trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
27.10.2008
K’ Tiên
Nước mắt Tây Nguyên
 
Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam, cả những người phê phán quyết liệt nhất, cấp tiến nhất, cũng vẫn là những người nằm trong hệ thống, chỉ tìm cách thay đổi, hoàn thiện, bổ khuyết cho hệ thống đó. Chưa ai nghĩ đến sự thay đổi mang tính đoạn tuyệt.”

Phạm Xuân Nguyên (“Nghĩ sao nói vậy”, www.talawas.org ngày 21.4.2005)

Nhà báo Bùi Tín, khi vui, tâm sự: “Có người nói đùa một cách chua cay rằng trên báo Nhân dân chỉ có tin dự báo thời tiết là có thể tin cậy phần nào (vì vẫn có trường hợp dự báo sai), có thể tin tưởng được hoàn toàn là tin buồn, tin cáo phó.” (Bùi Tín, Hoa xuyên tuyết, 2nd ed. Turpin Press, 1994, 42)

Dù đã rào đón (trước) đây chỉ là một cách nói đùa, kiểu đùa cợt của ông – ngó bộ – hơi kỳ, và cũng hơi... quá đáng! Nói nào ngay, ngoài tin thời tiết và tin buồn, cơ quan ngôn luận (chính thức) của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam – đôi lúc – cũng loan những tin tức khác, với độ khả tín và khả xác rất cao. Xin đơn cử một thí dụ:

Về số lượng học sinh sắc tộc được tuyển chọn vào đại học, nhật báo Nhân dân (số ra ngày 9 tháng 12 năm 2000) đã ghi:“Các dân tộc Ba Na, Cà Dong, Chu Ru, Cà Tu, Hà Nhì, Xê Đăng, Thổ Chỉ có từ hai đến ba học sinh đạt tiêu chuẩn. Đáng chú ý, mỗi dân tộc: Cơ Lao, Xtiêng, Giáy, Cơ-ho, Lào, La Chí chỉ có một học sinh đủ tiêu chuẩn cử tuyển vào học các trường đại học, cao đẳng.”

Đã có lúc tôi cứ ngỡ đây là con số đại biểu quốc hội, của những nhóm đồng bào sắc tộc, chứ không phải là số lượng “học sinh đủ tiêu chuẩn cử tuyển vào các trường đại học”. Vì nghi ngại có sự “lầm lỗi của ấn công”, tôi đã gửi điện thư đến toasoan@nhandan.org.vn (nhiều lần) để xin xác minh về vấn đề này. Thư cứ đi nhưng tin không lại.

Mãi cho đến mấy hôm gần đây, sau khi đọc bài viết “Phát triển bền vững ở Tây Nguyên” của nhà văn Nguyên Ngọc (www.diendan.org, ngày 20 tháng 8 năm 2008), tôi mới biết chắc rằng tin tức mà báo Nhân dân đã loan là (vô cùng) chính xác. Chuyện tôi yêu cầu tòa soạn xác nhận, đính chính, cáo lỗi, hay thanh minh (thanh nga) là việc – rõ ràng, và hoàn toàn – vớ vẩn.

Theo như cách nói của người dân Tây Nguyên thì Nguyên Ngọc là một già làng – trong làng văn và làng báo Việt Nam – với tất cả những đức tính mẫu mực, đáng quý của một người cầm viết: tài năng, uyên bác, đức độ, dũng cảm, và khả tín.

Ông viết: “Người Châu ở trong thung lũng Mường Hon của núi Ngok Linh, chỉ có khoảng 80 người...” Thế mới biết các dân tộc Ba Na, Cà Dong, Chu Ru, Cà Tu, Hà Nhì, Xê Đăng, Thổ Chỉ, Cơ Lao, Xtiêng, Giáy, Cơ-ho, Lào, La Chí... còn may mắn chán. Dân số của họ chắc chắn phải còn hơn tám mươi người. Nếu không, làm sao còn có được một (hay hai) học sinh đủ tiêu chuẩn cử tuyển vào học các trường đại học!

