trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
2.11.2008
Nam Đan
Mày có sợ tao không?
 
Cá Hồi lên 6, là con trai đầu lòng của Vân, bạn tôi. Thằng bé xinh xắn, thông minh, đang học lớp chồi ở một trường có tiếng ở thành phố. Rất có khiếu đóng kịch, nó nắm bắt những nét đặc thù của các con vật và những hoạt động, tính cách của những người chung quanh mà nó quan sát được rồi biểu diễn lại một cách rất hóm hỉnh. Như mọi đứa trẻ lên 6 khác, mọi sự việc đang xảy ra chung quanh Cá Hồi đều mang lại sự hiếu kỳ, và cần được lý giải đến nơi đến chốn. Hôm qua Cá Hồi buồn thiu, khi mẹ hỏi thì khóc rấm rứt suốt mà không chịu nói nguyên nhân vì sao. Mãi sau, qua những gì nó diễn tả lại thì cả nhà mới hình dung ra câu chuyện như sau.

Cô giáo hỏi Cá Hồi: “Con có thương cô không?”. Cá Hồi trả lời một cách trung thực:

“Thưa cô, không. Con không thương cô.”

“Vì sao con không thương cô?”

“Vì cô không đẹp!”

“Thế Cá Hồi có sợ cô không?”

“Thưa cô, không.”

Cô giáo lặp lại: “Cá Hồi có sợ cô không?”

“Thưa cô, không.”

“Cá Hồi có sợ cô không?”

“Không!”

“Cá Hồi có sợ cô không?”

“Không!”

“Cá Hồi hư quá! Các bạn đều thương cô phải không nào?”

Các bạn đồng thanh: “Thưa cô, thương.”

“Thế các bạn có sợ cô không nào?”

“Thưa cô, sợ.”

“Cá Hồi thấy chưa, các bạn đều thương đều sợ cô, còn chỉ có mình Cá Hồi thôi, Cá Hồi có thấy mình hư không nào, có cứng đầu không nào? Cá Hồi có đáng bị phạt không nào?”

Diễn đến đây, Cá Hồi ấm ức khóc òa.

Vân thương con, tính chuyện lên giãi bày phải trái với cô giáo, nhưng rồi nghĩ lại, lại thôi. Cô bỏ cả buổi sáng để dỗ dành và giải thích với thằng bé bổn phận phải “biết thương biết sợ” cô giáo, phải đồng hành cùng nhịp với bạn học thay vì quyết liệt giữ ý kiến cá nhân mình. Nhưng thật lòng thì chúng tôi cảm thấy có điều gì không phải trong chuyện này, nhất là việc bắt thằng bé phải “sợ” cô giáo. Bài học “phải biết phục tùng, phải biết sợ (hãi)” này sẽ đọng lại rất lâu trong tâm hồn thằng bé. Nhưng phải làm sao đây?


*


Năm tôi 6, 7 tuổi, cỡ tuổi của Cá Hồi bây giờ, gia đình tôi sống trong một khu cư xá dành cho công chức ở Long Khánh. Kề bên nhà tôi là nhà ông Sáu Lu, một ông công chức cấp lớn của tỉnh lúc đó, ông nuôi rất nhiều gà chọi.

