trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
19.8.2008
Robert Kagan
Moskva phải chịu trách nhiệm!
Phạm Toàn dịch
 
Ai đã làm gì để thúc đẩy cuộc đối đầu Nga – Gruzia bùng nổ? Vấn đề đó không quan trọng là mấy. Ta hãy cùng nhớ lại những chi tiết chính xác của cuộc khủng hoảng ở vùng Sudète dẫn tới cuộc xâm lăng nước Tiệp Khắc của nước Đức Quốc xã. Cuộc xung đột với nền tảng đạo đức nhập nhằng lần này xét ra cũng chỉ đáng là một tình tiết nhỏ con trong lòng một tấn kịch to lớn và quan trọng hơn nhiều.

Những gì còn đọng lại trong ký ức chúng ta về những biến cố tuần vừa qua cũng sẽ để lại cho chúng ta một cảm nghĩ tương tự. Cuộc chiến vừa qua chẳng hề có gốc gác là sự tính toán sai lầm của Tổng thống Gruzia Mikheïl Saakachvili. Bởi vì Moskva đã để tâm chọc cho cuộc chiến đó xảy ra từ ít lâu nay rồi.

Cái con người từng coi sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết như là "đại thảm họa địa-chính trị của thế kỷ (thứ 20)" và là con người đã phục hưng một chế độ gần như chế độ Nga hoàng ngày nay ở nước Nga đang gắng công đem lại cho đất nước của ông ta cái vị thế thống trị từng có trên khắp lục địa Á-Âu cũng như trên phần còn lại của thế giới. Vốn sẵn thế trong tay vì nguồn dầu mỏ và khí đốt, lại đang đứng đầu một cái gì như thể sự độc quyền cung cấp năng lượng cho châu Âu, dựa trên thế mạnh của một triệu binh lính, của hàng nghìn đầu đạn hạt nhân và là nước đứng thứ ba thế giới về ngân sách quận sự, Vladimir Putin cho rằng thời cơ đúng là đã tới để ông ta ra bài.

Nỗi đau khổ của Gruzia là do nó nằm ở điểm gẫy của một chuỗi điểm yếu địa-chính trị mới, chạy dài theo những đường biên phía Tây và Tây Nam nước Nga. Từ các quốc gia vùng biển Baltic qua miền Trung châu Âu và các nước vùng Balkan cho tới vùng Caucase và Trung Á, đã xuất hiện một cuộc chiến giành quyền lực mang tính địa-chính trị giữa một bên là nước Nga phục hận đang có sức bật mạnh với bên kia là Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ.

Ta khó có thể lý giải cuộc xâm lăng của Vladimir Putin chống lại Gruzia là vì nước này thèm gia nhập khối NATO hoặc vì Putin khó chịu khi thấy Kosovo tuyên bố độc lập. Trên tất cả mọi điều, ở đây có vấn đề ông ta muốn đánh trả lại các cuộc “cách mạng mầu” ở Ukraine năm 2003 và ở Gruzia năm 2004, khi ở hai nước này những chính quyền thân phương Tây thay thế các chính quyền thân Nga. Điều gì được phương Tây ca tụng như là thắng lợi của dân chủ thì lại được Vladimir Putin coi là một sự bao vây về hệ tư tưởng và về địa-chính trị.

Từ đó, ông ta tỏ ra quyết tâm ngăn chặn và khi có điều kiện thì lật ngược xu hướng thân phương Tây đang diễn ra nơi biên giới đất nước Nga. Ông ta không chỉ tìm cách ngăn chặn Gruzia và Ukraine gia nhập NATO mà còn tìm cách đặt những nước này dưới quyền kiểm soát của Nga. Ngoài ra, ông ta còn muốn tạo ra một vùng ảnh hưởng ngay ở bên trong Liên minh châu Âu, ngay cả khi phải bán rẻ nền an ninh của các nước nằm ở các vị trí chiến lược bên sườn nước Nga. Đó mới chính là động lực thiết yếu lý giải sự chống đối của Moskva với việc lắp đặt các hệ thống chống tên lửa của Mỹ tại Ba Lan và Cộng hòa Séc.


Ảnh hưởng của nước Nga

Cuộc tiến công chống Gruzia là một phần của đại chiến lược đó. Vladimir Putin đâu có quan tâm gì đến mấy nghìn người dân Nam Ossetia cũng như người dân Kosovo. Những đòi hỏi đoàn kết người Slave khắp nơi mới là những lý do khơi dậy cái chủ nghĩa dân tộc Nga ở bên trong nước Nga và sự mở rộng ảnh hưởng của Nga ra bên ngoài. Khốn thay, hình như những chiến thuật kiểu đó giờ đây vẫn còn có hiệu quả. Trong khi các máy bay Nga thả bom xuống các căn cứ và bến cảng của Gruzia, thì người châu Âu và người Mỹ, trong đó có cả những quan chức cao cấp của chính quyền Bush, lại trách cứ phương Tây là đã đòi hỏi nước Nga quá nhiều và trên quá nhiều điểm.