Nếu có ai thắc mắc, sao giữa thời đại “bùng nổ nhân số”, nhân loại đẻ đái tùm lum mà ở Việt Nam lại có những sắc dân chỉ còn sót lại vài chục mạng (loe ngoe) như thế... thì xin thưa: đó lại là chuyện khác, dài dòng hơn chút đỉnh. Muốn biết thêm chi tiết, xin vui lòng đọc tiếp – vài đoạn trích dẫn (rút ngắn) từ bài viết rất thấu đáo và cô đọng, dài chừng 30 trang đánh máy khổ 8x11 – của nhà văn Nguyên Ngọc:

“Từ sau năm 1975, đối với Tây Nguyên chúng ta có hai chủ trương chiến lược:
  • Xây dựng Tây Nguyên thành một địa bàn vững chắc về an ninh và quốc phòng.
  • Xây dựng Tây Nguyên thành một vùng trọng điểm kinh tế của cả nước.
Để thực hiện chủ trương chiến lược đó, đã :
  • Tăng cường lực lượng lao động lớn cho Tây Nguyên bằng cách tiến hành một cuộc đại di dân chưa từng có, chủ yếu từ đồng bằng châu thổ sông Hồng và vùng duyên hải Nam Trung Bộ lên Tây Nguyên...
  • Tổ chức toàn bộ Tây Nguyên thành các đơn vị kinh tế lớn... Toàn bộ đất và rừng ở Tây Nguyên được quốc hữu hoá, được lấy giao cho các binh đoàn làm kinh tế, các LHXNLCN, các nông trường, lâm trường, và giao cho dân di cư từ đồng bằng lên. Người bản địa chỉ còn phần đất thổ cư và một ít đất làm rẫy.”
Hệ quả, hay nói đúng ra là hậu quả của “hai chủ trương chiến lược” này, vẫn theo nhận xét của Nguyên Ngọc – có những chữ in đậm, như nguyên bản – như sau:
  1. Dân số Tây Nguyên tăng nhanh, đột ngột, với cường độ lớn... Đầu thế kỷ XX, các dân tộc bản địa chiếm 95% dân số. Đến năm 1975, tỷ lệ này là 50%. Hiện nay người bản địa chỉ còn 15-20% trên toàn địa bàn...
  2. Sự tan vỡ của làng Tây Nguyên. Từ sau năm 1975, quyền sở hữu tập thể truyền thống của cộng đồng làng đối với đất và rừng nghiểm nhiên bị xoá bỏ, tất cả đất và rừng đều bị quốc hữu hoá. Như đã thấy ở trên, quyền sở hữu này chính là nền tảng vật chất, kinh tế của làng ; bị bứng mất đi nền tảng này, làng, tế bào cơ bản của xã hội Tây Nguyên, tất yếu tan vỡ...
  3. Môi trường bị tàn phá nghiêm trọng. Cho đến nay, trừ một vài vùng nhỏ như một ít khu vực quanh núi Ngok Linh, vùng Komplong..., có thể nói về cơ bản rừng Tây Nguyên đã bị phá sạch, hậu quả về nhiều mặt không thể lường.
  4. Người bản địa bị mất đất. Việc mất đất, không phải trong một xã hội bình thường mà là từ tay người dân tộc bản địa sang tay người nơi khác đến là người Việt, đã khiến vấn đề đất đai trở thành vấn đề dân tộc. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp của sự mất ổn định nghiêm trọng đã và đang diễn ra ở Tây Nguyên.
  5. Văn hoá Tây Nguyên bị mai một. Việc mất rừng, tan vỡ của làng, cơ cấu dân cư bị đảo lộn lớn và đột ngột, người bản địa bị mất đất và mất gốc rễ trở thành lang thang trên chính quê hương ngàn đời của mình... tất yếu đưa đến đổ vỡ về văn hoá.
Nhà văn Nguyên Ngọc cũng có đề cập đến những “lời cảnh báo sớm của một nhóm nghiên cứu về tình hình Tây Nguyên”, cùng với lời giới thiệu trang trọng:

