trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Thế hệ @
  1 - 20 / 34 bài
  1 - 20 / 34 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiThế hệ @
7.3.2003
Quốc Việt
Ba số đo, đúng đường lối, và @.
 
1.

Một trong 10 sự kiện văn hoá nổi bật được các nhà báo bình chọn cho năm 2002 là việc hoa hậu Việt nam tham gia cuộc thi hoa hậu thế giới (và lọt ngay vào top 20). Thế cũng hả, không thì thế giới ai biết là người Việt nam cũng đẹp. Thế rồi cuối năm thì có chuyện cựu hoa hậu giám đốc công ty kinh doanh điện thoại di động gian lận. Cũng vì mấy sự kiện này mà chuyện hoa hậu Việt nam đi vào trong mâm cơm của gia đình chúng tôi. Hết chuyện hoa hậu xấu, hoa hậu đẹp, đến chuyện hoa hậu giả nai, hoa hậu không thật thà, thành thật. Bỗng nhiên, hình như cả thế giới chỉ còn lại các hoa hậu và đang xoay quanh các hoa hậu.

Vợ tôi nhất định cho rằng các hoa hậu giả dối [thích học ngoại thương, nhiều tiền, sung sướng thì cứ nói, việc gì mà phải nói muốn nghiên cứu khoa học thuần túy. Muốn lấy chồng có nhiều tiền thì cứ nói, việc gì mà phải tuyên bố rằng chưa bao giờ nghĩ đến một mẫu đàn ông lí tưởng nào cả], rằng làm gì mà phải ồn ào lên thế [có một cuộc thi sắc đẹp thôi mà], rằng … Thế nhưng cô ấy không để í rằng bằng cách lôi tôi vào tranh luận, chính cô ấy đã "làm ồn ào" lên một chuyện mà lẽ ra tôi chẳng bao giờ để í tới.

Phụ nữ có những quan tâm mà đàn ông không hiểu nổi. Tôi hi vọng rằng vợ mình không vì các hoa hậu đẹp mà phẫn nộ, cũng như tôi nghĩ rằng tôi bực mình không phải vì tôi không lấy được các hoa hậu.

Ai đó đã nói: hãy tha thứ cho họ, vì họ đẹp. Mà thực ra thì có gì mà phải tha thứ nhỉ. Những câu họ nói, đều là những câu mọi người muốn nghe. Có thể không phải tất cả mọi người, nhưng ít ra cũng là các ông các bà trong ban giám khảo các cuộc thi hoa hậu, hay các tổng biên tập của các tờ báo mà một trong các nhiệm vụ chính là chăm lo để sao cho nhân dân có một suy nghĩ đúng đắn. Ai mà chấp nhận một hoa hậu chỉ muốn có chồng có nhiều tiền? Ai mà chấp nhận một hoa hậu chỉ chạy theo vật chất. Chân thật là một đức tính đáng vứt vào sọt rác, một khi bạn trở thành người của công chúng, phát biểu cho công chúng, nhất là một công chúng lí tưởng như ở Việt nam. Các hoa hậu, đại diện cho vẻ đẹp không những là về hình thể mà còn muôn ngàn đức tính tuyệt vời nữa, phải phát ngôn cho được tất cả những điều tuyệt vời đó, không thì họ không xứng với danh hiệu hoa hậu. Việc họ có phát biểu thật lòng không là chuyện không nên đặt thành vấn đề. Khi những người nổi tiếng trở nên nổi tiếng, họ còn phải sống vì mọi người hay đại diện cho mọi người. Nói đúng hơn, những phát ngôn của họ là những phát ngôn của xã hội.

Một chị bạn của tôi kể: khi vô tình kiểm tra bài tập làm văn "Viết về mẹ em" của đứa con trai 10 tuổi, đã phải bối rối mất một lúc. Rõ ràng con tả mình: Từ công việc, tuổi tác,… đến gia cảnh chồng con. Nhưng lại không phải là mình vì bà mẹ trong bài văn chỉ nặng bằng nửa mình, lại xanh xao, gầy yếu… Chị đành phải lựa lời hỏi con và được con cho biết rằng: một bà mẹ sớm hôm tần tảo lo cho chồng con thì không thể béo tốt, lại còn ăn diện, thích may quần áo, thỉng thoảng lại mắng mỏ chồng con từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn được. Con mà viết thế thì hẳn nào cũng bị điểm kém.
Than ôi, có một mối liên hệ gì giữa bài văn của một đứa trẻ và phát ngôn của những hoa hậu, của những nhân vật đại diện cho vẻ đẹp Việt nam không? Hay là báo, đài, trường, lớp đã quen với việc dạy cho nhau nghe những điều phải đạo, đúng đường lối? Những khuôn mẫu, những hình tượng mà nhiệm vụ duy nhất của việc làm người là làm sao để mình vừa vặn trong những cái khuôn ấy. Nghe đâu, trong một vòng thi hoa hậu, cả năm thí sinh đều trả lời y chang như nhau cho một câu hỏi, hay đúng hơn là y chang đáp án. Chắc là năm thí sinh này bị trượt, không phải vì không thành thật mà vì ban giám khảo không biết chấm ai cao điểm hơn. Lộ đề.


