trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
22.10.2008
Jerzy Szacki
Bản sắc tập thể hay bản sắc xã hội của cá nhân?
Lê Hải dịch
 
Bản sắc và đặc biệt là bản sắc dân tộc là khái niệm được nhắc nhiều tại Việt Nam trong 20 năm qua nhưng hầu như chưa có định nghĩa rõ ràng nào về nội dung mà nó đề cập lẫn mối quan hệ ngữ nghĩa và phạm vi áp dụng hay ranh giới học thuật. Thực ra bản sắc hay bản sắc văn hóa được hình thành và phát triển trong quãng thời gian các ngành xã hội và nhân văn của Việt Nam tạm thời không có cơ hội tiếp cận với nguồn tri thức phương Tây. Giai đoạn mở cửa lại là lúc khái niệm bản sắc một lần nữa thay đổi và cùng lúc mở rộng ra nhiều ngành học, sau thời điểm mà giới chuyên gia gọi là khủng hoảng bản sắc. Khái niệm bản sắc dân tộc trong các ngành xã hội và nhân văn rất khác với khẩu hiệu chính trị và nhận thức của đại chúng. Bản dịch tiếng Việt này là một phần bài viết khoa học của giáo sư Jerzy Szacki về bản sắc dân tộc đăng trên tạp chí nghiên cứu Kultura i Spoleczenstwo năm thứ XLVIII, số 3, 2004, các tiêu đề nhỏ [1] do người dịch đặt.
Lê Hải
Khi đem khái niệm bản sắc vào “thế giới cuộc sống” – tức là nói theo cách khác, đồng nhất bản sắc với nhận thức của người mang nó – thì đã tạo ra gút mắc quan trọng về lý thuyết, nếu bàn về bản sắc của một tập thể chứ không phải của cá nhân. Tất nhiên ở đây không cần bàn tới khái niệm không tưởng đã bị gạt bỏ từ lâu về “linh hồn của tập thể”, không còn mấy ai quan tâm và không còn lập luận nào để bênh vực. Có nghĩa là ngay từ đầu cần loại trừ kiểu gán cho tập thể một nhận thức – không theo cách hiểu thậm xưng – cũng giống như là nhận thức được ghép với cá nhân.


Không tồn tại bản sắc tập thể

Tiên đề mà Antonina Kłoskowska [2] đã đưa ra không cần thiết phải chứng minh. “Không có một tập thể xã hội nào, mà khái niệm bản sắc có thể được đề cập với nó, lại có được một thực thể biết tư duy sản sinh ra cái mà người ta có thể coi như phiên bản của cá nhân ý thức được về bản thân” [3] . Như vậy khi nói rằng dân tộc (hoặc bất kỳ một tập thể nào khác) có bản sắc được hiểu như nhận thức, tức là tự “định nghĩa” được mình, thì khi đó hoặc là chúng ta đã đi tắt rất nhiều trong tư duy, mà trên thực tế là coi như đa số thành viên, hoặc chỉ một nhóm nào đó – mà theo chúng ta là các đại diện (ví dụ lãnh đạo chính trị hay chẳng hạn như nhà thơ), hoặc đơn giản nói cố, nói theo cảm tính bất chấp thực tế hơn là tư duy logic. Lối lập luận như vậy có thể rất thuyết phục, cho nên thường được dùng trong giáo dục và tuyên truyền, nơi không cần thiết phải chứng minh xem nội dung đó có giá trị ứng dụng như thế nào. Tất nhiên ở đây ý muốn nhắc đến cả từ khái niệm bản sắc tập thể, cho đến ý thức tập thể [4] hay kể cả ký ức tập thể, vấn đề không hiếm khi được đem ra phân tích và, ít ra là bề ngoài, mổ xẻ công bằng. Khó có thể tranh cãi rõ ràng với lối lập luận này, nói chung các cố gắng ẩn đằng sau đó nhằm loại trừ các giả thiết xác đáng là đáng khâm phục.

Không có gì lạ, trong các đầu sách khoa học xuất hiện ngày càng thêm rõ nét quan điểm được xây dựng theo hướng cho rằng nói chung không nên nhắc tới bản sắc tập thể, hoặc cần phải xem nó hoàn toàn khác với bản sắc cá nhân [5] , không giống với tập thể của những cá nhân có suy nghĩ và có cảm giác. Vì thế cần phải hỏi xem thành viên của nhóm tự nhận dạng mình như thế nào, hơn là bản sắc của tập thể là như thế nào, vì làm như vậy mới có thể chạm được vào thực tế ứng dụng, hơn là nhận được một kết cấu lý thuyết rất đáng ngờ.

