trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
4.10.2008
Xuân Đỗ
Phan Khôi - Người “thợ cày trên cánh đồng chữ”
(121 năm ngày sinh Phan Khôi 06.10.1887)
 
Là kẻ hậu sinh, tôi biết Phan Khôi là một nhà Nho duy tân, một nhà Tây học uyên bác, một nhà văn hóa biết hội nhập, một “người phu chữ” thích làm giàu tiếng Việt, một người suốt đời đi tìm sự thật, thích tranh luận nhưng biết phục thiện. Nhìn lại các danh sĩ, danh nhân Quảng Nam mà đặc biệt là “tứ kiệt Quảng Nam” (Phan Châu Trinh, Trần Quí Cáp, Trần Cao Vân, Huỳnh Thúc Kháng), thì Phan Khôi có khuôn mặt đặc thù mang nhiều nét ưu tư khắc khổ. Sinh bất phùng thời trong một thời vận nước nhố nhăng, lại trải qua nhiều năm đi theo kháng chiến cứu nước, con người ông vừa mang chân dung của một thư ký hãng buôn cần mẫn, khiêm tốn, lấy nghề tay trái làm kế sinh nhai, vừa tiềm ẩn nét uy dũng của một kẻ sĩ khí tiết, nghèo không than, bại không nản, bị coi thường không giận, bị xử oan không oán, bị chèn ép không bi phẫn, sống an nhiên tự tại, quyết không khuất phục uy quyền, không đầu hàng trước cái ác, không về phe cái xấu, không thích chốn quan trường, chẳng bon chen nơi thị tứ, mà chỉ đem sở trường, sở học chăm làm cái gì đó làm di sản cho lớp hậu sinh. Từ cách nhìn này, tôi nghĩ thời gian cuối đời làm ông buồn nhất, buồn chẳng phải vì bị o ép, cách ly mà buồn vì không được viết, không được “cãi”, đàn em cùng chí hướng tứ tán, tù tội, bạn bè bạn văn xa lánh sợ liên lụy, thương cho người vợ già một đời gắn bó, chăm lo cho chồng, chia sẻ ưu tư chẳng kém gì bà vợ Tú Xương. Bà Tú Khôi là người đi sau linh cữu tiễn ông trong một ngày buồn trên đường phố Hà Nội với số người tham dự chưa quá mười, kể cả phu đòn (theo báo Văn nghệ thuật lại thời mở cửa). Nhưng ít ra Phan Khôi còn được an ủi hơn hai “lãnh tụ” một thời, cụ NĐD được chôn vội trong một trại binh, ông HCM muốn thiêu nhưng chưa được thiêu, lại chẳng được chôn. Nói cho ngay, về mặt chính trị Phan Khôi hình như không thuộc người của “phe” nào, mặc dù từng theo bước Phan Châu Trinh, một chí sĩ cùng quê. Cho nên nhiều nhà phê bình vẫn xếp ông là người không chịu bị ràng buộc, bởi duy vật hay duy tâm, bởi thế giới hữu hình hay vô hình, bởi quốc gia hay cộng sản. Nhưng trên hết, ông là người chỉ kính lẽ phải, chỉ chịu trách nhiệm với lẽ phải như ông thường khẳng định.