2.

Mấy năm trước, nghe đâu một anh chàng giám đốc trẻ của công ty FPT khi trả lời phỏng vấn đã dám tuyên bố ước mơ trở thành thủ tướng và triệu phú khi 40 tuổi. Anh ta liền bị cả xã hội xầm xì lên án, tí nữa thì bị ném cà chua, trứng thối vào mặt nữa. A, thằng này láo. Nó cứ làm như một mình nó giỏi! Nó mới làm được một tí mà đã huênh hoang coi thiên hạ không còn ai! Anh ta lặn một hơi từ đó đến giờ. Anh phóng viên đã làm cuộc phỏng vấn còn bị kiểm điểm chưa biết chừng. Bài học nhãn tiền là đừng có ước mơ! Mà nếu có thì đừng nói ra. Nhất thiết phải là những ước mơ hoặc là nhỏ bé thân thương, hoặc là cao xa trọng đại như đem sức lực và tuổi trẻ cống hiến cho đất nước, làm nhiều điều có ích cho xã hội. Anh sẽ được quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện phát triển, thành hình tượng mẫu. Chưa biết chừng anh sẽ trở thành thủ tướng thật đấy. Đứa trẻ lên mười cũng còn hiểu điều đó, thế mà anh lại dám nói là muốn trở thành triệu phú và thủ tướng, một ước mơ đầy mùi vật chất và biểu hiện một tính cách tự cao, tự đại không phù hợp với văn hoá một tí nào.

Mấy năm sau, tôi nghe nói một bản tin nội bộ của FPT bị cấm, vì đã dám tự tiện đưa tin, tự tiện bàn các việc ít dính dáng đến chuyện khoa học thuần túy, tự tiện quan tâm đến cuộc sống và xã hội. Tôi chưa đọc các bản tin đó bao giờ, chưa biết những trăn trở của họ trước cuộc sống ra sao. Nhưng dám quả quyết rằng những ước mơ của họ là ngông cuồng, những nhiệt huyết của họ quá sục sôi, những ưu tư của họ quá mẫn cảm. Họ là những cá nhân trệch đường ray. Trong công cuộc trồng người, họ có đầy đủ các khả năng trở thành những cái cây cong queo, không thẳng hàng thẳng lối. Uốn nắn và kìm kẹp là những biện pháp cần thiết để có một hàng cây đúng đường lối.


3.

Em trai tôi là một đứa từng bị coi như là hư hỏng. Mươi năm về trước, đôi lần nó bị giam xe máy đợi gia đình mang tiền đến chuộc. Nó học đại học, chỉ có 2 cuốn vở đút túi hay kẹp vào bửng xe máy. Nó làm bài tập một cách quấy quá, tin một cách gần như tuyệt đối rằng học giỏi không có ảnh hưởng gì nhiều lên tương lai và tiền đồ. Nó dành đa phần thời gian vào việc suy nghĩ xem sẽ dùng thời gian và năng lượng tuổi trẻ vào việc gì. Không sinh hoạt, không tham gia các hoạt động của đoàn thanh niên mà nó cho là nhí nhố, nó gần như đại diện một lớp thanh niên muốn quên xã hội mà chúng biết. May thay, bây giờ nó đã có gia đình, đã gần như trở thành một công chức mẫu mực, biết đến nhà thủ trưởng vào các dịp lễ tết, biết mời thủ trưởng đi uống bia. Và mỗi khi nghe tôi nói về những nỗi băn khoăn "thời thế", nó nhìn tôi bằng một cặp mắt thương hại.
Tôi rất muốn hỏi Mai Chi một câu mà không yêu cầu trả lời: những ấm áp nào của thế giới đã ra đi để cho những thanh niên bắt đầu hiểu biết, bắt đầu suy nghĩ kia chống lại sự cô đơn bằng cách bám víu vào những tiện nghi vật chất? Hay đó là những cách khác nhau đi tìm một cái Tôi, những hình thức nổi loạn khác nhau để khẳng định một sự tồn tại trong một môi trường không phương hướng và nhiều nghi hoặc, những hình thức chia tay khác nhau với tuổi thơ trong veo một chiều?
Và tôi cũng rất muốn nhắc lại câu hỏi của Mai Chi: có bao nhiêu hi vọng để nghe những giọng nói của chính giới trẻ trên một diễn đàn như thế này? Câu trả lời nằm ở mỗi người. Hãy cho tôi biết giới già nghĩ gì đi, rồi chúng tôi sẽ nói giọng nói của chúng tôi.

1.3.2003

© 2003 talawas