trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết họcDịch thuật
16.2.2004
Nguyễn Bình
Khai Sáng mà tiếc thay rất tối
 
Sau khi đọc những phân tích của Phạm Thị Hoài (PTH) về tình hình văn học Việt Nam trong thời Hậu Đổi Mới hiện nay thông qua ví dụ về dịch thuật, rồi tiếp theo đó đọc bản dịch bài tiểu luận Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì? của triết gia Đức Immanuel Kant, tôi thấy PTH quên mất một điều là cái "tình trạng bi thảm" hiện nay của dịch thuật còn do những nguyên nhân khác chứ không phải chỉ do những nguyên nhân đã nêu ra trong bài Nhà văn thời Hậu Đổi Mới gây nên. Nguyên Ngọc cũng không nêu những lí do khác này trong các bài viết của ông về vấn nạn dịch thuật. Ngô Tự Lập (NTL) trong bài Kế hoạch 500 cuốn sách thì dường như không tính đến chất lượng mà chỉ lo kể ra những số lượng cần thiết.

Dịch giả Thái Kim Lan (TKL) theo chúng tôi biết là một học giả Việt Nam sống ở Đức đã từng có một số công trình dịch thuật văn học. Bà không chịu ảnh hưởng gì của "guồng máy chính trị" và "guồng máy thương mại" tại Việt Nam. Triết gia Immanuel Kant mà bà dịch không phải là để bán chạy, cho nên bà không phải dịch ào ào kiếm tiền đến mức phải dịch ẩu. Triết gia này hiện nay cũng không nằm trong sổ đen bị chính quyền ngăn chặn để khỏi gây mất an ninh quốc gia, mà chắc là phải nằm trong danh sách 500 cuốn sách của NTL. Tóm lại là TKL không có "lí do khách quan" nào để chúng ta "thông cảm" với bản dịch về Khai Sáng mà tiếc thay lại tối tăm của bà.

Tôi không đọc được trực tiếp Đức ngữ để có thể so sánh như PTH đã làm với trường hợp Sấm Hegel của Phan Ngọc nhưng không thể cưỡng lại được lòng hoài nghi rằng TKL cũng đang cho độc giả đọc sấm Kant. Các triết gia Đức khó hiểu đến như vậy hay sao? Tiếng Đức khó tới mức cứ dịch từ tiếng Đức sang tiếng Việt là tất cả thành sấm? Vậy Marx và Engels có dùng tiếng Đức không? Kinh điển của Marx và Engels được dịch sang tiếng Việt có đến cả vạn trang, những cuốn sách đó không "dễ nuốt", nhất là khi ta phải đọc một cách bắt buộc, nhưng tôi chắc chắn rằng đó không phải là sấm. Đó là sách dạy đường lối, chủ trương, nếu không ai hiểu được hoặc muốn hiểu thế nào thì hiểu thì cách mạng vô sản đã diễn ra như một cuộc bốc thăm, bói quẻ, hay cá độ chứ không lập nên một chế độ với đường hướng rõ ràng như tất cả chúng ta đã biết. Nhiều câu trong kinh điển của Marx đã được người Việt thuộc lòng, nhiều khái niệm đã trở thành bộ phận của từ ngữ Việt, mà lí do không phải do người Việt thích thuộc...sấm. Tôi cũng đã phải học Marx, rồi từ việc phải học bắt buộc đi đến chỗ thích Marx chính vì văn phong sáng sủa, chặt chẽ, lô gích mà cũng hóm hỉnh của triết gia Đức này. Như vậy chắc không phải tất cả các triết gia Đức đều "vị thành niên", tức chưa có khả năng diễn đạt điều mình muốn nói, tức chưa "biết ăn nói". Hình như chỉ có hai vị "cách mạng" và "tiến bộ" như Marx và Engels là "trưởng thành", còn các vị triết gia tư sản như Hegel và Kant đều chưa "trưởng thành", chưa được "khai sáng"? Hay các dịch giả đã biến những triết gia vĩ đại ấy của thế giới thành những kẻ ăn nói lủng củng vụng về, tối tăm mù mịt?