Là kẻ hậu sinh, tôi biết Phan Khôi khi thấy tên ông là chủ nhiệm của tờ Nhân văn, một giai phẩm văn chương nở muộn, chóng tàn nhưng để lại dư âm văn học gây nhiều xôn xao qua nhiều thế hệ người đọc. Lúc này tuổi đã già, nhưng tinh thần không già, từ kháng chiến về thành, dù bề bộn bao công chuyện, ông vẫn muốn khơi lên một làn gió mới cho văn học vốn bị đưa đi quá xa vào mục tiêu chính trị nhằm dùng văn học làm phương tiện phục vụ cho chế độ. Nhờ ông đứng ra chịu trách nhiệm, tờ báo đã qui tụ được nhiều tài năng trẻ, với những bài thơ đi vào huyền thoại, gieo vào lòng người cả hai bên bờ Bến Hải những xúc cảm khôn nguôi. Từ đó, học trò thế hệ tuổi tôi đã say mê những Hoàng Cầm, Hữu Loan, Văn Cao, Trần Dần, Phùng Cung, Phùng Quán... để khi quần chúng nhắc đến Nhân văn - Giai phẩm, tên tuổi Phan Khôi đã gắn liền với phong trào “Trăm hoa đua nở”, rộ lên vụ án văn học lớn nhất trong lịch sử cận đại, mà cả nửa thế kỷ sau, các nhà thơ tham gia bị vùi dập, tù tội mới được nhìn nhận, phục hồi công lao đóng góp cho văn học. Phan Khôi, với khí phách của kẻ sĩ, nhận hoàn toàn trách nhiệm trong vai chủ nhiệm, nhưng vẫn không cứu được các đàn em. Bản thân ông thoát cảnh tù nhưng chịu chung số phận như bao văn nhân, ký giả trong cảnh bị treo bút, gác kiếm, bị quản thúc, bao vây kinh tế cho đến khi âm thầm lìa đời. Ấy vậy mà thế giới biết đến tên ông lại chỉ qua sự kiện này. Trong cuốn tự điển bách khoa thế giới Encyclopaedia Britannica, mục từ Phan Khôi được ghi: “Phan Khôi, một nhà trí thức đầu đàn của Việt Nam đã khơi dậy phong trào ‘Trăm hoa đua nở’ nhằm cho phép các văn nhân học giả Việt Nam được phê bình chế độ cộng sản, nhưng do vậy mà ông bị ngược đãi cho đến cuối đời bởi Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Là kẻ hậu sinh, tôi biết Phan Khôi khi ông là dịch giả của bộ Kinh Thánh, từ đó đưa tôi vào lẽ thật, mà trong đó hai sách Thi thiênNhã ca được coi là tinh túy của toàn tập. Chỉ có tài văn thơ của ông kết hợp với kiến thức vừa thâm chữ Nho, vừa giỏi tiếng Pháp mới làm thăng hoa ý thơ trong Cựu ước, mang lại cảm hứng vô lường cho hàng triệu sinh linh khi hạt giống Tin lành nở rộ trên đất Việt, mà khởi đầu là đất Quảng Nam với những cửa khẩu Hội An, Đà Nẵng, những điểm tiếp thu các trào lưu văn hóa, tinh hoa thế giới, song hành giao lưu với các giá trị văn hóa, tín ngưỡng phương Đông. Có người nói lúc ra Hà Nội, chưa có việc làm nên ông dịch Kinh Thánh. Ông bảo dịch để học, không hiểu ông học dịch thuật hay học cái tinh túy của lẽ đạo, chỉ biết với lối dịch uyên bác và cách hành văn vừa trong sáng, bóng bảy, vừa mộc mạc, bình dân mang âm sắc quê ông, thì dù có ai hậu sinh được xếp vào bậc thầy cũng khó vượt qua. Kinh Thánh cũng được kể là một loại “Tân thư” mà nhờ hướng biển, người Nho sĩ duy tân xứ Quảng sớm có cơ hội tiếp thu và đem ra dịch để quảng bá rộng rãi cho nhiều người cùng đọc. Nhiều tín đồ ngoan đạo mang ơn ông về bản dịch tiếng Việt, nhờ nó mà họ được đọc, được học, được cảm nhận lời dạy của Đấng Cứu thế bằng ngôn ngữ mẹ, đưa ý văn, ý thơ, ẩn dụ, phép màu đi thẳng vào lòng người, nên trong số họ nhiều độc giả kể cả tôi đã cầu xin Đấng Chí tôn đưa ông vào nẻo thiên đàng dù ông là người ngoại đạo.