Không có gì khó chú ý là cách nhìn như vừa nêu kéo theo nhu cầu phải tái xác nhận quan điểm mà trên thực tế đã quá phổ biến của phương pháp cá nhân luận (methodological individualism – ND), mà theo đó “phần tử cơ bản nhất của thế giới xã hội chính là những con người cá thể, hoạt động ít nhiều theo tính tình và hiểu biết về hoàn cảnh của mình. Tất cả mọi trạng thái phức tạp của xã hội, cơ chế hoặc hiện tượng đều là kết quả từ một tổ hợp cá nhân cùng tính tình của họ, hoàn cảnh, lòng tin, sức lực và môi trường [6] .

Có thể nhận thấy sự lặp lại tiên đề trên – trong các nghiên cứu về bản sắc – qua định lý rằng “chỉ có cá nhân mới có thể hình thành bản sắc, chứ nhóm người thì không thể. Xã hội (hoặc ‘dân tộc’) cũng vậy, không có bản sắc riêng”. Tập thể ở bất kỳ mức độ nào, từ nhỏ nhất như các nhóm hội không chính thức, cho đến dân tộc hay nhân loại, chắc chắn đều có thể “thể hiện như một nhân vật tập thể và thậm chí trở thành tư cách pháp nhân với quan hệ pháp lý với các cá nhân bình thường. Nhưng lại không thể sở hữu ‘cá tính tập thể’ riêng hay ‘hồn của nhóm’. Khi đề cập rằng dân tộc có ‘bản sắc’ riêng thì chúng ta đã chạm vào khu vực ngôn từ của hệ tư tưởng”. Do vậy cần loại trừ mọi phương thức áp dụng khái niệm bản sắc cá nhân sang cho tập thể một cách thiếu cân nhắc, đem lý do “khủng hoảng hệ tư tưởng” vào mọi cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề “bản sắc tập thể” [7] cụ thể.


Bản sắc được nhiều cá nhân công nhận

Hệ quả từ xuất phát điểm như vừa mô tả tức là hoặc chúng ta phải bỏ hẳn khái niệm “bản sắc tập thể” và “bản sắc của nhóm” (collective identity và group identity – ND), hoặc xét các khái niệm này trong mối quan hệ như định luật cho rằng tại một thời điểm cá nhân sẽ tương ứng với một chuẩn về số lượng hoặc chất lượng – mà chúng ta tạm đặt ra – đại diện cho tập thể mà cá nhân đã chọn là của mình. “Bản sắc quần thể” – như Jan Assmann viết – “là vấn đề tự xác định sự lệ thuộc của mình từ cá nhân đang tham gia. Bản sắc đó không ‘tự thân tồn tại’, mà chỉ tồn tại ở mức độ số lượng các cá nhân công nhận nó.” [8] Theo cách nhìn này thì khái niệm “bản sắc tập thể” có thể được hiểu cùng lắm là tên chung của một số lượng nhất định các hoạt động tự xác định của các cá nhân, chứ không phải là tên đặt cho cá tính của một tập thể. Mà nếu đã như vậy thì tốt nhất là nên từ bỏ cách dùng từ đó. Tất nhiên là có thể nói đến bản sắc xã hội (social identity – ND), nhưng với điều kiện là phải nói rõ là dùng theo cách hiểu không phải là nhắc tới bản sắc của một nhóm, mà chỉ là một góc độ của bản sắc của một cá nhân, tự xác định mình thuộc về nhóm đó; chỉ là một giá trị định nghĩa cấu trúc không hơn không kém, đơn giản là “[...] cái phần khái niệm về bản thân, mang theo mình tấm căn cước định nghĩa cá nhân là thành viên của một nhóm xã hội nhất định.” [9]