Lí do thứ nhất, theo tôi, là các dịch giả không đủ khả năng thoát khỏi ngôn ngữ của bản gốc. Họ dùng tiếng Việt như những người bị ách áp bức của ngoại ngữ đè nặng đến mức không còn sức thốt lên một câu nào cho rõ ràng. Vì vậy bản dịch về TỰ DO của TKL lại cho thấy sự nô lệ của bà. Bà bệ tất cả cấu trúc của tiếng Đức vào tiếng Việt, khiến cho ngay cả những câu có thể hiểu được cũng trở nên rất kém tự nhiên, mà kém tự nhiên thì dĩ nhiên là rất khó tiêu hoá, làm sao mà "thấm" được như NTL khẳng định ("tiếng Việt dễ thấm hơn"). Đọc loại văn dịch này, dù không hoàn toàn tán thành quan điểm cực đoan của Giáo sư Cao Xuân Hạo về tiếng Việt, chúng tôi cũng sẵn sàng bỏ hết bất đồng mà ủng hộ ông.

Lí do thứ hai là tiếng Việt của bà TKL có vấn đề. Chẳng hạn "phái đẹp" trong tiếng Việt chỉ phái nữ, nhưng "phái rất đẹp" trong câu "Sự kiện một phần lớn nhất của nhân loại (trong đó có phái rất đẹp)..." của bà thì không biết là chỉ phái nào, phái...rất nữ chăng? Hoặc: "Một thời đại không thể tự cấu kết với nhau": Đã "một" thì chỉ là "một" chứ không thể cấu kết với...nhau được. Một câu như: "Trong tình hình hiện tại, nói chung sự kiện con người có khả năng hay có thể được hướng dẫn vào trong khả năng ấy để tự vận dụng một cách vững chắc và thuần thục trí tuệ của mình mà không cần đến sự chỉ đạo của người khác trong những vấn đề tôn giáo, chính nơi đây vẫn còn thiếu sót rầt nhiều." không những rất lủng củng trong diễn đạt mà còn không hoàn chỉnh trong cấu trúc ngữ pháp: toàn bộ cụm "sự kiện con người...vấn đề tôn giáo" đóng vai chủ ngữ bị bỏ mặc, sau đó bỗng nhiên có một tiếp nối chẳng ăn nhập gì về cả ý lẫn ngữ pháp: "chính nơi đây..." "Nơi đây" là nơi nào vậy? Tình hình có thiếu sót (sic), sự kiện có thiếu sót (sic) hay tôn giáo có thiếu sót?

Kết quả tổng hợp từ hai lí do trên là những đoạn thần chú như:

"Nhưng bao lâu phần tử của guồng máy đồng thời cũng là phần tử của cả cộng đồng, và hơn nữa của cả xã hội công dân thế giới, với phẩm cách của một người học giả, đang hướng về độc giả với những tác phẩm văn học trong tinh thần tự lập: trong trường hợp này nhất thiết người ấy có thể lý luận, mà không vì thế công vụ bị phiền nhiễu, công vụ này ông được ủy nhiệm phần nào với tư cách một hội viên thụ động. Cho nên trong trường hợp của vị sĩ quan, sẽ rất có hại, nếu người ấy đang được lệnh của cấp trên phải thi hành một lệnh để phục vụ cho mục đích và ích lợi của lệnh ấy mà lại muốn lý luận oang oang; người ấy phải vâng lời. Nhưng với tư cách là học giả thì khả dĩ có thể dành cho người ấy quyền nhận xét về những lỗi lầm trong công tác phục vụ chiến tranh và trình bày những nhận xét ấy trước công chúng để họ phán đoán."
...