Tôi rất sợ ông, dù là Út Tư, con út của ông Sáu, vừa là bạn học và là bạn cùng xóm của tôi. Mỗi khi gặp tôi, sau khi xoa đầu nựng nịu, ông luồn tay vào quần mân mê sờ chim thằng nhóc. Tôi co rúm người, chim thăn lại còn tí xíu, nhăn nhúm thảm hại, nhưng không biết phải né tránh, phản kháng như thế nào. Tôi đứng yên chịu trận trong vài phút ông mới buông ra. Có lần tôi vùng vẫy dữ quá, chiếc quần đùi thun tuột xuống, tôi thấy con chim bé xíu của mình đang bị kẹp giữa các ngón tay ngắn và to nẫn đeo nhẫn vàng chóe. Gương mặt ông biến đổi, từ vui tươi, đùa cợt bỗng chuyển sang đe dọa. Nhất là ở đôi mắt trợn lên. Một tình cảm lẫn lộn giữa xấu hổ, hèn nhược, bị xúc phạm, căm uất trào lên. Trong cơn điên giận tôi buột miệng: “Ð.M ông Sáu Lu!” rồi giãy khóc dữ dội. Ông buông tôi ra ngạc nhiên, “Sờ chim chút chứ có làm gì mà hỗn dữ dzậy mậy! Mày có sợ tao không?”, có lẽ không nghĩ rằng ông vừa làm một điều mà tôi sẽ nhớ mãi suốt đời. Tôi giữ những cảm xúc ấy mà không nói lại cho ai biết vì xấu hổ. Từ sau hôm ấy ông không sờ chim tôi được nữa vì tôi không để ông có dịp, thoáng thấy ông là tôi co cẳng chạy. Có lần tôi cho một con gà chọi đang nhốt trong bội của ông một nắm trùn đất có lẫn vài sợi dây thun để trả thù. Nhìn con gà hóc dây thun đầu cổ lặc lìa, tôi thỏa mãn. Tôi và Út Tư đánh nhau một trận rồi nghỉ chơi nhau luôn từ đó.

*


Ba mẹ tôi rất thương con nhưng cũng rất nghiêm.

Nhà đông con, hồi những năm đầu thập niên 70, anh em tôi tất cả 6 đứa, lại thêm ông bà nội, và ba mẹ. Chúng tôi rời Long Khánh lên Sài Gòn thuê một căn nhà nhỏ ở Hòa Hưng cho cả thảy 10 người sinh sống.

Chiến tranh kéo dài, đời sống ngày càng thêm khó khăn. Ba tôi ban ngày thì đi dạy trường công, hết giờ thì dạy thêm trường tư, đêm đến ông phải chạy xe ôm để kiếm thêm tiền. Mỗi tháng sau khi lãnh lương ra, trước tiên mẹ tôi kéo về một tạ gạo và mắm muối, còn lại mới chi tiêu vào những việc khác. Thực đơn thường nhật là món cá mối - một loại cá rẻ tiền vào thời đó – kho khô, và canh bí ngô nấu với tôm khô.

Một buổi tối trong lúc chạy xe ôm ba tôi bị cướp. Hai gã lính trận thuê ông chở vào Chợ Lớn, đến chỗ vắng chúng xô ông ngã, tấn công ông bằng búa để cướp chiếc Honda 67. Ba tôi bất ngờ bị trúng đòn bằng búa giáng vào đầu, nhưng ông cố gắng vừa chống trả vừa la “Cướp, cướp...”, không để chúng dựng chiếc xe lên chạy. Mấy phút sau, thấy không cướp được xe và mọi người bắt đầu dừng lại xem, chúng bỏ chạy. Ba tôi dựng xe lên cố lái đến sân bịnh viện Sài Gòn thì ngã xuống ngất đi, máu từ đầu tuôn ra ướt cả chiếc nón và lưng áo.

Sau mấy tháng nằm bịnh viện, ba tôi hồi phục, tính mạng không còn nguy hiểm. Tuy nhiên, sau cú chấn thương phần đầu đó tâm tính ông thay đổi hẳn. Ông trở nên nóng tính bất thường, điều mà trước đây không có. Chúng tôi thường xuyên bị trừng phạt vì những lỗi nhỏ, có khi vô cớ. Hình phạt ba tôi áp dụng thường khi là đánh bằng dây nịt da. Ông bắt tội nhân thú nhận lỗi, rồi nằm úp xuống để quất. Một đứa làm lỗi thì những đứa khác cùng bị phạt theo. Mẹ tôi can ngăn cũng không được, tối tối tôi nghe bà khóc thầm vì thương con. Những trận đòn dữ làm chúng tôi quen dần, rồi hết sợ. Ðến năm tôi 15 tuổi, ông không còn đánh nữa, vì nếu đánh thì tôi sẽ bỏ nhà đi. Về sau ông ân hận về tính nóng giận của mình, về già ông lại hiền khô và cưng chìu đám cháu hết mức. Lớn lên anh em tôi có con, đứa nào cũng tâm niệm sẽ không lặp lại những trận đòn như ngày xưa mình đã nhận lên con cái.