Lối tiếp cận từ góc độ cá thể kiểu như vậy (mang tính đề cập hơn là kéo theo các ứng dụng thực tiễn cho người nghiên cứu) chắc chắn mang nhiều ưu điểm, không chỉ cho phép loại trừ cách hiểu “hồn của nhóm”, mà còn khiến chúng ta phải cân nhắc xem cái bản sắc nhóm nào đó sẽ được gán cho nhóm này hay nhóm nào khác, đồng thời tại một thời điểm ai là người lưu trữ nó [10] : “tất cả” thành viên của nhóm đó, hay đa số, hay chỉ có một nhóm trung tâm này hay nhóm trung tâm khác, tự nhân danh tuyên bố và rồi cố gắng “đánh thức” đám đông hiện tại vẫn còn xa mới ý thức được về vai trò tham gia của mình. Có thể thấy trong trường hợp bản sắc dân tộc tình huống như vậy không phải là hiếm, do bản sắc nhóm được gắn với một dân tộc thường mang tính ý thức hệ hoặc qui chuẩn ở mức độ cao.


Phương pháp luận cá thể

Tôi không tìm thấy lập luận nào lên tiếng đòi loại bỏ phương pháp luận cá thể, nhất là trong cách trình bày như vừa rồi, mà Watkins [11] đã từng giới thiệu. Nhưng khó có thể chỉ giới thiệu đơn giản mà không bình luận thêm, hay cảnh báo thêm [12] , đặc biệt khi vấn đề không đơn giản như người ta tưởng. Ví dụ như Stanislaw Ossowski từng cảm nhận, giải thích trong tác phẩm của mình về “ý thức xã hội”, rằng dụng ý nghĩ về một thứ gì đó rộng hơn “ý thức của cá nhân thuộc về một nhóm nào đó”, tức là “[...] những khái niệm, hình ảnh, lòng tin và đánh giá, ít nhiều trở thành điểm chung cho những người trong một môi trường nhất định, mà bên trong ý thức của mỗi cá nhân góp phần làm gia tăng ảnh hưởng hỗ tương, gia cố lòng tin là tất cả thành viên trong cùng nhóm đều chia sẻ điểm chung đó.” [13]

Nói ngắn gọn, vấn đề cơ bản của chúng ta không chỉ là có chấp nhận hay không giả thiết về sự hiện hữu của một thể tâm lý của tập thể – vấn đề mà những ai suy nghĩ nghiêm túc đã loại trừ từ lâu – mà còn là làm thế nào hiểu được “con người cá thể”, đối tượng có thể được coi là datum duy nhất của khoa học xã hội, cũng như nên suy nghĩ thế nào trước lập luận cho rằng có thể giản lược mọi định luật về các hiện tượng xã hội xuống thành định luật chỉ đơn thuần là tâm lý trên đơn vị một con người. Đây cũng chính là cốt lõi của vấn đề, mà có vẻ như thường bị bỏ qua từ phía những người được coi là đại diện nổi bật trong nhóm ủng hộ phương pháp luận cá thể.

Trước hết, vấn đề quan trọng là chúng ta tưởng tượng cá nhân như là “người không có cá tính (xã hội)”, hay chấp nhận giả thiết là suy nghĩ đó chỉ là tưởng tượng và đồng ý với lập luận của Mác, rằng “[...] bản chất con người đó không phải là trí tưởng tượng lưu trú trong một cá nhân cụ thể. Trên thực tế nó là toàn bộ các mối quan hệ xã hội” [14] . Nếu sử dụng vế thứ hai của mệnh đề thì cũng đồng nghĩa với lập luận “thành phần cơ bản nhất của thế giới xã hội chính là những con người cá thể”, mà hệ quả thực tế lại không được bao nhiêu, vì lại phải đồng thời giả thiết – như Étienne Balibar đã làm – “[...] mọi bản sắc đều là của cá nhân, nhưng không có bản sắc cá nhân nào lại không mang tính lịch sử, tức nói cách khác – được xây dựng trong không gian giá trị xã hội, chuẩn mực cuộc sống và các biểu tượng chung.” [15] Đây cũng chính là xuất phát điểm cho phần quan trọng nhất dành cho nhà xã hội học, không lệ thuộc vào ngôn ngữ hay ngành học lẫn phương pháp sử dụng trong nghiên cứu.