“Năm 1997, một nhóm nghiên cứu thuộc Viện Dân tộc học Việt Nam gồm các tác giả Vũ Đình Lợi (nay đã mất), Bùi Minh Đạo và Vũ Thị Hồng đã hoàn thành một công trình có tên là Sở hữu và sử dụng đất đai ở Tây Nguyên, được giáo sư Đặng Nghiêm Vạn viết lời giới thiệu vào năm 1999, và ấn hành tại nhà xuất bản Khoa học Xã hội vào năm 2000. Sau khi đã trình bày các dữ liệu, phân tích toàn diện và tỉ mỉ tình hình đất và rừng ở Tây Nguyên từ sau năm 1975, các tác giả đã đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ như sau :

‘Sẽ là không quá sớm khi đưa ra lời cảnh báo rằng nếu không kịp thời có giải pháp khắc phục những khiếm khuyết của quá trình khai thác và sử dụng đất đai thì ‘vấn đề dân tộc’ sẽ rất có thể phát sinh trong thực tế nay mai ở Tây Nguyên, chí ít là mất ổn định, nghiêm trọng là máu lại đổ, với sự can thiệp vừa kín đáo, vừa trắng trợn của kẽ thù dưới chiêu bài bảo vệ người dân tộc, bảo vệ quyền tự do tôn giáo. Một khi vấn đề dân tộc và tôn giáo quyện vào nhau thì nguy cơ tới thật khó lường.

Đây thật sự là một lời cảnh báo đầy trách nhiệm, trung thực, dũng cảm và đã được chứng tỏ là hoàn toàn chính xác. Rất tiếc là nó đã hoàn toàn bị bỏ ngoài tai, thậm chí cả sau khi những điều cảnh báo đã thành hiện thực!

Như vậy, sau hơn 30 năm triển khai, hai mục tiêu chiến lược được đề ra từ đầu đối với Tây Nguyên đã không thực hiện được. Tây Nguyên đã trở thành một vùng mất ổn định nhất trong cả nước; và việc xây dựng một vùng trọng điểm phát triển kinh tế trên một cơ sở mất ổn định như vậy chắc chắn không thể bền vững. Lãnh thổ tuy có được phát triển – cũng là một cách méo mó – nhưng chủ nhân của lãnh thổ thì bị bần cùng hoá và bế tắc. Tìm một con đường khắc phục những thực trạng đó hiện nay ở Tây Nguyên đã trở nên rất khó khăn.”

Ở góc nhìn của một kẻ hậu sinh (sinh trưởng nơi vùng cao nguyên Lâm Viên) tôi thành thực tin rằng chuyện “tìm một con đường khắc phục những thực trạng khó khăn ở Tây Nguyên” sẽ còn khó khăn hơn nữa, nếu vấn đề vẫn được nhìn theo nhãn quan của những nhà nghiên cứu thuộc Viện Dân Tộc Học – như nhà văn Nguyên Ngọc vừa trích dẫn: “Với sự can thiệp vừa kín đáo, vừa trắng trợn của kẽ thù dưới chiêu bài bảo vệ người dân tộc, bảo vệ quyền tự do tôn giáo. Một khi vấn đề dân tộc và tôn giáo quyện vào nhau thì nguy cơ tới thật khó lường.”

Ủa, chớ quí vị nói đến “kẻ thù” nào vậy cà? Và “kẻ thù,” cũng như “nguy cơ, của ai mới được chớ? Của Đảng Cộng sản Việt Nam hay của những nguời dân cùng khổ, bất hạnh ở Tây Nguyên?

Coi: đất đai thì mất trắng, môi trường bị tàn phá, văn hoá bị hủy hoại, xóm làng xơ xác tiêu điều, ngơ ngác đói khát trên mảnh đất quê hương ngàn đời của chính mình, không còn lối thoát nào khác nên cuối cùng người dân Tây Nguyên phải nổi dậy. Sau đó, họ bị đàn áp, săn đuổi (và săn đuổi đến cùng) như thú vật giữa rừng hoang – theo như tường thuật của đặc phái viên Nguyễn Khanh, thuộc đài tiếng nói Á châu Tự do, nghe được hôm 4 tháng 5 năm 2004:

“Hiện có một số người Thượng đang lẩn trốn trong rừng sâu ở tỉnh Mondulkiri nằm sát biên giới với Việt Nam. Những người này từ Tây Nguyên băng rừng sang đến Xứ Chùa Tháp hơm 16 tháng trước, tức sau cuộc biểu tình đòi tự do tôn giáo ở Dak Lak và Gia Lai...