"Ðiều này có thể có trong một giai đoạn ngắn, trong khi chờ đợi một luật pháp tốt hơn, hầu tạo ra một trật tự nhất định nào đó; đồng thời người ta dành cho mỗi một người công dân, nhất là người linh mục được tự do, với tư cách của một nhà học giả, công khai, có nghĩa là qua những tác phẩm văn học, trình bày những nhận xét của ông về sự sai lầm của tổ chức ngày trước, trong lúc ấy trật tự đã được thiết lập vẫn còn luôn luôn tồn tại, cho đến khi nhận thức về sự hình thành của các tổ chức ấy đạt đến mức kiện toàn và được xác nhận rằng nhận thức ấy qua sự thống nhất của các tiếng nói (nếu không phải là của tất cả) có thể đưa ra trước ngai vàng một đề nghị, để bảo vệ cho những giáo xứ đã đồng ý với nhau sau khi nắm vững tri thức toàn thiện hơn về một cơ sở tôn giáo được thay đổi, mà không cản trở những giáo xứ vẫn còn bằng lòng với hình thức cũ."

Ai có thể hiểu được những đoạn này và giảng lại cho tôi, tôi xin suốt đời đi theo hầu hạ để được học hỏi!

Tôi không nghi ngờ rằng dịch giả TKL đã rất nghiêm túc làm bản dịch này. Chính vì vậy tôi cũng muốn hỏi Nguyên Ngọc, Phạm Thị Hoài và Ngô Tự Lập rằng "dịch thuật nghiêm túc" có ích gì nếu kết quả của nó thảm hại như vậy? Phải chăng khủng hoảng của nền dịch thuật Việt Nam hiện nay trước hết là thất bại về phương diện chuyên môn của "dịch thuật nghiêm túc" chứ không phải là thắng lợi thương mại của "dịch thuật rẻ tiền"? Dịch thuật nghiêm túc mà như vậy thì chỉ đẩy độc giả vào vòng tay của dịch thuật rẻ tiền. Canh tân bằng những thần chú như vậy thì đi đến đâu? Lập ra một cái Viện hàn lâm dịch thuật để các Trạng Dịch ngồi vào đó ư?

Suy rộng ra có thể phỏng đoán rằng "văn chương nghiêm túc" của Việt Nam hiện nay thất bại không phải vì sự thắng thế của báo An Ninh Thế Giới, mà vì kết quả của sự "nghiêm túc" ấy đáng buồn cười quá, càng cố nghiêm túc lại càng buồn cười. Phim "Của rơi" của đạo diễn Vương Đức gần đây được trình chiếu, kết quả là sau khi nghe những lời tuyên bố trầm trọng của đạo diễn này về "tính nghệ thuật" của bộ phim của mình so với "tính thương mại" của những phim "rẻ tiền" khác (chẳng hạn phim "Gái nhảy" của Lê Hoàng), công chúng bị tra tấn bởi một món "nghệ thuật nghiêm túc" không đáng 1 điểm trên 10. Nhà nước đã bỏ ra cả tỉ đồng cho bộ phim này, nay chắc phải bỏ thêm cả tỉ đồng nữa để...thuê người đi xem phim. NTL cũng nên tính kinh phí gấp đôi hoặc gấp ba cho kế hoạch 500 cuốn sách, một phần là để dịch, hai phần để thuê người đọc những tác phẩm dịch đó, vì không ai tự nguyện hành hạ mình như thế.

Vậy thì thưa các nhà văn, dịch giả, nghệ sĩ: Đừng cố gắng nghiêm túc nữa. Kết quả công việc của quý vị có thể làm cho khái niệm "nghiêm túc" trở thành lố bịch và làm cho công chúng mất hết niềm tin vào những thứ được coi là "nghiêm túc"! Nếu chúng ta chỉ có khả năng đạt tới những thành tựu dễ dãi thì tốt hơn cả là hãy tận dụng khả năng ấy. Đỉnh cao của thương mại dù sao cũng cao hơn những thành tựu thấp lè tè của "nghiêm túc". Đừng cố làm những gì không phù hợp với khả năng mình. Thiển nghĩ, nhận rõ khả năng của mình cũng là một cách để thoát khỏi tình trạng "vị thành niên" vậy. Trước khi Khai Sáng quần chúng thì tầng lớp được coi là tinh hoa hãy...tập diễn đạt cho rõ ràng.

Từ nay trở đi, cứ trông thấy Kant & Co. trong bản dịch tiếng Việt là tôi xin chạy thật xa! Bắt chước ông Vương Sóc, tôi thà đọc Nguyễn Nhật Ánh còn hơn.

© 2004 talawas