Kết cấu xã hội

Nhà xã hội học không thể tự đặt ra bất kỳ một “hoàn cảnh sơ khai” nào để mô tả cá nhân chỉ là loài động vật có chức năng nhận biết và cảm xúc, không hề biết gì về chuyện mình thuộc về xã hội – có vị trí như thế nào trong đó, cần phải tự điều chỉnh theo một mong đợi giả thiết nào đó – mà cá nhân đã được xã hội hóa, tự nguyện có quan hệ hoặc bắt buộc bị lệ thuộc. Trên thực tế cá nhân nằm giữa nhiều tầng quan hệ trong hoàn cảnh “nguồn gốc” xã hội – tức là “kết cấu” riêng biệt, mà Elias đã từng mô tả bằng hình ảnh liên tưởng đến đội múa, vốn không thể tồn tại nếu không có từng vũ công một, nhưng mỗi người đều phải thích nghi với bạn múa lẫn những qui tắc lâu đời [16] . Tương tự như vậy cũng có thể nói về ngôn ngữ, bản thân tồn tại thông qua các cá nhân sử dụng nó, nhưng là hiện tượng tập thể một cách tự nhiên đồng thời tồn tại bền vững hơn tập thể. Nói ngắn gọn, đối với nhà xã hội học theo một nghĩa nhất định không thể nào thoát khỏi tư duy tập thể theo kiểu Durkheim, bất kể ông đã đặt dấu hỏi rất xác đáng về bản chất xã hội (social ontology – ND), tức phạm vi hoạt động của khái niệm này.

Để xét chân trị của các mệnh đề loại này không nhất thiết phải dùng đến siêu hình học chỉnh thể (holistic metaphysic – ND), nhưng cần phải từ bỏ hoàn toàn lối nhìn cá nhân qua chức năng đơn tử (monad – ND), chẳng hạn như homo clausus, mà các triết gia siêu hình đã làm đúng khi phản biện, nhưng bằng cách không được hưởng ứng cho lắm.

“Tại đây không chỉ cần phải hiểu rằng – như Alasdair MacIntyre chứng minh – con người sống trong môi trường xã hội luôn thay đổi, mà còn phải hiểu là tất cả chúng ta coi môi trường sống chung quanh như là vật thể mang theo mình một giá trị bản sắc nhất định [...]. Trong tư cách cá nhân được định nghĩa thông qua cách hiểu này, tôi tiếp thu từ quá khứ gia đình, thành phố, sắc tộc, dân tộc những món nợ và gia tài khác nhau, cùng với những mong đợi và chuẩn mực đã được định sẵn. Tất cả đó áp đặt những gì trong cuộc sống tôi được coi là đã có sẵn...” [17] .

Không quan trọng lắm chuyện dùng từ “bản sắc xã hội” để diễn giải, mà đơn giản là “con người cá thể” mà nhà xã hội học dùng chỉ nhắc tới tư cách thành viên trong một xã hội nhất định, kéo theo hệ quả quan trọng, là cần phải xét không chỉ khả năng và cá tính, mà còn cả nguồn gốc của cá thể trong môi trường xã hội mà cá thể đó đang tồn tại. Điều đó buộc nhà xã hội học giữ khoảng cách ví dụ như đối với lý thuyết về bản sắc xã hội do các nhà tâm lý học xây dựng nên, tại vì đối với anh ta thuyết đó quá rộng và không cân nhắc đến tận cùng rằng trong đời thường bản sắc cá nhân (riêng tư và xã hội) được hình thành chủ yếu là dưới ảnh hưởng của các mô hình và hoạt động văn hóa [18] hay là – như một số người khác thích dùng – thể chế [19] . “Tự nhận dạng [..] – Brubaker viết – luôn tồn tại trong mối quan hệ biện chứng với quá trình nhận dạng và phân loại, thường được các thể chế chuyên quyền áp dụng” [20] .

Billig có lý khi lập luận rằng “[...] các nhà tâm lý xã hội đã thu hẹp phạm vi nghiên cứu một cách không cần thiết. Quan trọng không chỉ là cá nhân phân loại bản thân như thế nào, mà còn là các phạm trù được phân chia như thế nào. Trong trường hợp bản sắc dân tộc thì cá nhân không chỉ tưởng tượng về dân tộc của mình như là một tập thể, mà còn phải đồng thời mường tượng xem bản thân biết gì về dân tộc đó, cùng lúc nhận dạng bản sắc của dân tộc của chính mình” [21] . Khi nói đến bản sắc dân tộc, thì không chỉ hàm ý rằng cá nhân tự xếp mình vào làm thành viên của dân tộc, mà còn là tin tưởng vào thực thể nằm ngoài tầm cá nhân, và được học lòng tin này từ khi còn nhỏ.