Ðiều không mấy ai biết là trước đó vài ngày, công an địa phương cũng đã bắt giữ một số người Thượng, cáo buộc họ hoạt động chính trị, âm mưu lật đổ nhà cầm quyền. Một vài người trong số này may mắn trốn ra khỏi tù và nhanh chân chạy được vào rừng sâu chạy sang Kampuchea…

Ðiều này được chính các viên chức địa phương Cambodia xác nhận, đồng thời nói thêm là phía Hà Nội treo giải thưởng, cứ mỗi người Thượng trao trả lại cho Việt Nam sẽ được thưởng 125 đô la Mỹ. Với phần đông dân chúng Kampuchea thì đây là một số tiền lớn và khoản tiền thưởng này chính là động lực thúc đẩy binh sĩ, cảnh sát Mondulkiri truy lùng những người Thượng đang lẩn trốn trong địa phương của họ.”

Kẻ ở lại thì bị bị “đấu tố” bằng cách ép buộc phải đứng nhận tội trước làng, và những quan chức địa phương, thề phải ngưng liên lạc với người ngoài, và từ bỏ tôn giáo của mình (Villagers who had participated in the February 2001 demonstrations were forced to stand up in front of their entire village and local authorities to admit their wrongdoing, pledge to cease any contacts with outside groups, and renounce their religion. – “Vietnam’s Repression of Montagnard”, Human Rights Watch Press, New York, April 23, 2002)

Không lẽ trên đời này còn có loại “kẻ thù” nào khác, tàn ác và đáng sợ hơn thế nữa, hay sao?

Và vì quí vị đã nhắc đến hai chữ “kẻ thù”, tôi cũng xin phép được nói luôn: sống với những người cộng sản Việt Nam thì có bao giờ mà thiếu... kẻ thù, bất kể vào thời bình hay thời chiến. Chỉ có điều khác biệt là vào thời chiến thì họ động viên toàn dân xáp vào để đánh, chỉ còn cái khố cũng (phải) đánh, nhưng đến thời bình thì Đảng và Nhà Nước lại dành độc quyền bắt tay làm hoà (và... làm tiền) với kẻ thù!

Tôi xin lỗi vì nóng giận (và mất bình tĩnh) nên đã đi hơi xa vấn đề cần bàn, chút xíu. Xin được trở lại với bài viết “Phát triển bền vững ở Tây Nguyên” của nhà văn Nguyên Ngọc. Nơi phần kết luận, ông đã trích dẫn một câu nói “ để đời” (của nhà dân tộc học Jacques Dournes) khi nghiên cứu về các dân tộc miền núi Nam Đông Dương: “Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu.” [1]

Chính Nguyên Ngọc cũng viết thêm đôi dòng chữ ưu ái và thân ái chí tình, về mảnh đất này: “Đối với Tây Nguyên, cần một sự hiểu biết và một tình yêu đầy sự tôn trọng thật sự, một sự tôn kính chân thành và đầy ưu tư đối với một vùng đất và một vùng văn hoá vào loại độc đáo nhất còn lại trên đất nước ta và trên thế giới ngày nay.”

Thương yêu, hiểu biết, tôn kính, chân thành, tận tụy... – theo như quan niệm nhân bản của Jacques Dournes hay Nguyên Ngọc – đều là những thứ tình cảm (vô cùng) xa xỉ, chưa bao giờ thấy được ở Tây Nguyên, kể từ khi vùng đất này “được hoàn toàn giải phóng.” Xin lược thuật một vài sự kiện chính, để thấy lòng dạ “chân thành” hay “tôn kính” của những quan chức cộng sản nơi vùng sơn cước, cũng như tâm tình (chán ngán) của người dân bản địa đối với Nhà nước – ra sao?