*


Bạn gái tôi theo học một khóa quay phim tài liệu. Mỗi học viên phải làm một đoạn phim đề tài tự chọn. Cô chọn đề tài về đời sống của những đứa bé bán kẹo gum trên vỉa hè khu phố Tây ba-lô ở Sài Gòn.

Hằng đêm cô cùng một người bạn cùng khóa mang máy ra quay cảnh sinh hoạt của chúng. Nhân vật chính cô chọn cho đoạn phim là Mành, một thằng bé lên 9, rất lanh lẹ và có gương mặt trong sáng. Mành có thể trao đổi trong việc bán kẹo với khách Tây bằng một thứ tiếng Anh bập bõm, nhưng cũng có thể chửi nhau rất tục với họ. Cả bọn khoảng 10 đứa trong độ tuổi từ 5 đến 13, đều đã bỏ học hẳn, hoặc khi học khi bỏ, nhiều phần thuê nhà ở quận 7. Hoàn cảnh mỗi đứa mỗi khác nhưng đều nghèo khổ và có vấn đề về bị lạm dụng. Tất nhiên, việc bắt một đứa bé phải lao động, đi bán hàng, từ trưa đến 2, 3 giờ khuya mới về nhà đã là một hành vi lạm dụng rồi, nhưng sự việc không chỉ có vậy. Chúng bị cha mẹ anh chị đánh đập thường xuyên. Ngoài ra còn có những va chạm khi tranh giành khách, tranh giành lãnh địa hoạt động, đối phó với khách hàng.

Hầu hết mọi xung đột như thế đều nằm ở chỗ người này muốn xác định sự áp đặt quyền lực lên cá nhân người khác. “Mày có sợ tao không?” là đầu nguồn của mọi xung đột.

Mành có tất cả bốn anh em, đứa anh 10 tuổi, nó 9 tuổi, con em kế 6 tuổi và thằng bé út 3 tuổi. Trừ thằng bé út được ở nhà vì quá nhỏ để tranh sống, ba đứa còn lại đều phải đi bán kẹo để kiếm tiền, má nó nói chúng phải kiếm tiền nuôi ba. Ba Mành hiện đang ở tù vì tội cướp giật, án 5 năm. Mẹ nó làm gái, cũng hành nghề ở khu Tây ba-lô.

Một chiều tôi theo bạn đến khu nhà ở quận 7 để quay cảnh sinh hoạt của chúng.

Bà mẹ trẻ đang chuẩn bị đánh con. Chị thong thả chọn một thanh tre ngoài hàng rào để làm roi. Tay nhịp nhịp cây roi, thỉnh thoảng miệng đay nghiến như người mất trí. Chúng tôi chỉ kịp lôi thằng Mành và thằng út lên xe chạy. Tiếng nguyền rủa sa sả vọng theo. Hôm sau chúng tôi trở lại thì Mành bỏ nhà đi bụi, con bé gái bị mẹ đánh tét đầu còn băng bó sơ sài. Vết thương sẽ thành một cái sẹo dài vài centimet trên trán. Bà mẹ trẻ không có nhà. Chị thường xuyên bỏ bốn anh em lay lắt ở nhà với nhau khi có khách bao dài ngày, phải đi chơi xa với khách ở Nha Trang, Ðà Lạt... Mấy đứa bé ngồi quanh chiếc chiếu chia nhau mấy thứ trái cây chúng tôi mang đến, rồi nấu cơm ăn no cho buổi đi bán đêm.