Là kẻ hậu sinh, tôi biết ông là tác giả bài thơ “Tình già” mở đầu cho phong trào Thơ Mới, một bước đột phá cho phong cách thi ca thoát ra khỏi sáo mòn, ước lệ, làm giàu cho ngôn ngữ Việt. Chỉ với một bài thơ, ông đã được coi là nhà thơ có hạng, chỉ với “Tình già” mà phong cách thơ ông có sức thuyết phục sau những xao động, phản hồi, bình phẩm của dư luận, để rồi theo dấu chân ông, nhiều tài năng chớm nở, nhiều tác phẩm ra đời với lời thơ rành rọt, ý thơ trong sáng, vẫn óng ánh như sương mai trên lá, vẫn thơm mát như hương bưởi bên vườn, góp phần làm phong phú cho lãnh vực thi ca hậu bán thế kỷ hai mươi. Nhớ lại hồi còn trẻ khi đọc bài này, chưa thấy hay, vì mải mê những áng thơ tình lãng mạn tuổi học trò, nay tuổi đời nhìn lại, đọc thơ tình già tôi mới thấy hết cái thâm thúy và cách tân của nó.

Là kẻ hậu sinh, tôi biết Phan Khôi là “người-hay-cãi”, luôn tranh luận về nhiều đề tài thuộc nhiều lãnh vực, nhưng chẳng phải là chuyện bá vơ, mà toàn là chuyện giúp ích dân sinh, nâng cao dân trí, gây kinh động một thời trong thi giới văn đàn, trên sân chơi chính luận, lấy diễn đàn làm nơi biện chứng, lấy quần chúng làm giới trọng tài, lấy lương tâm làm thước đo thiện chí, từ đó nảy sinh nhiều tư tưởng, xu hướng mới lạ trong thi ca (Thơ Mới, thơ cũ), trong ngôn ngữ (Quốc học), trong luân lý (Truyện Kiều), trong lối sống (Nho giáo), trong thể chế (phong kiến), trong tâm linh (duy vật, duy tâm)... nhằm tìm ra sự thật, khẳng định cho cái phương thức “tranh cãi là mẹ của chân lý” (nếu dân gian có câu “Quảng Nam hay cãi” thì chữ cãi cần hiểu theo nghĩa này). Nhờ ông mở màn, ra quân đọ bút mà quần chúng mới được biết thêm tài năng hùng biện, kỹ xảo biện luận, thi tứ bậc thầy của những cao thủ như Trương Tửu, Phạm Quỳnh, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, những Ngô Tất Tố, Tản Đà, Trần Trọng Kim, Trần Huy Liệu...

Là kẻ hậu sinh, tôi biết Phan Khôi là nhà văn, sở trường về truyện ngắn và ký sự. Ông hay đưa cái “thâm” của các vị đồ Nho vào cốt truyện, đặc biệt khi cần đả phá các hủ tục hay thói lạm dụng quyền lực của kẻ cầm quyền. Thậm chí trong một ký sự, ông dám ví von loại cỏ đuôi chó vùng biên giới để đổi thành “hoa cụ Hồ” khi loại hoa này nở rộ trên vùng Pắc Bó, sau khi Bác về nước. Ngòi bút của ông mạnh đến nỗi chỉ vì một truyện ngắn “Ông Năm Chuột” mà tờ báo văn học mang tên Văn mới ra số đầu đã bị đóng cửa, vì qua nhân vật Năm Chuột ông đã động đến lông chân các vị sâu dân mọt nước! Nhưng nói đến văn chương chữ nghĩa thì Phan Khôi vẫn là quán quân trong lãnh vực sưu tầm, trong bảo tồn, làm giàu cho ngữ Việt. Chẳng vậy mà trong những năm kháng chiến tại núi rừng Việt Bắc, dù trong các điều kiện kham khổ, thiếu thốn, ông vẫn miệt mài làm công tác nghiên cứu về ngữ học Việt Nam để tác phẩm cuối cùng là quyển Việt ngữ nghiên cứu kịp ra đời khi đất nước đình chiến. Quả không ngoa khi có người gán cho ông danh hiệu, “thợ cày trên cánh đồng chữ”, mà kẻ hậu sinh viết bài này xin dùng để vinh danh ông vì ông đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp xây dựng ngữ pháp Việt Nam nói riêng và ngôn ngữ Việt Nam nói chung. Người thợ cày Phan Khôi luôn gắn bó miệt mài với cánh đồng chữ, sới đất gieo trồng, kể cả lúc mưa sa gió táp, với hoài bão mang lại mùa gặt bội thu vì sự trong sáng của tiếng Việt.

© 2008 talawas