Ngày 6 tháng 9 năm 2002, hãng thông tấn AFP loan tin nhà đương cuộc Hà Nội đã bắt giữ khoảng 30 người Thượng – sau khi họ tham dự vào một cuộc biểu tình phản đối chính phủ tại làng Sao, huyện Madrak, thuộc tỉnh Dac Lak. Tuy nhiên, khi được hỏi về biến cố này, ông Nguyễn Văn Lạng – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Dac Lak – đã lắc đầu quầy quậy:” Làm gì có biểu tình, bất ổn hay bắt bớ những người dân thiểu số trong thời gian gần đây. Không, tuyệt đối là không có...” (There have been no demonstration, unrest or arrest of any ethnic minorities in recent days. No, absolute, not... – theo như tường thuật của AFP, vào ngày 6 tháng 9 năm 2002, “Demonstrators Arrested in Vietnam’s Central Highlands”.)

Tưởng ai xa lạ, chớ ông Lạng thì tôi đã có lần nhìn thấy hình trên tờ Việt Mercury (trang 44, số phát hành ngày 23 tháng 3 năm 2001) khi ông ấy đang trả lời phỏng vấn, về những biến động xẩy ra ở Dac Lak – hồi tháng 2 năm 2001. Bữa đó ông Lạng cũng nhún vai, bầy tỏ một thái độ (thản nhiên) tương tự: “Ðấy chả qua chỉ là những vụ cãi vã giản dị về văn khế đất đai tại hai ngôi làng mà thôi... Con số của người biểu tình đã tăng lên là do sự thổi phồng của những tay cực đoan phản cách mạng!”

Cái được ông Nguyễn Văn Lạng mô tả là “những vụ cãi vã giản dị... giữa hai ngôi làng”, theo như những nguồn tin đáng tin cậy khác, gồm “nhiều ngàn nông dân đã xử dụng vũ khí – phần lớn là cuốc xẻng và dao rựa – để đấu tranh chống lại sự thối nát của của Ðảng Cộng sản và những chính sách của chính phủ về chuyện đất đai (Credible reports suggest that several thousand peasants took up arms – mostly shovels, hoes and machetes – to do battle over Communist Party corruption and government policies on land use, theo như tường thuật của Mark Mc Donald [từ Việt Nam] qua bài báo “Peasants Battling Hanoi Over Land In Central Highlands Fight Over Premier Coffee-Growing Region Taking On Political And Religious Overtones”, San Jose Mercury News, 26 Feb 2001, A10.)

Sau đó, ai cũng biết là Hà Nội phải huy động cả lực lượng công an cũng như bộ đội và đã xử dụng đến trực thăng để uy hiếp và truy lùng những kẻ đã tham dự vào “những vụ cãi vã giản dị” này. Hàng trăm người Thượng đã bị bắt giữ, hàng ngàn người khác đã bị truy nã. Họ đã chạy sang Cao Miên xin tị nạn.

Theo lời bà Phan Thúy Thanh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao, đọc được tên báo Nhân dân – số ra ngày 7 tháng 3 năm 2002 – đây là những kẻ “do bị kích động, lừa gạt nên đã vượt biên trái phép sang Cam-pu-chia”. Một tuần lễ sau, hôm 13 tháng 3 năm 2002, khi được hỏi về thái độ của chính phủ Việt Nam đối với những người này, bà Phan Thúy Thanh đã nói với phóng viên David Brunstrom của hãng thông tấn Reuters rằng “thật đáng tiếc là chỉ có 15 người dân thuộc sắc tộc thiểu số từ Cam Bốt đã được Cao uỷ Tị nạn giao trả lại cho Việt Nam, mặc dù hầu hết họ đều có ‘khát vọng nóng bỏng’ được hồi hương” ('the burning desire’ of most of them to come back.).”