Đúng là phần lớn người Nga cảm thấy bị hạ nhục vì cung cách kết thúc Chiến tranh Lạnh, và Vladimir Putin đã thuyết phục được vô số người Nga rằng Boris Yeltsin và những người dân chủ Nga phải chịu trách nhiệm về sự đầu hàng phương Tây. Một không khí tương tự không phải là không gợi cho ta nhớ lại cảnh nước Đức sau Thế chiến thứ Nhất, khi người Đức nguyền rủa nhứng "điều khoản áp chế nhục nhã của Hòa ước Versailles" và trách cứ bọn chính khách hủ bại đã đâm dao nhọn vào sau lưng quốc gia.

Ngày nay, cũng như khi đó, người ta tìm cách thao túng những tình cảm ấy để biện minh cho sự chuyên chế bên trong đất nước và để ở bên ngoài thì thuyết phục các cường quốc phương Tây rằng đường lối chính trị hay ho nhất hạng ấy là hòa giải – hoặc dùng một ngôn từ được kính nể đã có từ xưa: hòa dịu.

Đúng là nước Nga, chứ chẳng phải là phương Tây cũng như nước Gruzia bé nhỏ, đã làm cho tình hình căng thẳng. Chính là Nga đã gây khó khăn ở Kosovo, nơi nó chẳng có chút quyền lợi ổn định nào ngoại trừ cái khối đoàn kết giữa những anh em người Slave do họ tuyên ngôn ra. Cũng chính là Nga đã làm rùm beng chuyện triển khai mấy quả tên lửa ở Ba Lan, điều hoàn toàn không thể làm nghiêng cán cân kho vũ khí to lớn của Nga, thành một cuộc đối đầu địa-chính trị. Và cũng vẫn là Nga đã thúc đẩy nhanh cuộc chiến tranh ở Gruzia nhằm khuyến khích bọn làm loạn ở Nam Ossetia và vẫn chính là Nga đã làm gia tăng căng thẳng với Tbilissi khi đưa ra những đòi hỏi không sao chấp nhận được với bất kỳ nhà lãnh đạo Gruzia nào.

Nếu như Mikheïl Saakachvili lần này không rơi vào bẫy của Vladimir Putin, thì cuộc xung đột sẽ được kích hoạt theo cách khác. Các nhà ngoại giao châu Âu và Mỹ cho rằng ông Saakachvili đã phạm một sai lầm khi gửi quân sang Nam Ossetia. Có thể lắm. Nhưng sai lầm thực sự và vô cùng to lớn của ông chính là đã đứng ra làm tổng thống một quốc gia nhỏ bé nằm ở biên giới cái nước Nga của ông Putin mà lại có nền tảng dân chủ và cuồng nhiệt thân phương Tây.

Các nhà sử học rồi sẽ coi ngày 8 tháng 8 như là một bước ngoặt cũng nghiêm trọng như ngày sụp đổ bức tường Berlin 9 tháng 11 năm 1989. Cuộc tiến công của nước Nga vào lãnh thổ nước Gruzia độc lập đã đánh dấu sự quay trở lại chính thức của lịch sử, thậm chí là sự quay lại phong cách đối đầu giữa các cường quốc được gợi ra từ thế kỷ XIX dựa trên cái nền chủ nghĩa dân tộc bất kham, là sự đối đầu giữa các quốc gia vì những nguồn lực tự nhiên, là những cuộc đánh nhau để phân chia các vùng ảnh hưởng và các lãnh thổ, và ngay cả việc dùng quân sự để giải quyết những mục đích địa-chính trị.

Công cuộc toàn cầu hóa, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, xây dựng Liên minh Âu châu và những nỗ lực khác nữa nhằm xây dựng một trật tự quốc tế tốt đẹp hơn, hẳn là vẫn sẽ được tiếp tục tiến hành. Những những nỗ lực đó sẽ vấp phải những thực tại khắc nghiệt trên trường quốc tế vẫn tồn tại dai dẳng từ đời nảo đời nào và lúc lúc lại trỗi dậy. Tốt nhất là hãy để cho ông Tổng thống Hoa Kỳ sắp được bầu ra sẽ sẵn sàng để đương đầu với chúng.

Bản tiếng Việt © 2008 talawas
Nguồn: Dịch theo bản tiếng Pháp, bài in trên tờ Le Monde số ra ngày 15-8-2008. Bài viết bằng tiếng Anh đăng trên The New York Times, do Christine Vivier dịch sang tiếng Pháp. Tác giả Robert Kagan là nhà nghiên cứu chính trị tại Trung tâm Carnegie Endowment for International Peace.