Tập thể bị nhân cách hóa

Nói cách khác, người nghiên cứu cuộc sống xã hội không thể không nhận thấy là những người tham gia trên thực tế suy luận theo lối chính thể về thế giới xã hội, góc nhìn – mà chính nhà nghiên cứu đã bác bỏ rất xác đáng [22] . Họ sẵn sàng nhân cách hóa tập thể, coi như “con người” đó đòi họ phải làm điều này chứ không phải điều kia. Suy nghĩ của đời thường đầy những giả định sẵn như vậy, và mặc dù người nghiên cứu dù có ý thức về việc đó chỉ là giả thiết, vẫn phải chấp nhận là lối tư duy đó ảnh hưởng tới hành động của con người. Nó cũng chính là một phần thực tại mà nhà xã hội học nghiên cứu. Vấn đề là nếu một phạm trù nào đó “trống rỗng về bản thể” không làm mất bớt ý nghĩa xã hội của nó [23] .

Tổng kết lại những luận điểm đã nêu, cần phải xác nhận như sau. Một là, thay thế chỗ của bản sắc tập thể bằng các nhận dạng của cá thể không hề loại trừ được vấn đề của sự lệ thuộc của chúng vào các tính chất tập thể bất kể thế này hay thế khác. Hai là, phạm trù đã bị loại trừ dứt khoát ra khỏi phương pháp phân loại dùng trong phân tích vẫn quay trở lại không cách gì ngăn cản được trong vai trò thành phần của thực tại được nghiên cứu, như là bào thai tạo thành từ quá trình được các cá nhân công nhận trong lúc trở thành thành viên của nhóm đang được nghiên cứu, và coi như là một thể thực tại mà các cá nhân đó là thành phần. Rõ ràng là có thể thay từ ngữ gây bất ổn bằng các tên khác và/hoặc xác định rõ là đang làm việc với trường ảo. Tuy nhiên giải pháp về mặt ngôn ngữ không thay đổi được gì mấy. Tương tự vậy, Antonina Kłoskowska đã rất xác đáng khi viết rằng “[Người Ba Lan nói chung] nhìn từ góc độ bản sắc chỉ là [...] lý thuyết không tưởng, hoặc sản phẩm tưởng tượng do hệ tư tưởng tạo ra, hoặc một đồng thuận về mặt chính trị” [24] , nhưng cách nhìn đó không hề kết thúc các tranh luận của người Ba Lan về tính cách Ba Lan, cũng như không hề ảnh hưởng gì tới tác động của “ảo tưởng” này lên hành động của con người. Điều đó có nghĩa là không thể chấp nhận chủ nghĩa nhóm, lẫn chủ nghĩa cá nhân theo cách hiểu nguyên tử hoặc thiếu liên kết xã hội [25] .