Bà Thanh, rõ ràng, nói láo! Sự thực, khi được cho phép định cư ở một quốc gia đệ tam, không một ai trong số 905 người Thượng tị nạn tại Cao Miên đã thực hiện “cái khát vọng nóng bỏng được hồi hương” – như bà Thanh đã bịa đặt ra như vậy. Tất cả đều đã xin tị nạn và đã được phép định cư ở Hoa Kỳ, từ tháng 6 năm 2002.

Mấy năm sau, vào ngày 10 tháng 4 năm 2004, một cuộc biểu tình vĩ đại khác diễn ra tại Tây Nguyên. Lại đàn áp, trốn chạy, thương tích, tử vong..., không khác gì lần trước. Và cũng như lần trước, khi bị chất vấn về con số thương vong của người thiểu số, ông Lê Dũng, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao – người kế nhiệm bà Thanh – cũng đã lắc đầu nguây nguẩy là “hoàn toàn không có ai bị đánh chết ở Buôn Ma Thuột như tin của Human Rights Watch. Chúng tôi cực lực bác bỏ tin này.”

Theo truyền thống của Nhà nước CHXHCNVN thì (ta) cứ “cực lực bác bỏ” – nghĩa là chối ngay, chối bay, chối biến, chối phăng, chối phắt, chối nằng nặc, chối bai bải, chối đây đẩy, chối quầy quậy, chối tuốt luốt, chối hết – là kể như... xong chuyện, và hết chuyện! Truyền thống này, tiếc thay, hơi khó giữ vào thời đại thông tin.

Bởi vậy, mấy bữa sau, ngày 17 tháng 4 năm 2004, ông Phạm Thế Duyệt – Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc – đành phải miễn cưỡng nhận rằng: “Chỉ có hai người trong số những người cố ý gây rối trật tự công cộng bị chết do chính họ ném đá vào nhau. Ngoài ra, còn có vài chục người bị thương trong các cuộc ẩu đả lẫn nhau.”

Ý, giàng ơi! Sao khi khổng khi không cái hàng chục ngàn người Thượng, bỏ buôn làng, kéo vô thành phố, chia làm hai phe, dàn hàng ngang rồi “ném đá vào nhau” và “ẩu đả lẫn nhau” cho... tới chết luôn – như vậy, hả trời? Nói (đại) như vậy mà nói được sao, cha nội? Cũng như bà Thanh, và ông Dũng, thằng chả – rõ ràng – cũng nói láo như... ranh. Thiệt là thầy chạy!

Mà người dân miền núi thì không quen dối trá. Họ không thể tiếp tục sống mãi với những kẻ (cứ mở mồm ra là) nói láo xoen xoét như thế. Bởi thế, sau khi trốn thoát được đến Cao Miên, theo tường thuật của BBC, nghe được vào hôm 21 tháng 7 năm 2004, ông Ralampee – một người tị nạn từ Tây Nguyên – đã nói với phóng viên của hãng tin Reuters rằng: “Tôi thà chết ở đây, chứ không trở lại Việt Nam và chết ở nơi đó (I would be happy to die right here, rather than go back to Vietnam and die there).”

Ông Ralampee không phải là người đầu tiên, cũng không phải là kẻ cuối cùng (hay duy nhất) đã bầy tỏ một thái độ quyết liệt như vậy. Có hàng trăm ngàn người dân miền núi, và hàng triệu đồng bào của họ ở miền xuôi, cũng đã dùng đến sinh mạng của mình để bỏ phiếu (bằng chân hoặc bằng thuyền) theo phương cách tương tự.

Tai hoạ mà cộng sản mang lại đâu chỉ giới hạn ở Tây Nguyên. Hãy đọc lại, một lần nữa, những vấn đề mà nhà văn Nguyên Ngọc vừa nêu xem. Xin vẫn được in đậm, theo nguyên bản:
  1. Dân số Tây Nguyên tăng nhanh, đột ngột, với cường độ lớn;
  2. Sự tan vỡ của làng Tây Nguyên;
  3. Môi trường bị tàn phá nghiêm trọng;
  4. Người bản địa bị mất đất;
  5. Văn hoá Tây Nguyên bị mai một.
Chớ có cái làng quê nào ở miền Bắc mà không “tan vỡ”, sau Cải cách Ruộng đất? Có dòng sông nào, khu rừng nào – xuyên suốt cả hai miền đất nước – không bị ô nhiễm, tàn phá, hủy hoại chứ đâu có riêng chi môi trường ở Tây Nguyên?