*


Hành hạ, lạm dụng trẻ em là phạm pháp, là tội ác, dù đó là hành vi được thực hiện bằng lời nói hay bằng hành động, tác động lên thân thể hay tinh thần của đứa bé. Nó có thể là hành vi bóc lột sức lao động; xâm hại về mặt tình dục; đánh đập, la mắng; hành hạ về mặt tình cảm, tinh thần; bỏ rơi...

Tình trạng này xảy ra khắp nơi trên thế giới và có khi chúng được thực hiện rất kín đáo, tinh tế nhưng tác hại thì lại rất lớn trên số phận con người. Ở nước ta, chuyện “Sờ chim chút chứ có làm gì” ”Mày có sợ tao không?” là chuyện thường ngày ở huyện. Số người cho rằng mình từng là nạn nhân của các hành vi xâm hại và lạm dụng từ thời còn bé (như tôi chẳng hạn) có lẽ khá cao, nhưng không mấy ai ý thức rằng đây là vấn đề phạm pháp và tác hại của nó.

Quan sát những đứa bé sống ở phương Tây và những đứa bé sống trong nước trong cùng độ tuổi dưới 10, tôi nhận thấy rằng chúng có nhiều điểm khác nhau. Ðiểm nổi bật nhất là trẻ con ở phương Tây không rụt rè, hay nhát sợ người lớn như trẻ con đồng lứa trong nước. Chúng có thể không láu lỉnh bằng, không gan dạ bằng, nhưng chúng không e dè sợ sệt trước người khác. Chúng có thể không dám trèo cây cao, chọc chó, cưỡi bò... nhưng rất sẵn sàng bắt tay, giới thiệu về mình một cách rất đĩnh đạc với người mới gặp lần đầu. Nếu cần, chúng sẽ sẵn sàng lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của mình và của người khác. Có vẻ như chúng ý thức rất rõ về tinh thần dân chủ và sự bình đẳng của từng cá thể trong cộng đồng. Không ai có quyền xâm hại đến chúng, và chúng chưa từng, hay có thể chẳng bao giờ, phải có những kinh nghiệm đau đớn đó.

Chuyện này tôi nói thêm ngoài lề, cho vui. Có lần sang Úc chơi, nhìn thấy người ta dắt chó cưng đi dạo trên đường, bạn tôi nói tếu rằng chẳng những trẻ con, mà ngay cả con chó ở các nước phương Tây cũng thế: Chúng có vẻ rất đường hoàng đĩnh đạc, rất ý thức cái “cẩu phẩm” của chúng, chứ không lấm la lấm lét như chó - và các thứ khác (?) - ở nước mình.

Cha nội này muốn nói cái gì vậy?

Hay lại phải rón rén cải biên câu nói nổi tiếng, được nhiều người cho là vô cùng thâm thúy, của Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến: “Cái nước mình nó thế”, thành“Cái nước mình ‘chó’ nó thế?” Hay “Cái nước mình nó ‘chó’ thế?” để giải hoặc vấn nạn này.

Thiệt là kẹt!

*


Tôi không còn cảm thấy buồn giận ba tôi, hay căm ghét ông Sáu Lu ngày xưa nữa, giờ có lẽ ông đã qua đời. Tội nghiệp cho con gà chọi bị tôi đầu độc vì trả thù oan.

Út Tư ơi, sau 75 tôi có về lại Long Khánh, nghe nói ông và các anh chị đã đi vượt biên, không biết sống chết làm sao. Chuyện sờ chim với lại chuyện đầu độc con gà nòi nuốt dây thun ngày xưa mình uýnh nhau một trận rồi, lần đó ông đục tôi xịt máu cam. Thôi, đừng nghỉ chơi nhau nữa, bỏ qua ngheng.

Thắp giùm tôi một nén hương cho ông cụ.

© 2008 talawas