Bản tiếng Việt © 2008 talawas


[1]ND – Các chú thích của tác giả được dịch theo nguyên bản tiếng Ba Lan, kể cả nguồn sách mà tác giả truy cứu nếu từ bản đã được dịch sang tiếng Ba Lan. Chú thích của người dịch sẽ được chú thêm ND. Độc giả có thể liên hệ qua email với người dịch bantinphuongdong@yahoo.com hoặc tác giả szacki@elektron.pl. Giáo sư Jerzy Szacki là nhà xã hội học và cũng là sử gia tư tưởng xã hội học hàng đầu Ba Lan, từng được trao giải thưởng cao quí nhất trong khoa học năm 2003, góp phần đặt nền móng cho nền khoa học xã hội Ba Lan trong và sau thời gian bị chính quyền cộng sản dẹp bỏ hoặc giới hạn vì liên kết với văn hóa tiểu tư sản.
[2]ND – Chuyên gia hàng đầu của Ba Lan về dân tộc và bản sắc dân tộc (1919-2002)
[3]Theo Antonina Kłoskowska, “Tożsamość i identyfikacja narodowa w perspektywie historycznej i psychologicznej”, Kultura i Społeczeństwo 1992 số.1, trang 132. Cùng tác giả, Kultury narodowe u korzeni, Warszawa, trang 99. Hoặc theo Jurgen Straub, “Personal and Collective Identity”, trong Heidrun Briese (biên tập), Identity, trang 69
[4]Ví dụ theo Marek Ziółkowski, Wiedza, jednostka, społeczeństwo. Zarys concepcji socjologii wiedzy, Warszawa 1989 trang 141 trở đi. Jadwiga Koralewicz, Marek Ziółkowski, Mentalność Polaków, tái bản Warszawa 2003, trang 222 trở đi.
[5]Ví dụ quan điểm của Kłoskowska, định nghĩa bản sắc dân tộc như là “văn bản chung của văn hóa dân tộc”.
[6]Theo John W.N. Watkins, bản dịch tiếng Ba Lan của Adam Chmielewski, Wyjaśnienie historii. Indywidualizm metodologiczny i teoria decyzji w naukach społecznych, Wrocław 2001 trang 56.
[7]Theo Jurgen Straub, “Personal and Collective Identity”, trang 69, các khái niệm trong ngoặc lấy từ Reinharda Kreckela, “Soziale Integration und nationale Identität”, Berliner Journal für Soziologie 1994, số 4.
[8]Jan Assmann, được trích lại trong Straub, “Personal and Collective Identity”, trang 71.
[9]Trích từ Krzystof Kosela, Polak i katolik, trang 53, 55.
[10]Xem Rogers Brubaker, Frederick Cooper, Beyond “Identity”, trang 14.
[11]ND – Lý thuyết gia cho ngành nhân học John Watkins, tư tưởng cá nhân luận về phương pháp (methodological individualism – để phân biệt với cách hiểu cá nhân chủ nghĩa như thông thường ở phương Tây) được trình bày trong bộ sách Triết học Khoa học (The Philosophy of Science) của đại học MIT trong thập niên 1990s, bên cạnh trên 40 triết gia từ các ngành học khác cùng ủng hộ trường phái logical positivism sau 60 năm thăng trầm và phát triển đến điểm chung.
[12]Ví dụ như Ernest Nagel, bản dịch của Jerzy Giedymin, Bozydar Massalski, Helena Einstein, Structura nauki. Zagadnienia logiki wyjaśnien naukowych. Warszawa 1961, trang 58 và tiếp theo. Về khủng hoảng của phương pháp luận cá thể (individualism methodology) có thể đọc thêm với Steven Lukes, Essays in Social Theory, London 1977, trang 177-186.
[13]Stanisław Ossowski, Struktura klasowa w społecznej świadomości, Toàn tập, tập 3, Warszawa 1968, trang 89.
[14]Karol Marks, Tezy o Feuerbachu, Toàn tập, tập 3, Warszawa 1961, trang 7.
[15]Etienne Balibar, Immanuel Wallerstein, Race, Nation, Class. Ambiguous Identities, London-New York 1991, trang 94.
[16]Xem thêm Johan Goudsblom, Stephen Mennell (biên tập), The Norbert Elias Reader, Oxford-Malden MA 1998, trang 130-131.
[17]Alasdair MacIntyre, bản dịch của Adam Chmielewski, Dziedzictwo cnoty. Studium z teorii moralności, Warszawa 1996, trang 293-393.
[18]Lập luận của Billig (đặc biệt không phải là nhà xã hội học, mà là tâm lý học xã hội) trong quyển Banal Nationalism, chương 4.
[19]Xem Richard Jenkins, Social Identity, London - New York 1996, trang 13-14.
[20]Rogers Brubaker, “Neither Individulism nor Groupism”, Ethnicities 2003, số 3(4), trang 556.
[21]Xem Billig như đã dẫn.
[22]Theo Ernest Gellner, “Holizm versus Individualism”, trong May Brodbeck (biên tập), Readings in the Philosophy of the Social Sciences, New York - London 1968, trang 259.
[23]Theo John L. Comaroff, “Ethnicity, Nationalism, Politics of Difference”, trong John L. Comaroff và Paul C. Stern (biên tập), Perspectives on Nationalism and War, Amsterdam 1995, trang 250. Hay Ruth Wodak, Rudolf de Cillia, Martin Reigigl, Karin Liebhart, The Discursive Construction of National Identity, Edinburgh 2003, trang 23.
[24]Antonina Kłoskowska, Kultury narodowe u korzeni, Warszawa, trang 103
[25]Zygmunt Bauman, Dwa szkice o moralności ponowoczesnej, Warszawa 1994, trang 7.
Nguồn: Tạp chí Kultura i Spoleczenstwo năm thứ XLVIII, số 3, 2004