Dù chính sách hợp tác xã nông nghiệp không được thực thi ở miền Nam, chủ trương xây dựng lâm trường và nông trường cũng khiến cho vô số người dân miền xuôi mất trắng đất hết đai. “Tiếng kêu giữa rừng U Minh Hạ” (được ghi lại bởi phóng viên Hoàng Trí Dũng, đọc được trên Tuổi trẻ Online, vào ngày 18 tháng 9 năm 2005) nghe cũng ai oán, và thảm thiết đâu có khác gì tiếng nấc của núi rừng ở Tây Nguyên:

“Tôi đã đến nhiều miền quê nghèo khó vùng sông nước ĐBSCL, nhưng có lẽ chưa lần nào tơi bị ‘sốc’ như chuyến đi lần này. Nơi tôi đến là một vùng quê giáp ranh giữa hai tỉnh Kiên Giang - Cà Mau, cách không xa trung tâm hai thành phố Rạch Giá và Cà Mau, vậy mà đã 30 năm sau ngày đất nước thống nhất vùng quê ấy vẫn còn là bức tranh buồn thảm với nhiều nỗi bức xúc: không điện, đường, trường, không trạm xá, không hộ khẩu, không đất sản xuất…

Trái ngược với hình ảnh ấy là cơ ngơi của các quan chức địa phương – những người đang giành giật đất đai của dân. Đó là chuyện thật ở ngay một góc Lâm trường U Minh 2, ấp 4, xã Khánh Hịa, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

[...]

Cách đây hai năm một cháu bé tên Hằng, 10 tuổi, con của hai vợ chồng trẻ không may bị bệnh viêm ruột thừa cấp tính, nhưng ở giữa rừng không có trạm y tế, mà lòng kênh trơ đáy khô queo, còn trên bờ thì không có đường đi rốt cuộc đành ngồi nhìn con chết mà bất lực vì không cách nào chuyển đi bệnh viện...”

Tương tự, “văn hóa bị mai một” hay suy đồi là “tình trạng chung của cả nước,” chớ đâu có riêng chi ở Tây Nguyên! Tôi cũng chả thấy có sự dị biệt nào giữa hai cuộc biểu tình của dân chúng ở Tây Nguyên, với những cuộc biểu tình ở các tỉnh đồng bằng: Thái Bình, Đông An, Nam Hà, Nghệ An, Trà Cổ... Tựu trung, đó chỉ là những phản ứng tự nhiên của những người dân chân chất – khi bị dồn đến chân tường, thế thôi.

Và tôi e rằng đa số người dân đã bị dồn đến chân tường rồi. Trước tình trạng này những đề nghị phát triển , hay “phát triển bền vững”, đều bất khả thi. Kinh nghiệm của nạn nhân cộng sản, ở những quốc gia khác, cho thấy là thể chế này chỉ có thể thay thế chứ không thể nào thay đổi được

Còn làm thế nào thay thế được nó thì (sorry) tôi không biết. Và đây, chắc chắn, cũng không phải là “chuyện riêng” của người dân miền núi chúng tôi. Tây Nguyên, nghĩ cho cùng, chỉ là hình ảnh của một Việt Nam thu nhỏ, với những nét khắc khốc liệt và tàn bạo hơn (đôi chút) thế thôi.

© 2008 talawas



[1]Jacques Dournes còn có bút danh là Dam Bo, tác giả công trình nghiên cứu Các dân tộc miền núi Nam Đông Dương, được giới thiệu vào đầu năm 1950, trên Tạp chí Pháp - Á (France-Asie 49-50 Numero Special Consacre aux Populations Montagnardes du Sud-Indochinois: Saigon,1950) và đã được chuyển dịch là Miền đất huyền ảo, một cách hết sức gẫy gọn và tài hoa bởi nhà văn Nguyên Ngọc.