sắp xuất bản
  • G. Soros: Xã hội Mở, sắp xuất bản
  • K. Popper: Sự khốn cùng của Chủ nghĩa lịch sử, sắp xuất bản


(Địa chỉ liên lạc: Tạp chí Tin học và Đời sống, 54 Hoàng Ngọc Phách Hà Nội [25/B7 Nam Thành Công], thds@hn.vnn.vn hay nqa@netnam.vn)

© 2004 talawas